Có thể sai lầm nếu xét công nhận giáo sư dựa vào Scopus, Pubmed
Xác định tập san khoa học chánh thống là trọng tâm trong việc xét duyệt công nhận chức danh giáo sư ở Việt Nam. Hội đồng giáo sư ngành y dựa vào danh mục Pubmed, Scopus, và Web of Science (WOS) là một tiến bộ. Nhưng tôi nghĩ vẫn tồn tại vấn đề, đặc biệt là danh mục Pubmed, Scopus và ESCI vẫn có những tập san phi chánh thống hoặc “tập san dỏm”.
“Tập san dỏm” được định nghĩa hay hiểu là những trạm xuất bản giả danh tập san khoa học chuyên xuất bản những bài báo lừa bịp để lấy tiền [1]. Các tập san này không thuộc bất cứ hiệp hội khoa học nào, và không có cơ chế bình duyệt nghiêm chỉnh, bởi vì họ không quan tâm đến khoa học mà chỉ là lợi nhuận. Các trạm xuất bản này còn được biết đến cái tên “Predatory Journals” hay “tập san săn mồi”. Hiện nay, trên thế giới có hơn 12,000 “tập san săn mồi”, mỗi năm công bố hơn 400,000 bài báo, và thị trường của họ hơn 74 triệu USD (số liệu 2014) [1].
‘Mồi’ của các tập san này là các nhà khoa học thường ở các nước phát triển. Nhưng ngay cả các nhà khoa học ở các nước tiên tiến cũng có khi trở thành ‘mồi’ của các tập san dỏm. Có nhiều lí do để người ta công bố trên tập san dỏm: áp lực công bố khoa học để giữ vị trí hay biên chế; tập san có công bố những bài hợp với nội dung bài báo của tác giả; vì nghiên cứu có chất lượng nghiên cứu thấp nên không thể công bố trên các tập san khác; vì bị các tập san khác (chánh thống?) từ chối. Khoảng 35% những người trả lời cho biết họ đã nộp bài báo cho một tập san chánh thống và bị từ chối, trước khi nộp cho tập san dỏm; vì được tập san dỏm mời công bố; và 41% cho biết họ chọn vì qua các email quảng cáo.
Ở Việt Nam, theo quan sát của chúng tôi, đã có ít nhứt 500 bài báo trên các tập san dỏm trong thời gian 10 năm qua. Hiện tượng công bố trên tập san dỏm đã xảy ra lâu, và ngay cả năm ngoái cũng có ứng viên chức danh công bố trên tập san dỏm.
Tập san dỏm chánh thống
Bên cạnh tập san dỏm là tập san tạm gọi là “chính thống”. Trên thế giới có hơn 100.000 tập san khoa học chính thống, nhưng chỉ có một số ít được công nhận. Công nhận ở đây hiểu theo nghĩa được chấp nhận đưa vào các danh mục như Web of Science (WoS, thuộc Công ty Clariavate Analytics), Scopus (thuộc tập đoàn xuất bản Elsevier), ESCI (Emerging Scources Citation Index, thuộc Công ty Clarivate Analytics), và Pubmed (thuộc Thư viện Quốc gia Mỹ).
Danh mục WoS được khởi động từ năm 1997, nhưng lịch sử hình thành thì đã có từ lúc công ti này thuộc Viện thông tin khoa học (ISI) do Eugene Garfield thành lập vào thập niên 1960. Các tập san được thu nạp vào danh mục WoS phải trải qua một quá trình tuyển chọn 3 bước và tương đối nghiêm ngặt. Hiện nay, số tập san trong WoS là 28.560, nhưng chỉ có 20.219 là còn hoạt động thường xuyên. Nhìn chung, các tập san trong WoS được cộng đồng khoa học và y khoa đánh giá cao.
Vì sự xuất hiện và tăng trưởng của mô thức xuất bản Mở (Open Access), năm 2015 Clarivate thành lập một danh mục khác có tên là ESCI. Như tên gọi, các tập san trong danh mục ESCI được xem là ‘mới nổi’ và vẫn còn trong giai đoạn ‘thách thức’ để được thu nạp vào WoS. Hiện nay, theo Clarivate số tập san trong danh mục ESCI là trên 7800, nhưng con số này tăng hàng năm.
Danh mục Scopus được tập đoàn xuất bản Elsevier thành lập vào năm 2004 như là một cạnh tranh với WoS của Clarivate. Số liệu năm 2019 cho thấy danh mục Scopus có 37.535 tập san, chỉ có 23.793 (tức 63%) là còn hoạt động thường xuyên [2].
Dĩ nhiên, có những tập san trong Scopus cũng có trong WoS. Riêng ngành y, tỷ lệ trùng hợp giữa hai danh mục là 46% [2]. Nhiều tập san y khoa trong Scopus không có trong WoS, nhưng tất cả tập san y khoa trong WoS thì đều có trong Scopus.
Vấn đề của danh mục Scopus
Nhìn chung, các tập san trong chuyên ngành y sinh học thuộc danh mục WoS chọn lọc hơn Scopus. Những con số trên cũng gián tiếp xác định điều đó. Lý do là WoS có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn Scopus để thu nạp tập san vào danh mục. Một tập san khoa học phải đạt 28 tiêu chuẩn về chất lượng, ban biên tập, cơ chế bình duyệt, tầm ảnh hưởng ,v.v. của WoS. Không chỉ đạt 28 tiêu chuẩn mà còn phải qua 3 bước, và đa số tập san bị từ chối ở bước đầu.
Tiêu chuẩn để vào danh mục Scopus có phần dễ dãi hơn WoS, và bao gồm: Có cơ chế bình duyệt rõ ràng; bài vở mang tính đa dạng địa phương (tức tác giả đến từ nhiều quốc gia); có đóng góp học thuật vào chuyên ngành; bản tóm tắt (abstract) rõ ràng; tuân thủ theo quy định về chất lượng và nội dung học thuật; bài báo dễ đọc và theo quy chuẩn chung; có trích dẫn các tập san trong Scopus; ban biên tập gồm những nhà khoa học danh tiếng; trang web có đầy đủ thông tin về đạo đức công bố và chi phí.
Chất lượng của tập san khoa học gắn liền với uy tín và tầm ảnh hưởng. Uy tín và tác động của một tập san có thể đo qua nhiều chỉ số, gồm: hệ số ảnh hưởng (impact factor, IF), chỉ số eigenfactor (EF), chỉ số H [3]. Tất cả đều ít hay nhiều dựa vào số lần các tác giả trích dẫn bài báo. Trong mỗi chuyên ngành, tập san nào có nhiều trích dẫn hay chỉ số IF cao thì đó là tín hiệu cho thấy nó có uy tín cao.
Vì các tập san có uy tín khác nhau, người ta phải tìm một cách phân nhóm. Nhóm SCImago dùng dữ liệu của Scopus và có sáng kiến phân nhóm theo tứ phân vị (quartile). Trong mỗi chuyên ngành, SCImago dùng số lần trích dẫn trong 3 năm, rồi chia các tập san trong chuyên ngành đó thành 4 nhóm: Q1 (quartile 1) bao gồm các tập san có trích dẫn cao top 25%; Q2 là các tập san nhóm 25-50%; Q3 là nhóm 75%; và Q4 là tứ phân vị 75-100% (thấp nhất).
Thường các tập san dỏm được xếp vào nhóm Q4 hay Q3, nhưng cũng có tập san leo lên nhóm Q2. Thậm chí, có tập san mới ra đời 2-3 năm được xếp vào nhóm Q1. Điều này cho thấy cách phân nhóm có vấn đề. Không đại học nào ở Australia dùng cách phân nhóm tập san của SCImago để đánh giá ứng viên.
Một sự thật ít người chú ý đến là nhiều tập san dỏm và phi chính thống có thể được “kết nạp” vào danh mục Scopus. Các tập san này cố gắng đạt tiêu chuẩn của Scopus, nhưng sau khi đã được thu nạp thì người ta mới phát hiện họ làm việc không theo đúng các quy ước về đạo đức công bố (publication ethics).
Những vi phạm về đạo đức công bố của các tập san dỏm thường là ban biên tập “ma”, tức không có người thật hay người giả mạo; cơ chế bình duyệt không nghiêm chỉnh; mưu mẹo để có trích dẫn và tăng impact factor; khuynh đảo học thuật có tổ chức. Có một số tập san được thu nhận vào Scopus nhưng chất lượng ban biên tập, bình duyệt, bài báo và nhất là quá trình phát triển về trích dẫn của tập san này (chủ yếu từ các tác giả Ấn Độ) rất đáng ngờ đối với dân trong chuyên ngành.
Số lượng tập san dỏm hay phi chính thống trong Scopus có thể nói là nhiều nhất so với các danh mục khác, và do đó thường bị loại khỏi danh mục. Chẳng hạn năm 2017, có hơn 600 tập san bị loại khỏi danh mục Scopus. Theo một phân tích, khoảng 46% tập san trong nhóm Q4, 41% trong nhóm Q3, 10% trong nhóm Q2 và 3% trong nhóm Q1 bị loại [4]. Ngoài ra, một phân tích trên 944 tập san được xác định là dỏm, thì có đến 56 tập san có trong danh mục Scopus [5].
Nhưng mỗi năm cũng có vài trăm tập san được thu nạp vào Scopus. Nói cách khác, sự “chu chuyển” của các tập san trong danh mục Scopus là khá cao. Nhưng điều quan trọng là số tập san dỏm trong Scopus nhiều đến mức độ phải xem xét tiểu chuẩn về chất lượng. Đó chính là lý do cộng đồng khoa học không bao giờ đánh giá xếp hạng theo Q1-Q4 là đáng tin cậy [4].
Vấn đề của danh mục Pubmed
Pubmed thực chất không phải là danh mục mà là thư viện trực tuyến cho chuyên ngành y sinh học. Pubmed do Thư viện Quốc gia Mỹ quản lý. Nói là thư viện của Mỹ, nhưng thật ra đó là thư viện y sinh học toàn cầu, là nơi các bác sĩ, nhân viên y tế, nhà khoa học tham khảo hàng ngày. Tính trung bình mỗi ngày có hơn 2,5 triệu người trên khắp thế giới sử dụng Pubmed.
Số tập san trong thư viện Pubmed khoảng 7.000, nhưng con số này tăng mỗi năm. Số bài báo khoa học trong thư viện Pubmed khoảng 27 triệu và tăng mỗi ngày. Một số bài báo trong Pubmed được lưu trữ dưới dạng miễn phí (tức Pubmed Central hay PMC).
Nhưng Pubmed ngày càng có vấn đề. Trong vài năm gần đây, bất cứ ai có kinh nghiệm sử dụng Pubmed đều thấy những “tập san lạ” mà người trong chuyên ngành chưa bao giờ biết đến hay thuộc bất cứ hiệp hội khoa học nào. Nói thẳng đó là những tập san dỏm hay phi chính thống, vì chỉ cần đọc vài bài trên các tập san đó là người trong ngành nhanh chóng nhận ra những bài báo bậy bạ. Có những bài quảng bá cho những liệu pháp điều trị nguy hiểm.
Do đó, giới y khoa rất quan tâm đến chất lượng của Pubmed và họ đã cảnh báo nhiều lần. Theo giáo sư Franca Deriu, người từng nghiên cứu về tập san dỏm trong Pubmed, đã có hơn 200 tập san dỏm trong lĩnh vực y sinh học trong Pubmed. Trong một bài bình luận trên Lancet [6], giáo sư Deriu và đồng nghiệp đã cảnh báo tình trạng này và yêu cầu Pubmed phải có những tiêu chuẩn tốt hơn nữa để sàng lọc tập san dỏm.
Chỉ chuyên ngành thần kinh học, có hơn 10% các tập san trong chuyên ngành này trong Pubmed được giới chuyên gia đánh giá là dỏm [7]. Một nghiên cứu khác cho thấy các danh mục như Scopus thậm chí còn có nhiều tập san dỏm hơn Pubmed [8].
Vấn đề của danh mục ESCI
Như đề cập trên, ESCI là một danh mục bao gồm những tập san khoa học mới ra đời, nhưng chủ yếu là Open Access. Thường, những tập san này mang tính địa phương, nhưng có tiềm năng trở thành những tập san đáng tin cậy.
Tuy nhiên, vì tiêu chuẩn thu nạp các tập san này có phần dễ dãi (so với WoS), nên một số tập san dỏm cũng len lỏi vào. Chẳng hạn như một phân tích trên Medical Archives [5] năm 2020 phát hiện 28 tập san dỏm (trong số 944) được thu nạp vào ESCI! Như vậy số tập san dỏm trong ESCI chỉ kém hơn Scopus, nhưng tỉ lệ tập san dỏm trong ESCI có thể cao hơn 2 lần so với Scopus [9].
Sự thật này cho thấy các hội đồng xét duyệt chức danh giáo sư phải rất cẩn thận với những ứng viên có công bố trên các tập san trong danh mục ESCI.
Chọn tập san nào cho việc xét duyệt chức danh giáo sư?
Bảng dưới đây tóm tắt và so sánh qui mô của sự hiện diện của các tập san dỏm trong các danh mục WoS, Scopus, Pubmed và ESCI. Những dữ liệu thực tế trong bảng cho thấy rõ ràng rằng Scopus, Pubmed và ESCI có vấn đề về tiêu chuẩn chọn tập san khoa học.
Qua những phân tích và sự thật trên, rất dễ thấy quyết định của Hội đồng Giáo sư Nhà nước dựa vào cách xếp hạng tập san trong danh mục theo Q1-Q4 (của SCImago), Pubmed, và ESCI là có vấn đề. Dựa vào 3 danh mục này một cách vô điều kiện, theo tôi có thể dẫn đến sai lầm và bất công. Khả năng sai lầm là vì tập san A năm nay được công nhận (theo quy định của hội đồng) nhưng năm sau bị loại ra, và như thế là gây bất công cho các ứng viên khác.
Tôi đề nghị một cách phân loại tập san chính thống và phi chính thống. Tập san chính thống do các hiệp hội khoa học chính thống làm chủ quản và xuất bản bởi các nhà xuất bản học thuật; hoặc do các nhà xuất bản học thuật (như Elsevier, Springer-Nature, Wiley, Sage, Taylor & Francis, Routledge, Oxford, Cambridge, Harvard, MIT, Academic Press) lập ra nhưng được công nhận bởi cộng đồng khoa học. Chỉ chấp nhận tập san trong danh mục WoS hoặc/và do hiệp hội khoa học quản lý vì tuyển chọn theo tiêu chuẩn tương đối nghiêm ngặt.
Tiêu biểu cho nhóm tập san thứ nhất là JAMA (thuộc Hiệp hội Y khoa Mỹ), BMJ (Hiệp hội Y khoa Anh), New England Journal of Medicine (thuộc Hiệp hội Y khoa bang Massachusetts – Mỹ), JCEM (Hiệp hội Nội tiết Mỹ). Nhóm hai bao gồm các tập san thuộc nhóm Lancet, Nature, eLife, PLoS Medicine, v.v. Không cần phân nhóm Q1-Q4 theo cách làm của SCImago bởi các tiêu chuẩn tôi nói ở trên đã tự động loại bỏ các tập san dỏm và phi chính thống.
Ngoài ra, cần lưu ý có những tập san mới thuộc các hiệp hội khoa học có thể chưa có trong Scopus hay WoS, nhưng là chính thống. Ví dụ Journal of Endocrine Society, Osteoporosis and Sarcopenia, JBMR Plus. Những tập san này nên được công nhận. Dĩ nhiên, chỉ có người có kinh nghiệm trong chuyên ngành mới có thể đánh giá chính xác tập san dỏm và chính thống.
Vấn đề đạo đức công bố
Tôi nghĩ vấn đề cấp bách hiện nay là đạo đức công bố. Theo một nghiên cứu tìm hiểu tại sao các nhà khoa học công bố trên tập san dỏm [10], các tác giả đưa ra 3 nhóm lý do: thể chế, kiến thức và chất lượng khoa học.
Lý do thể chế ở đây là đại học gây áp lực lên nhà khoa học về công bố khoa học, nhưng đại học lại không có chính sách về công bố khoa học và không có hình phạt những người công bố trên tập san dỏm. Thứ hai là bản thân nhà khoa học kém kiến thức về đạo đức công bố, không phân biệt được tập san dỏm và chính thống. Thứ ba là những người biết rõ tập san dỏm nhưng vẫn chọn công bố vì bài báo của họ có chất lượng thấp hoặc/và bị các tập san chính thống từ chối công bố.
Theo một khảo sát, khoảng 35% người trả lời cho biết đã nộp bài báo cho một tập san chính thống và bị từ chối, trước khi nộp cho tập san dỏm vì được tập san dỏm mời công bố; và 41% cho biết chọn vì qua các email quảng cáo [10].
Kỹ nghệ xuất bản dỏm làm vẩn đục khoa học, nhưng công bố trên những tập san dỏm không phải là gian lận khoa học, mà là vi phạm quy ước về đạo đức công bố (publication ethics). Đạo đức công bố bao gồm những điều lệ và quy ước giúp nhà khoa học phân biệt được tập san chính thống và phi chính thống và không công bố trên tập san dỏm.
Các đại học Việt Nam chưa có quy ước về đạo đức công bố. Do đó, tôi nghĩ các trường có thể tham khảo quy chuẩn về đạo đức công bố ở nước ngoài (như Đại học UNSW chúng tôi) để có chính sách rõ ràng về công bố khoa học và phải minh định rằng công bố trên tập san dỏm sẽ không chấp nhận. Những lớp tập huấn về đạo đức công bố dành cho tất cả nghiên cứu sinh, giảng viên và giáo sư là rất cần thiết. Làm được như vậy thì các tập san dỏm sẽ khó có cơ hội xâm nhập khoa học ở Việt Nam.
Tham khảo:
[1] Nguyễn Văn Tuấn. “Cẩm nang nghiên cứu khoa học: Từ ý tưởng đến công bố“. Nhà xuất bản Tổng Hợp TPHCM, 2017. Tái bản 2018, 2019, 2020 (trang 352-367).
[2] Texas A&M University Libraries. Web of Science versus Scopus: Journal Coverage Overlap Analysis.
[3] Nguyễn Văn Tuấn. Những thước đo để đánh giá tập san khoa học. Tạp chí Khoa học và Phát triển 28/4/2018.
[4] Cortegianiaet al. Inflated citations and metrics of journals discontinued from Scopus for publication concerns: the GhoS(t)copus Project. bioRxiv preprint doi: https://doi.org/10.1101/2020.03.26.007435.
[5] Nguyen Minh Duc, et al. Predatory Open Access Journals are Indexed in Reputable Databases: a Revisiting Issue or an Unsolved Problem. Med Arch 2020; 74(4): 318-322.
[6] Manca et al. PubMed should raise the bar for journal inclusion. Lancet 2017;390:734-5.
[7] Fiorini et al. Towards PubMed 2.0. eLife 2017; 6: e28801.
[8] Manca et al. Predatory Open Access in Rehabilitation. Archives of Physical Medicine and Rehabilitation 2017;98:1051-6.
[9] Somoza-Fernández et al. Presence of alleged predatory journals in bibliographic databases: analysis of Beall’s list. Melcior de Palau, 140. 08014 Barcelona.
[10] Cobey et al. Knowledge and motivations of researchers publishing in presumed predatory journals: a survey. BMJ Open 2019;9:e026516.
https://vnexpress.net/co-the-sai-lam-neu-xet-cong-nhan-giao-su-dua-vao-scopus-pubmed-4184968.html
-VNEconomics tổng hợp các bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn–
# xét công nhận giáo sư