CƠ CHẾ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG THÔNG MINH VÀ NHỮNG RÀO CẢN PHÁP LÝ TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN NAY
Lê Hồ Trung Hiếu*
* Giảng viên Khoa luật, Đại học Văn lang
Nguyễn Trung Thành**
** Giảng viên Khoa Quản trị Kinh Doanh, Học viện công nghê Bưu chính Viễn Thông
Tóm tắt: Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc công nghiệp cách mạng 4.0 hiện nay, nhiều công nghệ mới đã được áp dụng để nhằm thúc đẩy các giao dịch trong hoạt động kinh tế và thương mại. Trong đó, hợp đồng thông minh (Smart Contract) dựa trên công nghệ Blockchain được xem là xu thế mang tính đột phá nhất giúp cho các cá nhân, tổ chức có thể tiếp kiệm chí phí, thời gian nhân lực nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn và bảo mật trong quá trình thực hiện so với các hợp đồng truyền thống. Tuy nhiên, hợp đồng thông minh vẫn còn là một cách thức giao dịch mới mẻ, chưa mang tính phổ biến. Do đó, một vấn đề đặt ra hiện nay đó là việc thừa nhận tính hợp pháp của loại hợp đồng này trên thế giới vẫn còn hạn chế tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bài viết này sẽ xác định cơ chế giao kết hợp đồng thông minh và từ đó xác định những rào cản pháp lý trong pháp luật Việt Nam hiện nay thông qua việc so sánh một số hệ thống pháp luật
khác trên thế giới.
Từ khóa: Hợp đồng thông minh, Blockchain, pháp luật Việt Nam
A. Đặt vấn đề
Công nghệ 4.0 đang tác động to lớn đến nhiều lĩnh vực trong xã hội và trong đó nền tảng Blockchain là một trong những thành tựu nổi bật của cuộc cách mạng này. Hợp đồng thông minh là kết quả ứng dụng của nền tảng này trong các giao dịch thương mại do đó chúng mang những đặc điểm vược trội so với hợp đồng truyền thống. Dựa trên cơ chế tự động và phi tập trung, hợp đồng thông minh giúp cho các bên tham gia có thể giao kết ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thởi điểm nào. Các cơ chế giao kết được vận hành tự động mà không cần phải có sự can thiệp của một bên trung gian nào đã làm giảm bớt các chi phí và tiếp kiệm thời gian cho quá trình giao dịch.
Tuy nhiên, vấn đề cản trở lớn nhất hiện nay đối với việc ứng dụng hợp đồng thông minh trên thực tế đó là khung pháp lý thừa nhận tính hợp pháp của nó tại các các quốc gia trên thế giới. Một số quốc gia như Ý, Belarus và một số bang ở Mỹ đã quy chuẩn hóa các quy định về hợp đồng thông minh trong hệ thống pháp luật của mình và thừa nhận giá trị pháp lý. Tuy nhiên, một số quốc gia lại hoàn toàn không thửa nhận việc sử dụng hợp đồng thông minh trong giao dịch và cho rằng cơ chế áp dụng của nó không phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện tại của quốc gia đó. Tại Việt Nam, giá trị pháp lý của hợp đồng thông minh chưa chính thức thừa nhận dù cho một số quy định trong pháp luật đã ngầm hợp thức hóa các giao dịch trên loại hợp đồng này. Điều này gây ra nhiều cản trở cho các bên giao kết hợp đồng thông minh tại Việt Nam khi họ không có bất kì một cơ chế nào bảo vệ cho quyền lợi của họ trong trường hợp bị vi phạm.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã nói về cơ chế hoạt động của hợp đồng thông minh và một số vấn đề pháp luật cần quan tâm. Điển hình, nghiên cứu Gilcrest, Jack & Carvalho, Arthur (2018) đã cung cấp các khía cạnh pháp lý chung có thể phát sinh trong hợp đồng thông minh thông qua cơ chế tự động và phương thức thanh toán bằng tiền ảo. Đồng thởi, nghiên cứu cũng chỉ ra một số đạo luật ở các bang của Hoa Kỳ trong việc công nhận giá trị pháp lý của loại hợp đồng này. Ngoài ra, nghiên cứu của và Army và Collin (2019) đề cấp đến cơ chế giải quyết tranh chấp áp dụng trong hợp đồng thông minh. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về hợp đồng thông minh có số lượng hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực pháp lý. Hầu hết các nghiên cứu chủ yếu đề cập đến giá trị và vai trò của hợp đồng thông minh trong nền kinh tế, trong giáo dục, y tế. Một số nghiên cứu có đề cập về khia cạnh pháp luật nhưng chưa đưa ra được những vướng mắc trong hệ thống Việt Nam về vấn đề này và giải pháp hoàn thiện trong tương lai. Ví thế, bài viết này sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ chế giao kết hợp đồng thông minh và những rào cả pháp lý trong pháp luật Việt Nam hiện nay
B. Nội dung
1. Cơ chế giao kết hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain
Về cơ chế giao kết, Hợp đồng thông minh là một đoạn mã chạy trên một hệ thống phi tập trung (Blockchain), cho phép tạo ra các giao thức tự động không cần cho phép (Permissionless). Mã này chứa những điều khoản và yêu cầu của giao kết, thông thường câu lệnh trong hợp đồng thông minh được viết theo cấu trúc “nếu… thì…”. Sau đó, chúng được lưu trữ và chạy trên mạng blockchain để tự vận hành theo yêu cầu của các bên liên quan. Khi sự kiện xảy ra hoặc hành động được thực hiện theo điều khoản của hợp đồng, nó sẽ được ghi lại trên blockchain và tự động thực hiện theo điều khoản của hợp đồng. Trước tiên, các điều khoản trong hợp đồng sẽ được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ lập trình và được mã hóa bởi các lập trình viên trên hệ thống phi tập trung Blockchain. Sau đó, hợp đồng thông Minh sẽ được phân phối và sao chép trên các khóa (node) trong nền tảng (Chamber of Digital Commerce, 2018). Ví dụ, hợp đồng Thông Minh Ethereum chứa đựng mã hợp đồng và hai khóa công khai. Khóa công khai đầu tiên là khóa do người xây dựng hợp đồng cung cấp chứa đựng các quyền và nghĩa vụ của các bên dưới dạng mã lập trình, trong khi khóa còn lại là mã định danh duy nhất cho mỗi hợp đồng thông minh. Hợp đồng thông minh sẽ được máy tính kiểm soát và tài khoản do người dùng quản lý (Externally Owned Account). Việc giao kết, thực hiện hợp đồng chỉ được kích hoạt bởi tài khoản người dùng để tiến hành tự động các giao dịch trên Blockchain (Jack and Arthur, 2018). Ví dụ, một khách du lịch thuê nhà nghỉ cho một kỳ nghỉ cuối tuần. Số tiền cho việc thuê sẽ được chuyển qua Blockchain. Sau đó, một biên nhận sẽ được lưu trữ trong hợp đồng thông minh của nhà nghỉ. Nhà nghỉ sẽ gửi cho khách du lịch mật mã để vào nhà nghỉ vào một ngày xác định. Nếu mật mã không đến đúng hạn do hai bên đã thống nhất, tiền sẽ được hoàn trả theo hợp đồng thông minh. Nếu mật mã đến sớm hơn hạn, tiền và mật mã sẽ được giữ cho đến hạn. Hợp đồng thông minh hoạt động như một chương trình máy tính và được giám sát bởi hàng trăm người, đảm bảo sự an toàn và chính xác trong việc giao nhận.
Một hợp đồng thông minh chỉ được thiết lập và giao kết khi có đầy đủ các yếu tố về chủ thể, điều khoản được mã hóa trước, xác nhận của các bên tham gia và nên tảng phân quyền. Trong đó, chủ thể hợp đồng là người dùng có quyền và lợi ích tham gia vào giao dịch phải cấp quyền truy cập cho hợp đồng thông minh để có thể tự động khóa hay mở khóa khi cần thiết. Xác nhận của các bên là yếu tố quan trọng nhằm thể hiện ý chí tự nguyện, sự đồng ý của các bên trong việc giao kết hợp đồng và cho phép nó tự động thực hiện giao dịch. Điều khoản được mã hóa trước được xác định các yêu cầu của mỗi bên khi tham gia hợp đồng trước khi chúng được thiết lập dưởi dạng chuỗi mã lập trình để đưa vào hệ thống xử lý. Yếu tố quan trọng còn lại là nền tảng phân quyền. Sau khi hợp đồng thông minh hoàn tất thiết lập, các mã lệnh sẽ được tải lên Blockchain và phân phối vào các khóa của nền tảng phân quyền.
Khác với hợp đồng truyền thống, điểm mạnh của cơ chế giao kết trong hợp đồng thông minh là tính tự động, tính bất biến và tính phi tập trung. Thứ nhất, về tính tự động, các bên trong hợp đồng có thể giao kết qua hệ thống này mà không cần phải biết về thông tin định danh hoặc tin tưởng lẫn nhau. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động giao kết và thực hiện hợp đồng cũng giảm đi đáng kể do tính tự động hóa bởi không cần sự can thiệp của bên trung gian. Các bên trao đổi tài sản ảo, thanh toán hàng hóa dịch vụ, chuyển nhượng cổ phiếu một cách trực tiếp mà không cần đến sự tham gia người hay dịch vụ trung gian làm chứng (Max, 2017). Một ví dụ thực tế về hợp đồng thông minh là việc áp dụng nó trong việc bán bất động sản. Khi một người bán muốn bán một đất nền, họ có thể sử dụng một hợp đồng thông minh để giao kết với người mua. Hợp đồng này sẽ xác định giá cả và thời hạn thanh toán, và sau khi cả hai bên đồng ý với những điều khoản này, hợp đồng sẽ được lưu trữ trên blockchain. Khi thời hạn thanh toán đến, tiền của người mua sẽ được chuyển trực tiếp từ tài khoản của họ sang tài khoản của người bán mà không cần sự tham gia của bất kỳ trung gian hay dịch vụ chứng khoán nào. Nếu bất kỳ một trong hai bên không tuân thủ những điều khoản trong hợp đồng, hợp đồng sẽ tự động hủy bỏ (Jack and Arthur, 2018). Thứ hai, về tính bất biến, hợp đồng thông minh không thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ khi đưa lên nền tảng blockchain. Hợp đồng có thể tự thực thi mọi thứ khi các điều kiện đạt đủ. Trong trường hợp các điều kiện trong hợp đồng không được thỏa mãn, hợp đồng sẽ dừng lại và không thể thực hiện. Điều này tránh trường hợp một bên tự ý thay đổi các điều khoản hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Thứ ba, tính phi tập (phân tán) trung cho phép các điều khoản trong hợp đồng được tiếp cận công khai bởi người tham gia và tăng cường tính minh bạch của giao dịch.
2. Một số rào cản pháp lý trong pháp luật Việt Nam hiện nay đối với hợp đồng thông minh
Về bản chất, hợp đồng thông minh cũng là sự thỏa thuận của các bên trong việc xác lập quyền và nghĩa vụ. Vì thế, để hợp pháp hóa hợp đồng thông minh trong quá trình giao kết và thực hiện các giao dịch, các vấn đề về chủ thể, hình thức hợp đồng, nội dung, yếu tố thỏa thuận, tính bảo mật và rủi ro và giải quyết tranh chấp cần phải được quy định cụ thể. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn chưa xác định rõ ràng các quy phạm phù hợp để điều chỉnh. Cụ thể:
Thứ nhất, về chủ thể, hợp đồng thông minh sẽ rất khó xác định một số yêu cầu pháp lý về năng lực hành vi dân sự và năng luật pháp luật dân sự trong việc xác lập hợp đồng. Điều này là do các thông tin được mã hóa trong giao dịch đều tự cung cấp bởi nguời dùng mà không có cơ quan quản lý nhà nước hay người trung gian tham gia kiểm duyệt thông tin trước khi giao kết hợp đồng (Linh, 2022). Mạng Internet là một môi trường ảo, việc xác định tư cách chủ thể tham gia giao kết hợp đồng thông minh mà không qua một đơn vị trung gian là rất khó khi các bên không hề quen biết nhau. Việc xác định chính xác năng lực chủ thể và thông tin về đối tác giao kết hợp đồng là điều không đơn giản khi một số trường hợp chủ thể giao kết cố tình đưa ra các thông tin sai lệch về độ tuổi, sức khỏe để tự mình tham gia hợp đồng. Mặc dù yếu tố tự động hóa trong hợp đồng thông minh là một điểm mạnh về mặt kĩ thuật nhưng nó lại là rào cản pháp lý trong quá trình giao kết. Đặc tính ẩn danh và phi tập trung của người dùng, cùng với việc không cần sự hỗ trợ của các bên trung gian cho phép các bên thực hiện giao dịch và giao kết hợp đồng mà không cần gặp gỡ nhau, điều này dẫn đến việc xác định năng lực của chủ thể là một thách thức (Max, 2017). Hơn thế nữa, về sự tự nguyện của chủ thể giao kết theo khoản 2 điều 117 BLDS, ý chí các bên thông qua mạng và máy tính rất khó để xác định hay bên có bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép không. Ngoài các bên tham gia giao kết, hợp đồng thông minh không có sự tham gia của các bên trung gian hỗ trợ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho việc giao kết và thực hiện như tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Các tổ chức này có trách nhiệm việc gửi, lưu trữ thông tin giao kết, đua ra những thông tin cần thiết để xác nhận độ chính xác, đáng tin của dữ liệu điện tử trong giao kết. Do đó, các thông tin về điều kiện, ý chí của chủ thể tham gia không được đảm bảo qua các tổ chức này để các bên có thể thực hiện việc giao kết hợp đồng (Linh, 2022). Thông thường, theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng bao gồm cá nhân và pháp nhân phải đáp ứng điều kiện chủ thể tham gia giao kết hợp đồng gồm năng lực hành vi dân sự và năng luật pháp luật dân sự (Nguyễn, 2019). Về cá nhân, chỉ có những người đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ sức khỏe và nhận thức về hành vi của mình thì mới có thể tự mình tham gia vào việc giao kết hợp đồng dân sự. Về pháp nhân, pháp luật yêu cầu phải đươc thành lập và có cơ cấu tổ chức theo quy định, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; tự mình tham gia và thỏa thuận một cách độc lập.
Thứ hai, về hình thức, hợp đồng thông minh hiện nay hoạt động theo cơ chế tự động thông qua các dòng mã lập trình mà không có sự can thiệp của các bên trung gian. Do đó, bản thân hợp đồng thông minh không hoàn toàn mang những đặc trưng của hợp đồng truyền thống. Một số quốc gia không thừa nhận hình thức của hợp đồng thông minh như Bangladesh và Trung Quốc. Bangladesh đã không chấp nhận rằng các hợp đồng thông minh bị ràng buộc về mặt pháp lý và cấm các loại hợp đồng thông minh như Ethereum. Tại Trung Quốc, Ngân hàng trung ương đưa ra quy định cấm đề nghị và khai thác Bitcoin trong các giao dịch (Volos, 2020). Tuy nhiên, hiện nay một số quốc gia đã một phần hoặc toàn bộ thừa nhận hợp đồng thông minh như là một loại hợp đồng điện tử và có giá trị pháp lý tương đương (Luật Minh Khuê, 2022). Cụ thể, Đạo luật Công nghệ Chuỗi khối bang Illinois của Hoa Kỳ xác định hợp đồng thông minh là hợp đồng được ghi lại dưới dạng tài liệu điện tử có thể được xác minh bằng cách sử dụng chuỗi khối. Đạo luật HB 2417 sửa đổi Luật Giao dịch Điện tử Arizona (AETA) quy định “bản ghi điện tử, chữ ký điện tử trên hợp đồng và hợp đồng thông minh được bảo đảm thông qua công nghệ blockchain và được sử dụng cho các giao dịch liên quan đến giao dịch hàng hóa, cho thuê … được coi là một hồ sơ điện tử và được thi hành theo luật này”. Tại Ý, Luật về Các Quy định Khẩn cấp liên quan đến Hỗ trợ và tạo điều kiện cho Doanh nghiệp và Quản lý Công quy định hợp đồng thông minh thông qua việc lưu trữ tài liệu điện tử bằng các công nghệ chứng chỉ phân cấp trở nên hiệu lực pháp lý từ thời điểm của dấu thời gian điện tử, như được quy định trong Điều 41 của Luật định Uỷ Ban Châu Âu số 910/2014 về Chứng thực và Dịch vụ Tin cậy Điện tử cho Giao dịch Điện tử trong Thị trường Nội bộ và do đó có thể được sử dụng làm bằng chứng trong tòa án (Krysenkova, 2021). Úc và Vương quốc Anh chỉ cho phép các hợp đồng thông minh hoạt động trong một số lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, các quốc gia này chưa đề cập cụ thể đến blockchain hoặc hợp đồng thông minh trong các văn bản pháp luật hoặc án lệ ngoại trừ trong hướng dẫn của ngàn. Ở Úc, hợp đồng thông minh có tính ràng buộc về mặt pháp lý và có thể thực thi miễn là chúng tuân theo các nguyên tắc luật hợp đồng truyền thống như xem xét và không được tạo ra dưới sự ép buộc (Wendy, 2022). Tại Việt Nam, các quy định hiện hành ngầm phản ánh được bản chất của hợp đồng thông minh vẫn là một loại hợp đồng điện tử mang cơ chế tự động nhưng chưa được thừa nhận chính thức về giá trị pháp lý của nó. Cụ thể, Luật Giao dịch điện tử 2005 Luật chỉ đưa ra khái niệm chung giao dịch điện tử tự động, tức là “giao dịch điện tử được thực hiện tự động một phần hoặc toàn bộ thông qua hệ thống thông tin được thiết lập sẵn”. Tuy nhiên, Luật chưa xác định cụ thể hợp đồng thông minh trong giao dịch điện tử tự động cũng như trách nhiệm của các bên khi tham gia giao dịch đó. Bên cạnh đó, Nghị định 52 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử cũng xem xét sâu hơn về khả năng sử dụng hệ thống thông tin tự động trong các hoạt động thương mại. Điều 13 Nghị định quy định: “Không thể phủ nhận tính hợp pháp của hợp đồng được giao kết từ sự tương tác giữa hệ thống thông tin tự động với con người hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau với lý do không có sự kiểm tra, can thiệp của con người vào từng hành vi cụ thể. được thực hiện bởi (các) hệ thống thông tin tự động hoặc hợp đồng đã giao kết.” Tuy nhiên, Nghị định 52 không quy định về việc thực hiện hợp đồng thông qua hệ thống thông tin tự động nên giá trị pháp lý của hợp đồng thông minh vẫn là chưa chắc chắn (Ly, 2022).
Thứ ba, về nội dung, hợp đồng thông minh mang tính chất bất biến (immuntable) nên các điều khoản hợp đồng không thể sửa đổi và đơn phương chấm dựt thực hiện sau khi các dòng lệnh đã được mả hóa. Điều này làm cản trở ý chí thỏa thuận của các bên trong môt số trường hợp. Cách duy nhất để tạm khắc phục tình trạng trên chính là các bên phải dự liệu được trước đó khả năng việc thực hiện hợp đồng có thể bị thay đổi và liệt kê ra những trường hợp đó qua việc mã hóa dòng lệnh hoặc phải kí lại một hợp đồng minh khác với một mã lệnh lập trình mới. Điều này đã hạn chế yếu tố thoả thuận trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng khi có yêu cầu sửa đổi hợp đồng được quy định tại Điều 421 Bộ luật dân sự 2015. Hơn thế nữa, nếu phát sinh vấn đề không thể giải quyết trong quá trình giao kết, Hợp đồng thông minh cũng không thể bị hủy bỏ bởi vì khi các điều kiện trong hợp đồng không được thỏa mãn thì hợp đồng sẽ không được thức thi. Ví dụ, giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể tự tạo ra một hợp đồng thông minh trong hoạt động đầu tư. Cụ thể, hợp đồng này có chứa mã lệnh có chức năng giữ toàn bộ số tiền từ nhà đầu tư cho đến khi doanh nghiệp đạt được mục tiêu gọi vốn. Từ đó, các nhà đầu tư có thể chuyển tiền của họ và địa chỉ hợp đồng thông minh này. Nếu dự án gọi vốn được thành công thì số tiền sẽ tự động chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu mà dự án gọi vốn không thành công thì số tiền trên sẽ được tự động hoàn trả lại cho các nhà đầu tư. Trong quá trình kêu gọi vốn góp, cả nhà đầu tư và doanh nghiệp không thể thay đổi, bổ sung, hủy bỏ được bất cứ yêu cầu nào trong các mã lệnh cho đến khi giao dịch hoàn tất. Năm 2016, một tổ chức có tên là DAO bị tấn công dẫn đến hàng triệu Etherium đã bị đánh cắp do sai sót trong hợp đồng thông minh của họ. Vì hợp đồng thông minh là không thể thay đổi nên nhà phát triển không thể sửa các code để thu hồi số Etherium mà tổ chức đã bị đánh cắp, điều này cuối cùng đã dẫn đến tạo ra đồng Etherium mới thay cho đồng Etherium classic.
Thứ tư, về sự thỏa thuận trong giao kết hợp đồng thông minh, mọi đều khoản đều được xây dựng thông qua hệ thống mã được tạo ra bởi các lập trình viên thay vì sử dụng ngôn ngữ thông thường được thỏa thuận bởi các bên. Tuy nhiên, bản chất của pháp luật hợp đồng đó là sự thỏa thuận, trong đó yêu cầu các giao tiếp hiệu quả về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ có chủ ý giữa các bên (Linh, 2022). Việc sử dụng các đoạn mã lập trình phức tạp có thể ảnh hưởng trong việc hiểu và ghi nhớ chính xác thỏa thuận của các bên trong quá trình giao kết và thực hiện. Ngoài ra, điều này cũng hạn chế quá trình đàm phán, thương lượng không được hình thành giữa các bên tham gia giao kết. Một bện chỉ có thể xem xét các điều khoản lập trình sẵn do bên kia xây dựng và đưa ra quyết định. Như vậy, về cơ bản, ý chí của hai bên vẫn được thể hiện trong quá trình giao kết. Tuy nhiên, quá trình tương tác trong việc thỏa thuận để xác lập quyền và nghĩa vụ với nhau trong hợp đồng không tồn tại.
Thứ năm, về tính bảo mật và rủi ro, hợp đồng thông minh được xây dựng trên mã nguồn mở thông qua cơ chế phân tán và phi tập trung (distributed). Điều này giúp cho các giao dịch và thỏa thuận ngày càng trở nên minh bạch hơn. Tất cả mọi người trong mạng lưới khi tham gia cùng một hợp đồng thông minh đều được tiếp cận các thông tin về giao dịch một cách công khai và như nhau. Do đó, nếu một cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm nghĩa vụ thì hợp đồng thông minh sẽ tự đồng vô hiệu và ngăn chặn hành vi vi phạm đó. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, hợp đồng thông minh có thể đối mặt với những rủi ro về bảo mật thông tin và lỗ hỗng mạng lưới từ cơ chế này. Một số cá nhân, tổ chức lợi dụng, thao túng các mã nguồn mở từ hợp đồng thông minh để truy cập và lấy thông tin khách hàng cho những mục đích sai trái. Thậm chí, nguy cơ dữ liệu giả mạo sẽ được tạo ra kích hoạt không đúng cách hoặc không kích hoạt các điều khoản hợp đồng thông minh. Điều này có thể dẫn đến những thiệt hại lớn cho các bên trong giao dịch, lập trình viên, hệ thống quản lý thông tin và thậm chí là cơ quan quản lý nhà nước. Hơn thế nữa, trong một số trưởng hợp các bên muốn quy định các điều khoản vể bảo mật, bí mật kinh doanh trong các giao dịch thì việc giao kết không thể được thực hiện trên nền tảng bitcoin.
Thứ sáu, về phương tiện thanh toán, hợp đồng thông minh cũng gặp khó khăn khi thực hiện khi hiện nay pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận đồng tiền mã hóa là hợp pháp. Trên thực tế, các thành phần cốt lõi của hợp đồng thông minh sẽ được mã hóa, trong đó việc thực hiện thanh toán trên hợp đồng cũng thông qua tiền mã hóa mà không có sự xuất hiện của tiền mặt. Các hợp đồng thông minh phổ biến hiện nay sử dụng tiền ảo như một phương tiện thanh toán như Bitcoin, Ethereum (Akachain, 2020). Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có sự công nhận chính thức cho các tài sản ảo và tiền mã hóa gây cản trở đến việc thực hiện hợp đồng. Theo đó, điều 105 BLDS năm 2015 chưa xác định tiền điện tử là một loại tài sản. Cụ thể hơn, theo công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng. Các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán trái pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 150 triệu đến 200 triệu đồng, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo điều 206 bộ luật hình sự năm 2015. Ngoài ra, tiền mã hóa không được xem một loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật vì thế chúng không phải chịu thuế. Việc tính thuế trên thu nhập và các giao dịch trên hợp đồng thông minh khó xác định, khiến nhà nước thất thu thuế và tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm pháp luật (Tô, 2020).
Thứ bảy, về giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thông minh, hợp đồng thông minh sử dụng công nghệ chuỗi khối Blockchain để tự động hóa việc thực thi các mã lệnh tại một thời điểm nhất định. Bằng cách này, về mặt lý thuyết, điều này có thể loại bỏ tự ý sửa đổi, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người tham gia có thể dẫn đến vi phạm các điều khoản hợp đồng và gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, một số tranh chấp vẫn có thể phát sinh như lỗi mã hóa trong hợp đồng thông minh khiến một một số điều khoản bị thay đổi so với tự tính ban đầu của các bên (như số lượng, khối lượng, mức chi phí, thời gian thực hiện giao dịch), lỗi nhập dữ liệu không phù hợp, mất khả năng thanh toán khi giao dịch đang được tiến hành. Những lí do này dẫn đến hợp đồng không thể thực hiện và ảnh hưởng đến lợi ích của bên bị thiệt hại. Hiện nay, cơ chế về giải quyết tranh chấp về hợp đồng thông minh vẫn chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam (Ly, 2022). Thông thường, đối với các hợp đồng truyền thống thì sẽ có các quy định pháp lý có thể được sử dụng làm căn cứ xác định luật áp dụng và thẩm quyền của tòa án Việt Nam. Theo Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015, các bên trong quan hệ hợp đồng có thể thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng của mình, trừ một số trường hợp do pháp luật quy định. Trong trường hợp không có thỏa thuận như vậy, luật của quốc gia có liên quan chặt chẽ nhất với hợp đồng sẽ được áp dụng. Về xác định thẩm quyền, Điều 469 và Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và thẩm quyền riêng của Tòa án Việt Nam. Ngoài ra, pháp luật còn cung cấp nhiều biện pháp giải quyết tranh chấp cho các bên trong hợp đồng truyền thống bao gồm thương lượng, hòa giải, trong tài và Tòa án. Tuy nhiên, các quy phạm này vẫn chưa được áp dụng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thông minh tại Việt Nam. Trong thủ tục giải quyết tranh chấp, việc sử dụng ngôn ngữ lập trình để xây dựng điều khoản có thể gây khó khăn cho thẩm phán, trọng tài viên và hòa giải viên trong việc đưa ra phán quyết và hiểu bản chất của tranh chấp bởi họ cần phải có các chuyên gia hỗ trợ họ trong việc giải mã các ngôn ngữ này (Army và Colin, 2019). Việc xác định phương thức bồi thường thiệt hại trong quá trình giải quyết tranh chấp cũng là một thách thức khi phương tiện thanh toán thông thường của hợp đồng thông minh là tiền ảo. Vì thế, một câu hỏi đặt ra là hình thức bồi thường nào sẽ áp dụng khi các bên thực hiện thanh toán thông qua đồng tiền mã hóa. Ngoài ra, tính tự động và bất biến của hợp đồng thông minh cũng tạo ra cản trở trong hoạt động xét xử của Tòa án khi Tòa án không thể ngăn chặn việc đang thực hiện giao dịch qua các biện pháp khẩn cấp.
3. Giải pháp hoàn thiện các thách thức pháp lý hiện nay
Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, sự phát triển của Hợp Đồng thông Minh ngày càng gia tăng và tạo ra những cơ hội kinh tế lớn cho các cá nhân, tổ chức. Do đó, Việt Nam cần hoàn thiện và xây dựng cơ chế pháp lý rõ ràng để điều chỉnh Hợp Đồng thông Minh để đảm bảo sự hợp pháp, hạn chế rủi ro và bảo vệ bên hợp đồng khỏi các thiệt hại có nguy cơ xảy ra. Một số một số giải pháp để hoàn thiện khung pháp luật về Hợp Đồng thông Minh và thúc đẩy sự phát triển của nó tại Việt Nam cò thể được đề xuất như sau:
Đầu tiên, pháp luật Việt Nam cần cung cấp một định nghĩa cụ thể và thống nhất về hợp đồng thông minh. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay cần phải có thừa nhận chính thức về tính hợp pháp của hợp đồng thông minh tại Việt Nam. Luật giao dịch điện tử 2005 đã ban hành hơn 10 năm và tại thời điểm đó hợp đồng thông minh còn là một khái niệm mới trên thế giới. Một số quy định trong Luật này đã được phân tích như trên thì hợp đồng thông minh chỉ được ghi nhận gián tiếp và chưa rõ ràng trong các khái niệm của giao dịch điện tử tự động (Trang, Vũ và Yến, 2022). Tuy nhiên, các quy định này chưa đề cập đến hợp đồng thông minh trực tiếp và vì thế điều này cản trở việc giao kết, thực hiện hợp đồng thông minh trên thực tế. Nếu hợp đồng thông minh được thừa nhận chính thức thì nó sẽ được xác định là một hợp đồng điện tử và có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng truyền thống theo điều 34 Luật giao dịch điện tử 2005 và khoản 1 điều 119 Bộ luật dân sự 2015. Do đó, các quy định về điều kiện chủ thể, mục đích, nội dung hợp đồng, cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng tương tự cho hợp đồng thông minh trong việc xác lập quyền và nghĩa vụ ràng buộc các bên tham gia (Ly, 2022). Hiện nay, một số quốc gia nước trên thế giới đã chấp nhận giá trị pháp lý của HĐTM như Belarus, Ý và 22 bang của Mỹ thừa nhận hợp đồng thông minh với giá trị pháp lý tương tự như hợp đồng truyền thống (Trang, Vũ và Yến, 2022). Do đó, việc thừa nhận tính hợp pháp của hợp đồng thông minh là một yếu tố cần thiết để tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức sử dụng trong hoạt động kinh doanh để tiếp kiệm chi phí và thời gian.
Thứ hai, pháp luật những quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thông minh. Về chủ thể, pháp luật cần đưa ra các quy định riêng áp dụng với hợp đồng thông minh như định danh thông tin của các bên tham gia hợp đồng, xây dựng hệ thống quản lý thông tin và tiêu chuẩn của những người tham gia hợp đồng thông minh. Bên cạnh đó, các quy định cũng cần phải đảm bảo về ý chí tự nguyện của các bên khi tham gia thông qua các hạn chế có thể thực hiện cơ chế tự động của loại hợp đồng như cần yêu cầu có sự xác nhận, đồng thuận của hai bên trước khi ký kết. Về mục đích và nội dung, các bên tham gia hợp đồng thông minh cần nắm chắc, hiểu rõ các điều khoản được mã hóa bằng ngôn ngữ lập trình để đảm bảo an toàn, kể cả trong trường hợp tự thiết lập hay thông qua các lập trình viên cung cấp các mã lệnh (Trang, Vũ và Yến, 2022). Bản thân các lập trình viên hay tổ chức quản lý và cung cấp dịch vụ về hợp đồng thông minh phải tự chịu trách nhiệm với hệ thống quản lý thông tin tự động mà mình xây dựng, những rủi ro trong quá trình vận hành của hợp đồng thông minh từ lỗi kỷ thuật. Do đó, pháp luật Việt Nam cần cung cấp những chế định cụ thể về trách nhiệm và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng thông minh để đảm bảo rằng việc giao kết hợp đồng là phù hợp với các quy định của pháp luật. Ngoài ra, tiêu chuẩn và điều kiện của lập trình viên và tổ chức cung cấp dịch vụ phải được quy định rõ ràng trong luật để tránh những xung đột về trách nhiệm củng như nâng cao việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng này. Từ đó, các quy phạm này có thể tạo ra một hệ thống thông tin tự động an toàn cho các bên tham gia.
Thứ ba, pháp luật cần thừa nhận tiền ảo và vai trò của đồng tiền này trong phương tiện thanh toán của thời đại 4.0. Bộ luật dân sự cần có những sữa đổi trong định nghĩa về tài sản về việc công nhận tiền điện tử như một loại tài sản mới (Trang, Vũ và Yến, 2022). Đồng thời, pháp luật kinh tế cần cung cấp các quy định về phương thức quản lý tiền điện tử để việc ứng dụng hợp đồng thông minh trên thực tế như lĩnh vực thương mại điện tử, thuế và xuất nhập khẩu. Cụ thể, tiền ảo cần phải được định nghĩa rõ ràng trong quy định của pháp luật, thừa nhận nó là một tải sản có thể thanh toán, chuyển nhượng, thanh toán và lưu thông giống như tiền mặt. Việc quản lý và lưu thông tiền điền tử cần phải thống nhất chịu sự quản lý và giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước để tránh những rủi ro trong quá trình giao dịch của các bên và tránh thất thu thuế cho nhà nước. Các cá nhân, tổ chức thực hiện việc cung cấp các dịch vụ về hợp đồng thông minh, tiền ảo như kinh doanh sàn giao dịch tiền điện tử phải đáp ứng các điều kiện về việc thành lập và hoạt động, tuyệt đối phải tuân thủ theo các quy định do nhà nước ban hành và phải chịu kiểm soát của các cơ quan nhà nước.
Thứ tư, pháp luật cần đưa ra một cơ chế giải quyết giải quyết tranh chấp rõ ràng cho hợp đồng thông minh. Nếu hợp đồng thông minh được xác định chính thức là một hợp đồng điện tử trong Luật giao dịch điện tử 2005 thì nó có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng truyền thống quy định trong Bộ Luật dân sự 2015. Do đó, các cơ chế giải quyết tranh chấp, thẩm quyển giải quyết và lựa chọn luật trong pháp luật hợp đồng cũng sẽ được áp dụng tương tự trong hợp đồng thông minh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các bên tham gia hợp đồng thông minh đó là phương thức giải quyết tranh chấp thông thường có đảm bảo yếu tố nhanh chóng hiệu quả và tiếp kiệm chi phí cho các bên khi hợp đồng thông minh hoàn toàn vận hành trên nền tảng BlockChain thông qua các mã lệnh. Trên thực tế, việc giao kết hợp đồng thông minh khó có thể xác định vị trí chính xác và thông tin của các bên. Khi xảy ra tranh chấp, nếu các bên lựa chọn tòa án thì việc xác định thẩm quyền tòa án và luật áp dụng sẽ rất khó xác định. Ngoài ra, chi phí cho việc giải quyết tranh chấp tại Tòa sẽ cao hơn khi những chuyên gia lập trình cần được thuê giải thích các điều khoản bằng mã lệnh cho các bên và hội đồng thẩm phán. Hiện nay, trọng tài số được xem là cơ chế phổ biến nhất trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thông minh bởi tính bảo mật, nhanh chóng, tiếp kiệm chi phí và đảm bảo công bằng. Theo đó, khi có tranh chấp, các bên liên quan sẽ sử dụng trọng tài số. Ttrong tài số hiện nay được chia thành 2 loại: dạng đặc biệt (Special) và dạng giao công việc (Crowdsourced). Nhìn chung, các thuật toán tự động được xây dựng nhằm xác định tranh chấp của các bên khi giao dịch không thể thực hiện được (Army và Colin, 2019). Từ đó, hệ thống sẽ đưa ra danh sách tự động các trọng tài có chuyên môn và khả năng về tranh chấp của các bên trên thế giới để gợi ý, cho phép các bên thỏa thuận lựa chọn trọng tài phù hợp. Trong tài số sẽ đưa ra phán quyết về các vi phạm hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại với bên vi phạm. Một số trọng tải số giao công việc phổ biến hiện nay là OpenBaazar, Kleros, Aragon and Jur.io ở Mỹ đã áp dụng phương pháp này (Army và Colin, 2019). Do đó, pháp luật Việt Nam cần bổ sung cơ chế về các hình thức giài quyết tranh chấp số đối với hợp đồng thông minh và đưa ra các quy định về quan lý hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ này.
C. Kết luận
Hợp đồng thông minh là một hình thức hợp đồng mới thúc đẩy sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực tế đã cho thấy loại hợp đồng có những lợi thế hơn so với các hợp đồng truyền thống khi cơ chế hoạt động của nó dưa trên nền tảng công nghệ Blockchain. Điều này tạo điều kiện hợp đồng thông minh khai thác được những điểm cải tiến của mạng lưới chuỗi khối như tính tự động, tính bất biến và tính phân tán. Để tận dụng được tối đa ưu điểm của hợp đồng thông minh, pháp luật Việt Nam cần phải đưa ra những quy định phù hợp nhằm thừa nhận tính hợp pháp của loại hợp đồng này trong các giao dịch. Tuy nhiên, khi giao dịch hợp đồng thông minh tại Việt Nam hiện nay, các bên trong hợp đồng có thể đối mặt với những rủi ro pháp lý phát sinh từ giá trị pháp lý của hợp đồng về nội dung va hình thức, điều kiện chủ thể tham gia, yếu tố thỏa thuận, phương tiện thanh toán, tính bảo mật và rủi ro kỹ thuật cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp do hệ thống pháp luật Việt Nam thiếu một khung pháp lý rõ ràng và cụ thể về vấn đề này.
Để khắc phục các rủi ro và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên tham gia, Nhà nước cần thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng thông minh và tiền ảo trong pháp luật hợp đồng và kinh tế, đưa ra các quy định hướng dẫn về quản lý hệ thống thông tin trong việc xác nhận điều kiện về chủ thể trong giao dịch. Ngoài ra, Nhà nước cần phải đưa ra các quy định về việc thống nhất kiểm soát và quản lý các hợp đồng điện tử và giao quyền cho các cơ quan chuyên trách. Đồng thời, pháp luật cần quy định những điều kiện và yêu cầu bắt buộc đối với hệ thống thông tin, lập trình viên và các tổ chức cung cấp dịch vụ cho hợp đồng thông minh để đảm bảo sự an toàn của môi trường giao kết điện tử.
Tài liệu trích dẫn
- (2020). Smart Contract trên blockchain thay đổi cách thức hợp tác trong kinh doanh. Nguồn: https://blog.akachain.io/vi/smart-contract-tren-blockchain-thay-doicach-thuc-hop-tactrong-kinh-doanh/,
- Amy J. Schmitz and Colin Rule. (2019). Online Dispute Resolution for Smart Contracts. Journal of Dispute Resolution. Legal Studies Research Paper Series Research Paper No. 2019-11
- Bộ luận dân sự 2015
- Chamber of Digital Commerce. (2018). Smart Contracts: Is the Law Ready? Digital Chamber. Nguồn https://digitalchamber.org/smart-contracts-paper-press/, p.10.
- Đạo luật Công nghệ Chuỗi khối bang Illinois, MỸ
- Fritz, G. & Treichl, L. (2019). What’s in a Smart Contract? FRESHFIELDS, BRUCKHAUS,DERINGER, https://www.freshfields.com/en-us/ourthinking/campaigns/digital/fintech/whats-in/whats-in-a-smart-contract/[https://perma.cc/SG8L-9V47]
- Gilcrest, Jack & Carvalho, Arthur. (2018). Smart Contracts: Legal Considerations. 2018 IEEE International Conference on Big Data (Big Data)
- HB 2417 sửa đổi Luật Giao dịch Điện tử Arizona (AETA), Mỹ
- Krysenkova N.B. (2021). Smart Contracts In Foreign Legal Space, www.urfac.ru,
- Linh, Nguyen (2022). Thực trạng các quy định pháp luật về hợp đồng thông minh và một số giải pháp hoàn thiện. Tạp chí Tòa án. Nguồn: https://tapchitoaan.vn/thuc-trang-cac-quy-dinh-phap-luat-ve-hop-dong-thong-minhva-mot-so-giai-phap-hoan-thien6947.html
- Luật định Uỷ Ban Châu Âu số 910/2014
- Luật giao dịch điện tử 2005
- Luật Minh Khuê (2022). Một số quy định pháp luật của Mỹ liên quan đến công nghệ chuỗi khối Blockchain và tham khảo cho Việt Nam. Pháp luật và Bản quyền. Tạp chí Pháp lý. Nguồn: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/mot-so-quy-dinh-phap-luatcua-my-lien-quan-den-cong-nghe-chuoi-khoi-blockchain-va-tham-khao-cho-viet-nama991.html//
- Luật về Các Quy định Khẩn cấp liên quan đến Hỗ trợ và tạo điều kiện cho Doanh nghiệp và Quản lý Công, Ý
- Ly, Lưu (2022). Smart contracts prompt the need to improve the legal system. Vietnam Law and Legal Forum. Nguồn: https://vietnamlawmagazine.vn/smartcontracts-prompt-the-need-to-improve-the-legal-system-48238.html
- Max Raskin. (2017). The Law and Legality of Smart Contract. 1 GEO. L. TECH. REV. 305. Nguồn: https://georgetownlawtechreview.org/wpcontent/uploads/2017/05/Raskin-1-GEO.-L.-TECH.-REV.-305-.pdf, p.306.
- Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử
- Nguyễn, V.Đ. (2019). Giao dịch dân sự và điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Cổng thông tin điện tử Sở tư pháp Bắc Giang.
- Tô, M.P. (2020). Pháp luật điều chỉnh hợp đồng thông minh (smart contract) trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam. Đề tài sinh viên NCKH/ thư viện trường Đại học Luật Hà Nội.
- Trang, Vũ, Thư, Vũ và Yến, Nguyễn. (2022). Sự Phát Triển Của Hợp Đồng Thông Minh Ở Việt Nam Và Một Số Vấn Đề Pháp Lý Đặt Ra. Đại học Ngoại Thương. Working Paper 2022.1.5.04 – Vol 1, No 5 FTU
- Volos A.A (2020). The Technology of Blockchain and Smart Contract and Their Regulation Under the Conflict of Laws of the European Union. Advances in Economics, Business and Management Research. Vol No.156
- Wendy, Z. (2022). Smart contracts: What lawyers need to know. LSJ Media. Nguồn: https://lsj.com.au/articles/smart-contracts-what-lawyers-need-to-know/#_ftn5