ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI DU LỊCH THÔNG MINH CHO TỈNH BẾN TRE
ThS. Đoàn Thị Hương Thảo
Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Email: dththao@ntt.edu.vn.
Tóm tắt: Bài nghiên cứu nhằm giới thiệu tiềm năng của hệ sinh thái du lịch của tỉnh Bến Tre. Các khái niệm về điểm đến thông minh, du lịch thông minh và hệ sinh thái thông minh được giới thiệu nhằm hiểu rõ hơn trong bối cảnh lĩnh vực du lịch. Một số đề xuất được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch thông minh cho tỉnh Bến Tre nhằm khai thác tối đa ứng dụng kỹ thuật công nghệ.
Từ khóa: Hệ sinh thái du lịch, điểm đến thông minh, du lịch thông minh
1. GIỚI THIỆU
Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch nước ngoài đã vượt mốc 1,5 tỷ lượt năm 2019, tăng 3,8% so với cùng kì 2018, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới (+3%). Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng thị trường khu vực nhanh nhất. Năm 2019, châu Á – Thái Bình Dương đón 360,6 triệu lượt khách nước ngoài, chiếm 24,7% tổng lượng khách quốc tế trên toàn thế giới.
Theo tổng cục Du lịch Việt Nam, Việt Nam đã thu hút được 18 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, một con số kỷ lục vào năm 2019, tăng 16,2% so với cùng kì 2018. Thu nhập từ khách du lịch đạt 755 nghìn tỉ, chiếm 9,2% GDP của cả nước. Theo báo cáo chỉ số phát triển du lịch năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, du lịch Việt Nam đã tăng 8 bậc, đứng trong top 3 quốc gia phát triển nhanh nhất nhờ chính sách ứng phó linh hoạt của chính phủ đối với giai đoạn đại dịch Covid-19. Trong những tháng đầu năm 2022, Việt Nam tiếp tục nằm trong top các điểm đến có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới ở mức tăng 50-70% hàng tháng, Việt Nam đã đón 954.000 lượt khách du lịch quốc tế trong 7 tháng đầu năm 2022, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong những năm gần đây, các chính phủ trên khắp thế giới, đặc biệt là Việt Nam đã thúc đẩy du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng để hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế chung của đất nước. Hành vi và xu hướng đi lại của người dân cũng đã thay đổi nhiều, đặc biệt là trong thời kì đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu. Nhu cầu tìm kiếm thông tin, đặt các dịch vụ trực tuyến và thanh toán trực tuyến trở thành ưu tiên của khách du lịch. Vì vậy “du lịch thông minh” (Smart tourism) hiện đang là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia để phát triển du lịch. Việc sử dụng công nghệ số để kết nối sẽ giúp du lịch phát triển toàn diện và thúc đẩy kết nối người dân trong khu vực. Hiện nay mỗi quốc gia đều đã và đang xây dựng các chiến lược cụ thể và tích cực để thúc đẩy “du lịch thông minh”.
Nhằm góp phần đưa du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Bến Tre nói riêng ngày càng phát triển, bài nghiên cứu này đề xuất giải pháp phát triển một nền tảng kĩ thuật số tích hợp hệ sinh thái phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Bến Tre để đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, hòa nhập vào xu thế phát triển chung của vùng và của cả nước.
Bến Tre với đặc điểm về địa lý bằng phẳng, xung quanh là cồn cát được tô điểm bởi những cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả và nhiều sông suối, kênh rạch. Bến Tre là vựa lúa của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Có các sản phẩm nông nghiệp như lúa, ngô, dứa, mãng cầu, vú sữa, sầu riêng, xoài, nhãn, v.v. Cây công nghiệp là thuốc lá, mía, bông. Đặc biệt Bến Tre là quê hương của xứ dừa. Tất cả góp phần tạo nên 1 hệ sinh thái sông rạch, nhiều miệt vườn cây trái xanh tốt, nên rất thuận tiện cho giao thông, thủy điện và đặc biệt là tiềm năng du lịch. Trong hơn 9 tháng đầu năm 2022, Bến Tre đón hơn 950.000 lượt khách du lịch, tăng gần 190% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỉnh Bến Tre đã đưa vào triển khai quản trị, vận hành ứng dụng du lịch thông minh “Ben Tre Tourism” vào cuối tháng 04/2022 từ những tiềm năng và lợi ích như trên. Ứng dụng tích hợp dữ liệu về các sự kiện, chương trình lễ hội của tỉnh, các bài viết về đặc sản ẩm thực, giới thiệu di tích, các điểm đến, giới thiệu các công ty du lịch địa phương…Ứng dụng cho thấy thuần về việc cung cấp thông tin nên thực sự cho tới nay vẫn chưa hoạt động hiệu quả như mong đợi. Vì vậy, với mục đích xây dựng một dịch vụ du lịch trọn gói để du khách vừa có thể nghỉ dưỡng, vừa có thể trải nghiệm văn hóa và ẩm thực địa phương, Bến tre cần cung cấp một hệ sinh thái du lịch thông minh để nâng cao trải nghiệm của khách du lịch, giúp du khách tận hưởng hành trình du ngoạn của mình một cách thoải mái và dễ dàng nhất.
2. CÁC KHÁI NIỆM
Điểm đến thông minh (Smart Destination)
Theo Lopez de Avila (2015), điểm đến du lịch thông minh được định nghĩa là điểm đến du lịch sáng tạo, được xây dựng trên cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến đảm bảo sự phát triển bền vững của khu du lịch, khả năng tiếp cận với mọi người và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác với du khách, nâng cao chất lượng trải nghiệm tại điểm đến và cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân.
Điểm đến thông minh là trường hợp đặc biệt của thành phố thông minh, họ áp dụng các nguyên tắc của thành phố thông minh cho khu vực thành thị hoặc nông thôn và không chỉ áp dụng cho người dân tại khu vực đó mà còn cả khách du lịch để hỗ trợ phân bổ tài nguyên, tính bền vững và chất lượng cuộc sống.
Du lịch thông minh (Smart Tourism)
Du lịch thông minh, theo định nghĩa của Gretzel và cộng sự (2015), là du lịch được hỗ trợ bởi các nỗ lực tích hợp tại một điểm đến để thu thập, tổng hợp và khai thác dữ liệu từ cơ sở hạ tầng vật chất, kết nối xã hội, nguồn chính phủ/tổ chức và cơ thể/tâm trí con người, cũng như việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để biến dữ liệu đó thành trải nghiệm tại chỗ và đề xuất giá trị kinh doanh với trọng tâm rõ ràng là hiệu quả, tính bền vững và làm phong phú thêm trải nghiệm.
Boes và cộng sự (2015) chỉ ra rằng điểm đến du lịch thông minh một mặt cần khai thác lợi thế cạnh tranh để mang lại giá trị và trải nghiệm cho du khách bằng cách sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ, mặt khác mang lại khả năng cạnh tranh và lợi ích cho điểm đến.
Hệ sinh thái kinh doanh thông minh (Smart business ecosystem)
Buhalis và Amaranggana (2014) mô tả, các bên liên quan trong hệ sinh thái du lịch thông minh được kết nối với nhau một cách linh hoạt, số hóa các quy trình kinh doanh thiết yếu. Một khía cạnh khác biệt của hệ sinh thái kinh doanh thông minh này là nhờ mức độ hợp tác công tư đặc biệt bắt nguồn từ việc các chính phủ minh bạch hơn và tập trung vào công nghệ với tư cách là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng và dữ liệu. Hơn nữa, du lịch thông minh hiểu rằng khách hàng có thể tạo ra và cung cấp giá trị, cũng như giám sát và do đó cũng có thể đảm nhận các trách nhiệm kinh doanh hoặc quản trị
Các công ty điều hành tour du lịch, các hãng hàng không hoặc các nhà điều hành xe buýt địa phương, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoặc nhà cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà dân, các nhà cung cấp hoạt động tham quan lịch sử địa phương, nhà cung cấp bộ phận bán lẻ hoặc trung tâm thương mại và nhà cung cấp dịch vụ giải trí tất cả đều là một phần của hệ sinh thái kinh tế du lịch truyền thống
3. GIẢI PHÁP HỆ SINH THÁI DU LỊCH THÔNG MINH CHO TỈNH BẾN TRE
Việc liên kết giữa các công ty du lịch và lữ hành địa phương với các tổ chức, công ty lớn trên thị trường đặt phòng du lịch quốc tế là rất quan trọng. Nó mở ra cầu nối gần hơn giữa khách hàng và các điểm du lịch địa phương Bến Tre. Hiện nay trên thị trường có các công ty chuyên cung ứng dịch vụ đặt phòng cho các thị trường Việt Nam hay quốc tế như Traveloka, TripAdvisor, Ivivu…và các địa phương khác đã cho thấy hoạt động du lịch hiệu quả khi liên kết với các công ty này. Ngoài ra, điều này đòi hỏi năng lực công nghệ nhất định từ các công ty du lịch và lữ hành địa phương khi vận hành các ứng dụng du lịch này một cách hiệu quả nhất.
Về vận tải, đưa đón khách du lịch ở địa phương Bến Tre. Việc cần thiết phải thiết lập một hệ thống giao thông lữ hành đồng bộ tại các điểm du lịch, đặc biệt là đồng bộ mức giá cả hợp lý và các ứng dụng điện thoại cho việc gọi xe cho địa phương phải thật dễ dàng.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang chi phối một cách mạnh mẽ và toàn diện ở mọi lĩnh vực, mọi quốc gia trên thế giới, mang lại rất nhiều lợi ích to lớn. Bên cạnh đó, khách du lịch ngày càng năng động và chịu ảnh hưởng của công nghệ. Du lịch thông minh được cho là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp không khói trong nỗ lực tiếp thị hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ của thành phố. Ngành du lịch cần phát triển và đổi mới trong phương thức thu hút khách du lịch để gia tăng thêm trải nghiệm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm cho du lịch. Vì vậy, ngành Du lịch Bến Tre cũng đã và đang bắt đầu quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin như một biện pháp cấp thiết trong tình hình hiện nay, để đáp ứng nhu cầu, xu hướng du lịch thông minh, năng động.
Các giải pháp về chuyển đổi số cần triển khai theo hướng thuận lợi nhất trong việc thu hút khách du lịch, nâng cao trải nghiệm cho khách, và đặc biệt hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý du lịch của tỉnh. Triển khai áp dụng các nền tảng số cốt lõi trong hệ sinh thái du lịch thông minh cho tỉnh theo hướng thống nhất và đồng bộ.
Triển khai xây dựng một nền tảng du lịch thông minh để tích hợp tất cả hệ sinh thái vật lý và trực tuyến để cung cấp cổng thông tin một cửa. Tự động hóa quy trình du lịch bằng cách tích hợp hệ sinh thái kinh doanh (bao gồm các công ty điều hành du lịch, các nhà điều hành vận tải, nhà điều hành lưu trú, nhà điều hành hoạt động và tham quan, nhà điều hành mua sắm, nhà điều hành giải trí…).
Triển khai đồng bộ hệ thống vé điện tử tại các điểm tham quan du lịch, các điểm vui chơi, giải trí… trên hệ sinh thái nền tảng du lịch thông minh.
Triển khai các công cụ và phương tiện hỗ trợ khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Bảng 1: Nhà cung cấp của hệ sinh thái kinh doanh du lịch thông minh
Hoạt động | Điều hành du lịch | Vận tải | Nơi ở | Tham quan & hoạt động | Mua sắm | Giải trí |
Off-line | Các công ty lữ hành nổi tiếng tại địa phương: Bến Tre Tourist, Hàm Luông Tourist,… | Các công ty vận tải địa phương: Bến Tre Limousine, Thảo Châu, Hiệp Thành… | Khu nghỉ dưỡng, khách sạn địa phương: Bến Tre riverside resort, Farm stay, Oasis… | Các điểm đến dành cho du lịch sinh thái, lịch sử, miệt vườn… Các hoạt động trải nghiệm… | Đặc sản của Bến Tre tại chợ địa phương, trung tâm mua sắm… | Xem phim, nghe nhạc địa phương |
Nền tảng on-line | Agoda, Trip Advisor, Traveloka, ivivu … | Grab, Gojek, Bee… | Airbnb, Agoda, Trip Advisor,… | Dịch vụ bán vé điểm đến trực tuyến | Shopee, lazada, tiki… | FPT, K+, Netflix… |
Thanh toán | E-banking, MoMo, Zalo pay… | |||||
Thông tin | Websites, Facebook, Instagram, TikTok… |
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Boes, K., Buhalis, D. and Inversini, A. (2015), “Conceptualising smart tourism destination dimensions”, in Tussyadiah, I. and Inversini, A. (Eds), ENTER 2015 Proceedings, Springer-Verlag, Lugano and Wien.
Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, Tổng cục du lịch Việt Nam. (2022). Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2019.
Buhalis, D., & Amaranggana, A. (2014) Smart tourism destinations. In Z. Xiang & I. Tussyadiah (Eds.), Information and communication technologies in tourism 2014 (pp. 553-564). Dublin:Springer.
Gretzel U, Sigala M, Xiang Z, Koo C (2015). Smart tourism: foundations and developments. Electron Mark 25(3):179- 188.
Hsu, C. C. (2018). Artificial intelligence in smart tourism: A Tsaih & Hsu conceptual framework. In Proceedings of The 18th International Conference on Electronic Business (pp. 124-133). ICEB, Guilin, China, December 2-6.
Khan, M. S., Woo, M., Nam, K., & Chathoth, P. K. (2017). Smart city and smart tourism: A case of Dubai. Sustainability, 9(12), 2279.
Lopez de Avila, A. (2015), “Smart destinations: XXI century tourism”, paper presented at the ENTER2015 Conference on Information and Communication Technologies in Tourism, Lugano, February 3-6.