GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG LOGISTICS XANH TRONG NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN
Vũ Nhật Phương
Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Email: vnphuong@ntt.edu.vn
Tóm tắt: Kinh tế tuần hoàn là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế ở Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong chiến lược phát triển của nền kinh tế tuần hoàn, logistics xanh trở thành một hoạt động chủ đạo và có nhiều đóng góp quan trọng. Logistics xanh là khái niệm được sử dụng phổ biến trong vài năm gần đây, bao hàm các nội dung thực hiện hoạt động logistics thân thiện với môi trường như vận tải xanh, kho bãi xanh, dịch vụ hỗ trợ xanh… Đánh giá khái quát thực trạng logistics xanh ở Việt Nam cho thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập như hệ thống giao thông kém phát triển, doanh nghiệp logistics hoạt động manh mún chưa chú trọng đến bảo vệ môi trường, tác động tiêu cực từ ngành logistics khá lớn và chưa có dấu hiệu cải thiện. Vì vậy việc đề ra các chính sách nhằm cải thiện hoạt động logistics xanh trong nền kinh tế tuần hoàn trở nên cấp thiết và cần thực hiện đồng bộ của từ phía các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề.
Từ khoá: logistics, logistics xanh, nền kinh tế tuần hoàn.
1. Đặt vấn đề
Logistics đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhờ có hệ thống logistics mà các hoạt động sản xuất kinh doanh được đảm bảo và duy trì hoạt động liên tục, từ khi cung cấp từ các yếu tố đầu vào cho đến khi sản phẩm được trao đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Bằng cách tối ưu hóa chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, lưu kho và quản lý hàng hóa, ngành logistics đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định, logistics như những “mạch máu” của một quốc gia, giúp hàng hóa được lưu thông và tạo ra các giá trị kinh tế (MOIT, 2022). Chính “mạch máu” đó đã góp phần hỗ trợ cho GDP Việt Nam tăng trưởng, đạt con số ấn tượng 8,02% so với năm trước, cao nhất trong giai đoạn từ 2011-2022, đứng thứ 37 trên toàn thế giới và thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế (Tổng cục Thống kê, 2022).
Đánh giá về tiềm năng phát triển ngành logistics của Việt Nam trong những năm gần đây, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, dư địa phát triển cùng với các cơ hội và điều kiện thuận lợi vẫn còn rất lớn. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và ngành thương mại điện tử, các hoạt động logistics đang ngày càng được mở rộng, thu hút một lực lượng lớn lao động và các doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhiều hạn chế vẫn còn tồn tại gây cản trở cho sự phát triển logistics ở Việt Nam như chi phí dịch vụ cao, cơ sở hạ tầng, công nghệ, giao thông còn kém, gây ô nhiễm môi trường, thiếu các cơ chế chính sách phát triển liên ngành và giữa các vùng địa phương (Bộ Công Thương, 2022).
Vì vậy, với quyết tâm mạnh mẽ, cùng các giải pháp nhằm hiện thực hóa quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 về “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, hàng loạt các chủ trương, chính sách nhằm cải tiến và thúc đẩy phát triển môi trường kinh doanh, hạ tầng logistics, dịch vụ logistics, hoạt động logistics tại các doanh nghiệp, hoạt động hỗ trợ về logistics đã được ban hành và phát huy tính hiệu quả. Đặc biệt, xuyên suốt trong các quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển “logistics xanh” – phát triển ngành logistics gắn liền phát triển bền vững, bảo vệ, môi trường – trở thành xu hướng tất yếu để đo lường và đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành.
Phát triển logistics không chỉ hướng đến các mục tiêu về kinh tế mà còn đồng thời tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến môi trường và xã hội. Thông qua sử dụng các năng lượng tái tạo, giảm ô nhiễm môi trường, tái sử dụng các loại nguyên vật liệu sẵn có, xây dựng hệ sinh thái bền vững… các hoạt động logistics đang gián tiếp bảo vệ hệ sinh thái môi trường, làm thay đổi chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời ngược lại, khi chất lượng sống được thay đổi, con người sẽ nảy sinh những nhu cầu và đòi hỏi mới, kích thích tạo ra sự tăng trưởng mới cho nền kinh tế và ngành logistics nói riêng. Đó cũng chính là quan điểm chủ đạo của “nền kinh tế tuần hoàn”, một mô hình kinh tế đang được phát triển rộng rãi trên thế giới trong đó có Việt Nam những năm gần đây.
2. Tổng quan nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
2.1. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
Logistics xanh và kinh tế tuần hoàn có một mối quan hệ chặt chẽ và đã được nhiều nghiên cứu trên thế giới nhắc đến. Theo Ủy ban Châu Âu, kinh tế tuần hoàn đề cập đến một quy trình sản xuất mà tại đó giá trị của sản phẩm, tài nguyên thiên nhiên và các yếu tố thuộc môi trường tự nhiên được bảo tồn với thời gian tối đa, đồng thời việc tạo ra các chất thải ảnh hưởng môi trường ở mức tối thiểu (Ủy ban Châu Âu, 2015).
Mục tiêu mà kinh tế tuần hoàn hướng đến là tăng trưởng và phát triển kinh tế nhưng không tạo ra thêm chất thải (Kerdlap và cộng sự, 2019). Điều này trở nên quan trọng, bởi trong bối cảnh điều kiện tự nhiên đang có những biến đổi khí hậu sâu sắc, tài nguyên thiên thiên bị khai thác cạn kiệt, sức khỏe con người ngày càng bị suy giảm do ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế xanh trở thành một xu hướng tất yếu của mọi quốc gia (Younis và cộng sự, 2016). Các doanh nghiệp cũng ngày càng chịu sức ép trước việc phải thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng xả ít khí thải carbon và sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường hơn (Rodríguez và cộng sự, 2019).
Trong các yếu tố tạo thành nền kinh tế xanh, “Logistics xanh” được nhắc đến như một điểm nhấn quan trọng. Có nhiều công trình nghiên cứu đã phân tích và định nghĩa “logistics xanh”. Theo Oksana cho rằng, “logistics xanh” là quy trình hoạt động logistics mà tại đó giảm thiểu các tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên (Oksana, 2018). Hay “Logistics xanh” là một tập hợp các hoạt động logistics (sản xuất, lưu trữ, vận chuyển hàng hóa) từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng mà có thể giảm đến mức tối thiểu các tác động đến môi trường (Dźwigoł, 2021).
Sở dĩ vấn đề logistics xanh được nhiều quốc gia quan tâm bởi vì logistics đóng một vai trò quan trọng trong phát triển và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên xuất phát từ đặc điểm hoạt động, có bằng chứng cho thấy, ngành logistics đã làm tăng thêm đáng kể tình trạng ô nhiễm không khí, hiệu ứng nhà kính CO2 (Khan và Qianli, 2017). Theo một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới trong năm 2017 cho thấy, các hoạt động vận tải của ngành logistics đã tạo ra khoảng 23% lượng CO2 trên toàn cầu, từ đó góp phần làm biến đổi khí hậu và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người. Bên cạnh đó, các hoạt động logistics đang tạo ra một lượng lớn rác thải nhựa là các sản phẩm bao bì nhằm phục vụ các hoạt động vận chuyển và đóng gói hàng hóa (MacArthur, 2017).
Như vậy có thể thấy, logistics đang có những tác động tiêu cực không nhỏ đến môi trường. Đây chính là những vấn đề cơ bản mà kinh tế tuần hoàn chú trọng và đề cập đến. Từ đó, logistics xanh trở thành một phần quan trọng, cơ bản trong nội hàm của kinh tế tuần hoàn (Sun và Li, 2021), chi phối hiệu quả của chu kỳ kinh tế trong kinh tế tuần hoàn (Long Jinru, 2021).
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn và logistics xanh đã được nhiều tác giả quan tâm và có nhiều đóng góp khoa học. Tác giả Hồ Thị Vân Anh trong một nghiên cứu năm 2021 đã phân tích các khái niệm, trường phái quan điểm của kinh tế tuần hoàn và đánh giá các tác động của kinh tế tuần hoàn đối với nền kinh tế quốc gia. Hay tác giả Trần Hồng Hà – Phó Thủ tướng Chính phủ, trong một nghiên cứu năm 2019 đã đánh giá các cơ hội để xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Kết nối với lĩnh vực logistics xanh cho thấy, việc thực hiện logistics xanh không những tác động tích cực, làm hệ thống cơ sở hạ tầng logistics thêm bền vững mà còn tác động trực tiếp đến phát triển bền vững ở trong giai đoạn hiện nay (Vũ Anh Dũng, 2015).
Có thể nói nghiên cứu, phân tích và đặt ra các giải pháp, cụ thế hóa bằng các chính sách, thể chế để phát triển logistics xanh trong nền kinh tế tuần hoàn đã trở thành một xu hướng nổi bật trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn đang còn gặp một số khó khăn và chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực sẵn có. Vì vậy vẫn cần có những đánh giá cụ thể thực trạng để đề xuất những giải pháp trong thời gian tiếp theo.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Bài báo sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu tại bàn để phân tích, tổng hợp các lý thuyết, nghiên cứu trong và ngoài nước, từ đó đưa ra các cơ sở lý luận liên quan đến logistics xanh và nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, bài viết còn sử dụng các một số liệu được thu thập từ các báo cáo chuyên ngành, ý kiến chuyên gia, mạng internet của các cơ quan như Tổng cục thống kê Việt Nam, Bộ Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam trong giai đoạn từ 2017 – 2022.
Dựa trên các nguồn thông tin thu thập được, bài báo kết hợp phương pháp quan sát và phỏng vấn chuyên gia để phân tích và tổng hợp dữ liệu, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển logistics xanh trong nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Thực trạng logistics xanh trong nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong những năm gần đây
Tại Việt Nam, khái niệm về “kinh tế tuần hoàn” đã được nhắc đến từ lâu và được sử dụng rộng rãi trong những năm gần đây. Tuy nhiên quan điểm về việc phát triển bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên đã được Đảng và Nhà nước nhấn mạnh trước đó và cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo. Điển hình như Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ môi trường trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hay Chỉ thị số 29-CT/TW năm 2009 của Bộ Chính trị về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Hiện nay chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn đã được cụ hóa các văn quy định pháp luật cụ thể như Luật Bảo vệ môi trường (được thông qua năm 2020), Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 01/10/2021 về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050”. Đặc biệt, tháng 6/2022 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tái chế và xử lý chất thải nhựa phát sinh, thay đổi thói quen sản xuất và sử dụng túi ni lông hoặc các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Riêng đối với logistics xanh, ngoài các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sử dụng xăng sinh học E5 đã ban hành trong nhiều năm, tháng 7/2022, Chính phủ đã ban hành quyết định số 876/QĐ-TTg về “chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh”, với mục tiêu giảm phát thải khí CO2 trong lĩnh vực vận tải và hướng đến lượng phát thải khí nhà kính bằng 0 trong năm 2050.
Tuy đã nhiều chính sách được ban hành và thúc đẩy để phát huy tác dụng trong cuộc sống, nhưng thực trạng về hoạt động logistics xanh tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập. Tại diễn đàn “Logistics xanh” năm 2022, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhiều vấn đề bất cập đã được các chuyên gia phân tích, tập trung trên một số khía cạnh như:
- Hạ tầng giao thông không theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội dẫn tới tình trạng tắc đường, ùn tắc giao thông, số lượng xe không đạt quy chuẩn chất lượng tăng cao, chất lượng các công trình giao thông kém… dẫn tới lượng phát thải khí CO2 ở Việt Nam luôn ở mức cao trong nhiều năm và chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Trong khi đó, các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường như đường sắt lại không được đầu tư và phát triển. Vận tải hàng không tùy được tăng trưởng mạnh về quy mô, nhưng chi phí cao, lượng phát thải tác động trực tiếp tới tầng ozone, nên sức cạnh tranh vẫn thấp hơn so với các phương tiện vận tải cơ giới khác và không thúc đẩy được ngành logistics xanh phát triển.Vận tải đường thủy và cảng biển tuy đã có nhiều cải thiện và hướng đến “cảng xanh”, nhưng sự kết nối với giao thông đường bộ còn thấp, một số cảng biển chưa được đầu tư nên không thể đón nhiều tàu có tải trọng lớn, chuyện tới lãng phí tiềm năng và vị trí kinh tế.
- Thực trạng sử dụng các kho bãi xanh, kho bãi thân thiện với môi trường vẫn còn rất thấp. Đa số các kho bãi đều có chi phí vận hành và quản lý khá cao so với nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó, công nghệ và quy trình thủ công lạc hậu nên năng lực phát triển bền vững của các kho bãi xanh còn thấp. Tình trạng sử dụng bao bì và các vật liệu đóng gói sản phẩm bằng ni lông và chất liệu nhựa khó phân hủy tuy có giảm nhưng vẫn còn ở tỷ lệ khá lớn. Hệ thống hạ tầng thông tin, mới chỉ phát triển ở mức độ đơn giản, cục bộ, thiếu tính liên kết giữa các lĩnh vực ngành nghề và yếu tố trong chuỗi cung ứng…
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, các thách thức từ khủng hoảng kinh tế của các quốc gia phát triển và bất ổn chính trị do xung đột đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và logistics xanh nói riêng không chỉ khó trong quá trình triển khai vì Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm để thực hiện, mà còn gặp rào cản lớn do đòi hỏi chi phí đầu tư, nguồn lực về con người và công nghệ cao. Nhưng đây là xu hướng phát triển tất yếu của mọi quốc gia và Việt Nam không thể đi ngược dòng chảy đó. Vì vậy, giải pháp để phát triển logistics xanh trong nền kinh tế tuần hoàn là yếu tố then chốt để Việt Nam có thể phát triển kinh tế bền vững.
3.2. Giải pháp phát triển logistics xanh trong nền kinh tế bền vững
Phát triển kinh tế đòi hỏi phải có sự tương tác, hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý và cơ chế phù hợp của các cơ quan trung ương, địa phương với khát khao, động lực và sự hoạt động không mệt mỏi của các doanh nghiệp. Phát triển kinh tế cùng với bảo vệ môi trường tạo thành nền kinh tế tuần hoàn càng đòi hỏi sự gắn kết, hỗ trợ và cam kết hành động mạnh hơn nữa của mỗi bên tham gia.
3.2.1. Về phía các cơ quan nhà nước
Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành trong thời gian qua đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển logistics xanh. Tuy nhiên để cụ thể hóa được thành hành động, nhà nước cần ban hành các chương trình hành động, chiến lược, kế hoạch, và mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, địa phương theo các mốc thời gian xác định.
Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cải tạo hệ thống giao thông nhằm nâng cao tính liên kết vùng, giảm thiểu các chi phí của doanh nghiệp phát sinh cho hạ tầng giao thông yếu kém. Tập trung cải tạo hệ thống cảng biển, xây dựng cảng xanh thân thiện với môi trường, và hệ thống đường sắt nhằm nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa.
Tập trung nguồn vốn và ngân sách quốc gia cho các dự án phát triển logistics xanh, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, sử dụng các quy trình công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần có các chế tài và biện pháp xử lý mạnh hơn đối với các doanh nghiệp vận tải sử dụng các phương tiện không đạt chuẩn chất lượng, xả khí thải vượt quá hạn mức quy định. Xây dựng bộ tiêu chí đo lường chất lượng hoạt động của doanh nghiệp gắn liền với hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng kết quả đó như một tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn và thẩm định dự án đầu tư công.
Xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển năng lượng tái tạo, chiến lược xây dựng và phát triển các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước… từ đó tạo hành lang pháp lý và cơ chế khuyến khích mạnh mẽ cho các doanh nghiệp kho bãi, doanh nghiệp vận tải mạnh dạn áp dụng, đầu tư và chuyển đổi.
Đặc biệt, các cơ quan nhà nước và chính quyền một địa phương, cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Xây dựng bản đồ số về kho bãi, dịch vụ hỗ trợ logistics, dịch vụ vận tải của Việt Nam nhầm giảm bớt chi phí giao dịch và khai thác tối đa nguồn lực của các doanh nghiệp.
Cải cách các thủ tục hành chính theo hướng hành chính một cửa, giải quyết và xử lý tất cả các khâu quy trình trong hoạt động logistics. Rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ và kiên quyết nói không với tiêu cực trong các hoạt động thông thường và trao đổi hàng hóa.
3.2.2. Về phía các doanh nghiệp
Mỗi doanh nghiệp cần nhận thức đúng về trách nhiệm bảo vệ môi trường và lấy đó làm mục tiêu cho mọi hoạt động kinh tế. Đối với các doanh nghiệp logistics, phải hướng đến hoạt động logistics xanh, xây dựng chiến lược và cụ thể hóa thành từng hành động, được đo lường bằng các chỉ tiêu kết quả.
Đối với các doanh nghiệp lớn có nhiều ưu thế và kinh nghiệm hoạt động trong ngành logistics, cần bắt buộc áp dụng các chỉ tiêu về logistics xanh như cam kết giảm phát thải khí CO2, đồng hành với các hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm và hướng đến không sử dụng bao bì đóng gói bằng ni lông và rác thải nhựa khó phân hủy.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động kho bãi, cần có lộ trình và bắt buộc hướng đến sử dụng kho bãi xanh. Nâng cao quy trình công nghệ và hệ thống quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp kho bãi, lợi nhuận kinh doanh phải gắn liền với các hoạt động thân thiện với môi trường; bảo quản hàng hóa không bị hư hỏng, có quy trình xử lý rác thải và các phế phẩm nếu có trong quá trình lưu trữ. Đặc biệt đối với các hệ thống kho lạnh, kho đặc biệt, cần chú trọng sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí và gián tiếp tác động tiêu cực do tiêu thụ năng lượng ra môi trường.
Đối với các doanh nghiệp vận tải, là lực lượng đóng góp quan trọng trong hoạt động logistics, nhưng lại là bộ phận tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực lớn đến ô nhiễm môi trường. Vì vậy đây cũng là bộ phận cần chú trọng nhiều nhất trong chiến lược phát triển logistics xanh. Để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp vận tải cần cải thiện quy trình, cách thức vận chuyển hàng hóa theo hướng tiết kiệm thời gian hơn, sử dụng ít phương tiện vận tải hơn, mỗi phương tiện vận tải thân thiện với môi trường hơn. Các phần mềm công nghệ với thuật toán tối ưu sẽ có thể giải quyết được mục tiêu trên. Tuy nhiên các doanh nghiệp cần phải mạnh dạn đầu tư và quyết tâm khắc phục những trở ngại khi thay đổi công nghệ và phương thức hoạt động.
Đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, tận dụng các thành tựu từ khoa học kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo để xây dựng các hệ thống khai báo, quản lý hàng hóa, giải quyết bài toán tối ưu cho các doanh nghiệp vận tải và kinh doanh kho bãi. Nếu thị trường phần mềm logistics được mở rộng, chi phí về mặt công nghệ mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra sẽ ít hơn. Từ đó các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để tiếp cận công nghệ thông tin và giải quyết được bài toán tối ưu trong quản lý kinh tế.
3.3.3. Về phía các hiệp hội
So với tổ chức hiệp hội của các ngành nghề khác, ngành logistics có ưu thế khi được nhiều tổ chức hiệp hội ngành nghề thành lập và hoạt động hiệu quả. Trong chiến lược phát triển logistics xanh, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp chiếm vị trí rất lớn. Nhờ có các tổ chức hiệp hội, các kênh trao đổi thông tin, diễn đàn hợp tác giữa chính quyền trung ương với các địa phương, giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp được thành lập. Thông qua các buổi tọa đàm, chia sẻ các cơ quan nhà nước có cơ hội để khuyến khích, động viên và giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp. Ngược lại các doanh nghiệp kịp thời phản ánh, kiến nghị những vấn đề mới nảy sinh hoặc bất hợp lý trong chính sách, Từ đó tạo động lực để doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực, cải tiến và phát triển.
Đối với hoạt động logistics xanh, các tổ chức hiệp hội cần làm tốt hơn nữa vai trò tuyên truyền, định hướng và liên kết các doanh nghiệp theo hướng chia sẻ, hỗ trợ cùng phát triển. Các doanh nghiệp logistics mới thành lập, có thể tận dụng cơ hội để kết nối, tích lũy kinh nghiệm và tận dụng lợi thế của các doanh nghiệp đi trước để tìm kiếm bạn hàng hoặc hợp tác phát triển. Điều này làm giảm thiểu việc phát triển manh mún, nhỏ lẻ cuộc các doanh nghiệp có cơ cấu vốn thấp.
Ngoài ra, các tổ chức hiệp hội còn là nơi để phân tích, tổng hợp tình hình phát triển chiến lược logistics xanh, từ đó cung cấp các thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý kinh tế nhà nước. Các tổ chức hiệp hội, trở thành đơn vị độc lập để tham mưu và đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn của nhà nước.
4. Kết luận
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu của mọi quốc gia trên thế giới. Việt Nam lại là quốc gia đang phát triển và hội nhập sâu rộng trên các lĩnh vực hợp tác quốc tế, vì vậy bắt buộc phải tuân thủ theo xu hướng đó. Trong các lĩnh vực của nền kinh tế tuần hoàn, logistics xanh trở thành một hoạt động chủ lực và đem lại nhiều tác động to lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, logistics xanh ở Việt Nam vẫn đang còn phát triển ở mức sơ khởi, chưa đáp ứng đúng kỳ vọng và lợi thế tiềm năng. Các doanh nghiệp logistics chủ yếu hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, tập trung khía cạnh phát triển kinh tế mà chưa chú ý đến các hoạt động bảo vệ môi trường và kinh tế tuần hoàn. Để thay đổi được thực trạng này, đòi hỏi phải có sự quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương theo hướng tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách mới nhằm khuyến khích và hạn chế các hoạt động kinh doanh tác động tích cực hoặc tiêu cực trong nền kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, vai trò của các doanh nghiệp vẫn giữ vị trí then chốt, nhằm thúc đẩy và cụ thể hóa các chiến lược logistics xanh. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, chiến lược hành động, theo hướng lấy các tiêu chí của logistics xanh là mục tiêu cốt lõi để phát triển doanh nghiệp trong dài hạn. Làm được điều đó, Việt Nam sẽ nhanh chóng phát triển hệ thống logistics xanh, trở thành một điểm sáng trong nền kinh tế tuần hoàn. Bài học kinh nghiệm từ phát triển logistics xanh sẽ trở thành động lực và chiến lược phát triển cho nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế trong tương lai.
Tài liệu tham khảo
Anh, Hồ Thị Vân (2021), Tổng quan về nghiên cứu kinh tế tuần hoàn, Tạp chí Khoa học và Công nghệ trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh số 54, 2021.
Bộ Công thương, 2022, Báo cáo Logistics Việt Nam 2022, Logistics xanh, NXB Bộ Công thương.
Dźwigoł, Henryk & Trushkina, Nataliia & Kwilinski, Aleksy. (2021). Green Logistics as a Sustainable Development Concept of Logistics Systems in a Circular Economy.
Kerdlap, P., Low, J. S. C., & Ramakrishna, S. (2019). Zero waste manufacturing: A framework and review of technology, research, and implementation barriers for enabling a circular economy transition in Singapore.Resources, Conservation and Recycling,151, 104438– https://doi.org/10.1016/j.resconrec.2019.104438
Khan, S.A.R., Qianli, D., 2017. Does national scale economic and environmental indicators spur logistics performance? Evidence from UK.
Environ. Sci. Pollut. R 24 (34), 26692–26705. https://doi.org/10.1007/s11356-017-0222-9.
Long Jinru, Zhong Changbiao, Bilal Ahmad, Muhammad Irfan & Rabia Nazir (2022) How do green financing and green logistics affect the circular economy in the pandemic situation: key mediating role of sustainable production, Economic Research-Ekonomska Istraživanja, 35:1, 3836-3856, DOI: 10.1080/1331677X.2021.2004437
Rodríguez, P.D., Bastias, F.A., Arena, A.P., 2019. Modeling and environmental evaluation of a system linking a fishmeal facility with a microalgae plant within a circular economy context. Sustain. Prod. Consum. 20, 356–364. https://doi.org/ 10.1016/j.spc.2019.08.007.