CHUYỂN ĐỔI SỐ – ĐÒN BẨY THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
Tăng Thị Bích Hiền
Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Nguyễn Tất Thành
Email: tbhien2020@gmail.com
Tóm tắt
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phổ biến trong hoạt động sản xuất -kinh doanh bởi tính hiệu quả của nó trong việc hỗ trợ tiết kiệm thời gian và gia tăng hiệu quả làm việc. Trước tiên chúng ta cần nhìn nhận chính xác AI là gì, những lợi ích và ứng dụng trong đời sống xã hội để thấy được tầm quan trọng của nhu cầu chuyển đổi số tại doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: AI, big data, chuyển đổi số
1. GIỚI THIỆU
Nền tảng thực hiện chuyển đổi số của Marketing là AI và Big data. Công nghệ AI (Artificial Intelligence) nghĩa là trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo, là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science) được John McCarthy – nhà khoa học máy tính người Mỹ đề cập lần đầu tiên vào những năm 1950 nhưng đến ngày nay thuật ngữ trí tuệ nhân tạo mới thực sự được biết đến rộng rãi với sự tham chạy đua phát triển của các công ty công nghệ. AI là công nghệ sử dụng kỹ thuật số có khả năng thực hiện những nhiệm vụ mà bình thường phải cần tới trí thông minh của con người. Đặc trưng của công nghệ này là năng lực “tự học” của máy tính nên có thể tự phán đoán, phân tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người đồng thời có khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn và tốc độ cao. Dự báo trong tương lai GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng cao hơn với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo trong nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Hiện nay, nó đã xuất hiện trong nhiều ngành từ cung cấp dịch vụ mua sắm ảo và ngân hàng trực tuyến đến giảm chi phí đầu tư trong sản xuất và hợp lý hóa chẩn đoán trong chăm sóc sức khỏe cũng như cải tiến cải cách hành chính hiệu quả. AI đã thúc đẩy hầu hết các ngành công nghiệp tiến lên và thay đổi cuộc sống của nhiều người. Công nghệ này được chia thành 3 hướng chính là (a) Kỹ thuật AI (AI Technique): các mô hình tính toán và thống kê tiên tiến như học máy, logic mờ và hệ thống cơ sở tri thức cho phép tính toán, nhiệm vụ do con người thực hiện; (b) Ứng dụng chức năng của trí tuệ nhân tạo (AI functions application): chẳng hạn như thị giác máy tính (computer vision) có thể chứa một hoặc nhiều kỹ thuật trí tuệ khác nhau; (c) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo theo lĩnh vực (AI Application field ): sử dụng các kỹ thuật hoặc ứng dụng trí tuệ nhân tạo chức năng trong các lĩnh vực, ngành nghề cụ thể như giao thông vận tải, nông nghiệp, khoa học đời sống, y tế …
Big data nghĩa là dữ liệu lớn. Đó là dữ liệu có chứa nhiều loại dữ liệu hơn, đến với khối lượng ngày càng tăng và với tốc độ nhanh hơn. Nói Nói một cách đơn giản, dữ liệu lớn là các tập dữ liệu lớn hơn, phức tạp hơn, đặc biệt là từ các nguồn dữ liệu mới. Những tập dữ liệu này quá lớn đến nỗi phần mềm xử lý dữ liệu truyền thống không thể quản lý chúng. Nhưng khối lượng dữ liệu khổng lồ này có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề kinh doanh mà trước đây bạn không thể giải quyết. Big data được quyết định bởi (a) Khối lượng: số lượng dữ liệu. Với dữ liệu lớn, bạn sẽ phải xử lý khối lượng lớn dữ liệu phi cấu trúc, mật độ thấp. Đây có thể là dữ liệu có giá trị không xác định, chẳng hạn như nguồn cấp dữ liệu từ các trang mạng xã hội, dòng nhấp chuột trên trang web hoặc ứng dụng dành cho thiết bị di động hoặc thiết bị hỗ trợ cảm biến. Độ lớn có thể là hàng chục terabyte cho đến hàng trăm petabyte; (b) Tốc độ: tốc độ nhanh chóng mà dữ liệu được nhận và (có thể) được thực hiện. Thông thường, tốc độ cao nhất của luồng dữ liệu trực tiếp ghi vào bộ nhớ so với được ghi vào đĩa. Một số sản phẩm thông minh hỗ trợ internet hoạt động trong thời gian thực hoặc gần thời gian thực và sẽ yêu cầu đánh giá và hành động theo thời gian thực; (c) Sự đa dạng: Sự đa dạng đề cập đến nhiều loại dữ liệu có sẵn. Các kiểu dữ liệu truyền thống được cấu trúc và phù hợp với cơ sở dữ liệu. Với sự gia tăng của dữ liệu lớn, dữ liệu xuất hiện trong các kiểu dữ liệu phi cấu trúc mới. Các kiểu dữ liệu không cấu trúc và bán cấu trúc, chẳng hạn như văn bản, âm thanh và video, cần phải xử lý trước khi gộp vào dữ liệu chung.
Vì khối dữ liệu quá lớn nên việc triển khai big data sẽ gặp những trở ngại bao gồm thu nhận dữ liệu, lưu trữ dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, chuyển giao, cập nhật… Điều quan trọng là ứng dụng của big data có mặt ở khắp mọi nơi trong các xu hướng công nghệ ảo hóa mới nhất. Ví dụ như trong một mảng sản xuất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những công nghệ mới như big data hay cloud computing sẽ giúp cảnh báo sớm sản phẩm lỗi, giúp rất nhiều cho việc nắm bắt xu thế trong kinh doanh, nghiên cứu khoa học, dự đoán để phòng tránh các dịch bệnh sắp phát sinh,..
2. ÁP DỤNG AI VÀ BIG DATA TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
Trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động nhưng những công ty ứng dụng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tăng trưởng. COVID-19 là thời cơ để các doanh nghiệp vận hành nền tảng số khai thác tối đa sự hỗ trợ của công nghệ số giúp các công ty nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường và cắt giảm được bộ máy nhân sự cồng kềnh. IDC dự báo, tới năm 2022, 65% GDP toàn cầu sẽ đến từ số hóa (Khương Nha, 2022). Chuyển đổi số Việt Nam đang diễn ra trên quy mô rộng khắp. AI và big data cần dữ liệu để thực hiện các phân tích và dự báo nên các công ty công nghệ đang thu thập dữ liệu người dùng nhiều hơn hầu hết các ngành khác. Chất lượng dữ liệu mà AI thu thập được mới chính là yếu tố giúp nâng hệ thống lên một tầng cao mới. Các ứng dụng AI đang ngày càng phổ biến ví dụ như trợ lý ảo (AI BOT) thế hệ mới ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo với khả năng tương tác thông minh, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, chính xác. AI BOT có khả năng tự học – phát triển liên tục, thấu hiểu và nhận diện cảm xúc do đó khi tích hợp vào hệ thống chăm sóc khách hàng nó sẽ mang đến trải nghiệm tốt hơn trên không gian số. Khi nhận được câu hỏi từ khách hàng, nó có thể tự nhận thức và phân tích từ khóa để đưa ra câu trả lời với tốc độ phản hồi rất nhanh gần như tức thì và có thể hoạt động 24/7 và không ngừng học hỏi, hoàn thiện qua những lần hỗ trợ khách hàng để dần trở nên thông minh, giống con người hơn. Khi công ty phát triển thì lượng khách hàng sẽ tăng lên theo thời gian đặt ra yêu cầu cần chăm sóc, hỗ trợ khách hàng chu đáo, kịp thời đòi hỏi nhiều nhân viên trong khi các công ty đa phần không đủ nhân lực. Giải pháp sử dụng AI sẽ hỗ trợ và thay thế nhân viên chăm sóc khách hàng vì nó có thể thực hiện các cuộc đối thoại tự động (chatbot) như với người thật và liên tục 24/7 giúp doanh nghiệp xử lý được số lượng lớn các cuộc gọi hàng tháng để tư vấn và giải đáp thắc mắc của khách hàng làm tăng năng suất, giảm đáng kể chi phí nhân sự và viễn thông. AI có thể phân tích dữ liệu theo thời gian thực, đưa ra các chỉ số, dự báo, giúp giảm lượng hàng tồn kho, cân bằng được cung cầu trên thị trường giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và phát triển nhanh hơn thay vì ra quyết định dựa trên cảm tính và kinh nghiệm cá nhân như trước đây.
Tuy nhiên, vấn đề quyền riêng tư của người dùng khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc thu thập số lượng lớn thông tin cá nhân cũng là mối lo ngại vì AI chỉ làm việc dựa trên dữ liệu mà chúng có. Bên cạnh đó thì việc sử dụng tốn kém đòi hỏi thay đổi về cơ cấu tổ chức nhân sự, mô hình kinh doanh cũng trở thành trở ngại trong việc ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo.
Thương mại điện tử (TMDT) gắn liền với nền tảng số nên sự phát triển của ngành này sẽ phản ánh sự phát triển cũng như áp dụng chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Hình 1: Sự chuyển dịch trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ ngoại tuyến sang trực tuyến
Nguồn: Khảo sát người tiêu dùng Toàn cầu Global consumer insights pulse survey, PwC tháng 12/2021
Hình 1 cho thấy hơn 50% người mua giảm tần suất đến siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ trong giai đoạn “bình thường mới” và 25% trong số người tiêu dùng tăng cường mua sắm trực tuyến thông qua các thiết bị điện thoại. Kết quả này được đo lường từ trước khi Covid-19 xuất hiện nên có thể nói xu hướng này là sự chuyển dịch tất yếu và được thúc đẩy bởi đại dịch. Khách hàng nhận thấy sự tiện lợi trong việc mua sắm trực tuyến do tiết kiệm thời gian và chi phí nên đã thúc đẩy họ mua sắm qua các trang mạng cũng như các sàn thương mại điện tử.
Hình 2: Chi tiêu trung bình dành cho mua sắm trực tuyến qua các năm
Chỉ tiêu | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 |
Ước tính số người mua (triệu người) | 32,7 | 33,6 | 39,9 | 44,8 | 49,3 |
Ước tính giá trị mua của mỗi người (đô la Mỹ) | 170 | 186 | 202 | 225 | 240 |
Tỷ lệ người dân dùng internet (%) | 54,2 | 58,1 | 60 | 66 | 70 |
Nguồn: Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2021
Tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam tăng lên theo thời gian và tăng nhanh hơn từ năm 2018 (hình 2). Trên cơ sở đó thì số tiền chi cho mua sắm trực tuyến cũng tăng theo. Đến năm 2020 thì giá trị chi tiêu bình quân mỗi người dành cho việc này đạt khoảng 240 USD tăng gần 42% so với năm 2016. Điều này càng khẳng định cho sự tin tưởng của khách hàng với hình thức mua sắm trực tuyến.
Hình 3: Chi tiêu trung bình dành cho mua sắm trực tuyến của một người trong năm
Nguồn: Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2021
Trong khi tỷ lệ người tiêu dùng dành ra dưới 1 triệu đồng để mua sắm trực tuyến đã giảm đáng kể ( từ 26% còn 16%) thì tỷ lệ mua sắm từ 1-3 triệu, 3-5 triệu đồng và trên 5 triệu lại tăng cao (hình 3). Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng tin tưởng hơn vào mua sắm trực tuyến và sử dụng kênh bán hàng này ngày một nhiều hơn phục vụ cho nhu cầu trong cuộc sống.
Hình 4: Thống kê doanh số nhà bán hàng theo vùng và kiểu shop
Nguồn: Tổng quan thị trường TMDT Việt Nam nửa đầu năm 2022, https://metric.vn
Hình 4 cho thấy đa phần các nhà bán hàng đến từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong khi các nhà bán hàng đến từ các tỉnh khác chiếm khiêm tốn với 4,4%. Điều này phản ánh thực tế là mua sắm trực tuyến vẫn chưa phổ biến tại các tỉnh thành khác ngoài hai trung tâm lớn ở khu vực miền Bắc và khu vực miền Nam. Thống kê cũng cho thấy đa số các nhà bán lẻ là shop thông thường chiếm đến 79,2%. Cho nên cơ hội rộng mở cho các nhà bán hàng nhỏ lẻ, các nhà kinh doanh tại các tỉnh thành trong cả nước khi kinh doanh số.
3. ĐỀ XUẤT
Các doanh nghiệp đang có nhu cầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động sản xuất kinh doanh của họ do đó cần nguồn lực con người và kỹ thuật. Theo số liệu Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố hồi tháng 8, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trên tổng số lao động của Việt Nam ước đạt 1% trong tổng số 51 triệu lao động. Về kỹ năng, Việt Nam chưa có chuẩn kỹ năng số quốc gia mà chỉ có chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT được ban hành từ 2014. Chỉ 40% doanh nghiệp cho biết có đủ kỹ năng CNTT và truyền thông để duy trì, khai thác đầy đủ các hệ thống công nghệ số của họ (Khương Nha, 2022) là một vấn đề thu hút sự quan tâm. Theo báo cáo về xu hướng tuyển dụng nhân sự năm 2022 của TopCV, kết thúc 2021, 43% doanh nghiệp đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân sự. Trong đó, doanh nghiệp IT – Phần mềm thuộc nhóm có tỷ lệ thiếu nhiều nhất. Nhân sự CNTT luôn nằm trong top ba vị trí được săn tìm trong năm nay. Về số lượng, tỷ lệ nhân lực CNTT trên tổng số lao động của Việt Nam ước đạt gần 1%. Về chất lượng, chỉ có khoảng 30% kỹ sư, cử nhân mới ra trường đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc (Nguyễn Ngân, 2022) trong khi rất nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tăng nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT. Tuy nhiên, qua nhiều kênh tuyển dụng, đào tạo, không ít bên chia sẻ mới chỉ đạt được khoảng 2/3 số nhân sự cần thiết. Như vậy việc đào tạo nguồn lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số là một yêu cầu cấp bách giảm thiểu tình trạng các công ty chậm chạp trong việc chuyển đổi số. Xây dựng nguồn nhân lực số sẽ gồm lượng lao động đang làm việc, sinh viên – lực lượng lao động kế cận, học sinh các cấp làm quen với tri thức và kỹ năng số đảm bảo nhân lực tương lai có khả năng thích nghi với tương lai từ công nghệ và chuyển đổi số. Để Việt Nam bắt kịp với công cuộc chuyển đổi số trên thế giới để tăng năng lực cạnh tranh và để theo kịp sự phát triển của công nghệ toàn cầu thì cần xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chiến lược cho phát triển nguồn nhân lực theo các định hướng sau:
- Nâng cao chất lượng đào tạo các kỹ năng về CNTT, công nghệ số
- Xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn về CNTT
- Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo kỹ năng mềm và đào tạo ngoại ngữ nhằm hỗ trợ cho tiếp cận chuyển đổi số
- Đẩy nhanh hợp tác quốc tế trong chiến lược phát triển nguồn lực CNTT
- ứng dụng công nghệ số trong hoạt động giáo dục đào tạo CNTT
4. KẾT LUẬN
Trí tuệ nhân tạo đóng góp to lớn vào sự thành công của các đơn vị sản xuất-kinh doanh nếu biết cách ứng dụng nó một cách hợp lý. Nó giúp con người càng ngày càng tiết kiệm sức lao động do khả năng tự động hóa cao nhờ đó mà con người có thể tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm bớt nhân công trong việc vận hành dây chuyền, hợp lý hóa công việc. Nó còn giúp chúng ta dự báo trước nhiều rủi ro và có thể phần nào hạn chế những thiệt hại mà các rủi ro đó đem lại trong kinh doanh. Trong môi trường kinh doanh toàn cầu hóa thì ngôn ngữ là cầu nối những cũng là rào cản lớn khiến con người không thể tiếp cận gần nhau hơn cũng như học hỏi những nguồn tri thức mới hơn nhưng với trí tuệ nhân tạo, những rào cản về ngôn ngữ đang dần được gỡ bỏ để con người có thể thoải mái tiếp xúc với mọi nền văn hóa, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia, qua đó mở rộng thêm nhiều cơ hội học tập, làm việc khác. Đối mặt với các yêu cầu khác nhau của khách hàng thì AI giúp đánh giá và cá nhân hóa dữ liệu giúp con người có thể thấy được những thứ mà họ muốn thấy thông qua hành vi của người dùng cũng như giúp ngành dịch vụ hoạt động tối ưu hơn, mang đến những trải nghiệm mới mẻ hơn và tốt hơn cho khách hàng. Thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu, công nghệ AI có thể nắm bắt thông tin về hành vi sử dụng dịch vụ của khách hàng, từ đó mang lại những giải pháp phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng. Hơn thế nữa, AI có thể thay con người đảm nhiệm nhiều công việc như đánh giá dữ liệu, giao tiếp với khách hàng… qua đó tạo điều kiện và cho phép con người có thể tập trung khai thác sâu hơn khả năng sáng tạo của bản thân, phát triển chuyên môn một cách bài bản, sâu sắc hơn. Như vậy là nó giúp con người tăng cường khả năng sáng tạo. Bên cạnh các ưu điểm vượt trội này thì vấn đề pháp luật do liên quan đến thu thập thông tin người dùng cũng cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để đảm bảo cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo thực sự giúp ích cho sự phát triển của xã hội. Muốn đẩy nhanh chuyển đổi số thì nhu cầu nhân lực cũng rất quan trọng do đó cần chú ý đào tạo đội ngũ nhân lực am hiểu về lĩnh vực này sẽ được thực hiện với nhiều đối tượng và thông qua nhiều hình thức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Châu An (2020). Lật ngược thế cờ’ nhờ chuyển đổi số. Truy cập ngày 25/10/2022 từ địa chỉ https://vnexpress.net/lat-nguoc-the-co-nho-chuyen-doi-so-4206387.html
Bộ Khoa học và công nghệ (2021). Công nghệ AI của hiện tại và tương lai. Truy cập ngày 25/10/2022 từ địa chỉ https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/20614/cong-nghe-ai-cua-hien-tai-va-tuong-lai.aspx
Bộ Công thương Việt Nam (2021). Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021. Truy cập ngày 28/10/2022 từ địa chỉ https://moit.gov.vn/thong-bao-moi/ra-mat-sach-trang-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-nam-2021.html
Dữ liệu lớn (Big Data)… là gì?(2021). Truy cập ngày 24/10/2022 từ địa chỉ https://viettelidc.com.vn/tin-tuc/du-lieu-lon-big-data-la-gi
Hà Thanh (2022). Chuyển đổi số quốc gia cần có nhân lực số. Truy cập ngày 25/10/2022 từ địa chỉ https://kinhtedothi.vn/chuyen-doi-so-quoc-gia-can-co-nhan-luc-so.html
Khương Nha (2022). Cơn khát nhân lực chuyển đổi số tại Việt Nam. Truy cập ngày 24/10/2022 từ địa chỉ https://vnexpress.net/con-khat-nhan-luc-chuyen-doi-so-tai-viet-nam-4520113.html
Khương Nha (2022). Việt Nam song hành cùng thế giới trong chuyển đổi số. Truy cập ngày 25/10/2022 từ địa chỉ https://vnexpress.net/viet-nam-song-hanh-cung-the-gioi-trong-chuyen-doi-so-4259608.html
Lệ Hằng, Nguyễn Quang (2022). Nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số phải có tư duy đột phá. Truy cập ngày 25/10/2022 từ địa chỉ https://baodautu.vn/doanh-nghiep-chuyen-doi-so-dau-dau-vi-chat-luong-nguon-nhan-luc-d173863.html.
Lưu Quý (2022). Năng lực khai thác dữ liệu Việt Nam ở mức thấp. Truy cập ngày 25/10/2022 từ địa chỉ https://vnexpress.net/nang-luc-khai-thac-du-lieu-viet-nam-o-muc-thap-4501203.html
Lưu Quý (2022). Việt Nam vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số. Truy cập ngày 28/10/2022 từ địa chỉ https://vnexpress.net/viet-nam-vao-giai-doan-tang-toc-chuyen-doi-so-4509673.html
Nguyễn Ngân (2022). Doanh nghiệp chuyển đổi số đau đầu vì chất lượng nguồn nhân lực. Truy cập ngày 28/10/2022 từ địa chỉ https://baodautu.vn/doanh-nghiep-chuyen-doi-so-dau-dau-vi-chat-luong-nguon-nhan-luc-d173863.html
Ninh Cơ và Hải Trà (2022). Phát triển nhân lực số để chuyển đổi số hiệu quả. Truy cập ngày 28/10/2022 từ địa chỉ https://nhandan.vn/phat-trien-nhan-luc-so-de-chuyen-doi-so-hieu-qua-post715618.html
Oracle company. What is Big Data? Truy cập ngày 18/09/2022 từ địa chỉ, https://www.oracle.com/big-data/what-is-big-data/
Pwc Việt Nam (2021). Khảo sát thói quen tiêu dùng. Truy cập ngày 25/10/2022 từ địa chỉ https://www.pwc.com/vn/vn/publications/vietnam-publications/consumer-insights-survey.html
Vũ Phương Nhi (2022). Nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia. Truy cập ngày 30/10/2022 từ địa chỉ https://baochinhphu.vn/nang-cao-nhan-thuc-va-phat-trien-nguon-nhan-luc-chuyen-doi-so-quoc-gia-102220128171706941.htm