Những vấn đề liên quan đến khái niệm và đặc trưng của hợp đồng thông minh và sự cần thiết của một hành lang pháp lý về hợp đồng thông minh

[QC]

Mục lục

NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA HỢP ĐỒNG THÔNG MINH VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA MỘT HÀNH LANG PHÁP LÝ VỀ HỢP ĐỒNG THÔNG MINH

Nguyễn Việt Anh Lân*

* Thạc sĩ, giảng viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước (L.L.M, Lecturer at the Faculty of Administrative Law).

Email: nvalan@hcmulaw.edu.vn

Tóm tắt: Trong bối cảnh cách mạng 4.0 phát triển như vũ bão hiện nay, con người đang gặt hái được nhiều thành tựu trong công nghệ. Đi cùng với đó, nhiều mặt của đời sống được công nghệ điều chỉnh và thay đổi. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, thị trường – nơi mà công nghệ đang dần thay đổi cách thức hoạt động các doanh nghiệp, ngày càng nhiều phát minh ưu việt thay thế cho những cái cũ đã lỗi thời, trong đó nổi bật nhất phải kể đến hợp đồng thông minh. Như một nhu cầu tất yếu khách quan, các tổ chức tài chính hiện nay đang dần bắt kịp xu hướng ứng dụng những công nghệ mới nhằm cắt giảm chi phí, thời gian, nhân sự và đảm bảo tính an toàn, bảo mật mà một trong những nghiên cứu mang tính đột phá đang thu hút sự quan tâm to lớn của không chỉ các doanh nghiệp mà cả các chính phủ, đó là Hợp đồng thông minh (hay còn gọi là “Smart Contract”). Bài tham luận này đầu tiên sẽ đi vào phân tích khái niệm cũng như những đặc trưng cơ bản nhất của hợp đồng thông minh. Sau đó, bài viết sẽ tập trung sự cần thiết của một hành lang pháp lý cho Hợp đồng thông minh và học hỏi kinh nghiệm từ một số quốc gia trên Thế giới.

Từ khoá: hợp đồng thông minh (“Smart contract”), khái niệm “Smart contract”, những đặc trưng của “Smart contract”, sự cần thiết của một chế định về “Smart contract”.

Đặt vấn đề:

Sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ chuỗi khối (‘blockchain technology’) mới nổi đã tạo điều kiện cho sự ra đời của ‘hợp đồng thông minh’: các giao thức giao dịch được vi tính hóa thực hiện tự động các điều khoản của hợp đồng. Các hợp đồng thông minh không có tính trung gian và thường minh bạch về bản chất, hứa hẹn tăng hiệu quả thương mại, giảm chi phí giao dịch và pháp lý cũng như giao dịch ẩn danh. Lĩnh vực kinh doanh đang tích cực nghiên cứu và tìm cách áp dụng triệt để việc sử dụng công nghệ chuỗi khối cho các mục đích thương mại khác nhau. Trong khi các câu hỏi xoay quanh tính bảo mật và độ tin cậy của công nghệ này cũng như tác động tiêu cực mà nó có thể gây ra đối với các trung gian truyền thống, thì cũng có những lo ngại không kém rằng các hợp đồng thông minh sẽ gặp khó khăn đáng kể trong việc thích ứng với các khung pháp lý hiện hành điều chỉnh các hợp đồng giữa các khu vực pháp lý.

 Công nghệ chuỗi khối (‘blockchain technology’) gần đây đã thúc đẩy sự quan tâm rộng rãi từ cả giới học thuật và khối ngành công nghiệp. Chuỗi khối (‘blockchain’) là một hệ thống phần mềm phân tán cho phép các giao dịch được xử lý mà không cần bên thứ ba đáng tin cậy. Kết quả là, các hoạt động kinh doanh có thể được hoàn thành một cách nhanh chóng và không đòi hỏi quá nhiều chi phí. Hơn nữa, tính bất biến của các chuỗi khối cũng đảm bảo sự tin cậy phân tán vì gần như không thể giả mạo bất kỳ giao dịch nào được lưu trữ trong các chuỗi khối và tất cả các giao dịch lịch sử đều có thể kiểm tra và theo dõi được.

 Công nghệ chuỗi khối (‘blockchain technology’) cho phép sự vận hành các hợp đồng thông minh được đề xuất lần đầu tiên bởi [1]Nick Szabo vào những năm 1990 [2]. Trong một hợp đồng thông minh, các điều khoản hợp đồng được viết bằng chương trình máy tính sẽ được tự động thực hiện khi các điều kiện được xác định trước được đáp ứng. Các hợp đồng thông minh bao gồm các giao dịch về cơ bản được lưu trữ, sao chép và cập nhật trong các chuỗi khối phân tán. Ngược lại, các hợp đồng thông thường cần được hoàn thành bởi một bên thứ ba đáng tin cậy theo cách tập trung, do đó dẫn đến thời gian thực hiện lâu và chi phí bổ sung. Việc tích hợp công nghệ chuỗi khối với các hợp đồng thông minh sẽ biến giấc mơ về một [3]“thị trường ngang hàng” (‘P2P market’) trở thành hiện thực.

 Hợp đồng thông minh (‘Smart contracts’) hiện đang là mối quan tâm không chỉ đối với những người yêu thích lĩnh vực khoa học – công nghệ mà còn đối với cả những người trong lĩnh vực pháp lý. Theo Investopia định nghĩa về [4]Hợp đồng thông minh như sau: là hợp đồng có khả năng tự thực hiện thông qua các điều khoản đã được mã hóa theo thỏa thuận giữa người muangười bán. Mã lệnh và các thỏa thuận chứa trong đó, tồn tại trên một mạng lưới các chuỗi khối (blockchain) một cách phi tập trung (decentralized). Các Hợp đồng thông minh cho phép các giao dịch đáng tin cậy và các thoả thuận được thực hiện giữa các bên một cách ẩn danh, riêng biệt mà không cần đến hệ thống pháp luật hoặc cơ chế thực thi bên ngoài.

Một số ví dụ trực quan sinh động về vấn đề này như sau:

Chiếc máy bán hàng tự động là một hình ảnh ví dụ trực quan đơn giản nhất về Hợp đồng thông minh. Khi người mua hàng nhập lệnh lựa chọn sản phẩm và đút tiền vào khe nhận tiền, sản phẩm mà người khách mong muốn sẽ được tự động chuyển ra[5].

Hay ở một mức độ phức tạp hơn, chúng ta hãy liên tưởng đến giao dịch liên quan đến vận tải đa phương thức (đó chính là [6]hoạt động ‘logistics’) giữa anh D và công ty E để làm ví dụ minh họa. Giả sử anh D có nhu cầu vận chuyển một lô hàng thủ công mỹ nghệ, và sử dụng dịch vụ vận tải của công ty E. Tuy nhiên anh D và công ty E không tin tưởng nhau. Anh D băn khoăn rằng liệu công ty E có bảo quản tốt hàng hóa và chuyển hàng tới cho khách hàng đúng thời hạn không? Công ty E thì đặt ra câu hỏi là liệu khi giao hàng đến nơi, anh B có thanh toán tiền vận chuyển đầy đủ và đúng hạn không? Để giải quyết những khúc mắc này, anh D và công ty E phải giao kết một hợp đồng thỏa thuận về việc vận chuyển hàng hóa, dẫn đến những phát sinh về dịch vụ tư vấn luật như soạn thảo hợp đồng, phòng ngừa các rủi ro pháp lý, … Vì lẽ đó, câu hỏi đặt ra đó là “Có cách nào để đơn giản hóa quy trình thỏa thuận giữa anh D và công ty E?”

Trong trường hợp này, Hợp đồng thông minh có thể đóng vai trò là một gỉải pháp nhằm giải quyết câu hỏi được đặt ra ở trên. Khi hai bên tham gia giao kết một bản Hợp đồng thông minh, anh D chỉ cần xây dựng một mã lệnh thanh toán phí vận chuyển cho công ty E. Lệnh thanh toán này sẽ được mã hóa theo ngôn ngữ máy tính và chỉ được thực hiện khi công ty E hoàn thành nghĩa vụ chuyển hàng kèm theo sự xác nhận của khách hàng về việc nhận hàng. Thêm một bước tiến nữa, nếu ứng dụng hỗ trợ 7GPRS (General Packet Radio Service) được tích hợp vào Hợp đồng thông minh thì không cần tới sự xác nhận của khách hàng, tại thời điểm lô hàng đặt đúng vào vị trí kho hàng (cần được chuyển tới) thì khoản tiền thanh toán dịch vụ cũng tự động chuyển vào tài khoản của công ty E. Có thể nói, đây chính là sự tiện lợi và hiệu quả hay giá trị của Hợp đồng thông minh mang lại cho thực tế cuộc sống hàng ngày.

Với những ứng dụng như trên, Hợp đồng thông minh giúp giải quyết rất nhiều những rào cản trong hoạt động kinh tế hiện nay. Trước hết, do bởi các Hợp đồng thông minh sử dụng mã phần mềm để tự động hoá những hoạt động mà trước đây thường phải thực hiện thủ công (như việc xác nhận đơn hàng) nên chúng có khả năng thúc đẩy tốc độ của quy trình kinh doanh. Ngoài ra, các mã lệnh cũng đem lại sự đảm bảo về độ chính xác của giao dịch cao hơn, ít lỗi thủ công hơn, từ đó giảm thiểu đáng kể rủi ro khi thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, một ưu điểm cần phải kể đến của Hợp đồng thông minh đó là việc tối thiểu hóa sự tham gia của các bên thứ ba (bên trung gian) vào quá trình thực hiện hợp đồng. Sự tinh giản này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí kinh doanh. Đặt trong bối cảnh một doanh nghiệp phải thực hiện hàng ngày một lượng khổng lồ các thủ tục xác nhận đơn hàng logistics, như vậy lợi ích mà Hợp đồng thông minh đem lại không thể chỉ kể hết trong một hai trang giấy. Bên cạnh đó, với lý tưởng đảm bảo sự công bằng, minh bạch và tiết kiệm tối đa chi phí cho các bên tham gia giao kết hợp đồng, Hợp đồng thông minh thực sự đã cho thấy những tiềm năng ứng dụng của mình, không chỉ đơn thuần áp dụng vào các hoạt động thương mại, mà còn được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả trong việc bầu cử, tiếp cận dữ liệu về sức khỏe và dân số, hỗ trợ quy trình bồi thường bảo hiểm (insurance claim) hoặc quản lý chính phủ.

1. Khái niệm về Hợp đồng thông minh (‘Smart contracts’)

1.1.Khái niệm

Hợp đồng thông minh (‘Smart contracts’) được Nick Szabo đề xướng lần đầu vào năm 1994 như sau là một giao thức được máy tính hoá để thực thi các điều khoản của hợp đồng với mục tiêu là đáp ứng các điều kiện hợp đồng, ví như các điều khoản về thanh toán, thế chấp, bảo mật, và thậm chí là thực hiện hợp đồng. Các hợp đồng thông minh sẽ được chuyển đổi thành mã máy tính và hoạt động tự động; được lưu trữ, sao chép trên hệ thống và giám sát bởi công nghệ chuỗi khối.

Hợp đồng thông minh[7]một chương trình máy tính có khả năng đưa ra quyết định khi một số điều kiện tiên quyết được đáp ứng. Còn [8]James Ray (2018) nhận định rằng Hợp đồng thông minh có thể được coi là một hệ thống chuyển nhượng tài sản được số hóa đến tất cả hoặc một số chủ thể có liên quan khi các quy tắc được thiết lập trước đó được đáp ứng. Ngoài ra, Hợp đồng thông minh là một phần mềm lưu trữ những quy tắc cho các điều khoản thương lượng của một thỏa thuận, tự động xác minh việc thực hiện và sau đó thực thi các điều khoản đã thỏa thuận. Có thể thấy, hợp đồng thông minh là bước tiếp theo trong việc phát triển công nghệ blockchain. Theo Roman Beck & Christoph Müller-Bloch (2017), [9]công nghệ này cho phép thực thi hợp đồng một cách tự động bằng chương trình máy tính khi sự đồng thuận được xác lập.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng Hợp đồng thông minh[10] thỏa thuận của các bên được viết trước một cách logic theo dạng mã hoá máy tính; được lưu trữ và tái tạo trên công nghệ chuỗi khối; được thực thi và chạy bởi mạng lưới các máy tính sử dụng công nghệ chuỗi khối. Các giao dịch thông qua Hợp đồng thông minh không đòi hỏi việc thông qua một bên thứ ba và không thể bị can thiệp hoặc đảo chiều. Nói khác đi, Hợp đồng thông minh (‘Smart contracts’) hay còn gọi là Hợp đồng tự thực thi (‘Executing contracts’), hợp đồng dựa trên chuỗi khối (‘blockchain contracts’) hoặc hợp đồng được số hoá (‘digital contracts’).

Đọc thêm:  Hạn chế của Blockchain và tiền mã hóa - Các thách thức về kỹ thuật

1.2. Bản chất pháp lý của Hợp đồng thông minh (‘Smart contracts’)     

Chuỗi khối (Blockchain12) đang cho phép các hợp đồng thông minh. Hợp đồng thông minh về cơ bản được triển khai trên các chuỗi khối. Các điều khoản hợp đồng đã được phê duyệt được chuyển đổi thành các chương trình máy tính có thể thực thi được. [11]Các kết nối logic giữa các điều khoản hợp đồng cũng đã được bảo tồn dưới dạng các luồng logic trong các chương trình (ví dụ: câu lệnh if-else-if). Việc thực hiện từng tuyên bố hợp đồng được ghi lại dưới dạng giao dịch bất biến được lưu trữ trong chuỗi khối. Hợp đồng thông minh đảm bảo kiểm soát truy cập phù hợp và thực thi hợp đồng. Đặc biệt, nhà phát triển có thể phân quyền truy cập cho từng chức năng trong hợp đồng. Khi bất kỳ điều kiện nào trong hợp đồng thông minh được thỏa mãn, câu lệnh được kích hoạt sẽ tự động thực thi chức năng tương ứng theo cách có thể dự đoán được. Ví dụ, A và B đồng ý về hình phạt vi phạm hợp đồng. Nếu B vi phạm hợp đồng, khoản phạt tương ứng (như được quy định trong hợp đồng) sẽ được tự động thanh toán (khấu trừ) từ khoản tiền gửi của B.

Để hiểu rõ hơn về bản chất pháp lý của Hợp đồng thông minh, tôi xin được đặt loại Hợp đồng đặc biệt này trong mối tương quan với [12]Hợp đồng pháp lý truyền thống. Mỗi khi đề cập đến [13]Hợp đồng thông minh, điểm nổi bật hơn cả chính là thuật ngữ được sử dụng để nắm bắt hai mô hình rất khác nhau. Mô hình thứ nhất, Hợp đồng thông minh được tạo ra và triển khai mà không có bất kỳ hợp đồng bằng văn bản nào ở phía sau. Lấy ví dụ, khi hai bên đạt được một sự thỏa thuận bằng miệng về mối quan hệ kinh doanh mà họ muốn nắm bắt và sau đó chuyển sự thoả thuận đó thành mật mã để thực thi. Dạng thức này được xem như là hợp đồng thuần mật mã thông minh (code-only smart contracts). Mô hình thứ hai, sử dụng Hợp đồng thông minh làm phương tiện để thực hiện các điều khoản nhất định của một hợp đồng văn bản truyền thống. Trong khi đó bản thân hợp đồng truyền thống phải tham chiếu đến việc sử dụng hợp đồng thông minh để thực hiện một số điều khoản đó. Dạng thức này được gọi là “hợp đồng phụ trợ thông minh” (ancillary smart contracts).

Cùng theo quan điểm phân chia đó, trên thế giới hiện nay có hai chiều quan điểm lớn về mối quan hệ này. [14]Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng hợp đồng thông minh là  một dạng của hợp đồng pháp lý và trong tương lai có khả năng thay thế hợp đồng truyền thống. Luồng quan điểm này tiếp cận dưới lăng kính xem hợp đồng thông minh như là một sự thể hiện mới, hiện đại của hợp đồng pháp lý. Thật vậy, trong thực tiễn, có một số cách để đạt được một thỏa thuận mà không cần theo mô hình đề nghị và chấp nhận. Đặc biệt,[15] phải thừa nhận rằng sự phát triển của thương mại điện tử đã đưa ra sự cần thiết phải khẳng định những cách khác nhau để tạo nên một hợp đồng. Luồng quan điểm còn lại cho rằng hợp đồng thông minh chỉ đơn thuần là một phương thức phụ trợ cho hoạt động thực hiện hợp đồng đã được thỏa thuận giữa các bên. Luồng quan điểm này tiếp cận vấn đề từ góc độ mục đích sử dụng, cho rằng hợp đồng thông minh chỉ được coi là một phương tiện dùng để thúc đẩy hoặc tự động hóa quy trình thực hiện hợp đồng (software agent). Trong trường hợp này, [16]các bên đã có những thỏa thuận trước và hợp đồng thông minh chỉ là một chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện chính xác các nội dung đã được thỏa thuận đó. Với vai trò là phương thức phụ trợ hợp đồng này, hợp đồng thông minh có thể được coi là một chương trình máy tính và thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Để phân tích về hai luồng quan điểm pháp lý trên, nên chăng quay về xem xét bản chất của hợp đồng thông minh. Có thể nhận thấy rằng, khác với hợp đồng truyền thống, ở hợp đồng thông minh, sự thống nhất ý chí của các bên được thể hiện ra bên ngoài thông qua các mật mã thay vì ngôn ngữ tự nhiên. Ngoài ra, Hợp đồng thông minh tự thực thi hợp đồng mà không cần sự trợ giúp hay can thiệp của bất kỳ bên thứ ba nào. Bản chất của hợp đồng là sự thống nhất ý chí giữa hai bên chủ thể. Và hình thức của hợp đồng là sự biểu đạt ý chí của các bên ra bên ngoài. Do đó, các bên chủ thể là người hiểu rõ nội dung của hợp đồng và sự biểu đạt ý chí của mình ra bên ngoài. Tuy nhiên, với hợp đồng thông minh, ý chí đó lại được mã hóa thành các thuật toán. Và thật sự, ngoài chủ thể lập trình, các bên trong hợp đồng không thể hiểu một cách đúng đắn hay dám chắc rằng sự biểu đạt bằng các thuật toán đó là ý chí trọn vẹn của mình. Tất nhiên, mật mã chỉ là một hình thức mà các bên có quyền lựa chọn hay không lựa chọn để biểu đạt ý chí của mình. Vì vậy, khi các bên chấp nhận biểu đạt ý chí đó thông qua mật mã đồng nghĩa việc các bên chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra. [17]Tính “thông minh” của hợp đồng thông minh chủ yếu thể hiện ở đặc điểm tự thực thi hợp đồng một cách tự động. Chúng ta có thể hình dung đặc tính này như một phương tiện đặc biệt giúp các bên thực hiện hợp đồng cũng như bảo vệ quyền của mình mà chưa cần nhờ đến bên thứ ba. Khi cam kết bị phá vỡ, các bên sẽ không cần sự trợ giúp của bên thứ ba nếu có thể thỏa thuận được với nhau (điều này khác biệt so với Hợp đồng điện tử). Vì lẽ đó, ứng dụng thông minh này như một công cụ giúp sự thỏa thuận hay cam kết của các bên được tự động thực hiện dựa trên các lệnh đã được cài đặt sẵn trước đó. Do bởi, khi các bên lựa chọn hợp đồng thông minh đồng nghĩa việc các bên đã tự nguyện ràng buộc mình phải tuân theo những quy tắc đã được định sẵn.

Như vậy, hợp đồng thông minh có thể là một hợp đồng pháp lý và được điều chỉnh bởi Luật hợp đồng tại [18]Bộ Luật Dân sự 2015 nếu thỏa mãn các điều kiện về hợp đồng. Tuy nhiên, sẽ rất rủi ro và gây nhiều thách thức cho các nhà lập pháp về việc quản lý và thực thi hợp đồng này. Bởi hợp đồng được xác lập và thực hiện hoàn toàn trực tuyến nên việc gian lận về hợp đồng, đánh cắp thông tin đặt ra một bài toán cần có lời giải đối với các nhà lập pháp và nhà quản lý. Bên cạnh vấn đề vừa được đề cập, các tranh chấp liên quan đến hợp đồng thông minh sẽ được  giải quyết như thế nào khi hợp đồng này được thể hiện hoàn toàn bằng mật mã cũng là vấn đề pháp lý lớn đối với nhà lập pháp.

Một cách tiếp cận có thể được xem là đơn giản hơn đối với loại hợp đồng đặc biệt này, đó là xem nó như một phương thức phụ trợ cho hoạt động thực hiện hợp đồng truyền thống. Đây chính là luồng quan điểm pháp lý thứ hai. Trong trường hợp giải pháp hợp đồng thông minh được sử dụng trong hợp đồng pháp lý, các yêu cầu về hợp đồng phải được xem xét. [19]Các bên phải đồng ý sử dụng giải pháp hợp đồng thông minh để thực hiện các điều khoản hợp đồng; nếu không, hợp đồng thông minh không phải là một phần của hợp đồng pháp lý và do đó không có sự ràng buộc về mặt pháp lý. [20]Hợp đồng thông minh có tính ràng buộc về mặt pháp lý chỉ khi các bên đã đồng thuận với tất cả các yêu cầu thiết yếu cho việc giao kết hợp đồng. Việc sử dụng hợp đồng thông minh tách bạch riêng biệt với các hợp đồng pháp lý để thực thi các điều khoản hợp đồng pháp lý là một cơ hội pháp lý để thực thi các điều khoản hợp đồng với điều kiện các bên đã đồng ý sử dụng hợp đồng thông minh. [21]Trong hầu hết các trường hợp sử dụng hợp đồng thông minh để thực thi các điều khoản hợp đồng có thể loại trừ sự cần thiết phải thực thi các điều khoản hợp đồng tại Tòa án, nhưng nó không đặt ngoài quyền tư pháp. Luôn có và nên là cơ hội cho các bên trong hợp đồng bảo vệ quyền lợi của mình tại Tòa án.

Tựu trung lại, khi đặt hợp đồng thông minh trong giác độ liên quan đến các mối quan hệ với hợp đồng pháp lý truyền thống, chúng có thể tồn tại “chồng lấn” lên nhau, nhưng có trường hợp cũng có thể độc lập với nhau. Vì thế, để đánh giá tình trạng pháp lý của loại hợp đồng đặc biệt này sẽ tuỳ thuộc vào quan điểm của nhà lập pháp ở các quốc gia khác nhau dựa trên các tiêu chí về mức độ sử dụng rộng rãi và độ phổ biến của Hợp đồng thông minh (‘Smart contracts’).

2. Thực trạng về Hợp đồng thông minh tại Việt Nam (‘Smart contracts’)

Thực tiễn hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có một quy định cụ thể nào dành cho

Hợp đồng thông minh. Để có thể đứng vững tồn tại độc lập và được thừa nhận về mặt pháp lý như một hợp đồng thực thụ, Hợp đồng thông minh (‘Smart contracts’) (HĐTM) vẫn sẽ gặp phải rất nhiều rào cản, mà cốt lõi ở đây chính là sự khác biệt giữa những quy định về hợp đồng trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành với phương thức vận hành của HĐTM. Có thể nhận thấy rằng, việc công nhận hợp đồng thông minh với tư cách là một hợp đồng truyền thống là cần thiết để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể giao kết loại hợp đồng đặc biệt này.

Về Giao kết hợp đồng thông minh (HĐTM)

Tiềm năng của hợp đồng thông minh là không giới hạn. Trong tương lai HĐTM có thể được sử dụng từ các thỏa thuận nhỏ hàng ngày cũng như hợp đồng lớn cho chính phủ và doanh nghiệp. Mặc dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ sẽ biến blockchain và Hợp đồng thông minh trở thành một phần không thể thiếu cho nền tài chính thế giới nói chung và Việt Nam sẽ không thể nằm ngoài xu thế đó.

2.1. Chủ thể

Cũng giống như hợp đồng truyền thống, Hợp đồng thông minh (HĐTM) với tư cách là một hợp đồng đặc biệt, khi được Nhà nước trao cho một tư cách pháp lý, những lưu ý về mặt chủ thể là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, việc xác định và làm rõ các yếu tố về chủ thể của HĐTM có sự đặc thù so với các chủ thể thông thường bởi khi tham gia HĐTM, việc xác định liệu chủ thể có đủ tuổi khi xác lập giao dịch dân sự đối với HĐTM là điều khó khăn… Điều này có thể gây trở ngại cho các bên khi tham gia giao kết hợp đồng và việc kiểm soát quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này xuất phát từ tinh thần theo luật định về chủ thể khi tham gia xác lập một hợp đồng truyền thống, đòi hỏi các bên tham gia giao kết hợp đồng phải có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.

Đọc thêm:  Bạn sẽ không bao giờ sợ bị phong tỏa tài khoản khi dùng Blockchain

2.2. Hình thức

Không thể hoàn toàn đồng nhất Hợp đồng thông minh giống như một hợp đồng điện tử bởi suy cho cùng, cơ chế vận hành của hai loại hợp đồng này không hoàn toàn giống nhau. Hợp đồng thông minh (HĐTM) hoạt động trong môi trường phi tập trung, không chịu bất kì sự quản lí nào, trong khi đó hợp đồng điện tử được thiết lập dựa trên các quy định chung của về Luật hợp đồng tại [22]Bộ Luật Dân sự 2015. Vì lẽ đó, việc tìm ra một tên gọi khác cho hình thức của hợp đồng dưới dạng HĐTM là một bài toán nan giải hoặc chỉ còn cách chờ đợi cho đến chừng nào cải thiện được công nghệ mà cho phép có sự tham gia quản lí của Nhà nước thì mới có thể “mạnh dạn” coi HĐTM là một hợp đồng điện tử.

2.3. Nội dung

Đối với Hợp đồng thông minh, điểm khác biệt so với hợp đồng truyền thống đó là điều khoản hợp đồng không thể sửa đổi sau khi đã mã hoá các dòng lệnh. Điều này đã phần nào gây khó khăn cho các bên bởi trên thực tế có thể xuất hiện những trở ngại đi ngược với mong muốn của con người. Cách duy nhất để tạm khắc phục tình trạng trên chính là các bên phải dự liệu được trước đó khả năng việc thực hiện hợp đồng có thể bị thay đổi và liệt kê ra những trường hợp đó qua việc mã hóa dòng lệnh. Đây được coi là một bài toán khó bởi HĐTM đã loại bỏ đi yếu tố thoả thuận trong quá trình giao kết, cũng như thực hiện hợp đồng và các điều khoản loại trừ ở đây chỉ có thể được đảm bảo một cách tương đối, nhiều rủi ro.

2.4. Trình tự giao kết và thực hiện Hợp đồng thông minh

Về quá trình giao kết hợp đồng bao gồm đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Vấn đề đặt ra cho Hợp đồng thông minh là nếu tất cả thông tin đều được mã hoá trên chuỗi khối (‘blockchain’), thế thì sự đồng thuận của các bên khi họ đều là những tài khoản tham gia không thể xác định? Nếu đã bỏ qua yếu tố thỏa thuận của các bên thì HĐTM nên được xem xét như một hợp đồng thương lượng hay hợp đồng gia nhập?

Thứ nhất, về yếu tố thỏa thuận, “tất tần tật” toàn bộ quá trình xác lập HĐTM đều thực hiện trên hệ thống mã hoá, tức là không có sự trao đổi trực tiếp bằng ngôn ngữ thông thường, nên việc có đảm bảo được bên chấp nhận đề nghị đã hiểu được đúng và đề nghị giao kết hợp đồng hay chưa cũng là vấn đề được đặt ra khi các thuật toán và dòng lệnh khá phức tạp. Có thể nói, HĐTM đã loại bỏ yếu tố thoả thuận, đàm phán của các bên.

Khi so sánh sự thỏa thuận trong hợp đồng truyền thống với HĐTM, có thể thấy rằng, sự thỏa thuận trong HĐTM đã bị rút ngắn do quá trình đàm phán, thương lượng không được hình thành giữa các bên tham gia giao kết, hay nói một cách khác thì sự thỏa thuận chỉ mang tính lý thuyết. Nên chăng có thể coi HĐTM là hợp đồng gia nhập hay hợp đồng thương lượng hay không? Bên còn lại chỉ có thể xem xét các điều khoản và đưa ra. Như vậy, về cơ bản, thì ý chí của hai bên vẫn được thể hiện trong quá trình giao kết HĐTM, song trong quá trình tương tác ý chí của các bên để từ đó hai bên đồng ý đi đến ràng buộc quyền và nghĩa vụ với nhau trong hợp đồng không tồn tại.

Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và kinh tế đã làm thay đổi bản chất truyền thống của hợp đồng thể hiện ở việc loại HĐTM xuất hiện. Trong bối cảnh đó, pháp luật cần phải xây dựng những quy chế pháp lý đặc thù cho HĐTM để vừa không ảnh hưởng tới quá trình thỏa thuận, vừa cân bằng được lợi ích hợp pháp của các bên.

Thứ hai, hủy bỏ Hợp đồng thông minh, các điều khoản của HĐTM không thể bị sửa đổi bổ sung, và nếu phát sinh vấn đề không thể giải quyết trong quá trình giao kết, HĐTM cũng không thể bị hủy bỏ. Ở điểm này, đặc điểm nổi bật này của HĐTM cũng gây nên mâu thuẫn, khi đã bỏ qua “quyền huỷ bỏ hợp đồng” của các bên.

3. Các đặc trưng cơ bản của Hợp đồng thông minh (‘Smart contracts’)

Hợp đồng thông minh là sự kết hợp của nhiều tính năng vượt trội, mang lại những cải tiến so với hợp đồng truyền thống. Đương thời, rõ ràng là khả năng nhận dạng HĐTM sẽ chỉ phát triển theo thời gian. Tất nhiên, chúng sẽ không thay thế hoàn toàn các hợp đồng giấy truyền thống trong thời gian ngắn tới đây, nhưng HĐTM sẽ tạo ra thị phần không hề nhỏ trên thị trường, đặc biệt là khi mua hoặc trao đổi hàng hóa, dịch vụ và quyền. Một sự thật không thể bàn luận thêm nữa, HĐTM sẽ xâm nhập vào ngày càng nhiều lĩnh vực cuộc sống của con người. Thứ nhất, tính độc lập với pháp luật và Chính phủ

Như đã phân tích ở trên, Hợp đồng thông minh là sản phẩm từ Công nghệ chuỗi khối (‘Blockchain technology’), không khó để nhận diện [23]các loại Hợp đồng thông minh như: hợp đồng thông minh Ethereum, hợp đồng thông minh Binance hay hợp đồng thông minh của Ada, …  tất cả các ví dụ vừa nêu và các loại Hợp đồng thông minh nói chung đều độc lập với chính phủ. Điều này vô hình chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi cho phép các bên tham gia không còn bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý hay pháp luật nước sở tại.

Thứ hai, tính phân tán và minh bạch

Việc tạo ra Hợp đồng thông minh mới khá tương đồng như bạn tạo một thư mục chung trên [24]Google Drive – [25]tất cả mọi thành viên đều biết những chỉnh sửa mới. Tuy nhiên, điểm khác biệt là hợp đồng này không chịu sự quản lý của bất kỳ đơn vị nào như khi sử dụng các máy chủ tập trung. Cũng nhờ điều này, thông tin và điều khoản được đảm bảo minh bạch trong khi hợp đồng truyền thống bị hạn chế đáng kể.

Thứ ba, tính tự động hóa và bảo mật thông tin

[26]Vì là một chương trình máy tính (“Program”) được lập trình sẵn nên các hợp đồng thuộc dạng này có thể tự động thực hiện những tác vụ, giao dịch. Trong đó, câu lệnh “If… Then…” được sử dụng phổ biến. Tất nhiên, chỉ khi các điều kiện đưa ra được thỏa mãn, kết quả mới được tạo ra. Đặc biệt, không một ai có thể thay đổi, điều chỉnh thông tin đã được thiết lập, tương tự như tính bảo mật của công nghệ chuỗi khối.

Thứ tư, tính linh hoạt trong tùy chỉnh

Hợp đồng thông minh Blockchain và nhất là Ethereum có thể được tùy chỉnh, mã hóa theo nhiều cách khác nhau. Do đó, từ những thế hệ đầu, các nhà phát triển dễ dàng nâng cấp, cải thiện hoặc tạo ra nhiều sản phẩm “ăn theo” như ứng dụng phi tập trung (DApp), tiện ích mở rộng[27]. Đây là một trong những lý do giúp HĐTM ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng hay thậm chí cả bầu cử, …

Thứ năm, không đòi hỏi bên sự tham gia của bên thứ ba

[28]Sự có mặt của bên trung gian với vai trò xác thực tính hợp lệ của hợp đồng sẽ kéo theo chi phí hoặc các thủ tục liên quan khá “rườm rà”. Tuy nhiên, Hợp đồng thông minh đã giải quyết được vấn đề này. Những bên ký hợp đồng có thể tương tác, giao dịch mà chẳng cần biết hoặc “tin tưởng” nhau. Dù vậy, mọi thỏa thuận vẫn diễn ra.

4. Sự cần thiết của việc thừa nhận Hợp đồng thông minh (‘Smart contracts’) thành một chế định của pháp luật Việt Nam đương thời

Tính hợp pháp của các Hợp đồng thông minh là một điểm cần thảo luận khác. Không rõ chính phủ và các cơ quan nhà nước nên xử lý và điều chỉnh như thế nào khi chúng nằm ngoài hệ thống pháp luật của quốc gia. Đây là một câu hỏi gây tranh cãi nếu HĐTM thậm chí có thể đủ điều kiện để trở thành hợp đồng của các tổ chức chính phủ. Nằm ngoài hệ thống pháp luật cũng có nghĩa là có xét đến yếu tố tội phạm, có thể xuất hiện dấu hiệu sử dụng công nghệ này cho các hoạt động bất hợp pháp. Cuối cùng, đó là bởi vì HĐTM không phải lúc nào cũng có màu đen và trắng. Do đó, các điều khoản và điều kiện khá mơ hồ.

Thứ nhất, về vấn đề có sự công nhận về giá trị pháp lý của những Hợp đồng thông minh

 Hiện nay, pháp luật đang quy định một cách gián tiếp về những vấn đề pháp lý liên quan đến HĐTM khi đáp ứng đầy đủ những tiêu chí, điều kiện của một hợp đồng điện tử hay một giao dịch hợp pháp. Do vậy, vấn đề áp dụng Hợp đồng thông minh trên thực tế đang gặp phải nhiều trở ngại do HĐTM có thể khiến cho các doanh nghiệp đánh mất sự tự tin trong việc giao kết các HĐTM và các giao dịch thanh khoản có liên quan đến HĐTM. Để giải quyết thực trạng trên, pháp luật Việt Nam nên được khuyến nghị điều chỉnh theo hướng chính thức công nhận giá trị pháp lý của Hợp đồng thông minh.

Thứ hai, về việc đưa ra những hướng dẫn cụ thể để xác định tính hiệu lực của Hợp đồng thông minh

 Sau khi được công nhận tính pháp lý, Hợp đồng thông minh cần có những quy định rõ ràng hơn về hiệu lực để có thể áp dụng vào thực tiễn xã hội. Chính phủ Việt Nam có thể tham khảo cách xử lý của Hoa Kỳ và Ba Lan như ban hành các quy định về “Giấy chứng minh sự đồng thuận” hay Nhà nước cũng có thể tiếp tục nghiên cứu việc thành lập một cơ quan chuyên trách, thực hiện việc đăng ký, sử dụng giúp giới hạn và quản lý số lượng người tham gia Hợp đồng thông minh thay vì sử dụng “Giấy chứng minh sự đồng thuận” để bảo đảm tính bảo mật thông tin người dùng. Đối với điều kiện về mục đích và nội dung của giao dịch, mặc dù chưa có giải pháp cụ thể cho vấn đề này, tuy nhiên Chính phủ có thể phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ chất lượng cao để giải quyết vấn đề này.

Đọc thêm:  Web1.0, Web2.0, Web3.0 và những hoạt động Digital Marketing tương ứng của doanh nghiệp

Thứ ba, về việc cần thiết phải có những quy định cụ thể về vấn đề giao kết hợp đồng

 Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ ràng về việc điều chỉnh thời gian giao kết hợp đồng và xác định địa điểm giao kết hợp đồng. Việt Nam có thể tham khảo những quy định của pháp luật Thái Lan trong việc xác định thời điểm giao kết để có những bổ sung hợp lý đối với những quy định hiện hành. Hơn nữa, nên đưa ra những quy định cởi mở hơn để giải quyết vướng mắc liên quan đến địa điểm giao kết.

Thứ tư, cần những quy định cụ thể hướng dẫn việc thực hiện hợp đồng

 Pháp luật Việt Nam nên nghiên cứu một cách cụ thể hơn để tìm ra những quy định thích hợp trong vấn đề thực hiện hợp đồng. Điểm mấu chốt để có thể tìm ra câu trả lời cho những vướng mắc, mâu thuẫn khi đi vào tìm hiểu bản chất của ứng dụng. Từ đó có thể đưa ra những quy định pháp luật cho vấn về hướng dẫn thực hiện Hợp đồng thông minh.

Thứ năm, pháp luật Việt Nam nên hợp pháp hóa hình thức thanh toán bằng Bitcoin

 Trong các giao dịch của Hợp đồng thông minh, các bên giao dịch với nhau trực tiếp trên hệ thống, điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình quản lý và giám sát của nhà nước. Khi ban hành những quy định pháp lý về dòng tiền ảo hay tiền mã hóa sẽ giúp cho nhà nước kiểm soát và quản lý chặt chẽ các nguồn thu và khi giải quyết những tranh chấp phát sinh trên nền tảng công nghệ số, tòa án sẽ không còn băn khoăn về hình thức bồi thường thiệt hại, xử lý vi phạm Hợp đồng thông minh như thế nào do Tòa án có thể sử dụng đồng tiền mã hóa là đối tượng được bồi thường.

Thứ sáu, bổ sung những quy định hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc giải quyết tranh chấp

 Xét ở một số khía cạnh liên quan đến vấn đề trên, nước ta có thể học hỏi và tiếp thu những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước và thực tế pháp luật hiện hành. Cụ thể như sau:

+ Về vấn đề xác định hình thức hợp đồng:

Quy định hình thức của hợp đồng “bắt buộc phải bằng văn bản” sẽ đi ngược với những tiêu chí cập nhật, ổn định và lâu dài của pháp luật. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, quy định pháp luật của mỗi quốc gia là khác nhau, nếu Việt Nam áp dụng theo cách này của các quốc gia trên thế giới có thể gây ra những rủi ro lớn đối với những giao dịch cần công chứng, chứng thực hay những giao dịch cụ thể liên quan đến tài sản thuộc sở hữu nhà nước cụ thể là đất đai. Vướng mắc về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp.

Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hay việc ra phán quyết và thực thi phán quyết sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng và an toàn khi Chính phủ Việt Nam hợp pháp hóa đồng Bitcoin, đồng tiền thanh toán chủ yếu của Blockchain.

+ Về hiệu lực hợp đồng, giải quyết tranh chấp và giao kết hợp đồng

Các vấn đề trên có thể được giải quyết và tháo gỡ thông qua việc thành lập một Hợp đồng thông minh mẫu do cơ quan nhà nước ban hành, có sẵn những điều khoản cơ bản bao gồm các vướng mắc hiện hữu, có tính hợp pháp, bao gồm toàn bộ những vướng mắc nổi cộm hiện nay, có thể coi nó là một sự chỉ dẫn cụ thể cho cá nhân, doanh nghiệp tham gia sử dụng. Người dùng sẽ cảm thấy an toàn hơn khi tiếp cận HĐTM vì có thể lường trước những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Văn bản pháp luật:

–     Bộ luật Dân sự 2015.

  1. Tài liệu tham khảo khác:
  • Beck, R., Czepluch, J.S., Lollike, N., and Malone, S.O., “Blockchain – The Gateway to Trust-free Cryptographic Transactions”, ECIS 2016 Proceedings, 2016.
  • Beck, R., Muller-Bloch, C. and King, John L., “Governance in the Blockchain Economy: A framework and  Research Agenda”, Bussiness IT, European Blockchain Center.
  • Bộ Khoa học và Công nghệ & Báo Điện tử VnExpress (2018), “Diễn đàn Blockchain -Xu hướng và tầm nhìn phát triển”, xem tại: https://www.youtube.com/watch?v=Tc3X716wPVk (truy cập ngày 16/12/2022).
  • Buterin, V., “Ethereum White Paper”, 2013, xem tại: https://github.com/ethereum/wiki/wiki/ White-Paper (truy cập ngày 18/12/2022).
  • de Caria, Riccardo, “A Digital Revolution in International Trade? The International Legal Framework for Blockchain Technologies”, Virtual Currencies and Smart Contracts: Challenges and Opportunity, 2018, xem tại: http://www.uncitral.org/pdf/english/congress/Papers_for_Programme/5-DE_CARIAA_Digital_Revolution_in_International_Trade.pdf (truy cập ngày 16/12/2022).
  • Economist, “Blockchain – The next big thing”, 2015, xem tại: http://www.economist.com/news/ special-report/21650295-orit-next-big-thing (truy cập ngày 17/12/2022).
  • Frankenfield, J., “What are Smart contracts on the blockchain and how they work”, Investopedia, tr. 1, xem tại: https://www.investopedia.com/terms/s/smart-contracts.asp (truy cập ngày 14/12/2022).
  • Kerikmäe, T. and Rull, A., “The future of law and etechnologies”, Springer Iternational Publishing Switzerland

– Lauslahti, L. et al., “Smart Contracts– How will Blockchain Technology Affect Contractual Practices?”, The Research Institute of the Finnish Economy, ETLA Reports, 09/01/2017, 68.
– Levi, Stuart D. and Lipton, Alex B., “An introduction to Smart contracts and their potential and inherent limitations”, Skaden, Arps, Slate, Meagher. & Flom LLP, Harvard Law School Forum Corporate Governance.
– Nguyễn Tuấn Quang, “Blockchain và hợp đồng thông minh đang thay đổi nền tài chính của chúng ta như thế nào?”, 30/07/2019, đoạn 11, xem tại:
https://viblo.asia/p/blockchain-va-hop-dong-thong-minh-dang-thay-doi-nen-tai-chinh-cua-chung-ta-nhu-the-nao-naQZRXmq5vx (truy cập ngày 18/12/2022).
– Phan Vũ,” Hợp đồng thông minh và một số vấn đề pháp lý đặt ra”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, 2018, số 08.
– Ray, J., “A Next-Generation Smart Contract and Decentralized Application Platform”, 2018, xem tại: https://github.com/ethereum/wiki/wiki/White-Paper (truy cập ngày 15/12/2022).
– Szabo, N., “The idea of smart contracts”, Nick Szabo’s Papers and Concise
Tutorials (1997), xem tại: http://www.fon.hum.uva.nl/rob/Courses/InformationInSpeech/CDROM/Literature/LOTwinterschool2006/szabo.best.vwh.net/smart_contracts_2.htmlGoogle Scholar (truycập ngày 14/12/2022)
– Sherborne, A., “Blockchain”, Smart Contracts and Lawyers, 12/2007.
– T. Kerikmäe and A. Rull, The future of law and etechnologies, Springer Iternational Publishing Switzerland 2016.
– Vũ Thị Diệu Thảo, “Hợp đồng thông minh: Bước nhảy vào thế giới viễn tưởng”, Tạp chí Tia Sáng, 2018, số 04.
– Zheng, Zibin et al., “An overview on smart contracts: Challenges, advances and platforms”,s part of special issue: SI: Blockchain as a Service for Industrial Internet of Things and Big Data Applications, Future Generation Computer Systems, April 2020, 105.

[1] *Giải thích về ‘Nick Szabo’: là một người Mỹ, nhà khoa học máy tính và cũng là người đã phát minh ra đồng tiền ảo tên “Bitgold” vào năm 1998 (10 trước khi có sự xuất hiện của đồng Bitcoin).

[2] Szabo, N., “The idea of smart contracts”, Nick Szabo’s Papers and Concise Tutorials (1997), xem tại:

http://www.fon.hum.uva.nl/rob/Courses/InformationInSpeech/CDROM/Literature/LOTwinterschool2006/szabo

.best.vwh.net/smart_contracts_2.htmlGoogle Scholar (truy cập ngày 14/12/2022)

[3] *Giải thích về ‘peer-to-peer market’ (P2P market): là một mô hình phi tập trung, theo đó hai cá nhân tương tác để mua bán hàng hóa và dịch vụ trực tiếp với nhau hoặc cùng nhau sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà không cần bên thứ ba (‘bên trung gian’) hoặc sử dụng một thực thể hoặc doanh nghiệp hợp nhất chắc chắn.

[4] Frankenfield, J., “What are Smart contracts on the blockchain and how they work”, Investopedia, tr. 1, xem tại:

https://www.investopedia.com/terms/s/smart-contracts.asp (truy cập ngày 14/12/2022)

[5] Sherborne, A., “Blockchain”, Smart Contracts and Lawyers, 12/2007

[6] * Giải thích về ‘Hoạt động logistics’: là quá trình này có thể bao gồm nhiều cấp người cung ứng và tiêu dùng, thậm chí có thể mở rộng từ người cung ứng đầu tiên cho đến người tiêu dùng cuối cùng của chuỗi cung ứng.  7* Giải thích về ‘GPRS: là một giao thức chuyển mạch gói nỗ lực tốt nhất cho các dịch vụ truyền thông mạng di động và không dây. Nó được coi là nỗ lực tốt nhất vì tất cả các gói đều được ưu tiên như nhau và việc phân phối các gói không được đảm bảo.

[7] Kerikmäe, T. and Rull, A., “The future of law and etechnologies”, Springer Iternational Publishing Switzerland 2016, tr. 134.

[8] Ray, J., “A Next-Generation Smart Contract and Decentralized Application Platform”, 2018, xem tại: https://github.com/ethereum/wiki/wiki/White-Paper (truy cập ngày 15/12/2022).

[9] Beck, R., Muller-Bloch, C. and King, John L., “Governance in the Blockchain Economy:  A framework and  Research Agenda”, Bussiness IT, European Blockchain Center

[10] Phan Vũ,” Hợp đồng thông minh và một số vấn đề pháp lý đặt ra”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, 2018, số 08 12* Giải thích về blockchain’:  theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2021), blockchain là sổ cái chung của các giao dịch giữa các bên trong mạng, không được kiểm soát bởi một cơ quan trung ương duy nhất. Blockchain cũng có thể hiểu là “cách thức lưu trữ dữ liệu dưới dạng phân tán liên kết tạo thành chuỗi và mạng lưới, được duy trì sự kiểm soát trên một mạng phân tán”.

[11] Zheng, Zibin et al., “An overview on smart contracts: Challenges, advances and platforms”, part of special issue: SI: Blockchain as a Service for Industrial Internet of Things and Big Data Applications, Future Generation Computer Systems, April 2020, 105, tr. 478

[12] * Giải thích về ‘Hợp đồng truyền thống’: là những hợp đồng được ký kết theo những phương thức truyền thống như các bên trực tiếp gặp gỡ, đàm phán và giao kết hợp đồng trực tiếp bằng văn bản, thậm chí bằng hành vi cụ thể hoặc giao kết hợp đồng thông qua trao đổi thư từ, tài liệu giao dịch bằng đường bưu điện.

[13] Levi, Stuart D. and Lipton, Alex B., “An introduction to Smart contracts and their potential and inherent limitations”, Skaden, Arps, Slate, Meagher. & Flom LLP, Harvard Law School Forum Corporate Governance, đoạn 11

[14] Vũ Thị Diệu Thảo, “Hợp đồng thông minh: Bước nhảy vào thế giới viễn tưởng”, Tạp chí Tia Sáng, 2018, số 4

[15] Kerikmäe, T. and Rull, A., “The future of law and etechnologies”, Springer Iternational Publishing Switzerland, 2016, tr. 136

[16] Vũ Thị Diệu Thảo, “Hợp đồng thông minh: Bước nhảy vào thế giới viễn tưởng”, Tạp chí Tia Sáng, 2018, số 4

[17] Bộ Khoa học và Công nghệ & Báo Điện tử VnExpress (2018), “Diễn đàn Blockchain -Xu hướng và tầm nhìn phát triển”, xem tại: https://www.youtube.com/watch?v=Tc3X716wPVk (truy cập ngày 16/12/2022)

[18] Bộ Luật Dân sự 2015.

[19] T. Kerikmäe and A. Rull, The future of law and etechnologies, Springer Iternational Publishing Switzerland 2016, trang 140

[20] de Caria, Riccardo, “A Digital Revolution in International Trade? The International Legal Framework for Blockchain Technologies”, Virtual Currencies and Smart Contracts: Challenges and Opportunity, 2018, xem tại: http://www.uncitral.org/pdf/english/congress/Papers_for_Programme/5-DE_CARIAA_Digital_Revolution_in_International_Trade.pdf (truy cập ngày 16/12/2022)

[21] Kerikmäe, T. and Rull, A., “The future of law and etechnologies”, Springer Iternational Publishing Switzerland 2016, tr. 137

[22] Bộ Luật Dân sự 2015.

[23] Beck, R., Czepluch, J.S., Lollike, N., and Malone, S.O., “Blockchain – The Gateway to Trust-free Cryptographic Transactions”, ECIS 2016 Proceedings, 2016, tr. 6

[24] * Giải thích về ‘Google Drive’: Google Drive là dịch vụ lưu trữ và đồng bộ hóa tập tin được tạo bởi Google. Nó cho phép người dùng có thể lưu trữ tập tin trên đám mây, chia sẻ tập tin, và chỉnh sửa tài liệu, văn bản, bảng tính và bài thuyết trình với cộng tác viên.

[25] Lauslahti, L. et al., “Smart Contracts– How will Blockchain Technology Affect Contractual Practices?”, The Research Institute of the Finnish Economy, ETLA Reports, 09/01/2017, 68, tr. 13

[26] Economist, “Blockchain – The next big thing”, 2015, xem tại: http://www.economist.com/news/ specialreport/21650295-orit-next-big-thing (truy cập ngày 17/12/2022)

[27] Buterin, V., “Ethereum White Paper”, 2013, xem tại: https://github.com/ethereum/wiki/wiki/ White-Paper (truy cập ngày 18/12/2022)

[28] Nguyễn Tuấn Quang, “Blockchain và hợp đồng thông minh đang thay đổi nền tài chính của chúng ta như thế nào?”, 30/07/2019, đoạn 11, xem tại: https://viblo.asia/p/blockchain-va-hop-dong-thong-minh-dang-thay-doinen-tai-chinh-cua-chung-ta-nhu-the-nao-naQZRXmq5vx (truy cập ngày 18/12/2022)

Tìm kiếm thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên VNEconomics

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết mới nhất từ VNEconomics Academy

VNEconomics là một dự án với mục đích chia sẻ những tri thức hữu ích về Kinh tế – Nghiên cứu khoa học và Công nghệ, đặc biệt là những kiến thức về Blockchaintiền mã hóa (một lĩnh vực rất mới mẻ) tới đối tượng là các bạn sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và những cá nhân khác quan tâm tới những lĩnh vực này.

👉Tham gia cộng đồng của VNEconomics tại:
Website: https://vneconomics.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vneconomics/
Telegram: https://t.me/BlockchainDEco
Linked In: https://www.linkedin.com/company/vneconomics/
Twitter: https://twitter.com/ThanhTung78

- Quảng cáo -

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết và khóa học miễn phí​

Danh mục đầu tư của VNEs

Danh mục sản phẩm

Những nội dung hữu ích ngành Blockchain & Tiền mã hóa
Recent Posts