Bài 6: Giải pháp chống phân mảnh nội dung Kết quả
Giải pháp chống phân mảnh nội dung Kết quả
Các em thân mến ! Hôm nay Nhi quay lại với các em trong bài thứ 6 của chuyên đề “Làm cho luận văn tốt nghiệp tuyệt vời trở lại”. Kể từ bài này, chúng ta sẽ lần lượt giải quyết những vấn đề cụ thể, thực dụng.
Một vấn đề phổ biến trong luận văn của thế hệ trước và vẫn đang tiếp diễn ở hiện tại, đó là sự phân mảnh của nội dung phần Kết quả, với một số biểu hiện là:
Trình bày rời rạc và dàn trải kết quả của từng phân tích thống kê (thường mở đầu bằng một loạt hình vẽ mô tả, sau đó là kết quả so sánh/tương quan… vv) trong rất nhiều tiểu mục, nhưng không có ý nghĩa định hướng, không theo một chủ đề, mục tiêu rõ ràng nào cả.
Trình bày bảng kết quả thô, đơn biến (có khi sao chép tất cả bảng kết quả thô xuất ra từ phần mềm thống kê), nhưng không có diễn giải, tổng hợp và liên kết giữa các mảnh kết quả này.
Báo cáo cùng một nội dung bằng cả hình và bảng (trùng lắp và dư thừa).
Sử dụng biểu đồ một cách rời rạc, liệt kê hàng loạt biểu đồ kèm theo 1 vài câu ‘nhận xét’ bên dưới, không hề quan tâm người đọc có khả năng phân tích biểu đồ hay không, cũng không kết nối được mỗi biểu đồ và nội dung văn bản chung.
Sau đây là một vài gợi ý của Nhi về cách giải quyết vấn đề trên:
(A) Xây dựng cấu trúc cho phần kết quả
Không nên bắt tay vào viết phần kết quả khi chưa có kịch bản, dàn ý và kế hoạch. Tránh quan niệm đơn giản cho rằng chỉ cần báo cáo toàn bộ kết quả sao cho lấp đầy số trang là được. Không nên báo cáo theo kiểu liệt kê, dàn trải tất cả kết quả mình làm ra. Cũng không nên dựa vào bất cứ một mẫu dàn ý nào trong các luận văn thế hệ trước.
Thay vào đó, nên xây dựng một cấu trúc và dàn ý kết quả cho chính bản thân mình, dựa vào hệ thống mục tiêu và kế hoạch phân tích mà đề tài đã đặt ra. Ngoài chức năng báo cáo kết quả công việc, nội dung luận văn là một câu chuyện cần được kể theo trình tự, liền mạch, các tình tiết được xâu chuỗi với nhau một cách hợp lý.
Thí dụ, với một luận văn có mục tiêu khảo sát vai trò của một biomarker X trong bệnh lý Y, ta có thể tổ chức phần kết quả thành 4 phân đoạn, bám sát theo kế hoạch phân tích, mỗi phân đoạn có thể xem là 1 lục tiêu hay bộ phận của mục tiêu:
Đặc điểm lâm sàng của dân số nghiên cứu : cho phép xác định trạng thái của mẫu khảo sát
Khảo sát đặc tính của Biomarker X; mô tả chuyên biệt đặc tính phân bố của đối tượng được khảo sát là biomarker X,
Liên hệ giữa X và các thông số lâm sàng khác,
Giá trị của X với chức năng một xét nghiệm chẩn đoán riêng lẻ : một phân tích ROC để khảo sát hiệu năng chẩn đoán của X,
Vai trò độc lập của X khi kết hợp với những yếu tố khác : ta có thể dùng mô hình hồi quy đa biến để khảo sát vai trò độc lập của X khi kết hợp với những thông số khác, cho phép chẩn đoán bệnh hoặc tiên lượng…
Sau khi đã thiết lập được dàn ý, bạn có thể chọn những kết quả phù hợp để xếp vào từng phân đoạn phù hợp, giống như dựng một bộ phim theo kịch bản từ nhiều cảnh quay rời rạc. Sau đó chỉ cần thêm lời dẫn chuyện, triển khai diễn giải kết quả liên kết các phân đoạn với nhau.
(B) Trình bày có chọn lọc, tổng hợp và đầy đủ thông tin
Không nên duy trì phong cách trình bày như xưa như liệt kê hàng loạt biểu đồ/bảng, đặt cho mỗi hình 1 cái tên, rồi viết vài câu “nhận xét” bên dưới, một cách rời rạc. Quen với phong cách trình bày này sẽ rất có hại sau này.
Nên ghép nhiều biểu đồ cùng mục tiêu vào thành 1 hình tổng hợp thay vì liệt kê từng biểu đồ đơn lẻ, tương tự nên trình bày những bảng kết quả tổng hợp cùng chủ đề thay vì cắt nó ra thành nhiều bảng nhỏ. Không sử dụng cả hình và bảng cho cùng một thông điệp/kết quả.
Trong một bài trước, Nhi từng chia sẻ cách diễn đạt hiệu quả cho biểu đò thống kê : Diễn đạt môt biểu đồ thống kê trong văn bản khoa học
Một cách tóm tắt, mỗi biểu đồ luôn được gắn kết với nội dung văn bản khoa học thông qua 2 yếu tố : nhãn tham chiếu (Hình 1,2…n), và một thông điệp chính mà ta muốn chuyển đến người đọc, thí dụ : so sánh/tương phản, liên hệ/tương quan, diễn tiến/khuynh hướng Tuy nhiên, ta không thể chỉ đưa ra một biểu đồ trần trụi mà cần phải kèm theo chú giải chi tiết để hướng dẫn người đọc phân tích biểu đồ : Nhìn vào đâu, nhìn chỗ nào ? Biểu đồ này tên là gì ? Cấu tạo và ý nghĩa của các thành phần (hệ trục, thang đo, hình họa, màu sắc…), quan tâm đến chi tiết gì ?
Thí dụ : Ta có một biểu đổ gộp trong phần thống kê mô tả :
*Hình F : Đặc tính phân bố của 12 thông số lâm sàng giữa 2 phân nhóm *
Chú thích : Trong hình trên, mỗi ô trình bày 2 biểu đồ mật độ phân bố (Kernel density plot) ở nhóm Bình thường (màu xanh) và Bệnh lý (Màu đỏ) . Trục hoành biểu thị thang đo của đại lượng cần khảo sát, trục tung biểu thị mật độ xác suất cho mỗi giá trị ghi nhận.
Một nơi nào đó trong văn bản : « … Như trình bày trong hình F, X có phân phối chuẩn và cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa hai phân nhóm, với khuynh hướng trung vị giảm (lệch về bên trái) ở nhóm bệnh lý. »
Việc tổ chức nội dung kết quả tương ứng với hệ thống mục tiêu và chuỗi lập luận sẽ tăng sự hấp dẫn và tính hợp lý cho câu chuyện bạn đang kể. Mỗi kết quả được trình bày có vai trò chứng cứ và được liên kết với nhau thành một khối vững chắc. Ngoài ra mỗi phân đoạn cần mộ tiêu đề, lời dẫn chuyện, lời kết luận và cầu nối trung gian kết nối với phân đoạn tiếp theo, tạo hiệu quả lôi cuốn người đọc.
Hẹn gặp các em trong bài tiếp theo.
Nguồn: Lê Ngọc Khả Nhi
# phân mảnh nội dung Kết quả