Hợp đồng pháp lý thông minh: phương thức giao kết và các vấn đề pháp lý cần lưu ý theo pháp luật Việt Nam

[QC]

Mục lục

HỢP ĐỒNG PHÁP LÝ THÔNG MINH: PHƯƠNG THỨC GIAO KẾT VÀ CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CẦN LƯU Ý THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Ngô Đình Thiện *
* Thạc sĩ Luật học, Giảng viên, Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Lê Hoài **
** Thạc sĩ Luật học, Phó trưởng Bộ môn Tư pháp quốc tế và luật so sanh, Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, cung cấp, phân tích tính khả thi của các phương thức thức giao kết hợp đồng pháp lý thông minh (Smart Legal Contract) trên nền tảng công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technology – DLT) như công nghệ chuỗi khối (Blockchain Technology) trong thực tiễn hiện nay. Từ đó gợi mở các vấn đề pháp lý xoay quanh hình thức giao kết hợp đồng pháp lý thông minh theo quy định pháp luật hiện hành về hợp của Việt Nam và các học thuyết về hợp đồng trên thế giới.

Từ khoá: hợp đồng pháp lý thông minh, công nghệ sổ cái phân tán, công nghệ chuỗi khối

1. Hợp đồng pháp lý thông minh (Smart Legal Contract) và các hợp đồng thông minh khác

1.1. Tổng quan Hợp đồng thông minh (Smart Contract – SC)

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển vượt trội xoay quanh ứng dụng của DLT, Hợp đồng thông minh ngày càng trở nên phổ biến không chỉ trên thế giới mà ngay cả tại Việt Nam. Ngày càng có nhiều chuyên gia, học giả trong lĩnh vực công nghệ và pháp lý đưa ra hàng loạt các khái niệm, định nghĩa hoặc cách hiểu khác nhau về SC. Nhà sáng lập của Ethereum và Bitcoin Magazine – Vitalik Buterin (Vitalik) cho rằng SC là các hệ thống tự động di chuyển tài sản kỹ thuật số theo các quy tắc được xác định từ trước một cách tuỳ ý.[1] Ngược lại, một số chuyên gia xác định SC là một hợp đồng pháp lý có khả năng tự động thực hiện bằng các giao thức máy tính như hỗ trợ, xác minh, và thực thi các điều khoản của một hợp đồng thương mại[2] hoặc bằng cách đưa các thoả thuận pháp lý vào các phần cứng, phần mềm để ngăn chặn các vi phạm và để kiểm soát tài sản bằng các công cụ kỹ thuật số.[3] Tuy nhiên, giả định trường hợp ngôn ngữ của SC sau khi chuyển đổi thành các ngôn ngữ thông thường có thể hiểu được và những SC này không có đầy đủ yếu tố để cấu thành một hợp đồng pháp lý, thì liệu SC có thực sự là hợp đồng pháp lý hay không và có phải SC nào cũng có thể được xem là hợp đồng có tính pháp lý không? Từ các quan điểm trên, SC có thể có nhiều cách giải thích khác nhau hiện nay như: i) chương trình máy tính tự vận hành trên DLT; ii) hợp đồng pháp lý tự vận hành trên DLT. Nếu phân tích những khái niệm trên thì sự khác nhau giữa các cách giải thích về SC hiện nay chính sự khách nhau về cách diễn giải thuật ngữ, không dựa trên bản chất và ứng dụng của SC.

Tuy nhiên, nghiên cứu về SC của một số chuyên gia đã đi đến kết luận rằng khó có thể tồn tại một khái niệm thống nhất để giải thích về thuật ngữ SC. Bởi lẽ các tranh cãi xoay quanh cách giải thích SC xuất phát từ việc cùng một thuật ngữ nhưng lại giải thích cho hai vấn đề khác nhau. [4] Việc sử dụng cùng một thuật ngữ SC chỉ hai khái niệm khác nhau khiến cho cho việc trả lời ngay cả những vấn đề đơn giản là không thể.5 Chẳng hạn như ứng dụng của SC là gì?

Nếu giải thích SC dưới khía cạnh là một công nghệ chứa đựng các ngôn ngữ lập trình được lưu trữ, xác nhận và tự động thực hiện trên DLT, thì tính ứng dụng của SC sẽ phụ thuộc vào ngôn ngữ lập trình được sử dụng để xây dựng SC và các tính năng của công nghệ của DLT mà SC hoạt động. Ngược lại, nếu giải thích SC dưới khía cạnh là ứng dụng cụ thể của một công nghệ được sử dụng như một phần bổ sung, thay thế cho các hợp đồng pháp lý thông thường, thì cách hiểu của SC này sẽ vượt xa ra khỏi khái niệm của một công nghệ. Với trường hợp này, cách hiểu về SC sẽ phụ thuộc vào các học thuyết pháp lý về hợp đồng cũng như quan điểm các cơ quan, tổ chức Tư pháp của các quốc gia có thừa nhận hay không tính pháp lý của SC. Nếu như các cá nhân/ pháp nhân không tin tưởng sử dụng, các cơ quan lập pháp không thừa nhận hoặc giải thích loại hợp đồng này, thì SC khó có thể được xem là một hợp đồng pháp lý trên thực tế.

Từ những phân tích trên, có thể thấy việc cần thiết đối với những chuyên gia, nhà nghiên cứu hay bất kể ai quan tâm tìm hiểu về SC đều cần phải phân biệt được trường hợp nào SC được đề cập tới là công nghệ chứa đựng các ngôn ngữ lập trình trên DLT hay SC được xem như một ứng dụng của công nghệ để thay thế hoặc bổ sung cho các hợp đồng pháp lý thông thường. Trong giới hạn bài viết này, tác giả sẽ chỉ khai thác các khi cạnh liên quan đến trường hợp SC được xem như một hợp đồng pháp lý thông minh.

1.2. Hợp đồng pháp lý thông minh

Hợp đồng pháp lý thông minh (SLC) có thể được xem là một hợp đồng có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Trong đó, một số hoặc toàn bộ nghĩa vụ của các bên sẽ được xác định và/ hoặc được thực hiện tự động thông qua một đoạn mã máy tính hoạt động trên DLT. Tương tự như những SC khác, hình thức của SLC là các chương trình máy tính, xây dựng trên nền tảng DLT, sử dụng các đoạn mã “nếu-thì” (if then) hoặc “nếu-khác nếu” (if-else if) và một số đoạn mã khác có chức năng lưu trữ thông tin khác. Các đoạn mã này trở nên thông minh khi có khả năng tự thực hiện nghĩa vụ (self-execute) sau khi các điều kiện đưa ra được đáp ứng. SLC có thể làm tăng sự hiệu quả và chắc chắn trong kinh doanh, đồng thời giảm nhu cầu tin tưởng lẫn nhau giữa các bên do các nghĩa vụ trong hợp đồng sẽ có khả năng tự thực hiện thông qua các đoạn mã.

1.3. Đặc điểm của hợp đồng pháp lý thông minh

Một SLC để được xem là một hợp đồng có giá trị pháp lý thì bên cạnh nhưng đặc tính cơ bản của một hợp đồng pháp lý thông thường[5], SLC yêu cầu thêm ba yếu tố cơ bản khác như sau:[6] i)Một số hoặc toàn bộ các nghĩa vụ trong hợp đồng được thực hiện tự động thông qua chương trình máy tính (“tính tự động”); ii) Hợp đồng đó phải có hiệu lực pháp lý; Chương trình máy tính của SLC được thực hiện trên DLT.

1.3.1. Tính tự động của hợp đồng thông minh

Một trong những tính năng đặc biệt nhất của SLC là tính tự động hoá việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Trong đó, một số hoặc toàn bộ các nghĩa vụ trong hợp đồng sẽ được thực hiện một cách tự động mà không cần bất cứ sự can thiệp của con người. Khác với bản chất hành vi của một cá nhân hoặc thâm chí pháp nhân có trường hợp cô ý hoặc vô ý vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, một chương trình máy tính được mã hoá đúng cách sẽ không thể từ chối thực hiện nghĩa vụ mà chúng được giao cho. Khi các điều kiện để thực hiện nghĩa vụ đã được đáp ứng, chương trình máy tính đó sẽ tự thực hiện nghĩa vụ theo nội dung của hợp đồng đã được mã hoá.

Xét về tính mới thì việc tự động hoá các nghĩa vụ được các bên thoả thuận trong hợp đồng bằng chương trình máy tính được mã hoá vốn đã được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Các hoạt động thương mại như thanh toán ngân hàng tự động hoặc mua hàng trực tuyến đều liên quan đến yếu tố tự động hoá. Khi một cá nhân có nhu cầu mua một mặt hàng trên sàn thương mại điện tử, chỉ cần sở hữu một tài khoản đã cung cấp đầy đủ thông tin thanh toán của cá nhân đó, việc thanh toán và đơn hàng sẽ được tự động khi có xác nhận mua của cá nhân đó.

Tuy nhiên, khi so sánh sự khác nhau về tính tự động của SLC và các loại hợp đồng có tính tự động khác thì khó có thể chỉ ra sự khác biệt rõ rệt về tính tự động trong trường hợp này. Một mặt có thể thấy có rất nhiều loại nghĩa vụ tiêu chuẩn trong hợp đồng có thể được tự động hoá bằng các chương trình máy tính như việc tự động thanh toán khi đến hạn đối với khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ ngân hàng. Các SLC có chứa đựng các điều khoản về nghĩa vụ được tự động hoá tiêu chuẩn như trên hầu như không làm phát sinh bất cứ vấn đề pháp lý nào mới và tính tự động hoá trong trường hợp này chỉ được xem xét như một công cụ để thực hiện hợp đồng.

Mặc khác, việc các nghĩa vụ hợp đồng không mang tính tiêu chuẩn trong SLC chỉ được soạn thảo bằng ngôn ngữ lập trình, được phát triển trên DLT thì việc sử dụng ngôn ngữ của hợp đồng duy nhất chỉ là ngôn ngữ lập trình, các đoạn mã được xây dựng trên DLT không thể thay đổi được nội dung và những vấn đề khác liên quan đến đặc tính của SLC được xây dựng trên DLT sẽ có thể làm phát sinh các vấn đề pháp lý mới liên quan.

Đọc thêm:  Hợp đồng thông minh là gì?

Để thực hiện tính tự động hoá các nghĩa vụ trong hợp đồng của SLC, thì ngôn ngữ của các điều khoản trong SLC phải là các điều khoản có điều kiện. Các loại nghĩa vụ hợp đồng nếu tuân theo tính logic có điều kiện như nếu X, thì Y thì những điều khoản này có thể phù hợp để được mã hoá (operational clauses)[7]. Ví dụ: Tất cả các mặt hàng thực phẩm tươi sạch sẽ được giảm giá 50% nếu như chưa được tiêu thụ trong một khoảng thời gian được xác định kể từ thời điểm các mặt hàng đó được sản xuất. Ngược lại, đối với các loại nghĩa vụ trong hợp đồng mang tính chất phụ thuộc vào quyết định cá nhân, tính hợp lý, nỗ lực tốt của các bên như các điều khoản về nghĩa vụ trong hợp đồng lao động, hợp đồng tư vấn,… (non-operation clauses) sẽ không khả thi để tự động hoá các điều khoản này trong SLC.

1.3.2. Hiệu lực pháp lý của hợp đồng pháp lý thông minh

Hiệu lực pháp lý của hợp đồng pháp lý thông minh có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau từ các yếu tố cấu tạo hợp đồng, pháp luật áp dụng đối với hình thức và nội dung hợp đồng, ngôn ngữ và điều khoản của hợp đồng, thoả thuận giữa các bên,… Nhìn chung, để một SLC có thể đảm bảo hiệu lực pháp lý ở các hệ thông pháp luật khác nhau vào thời điểm hiện tại trong bối cảnh không phải quốc gia nào cũng thừa nhận SLC thì SLC có thể có hiệu lực trong một số trường hợp:

  1. Kết hợp với các hợp đồng truyền thống: SLC có thể là một phần của một hợp đồng pháp lý bằng văn bản truyền thống. Cụ thể, các bên có thể xây dựng các điều tự động hoá các nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng hoặc tự động chuyển giao quyền sở hữu tài sản. Việc xây dựng SLC phái sinh từ một trong các điều khoản của hợp đồng gốc có thể nâng cao sự thừa nhận về mặt pháp lý của SLC;
  2. SLC tự thực thi (self-enforcement): Trong một số trường hợp hiện nay, một SLC được xây dựng hoàn toàn bằng ngôn ngữ lập trình vẫn có thể có hiệu lực pháp lý tuỳ thuộc vào khu vực tài phán cũng như pháp luật áp dụng và quy định hiện hành về SLC tại quốc gia sở tại. Nếu SLC được thiết kế để tự thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng và ngôn ngữ lập trình các điều khoản này được xây dựng một cách rõ ràng, không gây nhầm lẫn thì cơ quan tư pháp hoặc trọng tài có thể công nhận hiệu lực pháp lý của các điều khoản tự thực thi nghĩa vụ mà không cần có sự can thiệp của bất cứ cá nhân nào.
  3. Thừa nhận bởi các cơ quan tài phán: Quyết định của thẩm phán hay phán quyết của trọng tài cũng có thể là cơ sở để thừa nhận giá trị pháp lý của SLC. Trường hợp SLC có ghi nhận điều khoản thoả thuận trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên, trong điều khoản đó có ghi nhận đầy đủ các quy tắc trọng tài được áp dụng, thủ tục tố tụng, pháp luật áp dụng đối với tranh chấp thì các bên có thể dựa vào phán quyết của trong trọng tài để thừa nhận hiệu lực pháp lý của SLC.
  4. Sự công nhận về mặt pháp lý: Hiện nay, một số quốc gia như Hoa Kỳ[8], Vương quốc Anh[9], Thuỵ Sỹ[10], Singapore[11], Estonia[12],… đã các quốc gia đang đi đầu trong việc thừa nhận về mặt pháp lý đối với các SLC. Về cơ bản, các quốc gia nêu trên thừa nhận SLC là thoả thuận có hiệu lực pháp lý nếu chúng đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Chẳng hạn như SLC được thực hiện bằng và tuân thủ theo một hình thức được quy định cụ thể. Một khi SLC đã được công nhận tính pháp lý thì các điều khoản về nghĩa vụ của SLC cũng có sẽ có hiệu lực tương tự như một hợp đồng pháp lý truyền thống. Tuy nhiên, việc công nhận tính pháp lý không đương nhiên đảm bảo khả năng thực hiện của SLC. SLC vẫn sẽ phải tuân thủ một số quy định pháp lý liên quan như các yếu tố cấu thành của hợp đồng, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước sở tại,…

1.3.3. SLC được thực hiện trên DLT

Một SLC không bắt buộc phải được triển khai trên DLT bởi lẽ SLC đơn giản là các chương trình tự động thực thi các nghĩa vụ của hợp đồng. Do vậy, tuy SLC hiện nay thường được triển khai trên các DLT, đặc biệt là công nghệ Blockchain, SLC vẫn có thể được triển khai trên các nền tảng công nghệ khác như các cơ sở dữ liệu truyền thống hoặc nền tảng phi tập trung khác mà không ảnh hưởng đến tính năng chính của SLC là tự thực hiện và tự động thực thi các điều khoản của hợp đồng dựa trên các quy tắc và điều kiện được xác định trước.

Tuy nhiên, việc xây dựng SLC trên DLT hiện nay đang là xu thế chung bởi các đặc điểm đặc thù của DLT như tính minh bạch, tính bất biết, tính bảo mật. Khi một SLC được phát triển trên một DLT như Blockchain, chúng sẽ trở thành một phần của mạng lưới phi tập trung được duy trì và xác minh thông tin bởi nhiều nút (nodes), mang lại mức độ đảm bảo bảo mật cao hơn so với các nền tảng mang tính tập trung. Ngoài ra, việc ứng dụng DLT khi triển khai SLC có thể làm giảm rủi ro gian lận và giả mạo vì bất cứ thay đổi nào trong hệ thống sẽ được công khai đối với tất cả thành viên trong hệ thống.

2. Các hình thức giao kết hợp đồng pháp lý thông minh

Quy định về hình thức của hợp đồng tại Việt Nam hiện nay có điểm tương đồng với phần lớn các quy định về hình thức của hợp đồng tại các quốc gia khác trên thế giới. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), hình thức của một hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc bằng các hành vi cụ thể14. Đối với SLC, bản chất hình thức thể hiện các điều khoản tự động hoá nghĩa vụ các bên bằng các đoạn mã chương trình máy tính trên DLT có thể ngầm xác định khả năng xem xét hình thức xác lập của SLC hiện nay được thể hiện bằng văn bản[13]. Tuy nhiên, việc áp dụng ngôn ngữ lập trình là ngôn ngữ không được phổ biến trong xã hội chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực pháp lý của SLC. Quy định của BLDS 2015 không có bất cứ quy định cụ thể nào về điều kiện đối với ngôn ngữ của hợp đồng. Do vậy, có thể ngầm xác định quyết định đối với ngôn ngữ của hợp đồng trong trường hợp này có thể phụ thuộc vào thoả thuận của các bên tham gia xác lập hợp đồng. Ngôn ngữ lập trình của SLC trong trường hợp này vẫn có thể được cân nhắn tương tự như ngôn ngữ của quốc gia khác và có thể được dịch thuật bởi các chuyên gia công nghệ có chuyên môn. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng vẫn tồn tại một số trường hợp ngoại lệ bắt buộc phải thực hiện hợp đồng bằng tiếng Việt là các hợp đồng buộc phải thực hiện được công chứng tại cơ quan có thẩm quyền như hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất[14],… đối với trường hợp này thì việc xây dựng SLC tại Việt Nam hiện nay không thực sự khả thi.

Nhìn chung, hình thức của SLC có thể được xây dựng bằng nhiều hình thức khác nhau với mức độ tự động hoá khác nhau. Theo kết luận của Uỷ ban pháp luật của Anh và Xứ Wales (Law Commission)[15], có ba nhóm hình thức phổ biến của SLC hiện nay:

2.1. Hợp đồng bằng văn bản thông thường với nghĩa vụ được tự động hoá (Natural language contract with automatic performance by code)

Đối với trường hợp này, các bên vẫn xác lập hợp đồng như một hợp đồng pháp lý thông thường bằng văn bản. Tuy nhiên, một số hoặc tất cả các nghĩa vụ của hợp đồng sẽ được mã hoá sau đó bằng ngôn ngữ lập trình. Bản thân các đoạn mã này không làm phát sinh hay xác định bất kỳ nghĩa vụ nào của hợp đồng mà cơ bản chỉ là một công cụ được sử dụng bởi các bên để thực hiện các nghĩa vụ được thoả thuận trong hợp đồng bằng văn bản.

Bằng cách xác lập SLC thông qua một hợp đồng bằng văn bản với ngôn ngữ thông thường với các nghĩa vụ phát sinh trong hợp đồng được tự động hoá bằng ngôn ngữ lập trình, có thể đánh giá đây là cách tốt nhất để một SLC hiện nay có thể có hiệu lực pháp lý, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia như Việt Nam chưa thừa nhận tính pháp lý của SLC. Một mặt, SLC được thể hiện theo cách truyền thống với ngôn ngữ được phổ biến rộng rãi để diễn đạt các điều khoản và điều kiện của nó. Mặt khác, SLC được thiết kế được được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính, đảm bảo rằng hợp đồng được thực hiện theo các điều khoản và điện kiện của nó với độ chính xác và hiệu quả cao.

Để xác lập SLC một cách hiệu quả bằng hình thức này, trước tiên các bên cần phải soạn thảo hợp đồng pháp lý sử dụng ngôn ngữ tự nhiên thông thường tương tự như bất kì hợp đồng truyền thống khác. Sau khi được các bên xem xét, thương lượng và các điều khoản đã được thống nhất ký kết, các chuyên gia công nghệ có chuyên môn sẽ thực hiện công đoạn mã hoá các điều khoản được thống nhất. Để đạt được mục đích các đoạn mã này sẽ được thiết kế để tự động thực hiện mà không có bất cứ sự can thiệp nào của con người. Các lập trình viên hoặc chuyên gia sẽ phát triển các đoạn mã trên Blockchain hoặc một DLT khác, cho phép hợp đồng được các bên thoả thuận thực hiện một cách minh bạch với mức độ tin cậy cao. Việc chuyển hoá một hợp đồng truyền thống thành SLC đòi hỏi cá nhân soạn thảo hợp đồng cũng như chuyên gia công nghệ có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực này để đảm bảo cho SLC có hiệu lực pháp pháp lý và khả năng thực thi.

Đọc thêm:  Ngân hàng liệu có là "máy đánh chữ thứ 2"?

Hình thức xác lập SLC là hợp đồng bằng văn bản thông thường với các nghĩa vụ trong hợp đồng được tự động hoá là hiện đang là một trong những hình thức phổ biến nhất để xác lập SLC hiện nay.  Bởi lẽ hình thức xác lập SLC này không làm phát sinh bất kỳ vấn đề pháp lý mới nào từ việc hình thành cho đến giải thích hợp đồng. Bản thân các đoạn mã được xây dựng trên DLT để thực thi nghĩa vụ của các bên trong trường hợp này về bản chất chỉ là công cụ được thực thi nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gốc.

2.2. Hợp đồng pháp lý thông minh hỗn hợp (Hybrid Contract)

Một SLC có thể được xác lập dưới hình thức một hợp đồng hỗn hợp, nghĩa là SLC có thể bao gồm yếu tố cấu thành của cả hợp đồng văn bản thông thường và hợp đồng thông minh. Trong SLC hỗn hợp, một số điều khoản và điều kiện của hợp đồng có thể được thể hiện bằng văn bản truyền thống và tuân theo các quy định truyền thống về hình thức và nội dung của hợp đồng như như trong BLDS 2015. Bên cạnh đó, một số điều khoản và điều kiện về nghĩa vụ còn lại có thể được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ lập trình của các chương trình máy tính và có khả năng tự động hoá để thực hiện nghĩa vụ này mà không có sự can thiệp của con người.

Có thể đưa ra một ví dụ đối với SLC hỗn hợp như sau: trong các điều khoản của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, các điều khoản mang tính thoả thuận, cung cấp thông tin, quyết định phụ thuộc vào các bên mà không mang tính logic có điều kiện như điều khoản chọn luật và giải quyết tranh chấp, các bên có thể xác lập bằng văn bản truyền thống. Đối với các điều khoản mang tính logic có thể tự thực thi như điều khoản thanh toán sẽ được các bên thống nhất mã hoá và triển khai trên DLT các nghĩa vụ này để đảm bảo tính tự động khi điều kiện được đáp ứng mà không cần có bất cứ ai can thiệp vào.

Khác với hình thức xác lập SLC bằng văn bản thông thường rồi tự động hoá các nghĩa vụ trong hợp đồng bằng các đoạn mã phát triển trên DLT, việc xác lập một SLC hỗn hợp sẽ làm phát sinh nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng văn bản truyền thống lẫn nghĩa vụ từ hợp đồng song song được xác lập bằng ngôn ngữ lập trình. Đối với phần nghĩa vụ từ hợp đồng truyền thống thông thường, ưu điểm của SLC hỗn hợp sẽ thể hiện rõ được ý định của các bên, trong khi phần nghĩa vụ phát sinh từ phần hợp đồng mã hóa sẽ giúp tăng tính hiệu quả và tự động hoá khi thực hiện nghĩa vụ, giảm các rủi ro liên quan đến gian lận hoặc thiếu sót khi thực hiện nghĩa vụ.

Tuy nhiên, SLC hỗn hợp hiện nay khi áp dụng khó có thể đảm bảo giá trị pháp lý dù cho khả năng thực thi các nghĩa vụ có điều kiện của hợp đồng này được đánh giá cao so với hình thức xác lập hợp đồng văn bản truyền thống ở trên. Đặc biệt khi sử dụng các quy định của pháp luật Việt Nam trong trường hợp này, sử dụng hai ngôn ngữ tự nhiên lẫn ngôn ngữ lập trình hoặc xác lập văn hợp đồng hai hình thức khác nhau cùng một lúc, vừa bằng hợp đồng văn bản truyền thống lẫn hợp đồng tự động được mã hoá bằng chương trình máy tính vẫn chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản pháp luật nào tại Việt Nam và có dấu hiệu vi phạm một số quy định pháp luật hiện hành về hình thức của hợp đồng.

2.3. Hợp đồng pháp lý thông minh hoàn toàn bằng ngôn ngữ lập trình (Contract recorded solely in code)

Hình thức xác lập cuối cùng cũng là hình thức thể hiện mức độ mã hoá bằng chương trình máy tính cao nhất của SLC – SLC được xác lập hoàn toàn bằng ngôn ngữ lập trình. SLC theo hình thức xác lập này là một hợp đồng trong đó tất cả các điều khoản hợp đồng được thoả thuận và tự động hoá bằng mã của một chương trình máy tính mà không có bất cứ sự can thiệp nào của con người. Không tồn tại bất cứ phiên bản bằng văn bản truyền thống nào đối với hợp đồng này.

So với các hợp đồng bằng văn bản truyền thống, SLC hoàn toàn bằng ngôn ngữ lập trình ở khía cạnh tăng tính hiệu quả khi thực hiện nghĩa vụ của các bên, tính minh bạch và tính bảo mật. Vì tất cả các điều khoản đã được mã hoá bằng ngôn ngữ lập trình, nên sẽ hạnn chế khó khăn hoặc cách hiểu khác nhau giải thích các điều khoản. Việc thực hiện nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng được tự động hoá cũng đảm bảo tuyệt đối nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của các bên khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện được nêu ra.

Tuy nhiên, SLC hoàn toàn bằng ngôn ngữ lập trình lại chứa đựng rất nhiều thách thức và rủi ro trên thực tế hiện nay. Về mặt kỹ thuật, các bên tham gia xác lập hợp đồng, bao gồm cả chuyên gia pháp lý lẫn chuyên gia công nghệ phải đảm bảo rằng các đoạn mã là chính xác tuyệt đối và không có lỗi, vì ngay cả những lỗi nhỏ có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về mặt tài chính lẫn pháp lý cho các bên. Về mặt pháp lý, liệu một hợp đồng được hình thành hoàn toàn bằng ngôn ngữ lập trình có được thừa nhận theo các quy định về hợp đồng của Việt Nam hoặc các quốc gia khác hay không? Thời điểm hợp đồng được xác lập hoặc các thức giải thích hợp đồng sẽ được xác định như thế nào? Trên thực tế, các SLC hoàn toàn bằng ngôn ngữ lập trình hiếm khi được xác lập hiện nay, một phần bởi các hợp đồng thương mại thường quá phức tạp để các bên có thể mã hoá toàn bộ thành ngôn ngữ lập trình trên nền tảng DLT.

Bất chấp các thách thức trên, SLC mã hoá hoàn toàn bằng ngôn ngữ đang thu hút được sự chú ý của nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và quản lý chuỗi cung ứng. Cụ thể, đối với các công ty tài chính, SLC được sử dụng để giải quyết tự động các giao dịch tài chính cũng như để phát hành và quản lý tài sản kỹ thuật số. Trong ngành bảo hiểm, SLC có thể được sử dụng để tự động hóa quá trình xử lý và thanh toán yêu cầu bồi thường, đồng thời cải thiện tính minh bạch và giảm gian lận. Trong quản lý chuỗi cung ứng, SLC có thể giúp hợp lý hóa các quy trình, giảm lỗi và cải thiện khả năng theo dõi và truy xuất nguồn gốc.

3. Một số vấn đề cần lưu ý về hình thức giao kết hợp đồng pháp lý thông minh  

Khi xác lập SLC, do tính chất các hợp đồng có thể được giao kết ở nhiều mức độ khác nhau từ hợp đồng văn bản thông thường với các nghĩa vụ được tự động hoá cho đến các hợp đồng được xác lập bằng ngôn ngữ lập trình, các vấn đề pháp lý thực tế có thể phát sinh khi xác lập SLC không chỉ khác nhau khi so sánh với hợp đồng pháp lý truyền thồng mà còn giữa các loại SLC khác nhau. Việc xác định thời điểm đạt được thoả thuận giữa các bên và các thức ghi nhận thoả thuận của các bên là một trong những vấn đề pháp lý trọng tâm khi giao kết SLC. Bên cạnh đó, một số vấn đề pháp lý chung về hình thức phổ biến khi xác lập các loại SLC mà các bên cần lưu ý như sau:

3.1. Hợp đồng pháp lý thông minh có thoả mãn yếu tố xác lập bằng văn bản?

Theo học thuyết pháp lý chung về hình thức xác lập của hợp đồng, hợp đồng có thể được xác lập bằng bất cứ hình thức nào mà các bên có thể chứng minh được. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về hợp đồng của Việt Nam và các quốc gia khác, một số hợp đồng đặc thù buộc phải xác lập bằng văn bản như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được nêu trên tại mục hai của bài viết này. Cụ thể, pháp luật Việt Nam tại Điều 119.1 BLDS 2015 cũng nêu rõ trường hợp xác lập hợp đồng dưới hình thức thông điệp dữ liệu nếu theo pháp luật về giao dịch điện tử sẽ được coi là văn bản. Do đó, với bản chất là các đoạn mã chương trình máy tính phát triển trên DLT được tự động hoá để không cần bất cứ tác động của con người, mặc dù luật giao dịch điện tử tại Việt Nam chưa ghi nhận hình thức xác lập hợp đồng của SLC, đây cũng là cơ sở để xác định SLC có thể thuộc trường hợp buộc phải xác lập bằng văn bản. Như vậy, một SLC cũng phải đáp ứng các nhu cầu tối thiểu về hình thức như một hợp đồng văn bản thông thường để có khả năng có hiệu lực pháp lý. Điều này có nghĩa đối với các điều khoản và điều kiện của SLC, các bên phải thể hiện được các đièu khoản này rõ ràng và phải được hiểu bởi các bên liên quan. Giải thích được các điều khoản của SLC, có thể chọn gỉai pháp chuyển hoá ngôn ngữ lập trình thành ngôn ngư tự nhiên. SLC cũng nên bao gồm các yếu tố cơ bản để cấu tạo hợp đồng như lời đề nghị, lời chấp thuận,[16] theo quy định của luật Việt Nam hoặc thậm chí có yếu tố mối liên hệ nhân quả giữa lời đề nghị và lời chấp thuận (consideration) trong trường hợp xác lập SLC với cá nhân, pháp nhân có quốc tịch tại các quốc gia yêu cầu yếu tố này đối với hình thức của hợp đồng.

Đọc thêm:  Sự giống nhau của Bằng chứng xử lý trong Blockchain và "một nửa" của bạn

3.2. Hợp đồng pháp lý thông minh được ký kết như thế nào?

Pháp luật Việt Nam cũng như các cơ quan nhà nước tại Việt Nam hiện nay chưa có bất cứ quy định và văn bản hướng dẫn cụ thể về SLC cũng như khai niệm thế nào là SLC. Tuy nhiên, về nguyên tắc giao kết hợp đồng theo quy định của BLDS 2015, một hợp đồng xác lập bằng văn bản quy định hình thức của chữ ký mà chỉ yêu cầu sự trả lời chấp nhận lời đề nghị giao kết.[17] Việc ký kết SLC, một hợp đồng được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ lập trình có tính tự thực hiện trên DLT có thể được ký kết bằng các hình thức chữ ký khác nhau trong trường hợp này. Dựa trên quy định của luật Việt Nam hiện. hành, phương pháp ký kết SLC có thể phụ thuộc vào việc triển khai cụ thể hợp đồng và công nghệ được sử dụng để ghi nhận và thực hiện hợp đồng đó.

Trong trường hợp SLC được xác lập bằng hợp đồng văn bản và tự động hoá các điều khoản về nghĩa vụ sau đó, SLC này có thể được ký kết theo cách truyền thống thông thường. Đối với SLC bao gồm cả hợp đồng văn bản và hợp đồng được mã hoá hoặc toàn bộ các điều khoản của hợp đồng được mã hoá mà không tồn tại bất cứ hợp đồng văn bản nào, thì đối với phần được thể hiện bằng văn bản truyền thống các bên có thể ký kết theo cách truyền thống thông thường. Đối với các nghĩa vụ được mã hoá bằng chương trình máy tính trên DLT, các bên có thể sử dụng chữ ký điện tử để ký xác thực sự đồng thuận của các bên căn cứ theo nguyên tắc sử dụng chữ ký điện tử và giá trị pháp lý điện tử được quy định trong Luật Giao dịch điện tử 2005.[18]

Tuy nhiên, việc sử dụng chữ ký điện tử để xác lập giá trị pháp lý của các đoạn mã được xác lập bằng ngôn ngữ lập trình trên DLT hiện nay chỉ là giải pháp tối ưu nhất trong bối cảnh ứng dụng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để giải quyết nhu cầu giao kết các SLC được tự động hoá các điều khoản nghĩa vụ trên DLT của các bên khi tham gia giao dịch. Quy định về chữ ký điện tử tại Việt Nam hiện nay cũng chưa thực sự rõ ràng về khả năng sử dụng để xác lập các quan hệ hợp đồng như SLC. Việc xác định giá trị pháp lý cũng như tính hợp pháp của hình thức ký kết hợp đồng này sẽ tham vấn và chờ đợi quan điểm chính thức của cơ quan tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.

Trong giai đoạn này, giải pháp an toàn nhất cho các bên khi muốn xác lập SLC chính là lựa chọn hình thức xác lập SLC bằng hợp đồng văn bản truyền thống và sử dụng các thuật toán, đoạn mã của SLC như một công cụ để chuyển hoá lại các điều khoản nghĩa vụ và tự động hoá các điều khoản này trên DLT.

Tổng kết, khi tham gia xác lập một hợp đồng pháp lý thông minh, việc đảm bảo các SLC có hiệu lực pháp lý và đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện của các bên một cách tuyệt đối là ưu tiên hàng đầu cho các bên khi xác lập SLC. Một số yếu tố quan trọng các bên nên lưu ý để đảm bảo tính pháp lý của SLC tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác như:

  1. Pháp luật áp dụng đối với SLC: Không chỉ riêng đối với SLC mà khi xác lập bất cứ hợp đồng nào, điều đầu tiên các bên tham gia hợp đồng cần xác định chính là pháp luật quốc gia nào sẽ được áp dụng và hiểu được các quy định áp dụng điều chỉnh SLC đó tại quốc gia nước sở tại. Đối với SLC, bên cạnh quy định về hợp đồng, các bên phải nắm được cả các quy định về chữ ký điện tử và bất kỳ các quy định khác có thể liên quan đến hợp đồng để đảm bảo được hiệu lực pháp lý của SLC.
  2. Quy định về hình thức của SLC: Tuỳ vào quy định của nước sở tại và loại SLC cụ thể, sẽ có các yêu cầu về hình thức khác nhau mà một SLC phải đáp ứng để SLC đó có hiệu lực. Bao gồm các quy định đến chữ ký, ngôn ngữ của hợp đồng hoặc cách thức trình bày hợp đồng ở một hình thức nhất định,…
  3. Về điều kiện và điều khoản của hợp đồng: Do các điều khoản được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ lập trình được xây dựng trên DLT để tự động hoá thực hiện nghĩa vụ, SLC nên có các điều kiện và điều khoản rõ ràng và không gây nhầm lẫn trong việc giải thích điều khoản hợp đồng nhằm hạn chế cách tranh chấp cũng như hiệu lực thi hành của hợp đồng khi có tranh chấp tại toà án hoặc trọng tài.

Bằng việc chú ý một số vấn đề pháp lý về hình thức cơ bản trên, các bên có thể nâng cao và đảm bảo khả năng SLC có hiệu lực pháp lý và có thể tránh được các tranh chấp cũng như vấn đề pháp lý liên quan trong bối cảnh pháp luật Việt Nam và phần lớn các quốc gia khác trên thế giới chưa có nhiều quy định cụ thể về các hợp đồng pháp lý thông minh hiện nay.

Tài liệu tham khảo

[1] Vitalik Buterin, A Next Generation Smart Contract & Decentralized application, Ethereum White Paper, 2015.
[2] Tim Swanson, Great chain of numbers: A guide to smart contract, smart property and trustless asset management, 2014.
[3] Nick Szabo, Smart Contract: Formalizing and Securing Relationships on Public Networks, First Monday, 1997.
[4] Josh Stark, Opinion: Making Sense of Blockchain Smart Contracts, 2016
[5] Uỷ ban pháp luật Anh và Xứ Wales (Law Commission), Smart Legal Contract Advice to Government, 2021.
[6] Uỷ ban pháp luật Anh và Xứ Wales (Law Commission), Smart Legal Contract-Summary, 2021.
[7] Estonia, E-residency of Estonia 2.0 White Paper, 2018.
[8] Smart Nation and Digital Government Office, Digital Government Blueprint – A Singapore Government That Is Digital To The Core, And Serves With Heart, version 2.0, 2020
[9] Hội đồng liên bang Thuỵ Sỹ, Legal Framework for distributed ledger technology and blockchain in Switzerland, 2018.

[1] Vitalik Buterin (2015), A Next Generation Smart Contract & Decentralized application, Ethereum White Paper. Truy cập tại: https://blockchainlab.com/pdf/Ethereum_white_papera_next_generation_smart_contract_and_decentralized_application_platform-vitalik-buterin.pdf, truy cập lần cuối: 16/11/2022.

[2] Tim Swanson (2014), Great chain of numbers: A guide to smart contract, smart property and trustless asset management, Truy cập tại: https://s3-us-west-

2.amazonaws.com/chainbook/Great+Chain+of+Numbers+A+Guide+to+Smart+Contracts%2C+Smart+Property +and+Trustless+Asset+Management+-+Tim+Swanson.pdf, truy cập lần cuối: 15/11/2022.

[3] Nick Szabo (1997), Smart Contract: Formalizing and Securing Relationships on Public Networks, First Monday, 2(9).

[4] Josh Stark (2016), Opinion: Making Sense of Blockchain Smart Contracts, Coindesk, truy cập tại: https://www.coindesk.com/markets/2016/06/04/making-sense-of-blockchain-smart-contracts/, truy cập lần cuối: 15/11/2022. 5 Như trên.

[5] Ví dụ: Điều 385, 386, 393 BLDS 2015

[6] Uỷ ban pháp luật Anh và Xứ Wales (Law Commission) (2021), Smart Legal Contract Advice to Government.

[7] Uỷ ban pháp luật Anh và Xứ Wales (Law Commission) (2021), Smart Legal Contract Advice to Government.

[8] Điều 5, Arizona Electronic Transactions Act.

[9] Uỷ ban pháp luật của Anh và xứ Wales (Law Commision) đã đưa ra một số báo cáo khuyến nghị công nhận hợp pháp SLC.

[10] Hội đồng Liêng bang Thuỵ Sỹ (2020), đề xuất sửa hổi một số luật về nghĩa vụ.

[11] Vào tháng 11 năm 2018, chính phủ Singapore đã khởi động “Chương trình Phát triển Pháp lý Hợp đồng Thông minh” của Quốc gia thông minh và Văn phòng Chính phủ số (Smart Nation and Digital Government Office) để phát triển khung pháp lý cho các hợp đồng thông minh.

[12] Chương trình cư trú điện tử (E-residency) của Estonia đã cho phép phát triển các ứng dụng sáng tạo, bao gồm nền tảng dựa trên blockchain cho các giao dịch bất động sản và nền tảng quản lý chuỗi cung ứng sử dụng hợp đồng thông minh để theo dõi hàng hóa và dịch vụ. Chính phủ Estonia cũng đã đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ chuỗi khối trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như hệ thống bỏ phiếu và quản lý dữ liệu. 14 Điều 119, BLDS 2015

[13] Điều 119.1 BLDS 2015

[14] Điều 17.2 Luật Kinh doanh bất động sản 2014; Điều 6 Luật Công chứng 2014

[15] Uỷ ban pháp luật Anh và Xứ Wales (Law Commission) (2021), Smart Legal Contract Advice to Government.

[16] Điều 386, 393 BLDS 2015.

[17] Điều 393 BLDS 2015

[18] Điều 23, 24 Luật Giao dịch điện tử 2005.

Tìm kiếm thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên VNEconomics

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết mới nhất từ VNEconomics Academy

VNEconomics là một dự án với mục đích chia sẻ những tri thức hữu ích về Kinh tế – Nghiên cứu khoa học và Công nghệ, đặc biệt là những kiến thức về Blockchaintiền mã hóa (một lĩnh vực rất mới mẻ) tới đối tượng là các bạn sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và những cá nhân khác quan tâm tới những lĩnh vực này.

👉Tham gia cộng đồng của VNEconomics tại:
Website: https://vneconomics.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vneconomics/
Telegram: https://t.me/BlockchainDEco
Linked In: https://www.linkedin.com/company/vneconomics/
Twitter: https://twitter.com/ThanhTung78

- Quảng cáo -

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết và khóa học miễn phí​

Danh mục đầu tư của VNEs

Danh mục sản phẩm

Những nội dung hữu ích ngành Blockchain & Tiền mã hóa
Recent Posts