Nền kinh tế chia sẻ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam

[QC]

Mục lục

NỀN KINH TẾ CHIA SẺ TRONG THỜI ĐẠI CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 TẠI VIỆT NAM

TRẦN ĐÌNH AN

Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Tóm tắt

Với sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới hiện nay, nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật của thời đại kỷ nguyên số được ứng dụng cho rộng rãi các ngành nghề và lĩnh vực. Trên nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Trong đó, nền kinh tế chia sẻ trên thế giới nói chung và nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam nói riêng đánh dấu bước phát triển vượt bậc. Bài viết trao đổi về các yếu tố ảnh hưởng từ nền kinh tế chia sẻ, kinh nghiệm từ kinh tế chia sẻ điển hình trên thế giới, sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam cũng như sự chỉ đạo của Chính phủ và bộ ngành liên quan. Bên cạnh các lợi ích từ nền kinh tế chia sẻ, một số vấn đề hạn chế được đề xuất cho sự phát triển hoạt động kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, Công nghệ, Kinh tế chia sẻ, Internet, Nền tảng.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu và một phần châu Á. Nó được nảy sinh từ sự kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Các yếu tố cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gồm các lĩnh vực chính như Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), Vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT), Dữ liệu lớn (Big data), Công nghệ in 3D, Xe tự hành, Vật liệu nano (Hưng, 2017). Lĩnh hội từ thành tựu công nghệ phát triển của internet và công nghệ thông tin từ nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0 này, mô hình kinh tế chia sẻ có những bước phát triển đột phá và được xem là nhân tố mấu chốt của nền kinh tế số hiện nay mặc dù hoạt động của nền kinh tế chia sẻ đã xuất hiện từ khá lâu trên thế giới.

Sự phát triển nhanh chóng của internet hiện nay tạo nền tảng kết nối được các giao dịch trên toàn thế giới và là nền móng của kinh tế chia sẻ. Các nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên với nhiều hình thức từ số liệu thống kê, mô tả, đến hình ảnh, các video clips,… Hiện nay, có đến gần 50% dân số thế giới sử dụng internet để liên lạc, kết nối với người thân, bạn bè, đối tác trong các hoạt động công việc cũng như thực hiện các giao dịch mua bán (Hùng, 2023).

Nghiên cứu của Nielsen (2014) cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chia sẻ cao nhất (76%). Đứng thứ 13 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ kinh tế chia sẻ chỉ sau Ai cập (77%), Ấn Độ, Hồng Kong và Brazil (78%), Mexico và Bulgaria (79%), Thái Lan (84%), Philipin (85%), Slovenia (86%), Inđônêxia (87%) và Trung Quốc (94%).`

Hình 1: Top các quốc gia có tỷ lệ người sử dụng kinh tế chia sẻ cao

Nguồn: Nielsen, 2014

Một lợi thế rất lớn của Việt Nam là số người dùng internet chiếm đến 73,2% trong tổng số 98,56 triệu dân. Trong đó, 78,1% người dùng mạng xã hội năng động. Nó mang đến sự tiếp cận thông tin nhanh chóng, sinh động, chi tiết,… thông qua internet và các thiết bị kỹ thuật số thông minh (máy tính, điện thoại thông minh, các phần mềm ứng dụng,…) gây chú ý đến người người xem (Asiapac, 2022).

Nhờ các lợi thế từ người dân Việt Nam sử dụng internet chiếm số đông (Asiapac, 2022), đồng thời với tinh thần chia sẻ tài sản trong mô hình kinh tế chia sẻ (Nielsen, 2014) mạnh mẽ, sư phát triển nền kinh tế chia sẻ của Việt Nam hiện nay có nhiều thuận lợi.

2. NỀN KINH TẾ CHIA SẺ VÀ CÁC CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA VIỆT NAM

2.1. Khái niệm về kinh tế chia sẻ

Kinh tế chia sẻ hay nền kinh tế chia sẻ có nhiều khái niệm. Trong tiếng Anh, kinh tế chia sẻ gọi là Sharing Economy hoặc Collaborative Consumption, Collaborative Economy hay Peer Economy.

“Kinh tế chia sẻ” – “Sharing economy” là một mô hình thị trường kết hợp giữa sở hữu và chia sẻ, trong đó đề cập vai trò ngang hàng (peer-to-peer network) dựa trên sự chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhằm gia tăng lợi ích cho các bên tham gia. Nó là hệ thống kinh tế đề cao chia sẻ và hợp tác hơn tư hữu. Thay vì sở hữu để thỏa mãn nhu cầu của mình thì con người sẽ tìm những nguồn lực trong cộng đồng có khả năng thỏa mãn nhu cầu của mình mà không cần sở hữu nó. Nền kinh tế chia sẻ đang phát triển vì nó tái phân phối tài nguyên đang được sử dụng không hiệu quả (sản phẩm mua rồi nhưng không dùng, máy móc không được khai thác tối đa thời gian sử dụng) sang chỗ mà nó được dùng hiệu quả hơn (Hải và Thuỷ, 2021).

Trong thời đại ứng dụng các thành tựu của nền công nghiệp 4.0 ngày nay, nền kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh tế mà các hoạt động mua, cung cấp hoặc chia sẻ quyền truy cập vào hàng hóa và dịch vụ dựa trên mạng lưới ngang hàng, thường được cung cấp bởi các nền tảng trực tuyến theo cộng đồng (Nhung, 2021).

Trên thực tế, nền kinh tế chia sẻ đã xuất hiện và hoạt động từ khá lâu trên thế giới và nó bùng nổ khi lĩnh hội được nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Kinh tế chia sẻ là giá trị cốt lõi của nền kinh tế hiện nay, nó khai thác tiềm năng tài nguyên sẵn có của con người trên cơ sở ứng dụng các nền tảng công nghệ.

Có 3 yếu tố chính tham gia vào mô hình kinh tế chia sẻ (Chi và Ly, 2022):

  1. Nhà cung cấp dịch vụ: Bên có sở hữu tài sản nhàn rỗi hoặc có thể cung cấp được dịch vụ hay sản phẩm ra thị trường, được gọi là bên bán.
  2. Khách hàng: Những người trực tiếp giao dịch, sử dụng dịch vụ hay sản phẩm đến từ bên bán, được gọi là bên mua.
  3. Đơn vị cung cấp nền tảng: Bên mang đến nền tảng chung để kết nối bên mua và bên bán. Đơn vị cung cấp nền tảng có trách nhiệm quản lý bên mua và bên bán để tạo ra giá trị, đồng thời duy trì hoạt động hiệu quả của nền tảng.

Thêm vào đó, một số tác nhân khác tham gia vào kinh tế chia sẻ như nhà cung cấp dịch vụ bổ sung (mang đến giá trị bổ sung cho giá trị cốt lõi mà bên bán cung cấp), các chính sách của mỗi quốc gia, điều kiện kinh tế xã hội,… giúp đạt được các mục tiêu và gia tăng hiệu quả hoạt động.

Khi thông tin về hàng hóa được chia sẻ, giá trị của hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng lên cho cả doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng. Đây là tiền đề chung cho nền kinh tế chia sẻ. Nền kinh tế chia sẻ còn hoạt động trên cơ chế niềm tin và niềm vui. Khi có niềm tin vào nhà cung cấp dịch vụ, bên cung cấp nền tảng sẽ tích cực hơn trong hoạt động chia sẻ ngang hàng các dịch vụ hay sản phẩm và đem đến niềm vui cho những nhân tố tham gia vào mô hình kinh tế chia sẻ.

2.2. Một số nghiên cứu của nước ngoài về kinh tế chia sẻ

Nhiều cá nhân và tổ chức chú trọng đến nghiên cứu kinh tế chi sẻ trong bối cảnh phát triển nền kinh tế trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Công ty Nielsen thực hiện nghiên cứu khảo sát hơn 30.000 người tiêu dùng trực tuyến trên 60 quốc gia tại châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi và Bắc Mỹ cho thấy kinh tế chia sẻ đang bắt đầu phát triển và mở rộng trong các lĩnh vực. Nghiên cứu chỉ ra rằng Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn để phát triển mô hình kinh tế chia sẻ (Nielsen, 2014). Theo khảo sát, đa số người Việt Nam thích ý tưởng kinh doanh về mô hình kinh tế chia sẻ, 76% số người Việt Nam được khảo sát cho biết họ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ.

Theo nghiên cứu về kinh tế chia sẻ của Shuai Yang (2016), tại Trung Quốc có 600 triệu người tham gia nền kinh tế chia sẻ với giá trị giao dịch lên đến hàng trăm tỷ USD trong năm 2016. Nghiên cứu cũng đưa ra rằng không nên ngược đãi với mô hình kinh tế chia sẻ. Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc không những không cấm mà đã tận dụng cơ hội để biến nền kinh tế chia sẻ thành đòn bẩy mới cho nền kinh tế trong nước. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật liên quan đến kinh tế chia sẻ, thúc đẩy xây dựng công nghệ kỹ thuật số và ủng hộ sự sáng tạo dựa trên internet.

Báo cáo nghiên cứu của Google, Temasek Holdings, Bain&Co về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019, kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô thị trường gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đạt doanh thu 1,1 tỷ USD vào năm 2019, tăng hơn 5 lần so với năm 2015 (200 triệu USD) và dự báo đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Điều đáng lưu ý rằng, ngoài việc sử dụng phương tiện và tài sản nhàn rỗi để đưa vào kinh doanh, các phương tiện và tài sản được đầu tư mới cho mục đích kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ này có một tỷ lệ đáng kể (Nhung, 2021).

Đọc thêm:  Tổng quan về giáo dục vì du lịch bền vững cho sinh viên

Qua các nghiên cứu của Nielsen (2014), Shuai Yang (2016) và của Google, Temasek Holdings, Bain&Co, kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh tế rất tiềm năng cho việc phát triển kinh tế của ba bên: Nhà cung cấp dịch vụ; Khách hàng; Nhà cung cấp nền tảng.

2.3. Cơ sở pháp lý của Việt Nam đối với nền kinh tế chia sẻ

Kinh tế chia sẻ là cơ hội hay thách thức tùy thuộc vào chính sách của quản lý nhà nước, nhận thức của các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Chính sách quản lý nhà nước vô cùng quan trọng cho cơ hội phát triển nền kinh tế chia sẻ.

2.3.1. Hiến pháp nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, năm 2013

Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam (ban hành ngày 28/11/2013) đã quy định khá chi tiết về quyền tự do kinh doanh, đồng thời thị trường Việt Nam cũng được đánh giá là khá tiềm năng để phát triển nền kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ chạm trán một số vấn đề như sau:

  1. Sự “ghi nhận” và “bảo đảm thực thi” quyền tự do kinh doanh trên thực tế vẫn còn tồn tại khoảng cách.
  2. Quan điểm “quản không được” hoặc “chưa hiểu rõ” thì “cấm” gây cản trở việc thực thi quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ.
  3. Tính cạnh tranh của thể chế pháp luật về quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ chưa cao; phản ứng chính sách chưa bắt kịp với những biến động của kinh tế thị trường, đặc biệt trong việc ứng dụng các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chưa tạo được khung pháp lý tin cậy cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

2.3.2. Quyết định số 24/QĐ-BGTVT – Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng

Theo quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông và Vận tải (ban hành ngày 07/01/2016) về thực hiện đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”, lĩnh vực vận tải và các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ đã huy động một số lượng lớn phương tiện vận tải (ô tô, xe máy) của cá nhân, đơn vị kinh doanh tham gia vào loại hình dịch vụ vận tải trực tuyến (Grab, Gojec, Dichung, Fastgo, Be). Trong 2 năm (tháng 01/2016 -01/2018), cả nước đã có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện và thu hút hàng chục ngàn lao động tham gia.

2.3.3. Quyết định số 999/QĐ-TTg – Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ

Ngày 12/08/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Động thái này thể hiện sự công nhận hình thức kinh doanh mới trên cơ sở tận dụng các nguồn lực, tài nguyên còn dư thừa trong xã hội nhằm tối ưu hóa tài nguyên dựa trên những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Điều quan trọng nhất trong phát triển của các mô hình kinh tế chia sẻ là đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Đề án đưa ra 4 nhóm giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ gồm:

  1. Nhóm các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong kinh tế chia sẻ;
  2. Nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ trong kinh tế chia sẻ. Nhóm giải pháp này hướng tới nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử.
  3. Nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp cung cấp nền tảng trong kinh tế chia sẻ. Nhóm giải pháp này hướng tới nâng cao năng lực để hiểu rõ trách nhiệm cá nhân và doanh nghiệp về khai báo thông tin liên quan đến các hoạt động của kinh tế chia sẻ cho các cơ quan quản lý Nhà nước, bao gồm các thông tin hoạt động, nghĩa vụ thuế và các quy định quản lý chuyên ngành.
  4. Nhóm giải pháp đối với Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Ngoài ra, còn có các giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ; giải quyết vấn đề nảy sinh trong kinh tế chia sẻ như vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội; tạo thị trường cho mọi công dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh chia sẻ (bao gồm cả không gian, hàng hóa và kỹ năng). Các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước; đồng thời xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.

2.3.4. Nghị quyết 52/NQ-TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”

Ngày 27/09/2019, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Nghị quyết này cũng chỉ rõ về việc xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thêm vào đó, thực hiện định danh, công nhận, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”.

Năm 2019, bảng xếp hạng của WEF xếp hạng 141 nền kinh tế (chiếm 99% GDP thế giới) qua 103 chỉ số được nhóm thành 12 trụ cột cho thấy năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam đã cải thiện vượt trội, song vẫn còn nhiều thách thức. Chỉ số về quy định pháp lý thích ứng linh hoạt với mô hình kinh doanh số còn thấp điểm và thấp hạng (43,1 điểm và ở vị trí 71).

Các chính sách, nghị quyết, quyết định,… từ Trung ương, Chính phủ, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ chính trị quan tâm mạnh mẽ đến nền kinh tế chia sẻ nhằm phát triển kinh tế đất nước trong bối lĩnh hội các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

3. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN KINH TẾ CHIA SẺ

Nền kinh tế chia sẻ mang nhiều lợi ích nhất định cho xã hội tuy cũng có những ảnh hưởng đối với các vấn đề liên quan như chi phí giao dịch, môi trường, nghề nghiệp, tài sản, quyền lợi của người lao động, chính sách thuế, pháp luật,…

3.1. Sự giảm thiểu chi phí giao dịch

Thông qua các nền tảng trực tuyến, người mua và người bán nhanh chóng tìm được nhau và tương tác trực tiếp với nhau, tiết kiệm được thời gian tìm kiếm đối tác, thương lượng và chốt giao dịch, giúp giảm chi phí giao dịch trong các hoạt động kinh tế.

3.2. Sự giảm thiểu tác động môi trường

Kinh tế chia sẻ cho phép các bên được tiếp cận nguồn lực sẵn có thay vì sở hữu nguồn lực cá nhân. Lợi ích lớn nhất của kinh tế chia sẻ là việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tài sản, máy móc, thiết bị,… Vì thế, các nhu cầu về sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ giảm đi đáng kể, giảm chất thải, hiệu ứng nhà kính và sự gây hại cho môi trường. Các ứng dụng gọi xe như Grab, Be có dịch vụ đi chung xe. Dịch vụ này giúp mọi người cùng chia sẻ số tiền đi chung xe, tiết kiệm xăng giảm sự tiêu hao tài nguyên, giảm chất thải ra môi trường.

3.3. Phương diện tích cực và tiêu cực về nghề nghiệp

Ngoài việc kinh doanh chia sẻ những sản phẩm hữu hình trong mô hình kinh tế chia sẻ, các bên có thể chia sẻ cả những kỹ năng quá trình hoạt động. Các kỹ năng này từ con người cung cấp. Tham gia hoạt động kinh tế chia sẻ, họ có thể đột phá, có thể vượt qua rào cản, giúp họ thuận tiện chia sẻ kỹ năng của mình cho những bên đang có nhu cầu. Việc này vừa giúp gia tăng giá trị kinh tế, vừa là hoạt động hữu ích cho cộng đồng. Kinh tế chia sẻ là mô hình kinh tế mới nhưng cũng không tránh khỏi sự cạnh tranh, đặc biệt là sự cạnh tranh với mô hình kinh tế truyền thống. Tại đây, người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là người lao động, trên phương diện tích cực và tiêu cực.

Đọc thêm:  Logistics xanh trong thương mại điện tử

Một ví dụ, Grab được đánh giá là mô hình kinh tế chia sẻ thành công đáng kể ở Việt Nam. Sự xuất hiện Grab tại thị trường Việt Nam vào năm 2013 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống. Trong thời điểm này, điển hình là Vinasun – hãng taxi truyền thống lâu đời nhất tại Việt Nam đã sụt giảm tới 11% doanh thu và 35% lợi nhuận. Không còn cách nào khác, Vinasun buộc phải cho nhiều tài xế nghỉ việc, cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, dù cạnh tranh khốc liệt hoặc có thể liên quan đến pháp lý nhưng xét về mặt tích cực thì Grab vẫn rất thành công tại Việt Nam và đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người. Điều này cho thấy kinh tế chia sẻ thu hút nguồn lao động nhanh chóng và dễ dàng, tham gia vào quy trình nhà cung cấp dịch vụ không mấy khó khăn (Bình, 2022).

3.4. Gia tăng sự khai thác giá trị của tài sản

Những dịch vụ hay sản phẩm cung cấp trong kinh tế chia sẻ là những tài sản nhàn rỗi, chưa được tận dụng hết khả năng. Khi có cơ hội, thì tài sản nhàn rỗi này được đưa vào sử dụng hết công suất nhằm nâng cao thu nhập đến mức có thể. Nó cung cấp cung cấp giá trị cho người dùng, đồng thời đem lại lợi ích cho người cung cấp, khai thác tối đa tiềm năng của sản phẩm hoặc dịch vụ.

3.5. Quyền lợi của người lao động

Quyền lợi của người lao động tham gia vào kinh tế chia sẻ cần phải cân nhắc. Các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ chưa xác định rõ trong việc phân loại người lao động để xây dựng chế độ cho họ. Nếu xem bên cung cấp dịch vụ cho mình (doanh nghiệp cung cấp nền tảng) là đối tác thì không có gì đảm bảo quyền lợi cho bên cung cấp dịch vụ, có thể họ nhận được mức thu nhập thấp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp xem họ là nhân viên thì phải xây dựng chế độ cho họ tốt hơn nhằm có mức thu nhập ổn định.

3.6. Chính sách thuế và pháp luật

Hiện nay, hệ thống luật pháp Việt Nam chưa có sự chuẩn bị đầy đủ quy định, chính sách để quản lý các hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ. Chính phủ và các bộ ngành liên quan liên tục giám sát và điều chỉnh cho phù hợp với nền kinh tế mới này.

4. MỘT SỐ MÔ HÌNH KINH TẾ CHIA SẺ TIÊU BIỂU

Áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ đã đạt những thành công đáng kể của các doanh nghiệp kinh doanh trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

4.1. Một số mô hình kinh tế chia sẻ trên thế giới

4.1.1. Grab

Grap là mô hình kinh tế chia sẻ xe taxi công nghệ, cộng đồng. Chủ sở hữu xe đăng ký trên nền tảng ứng dụng. Khách muốn đi xe lên nền tảng tìm xe gần đó, liên lạc để người lái xe đến nơi và đón chở khách đi. Người lái xe và người sử dụng dịch vụ đánh giá lẫn nhau trên nền tảng ứng dụng sau khi sử dụng dịch vụ.

Mô hình Grab hiện đang khá phổ biến tại Việt Nam (Hoa, 2019), ứng dụng cho taxi và xe máy. Một số mô hình tương tự khác cũng đang phát triển như Be, Gojek,…

4.1.2. Airbnb

Airbnb là mô hình kinh tế chia sẻ nhà ở cho người đi du lịch bằng cách tận dụng những căn phòng không dùng đến. Chủ sở hữu nhà cho thuê nhà mình trên nền tảng, người thuê nhà sẽ lên nền tảng để tìm căn nhà phù hợp. Người thuê nhà và người cho thuê nhà có thể đánh giá lẫn nhau trên nền tảng sau khi giao dịch. Mô hình Airbnb cũng đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2014 (Hoa, 2019).

4.1.3. RelayRides

RelayRides là một mô hình kinh tế chia sẻ thông qua sự chia sẻ xe ô tô trong cộng đồng bằng cách tận dụng những chiếc xe ô tô của tư nhân sở hữu. Chủ sở hữu xe có thể cho thuê xe của mình trên nền tảng. Người thuê xe sẽ đến gặp người chủ xe để nhận chìa khóa để sử dụng và trả lại chìa khóa khi thuê xong. Người thuê xe và người cho thuê xe có thể đánh giá lẫn nhau khi kết thúc quá trình giao dịch.

4.1.4. KickStarter

KickStarter là mô hình gọi vốn từ cộng đồng để thực hiện các dự án. Cụ thể người có dự án phát triển phần mềm, dự án nghệ thuật, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ,… đăng nội dung dự án của mình lên nền tảng để cộng đồng người dùng KickStarter xem xét cấp vốn. Người cấp vốn có thể thu lại được những sản phẩm của dự án mà họ cấp vốn, tùy theo mức tiền mà họ bỏ ra để ủng hộ dự án.

4.2. Một số mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam hiện nay, mô hình kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước. Tuy nhiên, những mô hình kinh tế mới này có nhiều tiềm năng phát triển và nổi bật nhất ở ba dịch vụ (Nhung, 2021):

  1. Dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông (Grab, Go Viet, Dichung, Fastgo, Be,…);
  2. Dịch vụ lưu trú, du lịch (Airbnb, Travelmob, Luxstay);
  3. Dịch vụ tài chính cho vay ngang hàng (tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp Fintech);

Ngoài ra, còn có thêm một vài dịch vụ khác như dịch vụ chia sẻ không gian làm việc (Coworking Space), dịch vụ chia sẻ lao động, việc làm,…

4.2.1. Dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông

Năm 2013, sự xuất hiện của hai hãng dịch vụ taxi Grab và Uber đã khiến cho các hãng vận tải hành khách lớn như Mai Linh, Vinasun và Taxi Group phải lập tức thay đổi cung cách vận hành để cạnh tranh với taxi công nghệ. Họ đã cung cấp ứng dụng di động cho phép gọi xe taxi không cần thông qua tổng đài, trang bị dịch vụ đưa đón bằng đội xe Fortuner, Innova (hãng Toyota) đời mới không gắn nhãn hiệu hay biển taxi. Cuối tháng 3/2018, Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á. Từ ngày 08/4/2018, toàn bộ khách hàng và tài xế dùng Uber đã chuyển qua ứng dụng của Grab (Bình, 2022) tại Việt Nam.

Vài năm gần đây, nền kinh tế chia sẻ phương tiện giao thông trên các ứng dụng gọi xe ở nước ta phát triển nhiều hơn, tiêu biểu như Grab, Be, Gojeck, Fastgo,… đã huy động được số lượng lớn ô tô và xe máy của nhiều cá nhân, đơn vị tham gia kinh doanh vận tải trực tuyến. Bên cạnh dịch vụ vận tải cơ bản, các đơn vị kinh doanh dịch vụ trực tuyến này còn tích hợp thêm dịch vụ đi chợ và giao đồ ăn, doanh thu đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt, ngoài những tài sản nhàn rỗi được đưa vào sử dụng kinh doanh thì cũng có nhiều tài sản được đầu tư mới cho nền tảng kinh doanh tiềm năng này.

4.2.2. Dịch vụ lưu trú, du lịch

Airbnb là dịch vụ chia sẻ phòng ở. Airbnb xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014. Tính đến tháng 1/2019, với mô hình dịch vụ lưu trú, con số homestay, nhà nghỉ tham gia vào mạng lưới của Airbnb rất lớn, có đến hơn 18.000 cơ sở lưu trú đã tham gia. Để tạo sự yên tâm cho người thuê nhà, Airbnb xác nhận danh tính chủ nhà thông qua Facebook, số điện thoại, hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, và đặc biệt là thông qua sự phản hồi của những người đã thuê nhà trước đó (Luân, 2019).

Ngoài ra, còn nhiều cơ sở lưu trú đăng ký tham gia ở những ứng dụng khác như Luxstay, Travelmob (đã có phiên bản tiếng Việt tại địa chỉ vn.travelmob.com). Bên cạnh đó, rất nhiều căn hộ dịch vụ biển đã xuất hiện ở các thành phố du lịch biển của Việt Nam, mang lại cho khách hàng nhiều sự lựa chọn, mở rộng cơ hội phát triển du lịch của nước ta.

Triip.me – dịch vụ cung cấp nền tảng cho phép người dùng tự xây dựng tour Việt Nam cung cấp cho khách du lịch thế giới. Triip.me đảm bảo tất cả các tour đã đăng ở trên nền tảng của họ phải đảm bảo an toàn, thông qua việc kiểm tra toàn bộ những thông tin nhân thân của những hướng dẫn viên du lịch. Triip.me biến những người địa phương bình thường thành một hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư. Đối với du khách, Triip.me còn cung cấp biên bản nhằm thoả thuận giữa ba bên. Nếu du khách trả tiền cho Triip.me thì tiền sẽ được giữ lại cho đến khi tour kết thúc, đồng thời khách hàng phải hài lòng. Sau đó thì Triip.me sẽ trả 90% cho các hướng dẫn viên, đồng thời sẽ giữ lại 10% hoa hồng. Triip.me có mô hình tương tự như Airbnb, nhằm tổng hợp nguồn lực cộng đồng để phát triển du lịch tại địa phương. Nền tảng này cho phép bất cứ ai cũng có thể thiết kế tour du lịch của riêng mình và bán cho du khách. Khác với các tour du lịch truyền thống, vốn chỉ có một số chương trình tham quan nhất định, Triip.me cho phép những người dân ngay tại địa phương tự thiết kế hành trình và điểm đến mang dấu ấn cá nhân, thể hiện sự thấu hiểu địa phương của họ. Đây là những người được Triip.me gọi là “Triip creators” (Khánh, 2023).

Đọc thêm:  Vai trò của học máy trong quản lý vận hành và quản lý chuỗi cung ứng xanh

4.2.3. Dịch vụ tài chính cho vay ngang hàng

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech. Fintech (Financial Technology – công nghệ tài chính) được sử dụng chung cho tất cả các công ty dùng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư. Hiện tại, Việt Nam có 48 công ty Fintech và 48% công ty tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số (2C2P, VTPay, OnePay, VTCPay, BankPlus,VinaPay, VNPay, Senpay, NganLuong, ZingPay, BaoKim, 123Pay…). Thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp của các doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT,… hình thành các công ty Fintech, thành lập các quỹ đầu tư, vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. So với một số quốc gia trong khu vực, số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam còn khá ít (Indonesia có 120 công ty, Singapore có hơn 300 công ty) (ISB, 2023).

Dịch vụ P2P Lending đã lan rộng đến Việt Nam với hơn 100 công ty Fintech được cấp phép, một số có nguồn gốc từ Trung Quốc, Indonesia hay Singapore. Trong đó, có đến 40 công ty có dịch vụ P2P Lending (tiêu biểu như Tima, Trustcircle, We Cash, Interloan, Lenbiz, Vnvon.com…). Một số đang hoạt động khá hiệu quả nhắm vào phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa cần vốn vay. Mô hình phát triển P2P Lending tại Việt Nam cũng khá đa dạng, hoạt động theo mô hình trực tiếp và gián tiếp. Với mô hình trực tiếp, các công ty Fintech có dịch vụ P2P Lending cung cấp công nghệ đơn thuần. Đây là các công ty cung cấp nền tảng công nghệ để kết nối giữa người cho vay – người đi vay và hưởng phí; Với mô hình cho vay gián tiếp, các công ty P2P Lending hợp tác với ngân hàng, tổ chức tín dụng để cho vay khách hàng. Các công ty P2P Lending kết nối với ngân hàng sẽ hợp tác với rất nhiều tổ chức tài chính (Lực và cộng sự, 2022). Mô hình P2P Lending, người vay tiền và người có tiền kết nối thông qua ứng dụng trực tuyến trên thiết bị di động thông minh hoặc máy tính. Các công ty P2P cung cấp gói vay từ tín chấp, thế chấp đến mua trả góp như vay tín chấp theo lương, vay trả góp theo ngày, vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, phiếu đăng ký xe ô tô, xe máy,… (Hoa, 2019).

Ngoài ra, dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cung cấp nền tảng kết nối bên cho vay và người đi vay như huydong.com, nền tảng của P2P Lending.

4.2.4. Dịch vụ sửa chữa, gọi đặt dịch vụ

Ứng dụng “Rada” (Rada, 2023) trên thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính,…) kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ như sửa chữa và bảo dưỡng các thiết bị trong gia đình, thiết bị tin học tại nhà, gọi thợ thi công, gọi người giúp việc, đặt lịch dịch vụ y tế tại nhà, đặt xe,… Từ ứng dụng, các điểm cung cấp dịch vụ xác định được vị trí khách hàng trên bản đồ và liên lạc, kết nối đến họ để cung cấp dịch vụ. Khách hàng có thể nhận xét, đánh giá thông qua ứng dụng để nhiều người cùng thấy được sau khi kết thúc thực hiện dịch vụ (Phượng, 2019).

Mô hình kinh tế chia sẻ đang phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam và sẽ có tốc độ bứt phá hơn nữa khi tỷ lệ người dân sử dụng internet và các thiết bị thông minh ngày càng tăng. Nền kinh tế chia sẻ mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho những người tham gia, cho thị trường và cho nền kinh tế. Nền kinh tế chia sẻ này đang tiềm năng lớn để mở rộng cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề, dịch vụ khác trong tương lai ở nước ta.

5. KẾT LUẬN

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nhiều lĩnh vực, ngành nghề lĩnh hội được những thành tựu khoa học kỹ thuật của thời đại kỷ nguyên số. Trong đó, thành tựu về “Internet of Things – Vạn vật kết nối” kết hợp với các thiết bị thông minh đã tạo nền móng cho sự xuất hiện của mô hình “kinh tế chia sẻ” nổi bật. Kinh tế chia sẻ là một phương thức vận hành mới trong việc khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng trên nền tảng công nghệ.

Nhiều nghiên cứu về kinh tế chia sẻ như nghiên cứu của Nielsen (2014), Shuai Yang (2016) và của Google, Temasek Holdings, Bain&Co,… cho thấy kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh tế rất tiềm năng cho việc phát triển kinh tế của ba bên: Nhà cung cấp dịch vụ; Khách hàng; Nhà cung cấp nền tảng. Kinh tế chia sẻ được ứng dụng trong nhiều hoạt động kinh doanh trên thế giới như mô hình Grab, Airbnb, RelayRides, KickStarter,…

Nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ hiện nay ở các lĩnh vực ngành nghề khá rõ rệt, điển hình như: Dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông (Grab, Go Viet, Dichung, Fastgo, Be,…); Dịch vụ lưu trú, du lịch (Airbnb, Travelmob, Luxstay, Triip.me ); Dịch vụ tài chính cho vay ngang hàng (tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp Fintech); Ngoài ra, một vài dịch vụ khác như dịch vụ chia sẻ không gian làm việc (Coworking Space), dịch vụ chia sẻ lao động, việc làm, dịch vụ sửa chữa thiết bị Rada,…

Nhiều lợi ích mang lại từ nền kinh tế chia sẻ như giảm thiểu chi phí giao dịch, giảm thiểu tác động môi trường, gia tăng sự khai thác tài sản, tiết kiệm vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết bị,… Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ tồn tài một số vấn đề hạn chế cần được rà soát của các bộ ngành liên quan đến hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh của Việt Nam (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại điện tử, các luật về thuế,…) sau đây:

  • Sự đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.
  • Các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng.
  • Sự đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ (người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng).
  • Cơ chế, chính sách quy định trách nhiệm rõ ràng hơn của các bên trong kinh tế chia sẻ. Quan hệ hợp đồng trong kinh tế chia sẻ có ít nhất là quan hệ ba bên thay vì quan hệ hai bên như trong các hợp đồng trước đây.
  • Quản lý thuế đối với mô hình kinh tế chia sẻ có nhiều khó khăn.
  • Người lao động không có quyền lợi về bảo hiểm sức khỏe, bảo đảm công việc và những giao dịch ngang hàng, gia tăng bất bình đẳng.
  • Các chính sách, các luật liên quan đến sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực công nghệ, dữ liệu lớn và điện toán đám mây – những nền tảng công nghệ của kinh tế chia sẻ…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

An, T.D. (2022). Marketing 4.0 trong thời đại kỷ nguyên số. Kỷ yếu hội thảo, khoa QTKD, Đại học Nguyễn Tất Thành.

Hưng, N.D. (2017). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề đặt ra với giáo dục Việt Nam. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.

Chi, P.T.L và Ly, H. (2022). Kinh tế chia sẻ là gì? Cơ chế hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ. Truy cập ngày 29/27/2022 tại: https://thebank.vn/blog/22132-kinh-te-chia-se.html

Hoa, C.T. (2019). Kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và một số vấn đề pháp lý. Truy cập ngày 21/11/2019 tại: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2515

Hùng, V.H. (2023). Kinh tế chia sẻ và vấn đề ứng dụng ở Việt Nam. Truy cập ngày 18/04/2023 tại: https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/kinh-te-chia-se-va-van-de-ung-dung-o-viet-nam-4648.4050.html

ISB (International School of Business). (2023). Công nghệ tài chính Fintech tại Việt Nam: nắm bắt xu hướng để phát triển. Truy cập ngày 20/04/2023 tại: https://insight.isb.edu.vn/cong-nghe-tai-chinh-fintech-tai-viet-nam/

Khánh, T. (2023). Triip.me – Startup du lịch gọi vốn được 500.000 USD. Truy cập ngày 18/04/2023 tại: https://khoinghieptre.vn/triip-me-startup-du-lich-goi-von-duoc-500-000-usd/

Lender.vn. (2020). HuyDong – Nền tảng P2P Lending đầu tiên tại Việt Nam. Truy cập ngày 08/03/2000 tại: https://lender.vn/huydong-nen-tang-p2p-lending-dau-tien-tai-viet-nam.html

Nhung, B.T. (2021). Nền kinh tế chia sẻ là gì? Bảo đảm quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ. Truy cập ngày 12/06/2021 tại: https://luatminhkhue.vn/nen-kinh-te-chia-se-la-gi-bao-dam-quyen-tu-do-kinh-doanh-trong-nen-kinh-te-chia-se.aspx

Phượng, M. (2019). RADA: Công cụ tìm kiếm dịch vụ sửa chữa thiết bị. Truy cập ngày 25/11/2019 tại: https://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/rada-cong-cu-tim-kiem-dich-vu-sua-chua-thiet-bi/20191121104934555p1c859.htm

Rada. (2023). Rada – Ứng dụng đặt dịch vụ tại nhà. Truy cập ngày 18/04/2023 tại: https://apprada.vn/

Tìm kiếm thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên VNEconomics

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết mới nhất từ VNEconomics Academy

VNEconomics là một dự án với mục đích chia sẻ những tri thức hữu ích về Kinh tế – Nghiên cứu khoa học và Công nghệ, đặc biệt là những kiến thức về Blockchaintiền mã hóa (một lĩnh vực rất mới mẻ) tới đối tượng là các bạn sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và những cá nhân khác quan tâm tới những lĩnh vực này.

👉Tham gia cộng đồng của VNEconomics tại:
Website: https://vneconomics.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vneconomics/
Telegram: https://t.me/BlockchainDEco
Linked In: https://www.linkedin.com/company/vneconomics/
Twitter: https://twitter.com/ThanhTung78

- Quảng cáo -

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết và khóa học miễn phí​

Danh mục đầu tư của VNEs

Danh mục sản phẩm

Những nội dung hữu ích ngành Blockchain & Tiền mã hóa
Recent Posts