MARKETING 4.0 TRONG THỜI ĐẠI KỶ NGUYÊN SỐ
Trần Đình An
Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Email: tdan@ntt.edu.vn
Tóm tắt
Sự phát triển vượt bậc của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trên thế giới hiện nay, các doanh nghiệp đã lĩnh hội được rất nhiều thành tựu về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật của thời đại kỷ nguyên số – sự kết hợp giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, và đã làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị doanh nghiệp. Một trong những sự chuyển biến mạnh mẽ của các doanh nghiệp hiện nay là marketing kỹ thuật số (Digital Marketing). Marketing kỹ thuật số tiếp cận các thành tựu khoa học của nền tảng Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Marketing 4.0. Nó được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động marketing để quảng bá sản phẩm, dịch vụ cũng như thương hiệu nhằm phát triển khách hàng nhanh chóng cũng như tăng trưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bài viết đã tổng hợp các giai đoạn phát triển của marketing, phân tích các cơ hội, thách thức, các giải pháp chiến lược hiệu quả của Marketing 4.0 của các doanh nghiệp trong xu thế hội nhập cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 ngày nay.
Từ khóa: Doanh nghiệp, Khách hàng, Marketing, Marketing kỹ thuật số, Marketing 4.0.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu và một phần châu Á. Nó được nảy sinh từ sự kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Các yếu tố cốt lõi của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 này gồm các lĩnh vực chính như Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), Vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT), Dữ liệu lớn (Big data), Công nghệ in 3D, Xe tự hành, Vật liệu nano. So với các cuộc Cách mạng Công nghiệp trước đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư này đã chuyển đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị doanh nghiệp (Hưng, 2017). Trong đó, lĩnh vực marketing kỹ thuật số (digital marketing) có sự chuyển biến nổi bật hiện nay.
Theo Kepois – công ty chuyên tư vấn chiến lược marketing cho biết, tính đến tháng 08/2022, “WeAreSocial” (hay We Are Social) – trụ sở nghiên cứu Marketing Agency đặt tại New York (Mỹ) đã xuất bản đến 9 báo cáo về thị trường số đầy tiềm năng tại Việt Nam (Asiapac, 2022). Trong vài năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang tăng tốc vượt mục tiêu GDP của chính phủ mức 7% năm 2022. Điều này cho thấy được sức mạnh phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam mặc dù tình trạng đại dịch Covid 19 vẫn âm ĩ tiếp diễn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng sang thị trường Việt Nam và không lo ngại với những cơ hội marketing kỹ thuật số trong việc mở rộng kinh doanh vào thị trường mới này.
Một lợi thế lớn của Việt Nam là số người dùng internet chiếm đến 73,2% trong tổng số 98,56 triệu dân. Trong đó, 78,1% người dùng mạng xã hội năng động. Tuy tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam chưa trên mức bình quân so với các quốc gia Đông Nam Á nhưng số người sử dụng các thiết bị kỹ thuật số để tiếp cận internet hàng ngày rất đáng kể. Họ sử dụng thời gian bình quân 6 tiếng 38 phút mỗi ngày trên internet, xấp xỉ 3 tiếng xem truyền hình và 2 giờ 38 phút sử dụng mạng xã hội mỗi ngày. Theo nguồn tin này, cả hai hoạt động trên vẫn tiếp tục gia tăng +4,4% về xem truyền hình và +5,0% về sử dụng mạng xã hội. Điều này cho thấy rằng thế mạnh kỹ thuật số, đặc biệt là mạng xã hội đang dần dần trở thành một phần không thể thiếu của đời sống thường nhật của người Việt Nam. Nó mang đến sự tiếp cận thông tin nhanh chóng, sinh động, chi tiết,… thông qua internet và các thiết bị kỹ thuật số thông minh (máy tính, điện thoại thông minh, các phần mềm ứng dụng,…) gây chú ý đến người người xem. Từ đây, người sử dụng đã ứng dụng nhiều loại hình phương tiện truyền thông kỹ thuật số để gây sự chú ý đến khách hàng trong việc quảng cáo sản phẩm, quảng bá thương hiệu,… nhằm phát triển hoạt động kinh doanh của họ. Vì vậy, các chiến lược marketing kỹ thuật số (digital marketing) rất hiệu quả cho các doanh nghiệp trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay (Asiapac, 2022). Sự triển khai các chiến lược Marketing 4.0 trong thời đại kỷ nguyên số này để nâng cao sự tiếp cận khách hàng, gia tăng doanh số và phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là những cơ hội cũng như các vấn đề thách thức hiện nay.
2. CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA MARKETING
Sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã kéo theo sự thay đổi số với nhiều hoạt động hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị doanh nghiệp. Trong đó, lĩnh vực marketing kỹ thuật số – Marketing 4.0 có sự chuyển biến rất mạnh mẽ hiện nay, tạo nên một cuộc đua khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Tiếp cận với xu hướng Marketing 4.0 ngày một lớn mạnh và ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi người dùng cũng như cách thức vận hành và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, Marketing 4.0 có lịch sử phát triển qua từng giai đoạn Marketing 1.0, 2.0, 3.0 rồi đến 4.0 (Huê, 2021).
Hình 1: Các giai đoạn phát triển của marketinng
(Nguồn: Huê, 2021)
Marketing 1.0: Lấy sản phẩm làm trung tâm
Trong giai đoạn này, cung không đủ cầu, bán càng nhiều sản phẩm thì doanh thu và lợi nhuận càng nhiều, tương ứng với chi phí sản xuất thấp. Hoạt động marketing xoay quanh đến chiến lược 4P (Product – Sản phẩm, Price – Giá cả, Place – Phân phối và Promotion – Quảng bá, xúc tiến). Giai đoạn này, doanh nghiệp tập trung mạnh mẽ vào sản phẩm với các câu hỏi đề ra là: Làm sao để tạo ra được sản phẩm? Cách bán sản phẩm đó như thế nào?,… Mục tiêu của doanh nghiệp được đưa lên hàng đầu trong giai đoạn này là sản phẩm, người tiêu dùng không có sự lựa chọn nào về sản phẩm. Chẳng hạn như, chiến lược kiểu xe ô tô “T” của hãng Ford được thiết kế bởi Henry Ford tuyên bố rằng “Khách hàng thích xe sơn màu gì tùy ý miễn là màu đen” (theo Philip Kotler đã đúc kết khái niệm Marketing 1.0 dựa trên sự phát triển của lý thuyết Marketing và Thực hành trong nửa đầu của thế kỷ 20). Một số tác giả nghiên cứu học thuyết marketing còn gọi giai đoạn này là quản trị marketing định hướng sản xuất (Sơn, 2015).
Marketing 2.0: Lấy khách hàng làm trung tâm
Sự phát triển của công nghệ thông tin là khởi nguồn cho Marketing 2.0. Internet đã trở nên phổ biến nên việc tiếp cận thông tin về sản phẩm hay dịch vụ trở nên đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện và chi phí thấp. Khách hàng có thể tìm kiếm thông tin, so sánh và đánh giá về các sản phẩm và dịch vụ tương tự rất thuận tiện.
Khi cung vượt cầu, chủng loại và số lượng sản phẩm và dịch vụ trên thị trường nhiều, người tiêu dùng trở nên có sự lựa chọn và khó tính hơn. Khách hàng không chỉ dừng ở nhu cầu cơ bản mà còn đòi hỏi cả về mặt cảm xúc, sự nổi bật về thương hiệu, đáp ứng theo nhu cầu của cá nhân của họ. Các nhà marketing bắt đầu phải tìm cách tạo ra sự khác biệt sản phẩm hay dịch vụ của mình so với đối thủ để chiếm được sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ đó mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Đây là thời kỳ cạnh tranh về sự khác biệt trong định vị thương hiệu. Khách hàng mục tiêu đã được phân khúc và lựa chọn, toàn bộ hoạt động marketing sẽ được nâng cấp độ từ định vị, phát triển sản phẩm, định giá, phân phối đến truyền thông, từ chiến thuật lên tầm chiến lược.
Marketing 3.0: Lấy con người làm trung tâm
Ngoài đáp ứng nhu cầu cá nhân cho nhóm khách hàng mục tiêu (Marketing 2.0), sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng mà còn hướng đến sự tạo ra các giá trị tốt đẹp cho xã hội, có ý nghĩa tác động đến nhận thức, cảm xúc của con người, đến giá trị cuộc sống và các vấn đề của cộng đồng nơi họ đang sống.
Giai đoạn này, định vị thương hiệu dựa trên tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mang đến cho xã hội. Các hoạt động văn hóa xã hội, hoạt động phục vụ cộng đồng được chú trọng. Thực hiện marketing hướng đến việc làm cho thế giới được tốt đẹp hơn song song với việc đáp ứng nhu cầu khách hàng, sau cùng mới mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mình. Đây là thời kỳ nâng tầm vai trò của marketing trong chiến lược kinh doanh.
Marketing 4.0: Lấy con người làm trung tâm trong kỷ nguyên kỹ thuật số
Đây là phương pháp tiếp cận marketing kết nối giữa các tương tác trực tuyến và trực tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng. Sự kết hợp hai phương pháp kết nối giữa máy – máy và kết nối trực tiếp giữa người – người nhằm xây dựng thương hiệu và tăng cường sự gắn bó của khách hàng với doanh nghiệp.
Marketing 4.0 thúc đẩy chuyển dịch từ marketing 4P (Product – Sản phẩm, Price – Giá cả, Place – Phân phối và Promotion – Quảng bá, xúc tiến) sang marketing 4C (Co-creation – Đồng sáng tạo, Currency – Định giá linh hoạt, Community – Cộng đồng và Conversation – Thảo luận) như Philip Kotler trình bày vào 2017.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận Marketing 4.0 kết hợp máy tính, trí thông minh nhân tạo với các công nghệ ITC khác, thúc đẩy sự kết nối của con người với con người để cải thiện quá trình tương tác của khách hàng. Các công cụ hỗ trợ đắc lực chính cho thời kỳ Marketing 4.0 được lĩnh hội từ công nghệ số của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0:
- Internet of Things (vạn vật kết nối)
- Cloud (điện toán đám mây)
- Big Data (dữ liệu lớn)
- AI – Artificial Intelligence (trí tuệ nhân tạo)
- Automation (Tự động hóa)
Sự tiếp cận trên nền tảng số được giám sát, dẫn dắt khách hàng đi từ nhận biết sản phẩm, thương hiệu đến ủng hộ doanh nghiệp cùng với xu hướng phát triển của công nghệ số. Sự thích nghi của các doanh nghiệp với sự thay đổi của hành vi khách hàng trong nền kinh tế số là yếu tố được đề cập nhiều trong giai đoạn này.
3. MARKETING 4.0, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Với sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng internet của thời kỳ công nghệ số hiện nay, mọi thông tin đều minh bạch và dễ dàng tiếp cận trên internet, nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn đã xuất hiện ở cả cấp độ công ty và cấp độ người tiêu dùng.
3.1. Cơ hội từ Marketing 4.0
Marketing 4.0 lấy con người làm trung tâm trong sự phát triển, các nội dung và hình thức của thời kỳ này cũng được mở rộng, kéo theo sự thay đổi trong nhiều lĩnh vực liên quan khác như Thương hiệu (Branding), Truyền thông (Communication), Thiết kế (Design), Marketing kỹ thuật số (Digital marketing),… để xây dựng và hỗ trợ sự hoàn thiện sản phẩm hay dịch vụ cung cấp cho thị trường. Thay vì chỉ truyền thông một chiều để cung cấp sản phẩm hay dịch vụ thì các cuộc hội thoại đa chiều xuất hiện để cùng nhau xây dựng, thảo luận,… về cùng các vấn đề trong thế giới số thông qua trao đổi và bình luận trên nền tảng số như Facebook, Blog,… để hoàn thiện cho việc cung cấp sản phẩm hay dịch vụ của mình.
Trên nền tảng Marketing 4.0, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có nhiều cơ hội để tiếp thị sản phẩm và dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp như xây dựng được các nội dung hữu hiệu, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, ứng dụng công nghệ số trong việc thu thập dữ liệu thông tin về khách hàng, ứng dụng “Truyền thông sở hữu” (Owned Media) chủ động tìm kiếm và thu hút khách hàng, chi phí thấp, hiệu quả cao, đo lường và đánh giá được hiệu quả của marketing.
3.1.1. Xây dựng được nội dung hữu hiệu
Nội dung trong marketing tạo ra thông điệp vừa mang tính cá nhân, vừa cộng hưởng được với các vòng kết nối xung quanh người dùng. Từ đó, chúng ta hiểu rõ đặc điểm và tính chất của từng nhóm đối tượng, đánh trúng nhu cầu hay tâm lý của người tiêu dùng giúp các doanh nghiệp đứng vững trước cơn sóng thông tin và tìm ra được hướng đi phù hợp và hiệu quả cho doanh nghiệp.
3.1.2. Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội
Các doanh nghiệp có cơ hội xây dựng cho mình thương hiệu được ghi dấu ấn trong trái tim của khách hàng, tạo niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu và sự cống hiến cho cộng đồng thông qua các hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
3.1.3. Thu thập dữ liệu thông tin khách hàng
Nhờ ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp thu thập được dữ liệu thông tin về khách hàng, giúp xác định rõ được phân khúc khách hàng, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Marketing kỹ thuật số hỗ trợ cho doanh nghiệp với nhiều công cụ để ứng dụng khác nhau như Website, Email Marketing và Mobile Marketing,… Trên cơ sở các công cụ này, doanh nghiệp biết được các phân khúc khách hàng khác nhau. Từ đó, doanh nghiệp có nhiều thông tin dữ liệu về đặc tính riêng của các nhóm khách hàng để nghiên cứu và đưa ra các chiến lược thích hợp.
3.1.4. Ứng dụng “Truyền thông sở hữu” (Owned Media)
“Truyền thông sở hữu” là một trang web, blog, fanpage, … mà công ty có quyền kiểm soát. Họ sử dụng công nghệ số để thực hiện việc marketing, mang được nhiều ưu điểm về sự kiểm soát, độ lâu bền, tính linh hoạt và tiết kiệm chi phí.
- Doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát các nội dung được đăng tải qua kênh Owned Media vì nó thuộc toàn quyền sở hữu của họ, kiểm soát được các nội dung đăng tải cũng như quản lý được chất lượng nội dung.
- Các nội dung đăng tải không bị mất đi theo thời gian, giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý và lưu trữ các nội dung quan trọng hay hiệu quả để tiếp tục sử dụng được lâu bền trong tương lai.
- Với Owned Media, việc đăng tải các nội dung quảng cáo hoàn toàn linh hoạt thông qua nhiều dạng và nhiều hình thức khác nhau so với sử dụng truyền thông trả phí “Paid Media” – chỉ có thể lựa chọn linh hoạt một số hình thức nhất định.
- Owned Media được xem là cách quảng cáo rất tiết kiệm, miễn phí sử dụng nhưng vẫn có thể mang lại hiệu quả cao.
3.1.5. Chủ động tìm kiếm và thu hút khách hàng
Với ứng dụng các công cụ Marketing 4.0 hiện nay cho phép doanh nghiệp kết nối và tương tác với khách hàng tiềm năng. Nhờ đó, giúp doanh nghiệp hiểu rõ được người dùng hơn và đưa ra chiến lược chăm sóc khách hàng phù hợp, tạo dựng được lòng tin và sự trung thành của khách hàng với thương hiệu. Ngoài ra, các công cụ marketing kỹ thuật số cho phép doanh nghiệp dễ dàng kết nối và tương tác với khách hàng tiềm năng.
3.1.6. Chi phí thấp, hiệu quả cao
So với marketing truyền thống, Marketing 4.0 tiết kiệm được tối đa chi phí. Doanh nghiệp không cần tốn tiền để thuê mặt bằng, kho bãi,… mà vẫn mang lại được hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Các công cụ Marketing 4.0 có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận được khách hàng mà không tốn quá nhiều thời gian và không gian, góp phần thúc đẩy được doanh số của doanh nghiệp. Đây là một lựa chọn không thể thiếu cho các doanh nghiệp thực hiện marketing trong thời đại công nghệ số.
3.1.7. Đo lường và đánh giá được hiệu quả marketing của doanh nghiệp
Với sự thông minh và hiện đại từ các công cụ, nền tảng hỗ trợ, Marketing 4.0 giúp doanh nghiệp dễ dàng thống kê, theo dõi và đánh giá được hiệu quả marketing theo từng chu kỳ mong muốn như từng giờ, từng ngày,… Từ đó, có thể giúp doanh nghiệp phân tích và điều chỉnh chiến lược marketing 4.0 phù hợp. Chẳng hạn như thông qua sự đo lường và đánh giá chất lượng phễu marketing trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sử dụng các chỉ tiêu đo lường như tỷ lệ nhấp chuột, tỷ lệ đăng ký và tỷ lệ gửi mail để nắm bắt mức độ khách hàng từng giai đoạn nhằm có giải pháp điều chỉnh cải thiện tỷ lệ chuyển đổi các bước của khách hàng trong hệ thống mô hình phễu marketing của doanh nghiệp nhằm gia tăng khách hàng và hiệu quả bán hàng (An, 2019).
3.2. Thách thức với Marketing 4.0
Mặc dù có nhiều cơ hội về Marketing 4.0 cho doanh nghiệp, tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chậm đổi mới.
- Từ những nền tảng internet phát triển mạnh mẽ, truyền thông trực tuyến đã làm cho con người gần gũi hơn. Con người có thể tiếp cận nhau dễ dàng và nhanh chóng thông qua các kênh truyền thông mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram,… Họ tiếp cận sự bình luận từ người tiêu dùng hay khách hàng. Vì thế, các rào cản về địa lý và nhân khẩu học bị phá vỡ. Doanh nghiệp cần phải thay đổi suy nghĩ vượt qua “hộp tư duy” và tìm nguồn cảm hứng từ các nguồn bên ngoài, đặc biệt là từ người tiêu dùng và thị trường.
- Với các bài đăng trên các mạng xã hội, trên các kênh Youtube, Twitter, Facebook,… các bình luận trên các kênh bán hàng online, người tiêu dùng bị ảnh hưởng lớn từ các yếu tố bên ngoài như các bài đăng, các bài bình luận, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Ngoài ra, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt hơn vì doanh nghiệp không phải hiện hữu duy nhất trên thị trường.
- Các thuật toán được sử dụng trong mạng xã hội để kiểm soát cơ chế hiển thị thông tin đã làm cho thương hiệu gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn tiếp cận đến công chúng. Một trong những yếu tố đòi hỏi người làm marketing là phải có sự hiểu biết về công nghệ và xu hướng của nó.
- Với một môi trường tương tác trực tuyến rầm rộ hiện nay, đặc biệt là từ sau đại dịch Covid-19, việc mua sắm sản phẩm hoặc một dịch vụ không còn là vấn đề cá nhân nữa mà nó trở thành một vấn đề xã hội. Marketing 4.0 đã làm cho khách hàng hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên thông tin mà họ tiếp nhận như quy cách, hình dáng sản phẩm, các bình luận của khách hàng nên sự cạnh tranh với các nhà cung cấp khác càng gay go hơn.
Nhiều thách thức trong Marketing 4.0 đã khiến các nhà làm marketing phải nghiên cứu các phương thức tiếp cận mới cũng như chiến lược xây dựng nội dung nhằm thuyết phục khách hàng mục tiêu tiếp cận với thương hiệu của doanh nghiệp.
4. GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC CỦA MARKETING 4.0 HIỆU QUẢ
Chiến lược Marketing 4.0 là một kế hoạch tổng thể giúp doanh nghiệp hành động, có thể đạt được mục tiêu về doanh số, tiếp cận được người tiêu dùng nhiều hơn thông qua các kênh trực tuyến nhằm chuyển đổi họ trở thành khách hàng tiềm năng sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp (Gosell, 2021).
4.1. Dịch chuyển chiến lược marketing trong thời kỳ kỷ nguyên số 4.0
Chuyển đổi số 4.0 hiện nay được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số hóa bằng cách ứng dụng các công nghệ hiện đại của thời đại kỷ nguyên số – Cách mạng Công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, điện toán đám mây,… Các doanh nghiệp thay đổi cách thức điều hành, quy trình làm việc, văn hóa trong doanh nghiệp,… (Hưng, 2017) và được xem là điều bắt buộc phải thực hiện để thích ứng với thời đại số 4.0. Sự chuyển dịch chiến lược marketing trong thời đại số liên quan đến khách hàng, nhân viên, đối tác và cổ đông, khả năng kết nối internet và các mô hình trong hoạt động marketing.
4.1.1. Đối với khách hàng
Doanh nghiệp cần nắm bắt tư duy của khách hàng để xây dựng các nội dung khiến khách hàng cảm thấy sự khác biệt với các doanh nghiệp khác thông qua các website, blog,… nhằm trao đổi, tư vấn, khai thác mục tiêu của khách hàng, khiến khách hàng thay đổi ý định và hành động theo chiến lược của doanh nghiệp.
4.1.2. Đối với nhân viên
Nhân viên cần được xem và đối xử như một trong những khách hàng quan trọng nhất của công ty. Họ là người biết rõ nhất về công ty, thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ và phải được trao quyền với các giá trị quan trọng nhất của doanh nghiệp. Yếu tố này xây dựng mối quan hệ lâu dài giữa doanh nghiệp với nhân viên.
4.1.3. Đối với đối tác và cổ đông
Liên kết quan trọng trong chuỗi marketing là các đối tác kênh như cơ quan công quyền, công ty, người tiêu dùng và nhân viên. Trong Marketing 4.0, các đối tác kênh nên được lựa chọn cẩn thận theo nguyên tắc: Mục đích – Nhận dạng – Giá trị trong marketing.
Tầm nhìn chính diễn biến của Marketing 4.0 cho các cổ đông là làm cho họ nhận thức được những thay đổi diễn tiến trên thị trường kinh doanh, những thay đổi diễn ra trong cuộc sống và hành vi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đưa ra bằng chứng rằng việc thực hành các hoạt động bền vững sẽ mang lại lợi nhuận cho cổ đông và cho doanh nghiệp. Từ đó, họ sẽ kết nối với các cổ đông, các đối tác đầu tư tốt hơn và lâu dài hơn nhằm tối ưu được nguồn lực kinh tế và đẩy mạnh các kết nối với người tiêu dùng.
4.1.4. Đối với khả năng kết nối internet và sự chuyển dịch các mô hình
- Khả năng kết nối: Sự kết nối internet, kết nối trải nghiệm của khách hàng giữa “online” và “offline”, kết nối giữa người với người đang có xu hướng chuyển đổi từ mua hàng truyền thống (offline) sang mua hàng trực tuyến trên internet (online) tăng lên một cách đáng kể.
- Sự chuyển dịch từ mô hình 4P (Product – Sản phẩm, Price – Giá, Place – Phân phối, Promotion – Quảng bá, xúc tiến) truyền thống sang mô hình 4C (Co-creation – Đồng sáng tạo, Currency – Tiền tệ, Community – Kích hoạt cộng đồng, Conversation – Trò chuyện).
- Mô hình hành vi của người tiêu dùng trước đây là mô hình hành vi AIDA (Attention – Chú ý, Interest – Quan tâm, Desire – Mong muốn và Action – Hành động); sau đó phát triển thành mô hình 4A và vẫn dạng hình phễu (Aware – Nhận biết, Attitude – Thái độ, Act – Hành động và Act again – Lặp lại hành động); rồi chuyển sang mô hình 5A ở giai đoạn Marketing 4.0 (Awareness – Nhận biết, Appeal – Thu hút, Ask – Tìm hiểu, Action – Hành động, Advocate – Ủng hộ). Mô hình 5A dạng “tay nắm cửa” (Hình 2) thường dùng trong ngành đóng gói, dạng “cá vàng” thường dùng trong ngành kinh doanh B2B.
Hình 2: Mô hình 5A dạng tay nắm cửa (Door Knob)
(Nguồn: Nguyên, 2021)
Các chỉ số đo lường hiệu quả marketing chính trong Marketing 4.0 bao gồm PAR (Purchase Action Ratio: Tỷ lệ nhận biết đến mua hàng) và BAR (Brand Advocacy Ratio: Tỷ lệ hành vi mua hàng và tỷ lệ ủng hộ thương hiệu). Các chỉ số này thể hiện kết quả hoạt động kinh doanh rõ ràng và phương pháp đo lường cũng rất đơn giản.
4.2. Một số chiến lược Marketing kỹ thuật số hiệu quả
Về marketing kỹ thuật số thì có nhiều kênh tiếp thị khác nhau như Social Media (Truyền thông mạng xã hội), SEO Marketing (Tiếp thị qua việc tối ưu công cụ tìm kiếm), Tiếp thị nội dung Content Marketing (Tiếp thị nội dung), Google Ads (Quảng cáo Google), Email Marketing (Tiếp thị email), Article (bài viết tiếp thị)… Một số chiến lược marketing được các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất hiện nay:
4.2.1. Social Media (Truyền thông mạng xã hội)
Hiện nay, truyền thông mạng xã hội được sử dụng rộng rãi để giao tiếp, chia sẻ nhiều thông tin trên nền tảng internet thông qua lời viết, hình ảnh, video, đàm thoại,… Social Media cho phép người dùng có thể trao đổi, tương tác với nhau qua các kênh truyền thông mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Twitter,… Nguồn dữ liệu thống kê được từ các kênh mạng xã hội giúp người làm marketing có thể đo lường được thông tin về nhân khẩu học, sở thích, ý định, hành vi của khách hàng,… Trên cơ sở dữ liệu này, doanh nghiệp có thể đưa ra nhiều chiến dịch phù hợp và tiếp cận đúng với đối tượng khách hàng hướng đến.
Truyền thông mạng xã hội là một chiến lược marketing kỹ thuật số linh hoạt ứng dụng, từ đơn giản đến phức tạp, tùy theo quy mô và loại hình kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu trên các kênh truyền thông xã hội, có thể lan tỏa đến nhiều người một cách nhanh chóng. Vì thế, người dùng có thể tìm kiếm những thông tin về thương hiệu, về sản phẩm hay dịch vụ có nhu cầu trên Google, đồng thời Google cũng đánh giá cao và nhận diện được thương hiệu.
4.2.2. Content Marketing (Tiếp thị nội dung)
Tiếp thị nội dung là một hoạt động không thể thiếu đối với cả kinh doanh trực tiếp (offline) và trực tuyến (online) của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể dùng chiến lược này để cung cấp những thông tin hữu ích, các chương trình khuyến mãi, đánh vào tâm lý của khách hàng,… Bên cạnh đó, chiến lược nội dung còn có thể xây dựng được lòng tin của khách hàng với thương hiệu của doanh nghiệp nhằm mục đích thu hút và giữ chân khách hàng.
4.2.3. SEO – Search Engine Optimization (Tiếp thị qua việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm)
Website của doanh nghiệp được đưa lên vị trí thứ hạng cao, top 10 (trang đầu) trên kết quả của công cụ tìm kiếm, phổ biến nhất là trang tìm kiếm Google, Bing, Cốc Cốc,… thì mang lại hiệu quả cao cho hoạt động marketing của doanh nghiệp. Đây là sự tối ưu hóa website và xây dựng các liên kết đến trang để các công cụ tìm kiếm ứng với một từ khóa cụ thể, một lượng lớn đường dẫn đổ về website. SEO là một chiến lược marketing kỹ thuật số cần thiết giúp doanh nghiệp thể tìm được một lượng lớn khách hàng để thúc đẩy doanh số và lợi nhuận. Người dùng thường tìm kiếm thông tin về dịch vụ, sản phẩm hoặc cần giải đáp về vấn đề gặp phải nên việc tối ưu hóa nội dung website thì cần nghiên cứu từ khóa tốt để được khách hàng tìm kiếm tương tác nhiều hơn (Chung, 2022).
4.2.4. Google Ads (Quảng cáo Google)
Quảng cáo Google mang lại hiệu quả nhanh chóng và cao hơn so với các marketing khác. Để thực hiện được chiến lược marketing kỹ thuật số này, doanh nghiệp phải nghiên cứu thật kỹ khách hàng mục tiêu, ngân sách, lĩnh vực kinh doanh để tối ưu hóa việc ngân sách.
5. KẾT LUẬN
Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay đã làm thay đổi hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị doanh nghiệp. Marketing kỹ thuật số cũng thay đổi theo một cách khác biệt. Sự chuyển dịch từ dạng marketing truyền thống như quảng cáo trên TV, radio, biển quảng cáo, pano, áp phích, cửa hàng trưng bày sản phẩm sang marketing kỹ thuật số. Lúc này, doanh nghiệp có thể tìm kiếm nhiều giải pháp giao tiếp khách hàng thông qua nhiều kênh như website, tin nhắn di động, mạng xã hội, email,… thông qua một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh. Nhiều công cụ marketing mới xuất hiện để đáp ứng với khả năng tiếp cận khách hàng ngày càng cao hơn, lan tỏa thông điệp mạnh mẽ hơn và tăng mức độ tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Marketing kỹ thuật số không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp mà còn cho cả khách hàng song hành với sự phát triển của nền của các mạng công nghiệp 4.0. Marketing 4.0 đã giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh chóng và hiệu quả hơn từ một nguồn dữ liệu lớn được thu thập trên Internet, doanh nghiệp có thể giảm bớt đáng kể số lượng nhân viên bán hàng, giảm thiểu các quy trình phức tạp nhưng vẫn tối đa được doanh thu. Bên cạnh đó, mọi sản phẩm và dịch vụ đều được chi tiết, cụ thể hóa bằng các hình ảnh mô tả trên internet, khách hàng có thể không cần phải trực tiếp tìm đến sản phẩm mà có thể thông qua sự tư vấn online từ các nhân viên mỗi khi khách hàng có nhu cầu, bất kể thời gian địa điểm nào, làm tăng trải nghiệm khách hàng. Không những thế, các thông tin không chỉ đến được với khách hàng trong nước mà còn có thể quảng bá sản phẩm đến toàn cầu, đưa sản phẩm của doanh nghiệp vượt xa biên giới, đẩy mạnh tối đa doanh thu cho doanh nghiệp.
Tiếp cận chiến lược Marketing 4.0, doanh nghiệp cần phải ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động như tạo sự nhận biết về doanh nghiệp và sản phẩm cho khách hàng, tạo sự quan tâm đến khách hàng, tạo sự thích thú cho khách hàng, hướng cho khách hàng đánh giá sản phẩm và tạo lòng tin cho khách hàng thông qua các thiết bị số (máy tính, điện thoại thông minh, các phần mềm ứng dụng…).
Mặt khác, với chương trình hỗ trợ đào tạo miễn phí về nền tảng thương mại điện tử trong thời đại số cho 500.000 người kinh doanh Việt Nam, Google đã sáng kiến đưa ra chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực kỹ năng số trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đào tạo kỹ năng marketing kỹ thuật số, lập kế hoạch quản lý kinh doanh bán hàng, phân tích và xây dựng thương hiệu. Chương trình này đã khởi động từ tháng 8/2018, đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (kênh VTV1, 15/08/2019). Đây là một trong những hoạt động đóng góp cho sự phát triển Marketing 4.0 mạnh mẽ ở Việt Nam trong thời kỳ công nghệ số hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Sách, tạp chí
An, T.D. (2019). Marketing kỹ thuật số và bán hàng trực tuyến trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Kỷ yếu hội thảo khoa QTKD, Đại học Nguyễn Tất Thành.
Heini M.T. & Heikki K. (2015). The usage of digital marketing channels in SMEs. Journal of Small Business and Enterprise Development.
Hưng, N.D. (2017). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề đặt ra với giáo
dục Việt Nam. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
Olivia P.C. et al. (2019). Digital Sensory Marketing: Integrating New TechnologiesInto Multisensory. Journal of Interactive Marketing.
P.K. Kannan & Hongshuang (2017). Digital marketing: A framework, review and research agenda. International Journal of Research in Marketing.
Peter. C & Ngoc.N.T.N (2018). Thói quen sử dụng truyền thông của người tiêu dùng hiệu quả. Kantar Worldpanel Vietnam.
Tau, H.B. (2018). Internet Marketing. SuccessOcean.
Thọ, Lưu Đan (2015). Marketing hiện đại. Nhà xuất bản Tài chính.
Yakup D. & Ibrahim H.E. (2016). Travel from Traditional Marketing to Digital Marketing. Global Journal of Management and Business.
- Internet
Asiapac. (2022). Việt Nam Digital Marketing 2022. Truy cập ngày 29/09/2022 tại: https://www.asiapacdigital.com/vn/digital-marketing-insight/vietnam-digital-marketing-2022
Chung V.D. (2022). Báo cáo Digital Marketing và Social Media 2022: Thống kê thị trường digital tại Việt Nam 5 năm gần nhất. Truy cập ngày 22/08/2022 tại: https://ychoc.com/seo-marketing/bao-cao-thong-ke-thi-truong-digital-tai-viet-nam/
Gosell. (2021). Chiến lược chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Truy cập ngày 08/11/2021 tại: https://www.gosell.vn/blog/chien-luoc-chuyen-doi-so-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0/
Huê L.T. (2021). 3 Xu hướng Marketing hiện đại trong thời đại công nghệ số 4.0. Truy cập ngày 17/06/2021 tại: https://eaut.edu.vn/tin-tuc/3-xu-huong-marketing-hien-dai-trong-thoi-dai-cong-nghe-so-4-0/
Nguyên, T.N. (2021). Marketing 4.0 là gì? Doanh nghiệp của bạn cần dịch chuyển thế nào? Truy cập ngày 15/05/2021 tại: https://gobranding.com.vn/marketing-40-la-gi/
Sơn P.H. (2015). PR – Marketing trong kỷ nguyên số. Truy cập ngày 09/09/2015 tại: https://acman.vn/pr-marketing-trong-ky-nguyen.html