ĐÁNH GIÁ CỦA SINH VIÊN VỀ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN HIỆU QUẢ HỌC TẬP BẰNG HÌNH THỨC TRỰC TUYẾN (ONLINE) TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Danh Nghĩa1, Trần Hoàng Cẩm Tú2
1,2Khoa Quản trị Kinh Doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Email: thctu@ntt.edu.vn
Tóm tắt: Sự bùng nổ của thời đại 4.0 đã mang lại những thay đổi lớn trong hoạt động quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: thương mại, công nghiệp, dịch vụ, y tế,….Điển hình nhất là trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh hình thức học tập trực tiếp tại các cở sở, trường học thì hình thức học tập trực tuyến đã được phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho phía nhà trường cũng như sinh viên. Đây là một hình thức học tập giúp tiết kiệm thời gian cũng như giải quyết vấn đề về rào cản địa lý, bởi quá trình trao đổi, giao tiếp giữa người dạy và người học đều được thực hiện thông qua mạng Internet và các chức năng đa phương tiện. Thông qua khảo sát hơn 100 sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh, Bài nghiên cứu cho thấy mục tiêu tổng quát nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả học tập bằng hình thức trực tuyến (online) của sinh viên. Kết quả nghiên cứu cho thấy bản thân sinh viên và công nghệ có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả của phương thức đào tạo này. Ngoài ra, tác giả còn đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến.
Từ khóa: Covid-19, học trực tuyến, online, e-learning, công nghiệp 4.0.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
1.1. Giới thiệu
Sự bùng nổ của thời đại 4.0 đã mang lại những thay đổi lớn trong hoạt động quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: thương mại, công nghiệp, dịch vụ, y tế,….Điển hình nhất là trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh hình thức học tập trực tiếp tại các cở sở, trường học thì hình thức học tập trực tuyến đã được phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho phía nhà trường cũng như sinh viên. Đây là một hình thức học tập giúp tiết kiệm thời gian cũng như giải quyết vấn đề về rào cản địa lý, bởi quá trình trao đổi, giao tiếp giữa người dạy và người học đều được thực hiện thông qua mạng Internet và các chức năng đa phương tiện.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, hầu hết các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đang thực hiện các biện pháp dãn cách toàn xã hội nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, mọi hoạt động lĩnh vực đều phải tạm ngưng. Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019 cho đến nay, đã gây ra không ít khó khăn, thách thức cũng như những thay đổi lớn trong đời sống, kinh tế xã hội ở các quốc gia bị chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hầu hết các hoạt động, lĩnh vực đều phải dừng lại. Trong đó, giáo dục được đánh giá là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo tổ chức UNESCO, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến ngày 08/04/2020, trên thế giới có gần 1,6 tỉ học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng, 188 quốc gia buộc phải đóng cửa các trường học trên toàn quốc, gây tác động đến 91.3% tổng số học sinh, sinh viên trên toàn thế giới. Như các quốc gia khác,Việt Nam cũng phải gánh chịu những tác động nặng nề mà đại dịch COVID-19 đã gây ra cho kinh tế xã hội cũng như hoạt động giáo dục tại Việt Nam. Cụ thể, khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh vào tháng 3 năm 2020, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, tất cả các trường học tại 63 tỉnh, thành đều cho học sinh, sinh viên tạm ngưng đến trường.
Nhưng để đảm bảo cho quá trình học tập của học, sinh viên không bị gián đoạn cũng như đảm bảo chất lượng, hầu hết các trường trên cả nước đã chuyển đổi từ việc học tập trực tiếp tại trường sang hình thức học trực tuyến (online) tại nhà. Tuy nhiên trực thực tế, việc học tập thông qua hình thức trực tuyến (online) cũng gây ra không ít khó khăn, rào cản cho học sinh, sinh viên cũng như nhà trường. Chẳng hạn như về không gian học tập của học sinh, sinh viên (bị làm phiền bởi người thân, gò bó,…), bên cạnh đó là yếu tố tâm lý (khó tập trung, thiếu động lực học,…), ngoài ra việc tương tác giữa giảng viên và học viên không có nhiều khiến cho các buổi học trở nên kém thu hút, kém sôi động so với các buổi học trực tiếp tại trường. Bên cạnh đó việc quan tâm đến cảm nhận, phản hồi đánh giá cũng như sự hài lòng của sinh viên về hình thức học tập này là điều rất quan trọng và đáng lưu tâm nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như khắc phục những mặt hạn chế nếu có. Bài nghiên cứu cho thấy mục tiêu tổng quát nhằm “Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả học tập bằng hình thức trực tuyến (online) của sinh viên”. Trên hết việc “Sinh viên đánh giá như thế nào về các yếu tố gây ảnh hưởng đến hiệu quả học tập bằng hình thức trực tuyến?” và “Nguyên nhân tạo nên những yếu tố đó là gì?” cũng là mục tiêu chính mà đề tài nghiên cứu hướng đến, ngoài ra việc đưa ra giải pháp khắc phục những yếu tố hạn chế đó nhằm cải thiện chất lượng giáo dục cũng là một mục tiêu quan trọng và đáng quan tâm.
1.2. Khái niệm
1.2.1. Học tập trực tuyến
Theo nghiên cứu của Howlett và nnk. (2009), học tập trực tuyến là sử dụng công nghệ và phương điện tử để học tập và giảng dạy nhằm cung cấp nội dung bài học, giáo viên và người học có sự hỗ trợ và tăng cường giao tiếp trong quá trình học tập.
Theo nghiên cứu của Clark và Mayer (2016) đã nêu định nghĩa e-Learning là hình thức hỗ trợ học tập bằng các thiết bị kỹ thuật số.
Theo nghiên cứu của Trịnh Văn Biều (2012), e-Learning dùng để miêu tả việc học tập, giáo dục dựa trên công nghệ thông tin. Theo cách hiểu khác e-Learning là kiểu dạy mà quá trình giao tiếp được thực hiện thông qua các hình thức như: e-mail, hội thảo video, thảo luận trực tuyến,…về các tài liệu, nội dung học tập sẽ được gửi thông qua các thiết bị điện tử hoặc có thể thu từ CD, video,…
1.2.2. Nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy trực tuyến
Theo nghiên cứu của Lê Hữu Nghĩa và nnk. (2021), sau khi tham gia khảo sát thì đa số sinh viên cho rằng “chất lượng âm thanh và chất lượng hình ảnh truyền tải” là hai yếu tố tác động cần được quan tâm đối với hình thức dạy học trực tuyến này, còn về phía giảng viên thì cũng cho rằng “chất lượng hình ảnh truyền tải” là một vấn đề hạn chế và đáng lưu tâm bên, cạnh đó là “khả năng tương tác giữa giảng viên và sinh viên”.
Theo nghiên cứu của Lakbala (2016), tác giả đã nhận định quyền truy cập vào máy tính thường bị hạn chế bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng thấp kém cũng là những rào cản mà các nhà giáo dục đang gặp phải trong quá trình giảng dạy bằng hình thức trực tuyến ở một số quốc gia có mức thu nhập thấp như I-ran.
1.3. Tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước
1.3.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước
Theo nghiên cứu của Phan Chí Thanh (2018), Cách mạng Công nghiệp 4.0 phát triển đồng thợi tạo ra nhiều thách thức lớn cho ngành giáo dục. Đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ về các yêu cầu mới về năng lực nhân sự, khoa học công nghệ và cả về tri thức.
Theo nghiên cứu của Lê Văn Toán và Trương Thị Diễm (2020), rào cản, thách thức lớn nhất đối với E-learning đó chính là “khoa học công nghệ”. Ngoài ra, nội dung giảng dạy cũng cần phải có một chất lượng cao hơn nhưng đồng nghĩa với việc tốn nhiều công sức hơn.
1.3.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu ngoài nước
Theo nghiên cứu của Ali và nnk (2018), xác định có 68 yếu tố gây cản trở trong hoạt động giảng dạy bằng hình thức trực tuyến. Trong đó, chất lượng phần mềm, công nghệ là cũng là một yếu tố chính có ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy trực tuyến.
Theo nghiên cứu của Musa và Othman (2012), đã xác định công nghệ là yếu tố quan trọng nhất trong 4 yếu tố chính: người học, người dạy, cung cấp tài liệu học tập và công nghệ.
1.4. Mô hình nghiên cứu đề xuất
Hình 1 – Mô hình nghiên cứu đề xuất (Nguồn: nhóm tác giả tổng hợp)
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Quy trình nghiên cứu
Quá trình nghiên cứu đã được thực hiện đúng trình tự bao gồm 4 bước nghiên cứu:
- Bước 1: Tổng quan về mục tiêu và mô hình nghiên cứu, thiết kế bảng khảo sát
- Bước 2: Tiến hành pilot test và điều chỉnh bảng khảo sát
- Bước 3: Tiến hành khảo sát chính thức, kiểm tra và phân tích dữ liệu thu được
- Bước 4: Tổng kết lại quá trình nghiên cứu
Dựa trên mục tiêu và các câu hỏi nghiên cứu được xác định từ đầu cũng như dựa vào những nghiên cứu cơ sở lý thuyết, khung nghiên cứu trước đó để xác định nội dung nghiên cứu và tiến hành tạo bảng khảo sát. Tiếp đó, phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng sẽ được áp dụng để tiến hành phân tích, với pilot test là 30 đại diện từ các sinh viên đã từng học trực tuyến (online) tại thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra độ ổn định của bảng hỏi nghiên cứu để sau đó tiến hành điều chỉnh những sai xót nếu có, nhằm hoàn thiện bảng hỏi trước khi tiến hành đưa vào khảo sát chính thức. Và sau đó, kết quả khảo sát chính thức sẽ được phân tích bằng phần mềm hỗ trợ SPSS 20.
2.2. Thiết kế bảng khảo sát
Bảng khảo sát được thiết kế dựa vào 3 yếu tố đã được phân tích trước đó. Trừ phần thông tin cá nhân ra thì tất cả các câu hỏi khảo sát đều được thiết kế dựa trên thang đo Likert 5 điểm, gồm 1 là “hoàn toàn không đồng ý”, 2 là “không đồng ý”, 3 là “bình thường”, 4 là “đồng ý”, và 5 là “hoàn toàn đồng ý”. Các câu hỏi trong phần thông tin chung bao gồm giới tính, sinh viên năm mấy, đang là sinh viên của trường nào và đang theo học ngành nào cuối cùng là số lượng môn học đã học bằng hình thức trực tuyến (online). Bảng hỏi chính thức được thiết kế bằng tiếng Việt vì hầu hết các đối tượng phỏng vấn là sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh.
2.3. Đối tượng nghiên cứu và cỡ mẫu
Đối tượng nghiên cứu: Những sinh viên đã từng học tập bằng hình thức trực tuyến (online) tại thành phố Hồ Chí Minh
Trong bài nghiên cứu của nhóm, tác giả lựa chọn 3 yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả học tập bằng hình thức trực tuyến (online) của sinh viên, mỗi yếu tố sẽ có ít nhất 6 biến quan sát. Theo (Hair & nnk., 2011), mỗi cỡ mẫu sẽ cần những số lượng mẫu khác nhau để phân tích. Do đó, tác giả đã đề xuất ra cỡ mẫu như sau:
Dựa trên phân tích nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis):
- Kích thước mẫu tối thiểu dự kiến: n = 5*m (m là số lượng biến quan sát trong bài).
- n =95.
Mẫu phân tích thu về được kết quả thỏa với 3 yếu tố chính và 19 câu hỏi trong bảng khảo sát nghiên cứu. Bên cạnh đó, số lượng mẫu để phục vụ cho bài nghiên cứu này dự kiến sẽ từ 100 sinh viên đã từng học trực tuyến (online) tại thành phố Hồ Chí Minh.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Đặc điểm đối tượng khảo sát
Dựa vào số liệu được thể hiện trong bảng 1, có thể thấy tỷ lệ nam và nữ có phần chênh lệch khá nhiều với tỷ lệ nam giới chiếm 72.3% còn tỷ lệ nữ giới chỉ chiếm 26.7% và 1.0% còn lại là giới tính khác. Ngoài ra, số lượng môn học mà các sinh viên đã học bằng hình thức trực tuyến. Trong đó, có 48.5% sinh viên đã từng học 5 cho đến 10 môn bằng hình thức trực tuyến, 34.7% sinh viên đã học trên 10 môn và 16.8% sinh viên còn lại đã từng học từ 1 cho đến 5 môn bằng hình thức trực tuyến (online). Điều này cho thấy sinh viên đã được tiếp cận cũng như sử dụng phương pháp học trực tuyến cho hầu hết các môn học của mình. Qua thống kê cũng có thể thấy sinh viên có đủ cảm nhận cũng như đánh giá của bản thân cho hình thức học tập trực tuyến (online).
Bảng 1 Thông tin chung về đối tượng khảo sát
Đặc điểm nhân khẩu học | Tỉ lệ (%) | |
Giới tính | Nam | 72.3% |
Nữ | 26.7% | |
Khác | 1.0% | |
Số lượng môn học trực tuyến | 1-5 | 16.8% |
6-10 | 48.5% | |
>10 | 34.7% |
3.2. Kết quả phân tích Cronbach Alpha
Các mẫu khảo sát sau khi đã được thu thập đều được kiểm tra, đánh giá lại để đảm bảo chất lượng trước khi tiến hành các bước tiếp theo. Hơn 100 mẫu khảo sát đã được chấp nhận và được tiến hành mã hóa, các dữ liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0 với các công cụ. Trước tiên, dữ liệu khảo sát được kiểm tra độ ổn định (reliability test) được đo lường và đánh giá thông qua giá trị Cronbach’s alpha. Kết quả kiểm tra độ ổn định cho thấy giá trị Cronbach’s alpha của 4 yếu tố đều từ 0,695 đến 0,961. Như vậy, 4 yếu tố này đều có thang đo lường tốt và bộ câu hỏi có độ tin cậy cao, độ ổn định, có tính nhất quán trong quá trình nghiên cứu, ngoài ra bảng 2 còn cho thấy các biến quan sát của các yếu tố còn có quan hệ chặt chẽ và tương quan tốt. Sau khi các yếu tố đã thỏa điều kiện Cronbach’s alpha sẽ được tiến hành đưa đi phân tích yếu tố khám phá (EFA) để đánh giá sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các yếu tố với các biến thành phần và phân tích hồi quy.
Bảng 2 Giá trị Cronbach’s alpha (khảo sát chính thức)
Yếu tố | Giá trị Cronbach’s alpha | Số lượng biến |
Giảng viên | 0,951 | 7 |
Sinh viên | 0,926 | 6 |
Công nghệ | 0,961 | 6 |
Hiệu quả học tập | 0,695 | 3 |
3.3. Kết quả phân tích EFA
Sau khi tham khảo tài liệu cũng như ý kiến của các bạn sinh viên tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, có 19 biến đã được nhất quán và đưa vào khảo sát chính thức. Sau khi phân tích EFA lần thứ 5, kết quả được tổng hợp trong bảng 3. Với 10 biến quan sát được sử dụng để đo lường với thang đo Likert 5 điểm và được chia thành 2 nhóm yếu tố. Hệ số KMO là 0.944 và giá trị Barllet ở mức 0.000 <0.05. Ngoài ra, giá trị tổng phương sai trích là 75.455% >50%, thỏa mãn điều kiện và có thể hiểu rằng 4 yếu tố này giải thích 75.455% biến thiên của dữ liệu. Bên cạnh đó, giá trị hệ số Eigenvalues của các yếu tố đều cao ( >1 ). Kết quả phân tích yếu tố lần 5 cho thấy hệ số tải của 10 biến như bảng 3 các hệ số tải yếu tố đều lớn hơn 0.5, và không có trường hợp biến nào cùng lúc tải lên cả hai yếu tố với hệ số tải gần nhau nên các yếu tố đảm bảo được giá trị hội tụ và phân biệt khi phân tích EFA. Tuy nhiên, do có sự xáo trộn các yếu tố nên sau khi phân tích yếu tố lần 5 nên có 2 yếu tố mới được tạo thành bao gồm: “sinh viên” và “công nghệ”.
Bảng 3 Hệ số tải của các yếu tố tác động đến hiệu quả học tập trực tuyến của sinh viên
Biến quan sát | Hệ số tải | |
1 | 2 | |
Yếu tố 1: Công nghệ | ||
CN4: Hệ thống e-learning cung cấp nhiều hoạt động học tập | .899 | |
CN3: Tôi có thể quản lý hệ thống e-learning một cách dễ dàng | .893 | |
CN2: Hệ thống e-learning cung cấp nhiều thông tin hữu ích | .825 | |
CN1: Hệ thống e-learning rất dễ sử dụng | .815 | |
GV3: Giảng viên cung cấp tài liệu kịp thời trên hệ thống | .749 | |
Yếu tố 2: Sinh viên | ||
SV5: Tôi có sự tương tác tốt với giảng viên trong quá trình học trực tuyến | .877 | |
SV6: Tôi có sự chủ động trao đổi với giảng viên sau các buổi học | .864 | |
SV4: Tôi luôn tập trung trong quá trình học trực tuyến | .793 | |
SV3: Tôi có tinh thần tự giác trong quá trình học trực tuyến | .741 | |
SV2: Tôi có kỹ năng sử dụng máy tính tốt | .629 |
3.3 Kết quả phân tích hồi qui đa biến
Kết quả phân tích hồi quy đa biến là giá trị phản ánh mức độ ảnh hưởng của biến độc lập lên biến phụ thuộc, giá trị R bình phương hiệu chỉnh (Adjusted R square) trong bảng 4 là 0.500 có thể hiểu là hai biến độc lập đưa vào (“công nghệ” và “sinh viên”) ảnh hưởng 50% sự thay đổi với sự biến thiên của biến phụ thuộc “hiệu quả học tập trực tuyến của sinh viên”, còn lại là 50% là do các biến ngoài mô hình, số lượng mẫu chưa đủ lớn và sai số ngẫu nhiên.
Bảng 4 Model Summary
Model | R | R Square | Adjusted R Square | Std. Error of the Estimate |
1 | .707a | .500 | .490 | .62341 |
Ngoài ra cần phải xem xét giá trị Sig của kiểm định F nhằm kiểm tra xem mô hình hồi quy tuyến tính có suy rộng và có thể áp dụng được cho tổng thể hay không. Cụ thể kết quả giá trị Sig của kiểm định F là 0.000 (SV) và 0.024 (CN) < 0.05. Do đó, có thể kết luận mô hình hồi quy tuyến tính được xây dựng đã phù hợp với tổng thể. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu thêm các giá trị về: hệ số hồi quy chuẩn hóa Beta, giá trị Sig và giá trị VIF ở bảng 5.
Bảng 5 Coefficients
Model | Unstandardized Coefficients | Standardized Coefficients | t | Sig. | Collinearity Statistics | |||
B | Std. Error | Beta | Tolerance | VIF | ||||
CN | .221 | .097 | .250 | 2.285 | .024 | .426 | 2.347 | |
SV | .493 | .108 | .499 | 4.559 | .000 | .426 | 2.347 |
Theo (Tabachnick & Fidell, 2001) khuyến cáo rằng đối với các hệ số r nếu quá cao, cụ thể nếu lớn hơn 0.7 cần phải cân nhắc vì có thể sẽ xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Vì vậy, cần phải xem xét giá trị VIF để kiểm tra xem có xảy hiện tượng đa cộng tuyến hay không. Theo (Daoud, 2017), các nghiên cứu có mô hình nghiên cứu và bảng hỏi sử dụng thang đo Likert Scale, nếu VIF <2 sẽ không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến, và nếu hệ số VIF này có giá trị >10 thì chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến, trong trường hợp 1<VIF< 5 thì một biến độc lập nhất định sẽ có sự tương quan vừa phải với các biên độc lập khác trong mô hình và có thể sẽ xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến, tuy nhiên mức độ này thường là không nghiêm trọng. Trong bảng 5, giá trị VIF là 2.347 nên vẫn có thể chấp nhận để tiến hành phân tích các bước tiếp theo. Trước tiên là giá trị Sig kiểm định (t) từng biến độc lập, nếu giá trị Sig bằng hoặc thấp hơn 0.05 điều đó cho biết biến đó có ý nghĩa trong mô hình (Pallant, 2005). Kết quả trong bảng 5 cho thấy giá trị Sig của biến CN (0.024) và SV (0.000) đều <0.05 nên cả hai biến này đều có ý nghĩa trong mô hình. Bên cạnh đó, hệ số hồi quy chuẩn hóa Beta của biến “SV” đạt giá trị cao nhất 0.499 cho thấy biến “sinh viên” có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự thay đổi của biến “HQ”. Còn đối với biến “CN” có hệ số Beta nhỏ hơn một chút 0.250 cho thấy biến “công nghệ” vẫn có ảnh hưởng đến biến “HQ” nhưng không nhiều. Do đó, phương trình hồi quy chuẩn hóa có thể viết như sau:
HQ = .499 (SV) + .250 (CN)
Trong đó:
HQ: Hiệu quả học tập trực tuyến.
SV: Sinh viên đối với hiệu quả học tập trực tuyến.
CN: Công nghệ đối với hiệu quả học tập trực tuyến.
Sơ đồ nhánh về mối tương quan giữa SV và CN và HQ được biểu diễn cụ thể như sau:
Hình 2: Sơ đồ nhánh mô hình sinh viên và công nghệ đối với hiệu quả học tập trực tuyến
4. KẾT LUẬN
Như vậy, từ kết quả nghiên cứu vừa qua đã giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn hơn về hiệu quả giảng và dạy học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục trong thời gian gần đây đặc biệt là trong giai đoạn diễn ra đại dịch COVID-19. Mặc dù, mô hình dạy học trực tuyến còn khá mới mẻ và còn nhiều bỡ ngỡ đối với một số bộ phận sinh viên, nhưng bằng khả năng nhạy bén và thích nghi tốt của giảng viên cũng như sinh viên đã và đang mang lại một mô hình học tập từ xa lạ dần trở nên phổ biến hơn đồng thời nhận về những phản ứng tích cực hơn. Tuy nhiên trong bài nghiên cứu cũng cho thấy những mặt hạn chế vẫn đang tồn tại. Và để có thể giải quyết những hạn chế đó, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị về các khía cạnh cần chú trọng sau:
Về phía nhà trường: Nhà trường cần hỗ trợ cũng như trao dồi các kỹ năng tin học, khả năng sử dụng hiệu quả các phần mềm hỗ trợ học tập trực tuyến như E-learning, LMS, Google Meet, Zoom,.. bằng các video hướng dẫn. Bên cạnh đó nhà trường cần có biện pháp nâng cấp hệ thống công nghệ, đường truyền và văn phòng hỗ trợ trực tuyến cho sinh viên. Đồng thời việc sắp xếp thời gian biểu phải phù hợp để sinh viên có thể thuận tiện tham gia.
Về phía giảng viên: Để phù hợp thì giảng viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, tìm cách và đảm bảo cho sinh viên đáp ứng tốt được khả năng tổ chức và học tập theo nhóm nhằm đảm bảo khả năng giao tiếp cho sinh viên và cần chấn chỉnh những nhóm làm việc kém hiệu quả. Bên cạnh đó giảng viên cần chuẩn bị bài giảng sinh động, hấp dẫn, phù hợp giúp mở rộng tư duy sáng tạo cho sinh viên và các bài giảng phải được cập nhật liên tục và đầy đủ lên hệ thống, đồng thời cần nâng cao mức độ tương tác giúp sinh viên có cảm hứng học tập hơn, không bị nhàm chán.
Về phía sinh viên: Trước tiên sinh viên cần chuẩn bị tốt cho mình về công nghệ như: trang thiết bị hỗ trợ học tập, đường truyền Internet đủ mạnh, kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ, tìm hiểu và khai thác tốt các trang điện tử hỗ trợ học tập. Đồng thời xây dựng cho bản thân một tinh thần tự giác, chủ động trong quá trình học tập. nên chọn những góc học tập riêng tư không bị làm phiền bởi người thân cũng như các tiếng ồn xung quanh để có thể tập trung cao trong quá trình học. Sinh viên cần tích cực thảo luận nhóm đồng thời phải nâng cao khả năng tương tác với giảng viên bằng các câu hỏi. Bên cạnh đó sinh viên cần chủ động trong việc đăng ký và quản lý tốt lịch học của mình, cần sắp xếp thời gian biểu một cách phù hợp tránh ảnh hưởng đến quá trình học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngoài nước
.[1] Howlett, D., Vincent, T., Gainsborough. N., Fairclough, J., Taylor, N., & Vincent, 2009. Integration of a CaseBased Online Module into an Undergraduate Curriculum: What is involved and is it effective? Online Learning, 6 (4), 372-384.
.[2] Ruth C. Clark, & Richard E. Mayer, 2016. E‐Learning and the Science of Instruction: Proven Guidelines for Consumers and Designers of Multimedia Learning. Fourth Edition
.[3] Parvin Lakbala, 2016. Barriers in Implementing E-Learning in Hormozgan University of Medical Sciences. Global Journal of Health Science, 8 (7), 83-91.
.[4] Samnan Ali, M. Amaad Uppal, & Stephen R. Gulliver, 2018. A conceptual framework highlighting e-learning implementation barriers. Information Technology & People, 156-180
.[5] Mahdi Alhaji Musa, & Mohd Shahizan Othman, 2012. Critical success factor in e-learning: an examination of technology and student factors, International Journal of Advances in Engineering & Technology, 3 (2), 140-148
.[6] Balakrishnan, R., Wason, M., Padaria,R. N., Singh, P. and Varghese, E. (2012), An analysis of constraints in e-learning and strategies for promoting e-learning among farmers, Economic Affairs, 59(186), 727–734.
.[7] Wong, D. (2007), A critical literature review on e-learning limitations, Journal for the Advancement of Science and Arts, 2(1), 55–62.
Trong nước
.[1] Trịnh Văn Biều, 2012. Một số vấn đề về đào tạo trực tuyến (E-learning). Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, số 40
.[2] Lê Hữu Nghĩa và đồng tác giả, 2021. Đánh giá của giảng viên và sinh viên về chất lượng phần mềm và hiệu quả dạy – học trực tuyến mùa dịch covid-19 tại Khoa Y học Cổ truyền Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Tập 18, Số 2 (2021): 358-367. ISSN: 1859-3100.
.[3] Phan Chí Thành, 2018. Cách mạng công nghiệp 4.0 – Xu thế phát triển của giáo dục trực tuyến. Tạp chí Giáo dục, số 421, tr 43-46.
.[4] Lê Văn Toán, Trương Thị Diễm, 2020. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến trong giáo dục đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt kỳ 2 tháng 5/2020, tr 33-36 ISSN.