Hoạt động logistics bền vững trong thương mại điện tử và bán lẻ trực tuyến đa kênh

[QC]

Mục lục

HOẠT ĐỘNG LOGISTICS BỀN VỮNG TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ BÁN LẺ TRỰC TUYẾN ĐA KÊNH

Hồ Minh Sánh

Khoa Quản trị Kinh Doanh, trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Email: hmsanh@ntt.edu.vn

Tóm tắt: Thương mại điện tử (TMĐT) nói chung và bán lẻ trực tuyến đa kênh nói riêng mang lại nhiều lựa chọn cho khách hàng về địa điểm và phương thức mua sắm. Bài tham luận này đề cập đến tính bền vững của dịch vụ logistics trong TMĐT, logistics chặng cuối và logistics giao hàng, logistics và chuỗi cung ứng trong đô thị, tác động môi trường, giao thông đô thị, đóng gói, giao thông và tắc nghẽn, chuỗi cung ứng, định tuyến phương tiện, tối ưu hóa bằng phương tiện kỹ thuật trong hoạt động nhằm tiết kiệm chi phí và hiệu quả. Tương tự, tham luận cũng xác định các xu hướng nghiên cứu chính liên quan đến các khía cạnh bền vững; sự phát triển công nghệ bao gồm xe điện và phần mềm chuyên dụng; các phương thức hoạt động như điểm thu gom, vận chuyển và giao hàng và kho siêu nhỏ và hoạch định chính sách. Cuối cùng, bài tham luận đưa ra những vấn đề kết luận và xu hướng nghiên cứu liên quan trong tương lai, những mặt hạn chế, đóng góp về mặt lý thuyết và ý nghĩa quản lý.

Từ khóa: dịch vụ logistic; thương mại điện tử; sự bền vững;

1.  Đặt vấn đề tham luận

Trước đại dịch COVID-19, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng vận chuyển hàng hóa rất nhanh chóng ở khu vực thành thị. Trong các biện pháp cách ly xã hội và phong tỏa, giao thông di chuyển trong đô thị và phân phối sản phẩm đã thể hiện sự thay đổi đáng kể thể hiện sự phát triển không bền vững của môi trường đô thị. Do đó, một số động lực phát triển thị trường đã thay đổi vĩnh viễn trong những năm gần đây, với việc mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến hơn đối với người dân thành phố, bao gồm cả việc mua thực phẩm tươi sống và các sản phẩm dễ hỏng khác thông qua các nền tảng TMĐT, sự xuất hiện của các hình thức mua hàng và thói quen tiêu dùng mới làm tăng việc mua sản phẩm trực tuyến, khiến hàng hóa được vận chuyển và giao tại các thành phố trên khắp thế giới. TMĐT được hiểu là hoạt động mua bán trực tuyến hàng hóa hữu hình hoặc dịch vụ thông qua mạng Internet, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), người tiêu dùng với người tiêu dùng (C2C) hoặc doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). So với việc mua hàng tại các cửa hàng thực tế, TMĐT và giao hàng tận nhà có xu hướng tạo ra nhận thức tích cực của người tiêu dùng về tác động môi trường bằng cách giảm việc vận chuyển của người tiêu dùng và giảm dòng chảy của các mặt hàng không bán được giữa kho và cửa hàng thực tế (Mangiaracina và cộng sự, 2016).

Trong tham luận này trình bày tổng quan một số quan điểm liên quan đến tính bền vững của hoạt động logistics trong môi trường TMĐT. Kết cấu nội dung tham luận gồm các phần sau:

  • Đặt vấn đề tham luận
  • Cơ sở lý luận về tính bền vững trong hoạt động logistics và chuổi cung ứng.
  • Các phương pháp tiếp cận chính về logistics bền vững trong TMĐT.
  • Kết luận và kiến nghị

2.  Cơ sở lý luận về tính bền vững trong hoạt động logistics

Có nhiều nghiên cứu đề cập đến vấn đề tác động môi trường, thiếu tính bền vững của TMĐT cùng với hoạt động logistics và chuổi cung ứng hàng hóa, dịch vụ của nó. Theo Prasertwit (2021) cho rằng hoạt động TMĐT có thể dẫn đến các tác động đến môi trường từ bao bì, nhãn mác, vận chuyển, tiêu thụ năng lượng và luồng thông tin tạo ra lượng khí thải carbon và chi phí. Tương tự như vậy, logistics chặng cuối trong TMĐT có liên quan đến thời gian di chuyển và tiết kiệm khoảng cách để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, thời gian chờ đợi, tiêu thụ năng lượng, sử dụng phương tiện, nguồn năng lượng thay thế và lượng khí thải CO2. Ngoài tác động đến môi trường, hoạt động logistics chặng cuối còn tác động đến các khía cạnh kinh tế và xã hội của tính bền vững, bao gồm tài nguyên thiên nhiên, nền kinh tế cũng như cải thiện và bảo tồn chất lượng cuộc sống. Do đó, TMĐT có thể nâng cao hiệu quả thương mại, giảm chi phí thu thập thông tin và giá mua cho người tiêu dùng, đồng thời tiết kiệm chi phí và chiết khấu so với các kênh phân phối truyền thống, ảnh hưởng tích cực đến tiêu dùng bền vững trong thời kỳ đại dịch (Akil và cộng sự, 2022).

Tuy nhiên, sự tăng trưởng không ngừng của các giao dịch TMĐT và phân phối bưu kiện ở các thành phố làm tăng lượng xe tải và xe chở hàng vào thành phố, tạo ra các tác động tiêu cực bên ngoài liên quan đến sự gia tăng tắc nghẽn, khí thải và ô nhiễm. Một trong những lĩnh vực tiêu biểu nhất của vận tải hàng hóa đô thị là giao hàng chặng cuối, bao gồm các hoạt động và quy trình cần thiết để giao hàng đến người tiêu dùng, lấy hàng từ điểm thu gom (thường là cửa hàng hoặc nhà kho) đến khâu giao hàng cuối cùng, tại điểm của chuổi phân phối. Hoạt động logistics chặng cuối ảnh hưởng đáng kể đến sự hài lòng của khách hàng và thúc đẩy hành vi mua hàng của người tiêu dùng, đồng thời có tác động tích cực đến lòng trung thành khách hàng trong kinh doanh TMĐT, tạo ra các tác động tài chính và môi trường nghiêm trọng, kể từ khi đơn đặt hàng qua TMĐT có xu hướng càng ngày càng nhỏ về quy mô, khiến việc giao hàng ở chặng cuối trở thành phần tốn kém nhất trong quá trình giao hàng (Seghezzi, 2021).

Đọc thêm:  Phát triển kinh tế tuần hoàn – thực trạng và giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Từ các quan điểm những nghiên cứu trước, theo Cano và các cộng sự (2022) cho rằng cần phải giải quyết vấn đề logistics trong TMĐT từ các khía cạnh bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội để đảm bảo tính bền vững của mạng lưới logistics trong dài hạn và cân bằng giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường liên quan đến tài nguyên, năng lượng và môi trường, xem xét khía cạnh công nghệ liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ và quy trình đổi mới mang tính đột phá như: tủ khóa bưu kiện tự động, máy bay không người lái và phương tiện vận chuyển tự hành, cũng như đổi mới hợp tác các kênh phân phối nhằm góp phần nâng cao phúc lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các tiêu chí được đề cập ở khía cạnh kinh tế chủ yếu liên quan đến sự ổn định và tăng trưởng tài chính, lợi ích tài chính và cơ hội thương mại cho các doanh nghiệp TMĐT. Khía cạnh xã hội thường được đánh giá thông qua sự hài lòng của khách hàng, cải thiện môi trường cộng đồng, tạo ra giá trị cho các bên liên quan, sự tăng trưởng không ngừng của các vùng lãnh thổ và các khu vực năng động trong các thành phố được hỗ trợ bởi các khu tải hàng thông minh. Tương tự như vậy, theo Dutta và các cộng sự (2020) cho rằng khía cạnh môi trường tương ứng với việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện lượng khí thải CO2 ở các khu vực đô thị, giảm lượng khí thải ô nhiễm thông qua các tuyến giao hàng hiệu quả ở chặng cuối và các chiến lược khuyến khích người tiêu dùng mua hàng trực tuyến bằng cách gộp các sản phẩm thành đơn đặt hàng để giao hàng ít hơn và chọn ít lựa chọn lãng phí bao bì hơn.

3.  Các phương pháp tiếp cận chính về logistics bền vững trong TMĐT

Từ kết quả phân tích cơ sở lý luận, tham luận đưa quan điểm một số cách tiếp cận trong đó tập trung thảo luận xung quanh tính bền vững của hoạt động logistics và chuổi cung ứng trong TMĐT, nêu bật các khía cạnh của tính bền vững như: phát triển công nghệ, vận chuyển cộng đồng, phương thức hoạt động và kiến nghị chính sách đến các nhà hoạch định.

3.1.  Phát triển công nghệ

Công nghệ là một trong những phương tiện chính để giảm tác động tiêu cực từ bên ngoài lên môi trường và đảm bảo giao thông đô thị bền vững. Những công nghệ này bao gồm:

  • Nền tảng công nghệ thông tin – viễn thông, hệ thống theo dõi phương tiện và các công cụ hỗ trợ định tuyến và những phát triển mới sẽ dẫn đến việc đạt được sự tích hợp tối đa từ điểm đầu đến điểm cuối trên các nền tảng kỹ thuật số.
  • Phương tiện vận chuyển chuyển đổi sang các nhiên liệu thay thế bền vững hơn về mặt sinh thái và việc tối ưu hóa khoảng cách di chuyển của các phương tiện chở hàng nhẹ là cần thiết nên xe điện đại diện cho một loại công nghệ khác để thay thế các phương tiện chạy bằng dầu diesel và xăng truyền thống, tạo ra không phát thải khí thải và so với xe diesel, giảm đáng kể tiếng ồn và những cải tiến trong tương lai về các công nghệ này dự kiến sẽ đóng góp nhiều hơn cho tính bền vững của phương tiện này.
  • Tương tự như vậy, điều này đòi hỏi các hệ thống xúc tiến thu thập và phổ biến thông tin về vận tải hàng hóa đô thị và di chuyển bằng điện để các nhà khai thác logistics và cơ quan chính phủ hiểu được ý nghĩa của sự phát triển công nghệ trong hoạt động logistics bền vững, các nhà bán lẻ TMĐT cần phát triển hơn nữa mối quan hệ với các nhà cung cấp dịch vụ logistics và nhà cung cấp phần cứng như xe đạp chở hàng, tủ khóa bưu kiện cố định và phát triển máy bay không người lái cần cải thiện sự thuận tiện cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics với sản phẩm của họ.
  • Hơn nữa, việc đưa vào các mô hình và công nghệ logistics vận chuyển cộng đồng như xe và máy bay không người lái, cùng nhiều loại khác, sẽ cải thiện hoạt động vận chuyển hàng hóa ở chặng cuối và đẩy nhanh lợi ích của vận tải hàng hóa đô thị bền vững. Tuy nhiên, nó đòi hỏi sự phát triển của các nền tảng công nghệ để kiểm soát hệ thống vận tải hàng hóa và hành khách một cách hiệu quả và toàn cầu. Để sử dụng tốt hệ thống giao hàng bằng công nghệ máy bay không người lái, cần có nghiên cứu về định tuyến phương tiện máy bay không người lái, lập quy hoạch phủ sóng viễn thông 5G để điều khiển hệ thống này và tiêu chuẩn hóa mức tiêu thụ nhiên liệu giảm lượng khí thải CO2, tiêu chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu và nguồn thu thập dữ liệu để thúc đẩy tính chuyển đổi số trong hoạt động logistics.
Đọc thêm:  Dịch vụ kinh tế chia sẻ: tạo mô hình kinh doanh

3.2.  Vận chuyển cộng đồng

Hay dịch vụ logistics cộng đồng đại diện cho một chiến lược hợp tác xã hội trong đó ủy quyền giao hàng cho các bên thứ ba đóng vai trò là người chuyển phát chặng cuối, do đó giảm số lượng xe tải giao hàng ở khu vực thành thị/ngoại ô, giảm chi phí giao hàng và duy trì mức độ dịch vụ. Trong vận chuyển cộng đồng, việc giao hàng được chỉ định cho một mạng lưới người bình thường thông qua một cuộc gọi mở, trong đó năng lực sẵn có của các phương thức vận tải khác nhau dự kiến sẽ được sử dụng để thực hiện việc giao hàng. Mặc dù khuyến khích sử dụng các phương thức vận tải sạch hơn như đi bộ, đi xe đạp hoặc phương tiện giao thông công cộng, phương thức được người vận chuyển sử dụng nhiều nhất vẫn là xe chở khách và xe tải. Nền tảng vận chuyển cộng đồng cung cấp nhiều hệ thống giao dịch khác nhau, bao gồm nền tảng độc quyền/riêng tư, nền tảng giao hàng theo yêu cầu, nền tảng dựa vào cộng đồng, nền tảng vận chuyển và mua sắm cũng như giao hàng đầu tiên/cuối cùng đến/từ các nhà vận chuyển địa phương.

3.3.  Chế độ hoạt động

Các trung tâm thu gom và giao hàng đại diện cho một trong những phương thức hoạt động giúp cải thiện tính bền vững của dịch vụ logistics trong TMĐT và nổi lên như một giải pháp cho việc giao hàng tận nhà không thành công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp nhất hàng hóa trong các chuyến đi được tối ưu hóa. Phương thức vận hành này làm giảm số chuyến đi và phương tiện được sử dụng bởi các nhà khai thác logistics (khía cạnh kinh tế), giảm dòng chảy logistics đến người dân (khía cạnh xã hội và môi trường). Các trung tâm này được hình thành như một mạng lưới các cơ sở nằm ở những nơi dễ tiếp cận, đủ gần để tránh sử dụng phương tiện giao thông cơ giới cho chuyến đi lấy hàng của khách hàng, nơi các hãng vận chuyển giao đơn đặt hàng và người tiêu dùng điện tử nhận hàng mua trực tuyến thay thế cho giao hàng tận nhà. Tuy nhiên, các yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của phương thức hoạt động này bao gồm hợp tác theo chiều ngang, xây dựng mối quan hệ đối tác mạng lưới mạnh mẽ với khách hàng và các tác nhân kênh phân phối. Do đó, khả năng tồn tại của các chế độ hoạt động này phụ thuộc vào các thông số cục bộ như quy định, mật độ và mạng lưới điểm thu gom. Tương tự, các phương thức hoạt động khác như kho siêu nhỏ và tủ khóa bưu kiện đại diện cho các cơ sở logistics nằm trong hoặc gần khu vực đô thị, nơi người điều hành dịch vụ logistics có thể bốc hoặc dỡ, phân loại, lưu trữ và giao bưu kiện từ đó đến người nhận cuối cùng. Mục đích của nó là tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp nhất việc giao hàng và giảm tác động đến môi trường bằng cách sử dụng các phương tiện giao hàng chặng cuối như xe đạp chở hàng, xe điện, máy bay không người lái và xe tự hành, trong một số trường hợp, người dân thích sử dụng máy bay không người lái hoặc phân phối xe đạp ở trung tâm thành phố để giảm thiểu các vấn đề xã hội và môi trường. Tuy nhiên, việc người tiêu dùng lựa chọn lấy gói hàng từ tủ khóa phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng sẵn có và thời gian cần thiết để đến điểm thu gom và yêu cầu đảm bảo khả năng tiếp cận bằng đi bộ và xe đạp.

3.4.  Hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước

  • Chính quyền địa phương và các công ty hoạt động tại các thành phố phải tập trung các giải pháp chặng cuối vào các điểm thu gom dễ tiếp cận, không khuyến khích giao hàng tận nhà, trong khi ở các khu vực ngoài đô thị, nên khuyến khích giao hàng tận nhà thông qua các nhà khai thác logistics có uy tín, nhằm giảm chi phí vận hành thông qua các phương thức vận chuyển bền vững như xe điện hoặc xe đạp chở hàng.
  • Thúc đẩy, khuyến khích sử dụng các công nghệ và sáng kiến tiên tiến như IoT (Internet kết nối vạn vật), dữ liệu lớn, thuật toán tối ưu hóa tuyến đường, sự hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát và logistics, công nghệ chuỗi khối để tạo ra dịch vụ logistics thông minh hiệu quả và minh bạch, các thuật toán và mô hình toán học cho vị trí của các trung tâm thành phố, vị trí của các cơ sở logistics đô thị, vị trí của tủ khóa bưu kiện và di dời các cửa hàng bán lẻ cho thay đổi cấu trúc không gian để thúc đẩy việc hình thành khái niệm về thành phố thông minh.
  • Các sáng kiến khác cần khuyến khích liên quan đến việc sử dụng các trung tâm gom hàng và phân bổ đô thị theo giờ giấc linh hoạt, các quy định về khu vực bốc dỡ bãi đậu xe, thúc đẩy quy hoạch không gian đô thị để phát triển hệ thống logistics ngầm, hạn chế tiếp cận phương tiện chở hàng đến khu vực đô thị, xác định giờ cụ thể cho hoạt động logistics và khuyến khích kinh tế cho các cá nhân như một cách để thúc đẩy hiện đại hóa đội xe đô thị…
  • Chính sách thúc đẩy sự phối hợp giữa chính phủ, chính quyền địa phương, nhà khai thác logistics, doanh nghiệp vận tải, cơ sở giáo dục và chủ thể người dân.
  • Các chính sách nên khuyến khích các phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp, xe điện, máy bay không người lái và phương tiện giao thông công cộng huy động các gói hàng, cũng như các luật và quy định liên quan đến bao bì logistics TMĐT (sản phẩm giấy và nhựa), tái sử dụng và tái chế. chất thải được chuyển đến người tiêu dùng và các nhà cung cấp dịch vụ.
  • Cuối cùng, các chính sách và dự án công cần đảm bảo cơ sở hạ tầng cần thiết để cung cấp hệ thống logistics hiệu quả, cho phép vận hành các điểm thu gom bưu kiện ở những nơi chiến lược và an toàn, đồng thời thúc đẩy lợi ích kinh tế thông qua trợ cấp và khấu trừ thuế (khía cạnh kinh tế).
Đọc thêm:  Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào tình huống xử lý chất thải tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than của ngành điện lực Việt Nam

4.  Kết luận

Từ việc xem xét các tài liệu, nghiên cưứ xác định rằng hoạt động logistics bền vững trong TMĐT được tiếp cận từ khía cạnh kinh tế (ổn định, tăng trưởng và lợi ích tài chính, cơ hội thương mại), xã hội (cải thiện môi trường của cộng đồng, tăng trưởng vùng lãnh thổ) và khía cạnh môi trường (bảo tồn nguyên thiên nhiên và cải thiện lượng khí thải CO2 ở khu vực thành thị). Tham luận cũng đã chỉ ra các xu hướng nghiên cứu xoay quanh việc xem xét nhiều khía cạnh của tính bền vững và mức độ ưu tiên của chúng, sự phát triển công nghệ cho các phương thức vận tải và nền tảng điện tử, việc ủy quyền giao hàng cho bên thứ ba, các phương thức hoạt động thông qua các trung tâm thu gom và giao hàng, tủ khóa bưu kiện, và kho siêu nhỏ như một giải pháp để tập kết hàng hóa, giao hàng tận nhà nhanh chóng, giảm khí thải ô nhiễm và giảm chi phí. Tương tự như vậy, các yêu cầu chính sách của chính phủ phải khuyến khích việc sử dụng xe đạp, xe điện, máy bay không người lái và phương tiện giao thông công cộng, đồng thời thúc đẩy việc tạo ra các điểm thu gom và giao hàng. Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách nên đảm bảo tình trạng tốt của đường sá, điều chỉnh lịch trình hoạt động logistics và thúc đẩy lợi ích kinh tế thông qua trợ cấp và khấu trừ thuế. Xu hướng trong tương lai có thể tập trung vào nghiên cứu nhận thức và yêu cầu của các nhà khai thác dịch vụ logistics và các bên liên quan khác để xác định những khó khăn và rào cản chính trong việc góp phần phát triển dịch vụ logistics TMĐT bền vững./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Akıl, , & Ungan, M. C. (2022). E-commerce logistics service quality: customer satisfaction and loyalty. Journal of Electronic Commerce in Organizations (JECO), 20(1), 1-19.
  • Cano, A., Londoño-Pineda, A., & Rodas, C. (2022). Sustainable logistics for e- commerce: A literature review and bibliometric analysis. Sustainability, 14(19), 12247.
  • Dutta, P., Mishra, A., Khandelwal, S., & Katthawala, I. (2020). A multiobjective optimization model for sustainable reverse logistics in Indian E-commerce Journal of Cleaner Production, 249, 119348.
  • Mangiaracina, R., Perego, A., Perotti, S., & Tumino, A. (2016). Assessing the environmental impact of logistics in online and offline B2C purchasing processes in the apparel International Journal of Logistics Systems and Management, 23(1), 98-124.
  • Prasertwit, , & Kanchanasuntorn, K. (2021). Preliminary Study of Environmental Impact Related to E-commerce Activities in Thailand. In E3S Web of Conferences (Vol. 259, p. 03004). EDP Sciences.
  • Seghezzi, , Mangiaracina, R., Tumino, A., & Perego, A. (2021). ‘Pony express’ crowdsourcing logistics for last-mile delivery in B2C e-commerce: an economic analysis. International Journal of Logistics Research and Applications, 24(5), 456-472.

Tìm kiếm thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên VNEconomics

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết mới nhất từ VNEconomics Academy

VNEconomics là một dự án với mục đích chia sẻ những tri thức hữu ích về Kinh tế – Nghiên cứu khoa học và Công nghệ, đặc biệt là những kiến thức về Blockchaintiền mã hóa (một lĩnh vực rất mới mẻ) tới đối tượng là các bạn sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và những cá nhân khác quan tâm tới những lĩnh vực này.

👉Tham gia cộng đồng của VNEconomics tại:
Website: https://vneconomics.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vneconomics/
Telegram: https://t.me/BlockchainDEco
Linked In: https://www.linkedin.com/company/vneconomics/
Twitter: https://twitter.com/ThanhTung78

- Quảng cáo -

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết và khóa học miễn phí​

Danh mục đầu tư của VNEs

Danh mục sản phẩm

Những nội dung hữu ích ngành Blockchain & Tiền mã hóa
Recent Posts