KẾT HỢP DU LỊCH THÀNH THỊ VÀ DU LỊCH NÔNG THÔN THÔNG QUA CHUYỂN ĐỔI SỐ: NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC CÂN BẰNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH SỐ TẠI VIỆT NAM
ThS. Vương Xuân Chí
Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Email: vxchi@ntt.edu.vn.
Tóm tắt: Hiện nay, du lịch thành thị và du lịch nông thôn đang phát triển mạnh mẽ tại một số quốc gia, hai loại hình du lịch này có sự chênh lệch về nhiều mặt. Bài báo phân tích tình hình phát triển du lịch ở Việt Nam và sự phát triển của du lịch thành thị và du lịch nông thôn trong những năm gần đây, từ đó so sánh sự phát triển về nhiều yếu tố, tập trung vào các thế mạnh cũng như điểm yếu còn tồn đọng của cả hai loại du lịch này. Sau đó, đưa ra giải pháp kết hợp cho sự phát triển du lịch cân bằng ở cả hai vùng thành thị và nông thôn thông qua chuyển đổi số tại Việt Nam, bao gồm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch số; tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh quảng bá dịch vụ và sản phẩm du lịch trên internet thông qua website và các ứng dụng du lịch. Bên cạnh đó, bài báo cũng đưa ra giải pháp nâng cao giáo dục, đào tạo cho người dân địa phương bằng hình thức trực tuyến, đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ cao, tăng cường khả năng cạnh tranh và cung cấp các dịch vụ du lịch số đa dạng, tạo sự cân bằng phát triển du lịch một cách thông minh và hiệu quả.
Từ khóa: Kết hợp du lịch, Du lịch thành thị, Du lịch nông thôn, Du lịch số
COMBINING URBAN AND RURAL TOURISM THROUGH DIGITAL TRANSFORMATION:A STUDY OF BALANCED STRATEGY FOR DEVELOPING DIGITAL TOURISM IN VIETNAM.
Abstract: Nowadays, urban and rural tourism are rapidly developing in some countries, and these two types of tourism have many differences. The article analyzes the tourism development situation in Vietnam and the development of urban and rural tourism in recent years, compares the development of various factors, and focuses on the strengths and weaknesses of both types of tourism. Then, it proposes a combined solution for balanced tourism development in both urban and rural areas through digital transformation in Vietnam, including improving the quality of digital tourism services; strengthening management and environmental protection; promoting tourism services and products on the internet through websites and tourism applications. In addition, the article also proposes solutions to improve education and training for local people through online forms, training human resources, applying advanced technology, enhancing competitiveness and providing diverse digital tourism services, creating intelligent and effective balanced tourism development.
Keywords: Combined tourism, Urban tourism, Rural tourism, Digital tourism.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Sự kết hợp du lịch thành thị và du lịch nông thôn có thể được hiểu là hình thức phát triển tạo ra sự cân bằng một cách tự nhiên khi chúng ta biết điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của mô hình du lịch này. Kết hợp hai loại hình du lịch thành thị và nông thôn cùng với chuyển đổi số sẽ phát triển tiềm năng du lịch và trở thành một xu hướng toàn cầu trong ngành du lịch.
Đầu tiên, du lịch thành thị có thể cung cấp cho khách du lịch trải nghiệm về cuộc sống đô thị, điều này có thể bao gồm tham quan các danh lam thắng cảnh, các địa điểm vui chơi giải trí, mua sắm và thưởng thức ẩm thực địa phương. Theo tuyên bố Porto về du lịch và tương lai của các thành phố (UNWTO, 2021), quá trình đô thị hóa trên toàn thế giới đã dẫn đến việc ngày càng có nhiều người sống ở các thành phố và cảm thấy gắn kết hơn với lối sống đô thị, điều này dẫn đến nhiều người đến các thành phố để tìm kiếm sự đa dạng, đối thoại liên văn hóa, đổi mới và trao đổi kiến thức. Tuy nhiên, du lịch thành thị cũng có thể gặp phải những vấn đề như ô nhiễm môi trường, tắc đường và đông đúc. Trong nước, tại thành phố Hồ Chí Minh, du lịch là một trong những ngành tăng trưởng và phát triển nhanh của nền kinh tế thành phố. Tuy nhiên, những thách thức về mặt cơ sở hạ tầng, mô hình kinh doanh vẫn chưa cao và tỷ lệ khách quay lại thấp (Tra Giang, 2022), do đó, cũng còn nhiều thất bại trong việc phát triển du lịch thành thị, cũng như những chiến lược và cách thức thực hiện để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc phát triển du lịch thành thị.
Mặt khác, du lịch nông thôn có thể cung cấp cho khách du lịch một trải nghiệm thực tế về cuộc sống nông thôn, với các hoạt động như đi bộ, đạp xe đạp hoặc tham gia các hoạt động trồng trọt, các trò chơi dân gian, bơi lội trên sông nước, lễ hội gắn với phong tục tập quán (Thanh Yến và cộng sự, 2020), điều này giúp khách du lịch tiếp cận với thiên nhiên, đồng thời đó cũng là cách để khuyến khích sự phát triển kinh tế của cộng đồng nông thôn. Các nghiên cứu cũng đưa ra rằng khu vực nông thôn đã thu được lợi ích kinh tế nhanh từ du lịch hơn so với các ngành công nghiệp khác, khả năng tạo việc làm ổn định và mức lợi nhuận chấp nhận được của nó phụ thuộc vào sự ổn định của hoạt động du lịch quanh năm (Yiping Li và cộng sự, 2019). Tuy nhiên, những vùng nông thôn cũng dễ bị tổn thương hơn dưới tác động của du lịch vì nhiều hệ sinh thái các giá trị và truyền thống văn hóa đã ăn sâu vào các khu vực nông thôn này (Thi Huong và cộng sự, 2022).
Nhìn chung, cả hai loại hình du lịch điều có điểm tích cực, bên cạnh đó còn có những điểm bất cập và nếu kết hợp giữa hai loại hình du lịch này (Susan và Carol, 2017), có thể tạo ra một du lịch phát triển bền vững và cung cấp cho khách du lịch một trải nghiệm đa dạng và đầy thú vị, vừa có thể tận hưởng không gian và tiện nghi của thành phố, vừa có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nông thôn. Ngoài ra, sự kết hợp này cũng có thể giúp tăng cường sự đa dạng của ngành du lịch và tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho cộng đồng địa phương. Hơn thế nữa, áp dụng chuyển đổi số với điểm đến du lịch thông minh (Minh Nghĩa và công sự, 2019), kết hợp du lịch thành thị và du lịch nông thôn đem lại hiệu quả càng cao và sẽ thúc đẩy nhiều khía cạnh trong hai loại hình du lịch này phát triển đồng thời, khắc phục nhiều hạn chế còn tồn đọng, tạo chiến lược cân bằng trong quá trình phát triển.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Phân tích tình hình du lịch Việt Nam trong những năm gần đây
Việt Nam có một số điều kiện lợi thế sẵn có về nhiều yếu tố để phát triển bùng nổ ngành du lịch. Việt Nam có bề dày lịch sử văn hóa phát triển hơn bốn nghìn năm với nhiều triều đại; sự đa dạng về xã hội đó là Việt Nam có dân số khoảng một trăm triệu người thuộc nhiều sắc tộc khác nhau, bao gồm nhiều di sản văn hóa đa dạng và phong phú thuộc các cộng đồng ở nhiều địa điểm khác nhau; vị trí địa lý Việt Nam tốt, là một nước nhiệt đới điển hình và cơ bản được mở rộng dọc đường bờ biển dài, có nhiều bãi tắm đẹp rãi đều, có các đảo tự nhiên; Hơn thế nữa, du lịch Việt Nam có một số di sản văn hóa đặc sắc và di sản thiên nhiên nổi tiếng được liệt kê và mô tả bởi tổ chức quốc tế nổi tiếng (UNESCO). Việt Nam cũng thực hiện việc bảo tồn văn hóa của mình bằng cách thành lập một quốc gia danh sách với hàng nghìn di sản trong nước (Tổng cục Du lịch, 2020). Ngoài ra, Việt Nam có một nền văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, gồm nhiều những món ăn ngon được xếp hạng hàng đầu trong lĩnh vực du lịch châu Á. Đặc biệt, sự thân thiện của con người, an toàn xã hội với một thể chế chính trị rất ổn định, góp phần kinh tế Việt Nam phát triển nhanh.
Mặc dù trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay có nhiều biến động mạnh những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là nền kinh tế năng động đầy hứa hẹn và môi trường phát triển kinh doanh tiềm năng ở châu Á (Tom và Murat, 2018).
Đánh giá tình hình chung về phát triển du lịch tại Việt nam trong những năm gần đây, theo Tổng cục thống kê Việt Nam (2022), thời điểm nền kinh tế Việt Nam đang chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, trong những năm 2020 và 2021, doanh thu của hai dịch vụ du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm rất mạnh, trong đó, doanh thu du lịch lữ hành lần lượt giảm 60,1% và 64,5%, doanh thu lưu trú ăn uống chỉ đạt 20,8% trong năm 2020 và giảm 20,2% trong năm 2021. Ngược lại trong năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 430,9 nghìn tỷ đồng, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, tăng đến 294,9% (Biểu đồ 1).

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Năm 2022, với mức tăng ấn tượng của hai loại dịch vụ so với cùng kỳ năm trước, có thể nhận thấy rằng hai dịch vụ du lịch lữ hành và dịch vụ lưu trú, ăn uống đã có sự phục hồi tích cực khi các hoạt động văn hóa, xã hội kinh tế đã hoạt động trở lại trạng thái bình thường, nhu cầu phát triển du lịch của người dân tăng cao đáng kể. Đồng thời hoạt động du lịch trong nước đã có bước khởi sắc tích cực. Sự tăng trưởng đột biến về số lượng của khách du lịch trong nước, đóng góp vào mức tăng trưởng chung của hai dịch vụ du lịch này. Dự báo những năm tiếp theo, dịch vụ ăn uống và lưu trú nói riêng và các dịch vụ thương mại nói chung tiếp tục có sự phục hồi mạnh mẽ do Việt Nam đã chủ động và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong các hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh tế, tăng trưởng mạnh mẽ và khách quốc tế đến Việt Nam không ngừng gia tăng.
Theo báo cáo thống kê của Tổng cục thống kê (3/2023), tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I/2023, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ước tính đạt 895.400 lượt khách, tăng gấp 21,5 lần cùng kỳ năm 2022. Tính chung quý I/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt hơn 2.699.500 lượt khách, tăng gấp 29,7 lần so với năm 2022 (Hình 1). Mặc dù vậy, con số này mới chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, số liệu của Tổng cục thống kê (2023), lượng khách du lịch đến bằng đường hàng không đạt gần 2,424 triệu lượt khách, chiếm 89,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, gấp 29,4 lần cùng kỳ năm 2022; khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường bộ chiếm 9%, gần 242.000 lượt khách; khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển chiếm 1,2%, đạt 33.700 lượt khách, và gấp 936,3 lần so với năm 2022.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Ngoài ra, tính theo khu vực, khách du lịch từ các nước châu Á đến Việt Nam số lượng đạt nhiều nhất so với các châu lục khác. Qua số liệu từ Cục thống kê (3/2023), các số liệu đều tăng gấp nhiều lần so với năm 2022, cụ thể, khách đến từ châu Á đạt 1,940 triệu lượt khách, trong khi đó, châu Âu đạt 385.100 lượt khách, châu Mỹ đạt 263.900 lượt khách; châu Úc đạt 104.700 lượt khách và cuối cùng là châu Phi đạt 6.200 lượt khách.
Có thể thấy rằng, các dịch vụ du lịch trong nước phát triển, thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng kể từ những năm gần đây, nhưng vẫn còn nhiều thử thách, vì thế, chính sách kinh tế nhắm mục tiêu đồng đều cả khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp (Tom và Murat, 2018) để tăng năng suất và tăng giá trị của các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cần nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam (Quế Hậu, 2021). Trong đó, phát triển du lịch bền vững và thông minh cũng chính là một trong các yếu tố quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam cụ thể là chuyển đổi du lịch truyền thống sang du lịch số áp dụng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, bản đồ tri thức, thực tế ảo… phối hợp nhiều loại hình du lịch lại với nhau, tạo sự cân bằng để phát triển.
2.2. Phát triển du lịch thành thị ảnh hưởng đến môi trường, thiếu nguồn nhân lực quản lý
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch thành thị là một loại hình hoạt động du lịch diễn ra trong không gian đô thị, thành phố với các thuộc tính được đặc trưng về kinh tế dựa trên cơ sở phi nông nghiệp như thương mại, dịch vụ, hành chính, sản xuất và liên kết giao thông. Du lịch thành thị là các điểm đến của thành phố, tại đây nó cung cấp một loạt các công trình kiến trúc, sản phẩm văn hóa, sản phẩm công nghệ, xã hội và trải nghiệm thực tế, tự nhiên đa dạng cho giải trí và kinh doanh dịch vụ. Theo Liên hợp quốc, vào năm 2015, 54% dân số thế giới sống ở các khu vực thành thị và đến năm 2030, tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt 60%. Cùng với các trụ cột quan trọng khác, du lịch là một thành phần trung tâm trong nền kinh tế, đời sống xã hội và địa lý của nhiều thành phố trên thế giới và do đó là một yếu tố chính trong chính sách phát triển đô thị.
Có những thách thức cốt lõi mà du lịch thành thị đang phải đối mặt (Carlo và Ko, 2019). Vấn đề liên quan đến phát triển bền vững xã hội, có sự căng thẳng giữa chất lượng cuộc sống của cư dân theo những cách khác nhau và sự phát triển của các thành phố để mang lại lợi ích cho ngành du lịch công nghiệp. Bên cạnh đó, còn có vấn đề liên quan đến phát triển môi trường, hiện đang có nhiều kiến nghị của cư dân và mong muốn của họ về các tiêu chuẩn môi trường địa phương để khách du lịch đi đến, tạo ra một môi trường địa phương tốt nhất. Ngoài ra, những thách thức mà cho đến nay ít được chú ý đó là sự biến đổi khí hậu mang lại rủi ro cho các thành phố. Bên cạnh đó, mối quan tâm lớn nhất vẫn là nhân tố tác động đến sự phát triển của du lịch trong nước, đó chính là nhân tố đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cao trong quá trình chuyển đổi số thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 (Hậu và Trâm, 2023).
Phát triển du lịch thành thị là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự kết hợp của nhiều nhóm liên quan, bao gồm các doanh nghiệp du lịch, chính quyền địa phương, cộng đồng địa phương và du khách.
2.3. Sự hình thành và phát triển đa dạng, phong phú của du lịch nông thôn
Du lịch nông thôn hình thành và phát triển từ khá lâu trên thế giới. Du lịch nông thôn khá đa dạng tùy theo vùng miền, tùy theo các yếu tố văn hóa xã hội, lịch sử hình thành của mỗi vùng theo địa lý mà người ta đưa ra khái niệm du lịch nông thôn được diễn giải theo nhiều cách khác nhau (Noémi, 2009). Phát triển du lịch ở vùng nông thôn gắn với việc khai thác và tận dụng các tiềm năng du lịch của các khu vực nông thôn để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về đời sống, văn hóa, truyền thống và sinh thái của vùng đất đó.
Việc phát triển du lịch ở vùng nông thôn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương. Nó tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân, đặc biệt là những người có nghề làm ruộng, thủ công nghệ thuật, văn hóa dân gian (Thúy Hạnh, 2017). Nó cũng giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nông nghiệp, tăng cường đa dạng hóa kinh tế cho vùng đất đó và góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, thiên nhiên. Các hoạt động du lịch ở vùng nông thôn có thể bao gồm tham quan các di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống, bán hàng thủ công mỹ nghệ, tham gia các hoạt động ngoài trời như đi bộ, dã ngoại, cưỡi ngựa, đua thuyền trên sông, thưởng thức ẩm thực địa phương, giới thiệu các sản phẩm từ nông nghiệp, tham gia các lễ hội văn hóa dân gian và trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương (Thủy, Huệ, 2020).
Du lịch nông thôn có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế ở các quốc gia trên thế giới (Thanh Tung, 2020). Nằm trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Việt Nam- nơi có ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất về lượng khách du lịch trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, các yếu tố ảnh hưởng sự phát triển của du lịch nông thôn (UNWTO, 2020) như trong không gian lãnh thổ các khu du lịch, cảnh quan và môi trường, việc bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo thuận tiện trong hoạt động du lịch, vừa tạo ra một hệ sinh thái an toàn. Hạ tầng đồng bộ như giao thông, y tế và chăm sóc sức khỏe, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, nhà vệ sinh, hệ thống điện và nước sạch, các bảng biểu thông báo, thu gom và xử lý rác thải, nước thải, kết nối viễn thông và hạ tầng số, … Hơn thế nữa, còn có trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, chất lượng quản lý và tổ chức hoạt động các điểm du lịch như quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch, trong đó phải có điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản nông thôn, khu vui chơi, ăn uống, giải khát…
Tuy nhiên, có một sự đánh đổi, sự tăng trưởng cao của du lịch ảnh hưởng không nhỏ bởi sự tàn phá và hủy hoại môi trường tự nhiên để xây dựng hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại các vùng quê nông thôn trong thời gian ngắn. Tốc độ đô thị hóa các khu du lịch như chặt phá rừng, hủy hoại thiên nhiên, làm gia tăng các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến xã hội. Hơn nữa, mặc dù tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhưng chất lượng dịch vụ du lịch không đáp ứng đầy đủ. Bên cạnh đó, cũng còn một số thách thức đối với sự tăng trưởng dài hạn của du lịch Việt Nam như sự yếu kém trong hoạt động quảng bá, tiếp thị và xúc tiến, kỹ năng quản lý của nhân viên, sự quá tải của hệ thống giao thông và hạ tầng còn thiếu thốn. Do đó, cần đẩy mạnh việc quảng bá truyền thông về các hoạt động cũng như sản phẩm du lịch địa phương, thu hút du khách (Tạp chí Công Thương, 2023).
Để phát triển du lịch ở vùng nông thôn, cần có kế hoạch và chiến lược phát triển du lịch, đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm du lịch độc đáo, hấp dẫn để thu hút khách du lịch và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, quảng bá và giới thiệu du lịch để nâng cao hiệu quả phát triển du lịch.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. So sánh sự khác biệt giữa phát triển du lịch thành thị và du lịch nông thôn
Qua nghiên cứu các đặc điểm của sự phát triển du lịch thành thị cũng như du lịch nông thôn, các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của hai loại hình này, bài báo cho thấy được sự khác nhau và chênh lệch các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch (Bảng 1).
Bảng 1: So sánh các yếu tố chính trong phát triển du lịch thành thị và du lịch nông thôn
Yếu tố | Du lịch thành thị | Du lịch nông thôn |
Địa điểm du lịch | Trung tâm đô thị | Ngoài các trung tâm đô thị |
Mục đích du lịch | Vui chơi, giải trí | Thưởng ngoạn cảnh đẹp, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, tập huấn |
Hoạt động du lịch | Mua sắm, ăn uống, tham quan địa điểm du lịch, giải trí | Thăm quan làng quê, tham gia hoạt động ngoài trời, thưởng ngoạn cảnh đẹp, trải nghiệm nông nghiệp |
Tác động văn hóa | Có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa, phong tục tập quán địa phương | Giới thiệu, bảo tồn, và phát triển văn hóa, phong tục tập quán địa phương |
Tác động môi trường | Tác động tiêu cực đến môi trường, giao thông, ồn ào | Tác động tích cực đến môi trường, giới thiệu nông sản, làm nên những trải nghiệm mới cho du khách |
Hạ tầng du lịch | Phát triển đồng bộ, đầy đủ hạ tầng, dịch vụ chuyên nghiệp
| Hạ tầng chưa phát triển hoàn chỉnh, dịch vụ chưa chuyên nghiệp |
Hiệu quả kinh tế | Đóng góp lớn vào ngân sách địa phương, tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân | Phát triển kinh tế nông thôn, giúp tăng thu nhập cho người dân, tạo sự đa dạng hóa nghề nghiệp |
Tiềm năng phát triển | Có tiềm năng phát triển lớn do nhu cầu của người dân đô thị, sự phát triển của kinh tế đô thị | Có tiềm năng phát triển lớn do sự phát triển của nông nghiệp, cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa độc đáo |
Về địa điểm du lịch, là yếu tố ảnh hưởng đến phạm vi và mức độ tiếp cận của du khách đối với các loại hình du lịch; yếu tố mục đích ảnh hưởng đến sự đa dạng của các trải nghiệm du lịch và yêu cầu về hạ tầng, dịch vụ phục vụ du khách. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự đa dạng của các trải nghiệm du lịch và yêu cầu về hạ tầng, dịch vụ phục vụ du khách. Về hạ tầng du lịch, sự khác biệt rõ nhất do du lịch thành thị có hạ tầng phát triển đồng bộ, đầy đủ hạ tầng, dịch vụ chuyên nghiệp, trong khi đó, du lịch nông thôn thường chưa có hạ tầng phát triển hoàn chỉnh, dịch vụ chưa chuyên nghiệp, yếu tố này ảnh hưởng đến việc phục vụ khách du lịch và ảnh hưởng hiệu quả kinh tế của địa phương. Đối với sự tác động môi trường, du lịch thành thị có tác động tiêu cực đến môi trường, giao thông và gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân địa phương. Du lịch nông thôn, có tác động tích cực đến môi trường khi giới thiệu và bảo tồn các loài động thực vật hiếm, giúp thúc đẩy sự phát triển của vùng quê, tạo ra cơ hội thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ, du lịch nông thôn có thể gây tác động tiêu cực đến môi trường như đất đai, nước ngầm, rừng và động vật hoang dã. Về mặt hiệu quả kinh tế của du lịch thành thị và nông thôn, ta có thể thấy rằng du lịch thành thị có đóng góp lớn hơn vào ngân sách địa phương, kinh tế đô thị. Trong khi đó, du lịch nông thôn có thể giúp tăng thu nhập cho người dân và đa dạng hóa nghề nghiệp. Đặc biệt, yếu tố tiềm năng phát triển, du lịch thành thị có tiềm năng phát triển lớn do nhu cầu của người dân đô thị và sự phát triển của kinh tế đô thị. Trong khi đó, du lịch nông thôn có tiềm năng phát triển lớn do sự phát triển của nông nghiệp, cảnh quan thiên nhiên đẹp và văn hóa độc đáo của các khu vực nông thôn.
3.2. Giải pháp chiến lược cân bằng phát triển du lịch số giữa du lịch thành thị và nông thôn tại Việt Nam
Thông qua sự các yếu tố thể hiện những điểm yếu và điểm mạnh của du lịch thành thị và du lịch nông thôn trong Bảng 1, chúng ta cũng thấy được viễn cảnh phát triển của một sự kết hợp qua môi trường du lịch số, bài báo đề xuất các giải pháp có thể áp dụng như sau:
Thứ nhất: Phát triển các ứng dụng du lịch số kết hợp giữa thành thị và nông thôn. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, internet vạn vật và ứng dụng trên thiết bị di động đang được sử dụng để tạo ra các sản phẩm du lịch số đa dạng và hấp dẫn, cho phép du khách có thể trải nghiệm các điểm đến du lịch thông qua các trải nghiệm số ấn tượng như tham quan các điểm tham quan, khám phá văn hóa địa phương và thưởng thức ẩm thực đặc trưng, giúp du khách dễ dàng truy cập và tìm kiếm các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của mình.
Thứ hai: Tạo ra các sản phẩm du lịch số trên nhiều nền tảng trên internet, kết nối vạn vật. Kết hợp giữa du lịch thành thị và nông thôn để tạo ra các sản phẩm du lịch số đa dạng và phong phú. Ví dụ như, du khách có thể đặt tour trực tuyến để khám phá các điểm đến ở thành thị và đồng thời tham quan các khu vườn trái cây, tham quan nông trại để trải nghiệm cuộc sống mộc mạc ở miền quê.
Thứ ba: Tổ chức các sự kiện du lịch kết hợp giữa thành thị và nông thôn. Tổ chức các sự kiện du lịch, các lễ hội truyền thống văn hóa phi vật thể, các lễ hội tại di tích bảo tồn văn hóa… để thu hút du khách đến với các điểm đến này. Ví dụ như, các sự kiện triển lãm trái cây, lễ hội hoa quả, các hoạt động khám phá nông trại, trại hè trẻ em, v.v.
Thứ tư: Giải pháp bảo vệ môi trường như sử dụng phương tiện công cộng thay vì dùng phương tiện cá nhân, thúc đẩy các hình thức du lịch xanh và bảo vệ di sản văn hóa. Tuyên truyền ý thức xây dựng môi trường “xanh, sạch, đẹp” trong thành phố thông qua các hình thức truyền thông đại chúng.
Thứ năm: Xây dựng hệ thống thông tin du lịch đầy đủ và chính xác. Các thông tin du lịch cần được cập nhật đầy đủ và chính xác thông qua các công cụ trên internet, bao gồm các điểm đến và sản phẩm du lịch ở cả thành thị và nông thôn. Điều này giúp du khách dễ dàng tìm kiếm các điểm đến và sản phẩm du lịch kết hợp giữa thành thị và nông thôn.
Thứ sáu: Tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật số. Để thu hút du khách và nâng cao chất lượng dịch vụ, Việt Nam cần đầu tư hạ tầng kỹ thuật số như mạng internet tốc độ cao, hệ thống thanh toán điện tử và các công nghệ truyền thông mới nhất tại các vùng nông thôn hiện nay.
Thứ bảy: Quảng bá du lịch số. Việt Nam cần chú trọng vào việc quảng bá du lịch số trên các kênh truyền thông như mạng xã hội, website du lịch, ứng dụng du lịch, v.v. Đẩy mạnh hơn nữa các kênh truyền thông ở vùng nông thôn, thông qua các di sản văn hóa đặc sắc tại vùng miền. Đây là một cách hiệu quả để tiếp cận với đông đảo du khách trên toàn thế giới.
Thứ tám: Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá du lịch số. Việc xây dựng một hệ thống giám sát và đánh giá du lịch số giúp cho chính phủ, doanh nghiệp du lịch và khách hàng có thể theo dõi và đánh giá hiệu quả của các hoạt động du lịch số.
Thứ chín: Đào tạo nguồn nhân lực sử dụng công nghệ cao. Việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực du lịch số là cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành du lịch bằng nhiều hình thức như cập nhật mô hình du lịch ở các nước du lịch đã phát triển, bồi dưỡng cán bộ và hướng dẫn viên ngành du lịch tại các vùng nông thôn, trau dồi kiến thức về văn hóa, xã hội, địa lý, lịch sử… từng vùng miền.
Thứ mười: Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch. Việc thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch trong nước cũng như nước ngoài, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh và cung cấp các dịch vụ du lịch số đa dạng và chất lượng hơn thông qua các diễn đàn trực tuyến, các hội nghị, hội thảo trực tuyến.
Tóm lại, để phát triển du lịch số tại Việt Nam, cần chiến lược và giải pháp du lịch số trong việc kết hợp du lịch thành thị và nông thôn, từ đó, tạo ra một hệ sinh thái du lịch số hoàn chỉnh và hiệu quả.
4. KẾT LUẬN
Cách mạng công nghiệp 4.0, du lịch số là một xu hướng phát triển mới của ngành du lịch. Để tạo ra các sản phẩm du lịch số đa dạng và hấp dẫn, du lịch Việt Nam phải đặc biệt quan tâm đến các ứng dụng sử dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, kết nối vạn vật, ứng dụng điện thoại…Đây cũng là tiền đề của sự kết hợp giữa du lịch thành thị và du lịch nông thôn tạo cân bằng hiện nay. Ngoài ra, nền tảng số giúp các doanh nghiệp du lịch tiếp cận được đến nhiều du khách trên toàn cầu, tiết kiệm chi phí cho việc quảng bá và giới thiệu sản phẩm du lịch của mình. Du lịch số là một lĩnh vực phát triển sáng tạo và tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam.
Bài báo đưa ra các giải pháp cần có sự đầu tư vào các công nghệ mới, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn về du lịch số trong việc kết hợp du lịch thành thị và du lịch nông thôn để phát triển cân bằng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường du lịch Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ho Tra Giang, (2022), Factors Influencing the Decisions on Choosing Ho Chi Minh City as A Destination of North American Tourists, QUALITY Access to Success, https://doi.org/10.47750/QAS/23.187.17
Thi Huong Ngo, Ngoc Hao Do, Ngoc Trinh Tran, (2022), Rural Tourism Development in Hoi an, Vietnam; Perceptions of the Community, International Journal of Social Science and Human Research.
Susan L. Slocum, Carol Kline, (2017) Linking urban and rural tourism: strategies in sustainability, CAB International, ISBN-13: 978 1 78639 014 1
Yiping Li, Heqing Zhang, Dian Zhang, Richard Abrahams, (2019), Mediating urban transition through rural tourism, Annals of Tourism Research 75 (2019) 152-164, https://doi.org/10.1016/j. annals.2019.01.001
Carlo Aall, Ko Koens, (2019), The Discourse on Sustainable Urban Tourism: The Need for Discussing More Than Overtourism, Sustainability 2019, 11, 4228, https://doi:10.3390/su11154228
Tom Barkera, Murat Üngör, (2018), Vietnam: The next asian Tiger?, North American Journal of Economics and Finance, Elsevier Inc, https://doi.org/10.1016/j.najef.2018.11.010
Josep A. Ivars-Baidal, J. Fernando Vera-Rebollo, José F. Perles-Ribes, Francisco Femenia-Serra and Marco A. Celdrán-Bernabeu, (2021), Sustainable tourism indicators: what’s new within the smart city/ destination, Journal of Sustainable Tourism, https://doi.org/10.1080/09669582.2021.1876075.
Noémi KULCSÁR, (2009), Rural tourism in Hungary: the key of competitiveness, Budapest Tech Keleti Károly Faculty of Economics, Tavaszmez u. 15-17. H-1084 Budapest, Hungary
Le Thanh Tung, (2020), Tourism development in Vietnam: new strategy for a sustainable pathway, GeoJournal of Tourism and Geosites, 31(3), 1174-1179. https://doi.org/10.30892/gtg.31332-555
Phạm Thái Thủy, Lê Văn Huệ, (2020), Liên kết phát triển du lịch nông thôn ở Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Tập 22, Số 1 (2021): 34-45
Lê Thị Thanh Yến, Võ Nguyên Thông và Trần Thanh Thảo Uyên, (2020), Phát triển loại hình du lịch nông thôn ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay, Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp, Tập 10, Số 2, 2021, 110-120.
Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Thị Thúy Vân, Lê Văn Hòa, (2022), Điểm đến du lịch thông minh: Khái niệm và xu hướng nghiên cứu hiện nay, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển; ISSN 2588-1205, Tập 128, Số 5A, 2019, Tr. 129-146; https://doi.org/10.26459/hueuni-jed. v128i5A.5122
Nguyễn Thị Thúy Hạnh, (2017), Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững ở Nhật bản và một số gợi ý cho ngành du lịch Việt Nam, Nghiên cứu văn hóa, Số 22 Tháng 12- 2017
Hồ Quế Hậu, (2020), Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam, Kinh tế và phát triển, Số 283 tháng 01/2021
Phạm Xuân Hậu, Bùi Thị Ngọc Trâm, (2023), Nhận diện các nhân tố động lực để phát triển nhân lục du lịch chất lượng cao ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM, Tập 20, Số 2 (2023): 365-378, ISSN: 2734-9918.
Porto Declaration on Tourism and the Future of Cities, (2021), Mayors Forum for Sustainable Urban Tourism, UNWTO, Truy cập ngày 2/4/2023, https://www.unwto.org/event/unwto-mayors-forum-for-sustainable-urban-tourism
Dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành 9 tháng năm 2022 phục hồi tích cực, (2023), Tổng cục Thống kê, Truy cập ngày 3/4/2023, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/10/ dich-vu-luu-tru-an-uong-va-du-lich-lu-hanh-9-thang-nam-2022-phuc-hoi-tich-cuc/
Tốc độ tăng trưởng khách cao, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, (2020), Tổng cục du lịch Việt Nam, Truy cập ngày 5/4/2023, https://www.vietnamtourism.gov.vn/post/32527
Quý I/2023: Việt Nam đón gần 2,7 triệu lượt khách quốc tế, (2023), Báo chính phủ, Truy cập ngày 6/4/2023, https://baochinhphu.vn/quy-i-2023-viet-nam-don-gan-27-trieu-luot-khach-quoc-te-102230330091036192.htm
Đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ đặc sản địa phương, Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1/2023, Tạp chí Công Thương, Truy cập 6/4/2023, https://tapchicongthuong. vn/bai-viet/day-manh-quang-ba-va-tieu-thu-dac-san-dia-phuong-103175.htm