Nền kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ số

[QC]

Mục lục

NỀN KINH TẾ CHIA SẺ DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ SỐ

Trương Anh Quốc1

Huỳnh Văn Triệu Vỹ2

1,2 Khoa Quản trị kinh doanh – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

E-mail: taquoc@ntt.edu.vn1 – hvtvy@ntt.edu.vn2

Tóm tắt: Nền kinh tế chia sẻ đã làm đang thay đổi hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Đây là mô hình kinh doanh mới đem lại những lợi ích to lớn cho cá nhân và tổ chức. Nền kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ số đã làm thay đổi hoạt động kinh doanh trong không gian kỹ thuật số của tổ chức. Với sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ cho thấy đây là xu hướng kinh doanh sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đi đôi với sự phát triển vược bật của công nghệ số. Nghiên cứu này này tập trung làm rõ một số mô hình của nền kinh tế chia sẻ, hệ sinh thái của nền kinh tế chia sẻ cũng như vai trò và lợi ích của nó đối với cá nhân cũng như tổ chức dựa trên nền tảng công nghệ số.

Từ khóa: Nền kinh tế chia sẻ, công nghệ số, nền tảng công nghệ số.

1. Giới thiệu

Hoạt động chia sẻ hay kinh tế chia sẻ không phải là mới, hệ thống trao đổi hàng hóa và lối sống cộng đồng có lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” dựa trên nền tảng công nghệ số là vấn đề mà các doanh nghiệp rất quan tâm. Vai trò của công nghệ kỹ thuật số cũng như sự thành công trên thị trường của các doanh nghiệp dựa trên kinh tế chia sẻ, cũng như tương lai xã hội của các mạng cộng tác, thường gắn liền với công nghệ mà chúng vận hành. Sự phát triển của các doanh nghiệp nền tảng đã được thúc đẩy bởi internet và công nghệ di động, cũng như những tiến bộ nhanh chóng trong phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (Blockchain) cùng với việc thay đổi sở thích và mô hình tiêu dùng của người tiêu dùng. Các mô hình kinh doanh nền tảng nói chung và nền kinh tế chia sẻ nói riêng đã tạo ra các ngành công nghiệp phi trung gian và tạo điều kiện cho mọi người giao dịch trực tiếp với nhau bằng cách kết nối các cá nhân theo những cách chưa từng có (Caldieraro và cộng sự, 2018). Nền kinh tế chia sẻ góp phần thúc đẩy tiêu dùng bền vững hơn bằng cách tạo điều kiện tiếp cận hàng hóa thay vì quyền sở hữu, cũng như mang lại các lợi ích kinh tế và xã hội khác (Laukkanen và Tura, 2020).

2. Tổng quan lý thuyết

2.1. Nền kinh tế chia sẻ

Nền kinh tế chia sẻ là một thuật ngữ chung cho rất nhiều mô hình tổ chức, nơi hàng hóa và dịch vụ được chia sẻ, trao đổi, thuê hoặc cho thuê và các hình thức chia sẻ mới giữa những người xa lạ nhờ công nghệ kỹ thuật số đang nổi lên (Frenken và Schor, 2017). Mô hình của nền kinh tế chia sẻ đã phát triển trong hơn một thập kỷ (Zvolska và cộng sự, 2019), đặc biệt được thúc đẩy bởi tốc độ số hóa và sự thâm nhập nhanh chóng của điện thoại thông minh, các nền tảng kinh tế chia sẻ đã và đang chuyển đổi hệ thống sản xuất và tiêu dùng trên khắp thế giới (Zvolska và cộng sự, 2018).

Nền kinh tế chia sẻ được định nghĩa là một hoạt động ngang hàng thông qua đó có thể cho, nhận và chia sẻ quyền truy cập vào hàng hóa và dịch vụ bằng cách điều phối việc mua và phân phối tài nguyên (Li và cộng sự, 2021). Trong mô hình kinh tế này, quyền tiếp cận hàng hóa, dịch vụ, kiến thức, không gian và các tài sản khác có thể được chia sẻ thay vì sở hữu. Trong những năm gần đây, nhiều công ty đã bị thu hút tham gia vào nền kinh tế chia sẻ để gặt hái những lợi ích kinh tế và một số trong số họ đang ngày càng trở nên nổi bật trong lĩnh vực hoạt động của họ. Với thành công đáng kể của nền kinh tế chia sẻ, ngày càng có nhiều người tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này. Do đó, phương thức tiêu dùng của mọi người đang chuyển đổi từ sở hữu sang chia sẻ (Li và cộng sự, 2021).

Nền kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế xã hội có thể mở rộng sử dụng các nền tảng hỗ trợ công nghệ cung cấp cho người dùng quyền truy cập tạm thời vào các tài nguyên hữu hình và vô hình có thể được huy động từ cộng đồng (Eckhardt và cộng sự, 2019). Nền kinh tế chia sẻ được xây dựng trên nền tảng kinh tế công nghệ số, trong đó dữ liệu thúc đẩy trao đổi và tạo ra giá trị theo cách chưa từng có. Lợi ích của nền kinh tế chia sẻ là sử dụng các tài nguyên chưa được sử dụng, tối đa hóa việc sử dụng các tài nguyên và tác động đến việc giảm giá hàng hóa và dịch vụ. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud computing), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain) cho phép nền kinh tế chia sẻ phân bổ nguồn lực tối ưu bằng cách kết nối cung và cầu một cách hiệu quả. Nền kinh tế chia sẻ có thể nhanh chóng tích hợp tất cả các loại tài nguyên phân tán và nhàn rỗi, định vị chính xác các nhu cầu đa dạng, đạt được sự kết hợp nhanh chóng giữa cung và cầu và giảm đáng kể chi phí giao dịch. Các mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm các mô hình thương mại hoặc phi thương mại dựa trên mục đích chia sẻ (Laukkanen và Tura, 2020), chia sẻ hàng hóa vật chất và cung cấp dịch vụ dựa trên các tài nguyên được chia sẻ và mô hình ngang hàng, mô hình B2C và mô hình B2B dựa trên các tác nhân trong nền kinh tế chia sẻ (Laukkanen và Tura, 2020). Thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” thường được sử dụng để mô tả giao dịch ngang hàng (Dolnicar, 2019) và việc chia sẻ hàng hóa và dịch vụ chưa được sử dụng đúng mức thông qua các nền tảng trực tuyến mà không cần chuyển quyền sở hữu (Schlagwein và cộng sự, 2020).

2.2. Nền tảng công nghệ số

Các nền tảng công nghệ số là một tập hợp các tài nguyên kỹ thuật số, là những dịch vụ hoặc nội dung, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác giữa những người tham gia (Constantinides và cộng sự, 2018). Bản chất của nền tảng phụ thuộc vào loại nhiệm vụ mà những người tham gia đang thực hiện (Jacobides và cộng sự, 2018). Theo Spagnoletti và cộng sự, (2015) nền tảng kỹ thuật số là một khối xây dựng cung cấp chức năng thiết yếu cho hệ thống công nghệ và đóng vai trò là nền tảng để phát triển các sản phẩm, công nghệ hoặc dịch vụ bổ sung. Các nghiên cứu khác đã khái niệm hóa các nền tảng kỹ thuật số dựa trên quan điểm phi kỹ thuật là các nền tảng như một mạng lưới thương mại hoặc thị trường cho phép giao dịch dưới hình thức doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp với khách hàng (B2C) hoặc giữa khách hàng với khách hàng (C2C) (Tan và cộng sự, 2015).

Các nền tảng kỹ thuật số giữ vị trí trung tâm trong mô hình kinh doanh của các công ty lớn trên thế giới. Bốn trong số các công ty lớn nhất thế giới về giá trị thị trường đến năm 2018 là Microsoft, Apple, Amazon và Alphabet, tất cả đều là các công ty nền tảng (Cusumano et al., 2019). Nếu tính thêm ba nền tảng dẫn đầu khác là Facebook, Tencent và Alibaba, bảy công ty này đại diện cho gần 5 nghìn tỷ đô la giá trị thị trường và được báo cáo là chiếm 2/3 tổng giá trị thị trường của 70 nền tảng kỹ thuật số lớn nhất thế giới vào năm 2018 (UNCTAD, 2019).

Các nền tảng kỹ thuật số đã trở thành một phương thức chính để tổ chức nhiều hoạt động của con người, bao gồm các tương tác kinh tế, xã hội và chính trị (Tan và cộng sự, 2015). Đặc biệt, sự gia tăng của các nền tảng kỹ thuật số đã làm thay đổi cục diện của nhiều ngành như vận tải (Uber, Grab), khách sạn (Airbnb, CouchSurfing) và phát triển phần mềm (Apple iOS, Google android). Các doanh nghiệp đã tận dụng khả năng chi trả của các nền tảng kỹ thuật số đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể về quy mô và quy mô. Chẳng hạn, các nhà cung cấp nền tảng kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử và phát triển phần mềm đã đạt được giá trị thị trường hơn 700 tỷ USD (Evans và Gawer, 2016). Do đó, các nền tảng kỹ thuật số đã trở thành một mô hình và chiến lược kinh doanh hấp dẫn, đồng thời là động lực tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn cho một số lĩnh vực.

3. Đặc điểm của nền tảng kinh tế chia sẻ

Nền kinh tế chia sẻ là không hoàn toàn mới, tuy nhiên với sự phát triển của các công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là internet và điện thoại thông minh đã cho phép các nền tảng kinh tế chia sẻ mở rộng để tạo ra một số lượng lớn người dùng. Các doanh nghiệp vận hành các nền tảng như vậy đóng vai trò trung gian hoặc mai mối giúp họ giảm thiểu rủi ro, tạo dựng niềm tin giữa những người tham gia và giảm chi phí giao dịch cho người dùng của họ. Ví dụ, Lyft kết nối những người có nhu cầu đi nhờ xe với những tài xế sẵn sàng chở họ trên những chiếc ô tô thuộc sở hữu tư nhân của họ. Giao dịch giữa hai bên do Lyft làm trung gian có tính phí và Lyft sàng lọc các tài xế và xe của họ, vận hành hệ thống đánh giá ngang hàng giữa các hành khách và tài xế. Các thuật toán được tạo ra giúp tìm kiếm bằng cách giúp dễ dàng kết nối tài xế và hành khách. Tương tự như vậy, hệ thống ngang hàng của Lyft, nơi người lái xe và người đi xe đánh giá lẫn nhau, hạ thấp các rào cản đối với giao dịch.

Đọc thêm:  Xu hướng của hành vi tiêu dùng xanh và đề xuất giải pháp nâng cao hành vi tiêu dùng xanh tại Việt Nam

“Chia sẻ” không phải là mới, nhưng vì việc chia sẻ được thực hiện thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Các nền tảng kỹ thuật số kết nối người tiêu dùng tìm kiếm tài nguyên với chủ sở hữu tài nguyên, những người có thể cung cấp tài nguyên (Guo và cộng sự, 2019). Do đó, các nền tảng này cung cấp không gian để chia sẻ sản phẩm hoặc dịch vụ. Trong những năm gần đây, nhiều nền tảng kỹ thuật số thuộc nền kinh tế chia sẻ, điển hình như Airbnb (chia sẻ chỗ ở), HelloBike (chia sẻ xe đạp), Uber và DiDi (chia sẻ chuyến đi), chia sẻ kiến thức hoặc kỹ năng (ZBJ.com), chia sẻ bữa ăn (Panda Selected) đã chứng kiến hoạt động kinh doanh của họ tăng lên đáng kể (Trenz và cộng sự, 2018).

Đặc điểm của nền tảng kinh tế chia sẻ là nền tảng hai bên hoặc nền tảng đa bên. Nền tảng hai bên hoặc đa bên không tập trung vào các khái niệm về một sản phẩm hoặc một công ty mà tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác giữa hai hoặc nhiều bên, tức là các bên ở một bên của nền tảng cung cấp những gì bên kia yêu cầu. Phần lớn, kiến trúc của nền tảng kinh tế chia sẻ tuân theo logic của các nền tảng đa bên. Ví dụ, eBay là nền tảng kinh tế chia sẻ không cho phép mua và bán hàng hóa mà tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch ngang hàng, cho thuê và chia sẻ, hay nói rộng hơn là tiếp cận tạm thời với hàng hóa và tài nguyên. eBay không sản xuất hay bán hàng hóa mà kết nối những người có thứ gì đó để bán (phía cung) với những người có thể quan tâm đến việc mua (phía cầu). eBay, Inc là chủ sở hữu nền tảng vận hành nền tảng và tính phí hoa hồng cho mọi giao dịch giữa người dùng ở hai bên. (Hagiu, 2013).

4. Các mô hình kinh tế chia sẻ

Các nền tảng kinh tế chia sẻ kết hợp cơ chế tổ chức và thị trường theo những cách sáng tạo để đạt được lợi thế cạnh tranh so với các nền tảng hiện tại. Các cơ chế này được kết hợp trên hai khía cạnh là kiểm soát chặt chẽ hay lỏng lẻo đối với những người tham gia và sự cạnh tranh cao hay thấp giữa những người tham gia. Theo Constantiou và cộng sự (2017) có 4 mô hình kinh tế chia sẻ là: Chaperone, Franchiser, Principal và Gardener. Mỗi mô hình tập trung vào một đề xuất giá trị và mục đích chiến lược khác nhau, nhưng tất cả chúng đều khai thác tính linh hoạt ngày càng tăng của ranh giới tổ chức. Hiểu rõ nền kinh tế chia sẻ theo các mô hình này cho phép các doanh nghiệp xác định và ứng phó với các mối đe dọa và cơ hội do các nền tảng kinh tế chia sẻ mang lại và sẽ giúp các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế chia sẻ.

(Nguồn: Constantiou và cộng sự, 2017)

Hình 1: Các mô hình kinh tế chia sẻ

4.1. Mô hình Chaperone: kiểm soát lỏng lẻo, tính cạnh tranh cao

Chaperones là một mô hình trong đó vai trò của chủ sở hữu nền tảng là giám sát nền tảng và những người tham gia thị trường. Mô hình Chaperone thường thực hiện kiểm soát lỏng lẻo đối với những người tham gia nền tảng và nhằm mục đích tổ chức các nỗ lực của họ. Mô hình Chaperone thúc đẩy sự cạnh tranh cao giữa những người tham gia từ phía cung cấp cũng như thiết lập giá cả và dịch vụ tiêu chuẩn. Do đó, mức độ cạnh tranh giữa những người tham gia trở nên cao hơn. Mô hình Chaperone thúc đẩy sự cạnh tranh cao giữa những người tham gia bên cung cấp và đưa ra giá dựa trên cung và cầu. Mô hình Chaperones kiểm soát nền tảng một cách lỏng lẻo. Ví dụ, những người tham gia có thể được chủ sở hữu nền tảng thông báo về mức cung và cầu hiện tại nhưng được phép đặt giá của riêng họ. Kết quả là những người tham gia phía cung cạnh tranh để giành lấy những người tham gia phía cầu. Nền tảng đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách duy trì mối quan hệ lâu dài với những người tham gia bên cung ứng.

Airbnb là điển hình của mô hình Chaperone, mô hình này cho phép người dùng liệt kê và đặt chỗ ở tư nhân. Dịch vụ này có sẵn ở 34.000 thành phố trải dài trên 192 quốc gia, với hơn 2 triệu danh sách và 60 triệu khách trên toàn thế giới. Airbnb tính phí 3% trên mỗi giao dịch đối với chủ nhà và 6% đến 12% trên mỗi giao dịch đối với khách (Airbnb, 2023). Nền tảng này cạnh tranh với nhiều chuỗi khách sạn toàn cầu và khách sạn địa phương. Airbnb có sự khác biệt về dịch vụ do những người tham gia bên cung cấp so với các công ty đương nhiệm. Airbnb khuyến khích các chủ nhà đổi mới chẳng hạn như các dịch vụ chỗ cho nền tảng. Bởi vì các chủ nhà đặt giá riêng của họ, họ đang cạnh tranh trực tiếp với nhau để thu hút khách.

4.2. Mô hình nhượng quyền (Franchiser): kiểm soát chặt chẽ, tính cạnh tranh cao

Bên nhượng quyền (Franchiser) là mô hình mà chủ sở hữu nền tảng có quyền kiểm soát và quyền hạn tuyệt đối đối với tất cả các dịch vụ, bao gồm quyền đơn phương xác định giá dịch vụ và thay đổi các thuật toán được sử dụng để tính giá. Mô hình người nhượng quyền có một đặc điểm trong đó chủ sở hữu nền tảng kiểm soát các khía cạnh khác nhau của dịch vụ bao gồm giá cả và dịch vụ tiêu chuẩn. Tương tự như vậy, ở khía cạnh cạnh tranh giữa những người tham gia, họ cạnh tranh khốc liệt để giành được các dự án hoặc đơn hàng. Trong mô hình này, chủ sở hữu nền tảng có quyền kiểm soát và quyền hạn tuyệt đối với toàn bộ dịch vụ. Bên nhượng quyền kiểm soát chặt chẽ và tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa dịch vụ để tăng hiệu quả giao dịch bằng cách giảm chi phí giao dịch. Họ đạt được điều này bằng cách định lượng tất cả các chỉ số hoạt động của nhà cung cấp dịch vụ. Các nền tảng nhượng quyền được thiết lập như là thị trường để thúc đẩy sự cạnh tranh cao giữa các bên cung cấp dịch vụ.

Uber là điển hình của mô hình Franchiser, một nền tảng để kết nối các tài xế và ô tô riêng của họ với những người lái muốn đến một điểm đến mà họ chọn trong cùng một khu vực đô thị. Uber quy định giá vé cho chuyến đi và thu phí hoa hồng, Uber chủ yếu cạnh tranh với các công ty taxi quốc gia và địa phương bằng cách cung cấp các dịch vụ rẻ hơn. Uber thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ đối với những người tham gia phía cung (các tài xế), những người đang cạnh tranh trực tiếp (sự cạnh tranh cao) để giành lấy các hành khách và giá vé do Uber đặt ra theo cung và cầu. Cơ chế hoạt động của Uber là một loạt các quy tắc và thủ tục nhằm chuẩn hóa dịch vụ được cung cấp. Với Uber, đầu ra là dịch vụ chở hành khách và tiêu chuẩn hóa là kết quả của việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và chất lượng dịch vụ được hệ thống hóa.

4.3. Mô hình Principal: kiểm soát chặt chẽ, cạnh tranh thấp

Mô hình Principal với tư cách là chủ sở hữu của nền tảng đóng vai trò là người giám sát. Người ủy thác có quyền kiểm soát và quyền hạn tuyệt đối đối với nền tảng và trái ngược với mô hình Franchiser. Người ủy thác tương tác với những người tham gia bên cung cấp bằng cách đưa ra các điều khoản của hợp đồng ngắn hạn dựa trên hiệu quả hoạt động. Mô hình Principal áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa việc cung cấp dịch vụ bằng cách thực thi các quy tắc và giám sát hoạt động của nhà cung cấp. Mô hình Principal cũng xác định giá cho các dịch vụ được cung cấp. Do giá cả ổn định nên mức độ cạnh tranh giữa những người tham gia thấp.

Đọc thêm:  Du lịch bền vững - cơ hội phát triển cho tỉnh Bến Tre và vùng đồng bằng sông Cửu Long

Mô hình Principal có quyền hạn tuyệt đối đối với nền tảng, kiểm soát chặt chẽ và tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa việc cung cấp dịch vụ bằng cách thực thi các quy tắc và giám sát hoạt động của các nhà cung cấp. Giá của mô hình này dựa trên các danh mục ổn định, được xác định trước, không điều chỉnh linh hoạt để phản ánh cung và cầu trên nền tảng. Do đó, ít có sự cạnh tranh giữa những người tham gia bên cung, những người có thể hoặc không tranh giành những người tham gia bên cầu. Do đó đề xuất giá trị của mô hình Principal là cạnh tranh với chi phí thấp hơn thông qua kiểm soát chặt chẽ và giảm thiểu rủi ro của hành vi cơ hội trong việc cung cấp dịch vụ.

Điển hình của mô hình Principal là Handy hay TaskRabbit, nền tảng Handy tạo điều kiện tuyển dụng nhân công theo từng nhiệm vụ như các công việc dọn dẹp, sửa điện nước hoặc lắp ráp đồ nội thất. Các khoản phí, ước tính từ 10% đến 15% cho mỗi tác vụ, được trả cho Handy cho mọi giao dịch. Handy cạnh tranh với ngành dịch vụ được đặc trưng bởi các doanh nghiệp địa phương thuộc nhiều quy mô khác nhau. Nền tảng Handy kiểm soát chặt chẽ những người tham gia để giảm khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng thấp và đưa ra các ưu đãi bằng tiền để thúc đẩy các nhà cung cấp cải thiện dịch vụ của họ. Cơ chế điều phối chính mà Handy sử dụng là kiểm soát những người tham gia bên cung ứng bằng cách tiêu chuẩn hóa cách họ thực hiện công việc của mình. Handy không điều chỉnh giá theo thời gian thực để phản ánh cung và cầu trên nền tảng.

4.4. Mô hình Gardener

Mô hình Gardener là một mô hình mà chủ sở hữu nền tảng trao quyền cho những người tham gia và người dùng tìm ra cách xác định giá cả và dịch vụ của riêng họ. Do đó, chủ sở hữu nền tảng không kiểm soát chặt chẽ nên mô hình này không có mức độ cạnh tranh cao. Mô hình kinh doanh trong thời đại kinh tế chia sẻ tận dụng những tiến bộ công nghệ vì lợi ích đa dạng từ cá nhân đến tổ chức để quá trình lưu thông phân phối hàng hóa và dịch vụ được thông suốt. Những người cần sản phẩm hoặc dịch vụ có thể kết nối và hợp tác với các nhà cung cấp khác của các sản phẩm hoặc dịch vụ này thông qua hỗ trợ công nghệ. Nền kinh tế chia sẻ liên quan đến một quá trình hợp tác sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Trong mô hình Gardener vai trò của chủ sở hữu nền tảng là phát triển cộng đồng bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng với mức độ tiêu chuẩn hóa tối thiểu, nới lỏng quyền kiểm soát đối với những người tham gia và nhằm mục đích điều phối những nỗ lực của họ để tự tổ chức. Giá cả không được điều chỉnh động để phản ánh cung và cầu mà dựa trên các danh mục ổn định, được xác định trước. Do đó, mô hình này thúc đẩy sự cạnh tranh thấp hoặc thậm chí không có giữa những người tham gia bên cung, họ chủ yếu cung cấp dịch vụ của mình để được trả công, trong khi việc tranh giành những người tham gia bên cầu là thứ yếu hoặc thậm chí không liên quan. Mô hình Gardener có được lợi thế cạnh tranh từ sự tham gia tích cực của những người tham gia vào cộng đồng và động lực nội tại của họ để tự nguyện đóng góp vào việc điều phối, quản trị và thậm chí là phát triển nền tảng, giúp chủ sở hữu nền tảng giảm bớt nhiều trách nhiệm trong số này.

Mô hình Gardener điển hình là Couchsurfing, Couchsurfing có thể được coi là đối thủ cạnh tranh với các ký túc xá dành cho giới trẻ, cung cấp dịch vụ thay thế bằng cách xây dựng cộng đồng người dùng và cho phép các thành viên bên cung cấp cung cấp các dịch vụ khác biệt. Couchsurfing kiểm soát lỏng lẻo đối với phía cung cấp với sự cạnh tranh thấp giữa các nhà cung cấp; chủ nhà không được phép tính phí cho chỗ ở của họ. Những người tham gia nền tảng phải hợp tác với tư cách là thành viên của một cộng đồng thay vì kiếm lợi nhuận và cạnh tranh lẫn nhau. Vì Couchsurfing không sử dụng giá để điều phối trao đổi giữa những người tham gia, nên họ tham gia vào một tương tác giống như nền kinh tế trao đổi hoặc quà tặng. Couchsurfing không ra lệnh cho những người tham gia phải làm gì (kiểm soát lỏng lẻo) mà đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu và những quy định chung cho cộng đồng.

5. Hệ sinh thái của nền kinh tế chia sẻ

Nền kinh tế chia sẻ có thể được xem như một hệ sinh thái trong đó các cá thể cùng tồn tại và tương tác với nhau trong một môi trường năng động (Leung và cộng sự, 2019). Hệ sinh thái kinh tế chia sẻ bao gồm ba cấp độ và mối quan hệ khác nhau giữa các bên chính như: cấp độ quốc gia, cấp độ tổ chức và cấp độ cá nhân. Sự tương tác giữa các bên khác nhau rất đa dạng và phức tạp (Hình 2).

(Nguồn: Tác giả tổng hợp, 2023)

Hình 2: Các cấp độ của nền kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng kỹ thuật số

Các nền tảng số của nền kinh tế chia sẻ (SEDPs – Sharing Economy Digital Platforms) là cốt lõi của hệ sinh thái chia sẻ ở cấp độ tổ chức, các công ty chia sẻ thành công đều hoạt động thông qua các nền tảng kỹ thuật số (Sutherland và Jarrahi, 2018) nêu ra vai trò quan trọng của các nền tảng kỹ thuật số này, bao gồm tạo ra tính linh hoạt, kết nối giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, mở rộng phạm vi tiếp cận, quản lý giao dịch, phát triển lòng tin và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng. Nhờ sự phát triển nhanh chóng các nền tảng số của nền kinh tế chia sẻ, nền kinh tế chia sẻ đã mở rộng ra các lĩnh vực như ô tô (Uber và DiDi), chỗ ở (Airbnb), cho đến giáo dục (Thinkdoor), kiến thức (XBJ.com) và chia sẻ dịch vụ chăm sóc sức khỏe (AliHealth và WeDoctor).

Ở cấp quốc gia, ba trụ cột của tính bền vững trong nền kinh tế là phát triển xã hội, kinh tế và môi trường. Bằng cách giải quyết ba yếu tố này, nền kinh tế chia sẻ tăng cường kết nối và gắn kết xã hội, khuyến khích tăng trưởng kinh tế và giảm tải môi trường. Tác động của nền kinh tế chia sẻ có thể được hiểu thông qua các khía cạnh môi trường, xã hội và kinh tế ở cấp quốc gia (Laukkanen và Tura, 2020). Từ góc độ sinh thái, giá trị bền vững đạt được bằng cách tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm lượng khí thải carbon, sử dụng tài nguyên có trách nhiệm và tăng cường các hành động thân thiện với môi trường (Laukkanen và Tura, 2020). Ở góc độ xã hội, giá trị bền vững thể hiện ở thói quen tiêu dùng bền vững của công chúng (Leismann và cộng sự, 2013), phúc lợi xã hội cao (Jiang và Tian, 2016), tăng cường gắn kết xã hội và phúc lợi xã hội tăng lên (Lankoski và Smith, 2018). Từ góc độ kinh tế, phát triển bền vững có liên quan đến việc tăng hiệu quả chi phí, lợi nhuận tổng thể (Kumar và cộng sự, 2018), ổn định hoạt động và phúc lợi kinh tế như việc làm (Laukkanen và Tura, 2020).

Ở cấp độ tổ chức, các thành phần trong hệ sinh thái cũng bao gồm các đối tác và đối thủ cạnh tranh. Nền kinh tế chia sẻ mang đến những thách thức và cơ hội cho các đối tác và đối thủ cạnh tranh, họ sẽ tham gia vào mô hình kinh doanh mới hoặc gắn bó với mô hình kinh doanh hiện có (Leung và cộng sự, 2019). Chủ sở hữu tài nguyên thường là nhà cung cấp tham gia vào hoạt động chia sẻ bằng cách chia sẻ. Người tiêu dùng là những người tiêu dùng tìm kiếm tài nguyên họ cần. Kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng số thiết lập kết nối giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng để giúp đạt được các mục tiêu tương ứng của họ (Guo và cộng sự, 2019). Các nhà cung cấp có nguồn lực nhàn rỗi có thể chuyển quyền sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ cho những người có nhu cầu thông qua nền tảng số của kinh tế chia sẻ. Người tiêu dùng có thể nhận được các mặt hàng được chia sẻ từ các nhà cung cấp để đổi lấy thanh toán. Bằng cách chia sẻ các tài nguyên nhàn rỗi, chủ sở hữu thu được giá trị gia tăng từ các tài nguyên ít được sử dụng trong khi người tiêu dùng có được hàng hóa hoặc dịch vụ với giá thấp, cải thiện việc sử dụng hàng hóa bền vững và hiệu quả (Guo và cộng sự, 2019; Martin, 2016).

Đọc thêm:  Nghiên cứu về quảng cáo xanh (greenwash), chủ nghĩa hoài nghi xanh (green skepticism) và ý định tiêu dùng xanh

6. Lợi ích và vai trò của nền kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ số

6.1. Lợi ích của nền kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ số

Nền kinh tế chia sẻ mang lại lợi ích kinh tế vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng, tăng thu nhập cho nhà cung cấp. Hơn nữa, nền kinh tế chia sẻ có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển xã hội, chẳng hạn như tăng cường gắn kết xã hội và giảm tỷ lệ tử vong do lái xe khi say rượu (Greenwood và Wattal, 2017). Bên cạnh đó, nền kinh tế chia sẻ có thể giúp giảm bớt các vấn đề về môi trường. Vì nền kinh tế chia sẻ ủng hộ việc tái sử dụng các tài nguyên nhàn rỗi thay vì sản xuất liên tục các tài nguyên mới (Möhlmann, 2015), nó làm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thất thoát tài nguyên (Laukkanen & Tura, 2020). Ví dụ, người ta thấy rằng kinh doanh chia sẻ xe có thể khiến mọi người sử dụng xe chung thường xuyên, do đó dẫn đến tăng lượng khí thải carbon (Murillo et al., 2017; Schor, 2014).

Các nền tảng kinh tế chia sẻ thành công có được lợi thế cạnh tranh bằng cách thu hút những người tham gia tạo ra giá trị cho họ. Cách tiếp cận như vậy cũng có thể hữu ích cho các công ty truyền thống. Họ nên xem xét cách thu hút người tiêu dùng hoặc khách hàng tham gia chặt chẽ hơn bằng cách tăng giá trị của hiệu ứng mạng, cho dù ở cùng một phía hay cả hai phía của một nền tảng. Tuy nhiên, việc thu hút người tiêu dùng một cách hiệu quả theo cách này đòi hỏi phải thay đổi ý định chiến lược, từ việc cạnh tranh dựa trên quyền sở hữu các tài sản độc nhất, sang việc tạo ra và nắm bắt giá trị dựa trên sự tham gia của người dùng và sự tham gia của cộng đồng. Đổi lại, sự thay đổi này sẽ thúc đẩy sự đổi mới. Do vai trò của người tiêu dùng hoặc người dùng trở thành trung tâm nên một tổ chức phải cân nhắc cẩn thận liệu họ sẽ thực hiện kiểm soát chặt chẽ hay lỏng lẻo đối với những người tham gia nền tảng và liệu điều đó sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh cao hay thấp giữa những người tham gia phía cung.

Ở cấp độ cá nhân

Nền kinh tế chia sẻ thúc đẩy tiêu dùng, tương tác giữa các cá nhân, việc làm linh hoạt, tiếp cận bình đẳng với hàng hóa và dịch vụ và gia tăng thu nhập. Với sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ, mô hình tiêu dùng đang chuyển từ mua hàng sang tiếp cận tạm thời (Li và cộng sự, 2021). Trong mô hình tiêu dùng bền vững này, quyền sử dụng tài nguyên nhàn rỗi có thể được chuyển từ chủ sở hữu sang người tiêu dùng khác. Cả chủ sở hữu và người tiêu dùng đều có được giá trị; chủ sở hữu có thể kiếm thêm tiền bằng cách chia sẻ tài nguyên nhàn rỗi, trong khi người tiêu dùng có thể tiết kiệm tiền bằng cách mua tài nguyên ở mức giá thấp. Bằng cách tiếp cận dân chủ hơn đối với các hoạt động kinh tế, nền kinh tế chia sẻ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các cá nhân và cộng đồng, khuyến khích hợp tác và trao quyền cho công dân.

Ở cấp độ tổ chức

Nền kinh tế chia sẻ thúc đẩy nhiều cơ hội kinh doanh mới hơn, thúc đẩy khả năng cạnh tranh và lợi nhuận cũng như giảm chi phí vận hành. Nền kinh tế chia sẻ như một mô hình kinh doanh triển vọng được thúc đẩy bởi các công nghệ kỹ thuật số, nó mang lại nhiều cơ hội thương mại cho các doanh nhân, công ty và ngành công nghiệp (Martin, 2016). Điều này được phản ánh trong thực tế là nền kinh tế chia sẻ giúp các công ty mở ra thị trường mới và tạo ra các nguồn doanh thu mới. Các tổ chức dựa trên mô hình kinh doanh chia sẻ đang cho thấy nhiều triển vọng.

6.2. Vai trò của nền kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ số

Để phát triển bền vững các cá nhân, tổ chức phải tham gia vào hoạt động kinh doanh của nền kinh tế chia sẻ. Các cá nhân đóng vai trò là nhà cung cấp để tham gia vào các hoạt động chia sẻ hoặc đóng vai trò là người tiêu dùng để tham gia vào các hoạt động chia sẻ. Đối với một tổ chức, nó nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của những người dùng khác nhau bằng công nghệ kỹ thuật số.

Đối với cấp quốc gia, việc thực hiện giám sát của chính phủ để đảm bảo tính hợp pháp của việc chia sẻ hoạt động kinh doanh của các cá nhân và tổ chức là hết sức quan trọng. Nền kinh tế chia sẻ liên tục bị cáo buộc trốn thuế, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, khai thác các lỗ hổng pháp lý và tạo ra một cuộc đua xuống đáy chuyển rủi ro sang người tiêu dùng (Martin, 2016).

7. Những thách thức của nền kinh tế chia sẻ

Có những vấn đề cản trở sự phát triển của kinh tế chia sẻ như các cá nhân ngần ngại tham gia vào các hoạt động chia sẻ vì thiếu tin tưởng và rủi ro cao có thể xảy ra (Cheng và cộng sự, 2020; Nadeem và Al-Imamy, 2020). Ngoài ra, nền kinh tế chia sẻ có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra một thị trường không được kiểm soát, tạo điều kiện cho hành vi trốn thuế và làm xói mòn quyền của người lao động (Fieseler và cộng sự, 2017).

Nền kinh tế chia sẻ cũng phải chịu sự chỉ trích như các công ty kinh tế chia sẻ thường bị cáo buộc trốn tránh các biện pháp quản lý và thị trường, điều tốt cho họ để đạt được những gì thường được mô tả là lợi thế không công bằng so với các ngành truyền thống (Fieseler et al., 2017). Để đảm bảo hoạt động thuận lợi, chính phủ phải giám sát hoạt động kinh doanh của nền kinh tế chia sẻ để tránh những thất bại về thị trường và quy định (Leung và cộng sự, 2019).

Ngoài công nghệ nền tảng kỹ thuật số, các chính sách của chính phủ, sự giám sát của chính phủ và cơ sở hạ tầng hiện có cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện thành công nền kinh tế chia sẻ. Bằng cách xây dựng một loạt các quy định và chính sách, chính phủ có thể hạn chế, khuyến khích hoặc định hướng hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ, các Chính phủ có thái độ khác nhau đối với nền kinh tế chia sẻ trong các bối cảnh văn hóa khác nhau (Leung và cộng sự, 2019).

8. Kết luận

Nền kinh tế chia sẻ sử dụng nền tảng kỹ thuật số đã cách mạng hóa các ngành truyền thống, bắt đầu từ thị trường cấp thấp và dần dần chiếm lĩnh thị trường cấp cao hơn. Với nền kinh tế chia sẻ đã đổi mới các mô hình kinh doanh truyền thống bằng cách tạo ra các nền tảng đa diện kỹ thuật số, giới thiệu các thay đổi trong cơ chế nắm bắt giá trị và tạo ra giá trị thông qua doanh thu và cấu trúc chi phí mới. Những cách tổ chức đổi mới này đang định hình lại bối cảnh cạnh tranh tổng thể được thúc đẩy bởi sự bổ sung nguồn lực trong cung và cầu. Quan trọng hơn, việc nền kinh tế chia sẻ được kích hoạt bởi số hóa đã định hình lại các hình thức chia sẻ truyền thống. Cơ hội mở rộng do công nghệ kỹ thuật số mang lại cho phép một hệ thống kinh tế và xã hội mới nơi những người lạ chia sẻ bất kỳ loại tài sản nào chưa được sử dụng đúng mức.

Tài liệu tham khảo

Caldieraro, F., Zhang, J.Z., Cunha, M. Jr and Shulman, J.D. (2018). “Strategic information transmission in peer-to-peer lending markets”. Journal of Marketing, Vol. 82 No. 2, pp. 42-63.

Cheng, X., Su, L., & Yang, B. (2020). An investigation into sharing economy enabled ridesharing drivers’ trust: A quali- tative study. Electronic Commerce Research and Applications, 40, 100956. doi:10.1016/j.elerap.2020.100956

Constantinides, P., Henfridsson, O., & Parker, G. G. (2018). Introduction— platforms and infrastructures in the digital age. Information Systems Research, 29(2), 381-400.

Constantiou, I., Marton, A., & Tuunainen, V. K. (2017). Four models of sharing economy platforms. MIS Quarterly Executive, 16(4).

Cusumano, M. A., Gawer, A., & Yoffie, D. B. (2019). The business of platforms: Strategy in the age of digital competition, innova- tion, and power, New York: HarperBusiness.

Dolnicar, S. (2019). A review of research into paid online peer-to-peer accommodation: Launching the Annals of Tourism Research Curated Collection on peer-to-peer accommodation. Annals of Tourism Research, 75, 248-264.

Eckhardt, G. M., Houston, M. B., Jiang, B., Lamberton, C., Rindfleisch, A., & Zervas, G. (2019). Marketing in the sharing economy. Journal of Marketing, 83(5), 5-27.

Tìm kiếm thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên VNEconomics

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết mới nhất từ VNEconomics Academy

VNEconomics là một dự án với mục đích chia sẻ những tri thức hữu ích về Kinh tế – Nghiên cứu khoa học và Công nghệ, đặc biệt là những kiến thức về Blockchaintiền mã hóa (một lĩnh vực rất mới mẻ) tới đối tượng là các bạn sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và những cá nhân khác quan tâm tới những lĩnh vực này.

👉Tham gia cộng đồng của VNEconomics tại:
Website: https://vneconomics.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vneconomics/
Telegram: https://t.me/BlockchainDEco
Linked In: https://www.linkedin.com/company/vneconomics/
Twitter: https://twitter.com/ThanhTung78

- Quảng cáo -

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết và khóa học miễn phí​

Danh mục đầu tư của VNEs

Danh mục sản phẩm

Những nội dung hữu ích ngành Blockchain & Tiền mã hóa
Recent Posts