ĐẶC TÍNH “MÃ LÀ LUẬT” VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐÁNG LƯU Ý TRONG BỐI CẢNH HỢP ĐỒNG THÔNG MINH DƯỚI GÓC NHÌN PHÁP LÝ
Nguyễn Thị Lan Hương*
* NCS. Thạc sĩ Luật học, Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại Quốc tế; Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (email: ntlhuong@hcmulaw.edu.vn).
Phạm Bá Phong**
**Cử nhân Luật học, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh; Văn phòng Luật sư Chi Mai, Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh (email: phongchimai@gmail.com).
Tóm tắt
Trong làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đang được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong các ứng dụng của công nghệ này, hợp đồng thông minh (HĐTM) trở thành một chủ đề đáng quan tâm vì những ích lợi có thể mang lại cho hoạt động lưu trữ hay cho việc hỗ trợ thực hiện giao dịch truyền thống. Là giao thức chạy trên nền tảng blockchain, HĐTM bị chi phối bởi đặc tính “Mã là luật” (code is law) và đây là điểm tạo ra nhiều khác biệt quan trọng giữa HĐTM với hợp đồng truyền thống. Vận dụng các phương pháp phân tích – tổng hợp và so sánh, bài viết sẽ phân tích các vấn đề cơ bản về HĐTM, đặc tính “mã là luật” cũng như ảnh hưởng của đặc tính này đến giao thức mà nó chi phối như HĐTM. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số đề xuất nhằm hỗ trợ và bước đầu đặt nền tảng cho việc quản lý ứng dụng này trong bối cảnh hiện tại.
Từ khóa: công nghệ chuỗi khối, hợp đồng thông minh, mã là luật
Giới thiệu
Thông thường, trong các giao dịch hợp đồng truyền thống, các chủ thể thường trải qua các giai đoạn như đàm phán, soạn thảo, xác lập và thực hiện hợp đồng. Ở giai đoạn tiền hợp đồng, các chủ thể có thể tìm đến các đối tác tiềm năng thông qua các bên trung gian (ví dụ như quan hệ ủy thác mua bán hàng hóa theo Luật Thương mại). Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên có thể có những cơ sở dữ liệu, điện tử hay vật lý, để lưu trữ hồ sơ, giấy tờ liên quan (như máy tính chủ, kho lưu trữ hồ sơ,…). Hơn nữa, khi thời điểm các khoản thanh toán hay các nghĩa vụ cần thực hiện đến hạn, những trường hợp không thực hiện hợp đồng hay chậm trễ thực hiện nghĩa vụ có thể xảy ra. Có thể thấy, trong hoạt động giao dịch hợp đồng truyền thống, quá trình tìm kiếm đối tác tiềm năng, xây dựng một cơ sở dữ liệu tập trung, kiểm soát quá trình thực hiện hợp đồng hay quản lý việc giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra sẽ khiến cho các chủ thể tham gia tốn kém nhiều tiền bạc, thời gian và công sức. Như vậy, liệu có tồn tại một loại hợp đồng có khả năng giảm thiểu hay thậm chí giải quyết những vấn đề trên? Câu trả lời là có và đó chính là “hợp đồng thông minh” – “smart contract” (HĐTM). Là một trong những ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain), hợp đồng thông minh đang được quan tâm vì nó mang đến nhiều khả năng ưu việt như: tạo lập và thực hiện hợp đồng một cách tự động, tự động thực thi giao dịch khi các điều kiện được đáp ứng theo phương thức phân tán bởi các nút mạng trong mạng lưới, mang tính bảo mật cao hay các giao dịch trong HĐTM không thể bị thay đổi và quan trọng là không cần đến một bên trung gian.
Dù mang đến một số cải thiện so với các hoạt động giao dịch hợp đồng truyền thống, HĐTM vẫn hàm chứa bất lợi trong một số trường hợp nhất định chính bởi sự tự động hóa, cũng như sự tự điều chỉnh trên mạng lưới. Ví dụ, việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng có thể gặp khó khăn với tính chất không thể thay đổi của các khối trong chuỗi khối; việc giải thích các điều khoản bất khả kháng cũng sẽ là thách thức với tính logic, khó thay đổi của mã máy tính;… Sự tự động này của HĐTM thể hiện đặc tính “Mã là luật” (code is law). Theo đó, nếu mã máy tính trên HĐTM cho phép điều gì đó thì điều đó mang “tính pháp lý”[1]. Việc phân tích “Mã là luật” sẽ giúp hiểu thêm về cơ chế hoạt động của HĐTM, từ đó tìm ra hướng tiếp cận phù hợp và hiệu quả hơn với loại ứng dụng mới này.
Với mục tiêu đưa ra một số đề xuất nhằm hỗ trợ và bước đầu quản lý HĐTM trong bối cảnh phát triển, ứng dụng blockchain ngày càng phổ biến, bài viết này, trước hết sẽ phân tích tổng quan về công nghệ HĐTM, tiếp đó phân tích khái niệm “mã là luật” và ảnh hưởng của nó đến các hoạt động giao dịch trong bối cảnh HĐTM; cuối cùng đưa ra các đánh giá và đề xuất liên quan.
1. Tổng quan về công nghệ chuỗi khối và hợp đồng thông minh
Trước khi tìm hiểu về “Mã là luật” và hướng tới dung hòa mã và luật, việc hiểu được công nghệ chuỗi khối – Blockchain – và HĐTM là cần thiết. Vì vậy, phần dưới đây trình bày một số thông tin nền tảng cơ bản, cần thiết về blockchain và HĐTM.
1.1. Đôi nét về công nghệ chuỗi khối – Blockchain
Lần đầu tiên được đề cập đến trong mã nguồn nguyên thủy cho Bitcoin[2], Blockchain có thể được hiểu một cách cơ bản là một chuỗi (chain) gồm các khối (block) dữ liệu được liên kết và bảo mật đóng vai trò như một cơ sở dữ liệu phân tán được chia sẻ giữa các nút mạng của một mạng máy tính[3]. Công nghệ Blockchain mang các đặc điểm chính sau:
(i) Tính không thể sửa đổi
Đặc điểm này là một trong những bản chất của công nghệ chuỗi khối, được thể hiện qua cơ chế hoạt động của chuỗi và cấu tạo của các khối[4]. Nếu một chủ thể muốn can thiệp vào một khối nào đó trong chuỗi thì phải thay đổi toàn bộ các khối trước và sau khối này. Điều này giúp tạo nên tính không thể sửa đổi của chuỗi khối.
(ii) Tính phi tập trung
Ứng dụng công nghệ mạng ngang hàng (P2P (peer-to-peer) network), một hệ thống chuỗi khối bao gồm nhiều nút mạng (node, hay còn gọi là peer) và mỗi nút mạng đều duy trì bản sao lưu hoàn chỉnh của chuỗi khối được cập nhật và đồng bộ liên tục giữa các nút mạng. Đây là đặc điểm tạo nên tính phi tập trung của Blockchain. Cũng vì đặc điểm này, việc vận hành chuỗi khối cần phải có cơ chế đồng thuận – một quá trình nhằm đạt đến sự đồng thuận trong một hệ thống phân tán với trạng thái hợp lệ[5]. Cơ chế đồng thuận cũng giúp gia tăng tính bảo mật vì chuỗi khối rất dễ bị tấn công nếu chỉ dựa vào cấu tạo và cơ chế hoạt động chuỗi đơn thuần6.
(iii) Không cần đến một đơn vị trung gian
Vì ứng dụng công nghệ mạng ngang hàng, chuỗi khối được quản lý chung bởi nhiều nút mạng tham gia nên không cần một đơn vị cụ thể để vận hành nó. Tiếp đó, các chủ thể tham gia có thể giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần thông qua một đơn vị trung gian. Cũng cần lưu ý rằng, các chủ thể tham gia hệ thống Blockchain không sử dụng danh tính thực mà được nhận biết bởi biệt hiệu (pseudonym). Dù không có một chủ thể trung gian và các chủ thể tham gia mạng lưới không sử dụng danh tính thật, lòng tin trong mạng lưới vẫn được tạo dựng nhờ vào các yếu tố sau: khả năng truy ngược về khối nguyên thủy, tính bảo mật cao (các chuỗi khối trong mạng luới được mã hóa, cơ chế đồng thuận, mạng lưới phân tán,…), tính minh bạch (sổ cái được chia sẻ với các bên liên quan, quá trình xử lý dữ liệu sẽ cơ bản diễn ra gần sát thời gian thực).
1.2. Đôi nét về hợp đồng thông minh
Lần đầu tiên được giới thiệu bởi Nick Szabo – một nhà khoa học máy tính người Mỹ – vào năm 1994[6], hợp đồng thông minh là một tập hợp những lời cam kết cụ thể ở dạng số, bao gồm những giao thức mà các bên thực hiện trên những cam kết này[7]. Hiện nay có khá nhiều nghiên cứu quốc tế và tại Việt Nam xoay quanh việc công nhận tính pháp lý của HĐTM[8]. Tuy nhiên, vì đối tượng nghiên cứu của bài viết này là khái niệm “Mã là luật” trong bối cảnh HĐTM nên chứng tôi không đi sâu phân tích vấn đề trên. Nhìn chung, nghiên cứu này cho rằng bản chất HĐTM không nên được nhìn nhận như một hợp đồng truyền thống với các đặc tính cơ bản được pháp luật các nước thừa nhận. Trên thực tế, đây là một dạng công nghệ nhằm hỗ trợ việc thực hiện hợp đồng. Do đó, HĐTM phải song hành với hợp đồng truyền thống. Điều này được chứng minh bởi hai lý do cơ bản: thứ nhất, theo nguyên tắc chung, trước khi giao thức HĐTM được viết trên blockchain thì đã có một hợp đồng truyền thống hình thành, điều này được chứng minh thông qua cơ chế hoạt động của HĐTM; thứ hai, về bản chất, HĐTM là một giao thức trên blockchain.
Về cơ bản, “vòng đời” của một hợp đồng thông minh gồm 04 giai đoạn diễn ra liên tục, gồm: tạo lập hợp đồng, triển khai hợp đồng, thực hiện hợp đồng và hợp đồng hoàn thành[9]. Theo đó, ở giai đoạn đầu, các bên tham gia hợp đồng liên quan thống nhất thỏa thuận và các kỹ sư phần mềm sẽ chuyển thỏa thuận từ ngôn ngữ tự nhiên sang HĐTM được viết bằng ngôn ngữ máy tính; việc chuyển đổi này bao gồm ba bước: thiết kế, áp dụng và thử nghiệm. Sau khi thử nghiệm thành công, ở giai đoạn thứ hai, HĐTM có thể được triển khai lên mạng lưới và tất cả các bên liên quan có thể truy cập vào HĐTM thông qua chuỗi khối sau khi triển khai thành công; khi này, tài sản số của các bên trong HĐTM được khóa lại thông qua việc “đóng băng” các ví điện tử tương ứng và các bên có thể được nhận diện bởi các ví điện tử này. Sau khi triển khai thành công, các điều khoản trong hợp đồng cũng đã được tinh chỉnh cho phù hợp. Tiếp đó, khi các điều kiện hợp đồng diễn ra, quy trình sẽ được tự động thực thi. Cụ thể hơn, khi một điều kiện được kích hoạt, mệnh đề tương ứng sẽ tự động được thực thi, điều này dẫn đến một giao dịch được thực hiện và được kiểm tra tính hợp lệ bởi các thợ đào (miner)[10] trên chuỗi khối. Sau đó, các giao dịch đã được thực hiện và trạng thái đã được cập nhật được lưu trên chuỗi khối. Sau khi một HĐTM đã được thực thi, những trạng thái mới của các bên liên quan sẽ được cập nhật. Cụ thể, các giao dịch đã được thực hiện và trạng thái đã được cập nhật được lưu trên chuỗi khối, tài sản số được chuyển từ một bên đến một bên khác, điều này dẫn đến việc tài sản số của các bên đã được mở khóa. Như vậy, HĐTM đã hoàn tất một “vòng đời” của mình[11]. Thông qua cơ chế hoạt động này của HĐTM, có thể thấy ở giai đoạn đầu trước khi các kỹ sư phần mềm chuyển thỏa thuận giữa các bên tham gia hợp đồng sang HĐTM được viết bằng ngôn ngữ máy tính thì bước đầu một sự thoả thuận, vốn là nền tảng cơ bản của một hợp đồng truyền thống, đã dần hình thành giữa các bên[12].
Bên cạnh đó, Nick Szabo định nghĩa rằng HĐTM thực chất là một giao thức giao dịch máy tính (computerized transaction protocol) giúp thực thi các điều khoản của hợp đồng[13]. Một giao thức là một tập hợp các quy định hay quy trình điều chỉnh việc chuyển đổi dữ liệu giữa các thiết bị điện tử, nó cho phép dữ liệu được chia sẻ trong mạng lưới[14]. Theo đó, các giao thức blockchain kế thừa các công nghệ Internet sẵn có trong giao thức TCP/IP, giao thức này mô tả Internet thành 5 tầng: tầng vật lý (physical), tầng kết nối dữ liệu (data link), tầng mạng
(network), tầng giao vận (transport) và tầng ứng dụng (application)16. Blockchain được cho là nằm ở giữa tầng giao vận và tầng ứng dụng, và, quan trọng hơn hết, cho phép các giao thức và dịch vụ có khả năng “ứng dụng hệ thống quy định riêng – lex cryptographica – được thực thi bởi giao thức nền tảng và các HĐTM”[15]. Là một giao thức của blockchain, HĐTM sẽ giúp cho quá trình giao dịch giữa các bên tham gia hợp đồng diễn ra bảo mật, linh hoạt, được cập nhật liên tục mà không cần đến sự quản lý của một đơn vị trung gian[16].
Như vậy, có thể thấy HĐTM không nên được nhìn nhận như một hợp đồng truyền thống mà đây là một dạng công nghệ nhằm hỗ trợ việc thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, HĐTM trên blockchain chịu sự chi phối không nhỏ bởi đặc tính “Mã là luật”, phần tiếp theo sẽ phân tích mối liên hệ giữa hai khái niệm này.
1.3. Mối liên hệ giữa “Mã là luật” và hợp đồng thông minh
Vì chạy trên nền tảng Blockchain, với các đặc tính của chuỗi khối và những đặc điểm riêng, HĐTM đảm bảo khả năng kiểm soát và thực thi hợp đồng hợp lý. Khi bất cứ một điều kiện nào đó trong HĐTM được đáp ứng thì điều khoản được kích hoạt sẽ tự động thực thi chức năng tương ứng theo cách thức dự đoán được. Theo nguyên tắc chung, không một bên nào có thể kiểm soát hay dừng quá trình tự động thực thi của HĐTM. Qua đó, những đoạn mã trên blockchain có chức năng tương tự như luật đối với mạng lưới. Có thể thấy, HĐTM và blockchain đã tạo nên một môi trường mà nơi đó mã trở thành luật và mã, tùy thuộc vào cách thiết kế, sẽ trở thành một công cụ tốt hoặc không để giúp các bên đạt được thoả thuận của mình. Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của HĐTM, các mối quan hệ pháp luật mới có thể được hình thành, do đó sự tự điều chỉnh của mã cũng sẽ tác động ít nhiều đến các quy định pháp luật truyền thống, đặc biệt là pháp luật hợp đồng. Vì vậy, để quản lý được HĐTM và các quan hệ pháp luật có thể phát sinh thì việc xác định rõ đặc điểm, bản chất, cùng với những tác động, kể cả những tác động bất lợi, mà các đặc điểm này mang lại là điều cần thiết.
2. “Mã là luật” dưới góc nhìn pháp lý
2.1. Tổng quan về khái niệm “Mã là luật”
Trong những năm đầu thập niên 90 khi Internet trở thành xu hướng thì ý tưởng về một không gian trung lập, ở phạm vi toàn cầu, nơi các chủ thể có thể tự do tham gia, áp dụng hệ thống quy định riêng mà không bị các chính phủ và các tập đoàn lớn kiểm soát, ngày càng trở nên phổ biến[17]. Trong bối cảnh này, những ý tưởng ban đầu về sự tự do trên không gian mạng gắn liền sự tự do này với sự vắng mặt của chính phủ, nhưng Lawrence Lessig – cha đẻ của thuật ngữ “Mã là luật” – cho rằng sự tự do (liberty) trên không gian mạng sẽ không thể thiếu sự hiện diện của chính phủ[18] mà sự tự do này sẽ đến từ một loại chính phủ cụ thể. Ông cho rằng một thế giới trên không gian mạng nơi mà tự do (freedom) có thể phát triển không được xây dựng bằng cách loại bỏ khỏi xã hội một sự kiểm soát có ý thức (self-conscious control), mà, bằng cách đặt nó vào một nơi mà ở đó một cách thức kiểm soát có ý thức tồn tại được; theo đó, sự tự do trên không gian mạng được xây dựng bằng việc đặt lên xã hội một hiến pháp (constitution) cụ thể. Tuy nhiên, thuật ngữ hiến pháp mà Lessig dùng không nói đến một văn bản pháp luật, thay vào đó, thuật ngữ này ám chỉ một kết cấu (architecture) có khả năng cấu trúc hóa (structures) và kìm hãm (constraint) quyền lực xã hội và pháp lý, nhằm mục đích cuối cùng là để bảo vệ các giá trị cốt lõi (fundamental values). Ông cho rằng: “constitution as in lighthouse—a guide that helps anchor fundamental values” (tạm dịch: hiến pháp là ngọn đèn hải đăng giúp neo giữ những giá trị cốt lõi)[19]. Hơn nữa, Lessig cho rằng chúng ta có đủ lý do để tin rằng không gian mạng, nếu để nó tự phát triển, sẽ không mang đến tự do và không trở thành một công cụ kiểm soát hoàn hảo[20]. Nói đến kiểm soát, Lessig lập luận rằng bàn tay vô hình (invisible hand) của không gian mạng, với sự thúc đẩy của các chính phủ và hoạt động thương mại, đang tạo nên một kết cấu giúp kiểm soát và làm các quy định hiệu quả trở nên khả thi[21]. Vấn đề đặt ra trong không gian mạng sẽ là việc bảo đảm những sự tự do cơ bản sẽ được bảo toàn trong môi trường của sự kiểm soát hoàn hảo[22]. Ông cũng cho rằng không gian mạng cần một chủ thể quản lý/kiểm soát (regulator) mới đóng vai trò quan trọng hơn hết – đó chính là mã (code). Trong thế giới thực, người ta có thể nhận biết được cách mà pháp luật điều chỉnh thông qua hiến pháp, luật và các văn bản pháp lý khác, nhưng trên không gian mạng, cần hiểu cách mà mã (bao gồm cả phần mềm và phần cứng) tạo nên không gian mạng như nó đang là cũng như điều chỉnh nó như nó đang là[23]. Theo đó, mã này chính là luật của không gian mạng, từ đó ta có thuật ngữ “Mã là luật” (Code is law)[24].
Gần đây, thuật ngữ “Mã là luật” được đề cập đến trong tác phẩm Blockchain and the Law: The Rule of Code27 với một khái niệm khá tương đồng – “Lex cryptographia”. Theo đó, “Lex cryptographia” là một bộ phận các quy định được tạo, mã hóa và thực thi bởi các hệ thống kỹ thuật gần như tự động (quasi-autonomous technological systems), bộ phận này tồn tại độc lập với các quy định pháp luật quốc gia[25]. Cũng lưu ý rằng sự điều chỉnh của mã không phụ thuộc vào ranh giới địa lý hay ranh giới thẩm quyền và có thể không song hành với sự điều chỉnh của luật[26].
Như vậy, có thể thấy, “Mã là luật” là một khái niệm dần hình thành cùng với sự xuất hiện của không gian mạng, mô tả sự tự vận hành, tự điều chỉnh trên không gian mạng mà không chỉ bị giới hạn trong ngữ cảnh của blockchain hay HĐTM. Về cơ bản, có thể hiểu “Mã là luật” nghĩa là việc mã điều chỉnh những gì diễn ra trên không gian mạng với “luật” riêng do mã tự thiết lập. Trong bối cảnh HĐTM với nhiều tính năng hỗ trợ cho sự tự điều chỉnh của mã thì “Mã là luật” đã trở thành đặc tính của HĐTM. Vì vậy, để quản lý HĐTM một cách hiệu quả thì việc đánh giá sự ảnh hưởng của đặc tính này lên các đặc điểm còn lại của HĐTM là điều cần thiết.
2.2. Sự ảnh hưởng của “Mã là luật” trong bối cảnh hợp đồng thông minh
Trong bối cảnh HĐTM, “Mã là luật” nghĩa là nếu mã trên HĐTM cho phép một điều gì đó thì điều đó mang tính pháp lý[27]. Là một đặc điểm của HĐTM, “Mã là luật” không trực tiếp mang đến lợi ích hay bất lợi mà sự ảnh hưởng của nó đến hoạt động giao dịch được thể hiện qua quá trình hoạt động của HĐTM.
Trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng, HĐTM sẽ mang đến cho các bên nhiều lợi ích kinh tế như tính hiệu quả cao, tính không thể sửa đổi, bảo mật cao, tiện lợi,… Sau giai đoạn thỏa thuận hợp đồng và triển khai lên mạng lưới blockchain thành công, mã trên HĐTM sẽ tự động thực hiện các điều khoản khi những điều kiện cho trước được đáp ứng. Điều này giúp tiết kiệm thời gian thực hiện quyền và nghĩa vụ. Sự tự động thực thi của mã định hướng hành vi của các bên trong hợp đồng chưa hoàn toàn có niềm tin vào nhau. Đây là một điểm khác biệt với hợp đồng truyền thống. Thông thường trong hoạt động giao dịch truyền thống, các bên sẽ tìm hiểu về đối tác trước (uy tín, vốn, các hoạt động trong kinh doanh,…) để xem xét liệu có thể tin tưởng giao kết hợp đồng hay không. Trong khi đó, HĐTM giúp cho các bên sẵn sàng tham gia giao dịch dù có thể có ít niềm tin vào nhau vì các bên đều tin vào sự tự động thực thi của HĐTM; hay nói cách khác, HĐTM cho các bên sự tự tin để tham gia giao dịch trong một môi trường “thiếu niềm tin”[28]. Điều này cũng làm cho nhu cầu phải tin tưởng vào một đơn vị trung gian hay một cơ sở dữ liệu tập trung không còn cần thiết nữa, nhờ đó, giúp giảm đi chi phí liên quan.
Bên cạnh những ích lợi kể trên, tính tự động hóa của HĐTM vốn được thực hiện bởi ngôn ngữ logic cũng mang đến một số bất lợi, trong đó nổi bật là tính linh hoạt và tính đa nghĩa của ngôn ngữ tự nhiên bị hạn chế[29]. Trong hợp đồng truyền thống, các bên nhắm tới việc sử dụng các thuật ngữ và ngôn ngữ chung để lồng các sự kiện không dự đoán được vào các điều khoản của hợp đồng. Việc giảm đi tính chi tiết trong ngôn ngữ của hợp đồng mang đến tính linh hoạt trong quá trình thực hiện hợp đồng[30]. Trong khi đó, mã trên HĐTM bảo đảm tính logic và thống nhất. Ví dụ khi các bên cùng muốn sửa đổi hợp đồng để phù hợp với hoàn cảnh thay đổi thì mạng lưới blockchain thông thường sẽ không cho phép sửa đổi vì các điều khoản đã được cập nhật trên mạng lưới. Có thể thấy, tính không thay đổi của mã sẽ cản trở việc áp dụng các nguyên tắc của hợp đồng truyền thống, ví dụ như các nguyên tắc điều chỉnh hành vi của các bên trong trường hợp bất khả kháng, làm giảm đi tính linh hoạt trong quá trình thực hiện hợp đồng[31]. Qua đó, thấy được rằng dù HĐTM mang lại những thuận lợi nhất định, tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng vẫn là điều khó tránh khỏi. Điều này sẽ dẫn đến một tương lai nơi các tranh chấp liên quan đến HĐTM cần được giải quyết. Theo đó, mã máy tính không thể biểu đạt đầy đủ ý định của các bên trong hợp đồng trong mọi hoàn cảnh, mà chức năng của mã máy tính chỉ đơn giản là thực thi; khi sự thực thi của mã đưa đến kết quả trái với cách hiểu (understanding) của các bên trong hợp đồng thì cơ quan giải quyết tranh chấp cần phải hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa các bên[32].
Như vậy, có thể thấy “Mã là luật” vừa có sự ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến hoạt động giao dịch trên thị trường. Dẫu vậy, sự hiện diện của “Mã là luật” là hoàn toàn tự nhiên, gắn liền với sự hình thành của không gian mạng nói chung và HĐTM nói riêng nên góc nhìn khi phân tích không nên chỉ bị trói buộc vào tác động tích cực hay tiêu cực mà khái niệm này mang đến cho hoạt động giao dịch trên thị trường. Thay vào đó, nên tập trung nghiên cứu các cách thức để đưa HĐTM vào hành lang pháp lý để từ đó việc dự đoán, phát huy hoặc hạn chế các tác động của “Mã là luật” trở nên dễ dàng hơn. Để làm được điều này, có thể cần đến những cách thức tiếp cận mới mẻ hơn so với các lý thuyết pháp lý truyền thống.
2.3. Một số gợi ý nhằm hỗ trợ và quản lý hợp đồng thông minh
Thông qua việc làm rõ cách thức hoạt động của HĐTM trên nền tảng Blockchain cũng như sự chi phối của đặc tính mã là luật trên công nghệ này, bài viết này đưa ra 03 đề xuất nhằm góp phần bước đầu nâng cao hiệu quả hỗ trợ và quản lý HĐTM trên nền tảng Blockchain, đó là: thứ nhất, vận dụng các nguyên tắc của pháp luật hợp đồng để đánh giá các vấn đề liên quan đến việc thực hiện HĐTM; thứ hai, nâng cao vai trò của cơ quan giải quyết tranh chấp; thứ ba, phát triển đúng đắn ngôn ngữ kỹ thuật-pháp lý trên HĐTM.
Áp dụng các nguyên tắc của pháp luật hợp đồng để đánh giá các vấn đề liên quan đến việc thực hiện hợp đồng thông minh
Bài viết này xem HĐTM là một phương tiện giúp thực thi hợp đồng hiệu quả và tiết kiệm hơn bởi công nghệ này có thể hỗ trợ quá trình tạo lập và thực hiện hợp đồng truyền thống. Vì vậy, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng vẫn có thể được áp dụng để đánh giá các vấn đề liên quan trong quá trình HĐTM được vận hành. Ví dụ, nguyên tắc thiện chí nên tiếp tục được áp dụng để bảo vệ cho bên yếu thế trong hợp đồng khi bên còn lại lợi dụng các lỗi (bug)[33] làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ cũng như kết quả mong muốn của các bên. Nguyên tắc tự do ý chí nên tiếp tục được áp dụng để xem xét giải quyết các trường hợp hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa,… nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bên bị thiệt hại[34]. Làm được những điều này, pháp luật hợp đồng sẽ dần phát triển theo hướng có khả năng diễn giải được sự khác biệt giữa ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ logic của mã, giữa sự thể hiện ý chí của con người và mã máy tính, giữa mục đích của hợp đồng và thực thi hợp đồng[35].
Nâng cao vai trò của cơ quan giải quyết tranh chấp
Trong bối cảnh HĐTM ngày càng được ứng dụng nhiều hơn, nguy cơ xảy ra tranh chấp liên quan đến công nghệ này là không nhỏ. Do đó, các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ cần có nền tảng pháp lý lẫn thực tiễn cần thiết để hỗ trợ giải quyết tranh chấp kịp thời. Các cơ quan này cần sẵn sàng diễn giải ý muốn khách quan của các bên dựa trên không chỉ các điều khoản trong hợp đồng mà còn trên cơ sở đánh giá những chứng cứ có thể có bên ngoài HĐTM (ví dụ như các chứng cứ trong giai đoạn thoả thuận đầu tiên giữa các bên hay trao đổi giữa các bên với các kỹ sư phần mềm) thay vì chỉ nhìn vào kết quả mà mã đưa ra. Các cơ quan giải quyết tranh chấp cũng cần chấp nhận sự thật rằng ý định của các bên trong hợp đồng sẽ không thể được biểu đạt hoàn toàn đầy đủ thông qua mã như trong ngôn ngữ tự nhiên[36]. Ví dụ, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ cần tuyên bố hợp đồng vô hiệu khi xét thấy rằng giao dịch được thực hiện vi phạm với nguyên tắc tự do ý chí khi có một bên trong hợp đồng bị lừa dối hay bị đe dọa tham gia giao dịch mà không chỉ nhìn vào kết quả giao dịch thành công mà mã đưa ra. Việc xác định có tồn tại sự lừa dối hay không giữa các bên, trong bối cảnh HĐTM tất nhiên sẽ khó khăn hơn so với các hợp đồng truyền thống do tương tự như sự phát triển của phần mềm máy tính, quy trình chuyển đổi từ thoả thuận của các bên liên quan.HĐTM là quá trình thiết kế – triển khai – thử nghiệm. Điều đáng nói là việc tạo ra các hợp đồng thông minh là một quá trình lặp đi lặp lại bao gồm nhiều vòng đàm phán và điều chỉnh. Bên cạnh đó, HĐTM liên quan đến nhiều bên bao gồm các bên liên quan, các luật sư và chuyên gia công nghệ thông tin. Vì vậy, cần thiết phải có các nghiên cứu tiếp theo đi sâu xác định các vấn đề cụ thể trong từng ứng dụng của HĐTM.
Phát triển đúng đắn ngôn ngữ kỹ thuật-pháp lý trên HĐTM
Với sự phát triển của HĐTM, các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn và các giao thức chính là ngôn ngữ giúp dung hòa mã và luật[37]. Ngôn ngữ này sẽ giúp định hướng hành vi của các bên trong HĐTM và tạo nên các tổ hợp giúp điều chỉnh các giao dịch cả về kỹ thuật lẫn pháp lý. Sự dung hoà này, hơn hết, giúp tạo nên sự tương thích giữa HĐTM và pháp luật hợp đồng. Để phát triển loại ngôn ngữ này sẽ cần đến sự hợp tác chặt chẽ của các kỹ sư phần mềm cùng với các chuyên gia pháp lý.
KẾT LUẬN
Có thể thấy HĐTM đang là một công nghệ có xu hướng phát triển với nhiều ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch truyền thống trên thị trường. Khái niệm “Mã là luật”, hình thành từ khi con người biết đến không gian mạng, cũng hiện diện trong quá trình vận hành của HĐTM và do đó, để hỗ trợ hoặc kiểm soát hoạt động này đòi hỏi một cách thức tiếp cận linh hoạt hơn là quản lý thông qua các nguyên tắc pháp lý truyền thống. Trong quá trình này, luôn cần sự song hành của các chuyên gia pháp lý và công nghệ nhằm hướng đến mục tiêu dung hòa mã và luật, tạo nên sự tương thích hơn nữa giữa HĐTM và pháp luật hợp đồng.
Trên thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu để cung cấp một góc nhìn toàn diện và khoa học đối với công nghệ chuỗi khối còn khá mới mẻ này cũng như các giao thức được thực hiện trên nền tảng này. Đặc tính phi tập trung của blockchain cũng như HĐTM sẽ khiến cho các cơ quan quản lý (chính phủ, các tập đoàn đa quốc gia) có khả năng mất đi quyền kiểm soát và định hình hoạt động của các cá nhân đơn lẻ thông qua các phương tiện quản lý truyền thống. Do đó, yêu cầu nghiên cứu các cách thức điều chỉnh công nghệ blockchain, HĐTM, cách định hình và triển khai cách thức tổ chức phi tập trung có lẽ sẽ là những vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu trong tương lai gần. Nhờ đó, góp phần nâng cao tính khả thi và hiệu quả trong việc quản lý, kiểm soát các công nghệ của thời đại mới này.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- “Code is law”, quinn emanuel trial lawyers, ngày 13/4/2022, xem tại: https://www.quinnemanuel.com/the-firm/publications/code-is-law/ (truy cập ngày 25/12/2022)
- Bhumika Dutta, “5 Major Types of Blockchain Protocols”, AnalyticSteps, ngày 23/04/2022, xem tại: https://www.analyticssteps.com/blogs/5-major-types-blockchainprotocols (truy cập ngày 14/02/2023).
- Đồng Thị Huyền Nga, Hoàng Thảo Anh, “Blockchain và Hợp đồng Thông minh – Xu thế tất yếu của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và những thách thức pháp lý đặt ra”, Kỷ yếu hội thảo: Responsabilité et contrats: expériences du Vietnam et de l’Union Européenne, 2019, tr.314-327.
- Dylan J. Yaga et al., “Blockchain Techonology Overview”, 8202, NIST
Interagency/Internal Report (NISTIR), National Institute of Standards and Technology, Gaithersburg, MD, tr. –
- Jake Frankenfield, “What Are Smart Contracts on the Blockchain and How They
Work”, Investopedia, ngày 09/02/2023, xem tại: https://www.investopedia.com/terms/s/smart-contracts.asp#citation-1 (truy cập ngày 09/02/2023).
- jhimlic1, “Blockchain Protocols and Their Working”, geeksforgeeks, ngày 01/6/2022, xem tại: https://www.geeksforgeeks.org/blockchain-protocols-and-their-working/ (truy cập ngày 14/02/2023)
- Joshua Fairfield & Niloufer Selvadurai, “Governing the Interface Between Natural and Formal Language in Smart Contracts”, UCLA J.L. & Tech., 2022, 27 (2).
- Lawrence Lessig, “code is law”, code version 2.0, Basic Books (A Member of the Perseus Books Group), New York, 2006
- Lawrence Lessig, “Code is law”, Havard Magazine, 2000, xem tại: https://www.harvardmagazine.com/2000/01/code-is-law-html (truy cập ngày 25/12/2022)
- Mark Gates (Thành Dương dịch), “Lịch sử Blockchain và Bitcoin”, Blockchain: Bản Chất Của Blockchain, Bitcoin, Tiền Điện Tử, Hợp Đồng Thông Minh Và Tương Lai Của Tiền Tệ, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2017.
- Mimi Zou, “Code, and Other Laws of Blockchain”, Oxford Journal of Legal Studies, 2020, 0 (0).
- Nguyễn Thị Quỳnh Yến, Vũ Thị Thu Trang và Vũ Anh Thư, “Sự phát triển của hợp đồng thông minh ở Việt Nam và một số vấn đề pháp lý đặt ra”, FTU Working Paper Series, 2022, 1 (5), tr.41-54.
- Nick Szabo, “Smart Contracts: Building Blocks for Digital Markets”, 1996, xem tại: https://www.fon.hum.uva.nl/rob/Courses/InformationInSpeech/CDROM/Literature/L OTwinterschool2006/szabo.best.vwh.net/smart_contracts_2.html (truy cập ngày 10/02/2023)
- Nick Szabo, “Smart Contracts”, 1994, xem tại: https://www.fon.hum.uva.nl/rob/Courses/InformationInSpeech/CDROM/Literature/L
OTwinterschool2006/szabo.best.vwh.net/smart.contracts.html (truy cập ngày 14/02/2023)
- Primavera De Filippi, Aaron Wright, Blockchain and the Law: The Rule of Code, Harvard University Press, 2018.
- Shuai Wang et al., “Blockchain-Enabled Smart Contracts: Architecture, Applications, and Future Trends”, IEEE Transactions on Systems, Man, and Cybernetics: Systems, 2019, 49 (11).
- Zibin Zheng et al., “An overview on smart contracts: Challenges, advances and platforms”, Future Generation Computer Systems, 2020, 105.
[1] Quinn Emanuel, “Code is law”, ngày 13/4/2022, xem tại: https://www.quinnemanuel.com/thefirm/publications/code-is-law/ (truy cập ngày 25/12/2022)
[2] Vào năm 2009, Satoshi Nakamoto đã thiết lập mạng lưới Bitcoin cùng với Blockchain đầu tiên và cụm từ rời rạc “Blockchain” lần đầu tiên được đề cập đến trong mã nguồn nguyên thủy cho Bitcoin; mãi đến nhiều năm sau thì thuật ngữ “Blockchain” mới hình thành. Xem thêm tại: Mark Gates (Thành Dương dịch), “Lịch sử Blockchain và Bitcoin”, Blockchain: Bản Chất Của Blockchain, Bitcoin, Tiền Điện Tử, Hợp Đồng Thông Minh Và Tương Lai Của Tiền Tệ, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2017, tr.57, 64-66.
[3] Thực tế, có khá nhiều cách định nghĩa Blockchain như: một hình thức lưu trữ hồ sơ giá trị và giao dịch (Tlđd, (2), tr.29); một danh sách các bản ghi liên tục phát triển, được gọi là các khối, được liên kết và bảo mật bởi mật mã (Shuai Wang et al., “Blockchain-Enabled Smart Contracts: Architecture, Applications, and Future Trends”, IEEE Transactions on Systems, Man, and Cybernetics: Systems, 2019, 49 (11), tr.2267).
[4] Xem thêm phân tích về cấu tạo và cơ chế của chuỗi khối tại: Dylan J. Yaga et al., “Blockchain Techonology Overview”, 8202, NIST Interagency/Internal Report (NISTIR), National Institute of Standards and Technology, Gaithersburg, tr.15.
[5] Xem thêm phân tích về cơ chế đồng thuận tại: Tlđd (4), tr.18-26. 6 Xem thêm ví dụ tại: Tlđd (4), tr. 19.
[6] Jake Frankenfield, “What Are Smart Contracts on the Blockchain and How They Work”, Investopedia, ngày
09/02/2023, xem tại: https://www.investopedia.com/terms/s/smart-contracts.asp#citation-1 (truy cập ngày 09/02/2023)
[7] Nick Szabo, “Smart Contracts: Building Blocks for Digital Markets”, 1996, xem tại:
https://www.fon.hum.uva.nl/rob/Courses/InformationInSpeech/CDROM/Literature/LOTwinterschool2006/szabo
.best.vwh.net/smart_contracts_2.html (truy cập ngày 10/01/2023)
[8] Trên thực tế có nhiều nghiên cứu xoay quanh việc phân định HĐTM là một loại hợp đồng pháp lý hay là một dạng giao thức đơn thuần chạy trên Blockchain. Hiện nay tại Việt Nam, việc công nhận tính pháp lý cho HĐTM vẫn là chủ đề đang được nghiên cứu. Tham khảo Nguyễn Thị Quỳnh Yến, Vũ Thị Thu Trang và Vũ Anh Thư, “Sự phát triển của hợp đồng thông minh ở Việt Nam và một số vấn đề pháp lý đặt ra”, FTU Working Paper Series, 2022, 1 (5), tr.41-54; Đồng Thị Huyền Nga, Hoàng Thảo Anh, “Blockchain và Hợp đồng Thông minh – Xu thế tất yếu của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và những thách thức pháp lý đặt ra”, Kỷ yếu hội thảo: Responsabilité et contrats : expériences du Vietnam et de l’Union Européenne, 2019, tr.314-327
[9] Zibin Zheng et al., “An overview on smart contracts: Challenges, advances and platforms”, Future Generation Computer Systems, 2020, 105, tr.477-478
[10] Là những người dùng – user- đầu tiên giải câu đố trong cơ chế đồng thuận như PoW.
[11] Xem thêm ví dụ về HĐTM tại: Tlđd (9); Tlđd (11)
[12] Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự Việt Nam 2015, hợp đồng là “sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
[13] Nick Szabo, “Smart Contracts”, 1994, xem tại:
https://www.fon.hum.uva.nl/rob/Courses/InformationInSpeech/CDROM/Literature/LOTwinterschool2006/szabo
.best.vwh.net/smart.contracts.html (truy cập ngày 14/02/2023)
[14] Bhumika Dutta, “5 Major Types of Blockchain Protocols”, AnalyticSteps, ngày 23/04/2022, xem tại: https://www.analyticssteps.com/blogs/5-major-types-blockchain-protocols (truy cập ngày 14/02/2023). 16 Primavera De Filippi, Aaron Wright, Blockchain and the Law: The Rule of Code, Harvard University Press, 2018.
[15] Như chú thích trên.
[16] “Blockchain Protocols and Their Working”, geeksforgeeks, ngày 01/6/2022, xem tại: https://www.geeksforgeeks.org/blockchain-protocols-and-their-working/ (truy cập ngày 14/02/2023).
[17] Mimi Zou, “Code, and Other Laws of Blockchain”, Oxford Journal of Legal Studies, 2020, 0 (0), tr.1
[18] Lawrence Lessig, “Code is law”, code version 2.0, Basic Books (A Member of the Perseus Books Group), New York, 2006, tr. 4
[19] Lawrence Lessig, Tlđd (20), tr. 4
[20] Lawrence Lessig, Tlđd (20), tr.4
[21] Lawrence Lessig, Tlđd (20), tr.4
[22] Lawrence Lessig, Tlđd (20), tr.4
[23] Lawrence Lessig, Tlđd (20), tr.5
[24] Dẫu vậy, có nhiều ý kiến cho rằng có sự khác nhau giữa mã và luật, Lessig cũng đồng ý nhưng ông cho rằng về cơ bản, vẫn có thể học được gì đó hữu ích khi tạm thời bỏ qua sự khác nhau này. Xem thêm tại: Tlđd (20) 27 Primavera De Filippi, Aaron Wright, Tlđd (16).
[25] Mimi Zou, Tlđd (19), tr.2
[26] Mimi Zou, Tlđd (19), tr.2
[27] Tlđd (1)
[28] Joshua Fairfield & Niloufer Selvadurai, “Governing the Interface Between Natural and Formal Language in Smart Contracts”, UCLA J.L. & Tech., 2022, 27 (2), tr.99
[29] Tlđd (1)
[30] Tlđd (31), tr.106
[31] Tlđd (31), tr.105
[32] d (31), tr.79
[33] Vì ngôn ngữ máy tính mang tính logic nên dù một kết quả xảy ra do lỗi thì đó vẫn xem là một kết quả, dù cho nó trái với ý muốn của các bên tham gia hợp đồng; vì tính không thể sửa đổi của chuỗi khối nên sẽ rất khó để khắc phục kịp thời thiệt hại cho bên bị thiệt hại.
[34] Có những trường hợp mà chủ thể tham gia vào mạng lưới blockchain sử dụng biệt hiệu, do đó khó xác định được danh tính thực của chủ thể.
[35] Tlđd (31), tr.117
[36] d (31), tr.115
[37] d (31), tr.101