Giải pháp phát triển du lịch thông minh gắn với phát huy giá trị di sản bản địa tại tỉnh Bến Tre

[QC]

Mục lục

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH GẮN VỚI PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN BẢN ĐỊA TẠI TỈNH BẾN TRE

ThS. Vũ Nhật Phương

Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Email: vnphuong@ntt.edu.vn.

Tóm tắt: Du lịch thông minh là khái niệm thường xuyên được nhắc đến trong các chiến lược phát triển du lịch hiện nay. Du lịch thông minh là việc sử dụng các thành tựu công nghệ nhằm cung cấp các giải pháp nhằm đem đến những cảm nhận và trải nghiệm tốt hơn cho khách du lịch. Với các lợi thế về đặc sản nông nghiệp, truyền thống văn hóa lịch sử, Bến Tre có nhiều điều kiện để phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên thực tế cho thấy, mặc dù dịch vụ và du lịch đã có nhiều phát triển, đóng góp tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng giá trị vẫn còn thấp so với nhiều địa phương trong cả nước và tiềm năng của Bến Tre. Chính vì vậy, Nghị quyết của tỉnh đã xác định, cần phải thay đổi cách làm du lịch theo hướng hiện đại là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của Bến Tre. Bài viết đã phân tích và cung cấp một số giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển du lịch thông minh của tỉnh Bến Tre như thực hiện đồng bộ việc liên kết vùng xây dựng giao thông thông minh, chính quyền thông minh, công nghệ thông minh, doanh nghiệp thông minh và địa điểm du lịch thông minh.

Từ khoá: Du lịch thông minh, Bảo tồn, Giá trị di sản, Bến Tre

SMART TOURISM DEVELOPMENT SOLUTIONS ASSOCIATED WITH THE PROMOTION OF INDIGENOUS HERITAGES IN BEN TRE PROVINCE

Abstract: Smart tourism is a frequently mentioned concept in current tourism development strategies. Smart tourism involves using technological advancements to provide solutions that offer better experiences for tourists. With advantages in agriculture specialties, cultural heritage, and historical traditions, Ben Tre has many conditions to develop its local tourism industry. However, the value of tourism in Ben Tre is still relatively low compared to many other localities in the country, despite its significant contribution to the province’s economic structure. Therefore, the provincial resolution has identified the need to change the way tourism is conducted towards modernization as a top priority in Ben Tre’s economic development strategy. This article has analyzed and provided some solutions to support the development of smart tourism in Ben Tre, such as synchronizing the development of smart transportation, smart governance, smart technology, smart businesses, and smart tourism destinations.

Keyword: Smart tourism, Conservation, Heritage value, Ben Tre province

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện đến mọi lĩnh vực trong đời sống. Nhờ sự phát triển của Internet và các công nghệ hỗ trợ mà nhiều thói quen sinh hoạt của con người đã được thay đổi. Xu hướng quản lý, phát triển các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, trong đó có du lịch đang phải điều chỉnh, thích nghi với những sự biến đổi đó theo hướng đầu tư vào các ứng dụng khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo và điều hành kiểm soát theo các thời gian thực. Thuật ngữ “thông minh” bắt đầu trở nên thông dụng hơn, không chỉ đối với các sản phẩm công nghệ như máy tính, điện thoại di động, mà còn xuất hiện ở lĩnh vực hoạt động truyền thống như dịch vụ, du lịch…

Công nghệ thông minh trong lĩnh vực du lịch hay gọi tắt là “du lịch thông minh” trở thành từ khóa được xuất hiện ở nhiều địa phương, quốc gia trên thế giới. Ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo đã đem lại những trải nghiệm mới cho du khách và cả cách quản lý, phát triển du lịch của các nhà quản lý, hoạch định chính sách địa phương.

Tại Bến Tre, một địa phương nổi tiếng với nhiều đặc sản nông nghiệp như dừa, mít, xoài và các điểm tham quan về các di tích lịch sử, là nơi có nhiều thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch như khu du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng sinh thái… ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời quan qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bến Tre đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm nhằm định hướng để triển du lịch của tỉnh thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Chủ trương đó đã được cụ thể hóa bằng Đề án số 02-ĐA/TU ngày 29/01/2021 của Đảng bộ tỉnh về việc phát triển du lịch đến năm 2030 và Kế hoạch số 3706/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Đề án số 02 – phát triển du lịch của tỉnh Bến Tre.

Từ các chủ trương và chính sách của Đảng bộ, chính quyền địa phương và sự đồng lòng nhất trí của nhân dân tỉnh Bến Tre, nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch, giải pháp nhằm phát triển các làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và du lịch trên địa bàn, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch đã được áp dụng. Nhưng khác với nhiều địa phương khác trong cả nước, Bến Tre đang muốn xây dựng, phát triển ngành du lịch bằng một chính sách mới, một cách làm mới thông qua du lịch thông minh nhằm tăng trải nghiệm cho du khách và cải thiện hình ảnh con người, phong cảnh nơi đây.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu do công nghệ đem lại, phát triển du lịch tại Bến Tre cũng đang đứng trước những thách thức lớn do các tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, đời sống văn hóa xã hội, các giá trị truyền thống và môi trường tự nhiên. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch thông minh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa trở thành một vấn đề cấp thiết của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bến Tre.

2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

Du lịch thông minh là một khái niệm đã được nhắc đến trong nhiều năm gần đây. Tận dụng sự phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ với các hoạt động truyền thống trong việc phát triển du lịch và quản lý hoạt động du lịch, nhiều thuật ngữ như “du lịch thông minh”, “điểm đến du lịch thông minh” đã được sử dụng rộng rãi và chấp nhận trong thực tế. Nếu trước đây khái niệm thông minh thường được hiểu là sự phát triển của các thiết bị công nghệ phần cứng, phần mềm và mạng internet, thì hiện nay các công nghệ thông minh còn được hiểu rộng hơn như một công cụ để cung cấp các nhận thức về thời gian thực; phân tích và xử lý các vấn đề trên thế giới nhằm giúp con người đưa ra quyết định chính xác, các giải pháp thay thế một cách tối ưu hóa (Washburn và cộng sự, 2010). Trong hoạt động du lịch, lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đang đóng góp những giá trị to lớn trong sự tăng trưởng kinh tế, nhằm đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững (Aina, 2017). Chính vì vậy trong những năm qua, nhiều quốc gia và địa phương đã sử dụng công nghệ kết hợp các hoạt động du lịch truyền thống trở thành một xu hướng chủ đạo trong việc nâng cao chất lượng hoạt động du lịch và định hướng phát triển ngành du lịch trong tương lai (Xiang và các cộng sự, 2015).

Hiện nay có khá nhiều khác nhau liên quan đến du lịch thông minh và điểm đến du lịch thông minh. Du lịch thông minh có thể được hiểu như một hoạt động du lịch kết hợp với các thiết bị công nghệ để phân tích, thiết kế, triển khai và ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong lĩnh vực lữ hành và du lịch cũng như phân tích các yếu tố kinh tế kỹ thuật để tối đa hóa hiệu quả và hiệu suất của tổ chức du lịch. Nhờ có du lịch thông minh mà các doanh nghiệp tổ chức vận hành và hoạt động du lịch nâng cao năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch truyền thống (Gajdošík, 2018).

Du lịch thông minh là một hoạt động lấy nền tảng là các thành tựu từ công nghệ thông tin (Gretzel, 2015). Với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kéo theo sự tiến bộ của các công nghệ điện toán đám mây, cảm biến, GPS, các kết hợp sự phát triển của các phương tiện truyền thông mạng xã hội đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của du lịch thông minh (Xiang và Fessenmaier, 2017). Các công nghệ điện toán đám mây cho phép người sử dụng đồng thời là khách du lịch có thể truy cập và sẵn sàng sử dụng mọi dịch vụ ở bất cứ đâu trên thế giới khi có kết nối internet. Công nghệ internet vạn vật (IoT), cho phép người sử dụng xử lý và chia sẻ dữ liệu đồng thời đưa ra quyết định với sự can thiệp tối thiểu của con người, từ đó giúp khách du lịch có thể nâng cao trải nghiệm và hiệu suất công việc. Các hệ thống dịch vụ internet đầu cuối nhưng điện thoại di động, kính thực tế ảo, các thiết bị hỗ trợ cảm biến, thanh toán, kết nối qua NFC, mã QR, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu qua wifi hoặc tư vấn, tự động trả lời khách hàng qua chatbot… đã làm khách du lịch có nhiều thông tin, phá vỡ các rào cản trong việc giới hạn về ngôn ngữ, đặc điểm văn hóa phương tiện thanh toán như các hoạt động du lịch truyền thống trước đây (Huang, 2017).

Hiện nay nhiều quốc gia đã coi du lịch thông minh là chiến lược ưu tiên để phát triển ngành du lịch không khói, đặc biệt các quốc gia ở khu vực Tây âu và Châu Á (Gretzel, 2015). Tuy nhiên cũng cần phải phân biệt giữa du lịch thông minh với các hoạt động du lịch có kết hợp các thiết bị điện tử giai đoạn trước đây. Du lịch kết hợp các thiết bị điện tử và mạng internet như website, mạng xã hội nhằm hướng đến tìm kiếm các thông tin, địa điểm du lịch, nơi lưu trú, hỗ trợ hoạt động thanh toán và các trải nghiệm sau mỗi chuyến đi của khách du lịch trước đó… thì du lịch thông minh hướng đến việc sử dụng trực tiếp các công nghệ internet vạn vật (IoT), cảm biến, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, nhằm đồng sáng tạo, hỗ trợ quyết định, cá nhân hóa các sản phẩm du lịch (Tomas, 2018).

Đọc thêm:  Công nghệ số và một số gợi ý đối với mô hình kinh tế chia sẻ cho ngành du lịch tỉnh Bến Tre

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Bài báo sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính nhằm phân tích, đánh giá các yếu tố tác động đến việc hình thành, xây dựng và phát triển du lịch thông minh. Để đưa ra các luận cứ và cơ sở nghiên cứu, bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn để rà soát, tổng hợp và phân tích các khái niệm, lý luận liên quan đến du lịch thông minh. Các nguồn dữ liệu được thu thập từ các số liệu thứ cấp, thông qua sách báo khoa học chuyên ngành, các số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, các Báo cáo kinh tế xã hội của tỉnh Bến Tre trong giai đoạn từ 2017-2022.

Sau đó nghiên cứu áp dụng phương pháp quan sát kết hợp phương pháp phỏng vấn chuyên gia và phương pháp phân tích tổng hợp dữ liệu, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm xây dựng và triển khai du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Lợi ích từ phát triển du lịch thông minh

Thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch cũng như các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Ngành du lịch có nhiều cơ hội để phát triển và tăng khả năng cạnh tranh, dựa trên cơ sở hạ tầng của thành phố thông minh, các thiết bị công nghệ số từ đó nâng cao trải nghiệm du lịch và thúc đẩy quá trình ra quyết định chi tiêu của khách du lịch từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Khi các thiết bị di động ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống con người, việc kết hợp các thiết bị công nghệ thông tin, các giải pháp công nghệ hiện đại mang tính cá nhân hóa theo các mong muốn và mục đích của người sử dụng, sẽ vừa là xu hướng tất yếu có thể nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch. Khi đó, nhu cầu người sử dụng dịch vụ du lịch sẽ được đáp ứng tối đa hóa, các quyết định đưa ra được nhanh chóng và chính xác. Các rủi ro từ sự bất cân xứng thông tin sẽ được giảm thiểu hoặc triệt tiêu do người sử dụng có cơ hội được tiếp cận nhiều nguồn thông tin và so sánh, nhằm tối đa hóa lợi ích. Ví dụ như:

Tại thời điểm trước khi đi du lịch, các công nghệ có thể hỗ trợ thời điểm để khách du lịch có thể mua vé máy bay, phương tiện di chuyển, đặt phòng lưu trú, sắp xếp lịch trình du lịch có sẵn với phương án tối ưu nhất. Tại thời điểm này khách du lịch có thể tiết kiệm thời gian, công sức và cả chi phí so với việc phải tìm kiếm thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như du lịch truyền thống trước đây.

Tại thời điểm du lịch, với các công nghệ thực tế ảo, hỗ trợ theo thời gian thực, Internet vạn vật và trí tuệ thông minh nhân tạo, khách du lịch có thể tìm hiểu thông tin các nhân lam thắng cảnh, đặc điểm con người, nhân vật sự kiện lịch sử, mà không bị giới hạn ngôn ngữ và thiết bị hỗ trợ. Đây chính là những nhu cầu tối thiểu mà khách du lịch thường tìm kiếm đến các hướng dẫn viên tại các địa điểm tham quan và trải nghiệm. Tuy nhiên việc trả chi phí cho các hướng dẫn viên thường tốn kém hoặc không phải tất cả mọi địa điểm hoạt động đều có hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch và nói được ngôn ngữ như khách du lịch yêu cầu. Bên cạnh đó, trong quá trình du lịch các công cụ trợ lý ảo sẽ tư vấn được cho khách du lịch chuẩn bị lộ trình hoặc các thiết bị cần thiết tối thiểu, phương tiện di chuyển phù hợp nhằm tiết giảm chi phí và thời gian hoạt động.

Kết thúc kỳ du lịch khám phá, với sự hỗ trợ của các mạng xã hội, các công nghệ và internet cho phép khách du lịch có thể cá nhân hoá các trải nghiệm như bản đồ du lịch cá nhân, chi tiết hoạt động tại địa phương – nơi đã từng tham quan tính theo thời gian thực – sau khi đã di chuyển, đồng thời 4 vấn gợi ý các địa điểm du lịch và trải nghiệm tiếp theo.

Như vậy có thể thấy, du lịch thông minh đã giúp cho các trải nghiệm của khách du lịch được nâng lên một vị thế mới mang tính cá nhân hóa, tối ưu hóa các quyết định trong giới hạn nguồn lực tối thiểu. Vì vậy ngày càng nhiều người mong muốn và lựa chọn du lịch thông minh như một cách để tận hưởng cuộc sống hiện đại.

3.2. Các yếu tố thúc đẩy du lịch thông minh

Như đã phân tích ở trên, du lịch thông minh sử dụng nền tảng từ công nghệ thông tin và cả thiết bị hỗ trợ. Việc đầu tư để phát triển và duy trì du lịch thông minh đòi hỏi tốn kém về chi phí về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, yếu tố chi phối và kiểm soát của con người. Đặc biệt, việc phát triển du lịch thông minh không thể chỉ xảy ra ở một hoặc một vài địa điểm, hoạt động nhất định, mà đòi hỏi mang tính đồng bộ trên nhiều khía cạnh. Từ hoạt động lưu trú, tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, mua sắm, sử dụng dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực và các hoạt động chỉ tiêu khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Tuy nhiên, lợi ích và hiệu quả đem lại cho trải nghiệm của khách du lịch là rất lớn và có tính bền vững. Du khách không chỉ sử dụng dịch vụ và trải nghiệm du lịch mà họ còn là những người góp phần tạo nên dữ liệu và thay đổi dữ liệu tại chính nơi đặt chấn đến. Vì vậy du lịch thông minh là một xu thế tất yếu và đầu tư cho du lịch thông minh là đầu tư mang tính bền vững tại các quốc gia và địa phương muốn định hướng phát triển du lịch hiện nay. Theo một nghiên cứu của Boes và cộng sự năm 2016, có 6 yếu tố chính liên quan đến phát triển du lịch thông minh bao gồm: giao thông thông minh, chính phủ thông minh, nền kinh tế thông minh, con người thông minh, cuộc sống thông minh và môi trường thông minh. Ngoài ra còn có các thành phần quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển của du lịch thông minh bao gồm vận chuyển, lưu trú, ẩm thực, các địa điểm sự kiện thu hút du lịch phụ trợ. Đây chính là nền tảng và cơ sở để nhóm tác giả đề xuất các giải pháp nhằm phát triển du lịch thông minh ở Bến Tre trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu và khảo sát cho thấy, một số quan điểm liên quan đến tính pháp lý và bảo mật riêng tư vẫn đang còn là vấn đề tranh cãi. Thực tế cho thấy, các giải pháp công nghệ và ứng dụng thông minh trong hoạt động du lịch chủ yếu được kết nối qua máy tính và điện thoại di động. Việc ứng dụng công nghệ thông tin can thiệp vào quá trình ra quyết định, lấy quyền truy cập vào các thông tin cá nhân và giám sát người dùng theo thời gian thực đã trở thành vấn đề lo ngại của người dân và chính quyền tại nhiều quốc gia. Các công nghệ đang thay thế thậm chí xoá bỏ một số ngành nghề, công việc truyền thống của hướng dẫn viên du lịch, các công ty môi giới tư vấn, cung cấp dịch vụ hỗ trợ du khách thập phương. Từ đó, đặt ra những vấn đề mang tính thách thức cho phát triển du lịch thông minh.

3.3. Bài học kinh nghiệm từ phát triển du lịch thông minh cho tỉnh Bến Tre

3.3.1. Đặc điểm kinh tế xã hội tại Bến Tre

Bến Tre là một địa phương có bề dày truyền thống lịch sử lâu đời và tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch. Bến Tre được khách du lịch ở nhiều nơi biết đến với các đặc sản nông nghiệp như dừa và các sản phẩm từ dừa, mía, nhiều loại cây ăn trái như cam, quýt, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, vú sữa… đều là những trái cây được nhiều du khách ưa thích và sử dụng rộng rãi. Bến Tre còn được biết đến là một địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đất đai màu mở nhiều phù sa phù hợp phát triển nông nghiệp. Nơi đó đã từng nổi danh nhiều địa chỉ đỏ trong kháng chiến cách mạng như Ba Tri, quê hương “Đồng Khởi” hay các làng nghề với sản phẩm truyền thống nổi tiếng như kẹo dừa, bánh phồng, giống cây ăn quả và cây cảnh Cái Mơn huyện Chợ Lách…

Xét về mặt kinh tế, Bến Tre hiện nay vẫn là một địa phương có nhiều khó khăn, GRDP năm 2022 đạt 63.585 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 47 trong 63 tỉnh thành trên cả nước và đứng thứ 11/13 các tỉnh thuộc địa bàn đồng bằng sông Cửu Long (xem biểu đồ 3.1 và biểu đồ 3.2). Tuy nhiên, trong những năm qua, Bến Tre đã luôn tự nỗ lực để tăng trưởng và phát triển. Tốc độ tăng trưởng qua các năm trong giai đoạn 2017-2022 luôn tăng và vượt kế hoạch mục tiêu của địa phương (xem biểu đồ 3.3). Đóng góp vào tăng trưởng cho thấy, bình quân trong giai đoạn 2017-2022, cơ cấu ngành nghề chiếm tỷ trọng lớn nhất thuộc lĩnh vực dịch vụ (chiếm 42,96%), sau đó thuộc nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (chiếm 35,36%) và công nghiệp, xây dựng (chiếm 18,48%).

Đọc thêm:  Ứng dụng công nghệ du lịch thông minh trong phát triển du lịch tại tỉnh Bến Tre
Biểu đồ 3.1. Giá trị sản lượng GRDP các địa phương năm 2022

Nguồn: tác giả tự tổng hợp

 

Biểu đồ 3.2. Giá trị sản lượng GRDP khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022

Nguồn: tác giả tự tổng hợp

Biểu đồ 3.3. Cơ cấu kinh tế của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2017-2022

Nguồn: tác giả tự tổng hợp

3.3.2. Thực trạng phát triển du lịch thông minh tại Bến Tre

Đối với hoạt động du lịch, ngoài các thế mạnh truyền thống của mình, trong những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện sau đại dịch. Tỉnh đã liên kết hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành phố khác trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch. Theo Báo cáo kinh tế xã hội của tỉnh, chỉ tính riêng năm 2022 lượng khách du lịch đạt gần 1,3 triệu lượt khách, trong đó có gần 92 nghìn lượt khách quốc tế, tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ và đạt 101,83% kế hoạch, đóng góp vào ngân sách của tỉnh 1.558 tỷ đồng , gấp 6,4 lần so với cùng kỳ và đạt 109,72% kế hoạch. Tuy nhiên xét về cơ cấu doanh thu cho thấy, việc thu hút và giữ chân khách du lịch chưa thực sự hiệu quả, du khách chỉ chủ yếu tham quan và trả chi phí cho các hoạt động dịch vụ ăn uống, trong khi đó doanh thu về dịch vụ lưu trú và du lịch lữ hành chỉ chiếm giá trị rất nhỏ trong nguồn thu ngân sách của địa phương (xem biểu đồ 3.4).

Biểu đồ 3.4. Doanh thu từ du lịch của tỉnh Bến Tre trong giai đoạn từ 2017-2022

Nguồn: tác giả tự tổng hợp

Các hoạt động du lịch và dịch vụ hỗ trợ du lịch chỉ mới dừng lại ở mức độ đơn giản, chưa tạo được nhiều giá trị gia tăng và tích hợp các công nghệ cao. Một số nguyên nhân khiến du lịch của địa phương vẫn còn hạn chế có thể liệt kê như: điều kiện cơ sở hạ tầng như cầu, đường còn thiếu; các hoạt động du lịch nông nghiệp của địa phương tuy đã có nhiều bước phát triển nhưng chủ yếu vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp và hạn chế chất lượng dịch vụ; chưa phát huy được lợi thế liên kết ngành giữa du lịch và các lĩnh vực để phát triển thành chuỗi giá trị; kế hoạch triển khai đã có nhưng chưa khai thác mạnh được lợi thế liên kết vùng giữa Bến Tre với thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Việc ứng dụng du lịch thông minh vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ tại Bến Tre. Du lịch thông minh chỉ có thể phát triển nếu nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, chính quyền địa phương có nhiều cơ chế và giải pháp nhằm thu hút vốn đầu tư, đồng thời cải cách hành chính nâng cao hiệu quả hoạt động. Thực tế, nhìn vào kết quả phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng du lịch thông minh của tỉnh còn rất hạn chế. Hầu hết các hoạt động khoa học công nghệ của tỉnh chỉ mới dừng lại ở tạo lập chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm nông nghiệp. Hoạt động thông tin truyền thông và chuyển đổi số tập trung mạnh cho các dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử của tỉnh, số hóa các văn bản điện tử… mà chưa chú trọng phát triển các ứng dụng số hóa, bản đồ số du lịch hoặc dịch vụ du lịch thông minh.

Chỉ số đánh giá chất lượng năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính của chính quyền địa phương bị sụt giảm trong những năm gần đây. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm 10 bậc (xếp thứ 18/63), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) giảm 48 bậc (xếp thứ 56), chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) giảm 06 bậc (xếp thứ 26). Việc xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư tuy có nhiều khởi sắc, nhiều doanh nghiệp trong nước và ngoài nước từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên các hoạt xúc tiến thương mại chỉ mới dừng lại ở mức độ thăm dò và hứa hẹn xem xét thực hiện (Báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2023, 2022).

Như vậy, có thể thấy, Bến Tre mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, chính quyền địa phương đã có nhiều quyết tâm và nỗ lực, nhưng thực tế vẫn chưa phát huy được giá trị và đạt kết quả như kỳ vọng. Việc phát triển du lịch gắn liền với các làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp thế mạnh là hướng đi đúng. Nhưng nếu chỉ với những điều kiện sẵn có, cách làm du lịch, truyền thông, quảng bá như từ trước đến nay, giao thông khó khăn, các thủ tục hành chính phức tạp, cơ chế chính sách không thu hút được doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, thiếu các sản phẩm công nghệ trong quản lý và tổ chức hoạt động du lịch, địa điểm du lịch nghèo nàn, lạc hậu… sẽ rất khó để có thể phát triển du lịch thông minh như mong muốn của chính quyền tỉnh Bến Tre.

3.3.3. Giải pháp để phát triển du lịch Bến Tre

Xã hội ngày càng phát triển hiện đại, công nghệ thông tin ngày càng được tích hợp sâu rộng vào cuộc sống hàng ngày. Chính công nghệ đã làm ảnh hưởng và thay đổi các hành vi, việc ra quyết định của khách du lịch. Vì vậy, việc tập trung vào yếu tố công nghệ để thu hút khách du lịch, đồng thời thay đổi cách làm du lịch là giải pháp cơ bản để thúc đẩy phát triển ngành du lịch ở Bến Tre.

Tuy nhiên việc phát triển du lịch không thể bỏ qua các giá trị di sản truyền thống, thế mạnh về làng nghề, sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Giải pháp mang tính bền vững được đặt ra là sử dụng các yếu tố công nghệ để xây dựng và phát triển các hoạt động du lịch truyền thống thành du lịch thông minh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa tỉnh Bến Tre.

Như đã phân tích ở trên, du lịch thông minh là việc tổ chức hoạt động du lịch truyền thống nhưng có ứng dụng các công nghệ thông tin. Các yếu tố quan trọng để tổ chức hoạt động du lịch thông minh bao gồm: giao thông thông minh, chính quyền thông minh, công nghệ thông minh, doanh nghiệp thông minh và điểm đến thông minh.

a. Giao thông thông minh:

Là việc kết nối các thiết bị máy móc, cảm biến, hệ thống thông tin điện tử, trí tuệ nhân tạo, mạng lưới thông tin để giải quyết các vấn đề liên quan giao thông như ùn tắc, nâng cao an toàn, tiết kiệm thời gian di chuyển, giảm khí thải, cải thiện trải nghiệm của người dùng và hiệu quả quản lý giao thông. Đây là một giải pháp lớn, đòi hỏi mang tính đồng bộ và có tính chiến lược. Với nguồn lực về kinh tế và cơ sở hạ tầng hiện tại, rất khó để Bến Tre có thể thực hiện được giải pháp này trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tỉnh sẽ có thể thực hiện được nếu liên kết vùng, khai thác được thế mạnh của các địa phương trong khu vực. Vì vậy, đặt ra nhiệm vụ với lãnh đạo chính quyền địa phương, cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc đề xuất kiến nghị với Trung ương và xúc tiến liên kết giữa các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và trên cả nước nói chung.

b. Chính quyền thông minh:

Nỗ lực để thu hút khách du lịch không chỉ đến từ phía người dân và các doanh nghiệp mà đòi hỏi phải có sự tham gia của chính quyền địa phương. Trong những năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bến Tre đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách các thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư công, kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa được phát triển cơ sở hạ tầng và du lịch bản địa. Tuy nhiên, trong thời gian tới để trở thành chính quyền thông minh, lãnh đạo tỉnh cần phải tiếp tục áp dụng các công nghệ mới, sử dụng các phần mềm ứng dụng như trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện tính minh bạch và dịch vụ cung cấp thông tin cho người dân. Áp dụng các giải pháp chuyển đổi số, sử dụng cổng thông tin điện tử, rút ngắn thời gian các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục liên quan đến khách du lịch trong nước và ngoài nước.

c. Công nghệ thông minh:

Đối với các thành phố hiện đại việc áp dụng các công nghệ thông minh là một phần không thể thiếu trong hoạt động du lịch. Các công nghệ thông minh thúc đẩy quá trình thanh toán, thanh toán không sử dụng tiền mặt, thanh toán không sử dụng đồng nội tệ, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm du lịch của khách thập phương. Các công cụ này sẽ gián tiếp thúc đẩy các hành vi tiêu dùng, sử dụng nhiều hơn các dịch vụ lưu trú, ăn uống, trải nghiệm của khách du lịch. Một số công nghệ thông minh hiện nay đang được sử dụng trên nhiều quốc gia mà tỉnh Bến Tre có thể áp dụng và phát triển du lịch địa phương như: tích hợp các ứng dụng bản đồ, mua sắm, gọi xe, đặt vé đến các điểm tham quan thành bản đồ số và lịch trình di chuyển cho khách du lịch chưa có trải nghiệm trước đó. Khách du lịch có thể đặt hàng trước chuyến đi các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh, từ đó củng cố thêm động lực được tham gia du lịch và khám phá tại địa phương. Sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại, chấp nhận thanh toán không sử dụng tiền mặt, thanh toán qua mã QR tại nhiều địa điểm du lịch.

Đọc thêm:  Những vấn đề về phát triển du lịch thông minh trên thế giới

Đây là một giải pháp được nhiều quốc gia đánh giá có hiệu quả hiệu quả trong việc phát hiện du lịch thông minh kết hợp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại địa phương. Việc tích hợp giới thiệu các giá trị di sản văn hóa trong chuỗi hành trình du lịch khám phá, hoặc mặc định là một địa điểm khuyến khích khách du lịch nên tham quan sẽ những việc quảng bá giới thiệu các nét văn hóa di sản đến khách du lịch được nhiều hơn. Thông qua các công nghệ thực tế ảo, các công nghệ nhằm đem đến trải nghiệm cho khách du lịch, tỉnh Bến Tre có thể tái hiện lại những hoạt động, hình ảnh, giá trị di sản văn hóa mà hiện nay không còn được bảo tồn hoặc lưu trữ. Khách du lịch có thể sống lại những ký ức lịch sử, trải nghiệm những di sản văn hóa khi tham quan di tích hoặc danh lam thắm cảnh.

Tuy nhiên một vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng công nghệ thông minh mà chính quyền tỉnh Bến Tre cần lưu ý, đó là hệ thống truy cập internet, wifi miễn phí phải đủ rộng, và đảm bảo lưu lượng nhằm đem đến trọn vẹn trải nghiệm cho khách hàng.

d. Doanh nghiệp thông minh:

Hệ thống doanh nghiệp làm hoạt động du lịch là cầu nối đem du khách từ khắp nơi đến với địa danh du lịch của Bến Tre. Trong hoạt động du lịch thông minh, các doanh nghiệp tổ chức cần phải thay đổi cách làm du lịch như truyền thống. Mọi hoạt động đều phải được liên kết với công nghệ thông tin, cho phép khách du lịch trao đổi, thu thập, thậm chí tạo ra dữ liệu mang tính cá nhân theo thời gian thực. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng dưới các hình thức như cho khách hàng phản hồi ý kiến hài lòng, tự lựa chọn hành trình du lịch, trao đổi góp ý hoặc đề xuất trực tiếp ý kiến với chuyên nghiệp thông qua các mạng xã hội. Tuy nhiên để phát triển du lịch thông minh các doanh nghiệp cần phải liên kết chặt hơn nữa. Các doanh nghiệp du lịch nên chia sẻ thông tin, hợp tác kết nối giữa các hoạt động thành chuỗi cung ứng nhằm cung cấp cho khách hàng các dịch vụ trọn vẹn trong hành trình từ khi đặt tour, lựa chọn cơ sở lưu trú, khách sạn, lựa chọn công ty lữ hành, các địa điểm tham quan, tổ chức sự kiện, cơ sở ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí, ngân hàng, bệnh viện, bảo hiểm và chính quyền địa phương khi có các rủi ro xảy ra.

e. Điểm đến du lịch thông minh:

Điểm đến du lịch thông minh được coi là vấn đề then chốt có tính quyết định đến các cảm nhận và trải nghiệm của khách du lịch. Đây cũng là vấn đề được đánh giá còn nhiều bất cập trong du lịch ở Bến Tre hiện nay. Nhiều báo cáo đánh giá về du lịch địa phương đã chỉ ra rằng, Bến Tre có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng cách tổ chức hoạt động tại các địa điểm du lịch chưa hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút được khách du lịch. Cơ sở hạ tầng còn thô sơ lạc hậu, giao thông không thuận tiện, thiếu nhân lực quản lý, hoạt động quảng bá truyền thông nhiều hạn chế tại các điểm du lịch ở Bến Tre đã làm du khách không mặn mà tham quan và quyết định chi tiêu. Vì vậy giải pháp mang tính cấp bách hiện nay tại các địa điểm du lịch là phải tạo ra được các sản phẩm du lịch thông minh độc đáo, kích thích, sự tham gia khám phá và trải nghiệm của du khách. Ví dụ các ứng dụng di động, tham quan qua kính thực tế ảo, trải nghiệm nhập vai, hoặc du lịch về miền quá khứ tại các di tích hoặc làng nghề truyền thống.

Bên cạnh đó tại các địa điểm du lịch cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nhân viên và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch thân thiện, chuyên nghiệp, có kỹ năng và kiến thức tốt để giới thiệu, quảng bá, hình ảnh đất nước con người nơi du khách đi qua. Chấp nhận các hình thức thanh toán đa dạng, thanh toán không sử dụng tiền mặt, thanh toán bằng nhiều đồng tiền khác nhau. Bảo vệ môi trường và mình giữ tài nguyên thiên nhiên ở mức tối đa tại các địa điểm du lịch. Đồng thời, tỉnh cần có cơ chế chính sách để khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp địa phương, tham gia trực tiếp vào quá trình kinh doanh du lịch thông minh đồng thời bảo tồn di sản văn hóa bản địa.

Tăng cường các hoạt động quảng bá, marketing trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Các hoạt động truyền thông không chỉ do các doanh nghiệp tổ chức du lịch cung cấp mà cần tạo ra các giải pháp công nghệ để khách du lịch có thể ghi nhận những cảm xúc và trải nghiệm theo thời gian thực. Việc khách du lịch quảng bá cho khách du lịch là xu hướng truyền thông hiện đại trong du lịch thông minh hiện nay.

4. KẾT LUẬN

Phát triển du lịch thông minh là giải pháp và xu hướng tất yếu để Bến Tre nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành du lịch, đồng thời phát huy bảo tồn các di sản văn hóa tài nguyên thiên nhiên ở địa phương. Bến Tre có nhiều tiềm năng và nguồn lực để phát triển du lịch thông minh. Dư địa phát triển ngành du lịch của tỉnh còn rất lớn do chưa khai thác hết các lợi thế về liên kết ngành, liên kết các địa phương, và giá trị các làng nghề, sản vật nông nghiệp phong phú mà thiên nhiên ban tặng.

Hiện nay với quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ và chính quyền địa phương, tận dụng sức mạnh liên kết giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, hoạt động du lịch nói riêng và phát triển dịch vụ của Bến Tre đã bắt đầu có nhiều khởi sắc, đóng góp chủ yếu trong cơ cấu kinh tế địa phương. Tuy nhiên để phát triển du lịch thông minh, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ từ chính quyền, các doanh nghiệp tổ chức hoạt động du lịch và mỗi người dân của tỉnh Bến Tre. Trong đó phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, liên kết và kết nối giữa các ngành và địa phương, đồng thời nâng cao trình độ của lực lượng lao động trong ngành du lịch của tỉnh là những giải pháp then chốt trong việc xây dựng địa điểm du lịch thông minh và hành trình du lịch thông minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

Cục Thống kê tỉnh Bến Tre (2017), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Bến Tre quý IV và năm 2017.

Cục Thống kê tỉnh Bến Tre (2018), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Bến Tre quý IV và năm 2018.

Cục Thống kê tỉnh Bến Tre (2019), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Bến Tre quý IV và năm 2019.

Cục Thống kê tỉnh Bến Tre (2020), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Bến Tre quý IV và năm 2020.

Cục Thống kê tỉnh Bến Tre (2021), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Bến Tre quý IV và năm 2021.

Cục Thống kê tỉnh Bến Tre (2022), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Bến Tre quý IV và năm 2022.

Ủy ban nhân tỉnh Bến Tre (2022), Báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2023.

Tiếng Anh

Aina, Y. A. (2017). Achieving smart sustainable cities with GeoICT support: The Saudi evolving smart

cities. Cities, 71(August 2016), 49-58. DOI: 10.1016/j.cities.2017.07.007.

Boes, K.; Buhalis, D.; Inversini, A. Smart tourism destinations: Ecosystems for tourism destination competitiveness. Int. J. Tour. Cities 2016, 2, 108-124.

Gajdošík, T. (2018). Smart Tourism: Concepts and Insights from Central Europe. Czech Journal of

Tourism, 7(1), 25-44. DOI: 10.1515/cjot-2018-0002.

Gretzel, U., Reino, S., Kopera, S., & Koo, C. (2015). Smart Tourism Challenges. Journal of Tourism, 16(1), 41-47.

Washburn, D., Sindhu, U., Balaouras, S., Dines, R. A., Hayes, N. M., & Nelson, L. E. (2010). Helping CIOs Understand ‘Smart City’ Initiatives: Defining the Smart City, Its Drivers, and the Role of the CIO. Cambridge, MA.

Huang, C. D., Goo, J., Nam, K., & Yoo, C. W. (2017). Smart tourism technologies in travel plan-ning: The role of exploration and exploitation. Information and Management, 54(6), 757-770. DOI: 10.1016/j. im.2016.11.010.

Xiang, Z., Tussyadiah, I., & Buhalis, D. (2015). Smart destinations: Foundations, analytics, and

applications. Journal of Destination Marketing and Management, 4(3), 143-144. DOI: 10.1016/j. jdmm.2015.07.001.

Xiang, Z., & Fesenmaier, D. R. (2017). Big Data Analytics, Tourism Design and Smart Tourism. In Z. Xiang & D. R., Fesenmaier (Eds.), Analytics in Smart Tourism Design, Concepts and Methods (pp. 299-307). Cham: Springer International Publishing Switzerland. DOI: 10.1007/978-3-319- 44263-1.

Tìm kiếm thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên VNEconomics

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết mới nhất từ VNEconomics Academy

VNEconomics là một dự án với mục đích chia sẻ những tri thức hữu ích về Kinh tế – Nghiên cứu khoa học và Công nghệ, đặc biệt là những kiến thức về Blockchaintiền mã hóa (một lĩnh vực rất mới mẻ) tới đối tượng là các bạn sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và những cá nhân khác quan tâm tới những lĩnh vực này.

👉Tham gia cộng đồng của VNEconomics tại:
Website: https://vneconomics.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vneconomics/
Telegram: https://t.me/BlockchainDEco
Linked In: https://www.linkedin.com/company/vneconomics/
Twitter: https://twitter.com/ThanhTung78

- Quảng cáo -

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết và khóa học miễn phí​

Danh mục đầu tư của VNEs

Danh mục sản phẩm

Những nội dung hữu ích ngành Blockchain & Tiền mã hóa
Recent Posts