Nhận diện hợp đồng thông minh và một số vấn đề pháp lý đặt ra cho Việt Nam

[QC]

Mục lục

NHẬN DIỆN HỢP ĐỒNG THÔNG MINH VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐẶT RA CHO VIỆT NAM

Trần Linh Huân*
* Thạc sĩ Luật học, giảng viên Khoa luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM
Trần Thị Diện**
** Công Ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ FWD

Tóm tắt

Tại Việt Nam hiện nay, nền kinh tế số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, điều này góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển các ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống sản xuất một cách mạnh mẽ. Một trong số những ứng dụng được quan tâm hiện nay chính là hợp đồng thông minh. Với nhiều đặc tính vượt trội nhờ công nghệ chuỗi khối (blockchain), hợp đồng thông minh mang đến những ưu điểm khác biệt so với hợp đồng “truyền thống” như tính chính xác, tính độc lập, tự động hóa và tự động thực thi trên môi trường số… Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi bật, dưới góc nhìn pháp lý, hợp đồng thông minh vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần được lưu ý và phân tích sâu hơn. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả mong muốn sẽ cung cấp những đặc trưng cơ bản để nhận diện một Hợp đồng thông minh và đặt ra một số vấn đề pháp lý cần phân tích nhằm hoàn thiện cơ chế áp dụng trong tương lai.

Từ khóa: Hợp đồng thông minh, công nghệ chuỗi khối, vấn đề pháp lý.

Đặt vấn đề 

Hiện nay, sự bùng nổ của khoa học công nghệ với những phát minh ưu việt mang tính ứng dụng cao và hiệu quả, trong đó nổi bật có sự ra đời của hợp đồng thông minh (HĐTM). Tại nhiều quốc gia trên thế giới, chính phủ đã ban hành những quy định kịp thời nhằm điều chỉnh và áp dụng HĐTM bên cạnh hợp đồng truyền thống. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống pháp luật nói chung và lĩnh vực pháp luật hợp đồng nói riêng vẫn còn bỏ ngỏ vấn đề này, đây cũng là một trong những thách thức lớn trong việc áp dụng vào thực tiễn. Do đó, việc nghiên cứu, đánh giá, làm rõ các vấn đề lý luận và những tiềm năng ứng dụng mà HĐTM mang lại cũng như chỉ ra những bất cập trong việc thừa nhận tính pháp lý của loại hợp đồng này tại Việt Nam để từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

1. Khái quát về hợp đồng thông minh

1.1. Khái niệm và cơ chế hoạt động của hợp đồng thông minh 

Từ khi xuất hiện đến nay, đã có nhiều khái niệm khác nhau về HĐTM được đưa ra từ nhiều góc độ nghiên cứu. Từ góc độ công nghệ, khái niệm sơ khai nhất về HĐTM được công nhận rộng rãi trong một bài nghiên cứu của Nick Szabo – một lập trình viên, nhà khoa học máy tính người Mỹ công bố năm 1994[1]. Trong bài báo của mình về HĐTM, tác giả này định nghĩa “HĐTM là một hình thức giao dịch trên máy tính có khả năng tự động thực hiện các điều khoản của một hợp đồng”. Gần đây nhất, năm 2018, Vitalik Buterin – người sáng lập đồng tiền kỹ thuật số ethereum, đã giải thích về HĐTM trong hội nghị thượng đỉnh về công nghệ chuỗi khối tại Washington DC., theo đó: “HĐTM là một chương trình máy tính, trực tiếp kiểm soát một số loại tài sản kỹ thuật số và gần như thay thế cho hợp đồng pháp lý thông thường. Khi ứng dụng này chuyển đổi tài sản kỹ thuật số thành một chương trình máy tính, chương trình này sẽ tự động mã hóa thông qua việc xác thực những điều kiện nhất định và xác định ai sẽ là người nhận được tài sản đó.”[2] Đây được xem là một khái niệm tương đối cụ thể và rõ ràng, đặc biệt có sự liên hệ với hợp đồng pháp lý khi khẳng định HĐTM có thể thay thế hợp đồng truyền thống, hay nói cách khác quan điểm này gợi mở hướng tiếp cận HĐTM với những dấu hiệu pháp lý cơ bản của một hợp đồng truyền thống.

Dưới góc độ pháp lý, một số quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu và đưa ra một số quy định pháp luật điều chỉnh về HĐTM. Năm 2017, Cộng hòa Belarus là quốc gia đầu tiên trên thế giới luật hóa HĐTM, tại Mục 9 Phụ lục 1 Nghị định Tổng thống số 8, HĐTM được định nghĩa là “mã chương trình được thiết lập để thực hiện chức năng của sổ cái phân tán nhằm tự động và/hoặc thực hiện các giao dịch hoặc các hành vi pháp lý khác[3].” Quốc gia này áp dụng cơ chế khung pháp lý thử nghiệm tại công viên công nghệ cao cho việc thực hiện HĐTM, một người tham gia thực hiện hợp đồng thông minh được coi là đã được thông báo đầy đủ về các điều kiện của nó, bao gồm cả những điều kiện được thể hiện bằng mã chương trình, trừ khi được chứng minh theo cách khác. Tương tự, tháng hai năm 2019, Quốc hội Ý đã chấp thuận nghị định đơn giản hóa và nâng cao thủ tục hành chính (Decreto Semplificazioni), trong đó thừa nhận tính pháp lý và khả năng thực thi của HĐTM, đây là “một chương trình máy tính vận hành trên nền tảng công nghệ sổ cái phân tán (distributed ledger technology – DLT) và việc thực thi của nó sẽ tự động có hiệu lực đối với các điều khoản đã được thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên.4” Một số tiểu bang tại Hoa Kỳ như Arizona, Tennessee, Nevada cũng đã đưa ra khái niệm điều chỉnh về HĐTM[4]. Nhìn chung, những khái niệm về HĐTM mà những quốc gia này đưa ra đều bao hàm đặc trưng về khía cạnh công nghệ hay nền tảng phía sau của HĐTM nhằm thực thi một thỏa thuận pháp lý nào đó.

Ngoài ra, còn một hướng định nghĩa HĐTM bằng cách điều chỉnh tên gọi khác đó là hợp đồng pháp lý thông minh (Smart legal contract) như pháp luật tại Anh và xứ Wales[5]. Theo đó Hợp đồng pháp lý thông minh được hiểu là một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý, trong đó một số hoặc tất cả các nghĩa vụ hợp đồng được xác định trong và/hoặc được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính.

Có thể thấy rằng hiện chưa có một định nghĩa thống nhất về HĐTM được thừa nhận rộng rãi, tuy nhiên có thể đi qua cơ chế hoạt động của HĐTM để nhận diện được một HĐTM được thiết lập và duy trì như thế nào.

Trong bài nghiên cứu về HĐTM được công bố lần đầu tiên, tác giả Nick Szabo đã đưa ra ví dụ về nguyên lý hoạt động của HĐTM tương tự như một chiếc máy bán hàng tự động. Một hợp đồng mua bán đã được viết bằng ngôn ngữ lập trình với mệnh đề “nếu (if) – thì (then)” để cài đặt trong máy, nếu các đồng xu được đưa vào khe một cách chính xác, món hàng sẽ tự động rơi vào máng nhận đồ; nếu không có hàng trả ra, máy sẽ trả lại tiền xu. Các giao dịch không thể dừng lại giữa chừng, tiền không thể được hoàn trả nếu đồ uống đã được cung cấp. Các điều khoản của giao dịch đã được nhúng trong chương trình phần mềm hoạt động của máy bán hàng. Khác với hợp đồng truyền thống được viết bằng ngôn ngữ soạn thảo thông thường thì ngôn ngữ của HĐTM chính là ngôn ngữ lập trình máy tính.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở ngôn ngữ lập trình thì HĐTM sẽ không tạo ra sự khác biệt quá lớn so với hợp đồng điện tử thông thường, điểm khác biệt được đề cập ở đây chính là môi trường thiết lập HĐTM trong nền tảng công nghệ bockchain[6]. Nền tảng này cung cấp môi trường giám sát, xác nhận giao dịch, chống sự gian lận và giả mạo, theo đó các bên sẽ sử dụng tiền mã hóa làm công cụ giao dịch, và mọi bước trong thực hiện giao dịch sẽ được lưu lại và theo dõi bởi nhiều bên.

Theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Blockchain là một cách thức lưu trữ dữ liệu dưới dạng phân tán liên kết tạo thành chuỗi và mạng lưới, và được duy trì sự kiểm soát trên một mạng phân tán[7]. Các máy tính tham gia mạng lưới Blockchain sẽ hoạt động dưới mô hình ngang hàng (peer-to-peer) hay còn gọi là mô hình mạng phân tán (distributed network) với chức năng bình đẳng như nhau. Với mô hình này sẽ không có sự xuất hiện của bên thứ ba với tư cách máy chủ hay sổ cái tập trung (centralized ledger) như mô hình truyền thống. Việc loại bỏ đơn vị trung gian quản lý sẽ đảm bảo an toàn và độ tin cậy cho giao dịch, loại bỏ chi phí trung gian và tiết kiệm thời gian xác minh, thay vào đó sẽ có sự xác minh và đồng thuận của đa số những người tham gia – còn gọi là cơ chế đồng thuận phi tập trung (decentralized consensus).

Liên hệ đến HĐTM, khi các thông tin trong một giao dịch đã được xác minh hợp lệ, chúng sẽ được mã hóa và lưu trữ vào một khối (block), bên trong một block sẽ bao gồm[8]:

i. Mã băm (Hash): được hiểu là mã định danh của khối để phân biệt với những khối khác, duy nhất và không bị trùng lắp;

ii. Dữ liệu giao dịch (Data): là những thông tin có trong giao dịch được các bên cung cấp;

iii. Dấu thời gian (Timestamp): thời gian khối dữ liệu được khởi tạo;  iv. Mã băm của khối trước đó (Previous Block Hash): dùng để liên kết với các khối với nhau.

Khi khối đầu tiên trong chuỗi được tạo ra (khối nguyên thủy), nó sẽ liên kết với những khối sau đó bằng mã băm của mình và mã mới của khối sau đó. Nếu một khối bị can thiệp sửa đổi thì những khối sau sẽ cần phải được mã hóa lại từ đầu đến cuối vì chúng đã lưu mã băm cũ của khối trước đó, có như vậy chuỗi liên kết mới được duy trì. Ngoài ra mỗi sự thay đổi trong chuỗi đều cần có sự xác nhận của những người tham gia, chính những đặc trưng trong cấu trúc của chuỗi khối là trở ngại của những kẻ tấn công (hacker) và cản trở sự can thiệp hay thay đổi dữ liệu trái phép.

1.2. Khả năng ứng dụng của Hợp đồng thông minh  

Với cơ chế hoạt động gắn liền với công nghệ blockchain mang những ưu điểm như: tính chính xác, tính tính rõ ràng và minh bạch, tính nhanh chóng và hiệu quả, tính bảo mật và tính bất biến[9], HĐTM được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, có thể điểm qua một số ứng dụng nổi bật như:

Đọc thêm:  Lợi ích của tiền mã hóa?

Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, công nghệ blockchain nói chung và HĐTM nói riêng được xem là chìa khóa tháo gỡ các nút thắt trong hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại tại các tổ chức tín dụng[10]. Trong giao dịch Thư tín dụng (Letter of credit – L/C), ứng dụng Blockchain, nhóm tác giả Shuchih Ernest Chang đã đưa ra ví dụ khi các bên tham gia sẽ cùng thỏa thuận một hợp đồng thông minh. Hợp đồng thông minh được lập trình trên Blockchain phù hợp với các thỏa thuận quy định trong các hợp đồng thương mại và các điều kiện, điều khoản của L/C. Giao dịch L/C trên Blockchain thực hiện thanh toán thông qua tính năng tự thực thi của hợp đồng thông minh, hợp đồng thông minh còn có thể ghi lại việc chuyển quyền sở hữu[11]. Ngoài ra, nhắc đến lĩnh vực tài chính trong bối cảnh ứng dụng công nghệ blockchain không thể nhắc đến thuật ngữ Defi (tài chính phi tập trung). Các sản phẩm tài chính phi tập trung có nhiều loại nhưng tất cả đều chia sẻ một tính năng chung, đó là giúp chuyển đổi các sản phẩm tài chính truyền thống thành những biến thể mới không yêu cầu trung gian, như cho phép giao dịch cho vay ngang hàng (P2P), dùng hợp đồng thông minh để giám sát hoạt động và đảm bảo tính toàn vẹn của các giao dịch. Gần như tất cả các dự án DeFi đều được xây dựng trên Ethereum[12]. Hay trong mảng bảo hiểm, tại Singapore, Imdediate cùng với Deloitte và FWD đã tạo nên một hệ sinh thái trong cung cấp các gói bảo hiểm tiện ích với nền tảng của HĐTM[13], Immediate cho phép khách hàng tùy ý sử dụng tài khoản bảo hiểm vào những nhu cầu cá nhân của họ và mọi thông tin giao dịch liên quan đến hợp đồng bảo hiểm sẽ được lưu trữ trong ví điện tử của khách hàng. Và khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, HĐTM sẽ được kích hoạt và các khoản bồi thường sẽ được chi trả trực tiếp vào ví điện tử cho khách hàng.

Trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, HĐTM có thể được ứng dụng một cách rộng rãi trong việc tạo ra các hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm trồng trọt và chăn nuôi[14]. Khi ngày càng có nhiều nhu cầu về tính minh bạch trong chuỗi thực phẩm nông nghiệp, cả từ phía người tiêu dùng, thương nhân và chính phủ. Việc áp dụng công nghệ chuỗi khối để cho phép truy xuất nguồn gốc an toàn cho việc quản lý chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản-thực phẩm, cung cấp thông tin như nguồn gốc của một sản phẩm thực phẩm và ngăn chặn thực phẩm gian lận là vô cùng cần thiết, do tính minh bạch và bất biến được cung cấp bởi công nghệ này. Trong một nghiên cứu, tác giả Yingli Wang và cộng sự đã đề xuất một hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm dựa trên công nghệ blockchain, trong đó tất cả lịch sử đăng ký và chuyển giao sản phẩm được ghi lại vĩnh viễn bằng cách sử dụng HĐTM. Một cơ chế phản hồi được thiết kế để xác minh danh tính của cả các bên tham gia vào giao dịch và đảm bảo tính hiệu lực của giao dịch đó[15]. Hay tác giả Bin Yu và cộng sự trong bài nghiên cứu “Hệ thống giám sát dựa trên hợp đồng thông minh và mô hình đánh giá” đã đề xuất một khung giám sát mà kết hợp HĐTM và các mô hình đánh giá để đánh giá tự động chất lượng của các mẫu nước ép trái cây[16]. HĐTM được thực thi để ghi lại dữ liệu sản xuất trên chuỗi khối và có thể quyết định xem quy trình sản xuất có hoạt động chính xác hay không, hoặc phải bị chấm dứt vì không tuân thủ. Tính khả thi của hệ thống đã được đánh giá bằng cách thực hiện một ví dụ bằng việc tạo ra phiên bản HĐTM của hệ thống giám sát chất lượng cho nước ép đào sản xuất dựa trên nền tảng Ethereum và Remix IDE (một công cụ online hỗ trợ lập trình HĐTM).

Trong lĩnh vực y tế, ứng dụng đầu tiên của HĐTM chính là hồ sơ bệnh án điện tử, cho phép chuyển giao hoặc truy cập hồ sơ sức khỏe thông qua phê duyệt chữ ký giữa bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ. HĐTM cũng được nghiên cứu ứng dụng trong việc theo dõi sức khỏe cá nhân thông qua các thiết bị IoT (Mạng lưới thiết bị kết nối Internet). Hay như công trình nghiên cứu ứng dụng HĐTM trong quy trình đặt lịch hẹn khám và tư vấn, một nền tảng chẩn đoán sức khỏe kỹ thuật số được phát triển giúp giải quyết vấn đề về sự quá tải tại các bệnh viện, tránh sự chờ đợi của bệnh nhân, cũng như cập nhật những kiến thức y học mới nhất trong quá trình chấn đoán và đưa ra ý kiến tư vấn[17]. Điển hình cho việc ứng dụng những nghiên cứu về HĐTM vào y tế chính là Estonia – được biết đến là một trong những quốc gia tiến bộ kỹ thuật số nhất trên thế giới, cung cấp hơn 2.500 giao dịch kỹ thuật số để tương tác với chính phủ. Sau một cuộc tấn công mạng năm 2007, từ năm 2016, quốc gia này đã chọn công nghệ chuỗi khối và HĐTM để bảo mật và ghi lại hồ sơ sức khỏe của 1,3 triệu công dân của mình, việc sử dụng công nghệ này đã cho phép quốc gia chia sẻ dữ liệu một cách dễ dàng và tiết kiệm giữa nhiều nhà cung cấp dịch vụ y tế trong thời gian thực, bảo toàn tính toàn vẹn của dữ liệu và giảm rủi ro dữ liệu sức khỏe quan trọng bị tấn công, cá nhân hóa dữ liệu sức khỏe của công dân và chuyển từ chữa bệnh sang phòng bệnh. Trong khi đó, ở nhiều nơi trên thế giới, các bác sĩ phải điều trị cho bệnh nhân mà không hiểu đầy đủ về bệnh sử của họ[18].

Trong lĩnh vực logistic, HĐTM góp phần tự động hóa quy trình thương mại[19]. Một trong những công ty đầu tiên ứng dụng hợp đồng thông minh trong logistics đó là ShipChain. ShipChain thiết lập hệ thống theo dõi trên toàn bộ chuỗi cung ứng, từ thời điểm hàng rời khỏi nhà máy, cánh đồng hay trang trại để phân phối hoàn chỉnh đến khách hàng. Shipchain thống nhất việc theo dõi lô hàng trên blockchain Ethereum, sử dụng hợp đồng thông minh. Hợp đồng ShipChain được thực hiện trên Ethereum có thể được sử dụng bởi bất cứ ai để thiết lập một ký quỹ vận chuyển. Khi lô hàng được hoàn thành và xác nhận, hợp đồng được lưu trữ trên blockchain chính. ShipChain chủ yếu sẽ là một thị trường mở, noi các chủ hàng và hãng vận tải có thể kết nối và tiến hành kinh doanh hiệu quả hon và có tính minh bạch cao hon. Tuy nhiên, cũng sẽ có nền tảng web ShipChain, cho phép đặt chỗ và quản lý các lô hàng sử dụng nhiều nhà cung cấp dịch vụ và phương thức vận tải khác nhau.

Trong lĩnh vực công, HĐTM được ứng dụng trong việc đăng ký thành lập công ty và giám sát cơ chế bỏ phiếu, và chào bán cổ phiếu của mình sau đó. Tiểu bang Delaware của Mỹ đã ứng áp dụng HĐTM để quản lý quy trình thành lập công ty đặc biệt khi số lượng các công ty tư nhân với cấu trúc vốn chủ sở hữu phức tạp21.

Tại Việt Nam, mặc dù những ứng dụng của công nghệ blockchain nói chung và HĐTM nói riêng còn khá hạn chế nhưng vẫn có một số cái tên khá nổi bật như Triip.me trong lĩnh vực lữ hành và Revex trong mảng bất động sản, Bigbom Eco trong lĩnh vực quảng cáo. Điểm qua Tripp.me, đây là mô hình kinh doanh dựa trên cơ chế “Crowdsourcing” – sử dụng nguồn lực của cộng đồng, tận dụng ưu thế đám đông như khai thác ý tưởng, trí tuệ giúp giảm chi phí và tăng giá trị công việc[20]. Cụ thể, Triip cho phép những người dân ngay tại địa phương tự thiết kế hành trình, điểm đến mang dấu ấn cá nhân, thể hiện sự thấu hiểu địa phương của họ. Đây là những người được Triip gọi là “Triip creators”. Tất cả những thông tin đó sẽ được đưa lên hệ thống dữ liệu phân tán Blockchain dưới dạng HĐTM. Để kích hoạt HĐTM này, Trip creators sẽ cần đặt cọc một số lượng token nhất định và ít nhất có 02 người trong hệ thống được gọi là “Trip reviewers” xác nhận những thông tin được khởi tạo là chính xác. Khi đó, khách du lịch sẽ dựa vào những thông tin có trong HĐTM này để đặt tour du lịch, họ sẽ gửi một lượng token tương ứng với giá vé bán ra. Sau khi kết thúc hành trình, nếu chuyến đi được đánh giá tốt, các token sẽ được chuyển đến Trip Creators. Với cơ chế họat động này, Tripp me tạo ra kho dữ liệu người dùng rất lớn và có thể hỗ trợ các dịch vụ lữ hành, khách sạn trong việc khai thác dữ liệu và thông tin du lịch mà không chỉ dựa vào tiếp thị truyền thống23.

Từ những dẫn chứng trên, không thể phủ nhận HĐTM có những tiềm năng rất lớn trong viêc thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực trong đời sống, việc nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để áp dụng HĐTM như tại một số quốc gia đã và đang làm là rất cần thiết.

2. Vấn pháp lý đặt ra về Hợp đồng thông minh tại Việt Nam hiện nay

2.1. Giá trị pháp lý của Hợp đồng thông minh  

Thực tiễn hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào điều chỉnh HĐTM.

Đối chiếu với  Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Như vậy, một hợp đồng chỉ được cấu thành khi có 2 yếu tố (i) có sự thỏa thuận thể hiện rõ ý chí của các bên tham gia trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm trong quan hệ dân sự; và (ii) phải có nội dung liên quan đến việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. So sánh với định nghĩa này, thì hợp đồng thông minh cũng có thể được hiểu là một dạng của hợp đồng thông thường, khi bản chất HĐTM có ràng buộc các bên tham gia hợp đồng thông qua các quyền và nghĩa vụ đã được số hóa/mã hóa và mục đích cuối cùng là giúp các bên đạt được ý chí khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, việc giao kết HĐTM được thực hiện hoàn toàn trên máy tính sẽ rất khó để xác định các bên liệu có thực sự tự nguyện tham gia vào hợp đồng hay không, nếu không xác định rõ yếu tố này HĐTM có thể bị vô hiệu.

Đọc thêm:  Learn and Earn – Xu hướng của tương lai

Bên cạnh đó, Luật Giao dịch điện tử 2005, có quy định về Hợp đồng điện tử, đây là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu – những thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử[21]. Điều 34 Luật Giao dịch điện tử 2005 cũng nêu thêm rằng “giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.” Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử[22] bao gồm: các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng, và khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thoả thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó. Xét về cách thức giao kết, HĐTM được thực hiện bằng phương tiện điện tử và các bên sẽ thực hiện giao dịch trên một hệ thống mạng máy tính một cách tự động, đối chiếu với các điều khoản đã dẫn liên quan, có thể hiểu HĐTM vẫn có khả năng đáp ứng quy định mà Luật Giao dịch điện tử đặt ra.

Tuy nhiên, với hợp đồng điện tử hiện nay cũng còn tồn tại những bất cập chưa được tháo gỡ, cụ thể[23]: (i) chưa có quy định về hợp đồng điện tử mẫu nên không đảm bảo sự thống nhất trong giao dịch điện tử; (ii) chưa có hướng dẫn cụ thể về quy định yêu cầu chứng thực hợp đồng điện tử; và (iii) chưa có quy định điều chỉnh vấn đề tài sản ảo để các bên áp dụng như là công cụ thanh toán trong các giao dịch điện tử. Nhìn chung, pháp luật hiện hành khi chưa thừa nhận chính thức giá trị pháp lý của HĐTM thì sự đối sánh với hợp đồng điện tử chỉ là tiêu chí để xác định tính hợp pháp của các giao dịch tạo ra nhờ HĐTM.

2.2. Thực hiện Hợp đồng thông minh

Như đã phân tích ở trên, HĐTM hoạt động theo cơ chế tự động khi đáp ứng các yêu cầu được viết sẵn trong các mã lệnh. Trên thực tế, hiện chưa có quy định pháp luật nào điều chỉnh về cơ chế tự động thực thi hợp đồng này. Đối với hợp đồng truyền thống, các bên có thể thỏa thuận để sửa đổi hợp đồng theo Điều 421 BLDS 2015; quyền hủy bỏ hợp đồng theo Điều 423426 BLDS; quyền đơn phuong chấm dứt hợp đồng theo Điều 428 BLDS… Trong BLDS, yếu tố thỏa thuận được đề cao và tôn trọng để phù hợp với ý chí của các bên tại từng thời điểm. Tuy nhiên, hợp đồng thông minh, việc sửa đổi hợp đồng lại là một rào cản bởi hợp đồng thông minh có tính bất biến và không thể sửa đổi sau khi đã mã hóa các dòng lệnh[24]. Do vậy, khi các bên có mong muốn sửa đổi hoặc bổ sung, tạm ngừng hay hủy bỏ các điều khoản trong hợp đồng hoặc các yêu cầu khác thì HĐTM sẽ rất khó để điều chỉnh được.

2.3. Giải quyết tranh chấp  

Với nền tảng công nghệ đứng sau HĐTM là blockchain với những đặc tính mới, khác biệt so với hợp đồng truyền thống sẽ là trở ngại rất lớn trong hoạt động giải quyết tranh chấp liên quan đến HĐTM. Luật Giao dịch điện tử 2005[25], chỉ quy định chung “Nhà nước khuyến khích các bên có tranh chấp trong giao dịch điện tử giải quyết thông qua hòa giải. Trong trường hợp các bên không hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật.” Do đó, việc xác định thẩm quyền giải quyết HĐTM cũng không phải là điều dễ dàng, chưa bàn đến vấn đề năng lực của lực lượng chuyên trách với những loại hợp đồng có tính mới và đòi hỏi hiểu biết nhất định về lĩnh vực công nghệ này. Ngoài ra, việc xác định các bên tranh chấp trong môi trường mạng với độ bảo mật cao, chưa kể một số giao dịch có tính ẩn danh thì việc xác định danh tính các bên liên quan khi xảy ra tranh chấp cũng là một thách thức không nhỏ. Tiếp theo là việc ra phán quyết và thi hành phán quyết gặp bất cập khi mà đơn vị thanh toán trong các HĐTM thường là tiền mã hóa, trong lúc đó Việt Nam lại chưa công nhận loại tiền này, vậy làm sao quy đổi thiệt hại từ tiền mã hóa sang đơn vị trung gian thanh toán hợp pháp? Những vướng mắc này hiện chưa thể tháo gỡ trong thời gian ngắn, tuy nhiên các bên tham gia giao kết HĐTM trên thực tế cần lưu ý để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của chính mình.

2.4. Tính bảo mật và quyền riêng tư  

Hợp đồng thông minh được lưu trữ và chia sẻ thông tin cá nhân giữa những người dùng trong mạng lưới, điều này đặt ra câu hỏi về việc rò rỉ thông tin cá nhân và việc tuân thủ quy định về quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân. Mặc dù chưa có quy định cụ thể điều chỉnh thống nhất về nội hàm bảo vệ dữ liệu cá nhân, song trong một số lĩnh vực cụ thể có khả năng tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm dữ liệu cá nhân, các văn bản pháp luật cũng có những quy định cụ thể để phòng ngừa và bảo vệ dữ liệu cá nhân như một trong những phương thức bảo vệ quyền riêng tư. Luật Công nghệ thông tin năm 2006 ghi nhận bảo đảm bí mật thông tin cá nhân; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; Luật An ninh mạng năm 2018 quy định hành vi xâm phạm bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng; Luật Báo chí năm 2016 quy định nghiêm cấm hành vi “tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”. Để chuẩn bị cho những quy định cụ thể trong tương lai, các bên tham gia vào HĐTM cần lưu ý về quyền và nghĩa vụ của mình, từ phía bên tạo lập môi trường lưu trữ HĐTM cần đặc biệt lưu ý về việc lấy xác nhận của người dùng cho việc đồng ý chia sẻ thông tin đến bên thứ ba liên quan cũng như những điều khoản, điều kiện khi giao kết HĐTM.

3. Liên hệ pháp luật vương quốc Anh về hợp đồng thông minh và một số đề xuất kiến nghị cho Việt Nam

3.1. Liên hệ pháp luật Vương quốc Anh về hợp đồng thông minh

Là một quốc gia phát triển cả về kinh tế lẫn khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực HĐTM. Chính phủ Anh đã có những hướng đi phù hợp để bắt kịp với xu hướng phát triển các dịch vụ liên quan đến HĐTM tại nước này cũng như tạo môi trường pháp lý an toàn, tiến bộ cho quốc gia này. Khởi động từ năm 2016, đến năm 2019, Ủy ban tư pháp Vương quốc Anh đã ban hành một bản tuyên bố pháp lý về Tiền điện tử và HĐTM theo đó thừa nhận giá trị pháp lý của HĐTM[26]. Cụ thể, pháp luật nước này đã khẳng định hợp đồng thông minh có tính pháp lý và được định nghĩa là: “các chương trình máy tính chạy tự động, toàn bộ hoặc một phần, không cần sự can thiệp của con người”, tuy nhiên cũng có thể đề cập đến HĐTM như là một hợp đồng pháp lý thông minh – “smart legal contract”. Hợp đồng pháp lý thông minh là một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý, trong đó một số hoặc tất cả các nghĩa vụ hợp đồng được xác định trong và/hoặc được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính. Hợp đồng này tuân theo một logic có điều kiện là nếu X xảy ra thì thực hiện bước Y.

Trong pháp luật Anh, một hợp đồng pháp lý thông minh có hiệu lực khi thỏa mãn 03 nguyên tắc sau30:

Một là, về sự thỏa thuận. Một thỏa thuận được hình thành khi một bên đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng và được chấp nhận bởi bên còn lại. Pháp luật Anh không yêu cầu về thể thức của lời đề nghị và việc chấp nhận có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc hành vi, nên đối với hợp đồng pháp lý thông minh, các thỏa thuận này sẽ được thực hiện tự động bởi các chương trình máy tính vẫn có thể thỏa mãn yêu cầu đầu tiên của một hợp đồng có giá trị pháp lý.

Hai là, về ý định ràng buộc về mặt pháp lý một cách khách quan. Với yêu cầu này, việc xác định liệu các bên tham gia ký kết hợp đồng có thực sự tự nguyện và mong mốn xác lập hợp đồng hay không là rất khó vì HĐTM có thể thực hiện mà không cần gặp mặt trực tiếp hay thực hiện mà không cần xác định danh tính của nhau. Tuy nhiên, hiện pháp luật Anh cũng không ràng buộc vấn đề này, và trong trường hợp không xác định một cách rõ ràng thì Tòa án nước này phải căn cứ vào hành vi thực tế của các bên. Ngoài ra, ngay từ ban đầu trước khi giao kết hợp đồng, các bên sẽ được cân nhắc làm rõ các nội dung của hợp đồng bằng ngôn ngữ tự nhiên rồi sau đó mới chuyển sang ngôn ngữ máy tính.  Do đó xét ở góc độ tuân thủ tương đối, HĐTM vẫn có thể thỏa mãn điều kiện về ý chí chủ thể khi tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng.

Ba là, về nghĩa vụ đối ứng. Một nghĩa vụ đối ứng có hiệu lực pháp lý khi thỏa mãn những yếu tố sau (i) phải được thỏa thuận từ trước; (ii) phải hợp pháp; (iii) phải được yêu cầu rõ ràng; và (iv) phải được xem xét một cách đầy đủ. Những yếu tố này được đặt ra vì trong quy định hợp đồng pháp lý thông minh pháp luật Anh yêu cầu cần có sự kết hợp giữa hai ngôn ngữ là ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ đã được mã hóa. Do đó trong một số trường hợp, việc diễn đạt các điều khoản giữa hai ngôn ngữ này sẽ có sự khác nhau dẫn đến những cách hiểu khác nhau nên tính chắc chắn và đầy đủ phải được đảm bảo trong trường hợp này.

Đọc thêm:  Bạn sẽ không bao giờ sợ bị phong tỏa tài khoản khi dùng Blockchain

Ngoài ra, về vấn đề hình thức của hợp đồng, pháp luật Anh hiện không có quy định bắt buộc là văn bản. Tuy nhiên trong một số trường hợp, yếu tố mã được ghi trong mã nguồn của HĐTM nếu không thể đọc được thì sẽ không thỏa mãn yêu cầu bắt buộc bằng văn bản.

Liên quan đến giải quyết tranh chấp, Tuyên bố này xác định Tòa án có thể can thiệp để giải quyết những tranh chấp phát sinh liên quan đến HĐTM và sẽ áp dụng các quy tắc của Luật Hợp đồng để xem xét.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng pháp luật tại Vương quốc Anh cơ bản đã đưa ra những quy định hướng dẫn kịp thời để xác định giá trị pháp lý của HĐTM và pháp luật điều chỉnh góp phần tạo cơ chế linh hoạt, bắt kịp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ trong thực tiễn đời sống.

3.2.  Một số đề xuất kiến nghị

Mặc dù HĐTM mang những ưu điểm vượt trội về tính ứng dụng trong thời đại công nghệ số như hiện nay, nhưng với những bất cập đã phân tích nêu trên việc triển khai áp dụng như một hợp đồng truyền thống là điều không khả thi. Do đó, để không cản trở sự phát triển của khoa học công nghệ và hòa mình vào xu thế của thế giới, việc nghiên cứu và hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng nền tảng hỗ trợ quản lý HĐTM là điều hết sức cần thiết. Dựa trên những phân tích và dẫn chứng được trình bày ở trên, tác giả đưa ra một số đề xuất như sau:

Một là, các nhà lập pháp cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện một khung pháp lý cho HĐTM. Để làm được điều này, cần rà soát, đánh giá và nghiên cứu một cách kỹ lưõng nhu cầu thực tiễn của việc áp dụng loại hợp đồng này tại Việt Nam và kinh nghiệm tại các nước trên thế giới. Cần đảm bảo việc ban hành khung pháp lý phải tương thích, hài hòa giữa pháp luật quốc gia và pháp luật nước ngoài, tránh sự khác biệt quá lớn gây cản trở việc tiếp cận hoạt động thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp, và gây khó khăn trong việc giải quyết những tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Khung pháp lý của HĐTM có rất nhiều khía cạnh nhưng cần tập trung quy định những khoảng trống còn hiện hữu như: công nhận giá trị pháp lý của HĐTM, xác định thời điểm có hiệu lực của HĐTM, điều kiện về chủ thể của hợp đồng, hình thức hợp đồng, quy định cụ thể về giao kết hợp đồng, hướng dẫn việc thực hiện hợp đồng, cơ chế bảo mật thông tin, quy định về giải quyết tranh chấp, …

Hai là, tạo ra khung pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox) để tạo môi trường cho những ứng dụng của hợp đồng thông minh được có cơ hội được áp dụng vào thực tiễn một cách hợp pháp. Việc thử nghiệm này cần được thực hiện một cách có kiểm soát, khoanh vùng quy mô và phạm vi, đánh giá rủi ro ở mức chấp nhận được, tránh tác động xấu đến toàn bộ hệ thống. Một số lĩnh vực có thể áp dụng ngay như với những loại hợp đồng đơn giản và phổ biến như hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê dịch vụ, … Việc quan sát và đánh giá tính hiệu quả của những ứng dụng này cùng những rủi ro phát sinh sẽ tạo tiền đề chắc chắn, sâu sát hơn khi ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh về HĐTM trong tương lai.

Ba là, xây dựng cơ quan chuyên trách nhằm nghiên cứu và phát triển các chính sách hỗ trợ các chủ thể liên quan trong quá trình tham gia HĐTM như hỗ trợ về mặt công nghệ, vốn, tư vấn pháp lý khi ứng dụng HĐTM. Thực tế, hiện nay ở nước ta, HĐTM còn rất mới với đại đa số người dân, việc tiếp cận với kiến thức công nghệ tại nhiều địa phương cũng là điều không dễ dàng.  Cùng với đó, chúng ta cần đưa ra phuong án phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao để nghiên cứu và trở thành những chuyên gia tring lĩnh vực này, họ không chỉ là người hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp ứng dụng mà còn đóng vai trò như là “hacker mũ trắng” bảo vệ người dùng trước nguy cơ tấn công có thể xảy ra.

Kết luận

Có thể thấy rằng, sự xuất hiện của HĐTM đã mang lại những lợi ích đáng kể tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức về mặt pháp lý. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho những vấn đề mới như HĐTM là bước chuẩn bị cần thiết để Việt Nam bắt kịp với xu hướng của thời đại. Một hệ thống pháp luật đủ vững chắc để điều chỉnh những rủi ro pháp lý đặt ra, và kịp thời điều chỉnh, cập nhật những tiến bộ của những quốc gia phát triển, đồng thời xây dựng đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao chính là nền tảng để tạo ra môi trường phát triển lành mạnh cho việc ứng dụng HĐTM trong thực tiễn, làm cơ sở cho việc áp dụng loại hợp đồng này một cách phổ biến trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Allen & Overy, At a glance guide to basic principles of English Contract Law, p.3, http://www.a4id.org/wp-content/uploads/2016/10/A4ID-english-contract-law-at-aglance.pdf , truy cập ngày 02/02/2023.
  2. Nam Anh, Blockchain sẽ thay đổi tương lai của hệ thống ngân hàng như thế nào, Tạp chí kinh tế số, 2022, https://vneconomy.vn/blockchain-se-thay-doi-tuong-lai-cua-hethong-ngan-hang-nhu-the-nao.htm, truy cập ngày 02/02/2023.
  3. Aleksandr Kormiltsyn at el., Improving Healthcare Processes with Smart Contracts, 2019, https://www.researchgate.net/publication/333837912_Improving_Healthcare_Processe s_with_Smart_Contracts , truy cập ngày 02/02/2023.
  4. Yu, P. Zhan, M. Lei, F. Zhou, and P. Wang, ‘‘Food quality monitoring system based on smart contracts and evaluation models,’’ IEEE Access, ISSN: 2169-3536, vol. 8, pp. 12479–12490, 2020
  5. Taavi Einaste, Blockchain and healthcare: the Estonian experience, 2018, https://nortal.com/blog/blockchain-healthcare-estonia/, truy cập ngày 02/02/2023.
  6. Le Thu Huong, Travel startup Triip.me wants to pay you for your user data, https://www.techinasia.com/triip-wants-pay-user-data, truy cập ngày 02/02/2023.
  7. Trần Linh Huân, Về hợp đồng thông minh, Tạp chí Kiểm sát, số 24, 2022.
  8. Tăng Khánh, Triip.me – Startup du lịch gọi vốn được 500.000 USD, Doanh nhân Saigon, https://khoinghieptre.vn/triip-me-startup-du-lich-goi-von-duoc-500-000-usd/, truy cập ngày 02/02/2023.
  9. Law Commission Reforming the law (2021), “Smart Legal Contracts”, https://s3-euwest-2.amazonaws.com/lawcom-prod-storage-11jsxou24uy7q/uploads/2021/11/6.7776_LC_Smart_Legal_Contracts_2021_Final.pdf , truy cập ngày 02/02/2023.
  1. Lodovica Marchesi et al., Automatic Generation of Ethereum-Based Smart Contracts for Agri-Food Traceability System, 2022, Volume:10, https://ieeexplore.ieee.org/stamp/stamp.jsp?tp=&arnumber=9764720, truy cập ngày 02/02/2023.
  1. Nick Szabo, Smart Contracts (1994), https://www.fon.hum.uva.nl/rob/Courses/InformationInSpeech/CDROM/Literature/L OTwinterschool2006/szabo.best.vwh.net/smart.contracts.html, truy cập ngày 02/02/2023.
  2. Hoàng Thảo Anh, Đồng Thị Huyền Nga (2019), “Blockchain và Hợp đồng thông minh – Xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức pháp lý đặt ra”, tr. 322.
  3. OECD, Decoding         blockchain       for       government, https://www.oecd.org/daf/blockchain/OECD-Blockchain-Policy-Centre-Flyer.pdf      , truy cập ngày 02/02/2023.
  4. OECD, Blockchain Primer, https://www.oecd.org/finance/OECD-BlockchainPrimer.pdf, truy cập ngày 02/02/2023.

[1] Nick               Szabo,                        Smart                      Contracts                        (1994),

https://www.fon.hum.uva.nl/rob/Courses/InformationInSpeech/CDROM/Literature/LOTwinterschool2006/szabo .best.vwh.net/smart.contracts.html, truy cập ngày 02/02/2023.

[2] “Smart Contracts: The Blockchain Technology That Will Replace Lawyers,” Blockgeeks, 2016;

[3] Xem thêm tại Annex 1 to Decree of the President of the Republic of Belarus of December 21, .2017 No.8 4 Xem thêm tại: Camera dei Deputati N. 1550, Disegno di Legge Approvate dal Senato della Repubblica (29 January 2019), page no.18–19.

[4] Simmons, “What is the legal status of crypto assets and smart contracts?”, 10/12/2019, https://www.simmonssimmons.com/en/publications/ck400ievr65o00b44el9cfb4p/what-is-the-legal-status-ofcryptoassets-and-smartcontracts

[5] Law        Commission   Reforming    the    law    (2021),    “Smart    Legal    Contracts”,   https://s3-eu-west-

2.amazonaws.com/lawcom-prod-storage-

11jsxou24uy7q/uploads/2021/11/6.7776_LC_Smart_Legal_Contracts_2021_Final.pdf, truy cập ngày 02/02/2023.

[6] Khái niệm Blockchain xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2008, trong bài viết “Bitcoin: A peer-to-peer Electronic

Cash System” của tác giả Satoshi Nakamoto, theo đó Blockchain

[7] OECD, Decoding blockchain for government, https://www.oecd.org/daf/blockchain/OECD-Blockchain-PolicyCentre-Flyer.pdf , truy cập ngày 02/02/2023.

[8] OECD, Blockchain Primer, https://www.oecd.org/finance/OECD-Blockchain-Primer.pdf, truy cập ngày 02/02/2023.

[9] Trần Linh Huân, Về hợp đồng thông minh, Tạp chí Kiểm sát, số 24, tr.44.

[10] Nguyễn Nhi Quang, Ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, https://tapchinganhang.gov.vn/ung-dung-blockchain-trong-giao-dich-l-c-tai-cac-ngan-hang-thuong-mai-vietnam.htm, truy cập ngày 02/02/2023.

[11] Shuchih Ernest Chang & Hueimin Louis Luo & YiChian Chen, 2019. “Blockchain-Enabled Trade Finance Innovation: A Potential Paradigm Shift on Using Letter of Credit,” Sustainability, MDPI, vol. 12(1), pages 1-16, December.

[12] Nam Anh, Blockchain sẽ thay đổi tương lai của hệ thống ngân hàng như thế nào, Tạp chí kinh tế số, 2022,  https://vneconomy.vn/blockchain-se-thay-doi-tuong-lai-cua-he-thong-ngan-hang-nhu-the-nao.htm, truy cập ngày 02/02/2023.

[13] “Insurance Market launches Immediate, a new Eco System for Blockchain Insurance, in collaboration with Zilliqa, FWD and Deloitte, Business Insider, 2018.

[14] Lodovica Marchesi et al., Automatic Generation of Ethereum-Based Smart Contracts for Agri-Food Traceability System, 2022, Volume:10,  https://ieeexplore.ieee.org/stamp/stamp.jsp?tp=&arnumber=9764720, truy cập ngày 02/02/2023.

[15] Wang, J. H. Han, and P. Beynon-Davies, ‘‘Understanding blockchain technology for future supply chains: A systematic literature review and research agenda,’’ Supply Chain Manage., Int. J., ISSN: 1359-8546, vol. 24, no. 1, pp. 62–84, Jan. 2019.

[16] B. Yu, P. Zhan, M. Lei, F. Zhou, and P. Wang, ‘‘Food quality monitoring system based on smart contracts and evaluation models,’’ IEEE Access, ISSN: 2169-3536, vol. 8, pp. 12479–12490, 2020

[17] Aleksandr Kormiltsyn at el., Improving Healthcare Processes with Smart Contracts, 2019, https://www.researchgate.net/publication/333837912_Improving_Healthcare_Processes_with_Smart_Contracts , truy cập ngày 02/02/2023.

[18] Taavi Einaste, Blockchain and healthcare: the Estonian experience, 2018, https://nortal.com/blog/blockchainhealthcare-estonia/, truy cập ngày 02/02/2023.

[19] Lê Thu Hằng, Lê Thị Thanh Tâm, Blockchain – bước đột phá cho ngành logistics của việt nam, http://thuvienso.bvu.edu.vn/bitstream/TVDHBRVT/19115/1/Le-Thu-Hang.pdf, truy cập ngày 02/02/2023. 21 Steve Cheng at el., Using blockchain to improve data management in the public sector, 2017, https://www.mckinsey.com/~/media/McKinsey/Business%20Functions/McKinsey%20Digital/Our%20Insights/ Using%20blockchain%20to%20improve%20data%20management%20in%20the%20public%20sector/Usingblockchain-to-improve-data-management-in-the-public-sector.pdf, truy cập ngày 02/02/2023.

[20] Tăng Khánh, Triip.me – Startup du lịch gọi vốn được 500.000 USD, Doanh nhân Saigon, https://khoinghieptre.vn/triip-me-startup-du-lich-goi-von-duoc-500-000-usd/, truy cập ngày 02/02/2023. 23 Le Thu Huong, Travel startup Triip.me wants to pay you for your user data, https://www.techinasia.com/triipwants-pay-user-data, truy cập ngày 02/02/2023.

[21] Khoản 12 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử 2005

[22] Điều 35 Luật Giao dịch điện tử 2005

[23] Nguyễn Duy Phương, Nguyễn Duy Thanh, “Hợp đồng thương mại điện tử: thực trạng và hướng hoàn thiện”, Tạp chí Lập pháp, 2019, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210304, truy cập ngày 02/02/2023.

[24] Hoàng Thảo Anh, Đồng Thị Huyền Nga (2019), “Blockchain và Hợp đồng thông minh – Xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức pháp lý đặt ra”, tr. 322.

[25] Điều 52 Luật Giao dịch điện tử 2005

[26] Law       Commission   Reforming    the    law    (2021),    “Smart    Legal   Contracts”,   https://s3-eu-west-2.amazonaws.com/lawcom-prod-storage-11jsxou24uy7q/uploads/2021/11/6.7776_LC_Smart_Legal_Contracts_2021_Final.pdf, truy cập ngày 02/02/2023.  30 Allen & Overy, At a glance guide to basic principles of English Contract Law, p.3, http://www.a4id.org/wpcontent/uploads/2016/10/A4ID-english-contract-law-at-a-glance.pdf , truy cập ngày 02/02/2023.

Tìm kiếm thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên VNEconomics

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết mới nhất từ VNEconomics Academy

VNEconomics là một dự án với mục đích chia sẻ những tri thức hữu ích về Kinh tế – Nghiên cứu khoa học và Công nghệ, đặc biệt là những kiến thức về Blockchaintiền mã hóa (một lĩnh vực rất mới mẻ) tới đối tượng là các bạn sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và những cá nhân khác quan tâm tới những lĩnh vực này.

👉Tham gia cộng đồng của VNEconomics tại:
Website: https://vneconomics.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vneconomics/
Telegram: https://t.me/BlockchainDEco
Linked In: https://www.linkedin.com/company/vneconomics/
Twitter: https://twitter.com/ThanhTung78

- Quảng cáo -

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết và khóa học miễn phí​

Danh mục đầu tư của VNEs

Danh mục sản phẩm

Những nội dung hữu ích ngành Blockchain & Tiền mã hóa
Recent Posts