Khái niệm hợp đồng thông minh – tổng hợp từ một số quan điểm trên thế giới, kiến nghị bổ sung vào pháp luật Việt Nam

[QC]

Mục lục

KHÁI NIỆM HỢP ĐỒNG THÔNG MINH – TỔNG HỢP TỪ MỘT SỐ QUAN ĐIỂM TRÊN THẾ GIỚI, KIẾN NGHỊ BỔ SUNG VÀO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Nguyễn Thái Cường *

* TS.GV Khoa Luật dân sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. GV thỉnh giảng Đh Toulouse CH Pháp, RA. Đại học Oxford. SH. Viện Max Planck LB Đức. Email: ntcuong@hcmulaw.edu.vn.

Trần Vân Anh**

** Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Huỳnh Thị Ngọc Nhi***
*** Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Bài viết đặt ra những vấn đề xoay quanh khái niệm hợp đồng thông minh (Smart contract) trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Nội dung được trình bày chủ yếu tập trung phân tích khái niệm hợp đồng thông minh trong pháp luật dân sự Việt Nam, đặt lên cán cân pháp lý so sánh với pháp luật một số nước Châu Âu và một số tiểu bang Hoa Kỳ để thấy các điểm tương đồng và khác biệt trong mỗi hệ thống pháp luật trước một vấn đề mới. Bên cạnh đó, bài viết còn đặt ra một khía cạnh khác trong quá trình nghiên cứu về khái niệm hợp đồng thông minh là liệu chúng có các đặc điểm nổi bật gì để phân biệt với các hợp đồng truyền thống và hợp đồng điện tử đã được hợp thức hóa trong pháp luật Việt Nam. Tổng kết là phần đánh giá tổng quan về các nội dung đã phân tích và đưa ra một số kiến nghị từ kinh nghiệm nghiên cứu và tiếp cận thực tiễn.

Từ khóa: Blockchain, smart contract, hợp đồng thông minh, giao dịch điện tử, công nghệ chuỗi khối.

Đặt vấn đề

Trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) được xem là một trong những sự đột phá cho nền tảng công nghệ số, là một thành tựu lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dưới sự tác động của mô hình công nghệ chuỗi khối này, hợp đồng thông minh (Smart contract) – một loại hợp đồng hoàn toàn mới được tạo lập dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain hoặc các sổ cái phân tán tương tự đã ra đời. “Hợp đồng thông minh” không còn là thuật ngữ xa lạ khi hiện nay chúng đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau từ việc mô phỏng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho đến các lĩnh vực quản trị, giáo dục, y tế,… Dạng hợp đồng này được xem như một sự cải tiến về công nghệ đồng thời có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các vấn đề trong giao dịch điện tử và nhiều lĩnh vực khác trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên khi tiếp cận dưới thực tiễn Việt Nam, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc xoay quanh các vấn đề pháp lý để luật hóa hợp đồng thông minh thành một dạng hợp đồng chính thức được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự. Bài tham luận hướng đến đề xuất một khái niệm mới về hợp đồng thông minh trong hệ thống pháp luật Dân sự Việt Nam nhằm từng bước định hướng giá trị pháp lý của loại hợp đồng đặc biệt này và các vấn đề liên quan.

1. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA HỢP ĐỒNG THÔNG MINH

Trên thực tế, tuy đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cụ thể và được ghi nhận những thành tựu đáng kể mà hợp đồng thông minh mang lại nhưng vẫn chưa tồn tại một khái niệm chung cụ thể mang tính pháp lý về loại hợp đồng này. Hợp đồng thông minh qua từng giai đoạn phát triển và từng khu vực quốc gia đã có những định nghĩa riêng được đưa ra. Về bản chất, chúng đều có những đặc điểm và cơ chế tương đồng với nhau nhưng chưa thực sự thống nhất về mặt từ ngữ pháp lý. Trong phần này, nhóm tác giả sẽ trình bày tổng quan về khái niệm và các đặc điểm cơ bản của hợp đồng thông minh xét trên nhiều phương diện.

1.1. Khái niệm về hợp đồng thông minh

Sự phát triển về khoa học kỹ thuật cùng những thành tựu vượt bậc mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại đã hình thành nên nhiều vấn đề đáng quan tâm trong mọi lĩnh vực từ kinh tế đến xã hội. Làn sóng phát triển mạnh mẽ của công nghệ chuỗi khối blockchain đã đặt nền tảng vững chắc cho sự thiết lập và ứng dụng hợp đồng thông minh (smart contract). Và chính bởi những đặc điểm nổi bật do loại hình công nghệ này mang lại mà hợp đồng thông minh hiện là một trong những vấn đề được chú ý hàng đầu trên thị trường.

Ý tưởng về công nghệ chuỗi khối được đưa ra lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2008 trong sách trắng (white book) được xuất bản bởi (nhóm) tác giả dưới bút danh Satoshi Nakamoto, với mục đích thiết kế ra một hệ thống thanh toán tiền điện tử mà không cần bất kỳ bên trung gian gian tài chính nào. Ngày nay, công nghệ chuỗi khối đã phát triển mạnh mẽ, được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực kỹ thuật số và đã sớm vượt ra ngoài chức năng một hệ thống thanh toán. Công nghệ blockchain có thể được hiểu là “một tập hợp kỹ thuật số các giao dịch được theo dõi và ghi lại trong một mạng lưới phi tập trung. Các giao dịch sau khi được gửi lên trên mạng lưới blockchain sẽ được nhóm vào các khối và các giao dịch trong cùng 1 khối (block) được coi là đã xảy ra cùng thời điểm. Các giao dịch chưa được thực hiện trong 1 khối được coi là chưa được xác nhận. Blockchain bao gồm các khối dữ liệu riêng lẻ, mỗi khối chứa một bản ghi thông tin, được liên kết với nhau theo thứ tự thời gian, tạo thành các chuỗi. Sự nhất quán theo trình tự thời gian làm cho các dữ liệu đã lưu trữ theo chuỗi không thể xóa hoặc sửa đổi nếu không có sự đồng thuận từ người dùng, giao dịch và nút toán tử. Những liên kết này không thể thay đổi, đó là điều tạo nên sự minh bạch và tin tưởng cho mạng lưới thông tin dựa trên công nghệ blockchain.”[1]. Ưu thế đặc biệt của blockchain là tính bảo mật cao và minh bạch, bởi được vận hành cơ chế đồng thuận của cả cộng đồng tham gia và không cần bất kỳ cơ quan nào đứng ra làm trung gian, chính bởi điểm này mà trong thời đại số hiện nay, nhiều công ty trên toàn thế giới đã áp dụng một loại hợp đồng được thiết lập trên nền tảng blockchain nhằm tăng tính bảo mật và giảm thiểu chi phí, đó là hợp đồng thông minh.

1.1.1. Khái niệm được đưa ra bởi các học giả

Hợp đồng thông minh (smart contract) có thể hiểu theo cách tiếp cận thông thường là “sự phát triển mới từ việc ứng dụng công nghệ phức tạp”[2]. Và cho đến hiện tại vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất và được thừa nhận về tính pháp lý trên phạm vi toàn cầu của hợp đồng thông minh. Tuy nhiên ngược lại với thực tiễn đó, các quan điểm mang tính cá nhân về hợp đồng thông minh lại được ra đời khá sớm, nhất là các quan điểm được đưa ra bởi các học giả thuộc nhiều lĩnh vực.

Khái niệm Hợp đồng thông minh lần đầu tiên được đưa ra bởi Nick Szabo[3], theo ông (vào năm 1994), hợp đồng thông minh “là một tập hợp các thỏa thuận được thể hiện dưới dạng kỹ thuật số, bao gồm các cách thức mà trong đó các bên tham gia sẽ thực hiện các thỏa thuận này”[4]. Trong một tài liệu khác của Nick Szabo được đưa ra vào năm 1995, ông định nghĩa Smart contract là “tập hợp những cam kết, bao gồm những giao thức mà các bên thực hiện những lời hứa khác. Những giao thức này thường được thực hiện với các chương trình trên mạng máy tính, hoặc những hình thức điện tử kỹ thuật số khác, do đó những hợp đồng này “thông minh” hơn các hợp đồng bằng giấy truyền thống”[5].

Đến thời thế kỷ 21, hệ thống quan điểm định nghĩa về Hợp đồng thông minh ngày càng phong phú hơn. Jerry I-H Hsiao cho rằng hợp đồng thông minh là những chương trình máy tính có thể tự động thực hiện các điều khoản của hợp đồng. Những chương trình này giải quyết vấn đề thực thi và trách nhiệm giải trình trong một hệ thống không có bên trung gian, hoạt động ngoài tầm kiểm soát của nhà nước[6]. Daniel T. Stabile [7]và các cộng sự đã mô tả hợp đồng thông minh có thể được coi là “những giao dịch tự động thực thi”, và hợp đồng thông minh được xây dựng trên nền tảng chuỗi khối có thể được hình dung như là tạo ra “tiền được lập trình”. Theo Larry A. DiMatteo và các cộng sự[8] thì “Hợp đồng thông minh theo nghĩa đen là mã máy tính được đặt trên một chuỗi khối, một sổ cái phân tán, mở chạy trên máy tính của hàng nghìn người dùng và không có cơ quan trung ương. “Thông minh” đề cập đến chất lượng tự thực hiện, tự thực thi của các hợp đồng thông minh. Những cái gọi là hợp đồng này là bất biến, có nghĩa là mã theo mặc định không thể thay đổi, do đó đảm bảo hiệu suất”. Người đồng sáng tạo Ethereum – Vitalik Buterin[9] đưa ra một định nghĩa gần với thực tế cuộc sống và ít tập trung vào mặt công nghệ hơn, theo ông: “Hợp đồng thông minh là hình thức tự động hóa phi tập trung đơn giản nhất và được định nghĩa một cách đơn giản và chính xác nhất như sau: hợp đồng thông minh là một cơ chế liên quan đến tài sản kỹ thuật số do hai hoặc nhiều bên tham gia, trong đó một hoặc các bên đưa tài sản vào và tài sản này được tự động phân phối lại giữa các bên đó theo một công thức dựa trên một số dữ liệu nhất định mà các bên không được biết vào thời điểm hợp đồng được bắt đầu”.

1.1.2. Khái niệm được đưa ra bởi các tổ chức trên thế giới

Nhiều tổ chức trên thế giới cũng đưa ra định nghĩa về hợp đồng thông minh của riêng mình, điển hình như Phòng Thương mại Kỹ thuật số Hoa Kỳ định nghĩa hợp đồng thông minh như “mã máy tính, mà khi xảy ra một điều kiện cụ thể hoặc những điều kiện, có thể vận hành tự động theo các chức năng được chỉ định trước. Mã nguồn có thể được lưu trữ và xử lý trên một sổ cái phân tán và sẽ ghi bất kỳ kết quả thay đổi nào vào sổ cái phân tán”[10]. Hay Ủy ban Thương mại Hàng hóa Tương lai mô tả hợp đồng thông minh về cơ bản là “một tập hợp các chức năng máy tính được mã hóa, có thể kết hợp các yếu tố của một hợp đồng đã được ràng buộc (như đề nghị, chấp thuận và nghĩa vụ đối ứng), hoặc có thể cho phép mã máy tính tự thực thi các tác vụ cụ thể tham chiếu đến sự có hoặc không của một sự kiện”[11].

Từ những quan điểm được đưa ra bởi các học giả, tổ chức, có thể thấy được dù hiện nay chưa có một định nghĩa thống nhất nào về hợp đồng thông minh, nhưng những định nghĩa được đưa ra đều có điểm chung thống nhất rằng: hợp đồng thông minh là một chương trình máy tính. Trong đó, các điều khoản của hợp đồng được mã hóa và thiết kế sao cho các điều khoản tự động thực thi trên nền tảng phi tập trung mà không cần qua sự giám sát hay quản lý của bất kỳ tổ chức tập trung nào.

1.1.3. Khái niệm được đưa ra bởi các hệ thống pháp luật trên thế giới

Hợp đồng thông minh như đã đề cập, là một khái niệm không mới nhưng chỉ khi bước vào thời kỳ công nghiệp 4.0 cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ thì khái niệm này mới ngày càng trở nên phổ biến. Do tính mới và hình thức hoạt động khác biệt hoàn toàn với hợp đồng truyền thống nhưng lại được ứng dụng rộng rãi nên giá trị pháp lý của hợp đồng thông minh là một vấn đề đang được quan tâm. Đa số các quan điểm đều cho rằng cần thiết có một sự ghi nhận về mặt pháp lý cho khái niệm này. Dưới đây là sự ghi nhận những khía cạnh liên quan đến khái niệm hợp đồng thông minh trong các hệ thống pháp luật trên thế giới. Tại phần này, nhóm tác giả đề cập xoay quanh hệ thống pháp luật Việt Nam và hệ thống pháp luật Hoa Kỳ và một số quốc gia Châu Âu.

Đọc thêm:  Cơ chế giao kết hợp đồng thông minh và những rào cản pháp lý trong pháp luật việt nam hiện nay

a. Hệ thống pháp luật Việt Nam

Một hợp đồng muốn có đầy đủ hiệu lực và giá trị pháp lý phải thỏa mãn những điều kiện được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: (i) Thứ nhất, về chủ thể, các chủ thể ký kết hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện và có đầy đủ năng lực hành vi, năng lực pháp luật dân sự; (ii) Thứ hai, mục đích và nội dung của hợp đồng không trái pháp luật và đạo đức xã hội; (iii) Thứ ba, thủ tục và hình thức của hợp đồng phải tuân theo những thể thức nhất định phù hợp với quy định của pháp luật.

Hợp đồng không đáp ứng được một trong các điều kiện trên sẽ dẫn đến vô hiệu.

Bởi khái niệm hợp đồng thông minh chưa được luật hóa một cách cụ thể, thế nên việc xác định thế nào là một hợp đồng thông minh về mặt thực tiễn trong pháp luật Việt Nam vẫn còn gặp nhiều trở ngại và không có khung pháp lý rõ ràng để đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên.

b. Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ và Châu Âu

Trong thực tiễn pháp luật thế giới, Hoa Kỳ là quốc gia đang có rất nhiều đạo luật cấp tiểu bang quy định về tính pháp lý của công nghệ blockchain[12]. Tuy nhiên, các đạo luật này chưa thực sự cụ thể và chưa có một quy định chung cấp quốc gia nào về blockchain. Kéo theo đó là ngay cả quốc gia liên bang như Hoa Kỳ vẫn chưa thực sự hiện diện một khái niệm cụ thể về hợp đồng thông minh trong Luật Liên bang Hoa Kỳ hoặc hướng dẫn nào xác định rõ tình trạng của hợp đồng thông minh.

Tuy nhiên, Luật thương mại Quốc gia và Quốc tế về Chữ ký điện tử (“E-Sign Act”)[13] của Hoa Kỳ có thể cung cấp đủ trọng lượng pháp lý cho các hợp đồng thông minh được thực thi theo luật hiện hành. Đạo luật về Chữ ký điện tử này cung cấp thông tin rằng chữ ký điện tử, hợp đồng và hồ sơ sẽ có hiệu lực pháp lý tương tự như chữ ký trên giấy, qua đó nêu rõ rằng “chữ ký, hợp đồng hoặc hồ sơ khác liên quan đến giao dịch đó có thể không bị từ chối hiệu lực pháp lý, giá trị pháp lý hoặc khả năng thực thi chỉ vì nó ở dạng điện tử” và rằng “hợp đồng liên quan đến giao dịch đó có thể không bị từ chối hiệu lực pháp lý, hiệu lực hoặc khả năng thực thi chỉ vì chữ ký điện tử hoặc hồ sơ điện tử đã được sử dụng trong quá trình hình thành xác lập”. Việc thực thi các hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain có thể thuộc thẩm quyền của Đạo luật điện tử như bất kỳ “hợp đồng điện tử” nào khác. Và đồng thời vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng nào về vấn đề này ở cấp liên bang làm rõ tình trạng pháp lý của hợp đồng thông minh[14].

Một ví dụ về việc xem xét vai trò của công nghệ thông tin trong việc hình thành hợp đồng là Đạo luật thống nhất về giao dịch điện tử (Uniform Electronic Transactions Act – UETA) được thông qua tại Hội nghị quốc gia của các viên chức về đạo luật thống nhất (NCCUSL) diễn ra năm 1999 nhằm tạo lập một khung pháp lý thống nhất cho giao dịch điện tử ở Hoa Kỳ[15]. Đây được xem như cơ sở cho luật tiểu bang ở 47 tiểu bang Hoa Kỳ, với quy định rằng, với một số ngoại lệ hạn chế, các bản ghi điện tử bao gồm những bản ghi được tạo bởi chương trình máy tính và chữ ký điện tử (ví dụ như chữ ký điện tử sử dụng công nghệ mã hóa công khai) có hiệu lực pháp lý tương tự như các loại hợp đồng thông thường dưới dạng văn bản[16]. UETA thậm chí còn công nhận giá trị pháp lý của “các tác nhân điện tử”, được định nghĩa là “một chương trình máy tính hoặc một phương tiện điện tử hay một phương tiện tự động được sử dụng độc lập để bắt đầu thực thi một hành động hoặc phản hồi toàn bộ hoặc một phần về các bản ghi điện tử mà không cần xem xét hoặc thực hiện bởi bất kỳ cá nhân nào”. Theo UETA, tác nhân điện tử “có khả năng trong phạm vi các thông số lập trình của nó, khởi tạo, phản hồi hoặc tương tác với các bên khác hoặc các tác nhân điện tử của nó khi đã được một bên kích hoạt mà không cần chú ý gì thêm”, được cho là một sự thừa nhận về hợp đồng thông minh[17].

Ở cấp tiểu bang, Arizona là tiểu bang duy nhất đã thông qua phê duyệt luật về hợp đồng thông minh một cách rõ ràng. Các nhà lập pháp Arizona đang biến tiểu bang này thành một trung tâm blockchain bằng cách đưa ra các hợp đồng thông minh ràng buộc về mặt pháp lý[18]. Trong định nghĩa về mặt pháp lý, luật tiểu bang này định nghĩa hợp đồng thông minh như là “một chương trình định hướng sự kiện[19], với hướng xác định rằng chúng chạy trên một sổ cái phân tán, phi tập trung, được chia sẻ và nhân rộng, có thể tiếp quản quyền giám hộ và hướng dẫn chuyển giao tài sản trên số cái đó”[20].

Các phần của đạo luật này liên quan đến hợp đồng thông minh quy định rằng:

“Một bản ghi hoặc hợp đồng được bảo mật thông qua công nghệ blockchain được xem là ở dạng điện tử và là một bản ghi điện tử”.

“Hợp đồng thông minh có thể tồn tại trong thương mại. Một hợp đồng liên quan đến một giao dịch có thể không bị từ chối về mặt hiệu lực pháp lý, giá trị pháp lý hoặc khả năng thực thi chỉ vì hợp đồng đó có chứa một điều khoản hợp đồng thông minh”.

Các quy định này có thể được xem như sự chứng thực mạnh mẽ nhất về tính pháp lý của hợp đồng thông minh trong bất kỳ luật tiểu bang nào của Hoa Kỳ.

Tuy vậy, thực tiễn trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ vẫn đưa đến một nhận thức rằng khái niệm về hợp đồng thông minh vẫn còn chưa được định nghĩa một cách cụ thể và thống nhất ở cấp liên bang.

Một quốc gia Châu Âu khác cũng đã có những quy định cụ thể trong luật về khái niệm hợp đồng thông minh và những thành tố tạo nên hợp đồng thông minh. Vào năm 2018, Malta – một đảo quốc có trình độ phát triển rất cao về công nghệ số đã ban hành Đạo luật Cơ quan Đổi mới Kỹ thuật số Malta, xác định hợp đồng thông minh là một hình thức công nghệ đổi mới gồm: (a) một giao thức máy tính; và, hoặc (b) một thỏa thuận được ký kết hoàn toàn hoặc một phần dưới dạng điện tử, có tính tự động và hợp đồng được thi hành thông qua lập trình mã máy tính, mặc dù một số phần yêu cầu đầu vào và kiểm soát của con người và cũng có thể được thi hành bằng các phương pháp pháp lý thông thường hoặc kết hợp cả hai[21].

1.2. Đặc điểm của hợp đồng thông minh

Căn cứ vào các khái niệm, hợp đồng thông minh về cơ bản có cách thức xác lập và thực thi khác biệt hoàn toàn với các hợp đồng thông thường. Bản chất của hợp đồng thông minh là hoạt động trên nền tảng của công nghệ blockchain mà cụ thể là hoạt động dưới sự hỗ trợ của nền tảng Ethereum (nền tảng phần mềm mở được tạo ra vào năm 2015 với mục đích xây dựng và triển khai các ứng dụng phi tập trung và hợp đồng thông minh), tồn tại dưới dạng tập hợp các mã hóa và thuật toán, thế nên tồn tại các đặc điểm vô cùng nổi bật, có thể kể đến một vài yếu tố như sau:

1.2.1. Hình thức xác lập

Hợp đồng thông minh là một dạng hợp đồng đặc biệt khi được lập trình trên các chương trình máy tính. Tất cả các điều khoản của hợp đồng thông minh được xác lập và mã hóa bởi các câu lệnh “If…then…”. Điều này có nghĩa nếu không thỏa mãn một trong các điều kiện được lập trình sẵn, quá trình thực thi hợp đồng sẽ tự động ngừng lại. Đây là một điểm phân biệt nổi bật giữa hợp đồng thông minh với các hợp đồng truyền thống được xác lập dưới dạng văn bản, lời nói hoặc hành vi của các chủ thể tham gia giao kết. Có thể nhận thấy một cách rõ ràng rằng hợp đồng thông minh đã loại bỏ đi quá trình thỏa thuận giữa các bên khi được xác lập dựa trên các bộ giao thức có sẵn. Đồng thời, hợp đồng thông minh được soạn thảo bằng cách sử dụng mã nguồn máy tính, chúng có thể được tiêu chuẩn hóa và thực hiện gần như không tốn kém nên có thể giảm bớt những định phí khi tạo lập hợp đồng.[22]

1.2.2. Vận hành tự động

Nếu như việc thực thi các điều khoản trong hợp đồng truyền thống trên thực tế dựa vào sự thiện chí, hợp tác giữa các bên thì hợp đồng thông minh với nguyên tắc vận hành tự động đã đem lại một quy trình hoàn toàn mới trong thực hiện hợp đồng. Hợp đồng thông minh bản chất hoạt động dựa trên nguyên tắc của câu lệnh “If…then…” thế nên chúng có khả năng hoàn toàn tự động thực thi các điều khoản đã được xác lập sẵn trên hệ thống nếu thỏa mãn đầy đủ các điều kiện được đặt ra từ đầu và ngược lại. Một khi các bên đồng ý với các điều khoản của hợp đồng, mã của hợp đồng thông minh sẽ đảm bảo chắc chắn họ bị ràng buộc và không thể vi phạm hợp đồng23.

1.2.3. Tính bảo mật

Bởi vì được xác lập dựa trên nền tảng của công nghệ blockchain mà bản chất blockchain là một chuỗi khối liên kết với nhau bằng các hàm băm với tính bảo mật cao nên hợp đồng thông minh theo đó cũng có độ tin cậy vượt trội. Bằng đặc điểm này, hợp đồng thông minh có thể bảo vệ các chủ thể tham gia xác lập khỏi những sự cố không mong muốn như giả mạo, lừa đảo, xâm nhập bất hợp pháp. Một khi xác lập hợp đồng thông minh, đồng nghĩa với việc các bên tự nguyện đặt niềm tin vào độ bảo mật của blockchain thay vì bất kỳ bên trung gian nào. Nó không bị bất kỳ một tổ chức thứ ba nào nắm quyền kiểm soát vì thế tránh được nhiều rủi ro có thể xảy ra khi bên thứ ba tham gia vào hợp đồng.

1.2.4. Tính bất biến về dữ liệu

Hợp đồng thông minh được xem như là một giao kết có tính bất biến về dữ liệu được nhập vào, thể hiện sự minh bạch trong các giao dịch. Các hợp đồng thông minh được lưu trữ trên nền tảng blockchain và có sự dán nhãn về thời gian cho tất cả các hành động được thực thi. Một khi các dữ liệu được nhập trực tiếp vào các khối của blockchain thì nó không thể bị thay đổi hoặc sửa chữa bởi bất kỳ ai do sự hoạt động của thuật toán đồng thuận và mã hash liên kết các khối chứa thông tin lại với nhau. Nếu muốn thay đổi thông tin nhằm gây bất lợi cho bất kỳ bên nào sẽ phải đối mặt với một hệ thống bảo mật cực kỳ cao và quá trình sửa đổi toàn bộ các mã hash liên kết các khối gần như là bất khả thi. Đồng thời bởi tính phi tập trung nên các thông tin không thể bị thất lạc do đều được mã hóa trên một cuốn sổ cái chung, đáp ứng được sự minh bạch và an toàn. Nhờ sự ghi nhớ, bảo mật cao mà ai cũng có thể dễ dàng truy dấu được nguồn gốc của tất cả các giao dịch, không có khả năng đảo ngược giao dịch và mọi dấu vết đều được ghi nhận một cách rõ ràng, cụ thể trên blockchain. Điều này vô hình chung tạo được sự trung thực của các bên khi tham gia vào bất kỳ một hợp đồng thông minh nào.

1.3. Phân loại các khái niệm về hợp đồng thông minh

Từ những quan điểm được đưa ra bởi các học giả, tổ chức và các hệ thống pháp luật trên thế giới, có thể thấy được dù hiện nay chưa có một định nghĩa thống nhất nào về hợp đồng thông minh, nhưng những định nghĩa được đưa ra đều có điểm chung rằng: hợp đồng thông minh là một chương trình máy tính. Trong đó, các điều khoản của hợp đồng được mã hóa và thiết kế sao cho các điều khoản tự động thực thi bằng nền tảng kỹ thuật số mà không cần qua sự giám sát hay quản lý của bất kỳ tổ chức tập trung nào.

Đọc thêm:  Các hình thức lừa đảo phổ biến trong thị trường tiền mã hóa

Hiện nay có 3 quan điểm chính về khái niệm của hợp đồng thông minh:

  • Quan điểm đầu tiên là những quan điểm sơ khai về hợp đồng thông minh như của Nick Szabo, rằng hợp đồng thông minh là những thuật toán thực thi các điều khoản hợp đồng thông qua hệ thống máy tính[23]. Ví dụ đơn giản nhất của dạng hợp đồng thông minh này chính là hoạt động của máy bán nước tự động, gồm: đề nghị, chấp thuận và thực hiện. Những định nghĩa này khá đơn giản và dễ hiểu, tuy nhiên chúng đã khiến giới nghiên cứu bối rối trong việc phân biệt smart contract trên nền tảng Blockchain ngày nay với dạng smart contract thông thường ẩn chứa trong hoạt động của các “máy bán hàng tự động”, trong các giao dịch diễn ra phổ biến trên thị trường chứng khoán hay thị trường ngoại hối vốn dĩ xuất hiện từ rất lâu trong đời sống con người.
  • Quan điểm thứ hai xem hợp đồng thông minh là một bộ giao thức đặc biệt trên máy tính, có khả năng tự động thực hiện các điều khoản, thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, được thiết lập và vận hành dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ blockchain. Đây cũng là luồng quan điểm phổ biến nhất hiện nay về hợp đồng thông minh.
  • Quan điểm thứ ba xem hợp đồng thông minh về cơ bản là các mã lệnh được triển khai và chạy trên nền tảng blockchain, hoặc cái nền tảng phi tập trung tương tự (hay được gọi là các sổ cái phân tán), nằm trên một địa chỉ khóa công khai chuỗi khối nhất định[24]. Đây cũng là luồng quan điểm mới nhất hiện nay về hợp đồng thông minh.

Theo quan điểm của Daniel T. Stabile và các cộng sự[25], hợp đồng thông minh có thể được phân loại thành một số loại sau:

Thứ nhất, hợp đồng thông minh được thể hiện duy nhất dưới dạng mã (trần)

Hợp đồng thông minh được thể hiện ở dạng mã trần đóng vai trò như phần mềm trung gian kỹ thuật (nghĩa là chỉ bao gồm mã) để chuyển đổi dữ liệu. Hoặc trong một số trường hợp, dạng hợp đồng này nhằm để cung cấp sự chắc chắn trong các mối quan hệ giữa các bên tham gia có thể không được thực thi thông qua các hợp đồng truyền thống nhưng có thể đảm bảo bằng các mã lệnh.

Loại hợp đồng này hiếm khi tạo ra các mối quan hệ pháp lý có thể thực thi. Chúng tồn tại để thực hiện các nhiệm vụ cơ học, như một sự bổ sung cho các hợp đồng pháp lý mà các điều khoản quan trọng làm cho hợp đồng có hiệu lực nằm bên ngoài các đoạn mã.

Thứ hai, hợp đồng chỉ có một bên tham gia

Loại hợp đồng này hoạt động như một ứng dụng được thiết lập trong các hệ điều hành điện thoại hay máy tính, một bên thiết lập ra hợp đồng, và bất kỳ ai tham gia đáp ứng được các điều kiện của hợp đồng, thì hợp đồng sẽ được tự động thực thi. Ví dụ nổi bật đó là MakerDao Collateralized Debt Positions (CDPs), là các hợp đồng thông minh cho phép một người dùng giao dịch ETH tới một địa chỉ hợp đồng thông minh và nhận quyền truy cập tới một lượng công cụ gốc của MakerDao, DAI. Tuy nhiên, cũng theo quan điểm của tác giả Lê Thanh Huyền, loại hợp đồng này không tạo ra một hợp đồng pháp lý, trong nhiều trường hợp, nó chỉ đơn giản chuyển tải hoặc chuyển đổi dữ liệu.

Thứ ba, loại hợp đồng thông minh tích hợp vào hợp đồng truyền thống (hợp đồng Ricardian)

Đây là loại hợp đồng được Ian Grigg và Gary Howland [26]lên ý tưởng vào năm 1996, đây là loại hợp đồng được viết bằng ngôn ngữ tự nhiên nhưng có thể được xử lý bằng phần mềm dẫn đến việc máy tính biên dịch nó thành mã thực thi để thực hiện các điều khoản của thỏa thuận ngôn ngữ tự nhiên. Loại hợp đồng này được thiết kế nhằm mục đích thống nhất ngôn ngữ tiếng Anh và mã kỹ thuật.

Thứ tư, hợp đồng thông minh có tính pháp lý

Đây là dạng hợp đồng thông minh bao gồm các yếu tố cần thiết để trở thành một hợp đồng pháp lý, được hình thành phù hợp với quy định pháp luật của một khu vực tài phán nhất định. Các yếu tố và thuộc tính của một hợp đồng thông minh có tính pháp lý sẽ khác nhau phụ thuộc vào yêu cầu của pháp luật từng khu vực tài phán nhất định và các điều khoản cụ thể mà hợp đồng thông minh này đề cập. Hầu hết các hợp đồng dạng này sẽ được điều chỉnh và giải quyết các tranh chấp phát sinh bởi cùng một cơ quan luật áp dụng cho các hợp đồng pháp lý truyền thống[27].

2. THỰC TIỄN ỨNG DỤNG HỢP ĐỒNG THÔNG MINH  

Với những ưu điểm mà mình mang lại, hợp đồng thông minh đang dần chứng minh tiềm năng của mình trong thực tiễn khi được ứng dụng ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Trong phần này, nhóm tác giả sẽ phân tích một vài khía cạnh trong thực tiễn sử dụng hợp đồng thông minh hiện nay.

2.1. Hình thức thể hiện của hợp đồng thông minh

Hợp đồng thông minh hiện đang được sử dụng trên rất nhiều nền tảng khác nhau, và đồng thời các ngôn ngữ lập trình đa dạng cũng được chọn lựa để thiết lập nên chúng sao cho phù hợp với từng loại hình vận hành của các nền tảng blockchain. Trong đó có thể kể đến như:

Bitcoin: Blockchain Bitcoin cho phép các tài liệu được xử lý dựa trên các hợp đồng thông minh. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định để xử lý các tài liệu này nên nền tảng Bitcoin.

Ethereum: Có thể nói, Ethereum phát triển mạnh mẽ nhờ vào các hợp đồng thông minh vì nó hỗ trợ mã hóa và quá trình xử lý tiên tiến kết hợp với tính linh hoạt và hiệu quả. Tuy nhiên, nhược điểm là nó đi kèm với giá cả khi dựa vào đồng tiền gốc ETH. Giả sử chúng ta muốn tùy chỉnh, thực hiện một cái gì đó, sẽ cần đến sự đóng góp ETH như một khoản thanh toán để thực thi yêu cầu của người dùng.

Stellar: Đây có thể được xem như là nền tảng hợp đồng thông minh lâu đời nhất, nhưng tốc độ và bảo mật được cho là tốt hơn Ethereum. Stellar có một giao diện đơn giản hơn và dễ sử dụng hơn. Cũng chính vì yếu tố này mà nó không phù hợp để phát triển hợp đồng phức tạp vì nó chủ yếu để tạo điều kiện cho các hợp đồng thông minh đơn giản hoạt động.

Một số dApp phổ biến nhất dựa trên hợp đồng thông minh bao gồm các nền tảng tài chính trực tuyến như MakerDAO và Compound, các sàn giao dịch phi tập trung như Uniswap.

Như đã đề cập ở trên, hợp đồng thông minh hiện đang được sử dụng phổ biến và ứng dụng rộng rãi nhất trên nền tảng ảo Ethereum. Tuy nhiên, nền tảng này không đủ khả năng để tự thân nó có thể trực tiếp thực hiện các chương trình một cách nhanh chóng và trôi chảy. Vì lý do này, một số ngôn ngữ lập trình để viết dạng hợp đồng này đã được phát triển. Trong số này, phổ biến nhất là ngôn ngữ lập trình Solidity, đây là một dạng tương tự như JavaScript được phát triển đặc biệt để viết hợp đồng thông minh trên nền tảng Ethereum29[28]. . Để hiểu hơn về thế nào là một hợp đồng thông minh được viết trên Ethereum bằng ngôn ngữ Solidity, nhóm tác giả đưa ra một ví dụ mang tính tham khảo như sau:

Hình: Mã một hợp đồng thông minh đơn giản[28].

2.2. Hợp đồng thông minh thể hiện trong một số lĩnh vực cụ thể

Trong từng lĩnh vực đặc thù, hợp đồng thông minh sẽ có những cách thể hiện khác nhau. Sự đa dạng này xuất phát từ bản chất của các giao dịch liên quan đến các bên giao kết hợp đồng khác nhau. Tại phần này, nhóm tác giả tập trung đưa một số dẫn chứng về ứng dụng của hợp đồng thông minh trong những lĩnh vực nổi bật như tài chính thương mại, bảo hiểm và chứng khoán.

2.2.1. Trong lĩnh vực tài chính thương mại

Một ví dụ tiêu biểu về sự ứng dụng của hợp đồng thông minh giao dịch thương mại là Dự án 300 Cubits, đây là dự án áp dụng công nghệ blockchain đế xây dựng một nền tảng phi tập trung, trong đó thông tin về chuyến tàu, tình trạng đặt chỗ, tình trạng hàng hóa… đều được công khai với cả khách hàng và công ty vận tải.

Khi một lệnh đặt tàu được thực hiện, blockchain sẽ sinh ra một hợp đồng thông minh, yêu cầu hai bên phải đặt cọc một khoản tiền bằng token chứa container vận chuyển công nghiệp (token TEU). Bên công ty tàu sẽ được bồi thường TEU nếu khách hàng không mang hàng đến giao, và ngược lại khách hàng cũng sẽ nhận được TEU nếu hàng hóa của họ bị bỏ lại do lỗi của bên cho thuê tàu. Tất nhiên số tiền đặt cọc sẽ chảy lại về túi của cả hai nếu hợp đồng được tuân thủ hoàn toàn[28]. .

2.2.2. Trong lĩnh vực bảo hiểm

Trên thực tế, bảo hiểm luôn là một trong những trường hợp được sử dụng nhiều nhất bởi hợp đồng thông minh bởi tính tự động hóa của nó. Việc ứng dụng các tính năng nổi bật của hợp đồng thông minh trong việc giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực bảo hiểm có thể giúp giảm chi phí xử lý và tiết kiệm chi phí trong quá trình xử lý các yêu cầu về bồi thường. Một ví dụ được đưa ra là về Shuai Wang và các cộng sự[29], họ đã đề cập đến hãng hàng không Pháp, AXA về việc sử dụng hợp đồng thông minh trong bảo hiểm chuyến bay.

Trong đó, hợp đồng thông minh được thực hiện với nội dung về việc nếu như bất kỳ chuyến bay nào của hành khách bị trễ hơn hai giờ thì với nguyên tắc tự động thực hiện các điều kiện định sẵn, họ sẽ nhận được thông báo về việc tùy chọn bồi thường theo các cam kết trong hợp đồng thông minh. Hợp đồng thông minh có thể được khai thác để tự động hóa việc xử lý, xác minh và thanh toán, do đó để tăng tốc độ xử lý yêu cầu cũng như loại bỏ gian lận và ngăn chặn các cạm bẫy tiềm ẩn[30].

2.2.3. Trong lĩnh vực chứng khoán      

Có thể nói, lĩnh vực chứng khoán liên quan đến nhiều khâu xử lý, thủ tục phức tạp cần nhiều thời gian, chi phí và nhất là khi thị trường chứng khoán luôn dễ dàng gặp phải nhiều rủi ro trong việc kiểm soát, xử lý các thủ tục trong quá trình vận hành. Vì thế, hợp đồng thông minh có tính ứng dụng được đánh giá cao trong mảng này bằng những ưu thế nó mang lại. Hợp đồng thông minh hứa hẹn sẽ có thể phá vỡ các bên trung gian trong chuỗi lưu ký chứng khoán và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán tự động cổ tức, chia tách cổ phần, và quản lý trách nhiệm pháp lý, đồng thời giảm rủi ro trong quá trình thực hiện.

Không chỉ vậy, hợp đồng thông minh còn hỗ trợ việc bù trừ lẫn thanh toán chứng khoán và các thủ tục khác bằng sự ứng dụng công nghệ máy tính và chuỗi khối blockchain. Đồng thời, nhóm tác giả Shuai Wang và các cộng sự đã đưa ra một dẫn chứng tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada vẫn có chu kỳ thanh toán liên quan đến nhiều tổ chức như cơ quan lưu ký chứng khoán và cơ quan quản lý tài sản thế chấp34.         

3. KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN VỀ KHÁI NIỆM HỢP ĐỒNG THÔNG MINH  

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các công nghệ số ở Việt Nam phát triển từ tình hình thực tế liên tục ban hành các văn bản pháp luật khuyến khích thực hiện chuyển đổi số. Và với một loại hợp đồng vận hành trên nền tảng công nghệ số và có nhiều đặc điểm riêng biệt như hợp đồng thông minh, chắc chắn cần có những quy định riêng để điều chỉnh, mà trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả hướng đến chính là đưa ra khái niệm hợp đồng thông minh vào Bộ luật Dân sự 2015 và Luật giao dịch điện tử 2005.

Đọc thêm:  Tiền kỹ thuật số của các nhà quản lý tài sản có ý nghĩa như thế nào đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ?

3.1. Đề xuất khái niệm mới

Tổng hợp lại những gì đã phân tích về khái niệm hợp đồng thông minh trong xuyên suốt bài viết này, có thể thấy được khái niệm hợp đồng thông minh vô cùng đa dạng và không phải bất cứ hợp đồng thông minh nào cũng thỏa mãn điều kiện để có giá trị pháp lý (như đa phần các hợp đồng thông minh được thiết kế như phần mềm trung gian kỹ thuật, để chuyển đổi thông tin). Nhóm tác giả khẳng định, hợp đồng thông minh có giá trị pháp lý phải là hợp đồng thông minh có tính pháp lý dựa trên quan điểm của Daniel T. Stabile và các cộng sự[31]. Nhóm tác giả kiến nghị khái niệm về hợp đồng thông minh có đầy đủ giá trị pháp lý căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành như sau: “Hợp đồng thông minh là sự thoả thuận giữa các bên thông qua các mã lệnh được vận hành trên nền tảng công nghệ chuỗi khối hoặc các nền tảng phi tập trung tương tự được ghi lại bằng ngôn ngữ lập trình.” Bằng khái niệm này, hợp đồng thông minh được thể hiện rõ các đặc điểm, hình thức cũng như giao thức để thực hiện các nghĩa vụ nhất định giữa các bên.

3.2. Đề xuất đưa vào luật cụ thể

Thực tế, việc các bên thực hiện việc giao kết hợp đồng thông qua hợp đồng thông minh được sử dụng một cách rộng rãi trên thực tế đòi hỏi có một khung pháp lý chính thức để công nhận. Luật Dân sự và Luật Giao dịch điện tử là nơi phù hợp nhất để công nhận quy định này.

3.2.1. Kiến nghị đưa vào Bộ luật dân sự 2015

Bộ luật Dân sự hiện hành quy định có 6 loại hợp đồng chủ yếu: (1) Hợp đồng song vụ,

(2) Hợp đồng đơn vụ, (3) Hợp đồng chính, (4) Hợp đồng phụ, (5) Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, (6) Hợp đồng có điều kiện. Hiện nay Việt Nam vẫn chưa thực sự phổ biến dạng hợp đồng thông minh, thêm vào đó các hợp đồng chủ yếu mà Bộ luật Dân sự hiện hành đưa ra được xét trên mặt hình thức.

Như phần khái niệm đã được kiến nghị, hợp đồng thông minh là một loại hợp đồng tồn tại theo hình thức công nghệ số khác biệt hoàn toàn với các dạng hợp đồng truyền thống được quy định trong Bộ luật dân sự 2015. Cho nên theo nhóm tác giả, cần thiết bổ sung một mục riêng bao gồm các quy định điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hợp đồng thông minh mà trước nhất là sự ghi nhận về khái niệm mang tính pháp lý. Đề xuất mang tính định hướng trong trường hợp này như sau: Tại Chương XVI quy định về Một số hợp đồng thông dụng trong Bộ luật dân sự 2015, bổ sung một mục mới là Hợp đồng thông minh. Trong mục về hợp đồng thông minh này bao gồm hợp đồng điện tử bởi hợp đồng thông minh xét trên mọi phương diện là một hợp đồng thực sự sẽ có phạm vi rộng hơn hợp đồng điện tử được định nghĩa trong hệ thống pháp luật hiện tại.

3.2.2. Kiến nghị đưa vào Luật Giao dịch điện tử 2005

Hiện nay nước ta chỉ đang quy định một cách gián tiếp về hợp đồng thông minh, nó là hợp đồng có giá trị pháp lý khi đáp ứng đầy đủ những tiêu chí, điều kiện của một hợp đồng điện tử hay một giao dịch hợp pháp. Dựa trên các phân tích ở phần trên, có thể nhận thấy hợp đồng thông minh mang những đặc điểm cơ bản của hợp đồng điện tử xét theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005, nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ blockchain thì dạng hợp đồng này là một phiên bản được nâng cấp của hợp đồng điện tử thông thường và về bản chất có sự khác biệt đối với hợp đồng điện tử với những ưu việt đến từ cơ chế vận hành theo cấu trúc câu lệnh If-Then, tính bảo mật cao do được thiết lập trên nền tảng phi tập chung và tính giám sát chặt chẽ bằng cơ chế đồng thuận.

Do đó, chúng tôi kiến nghị nên quy định khái niệm hợp đồng thông minh thành một điều luật trong Luật Giao dịch điện tử, trong một Chương riêng của Hợp đồng thông minh, và chương này sẽ ở ngay phía dưới Chương 4: Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử.

4. Kết luận

Thực tiễn hiện nay cho thấy việc ứng dụng hợp đồng thông minh vào các giao dịch đang ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn. Điều này làm nảy sinh những vấn đề pháp lý trên thực tế, sự hứa hẹn của năng lực thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhanh chóng của loại hợp đồng đang bị hạn chế bởi những vấn đề kỹ thuật của loại hợp đồng này, và trong nhiều trường hợp sẽ dẫn đến sự e ngại của các chủ thể trong xã hội trong việc áp dụng loại hợp đồng này bởi chưa có khung pháp lý để điều chỉnh loại hợp đồng này. Do đó, việc đặt ra quy định về khái niệm của hợp đồng thông minh trong pháp luật để đảm bảo có các chế tài thích hợp đối với việc ứng dụng loại hợp đồng này là cần thiết đối với pháp luật Việt Nam.

Cho đến thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có một quy định nào đưa ra khái niệm về hợp đồng thông minh mà chỉ có các quy định về việc hợp đồng có giá trị pháp lý khi đáp ứng đầy đủ những tiêu chí, điều kiện của một hợp đồng điện tử theo Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005 hay một giao dịch dân sự hợp pháp theo đúng quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015. Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, muốn một hợp đồng thông minh giá trị pháp lý, thì hợp đồng thông minh đó phải thỏa mãn điều kiện của một hợp đồng điện tử, bởi hiện nay chưa có bất kỳ định nghĩa nào về hợp đồng thông minh, nên hiện các hợp đồng thông minh muốn có giá trị pháp lý sẽ cần xác định theo hướng một hợp đồng điện tử và tuân thủ đúng các quy định về điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự cả về hình thức, chủ thể, mục đích và nội dung.

Tuy nhiên như đã phân tích ở các phần trên, về bản chất, hợp đồng thông minh và hợp đồng điện tử là hai khái niệm khác nhau. Khái niệm hợp đồng điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử 2005 hiện hành là loại hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu, trong đó, các bên tham gia thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ, đồng thời được lưu trữ trên các phương tiện điện tử. Còn hợp đồng thông minh là dạng hợp đồng được thiết lập trên nền tảng blockchain hoặc các nền tảng phi tập trung khác và có các tính năng ưu việt hơn hẳn hợp đồng điện tử như: tự động thực thi mà không cần bên thứ ba, tính bảo mật cao, khả năng lưu trữ thông tin vĩnh viễn lẫn việc gần như không thể bị phá vỡ hay vi phạm. Việc công nhận và luật hóa khái niệm hợp đồng thông minh là một điều rất quan trọng để xác lập và thực hiện nghĩa vụ của các bên đối với các quan hệ hợp đồng ngày càng phức tạp trong tương lai đặc biệt là trong kỷ nguyên AI, Metaverse.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Tài liệu Tiếng Việt

  1. Lê Thu Hằng, Lê Thị Thanh Tâm, “Blockchain – Bước đột phá cho ngành Logistics của Việt Nam”, Hội thảo khoa học quốc tế, NXB Hà Nội, 2018.
  2. Vũ Thị Thu Trang, Vũ Anh Thư, Nguyễn Thị Quỳnh Yến, “Sự phát triển của hợp đồng thông minh ở Việt Nam và một số vấn đề pháp lý đặt ra”, FTU Working Paper Series, 2022.
  3. Anastasia Mavridou and Aron Laszka, “Tool demonstration: Fsolidm for designing secure ethereum smart contracts”, International Conference on Principles of Security and Trust, Springer, 2018, p.270-277.

[1] Lưu Ánh Nguyệt, các cộng sự, “Xu hướng ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và những vấn đề đặt ra”, xem tại: https://nif.mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiettin?dDocName=MOFUCM236172 (truy cập ngày 29/10/2022).

[2] Vũ Thị Thu Trang, Vũ Anh Thư, Nguyễn Thị Quỳnh Yến, “Sự phát triển của hợp đồng thông minh ở Việt Nam và một số vấn đề pháp lý đặt ra”, FTU Working Paper Series, 2022.

[3] Nick Szabo, “Formalizing and Securing Relationship on Public Networks”, First Monday, 1997.

[4] Smart contracts: Fraud & manipulation in smart contracts, Westlaw.

[5] Nick Szabo, “Smart contract glossary”, Phonetic Sciences, Amsterdam, 1995.

[6] J I-Hsiao, “Smart contract on the blockchain-paradigm shift for contract law”, US-China Law Review, 2017.

[7] Daniel T. Stabile, Kimberly A. Prior, and Andrew M. Hinkes, Digital Assets and Blockchian and contract law”, The Cambridge handbook of smart contracts, blockchain technology and digital platforms. Cambridge University Press, Cambridge, 2019.

[8]  Larry A. DiMatteo, Michel Cannarsa, and Cristina Poncibò, “Smart contracts and contract law”, The

Cambridge handbook of smart contracts, blockchain technology and digital platforms. Cambridge University Press, Cambridge, 2019

[9] Vitalik Buterin, “DAOs, DACs, DAs and More: An Incomplete Terminology Guide,” ngày 06/5/2014, xem tại: https://blog.ethereum.org/2014/05/06/daos-dacs-das-and-more-an-incomplete-terminology-guide (truy cập ngày 29/10/2022).

[10]  Smart Contracts Alliance, “Smart Contracts: Is the Law Ready?” Chamber of Digital Commerce, 2018.

[11] LabCFTC, “A Primer on Smart Contracts”, Commodity Futures Trading Commission, ngày 27/11/2018, p. 4, xem tại: https://www.cftc.gov/sites/default/files/2018-11/LabCFTC_PrimerSmartContracts112718.pdf (truy cập ngày 29/10/2022).

[12] Một số quy định pháp luật của Mỹ liên quan đến công nghệ chuỗi khối Blockchain và tham khảo cho Việt Nam, Tạp chí điện tử pháp lý,  https://phaply.net.vn/mot-so-quy-dinh-phap-luat-cua-my-lien-quan-den-congnghe-chuoi-khoi-blockchain-va-tham-khao-cho-viet-nam-a255351.html, truy cập ngày 29/10/2022.

[13] Public Law 106-229, June 30, 2000.

[14] USA: Smart Contracts Definition and Legality, xem tại: https://neo-project.github.io/global-blockchaincompliance-hub//united-states-of-america/USA-smart-contracts.html (truy cập ngày 29/10/2022)

[15] Pháp luật về Hợp đồng điện tử tại một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam, xem tại:

https://phapluatquanly.vietnamhoinhap.vn/phap-luat-ve-hop-dong-dien-tu-tai-mot-so-nuoc-va-kinh-nghiem-choviet-nam-4311.htm (truy cập ngày 29/10/2022)

[16] Uniform Electronic Transactions Act (Unif. Law Comm’n 1999) – New York, Illinois and Washington have state-specific laws relating to the validity of electronic transactions.

[17] An Introduction to Smart Contracts and Their Potential and Inherent Limitations, xem tại:

https://corpgov.law.harvard.edu/2018/05/26/an-introduction-to-smart-contracts-and-their-potential-and-inherentlimitations/#10b (truy cập ngày 29/10/2022)

[18] Only in Arizona: How Smart Contract Clarity Is Winning Over Startups, xem tại:

https://www.coindesk.com/markets/2017/09/19/only-in-arizona-how-smart-contract-clarity-is-winning-overstartups/ (truy cập ngày 29/10/2022)

[19] Là “mô hình lập trình mà ở đó tất cả các xử lý nghiệp vụ (business logic) được thực hiện trong mã nguồn của chương trình. Luồng xử lý lúc runtime của chương trình sẽ được xác định dựa vào events.”, xem tại:

https://cppdeveloper.com/tutorial/lap-trinh-huong-su-kien-event-driven-programming-la-gi/ (truy cập ngày 29/10/2022)

[20] Arizona (HB2417 – Passed April 2017)

[21] “Malta Digital Innovation Authority Act”, Leġiżlazzjoni malta, xem tại:

https://legislation.mt/eli/cap/591/eng/pdf (truy cập ngày 29/10/2022)

[22] Jerry I-H Hsiao, “Smart contract on the Blockchain – paradigm shift for contract law”, US-China Law Review, 2017, p. 687. 23

[23] Deep Shift Technology Tipping Points and Societal Impact, World Economic Forum (Survey Report), tham khảo tại: https://www3.weforum.org/docs/WEF_GAC15_Technological_Tipping_Points_report_2015.pdf (truy cập ngày 29/10/2022).

[24] Lê Thanh Huyền, Pháp luật áp dụng đối với hợp đồng thông minh có yếu tố nước ngoài theo tư pháp quốc tế một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Khoa Luật Quốc tế ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh, 2022, tr. 19.

[25] Desen Kirli, et al., “Smart contracts in energy systems: A systematic review of fundamental approaches and implementations”, Renewable and Sustainable Energy Reviews, 2022.

[26] Ian Grigg, “The Ricardian Contract”, tháng 8/2014, xem tại: https://iang.org/papers/ricardian_contract.html (truy cập ngày 29/10/2022).

[27] Daniel T. Stabile, Kimberly A. Prior,  and Andrew M. Hinkes, Digital Assets and Blockchain Technology: US law and Regulation, Edward Elgar Publishing, 2020, p. 221.

[28] Lê Thu Hằng, Lê Thị Thanh Tâm, “Blockchain –  Bước đột phá cho ngành Logistics của Việt Nam”, Hội thảo khoa học quốc tế, NXB Hà Nội, 2018, tr.239.

Sebastián Peyrott, An Introduction To Ethereum And Smart Contracts, xem tại: https://assets.ctfassets.net/2ntc334xpx65/42fINJjatOKiG6qsQQAyc0/8b63e552f4cfef313f579b8e9c9154b5/intro
-to-ethereum.pdf (truy cập ngày 30/10/2022).

[29] Shuai Wang, et al., “Blockchain-enabled smart contracts: architecture, applications, and future trends”, IEEE Transactions on Systems, Man, and Cybernetics: Systems, 2019, 49.11, p.2266-2277.

[30] Anastasia Mavridou and Aron Laszka, “Tool demonstration: Fsolidm for designing secure ethereum smart contracts”, International Conference on Principles of Security and Trust, Springer, 2018, p.270-277. 34 Lê Thanh Huyền, Pháp luật áp dụng đối với hợp đồng thông minh có yếu tố nước ngoài theo tư pháp quốc tế một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Khoa Luật Quốc tế ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh, 2022.

[31] Daniel T. Stabile, Kimberly A. Prior, and Andrew M. Hinkes, Digital Assets and Blockchain Technology: US law and Regulation, Edward Elgar Publishing, 2020, p. 220.

Tìm kiếm thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên VNEconomics

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết mới nhất từ VNEconomics Academy

VNEconomics là một dự án với mục đích chia sẻ những tri thức hữu ích về Kinh tế – Nghiên cứu khoa học và Công nghệ, đặc biệt là những kiến thức về Blockchaintiền mã hóa (một lĩnh vực rất mới mẻ) tới đối tượng là các bạn sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và những cá nhân khác quan tâm tới những lĩnh vực này.

👉Tham gia cộng đồng của VNEconomics tại:
Website: https://vneconomics.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vneconomics/
Telegram: https://t.me/BlockchainDEco
Linked In: https://www.linkedin.com/company/vneconomics/
Twitter: https://twitter.com/ThanhTung78

- Quảng cáo -

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết và khóa học miễn phí​

Danh mục đầu tư của VNEs

Danh mục sản phẩm

Những nội dung hữu ích ngành Blockchain & Tiền mã hóa
Recent Posts