DU LỊCH THỰC TẾ ẢO: CON ĐƯỜNG HƯỚNG TỚI KINH TẾ KỸ THUẬT SỐ
Phạm Thị Thuỳ Trang
Khoa QTKD, ĐH Nguyễn Tất Thành
Tóm tắt: Bài viết đánh giá về ứng dụng công nghệ thực tế ảo (Virtual reality) trong du lịch. Ba khía cạnh được đề cập tới là: sự phát triển của mạng lưới đặt chỗ và đặt phòng toàn cầu; ứng dụng phát triển hoạt động quản lý và tiếp thị điện tử; và thiết kế các chuyến du lịch ảo. Thực tế ảo được sử dụng chủ yếu trong quảng bá các sản phẩm du lịch cũng như các chương trình tham quan có hướng dẫn, cho mục đích giáo dục và giải trí cũng như phát triển du lịch xã hội. Tương lai của du lịch ảo phụ thuộc vào việc nâng cao năng lực kỹ thuật để thiết kế các chuyến tham quan ảo, tạo nội dung hấp dẫn cho hoạt động du lịch ảo này, …. Bài viết cũng lưu ý đến tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong ngành du lịch hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và đồng thời đề cập tới những hậu quả bất lợi của ứng dụng thực tế ảo đối với lĩnh vực du lịch. Việc nhận diện những hậu quả tiềm ẩn của các chuyến du lịch ảo đối với cuộc sống con người và sự hình thành văn hóa giao tiếp trong du lịch ảo sẽ khuyến khích sự chuyển đổi của ngành du lịch sang một nền kinh tế kỹ thuật số hướng đến con người.
Từ khoá: thực tế ảo, du lịch ảo, chuyển đổi số
1. Giới thiệu
Tiến toàn cầu hóa mới đã làm thay đổi đáng kể hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thế giới đã bước vào thời đại thông tin với sự trỗi dậy của một nền kinh tế kỹ thuật số đang là xu hướng chính hiện nay. Số lượng các ngành kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi chuyển đổi kỹ thuật đang tăng dần. Du lịch quốc tế hiện đang đi đầu trong tiến trình này khi mà thị trường du lịch ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào internet và quá trình số hóa du lịch đang diễn ra khá nhanh. Sự ra đời của công nghệ số kéo theo sự thay đổi vai trò của ngành du lịch với những hình thức và nội dung mới.
Du lịch quốc tế ngày nay đã sẵn sàng để thực hiện một bước đột phá kỹ thuật số mới, đó là thực tế ảo. Hiện tại, ảo hóa đang mở rộng và trở thành một công nghệ mới hiệu quả có ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của xã hội loài người. Số lượng người dùng thực tế ảo (VR) đang tăng lên nhanh chóng đặc biệt là từ sau đại dịch Covid-19, con người ngày càng sử dụng nhiều hơn công nghệ thực tế ảo tăng cường trong sinh hoạt đời thường, bên cạnh trò chơi và giải trí. Theo dự báo của các chuyên gia, số lượng người dùng VR năm 2023 sẽ đạt tới con số 171 triệu người trên toàn cầu. Năm 2023 được hy vọng là năm của những xu hướng công nghệ thực tế ảo.
Vào cuối những năm 1990, các nhà nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi liệu việc sử dụng các công nghệ thực tế ảo trong du lịch có phải chỉ là một điều viễn vông hay không. Tuy nhiên, sau đó các lĩnh vực ứng dụng thực tế ảo đã được kiểm chứng. Với sự ra đời trên diện rộng của Internet và sự phát triển của các công nghệ liên quan, các chuyên gia đặc biệt là chuyên gia trong lĩnh vực du lịch ngày càng quan tâm đến việc nghiên cứu chủ đề này. Các công bố khoa học coi du lịch ảo là một loại hình du lịch mới và đầy tiềm năng. Các chuyên gia trong và ngoài nước tích cực nghiên cứu các chủ đề liên quan đến vai trò và tầm quan trọng của thực tế ảo đối với ngành du lịch vì ra đời của du lịch ảo được nhận định như là một cuộc cách mạng có thể thay đổi đáng kể ý tưởng về du lịch và bản thân ngành du lịch.
2. Thiết lập mục tiêu
Tương lai của ngành du lịch được liên kết trực tiếp với các quá trình tin học hóa và số hóa đang diễn ra mang lại lợi ích kinh tế hữu hình cho du lịch quốc tế. Việc giới thiệu ứng dụng thực tế ảo cho ngành du lịch đang ở giai đoạn đầu. Mục tiêu của bài viết này là xác định hướng hình thành của du lịch ảo và tác động của nó đối với sự phát triển của du lịch với tư cách là một ngành kinh tế số.
3. Lý thuyết
Tin học hoá đã có những tác động đáng kể giúp ngành du lịch quốc tế có những thay đổi đột phá về: thay đổi mạng lưới đặt chỗ/ đặt phòng toàn cầu, sự ra đời của tiếp thị và quản lý trực tuyến và thiết kế các chuyến tham quan ảo có hướng dẫn viên.
Việc tạo ra mạng lưới đặt chỗ/ đặt phòng toàn cầu (Hệ thống phân phối toàn cầu) cho phép chuyên gia và du khách dễ dàng tự tìm kiếm trên internet các khách sạn hấp dẫn, phương tiện di chuyển phù hợp, …. Với sự đổi mới liên tục của công nghệ, mạng lưới đặt chỗ/ đặt phòng toàn cầu ngày càng đa dạng và được cải thiện liên tục. Khách hàng có thể chuyển đổi linh hoạt từ đặt chỗ trực tiếp sang hình thức trực tuyến bằng nhiều phương thức khác nhau, du khách có nhiều kênh thông tin để so sánh, lựa chọn cũng như linh hoạt về hình thức thanh toán.
Tiếp đến là việc ứng dụng chuyển đổi số đến hoạt động quản lý và tiếp thị điện tử trong du lịch. Việc tin học hóa quy trình sản xuất trong du lịch bắt đầu từ các chương trình tương đối đơn giản nhằm tự động hóa công việc văn phòng đến tự động hóa trong tương lai của một số phân khúc nhất định của ngành du lịch. Sự ra đời của các văn phòng ảo của các công ty du lịch là cơ hội để phát triển mạng lưới văn phòng đại diện phục vụ du khách bất kể địa điểm, chặng đường, phương tiện di chuyển hay nơi lưu trú nào. Các thế giới ảo đã tồn tại, chẳng hạn như “Second Life” do Linden Lab đưa ra vào năm 2003, được sử dụng cho những mục đích này. Công nghệ thông tin được vận dụng trong tất cả các chức năng quản lý về chiến lược và điều hành trong ngành du lịch, đồng thời giúp ngành du lịch trở nên linh hoạt, cạnh tranh và thích nghi hơn với môi trường kinh tế kỹ thuật số.
Xu hướng thứ ba của tin học hóa du lịch chính là phát triển các gói du lịch gắn liền với việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo cụ thể là các chuyến tham quan ảo có các ứng dụng thực tế. Khách hàng mục tiêu của các gói du lịch thực tế ảo chính là nhóm khách hàng người khuyết tật. Một chuyên viên về du lịch xã hội nói rằng “mục đích chính của du lịch ảo là mở rộng tầm nhìn của người già và người khuyết tật, cho họ thấy những cơ hội do internet mang lại, khiến họ quan tâm hơn đến lịch sử của quê hương họ cũng như giới thiệu cho họ văn hóa của các thành phố và quốc gia khác”. Bên cạnh đó, các chuyến tham quan ảo cũng là một hình thức thay thế cho việc đến thăm các khu vực được bảo vệ đặc biệt, các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản văn hoá cũng như các điểm du lịch đóng cửa đối với công chúng. Từ cuối những năm 1990, các chuyến tham quan bảo tàng ảo đầu tiên đã bắt đầu hình thành. Và cho đến nay, ngày càng nhiều hơn các danh mục tham quan bảo tàng trên Internet.
Thực tế ảo có thể có các hình thức khác nhau tùy thuộc vào thiết bị kỹ thuật được sử dụng và mục tiêu cần đạt được. Thực tế ảo phổ biến nhất với hoạt động quảng cáo sản phẩm du lịch. Theo các nhà nghiên cứu, “khi các công nghệ mới phát triển, các chuyên gia tiếp thị khám phá ra những cách sáng tạo mới trong việc sử dụng hình ảnh đại diện để quảng bá hình ảnh hấp dẫn và tích cực của một điểm đến nhằm gia tăng số lượng khách du lịch, khuyến khích phát triển kinh tế và giúp người tiêu dùng dễ dàng ra quyết định hơn trong bối cảnh thị trường toàn cầu ngày càng phức tạp và phức tạp hơn.
Phát triển du lịch ảo đang ngày càng đẩy mạnh. Hiệu quả kinh tế của các chuyến tham quan ảo đối với người tiêu dùng cũng rất rõ ràng. Ví dụ: một chuyến tham quan bằng trực thăng bên trên một thành phố có thể tốn khoảng mười nghìn rúp, trong khi đó, bằng việc đăng ký một chuyến trải nghiệm du lịch ảo, khách hàng có thể có những cảm nhận giống như thực tế với chi phí tiết kiệm rất nhiều lần. Du lịch thực tế ảo khác với du lịch thực tế ở chỗ nó không có những đặc điểm cơ bản: một người không thay đổi môi trường của mình cũng như không thay đổi không gian của họ. Một lợi ích khác của du lịch ảo đó là du lịch ảo giúp giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn có thể nảy sinh ở chuyển du lịch thực tế.
Tuy nhiên, để phát triển mảng du lịch ảo này, đòi hỏi các công ty du lịch cần trang thiết bị tương đối đắt đỏ. Bên cạnh đó, số lượng điểm du lịch được số hóa còn ít, sản phẩm chào bán chưa đa dạng, hấp dẫn sự lựa chọn của du khách. Việc tạo ra nội dung tương tác phải trở thành ưu tiên hàng đầu của cả nhà thiết kế thiết bị ảo. Các công ty du lịch cũng cần có sự hợp tác với các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, kinh doanh và sản xuất để đa dạng và đa chiều các gói sản phẩm cung cấp cho khách hàng.
Việc giới thiệu rộng rãi công nghệ thực tế ảo trong du lịch phụ thuộc vào năng lực kỹ thuật hiện có. Nếu như cách đây vài năm, kính và mũ bảo hiểm VR là những sản phẩm tạo ra sự đột phá cho công nghệ thực tế ảo có vẻ đáng kinh ngạc thì ngày nay càng có những tiến bộ vượt bậc, các thiết bị và nền tảng VR có nhiều chức năng, hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các sản phẩm ứng dụng trên nền thực tế ảo. Rất nhiều ông lớn trên thế giới đầu tư vào lĩnh vực này như Facebook, NVIDIA, GoPro; và ngày càng ra đời nhiều hơn các công ty phát triển nền tảng VR. Năm 2016, các thiết bị thực tế ảo chuyên nghiệp hiện đại đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Các nền tảng du lịch cụ thể sẽ trở thành động lực của nền kinh tế kỹ thuật số đang ngày càng phát triển. Nhìn chung, sự phát triển của công nghệ thực tế ảo phụ thuộc vào khả năng giới thiệu các mô hình kinh doanh mới của những người làm trong ngành du lịch. Tuy nhiên, VR hiện nay chỉ mới được phát triển ở mức là một công cụ tiếp thị điện tử hoặc chỉ dừng lại ở mức độ là một trò chơi khám phá với bối cảnh là các phòng bảo tàng, phòng khách sạn, bãi biển và điểm du lịch. Mức độ nghèo nàn và đơn điệu trong nội dung các gói sản phẩm du lịch VR vẫn chưa thể đưa VR trở thành gói sản phẩm nòng cốt thay thể cho du lịch thực trong tương lai. Một vấn đề đáng lưu ý khác cũng là thách thức cho ngành du lịch khi phát triển gói sản phẩm du lịch thực tế ảo đó là sự tác động đến sức khoẻ con người. Một số nghiên cứu chỉ ra tác động tiêu cực của kính VR đối với sức khỏe con người như làm thị lực kém đi, lười vận động, hoặc cá vấn đề về thể chất và tâm lý …. Vấn đề nghiện giải trí ảo như trò chơi máy tính đã khá phổ biến. Nhiều chuyên gia cho rằng sự suy thoái xã hội ngày càng gia tăng do nghiện cuộc sống ảo gây ra.
4. Kết luận
Việc phát triển các công nghệ thực tế ảo đang trở thành công cụ giải quyết nhiều thách thức của ngành du lịch hiện đại, là một công cụ đầy hứa hẹn để tổ chức và quản lý ngành du lịch. Các chuyên gia tiếp thị sử dụng rộng rãi các chuyến tham quan ảo để thu hút khách hàng tiềm năng đến các điểm du lịch và các tour du lịch cụ thể. Hình ảnh ảo hóa giúp quảng bá hình ảnh tích cực của các điểm đến dẫn đến số lượng du khách ngày càng tăng. Du lịch thực tế ảo đem lại nhiều giá trị khác nhau từ giải trí đến giáo dục.
Với sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, nghiên cứu về thực tế ảo đang ngày càng hướng đến thực tiễn. Việc cải tiến công nghệ CNTT và nền tảng kỹ thuật số gợi ý cho các nhà khoa học hàng loạt các câu hỏi và câu trả lời cho các ưu điểm mà thực tế ảo mang lại và quan trọng nhất là nghiên cứu về hậu quả của nó khi con người đắm chìm trong thế giới ảo. Ngành du lịch khi ứng dụng và thiết kế gói thế giới ảo cần phải dựa trên cách tiếp cận nhân học, cần tính đến tác động của du lịch ảo đối với con người thực, hình thành văn hóa du lịch ảo, giúp đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế số hướng đến con người.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Çeltek, Evrim. “Progress and development of virtual reality and augmented reality technologies in tourism: A review of publications from 2000 to 2018.” Handbook of research on smart technology applications in the tourism industry (2020): 1-23
Fan, Xiaojun, Xinyu Jiang, and Nianqi Deng. “Immersive technology: A meta-analysis of augmented/virtual reality applications and their impact on tourism experience.” Tourism Management 91 (2022): 104534.
Global Virtual Tourism Market Research Report, Industry Analysis & Forecast (2022-2027). https://www.marketdataforecast.com/market- reports/virtual-tourism-market
Verma, Sanjeev, Lekha Warrier, Brajesh Bolia, and Shraddha Mehta. “Past, present, and future of virtual tourism-a literature review.” International Journal of Information Management Data Insights 2, no. 2 (2022): 100085