Nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi kinh tế tuần hoàn tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

[QC]

Mục lục

NHẬN DIỆN CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC THỰC THI KINH TẾ TUẦN HOÀN TẠI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM HIỆN NAY

Hồ Minh Sánh

Khoa Quản trị Kinh Doanh – Đại học Nguyễn Tất Thành

Tóm tắt: Bài tham luận này cung cấp một cái nhìn tổng quan về khái niệm nền kinh tế tuần hoàn (KTTH), đề xuất các các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi thành công chiến lược KTTH tại các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên cơ sở phân tích chuổi giá trị nguồn tài nguyên khác nhau trong từng công đoạn từ sản xuất cho đến tiêu dùng, thu gom, xử lý, tái chế…trong đó bao gồm: Nguồn nguyên vật liệu / Thiết kế / Sản xuất / Phân phối và Bán hàng / Tiêu dùng và sử dụng / Thu hồi và xử lý / Phục hồi và Tái chế / Tái sản xuất / Đầu vào tuần hoàn. Cuối cùng, tham luận khuyến nghị các doanh nghiệp sử dụng yếu tố thực thi KTTH dùng để tham khảo cho việc xây dựng chiến lược phát triển KTTH, các phương pháp giám sát việc thực thi KTTH của các doanh nghiệp Việt Nam cũng được đề xuất cho sự phát triển trong tương lai.

Keywords: kinh tế tuần hoàn

1. Đặt vấn đề của tham luận

Cùng với ô nhiễm môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên càng ngày càng khan hiếm, là một thách thức to lớn của nhân loại cần phải giải quyết cấp bách trong thời đại ngày nay, việc phát triển nền KTTH đã trở nên cấp thiết của nhiều quốc gia trên thế giới, giúp cải thiện môi trường mà không làm giảm hiệu quả kinh tế. KTTH cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách mở ra không gian sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, cùng với đó là cơ hội nhiều việc làm, tiết kiệm chi phí và đảm bảo an ninh nguồn cung nguyên vật liệu, cải thiện điều kiện môi trường và ổn định giá cả.

Việc áp dụng KTTH tại Việt Nam còn rất sơ khai, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến KTTH. Ngày 07/06/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát triển KTTH ở Việt Nam” với mục tiêu tổng quát “Phát triển KTTH nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Mục tiêu cụ thể: “Góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050”.

Để thực hiện thành công cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (Conference Of Parties – COP26) về việc đạt mức thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và mục tiêu cụ thể của đề án “Phát triển KTTH ở Việt Nam” theo Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, Việt Nam cần khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp và nguồn lực để triển khai thực hiện cam kết này, trong đó việc thực thi KTTH một cách cụ thể tại các doanh nghiệp, đặt biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là đóng vai trò rất quan trọng và thật sự rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tham luận này đưa ra một số nội dung nhằm nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi KTTH của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Kết cấu nội dung tham luận gồm các phần sau :

  • Đặt vấn đề tham luận.
  • Cơ sở lý luận về KTTH.
  • Nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
  • Kết luận và kiến nghị.

2. Cơ sở lý luận về KTTH

Khái niệm KTTH dựa trên nhiều khái niệm khác, được thiết lập từ nhiều thập kỷ trước, mối quan tâm trên toàn thế giới đến sự phát triển của khái niệm KTTH chỉ mới được đổi mới gần đây và tiếp tục cho đến hiện nay vẫn là một khái niệm được định nghĩa theo nhiều cách, và vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Khái niệm này lần đầu tiên được Pear và Turner (1989) phát biểu với nghĩa là một mô hình kinh tế mới trong đó các nguồn lực vận động tuần hoàn trong một vòng khép kín, trái ngược với mô hình kinh tế tuyến tính theo các bước “khai thác tài nguyên- sản xuất – tiêu dùng và mỗi bước điều có phát sinh nguồn phế thải lãng phí”. Theo Quỹ Ellen Mac Arthur (Ellen Mac Arthur Foundation, 2012), cho rằng một nguyên tắc của KTTH là “đảm bảo quá trình thiết kế loại bỏ chất thải và ô nhiễm, giữ cho các nguyên vật liệu và thành phẩm được sử dụng trong thời gian dài nhất có thể, và tái tạo các hệ thống tự nhiên, một nền kinh tế công nghiệp trong đó các dòng vật chất tiếp tục luân chuyển với tốc độ cao mà không thoát ra khỏi hệ thống đi vào sinh quyển trừ khi chúng là chất dinh dưỡng sinh học” (Ellen Mac Arthur Foundation, 2012). Tiếp đến, đó là một nền kinh tế công nghiệp có mục đích phục hồi; nhằm mục đích dựa vào năng lượng tái tạo; giảm thiểu, theo dõi và loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại; và loại bỏ tình trạng lãng phí thông qua thiết kế cẩn thận (Ellen Mac Arthur Foundation, 2013); một nền kinh tế cung cấp nhiều cơ chế tạo ra giá trị tách rời khỏi việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên hữu hạn; trong nền KTTH, tăng trưởng đến từ “bên trong”, bằng cách tăng giá trị thu được từ các cấu trúc kinh tế, sản phẩm và nguyên vật liệu hiện có (Ellen Mac Arthur Foundation, 2015).

Trong tham luận này, chúng tôi sử dụng khái niệm về KTTH đã được Kirchherr và các cộng sự (2017) phát biểu, và đã được sử dụng trích dẫn trong nhiều báo cáo nghiên cứu trong những năm gần đây như sau: “KTTH là một hệ thống kinh tế thay thế cho mô hình kinh doanh dựa trên khái niệm “kết thúc vòng đời sản phẩm”, thông qua việc giảm thiểu, tái sử dụng/ sử dụng thay thế, thu hồi, phục hồi và tái chế nguyên vật liệu trong quy trình sản xuất/phân phối và tiêu dùng. Nó vận hành ở cả cấp độ vi mô (theo sản phẩm, doanh nghiệp, người tiêu dùng), cấp trung (ở các khu công nghiệp sinh thái) và cấp vĩ mô (ở cấp tỉnh thành, khu vực, quốc gia và hơn thế nữa), với mục đích đạt được sự phát triển bền vững – tức là tạo ra chất lượng môi trường, nền kinh tế thịnh vượng và công bằng xã hội, vì lợi ích của các thế hệ hiện nay và trong tương lai. Nó được kích hoạt bởi các mô hình kinh doanh mới và người tiêu dùng có trách nhiệm”. Như vậy, quan điểm về KTTH của Kirchherr (2017) đã nhấn mạnh đến yếu tố thực thi của tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đọc thêm:  Giải pháp thúc đẩy hoạt động Logistics xanh trong nền kinh tế tuần hoàn

Kalmykova và các cộng sự (2018) đã đề xuất một vòng tuần hoàn các chuỗi giá trị KTTH có thể có, trong đó các thành phần của chuỗi giá trị được chỉ định bằng số từ 1 đến 9. Một vòng các chuỗi giá trị của KTTH trong doanh nghiệp được phân biệt bởi một vòng lưu chuyển nguyên vật liệu khép kín và được thúc đẩy dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo, chuổi giá trị này bao gồm các thành phần: (1) Nguồn nguyên vật liệu, (2) Thiết kế sản phẩm, (3) Sản xuất, (4) Phân phối và bán hàng, (5) Tiêu dùng và sử dụng, (6) Thu hồi và xử lý, (7) Phục hồi và tái chế, (8) Tái sản xuất, (9) Đầu vào tuần hoàn. Trong đó, để đảm bảo nhiều khả năng vòng lưu chuyển nguyên vật liệu lưu thông xuyên suốt một cách chặt chẽ. Một vòng lặp “Chia sẻ sử dụng” được đề xuất bên trong chuổi giá trị thứ (5) Tiêu dùng và sử dụng. Sơ dồ các chuỗi giá trị nguồn tài nguyên của KTTH được biễu diễn theo Hình – 1 như sau:

Hình 1 – Sơ đồ chuỗi giá trị nguồn tài nguyên trong KTTH (Kalmykova, 2018)

Trong phần trên tham luận trày bày một cách khái quát về KTTH. Trong phần tiếp theo, tham luận xin trình bày những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi cho KTTH phát triển tại các doanh nghiệp Việt Nam.

3. Nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi KTTH tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Việc thực thi KTTH tại các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Dựa trên phương pháp tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu, cùng với việc tham khảo các bên có liên quan, chúng tôi đề xuất một số yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi KTTH, xem như các chỉ số làm cơ sở để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển KTTH góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050. Các yếu tố ảnh hưởng này được tổng quát theo Hình – 2 được mô tả bên dưới, bao gồm ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài và bên trong doanh nghiệp.

4. Ảnh hưởng các yếu tố từ bên ngoài doanh nghiệp

Chính sách và pháp luật: Cơ chế chính sách và pháp luật của Nhà nước có tác động tích cực đến việc thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổng sang KTTH của các doanh nghiệp Việt Nam. Các chính sách đó bao gồm: thể chế luật pháp liên quan đến chính sách thuế/ phí, cơ chế giám sát/ hỗ trợ trong sản xuất sản phẩm xanh, cơ sở hạ tầng phục vụ cho nền KTTH đặc biệt hạ tầng về cơ sở dữ liệu thực thi chiến lược KTTH, công nghệ xử lý thu hồi và tái chế…

Thị trường: Thị trường cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thực thi KTTH tại các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến để sản xuất xanh, không tác động môi trường thì chi phí sẽ tăng cao, giá cả hàng hóa sẽ tăng, nhu cầu thị trường sẽ bị tác động. Hơn nữa, niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm xanh/tuần hoàn còn thiếu thông tin. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng và thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình.

Đối thủ cạnh tranh: Áp lực từ đối thủ cạnh tranh là rất lớn do doanh nghiệp phải cạnh tranh không chỉ với sản phẩm xanh/ tuần hoàn của doanh nghiệp khác mà còn cạnh tranh ngay cả với các sản phẩm hay quy trình không tuần hoàn. Tuy nhiên, nếu cơ chế luật pháp có liên quan càng ngày càng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh /tuần hoàn, cộng với áp lực cần đáp ứng nhu cầu đối với các sản phẩm và giải pháp thay thế bền vững ngày càng cao cũng là yếu tố kinh tế thúc đẩy triển khai KTTH.

Hình 2 Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi KTTH của doanh nghiệp

5. Ảnh hưởng các yếu tố từ bên trong doanh nghiệp

5.1. Nguồn nguyên vật liệu

  • Đa dạng và liên kết ngành: Thiết lập các tiêu chuẩn ngành để thúc đẩy hợp tác liên ngành, liên kết doanh nghiệp để hình thành các chuổi giá trị trong sản xuất, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đầu vào/ đầu ra của doanh nghiệp thông qua tính công khai minh bạch, quản lý rủi ro và phát triển hạ tầng cơ sở dữ liệu KTTH dùng chung.
  • Sản xuất /tự chủ năng lượng: Sản xuất năng lượng tái tạo từ các sản phẩm phụ hoặc/và thu hồi nhiệt dư/ hay thu hồi nhiệt thải để quay ngược trở lại hỗ trợ vận hành sản xuất, phần năng lượng này nếu không được tái tạo sẽ tự mất đi và gây lãnh phí tài nguyên.
  • Mua sắm xanh: Một quy trình trong đó các tổ chức/doanh nghiệp chọn mua hàng hóa / dịch vụ có cùng chức năng nhưng có tác động môi trường thấp hơn, các tiêu chuẩn sử dụng năng lượng thấp hơn, vòng đời sản phẩm (Life Cycle Assessment – LCA) đáp ứng lâu dài hơn, nguyên vật liệu, thiết kế thích hợp điều kiện sinh thái; và các loại hàng hóa, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, dán nhãn tiết kiệm năng lượng, hàng hóa có khả năng tái chế dễ dàng.
  • Đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA): là một phương pháp được chuẩn hóa quốc tế, định lượng tất cả lượng khí thải và nguồn tài nguyên tiêu thụ có liên quan cũng như các tác động liên quan đến sức khỏe và môi trường hay sản phẩm gây nên cạn kiệt tài nguyên trong toàn bộ vòng đời sản phẩm/dịch vụ.
  • Thay thế nguyên vật liệu: Thay thế nguồn vật liệu dễ bị tác động đến sức khỏe và môi trường bằng những loại nguyên vật liệu dồi dào hơn và dễ tái tạo hơn, do đó làm cho quy trình sản xuất trở nên linh hoạt hơn trước biến động giá cả và sự khan hiếm tài nguyên.

5.2 Thiết kế sản phẩm

  • Sản xuất / tùy biến theo nhu cầu đặt hàng: Sản phẩm được thiết kế riêng để đáp ứng nhu cầu và sở thích của khách hàng, có thể giảm lãng phí và ngăn ngừa sản xuất thừa, tối ưu háo hàng tồn kho.
  • Thiết kế sản phẩm với tính năng dễ tháo rời và tái chế: Doanh nghiệp khi thiết kế sản phẩm phải quan tâm, xem xét đến nhu cầu tháo rời sản phẩm để dễ dàng vận chuyển, sửa chữa, tân trang hoặc tái chế.
  • Thiết kế theo mô-đun (module) hóa sản phẩm: Việc thiết kế sản phẩm bao gồm các mô-đun theo từng chức năng để sản phẩm có thể được nâng cấp với các tính năng hiện có và/hoặc có thể dễ dàng nâng cấp chức năng mới hơn. Khi thực hiện công tác bảo trì và bảo dưỡng, các mô-đun có thể được sửa chữa hoặc thay thế riêng lẻ rất dễ dàng, do đó làm tăng tuổi thọ sản phẩm.
  • Thiết kế sinh thái: Khi thiết kế sản phẩm phải xem xét đến các tác động môi trường của sản phẩm trong toàn bộ vòng đời của nó.
Đọc thêm:  Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào tình huống xử lý chất thải tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than của ngành điện lực Việt Nam

5.3. Sản xuất

  • Hiệu quả sử dụng năng lượng: Doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ cần thiết với năng lượng đầu vào giảm, có thể đạt được bằng cách giảm mức tiêu thụ và các quy trình vận hành máy móc thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả.
  • Hiệu suất sử dụng nguyên vật liệu: Ở cấp độ doanh nghiệp, lượng giá trị kinh tế được tạo ra trên một đơn vị nguồn nguyên vật liệu đầu vào hay trên một đơn vị tiêu hao nguyên vật liệu.
  • Sản xuất thích nghi và tái sản xuất: Doanh nghiệp phải quan tâm đến một công nghệ sản xuất công khai, minh bạch về môi trường và có thể linh hoạt mở rộng, có thể được áp dụng ở những nơi khác bằng cách sử dụng các nguồn lực và kỹ năng sẵn có tại địa phương.

5.4. Phân phối và bán hàng

  • Thiết kế bao bì tối ưu: Chiến lược thiết kế bao bì hiệu quả thông qua việc tuân thủ các quy định của pháp luật và sử dụng nguồn nguyên vật liệu đóng gói dễ phân hủy.
  • Phân phối / Bán lại: Bán lại người có nhu cầu sử dụng sản phẩm cũ nhằm kéo dài vòng đời sử dụng của sản phẩm. Do đó, số lượng sản phẩm phải được sản xuất sẽ ít hơn, mà vẫn phục vụ cho cùng một nhu cầu của thị trường. Mặt khác, các sản phẩm hoàn chỉnh hoặc các thành phần mô-đun của chúng cũng có thể được bán lại để tránh lãnh phí tài nguyên.

5.5. Tiêu dùng và sử dụng

  • Sự tham gia của cộng đồng: Sự tham gia tự nguyện của cộng đồng và các bên liên quan khác nhau trong việc tổ chức các nền tảng chia sẻ và cung cấp hướng dẫn về sửa chữa và thay thế sản phẩm.
  • Dán nhãn sinh thái: Một giấy chứng nhận bảo vệ môi trường là minh chứng cho tính ưu tiên môi trường của sản phẩm/dịch vụ. Việc dán nhãn sinh thái sản phẩm/dịch vụ đáng tin cậy và công bằng cần được giám sát bởi cộng đồng và cơ quan quản lý Nhà nước.
  • Dịch vụ hoặc hệ thống dịch vụ của sản phẩm: Quyền sở hữu sản phẩm thuộc về nhà sản xuất, họ phải cung cấp thiết kế, sử dụng, bảo trì, sửa chữa và tái chế trong suốt vòng đời của sản phẩm. Khách hàng phải trả tiền thuê cho thời gian sử dụng sản phẩm đó.
  • Ghi nhãn sản phẩm: Nhằm mục đích đảm bảo rằng người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về thành phần, nguồn gốc nguyên liệu, v.v. để giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt. Ngược lại với dán nhãn sinh thái, ghi nhãn sản phẩm sẽ biểu thị các thông tin không ưu tiên về môi trường có liên quan đến sản phẩm.
  • Tái sử dụng: Tái sử dụng giúp kéo dài vòng đời sử dụng sản phẩm bằng cách sử dụng đồ cũ. Do đó, doanh nghiệp sản xuất ít sản phẩm hơn, phục vụ đủ nhu cầu thị trường. Các sản phẩm hoàn chỉnh hoặc các thành phần của chúng cũng có thể được tái sử dụng để tránh lãnh phí tài nguyên.
  • Chia sẻ: Người tiêu dùng sử dụng / truy cập / sở hữu chung và cho phép sử dụng chung nền tảng sẻ chia sử dụng sản phẩm.
  • Tiêu dùng có trách nhiệm với xã hội: Người tiêu dùng có trách nhiệm với xã hội khi mua và sử dụng các sản phẩm/dịch vụ được coi là ít ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
  • Sự quản lý: Nhà quản lý doanh nghiệp luôn xem xét đến lợi ích chung, chịu trách nhiệm bảo vệ nguổn tài nguyên thiên nhiên thông qua bảo tồn, tái chế, tái tạo và phục hồi sản phẩm.
  • Số hóa – Phi vật chất hóa: Doanh nghiệp tăng cường số hóa công tác lưu trữ, các quy trình vận hành sản xuất. Ví dụ: số hóa hồ sơ , số hóa sách thư viện, mua sắm trực tuyến, sử dụng mạng viễn thông để giảm sử dụng không gian văn phòng làm việc và giảm tham gia giao thông.

5.6. Thu hồi và xử lý

  • Trách nhiệm khi mở rộng của nhà sản xuất: Khi mở rộng sản xuất, doanh nghiệp cũng phải quan tâm thực thi cam kết bảo vệ môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm cần phải được thực thi cho đến giai đoạn hậu tiêu dùng của vòng đời sản phẩm.
  • Khuyến khích tái chế: Doanh nghiệp sử dụng phần khen thưởng xứng đáng để khuyến khích việc tái chế các vật liệu có thể tái chế, ví dụ như tăng lợi tức chiếc khấu cho đơn vị tái chế.
  • Xây dựng cơ sở hạ tầng/ hậu cần: Đó là doanh nghiệp phải xây dựng toàn bộ cơ sở vật chất để thúc đẩy việc thu gom và xử lý sau tiêu dùng một cách hiệu quả về chi phí, tiết kiệm thời gian và an toàn với môi trường. Có các giải pháp tập hợp, bảo quản, lưu kho sản phẩm hậu tiêu dùng một cách tối ưu.
  • Sự phân tách: Sản phẩm sau tiêu dùng có các thành phần sinh học nên được tách biệt khỏi các thành phần kỹ thuật hoặc nhân tạo hay vô cơ. Các chất dinh dưỡng kỹ thuật nên được sử dụng để tái sản xuất và các chất dinh dưỡng sinh học sẽ được phục hồi hoặc xử lý phân hủy tự nhiên.
  • Hệ thống thu hồi và trao đổi: Các hệ thống thu hồi hiệu quả đảm bảo rằng các sản phẩm được thu hồi từ người tiêu dùng sau khi hết hạn sử dụng và tiếp tục được tái sản xuất. Các hệ thống thu hồi có thể đảm bảo dòng nguyên liệu được lưu chuyển liên tục để tái sản xuất.

5.7. Phục hồi và tái chế

  • Sử dụng sản phẩm phụ: Sản phẩm phụ từ các quy trình sản xuất khác và chuỗi giá trị tương ứng của chúng được sử dụng làm nguyên liệu thô đầu vào cho quá trình sản xuất sản phẩm mới.
  • Tái chế: Đó là quá trình chuyển đổi các sản phẩm đã qua sử dụng thành các sản phẩm mới khác có chất lượng thấp hơn hoặc giảm chức năng. Đối với vật liệu phụ có thể chuyển đổi thành vật liệu mới có chất lượng cao hơn và tăng chức năng.
  • Thu hồi thành phần/nguyên tố: Quá trình thu hồi kim loại, phi kim loại và các chất khác có thể tái sử dụng từ luồng chất thải vật liệu.
  • Phục hồi năng lượng: Việc chuyển đổi vật liệu phế thải thành nhiệt, thành điện hoặc thành nhiên liệu có thể được sử dụng thông qua một loạt các quy trình chuyển hóa chất thải thành năng lượng, bao gồm đốt cháy, khí hóa, nhiệt phân, phân hủy kỵ khí và thu hồi khí bãi chôn lấp….
  • Khai thác hóa chất sinh học: Chuyển đổi sinh khối thành các sản phẩm hóa học có khối lượng thấp nhưng giá trị cao, từ đó tạo ra nhiệt, điện, nhiên liệu hoặc hóa chất từ sinh khối.
  • Tái chế chất lượng cao: Việc thu hồi vật liệu ở dạng tinh khiết không bị nhiễm bẩn, để dùng làm nguyên liệu thô thứ cấp cho quá trình sản xuất tiếp theo ra các sản phẩm có chất lượng tương tự.
  • Cộng sinh công nghiệp: Các doanh nghiệp trao đổi và/hoặc chia sẻ nguồn tài nguyên, dịch vụ và sản phẩm phụ giữa các doanh nghiệp.
  • Sự hoàn lại: Quá trình trong đó các chất dinh dưỡng sinh học được trả lại cho đất sau khi bị vi sinh vật và các loài khác phân hủy.
Đọc thêm:  Nhận diện và hậu tố của tẩy xanh dựa trên nghiên cứu tổng kết lý thuyết

5.8. Tái sản xuất sản phẩm

  • Tái sản xuất / tân trang lại: Quá trình nâng cấp lại một sản phẩm bằng cách thay thế các bộ phận bị lỗi bằng những bộ phận có thể tái sử dụng.
  • Sửa chữa, nâng cấp và bảo dưỡng: Cách hiệu quả nhất để duy trì hoặc khôi phục thiết bị về mức hiệu suất mong muốn là bảo trì. Hơn nữa, dịch vụ hậu mãi được xem là chìa khóa cho lợi thế cạnh tranh và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Bảo trì cũng được thực hiện dưới hình thức sửa chữa nhằm loại bỏ các tính năng lỗi thời của sản phẩm hoặc kéo dài tuổi thọ hữu ích của sản phẩm, thì các dịch vụ nâng cấp sản phẩm là rất cần thiết.

5.9. Đầu vào tuần hoàn

  • Vật liệu sinh học: Các nguồn nguyên vật liệu đầu vào tồn tại lâu hơn một vòng đời và có thể dễ dàng tái tạo.

6. Kết luận và kiến nghị

Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi ngay từ đầu phải có chiến lược sản xuất và phát triển sử dụng sản phẩm lâu nhất có thể và lập kế hoạch đưa nguyên liệu trở lại sản xuất sau này. Để đạt được điều đó, đòi hỏi đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế rác thải (Nguyễn Thị Phong Lan, 2022). Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi KTTH tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Việc nắm bắt và đưa ra các chiến lược thực thi KTTH phù hợp để vượt qua các thách thức này là cần thiết để các doanh nghiệp có thể đạt được sự thành công trong kinh doanh của mình ở hiện tại và tương lai. Cần biết rằng, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính truyền thống sang KTTH không thể triển khai thực hiện ngay trong ngắn hạn, đặt biệt khi đặt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chỉ mới trong giai đoạn đầu là nước đang phát triển mức trung bình thấp. Các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu rất nhiều về nguồn lực như: công nghệ, tài chính, con người và thậm chí thiếu các chính sách hỗ trợ của Nhà nước….nên việc thực thi ngay KTTH là việc bất khả thi. Tuy nhiên, chuyển đổi sang KTTH là xu thế tất yếu của nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược chuyển đổi sang KTTH để có những bước đi phù hợp với từng giai đoạn phát triển để từ nay cho đến năm 2050 đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng ‘0’ như cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Việc nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi KTTH của các doanh nghiệp Việt Nam góp phần giúp doanh nghiệp có thêm thông tin xây dựng các chỉ số chiến lược phát triển KTTH cho doanh nghiệp. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp mà việc áp dụng từng yếu tố, từng tiêu chí có thể khác nhau mà doanh nghiệp quan tâm cân nhắc sử dụng.

Do lĩnh vực KTTH là nội dung cũng còn khá mới tại Việt Nam, trong khuông khổ của bài tham luận hội thảo, cho nên sẽ còn rất nhiều hạn chế. Để thực thi được các giải pháp KTTH, cần phải được xem xét nghiên cứu thêm trong những lĩnh vực ngành nghề khác nhau, từ những ngành nghề truyền thống như sản xuất nông nghiệp và giao thông vận tải, cho tới những ngành nghề năng động hơn như năng lượng, viễn thông- công nghệ thông tin, du lịch và thương mai điện tử. Hơn nữa, các yếu tố này cần được nghiên cứu định lượng để lượng hóa các chỉ số phù hợp từng giai đoạn phát triển KTTH cho doanh nghiệp.

Để thúc đẩy việc thực thi KTTH tại các doanh nghiệp Việt Nam, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước: (1) Hoàn thiện và ban hành hệ thống chính sách luật pháp liên quan đến quy định, tiêu chuẩn hóa các chỉ số đo lường KTTH, thực hiện giám sát và cấp giấy chứng nhận sản phẩm xanh/tuần hoàn cho các doanh nghiệp/ tổ chức sản xuất sản phẩm xanh/tuần hoàn, giảm tác động môi trường; (2) Chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thực thi KTTH: Các chính sách liên quan đến hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển dịch sang KTTH là rất cần thiết nếu muốn đẩy nhanh các mô hình kinh doanh KTTH tập trung (Richard McClellan và cộng sự, 2022); (3) Cơ chế giảm thuế phí ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện tốt KTTH, giúp sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm xanh, cũng như tăng mức chi phí của các phương pháp sản xuất tiêu thụ gây tốn kém nhiều nguồn lực cao hơn so với sử dụng các mô hình tiêu thụ hiệu quả; (4) Chuyển đổi số – từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu KTTH dùng chung, kết nối các nguồn tài nguyên vật liệu của các doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh đến các doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh có nhu cầu.

Đối với doanh nghiệp: khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh ứng dụng các mô hình KTTH, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường, có lộ trình thực hiện cam kết trong từng giai đoạn từ nay đến năm 2050, đảm bảo tất cả các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng KTTH đạt được phát thải ròng bằng ‘0’.

Đối với cộng đồng: Các cấp các ngành tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy về sản xuất và tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm dán nhãn “sản phẩm xanh/ tuần hoàn/ thân thiện môi trường”. Nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm chi phí trong việc sử dụng và tái chế rác thải.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ellen MacArthur Foundation     (2012). Ellen MacArthur Foundation. Available from: http://www.ellenmacarthurfoundation.org/.

Ellen MacArthur Foundation. (2013). Towards the circular economy. Journal of Industrial Ecology, 2(1), 23-44.

Ellen MacArthur Foundation. (2015). Delivering the circular economy: A toolkit for policymakers. Ellen MacArthur Foundation.

Kalmykova, Y., Sadagopan, M., & Rosado, L. (2018). Circular economy–From review of theories and practices to development of implementation tools. Resources, conservation and recycling, 135, 190-201.

Kirchherr, J., Reike, D., & Hekkert, M. (2017). Conceptualizing the circular economy: An analysis of 114 definitions. Resources, conservation and recycling, 127, 221-232.

Nguyễn Thị Phong Lan (2022), “Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững ở Việt

Richard McClellan, Lê Bá Nhật Minh, Nguyễn Minh Tú, Nguyễn Hồng Quân., (2022). “Cơ hội lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch tỉnh tại Việt Nam”. Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia Tp. HCM; Hanns Seidel Foundation.

Tìm kiếm thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên VNEconomics

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết mới nhất từ VNEconomics Academy

VNEconomics là một dự án với mục đích chia sẻ những tri thức hữu ích về Kinh tế – Nghiên cứu khoa học và Công nghệ, đặc biệt là những kiến thức về Blockchaintiền mã hóa (một lĩnh vực rất mới mẻ) tới đối tượng là các bạn sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và những cá nhân khác quan tâm tới những lĩnh vực này.

👉Tham gia cộng đồng của VNEconomics tại:
Website: https://vneconomics.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vneconomics/
Telegram: https://t.me/BlockchainDEco
Linked In: https://www.linkedin.com/company/vneconomics/
Twitter: https://twitter.com/ThanhTung78

- Quảng cáo -

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết và khóa học miễn phí​

Danh mục đầu tư của VNEs

Danh mục sản phẩm

Những nội dung hữu ích ngành Blockchain & Tiền mã hóa
Recent Posts