HOẠT ĐỘNG HẬU CẦN XANH TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ B2C
Tạ Thị Phương Huệ
Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Email: huettp@ntt.edu.vn
Tóm tắt: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, số lượng các hoạt động logistics liên quan đến việc hoàn thiện đơn hàng cũng tăng lên nhanh chóng. Mỗi sản phẩm cần được đóng gói, vận chuyển và bàn giao cho khách hàng. Mặc dù mua sắm trược tuyến mang lại sự tiện lợi cho khách hàng nhưng có cũng tác động tiêu cực đến môi trường. Vấn đề nằm ở khâu đóng gói hàng hóa, vận chuyển hàng hóa và việc trả lại hàng. Khách hàng trực tuyến ngày càng quan tâm tới thương mại điện tử bền vững và trong đó logistics giữ tầm quan trọng đặc biệt. Nếu hoạt động logistics không được lập kế hoạch và tổ chức tốt sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường. Nghiên cứu này nhằm đề cập đến vấn đề logistics xanh trong thương mại điện tử với các hoạt động: đóng gói hàng hóa, giao hàng chặng cuối và trả lại hàng; trình bày và khuyến khích các nghiên cứu sâu hơn về logistics xanh trong thương mại điện tử.
Từ khóa: logistics xanh, thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối, đóng gói hàng hóa, trả lại hàng
1. Giới thiệu
Mua sắm trực tuyến là một trong những xu hướng quan trọng nhất trong nền kinh tế. Theo Statista (2021), doanh số ngành bán lẻ thương mại điện tử khoảng 5,2 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới và dự kiến đạt khoảng 8,1 nghìn tỷ USD vào năm 2026 (Stephanie, 2021). Tại Việt Nam, doanh số ngành bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng thương mại điện tử đạt gần 482,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,5% doanh số ngành bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trên toàn quốc (Vecom, 2023). Hầu hết các đơn đặt hàng trực tuyến đều liên quan đến các sản phẩm cần được giao tận nơi. Thương mại điện tử tạo ra khoảng 125 tỷ các lô hàng CEP (giấy tờ hoặc các kiện hàng hàng nhẹ, chuyển phát nhanh, bưu kiện) trong năm 2020 (Solomon, 2020). Chỉ trong Ngày độc thân (lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc), hai sàn thương mại điện tử Alibaba và Taobao nhận 2,3 tỷ đơn hàng, tương ứng với đó là 2,3 tỷ đơn hàng cần giao. Vào thời gian cao điểm, thậm chí có hơn nửa triệu đơn đặt hàng mỗi giây (Kawa & Pierański, 2021). Điều này có nghĩa là hàng trăm tỷ hoạt động giao hàng, hàng tỷ km lái xe và hàng triệu tấn nguyện liệu đóng gói. Đây là một thách thức rất lớn không chỉ cho ngành Logistics mà cho cả các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp thương mại điện tử đầy đủ (vừa bán hành trực tuyến, vừa giao hàng) và các doanh nghiệp CEP.
Thương mại điện tử đã dịch chuyển tâm điểm của hệ thống logitics từ nhà bán lẻ sang người tiêu dùng, một loạt các kỳ vọng mới xuất hiện. Người tiêu dùng mong đợi những cách thức để tối đa hóa thuận tiện, lựa chọn và giá cả – điều này đang thiết lập trải nghiệm mua sắm hoàn toàn khác biệt (Rigby, 2011). Khi nhiều người mua hàng trực tuyến hơn, nhu cầu trải nghiệm mua sắm liền mạch đặt lên các nhà bán lẻ. Họ phải tìm kiếm những khả năng mới để đáp ứng kỳ vọng của khách. Thương mại điện tử bền vững là xu hướng ngày càng được quan tâm trong thời gian gần đây (Vecom, 2023) . Những thách thức lớn nhất trong lĩnh vực này là đóng gói, giao hàng và trả lại. Do đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đối mặt với những thách thức của logistics trong nền thương mại điện tử mà vẫn duy trì các vấn đề sinh thái cùng một lúc. Ngoài việc loại bỏ các vấn đề của giao hàng chặng cuối bằng cách đưa ra các cách thức khác nhau để nhận hàng, các nhà bán lẻ trực tuyến đang gia tăng việc không sử dụng giấy in, không in tờ rơi và hóa đơn mà thay bằng các phiên bản điện tử; hạn chế trả lại; sử dụng bao bì thân thiện với môi trường hoặc thậm chí có thể tái sử dụng đóng gói (Kawa & Pierański, 2021).
The Green Generation báo cáo rằng một số khách hàng thương mại điện tử sẵn sàng chấp nhận việc giao hàng lâu hơn nếu nguyên nhân là do cửa hàng trực tuyến thực hiện việc giao hàng xanh, thậm chí họ sẵn sàng trả thêm tiền để không có giấy bạc trong việc đóng gói. Một số khách hàng còn kỳ vọng cao hơn và luôn yêu cầu việc mua sắm trực tuyến bền vững hoặc mua sắm trực tuyến xanh (Oláh và cộng sự, 2019). Các nhà bán lẻ đang cố gắng đáp ứng những nhu cầu này. Zalando, một trong những nhà bán lẻ điện tử thời trang lớn nhất là một ví dụ. Họ đã giảm CO2 trong mỗi đóng gói từ hoạt động”trực tiếp và gián tiếp phát thải khí nhà kính trong chuỗi giá trị” bằng cách giảm trọng lượng của mỗi kiện hàng (Hischier, 2018). Vì những lý do nêu trên, không thể xem xét sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mà không tính đến sự bền vững.
Dịch vụ logistics phục vụ các nhà bán lẻ cũng đã và đang quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp vận tải đang đầu tư vào các phương tiện giao thông hiện đại, phát triển đội ô tô điện và trạm sạc. Bên cạnh đó, họ đang xây dựng hoặc sử dụng các nhà kho dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng hệ thống chiếu sáng, sử dụng nước mưa….Các doanh nghiệp cũng đào tạo nhân viên của họ giữ lưu ý đến môi trường khi thực hiện nhiệm vụ thường ngày bằng cách giảm tiêu thụ tài liệu văn phòng (DHL, 2021). Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng nhận thức về môi trường của người tiêu dùng ngày càng tăng và kỳ vọng của họ về vấn đề này ngày càng cao (Kawa & Pierański, 2021). Vì vậy, cần nghiên cứu để chỉ ra điều gì là quan trọng đối với khách hàng và hướng phát triển của logistics xanh trong thương mại điện tử là gì.
2. Hoạt động logistics trong thương mại điện tử
2.1. Đóng gói hàng hóa
Thách thức đầu tiên là việc đóng gói. Mỗi đơn đặt hàng của mỗi cá nhân được đóng gói riêng biệt từng hộp là một trong những thách thức của thương mại điện tử. Do quá trình vận chuyển, các sản phẩm thường được bảo vệ bổ sung và vật liệu làm ra các sản phẩm này thường không được tái chế (Mangiaracina và cộng sự, 2015). Thiết kế và chức năng của đóng gói hàng hóa rất quan trọng khi mà lô hàng phải chịu nhiều thao tác. Hệ thống logistics trong thương mại điện tử thu hút nhiều nhà cung cấp dịch vụ, dẫn đến nhiều điểm tiếp xúc hơn so với bán lẻ truyền thống. Sản phẩm được xử lý trong mạng lưới thương mại điện tử nhiều hơn bốn lần so với một chuỗi cung ứng bán lẻ truyền thống (Kawa & Pierański, 2021).
Làm tốt khâu đóng gói hàng hóa sẽ giúp sản phẩm được nguyên vẹn, giảm số lượng trả hàng (Oláh và cộng sự, 2019). Hơn nữa, đóng gói hàng hóa được làm từ những vật liệu bền vững cũng làm giảm tác động tới môi trường, giảm sự lãng phí và đây cũng là minh chứng cho khách hàng thấy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Bao bì đóng gói chính là thành phần và khách hàng có thể nhìn thấy và tiếp xúc trực tiếp. Và điều này rất quan trọng vì các quy trình khác trong toàn bộ chuỗi cung ứng trong thương tử khách hàng thường không nhìn thấy được hoặc chỉ thấy trong một phạm vi giới hạn (chẳng hạn như giao hàng). Nghiên cứu chỉ ra rằng, khách hàng thường chú ý tới đóng gói hàng hóa, nhất là các hoạt động đóng gói phi sinh thái của nhà bán lẻ trực tuyến. Đặc biệt, khách hàng thường chú ý đến vệc đóng gói không tối ưu lô hàng, tức là bao bì đóng gói quá lớn so với sản phẩm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới việc bảo vệ sản phẩm mà còn tới quá trình vận chuyển. Hơn nữa, việc đóng gói hàng hóa cũng sử dụng nhiều nhựa, màng bọc thực phẩm và có rất nhiều phụ kiện bên trong. Khi đến tay người tiêu dùng, những bao bì và phụ kiện này sẽ trở thành rác. Chúng khó được phân loại và thường không phải là chất liệu phân hủy sinh học. Khi mà thương mại điện tử tạo ra một lượng lớn rác thải đóng gói ở dạng: đóng gói bổ sung, chất độn, lá kim loại mỏng, băng dính…cần phải đưa ra loại bao bì đóng gói có thể tái chế và tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái đều phải sử dụng loại bao bì đóng gói này. Người tiêu dùng sẽ nhận được các sản phẩm được thiết kế đóng gói đặc biệt, có thể thu gom, làm sạch và tái sử dụng cho các lần vận chuyển sau. Việc đóng gói hàng hóa nên đem lại sự bảo vệ tốt nhất cho sản phẩm nhưng cũng phải đáp ứng các chức năng marketing và cung cấp thông tin.
E-Park là một ví dụ của việc đóng gói bao bì thân thiện với môi trường. Dự án này là kết quả hợp tác của ba viện thuộc mạng lưới nghiên cứu Łukasiewicz Research Network (Viện Logistics và kho bãi, viện công nghệ vật liệu điện tử, viện polymer sinh học và sợ hóa dọc). Mục tiêu của dự án là tạo ra vật liệu có thể tái sử dụng cho ngành logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử. Việc đóng gói dựa trên giải pháp Physical Internet. Những tác động mong đợi của việc giới thiệu bao bì được làm từ vật liệu tái sử dụng ra thị trường là: giảm chi phí giao hàng bằng cách sử dụng cùng một bao bì nhiều lần; tối đa hóa vật liệu tái chế; giảm lượng khí thải carbon trong các quy trình hậu cần; truy cập thông tin chi tiết về lô hàng; giảm thời gian cần thiết để điền vào các tài liệu không cần thiết; sử dụng tốt hơn không gian chở hàng (Świerczyński, 2021). Tại Việt Nam, Lazada cũng đã phát hành cuốn cẩm nang “đóng hói hàng hóa hiệu quả và thân thiện với môi trường” dành cho các nhà bán lẻ trên sàn thương mại điện tử. Cẩm nang nhằm hướng dẫn người bán hàng cách đóng gói đúng quay chuẩn và hiệu quả giúp sử dụng tiết kiệm các nguyên liệu đóng gói cũng như giảm lượng rác thải ra môi trường (Vecom, 2023).
Như vậy, đóng gói là một phần rất quan trong trong ngành thương mại điện tử. Khâu đóng gói hàng hóa được thực hiện tốt sẽ giúp hạn chế tình trạng hư hỏng sản phẩm trong quá trình vận chuyển hành hóa và đây cũng là thành phần duy nhất trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử mà khách hàng có thể nhìn và tiếp xúc trực tiếp. Đóng gói bao bì không đúng cách (kích thước đóng gói quá to so với sản phẩm) gây lãng phí tài nguyên. Hoạt đông đóng gói hàng hóa tạo ra một lượng lớn chất thải ra môi trường từ việc đóng gói bổ sung, chất độn, lá kim loại mỏng, băng dính…Vì vậy cần có biện pháp tái sử dụng đóng gói, tạo ra các vật liệu đóng gói thân thiện với môi trường.
2.2. Giao hàng chặng cuối (LAST MILE)
Nhiều người thường liên tưởng thương mại điện tử với sự thuận thiện, chỉ cần kết nối internet, có thể đặt hàng bất cứ nơi nào và bất cứ ở đâu. Và chỉ cần một khoảng thời gian sau đó, khách hàng có thể nhận được sản phẩm đã đặt mà không cần thiết phải ra khỏi nhà. Khách hàng không cần di chuyển có nghĩa họ không tạo ra ôi nhiễm cho môi trường và không sử dụng nhiên liệu. Điều này không đúng, một người khác sẽ phải thực hiện hoạt động giao hàng. Và như chúng ta đã biết, vận tải mà đặc biệt là vận tải đường bộ làm tăng ô nhiễm, khí thải và tình trạng kẹt xe (Oláh et al., 2019). Đó là lý do tại sao việc hình dung tác động tiêu cực của thương mại điện tử đối với môi trường rất phức tạp.
Chương trình Liên Hiệp Quốc về Môi trường công bố nghiên cứu ở Châu Âu và toàn cầu cho thấy các ngành giao thông vận tải thải ra môi trường 23-24 % lượng khí CO2 trên tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch và dự kiến sẽ tăng lên 1/3 vào năm 2050. Đó là lý do tại sao dịch vụ thân thiên với người tiêu người tiêu dùng lại cần thiết. Dịch vụ này cho phép khách hàng thay đổi thời gian và điểm nhận hàng cũng như truy cập vào mạng lưới rộng lớn và được cung cấp cách thức mới để nhận hàng ở một địa điểm khác.
Chuyển phát nhanh là hình thức giao hàng phổ biến nhất. Ưu điểm lớn nhất của dịch vụ này là giao hàng tới tận nơi (door to door) và thời gian giao hàng ngắn. Cả người gửi và người nhận đều không phải rời khỏi nhà hoặc văn phòng của họ khi sử dụng dịch vụ này. Giao hàng trong một thời gian nhất định, thường là trong vòng 1 ngày. Bất lợi của phương thức giao hàng này là chi phí cao, cao nhất trong tất cả các hình thức giao hàng. Ngoài ra, người giao hàng thường giao hàng cho khách hàng thương mại điện tử trong giờ làm việc, có thể có một số doanh nghiệp không chấp nhận việc nhận hàng cá nhân tại nơi làm việc.
Giao hàng ngay lập tức hoặc giao hàng trong ngày cũng là một thách thức lớn. Nếu quá trình như vậy giao hàng không được tối ưu hóa, người chuyển hàng có thể sẽ chạy xe trống hoặc không sử dụng hết không gian vận. Điều này gây lãng phí một lượng lớn nguyên liệu. Theo nghiên cứu của trung râm Vận tải và Logsitics của MIT, giao hàng nhanh tạo ra một lượng CO2 gấp đôi trên mỗi khách hàng, tăng gần 0,75kg (Jiang, 2016). Một trong những giải pháp cho vấn đề giao hàng chặng cuối là cho phép khách hàng đón và nhận hàng từ shipper tại các điểm được chỉ định đặc biệt (PUPO). Những địa điểm này thường là là các địa điểm dễ tiếp cận như: trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa…Một lợi thế của điểm giao nhận hàng là giá thấp hơn dịch vụ chuyển phát nhanh tận nơi. Tuy nhiên, bất lợi của của dịch vụ này là thời gian mở cửa của điểm giao-nhận hàng. Và giải pháp cho vấn đề này là bưu kiện tủ khóa (parcel lockers), nơi mà khác hàng có thể nhận và gửi hàng bất cứ thời điểm nào trong ngày. Mô hình PUDO và giao hàng tủ khóa có đặc trưng là tính linh hoạt cao hơn với hình thức giao hàng thời gian và địa điểm. Đây là một lợi thế cho những khách hàng mà họ linh hoạt (mobile) hơn và muốn tự do lựa chọn thời gian cũng như địa điểm giao hàng. Và mô hình này đặc biệt thuận lợi cho những khách hàng sống ở vùng ngoại ô hoặc nông thôn, tủ khóa giúp giải quyết được các vấn đề của giao hàng chặng cuối (Mangiaracina và cộng sự, 2015).
2.3. Trả lại hàng (RETURNS)
Một vấn đề nan giải khác liên quan đến phát thải khí nhà kính là việc trả lại sản phẩm. Tỷ lệ trả lại hàng trong thương mại điện tử là khoảng giữa 20% và 30%, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ trả hàng ở kênh bán lẻ truyền thống (Kawa và Pierański, 2021). Hoàn trả có thể do các sản phẩm bị hư hỏng và cần được sửa chữa. Nguyên nhân hoàn trả thường xuyên nhất là do hàng hóa mua qua Internet không đáp ứng được mong đợi của khách hàng, lỗi kỹ thuật, chậm trễ hoặc đặt nhầm hàng. Trong bối cảnh mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng có thể hoàn trả sản phẩm mà không cần đưa ra bất kỳ lý do (Kawa, 2019).
Việc trả hàng phát sinh thêm các quy trình bổ sung. Trước tiên, các hàng hóa cần được nhận lại bởi bên chuyển phát nhanh hoặc cho một PUDO, một tủ giao nhận hoặc một địa điểm giao nhận hàng. Tiếp theo, hàng hóa được chuyển đến công ty xử lý hàng trả lại hoặc người bán. Sau đó, các sản phẩm này được bán lại và đôi khi cần phải sửa chữa hoặc làm mới lại. Cuối cùng là đóng gói để vận chuyển và thường các vật liệu dùng để đóng gói không được tái sử dụng. Vì vậy, mỗi quy trình trả lại hàng đều tốn chi phí bổ sung và tác động đến môi trường. Bên cạnh đó, trả lại hàng là một thách thức đối với logistics trong thương mại điện tử vì thường khó lập kế hoạch và dự báo trong chuỗi cung ứng. Trả hàng là một phần tất yếu của thương mại điện tử và chúng cần được giải quyết
3. Kết luận
Thương mại điện tử đã và đang phát triển nhanh chóng. Thời kỳ đại dịch kéo dài càng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này. Trong suốt thời gian phong tỏa (lockdown), nhu yêu phẩm được lựa chọn, đóng gói, vận chuyển và giao tới cho khách hàng. Điều này làm giảm lưu lượng xe không cần thiết và từ đó làm giảm lượng khí thải carbon. Thương mại điện tử cũng tạo ra những thách thức khác hẳn với kênh bán lẻ truyền thống. Những thách thức này bao gồm: đóng gói dư thừa so với sản phẩm và vật liệu đóng gói, giao hàng chặng cuối, trả lại hàng. Cũng có quan điểm cho rằng thương mại điện tử là nguyên nhân của sự tăng trưởng sản xuất hàng loạt bởi vì mọi người có thể mua hầu như mọi thứ. Điều này kích thích người tiêu dùng mua hàng nhiều hơn và dẫn tới gia tăng chất thải. Hiệu quả cuối cùng vẫn chưa xác định được, cho đến thời điểm hiện tại các công bố vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng rằng thương mại điện tử là gia tăng hay giảm tác động đến môi trường (Tiwari và Singh, 2011).
Tuy nhiên, điều không thể tránh khỏi là Internet đã, đang và sẽ giữ vai trò quan trọng trong thương mại do đó cần phải tổ chức một cách nhanh chóng sao cho thương mại điện tử tác động ít nhất tới môi trường. Điều này có tác động tích cực trực tiếp đối với người bán. Khách hàng ngày càng quan tâm tới khía cạnh sinh thái của logistics. Người tiêu dùng ngày cành xem trọng logistics xanh, càng hài lòng với người bán thì khả năng khách hàng mua hàng lặp lại càng cao. Khẩu hiệu của Amazon năm 2021, một trong những sàn thương mại hàng đầu đó là “hiệu quả của mu sắm trực tuyến dẫn đến trải nghiệm mua sắm xanh cao hơn hơn so với bán lẻ truyền thống” cần được hỗ trợ bởi nhiều biện pháp đo lường bổ sung. Khách hàng mong đợi sự thay đổi thực sự, vì vậy các doanh nghiệp cần lựa chọn những sáng kiến có tác động tích cực đến môi trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- DHL, P. (2021). Sustainability – DHL – Poland. DHL. https://dhl.com/pl- en/home/about-us/sustainability.html
- Hischier, R. (2018). Car vs . Packaging — A First , Simple ( Environmental ) Sustainability Assessment of Our Changing Shopping Behaviour. Sustainability, 10, https://doi.org/10.3390/su10093061
- Jiang, (2016). Is E-Commerce Really Better For the Environment Than Traditional Retail_ _BoF. https://www.businessoffashion.com/articles/sustainability/is-e-commerce-really- better-for-the-environment/
- Kawa, A. (2019). Returns in e-commerce as a value for customers from different perspectives RETURNS IN E-COMMERCE AS A VALUE 19th International Scientific Conference Business Logistics in Modern Management, October.
- Kawa, A., & Pierański, B. (2021). GREEN LOGISTICS IN E-COMMERCE. Scientific Journal of Logistics,17(2),183–192. https://doi.org/http://doi.org/10.17270/J.LOG.2021.588
- Mangiaracina, , Perotti, S., Tumino, A., & Marchet, G. (2015). A review of the environmental implications of B2C e-commerce: a logistics perspective. International Journal of Physical Distribution & Logistics Management, 45(6), 565–591.
- Oláh, J., Kitukutha, N., Haddad, H., Pakurár, M., Máté, D., & Popp, F. (2019). Achieving Sustainable E-Commerce in Environmental , Social and Economic Dimensions by Taking Possible Trade-Offs. Sustainability, 11(89). https://doi.org/10.3390/su11010089
- Rigby, (2011). The Future of Shopping. Harvard Business Review, 89(12), 65– 76.
- Solomon, (2020). Global parcel volumes could reach 132 billion this year_ Pitney Bowes – FreightWaves. Freightwaves. https://www.freightwaves.com/news/global-parcel-volumes-could-reach-132- billion-this-year-pitney-bowes
- Stephanie, (2021). Global retail e-commerce sales 2026 _ Statista. https://www.statista.com/statistics/379046/worldwide-retail-e-commerce-sales/
- Świerczyński, (2021). Innovative E-pack project straight from Poland _ Last Mile Logistics. Last Mile Logistics. https://lastmilelogisticsops.com/?p=1225
- Tiwari, , & Singh, P. (2011). E-Commerce : Prospect or Threat for Environment. International Journal of Environmental Science and Development, 2(3).
- Vecom, N. (2023). Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam.