Những vấn đề về phát triển du lịch thông minh trên thế giới

[QC]

Mục lục

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH TRÊN THẾ GIỚI VÀ TỈNH BẾN TRE NÓI RIÊNG: MỘT SỐ PHÂN TÍCH VÀ ĐỀ XUẤT

ThS. Phan Trần Tuyên

Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Hiến

Email: tuyenpt@vhu.edu.vn.

Tóm tắt: Phát triển du lịch thông minh là xu hướng của các trung tâm du lịch trên thế giới. Các điểm đến du lịch áp dụng du lịch thông minh sẽ tăng cường sự thu hút du khách hơn thông qua việc tăng tính cạnh tranh với các điểm đến khác. Phần lớn các điểm đến du lịch trên thế giới đều có những chiến lược, biện pháp để phát triển du lịch thông minh. Tuy vậy, những tổ chức đó cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn do việc thiếu kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng, nhân lực hay là cả năng lực cần thiết để phát triển du lịch thông minh. Bài viết này đưa ra một số đề xuất phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng. Hoàn thiện các chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch, hợp tác quốc tế nhằm đào tạo nhân lực, tăng cường việc áp dụng công nghệ số trong việc quảng sản phẩm du lịch hay hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp là những việc cần được thực hiện.

Từ khóa: Du lịch thông minh, Quản lý điểm đến, Bến Tre

1. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.1 Đặt vấn đề

Những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các cuộc cách mạng công nghiệp mới đã thúc đẩy sự phát triển mọi mặt xã hội loài người, trong đó có du lịch. Năm 2019 có khoảng 1,5 tỷ lượt khách quốc tế được ghi nhận đã đi du lịch, tăng gần 4% so với năm 2018 (theo UNWTO). Doanh thu của ngành du lịch năm năm 2019 đóng góp tới khoảng 2% của GDP toàn cầu. Với những con số trên, có thể thấy ngành du lịch đã khẳng định được một vị trí rất quan trọng trong thành phần kinh tế của thế giới. Tuy giai đoạn 2020 – 2022, ngành du lịch có suy giảm so với trước nhưng những đóng góp của nó đối với nền kinh tế các nước là không thể phủ nhận.

thời điểm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì thông tin là một nguồn tài nguyên rất quan trọng trong du lịch và thông tin chính là đối tượng được nghiên cứu để ứng dụng các công nghệ mới nhất nhằm mục đích kinh doanh. Khách du lịch cần nguồn thông tin liên tục cập nhật và chính xác nhằm giúp họ có thể lên kế hoạch cho chuyến du lịch hoặc lựa chọn các điểm du lịch với nhau. Bởi vì đây là một ngành công nghiệp đầy tiềm năng, nó phụ thuộc vào việc tìm kiếm và phát triển các phương tiện mới để thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch, tiếp thị các thông tin thông tin cho người tiêu dùng và cung cấp sự thoải mái và thuận tiện cho du khách (Zhou, 2004).

Du lịch thông minh đề cập đến những nỗ lực nhằm tích hợp các công nghệ hiện đại như công nghệ thông tin vào các hoạt động của điểm đến nhằm nâng cao năng lực đổi mới, tạo ra giá trị và giảm thiểu những tác động tiêu cực của du lịch đồng thời cung cấp cho khách du lịch những trải nghiệm vượt trội (Gretzel và cộng sự, 2015). Do đó, cung cấp trải nghiệm du lịch thông minh là một mục tiêu quan trọng cho điểm đến thông minh. Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch thông minh và hỗ trợ kinh doanh du lịch thông minh với một hệ sinh thái hoàn chỉnh tạo thành động lực cơ bản cho phát triển du lịch thông minh. Các mục tiêu này đều yêu cầu việc lập kế hoạch, phối hợp và thực hiện các chiến lược một cách chuyên nghiệp, có tầm nhìn.

Việc phát triển điểm đến du lịch thông minh đang là xu hướng trên toàn thế giới. Với việc phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa ở tỉnh Bến Tre trong những năm gần đây thì việc áp dụng các chiến lược phát triển du lịch thông minh là điều vô cùng cần thiết. Nó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Bến Tre rộng rãi hơn ở nước ta và trên khắp thế giới, điều này sẽ mang đến nhiều điều tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, môi trường của tỉnh. Với việc công nghệ số đã gắn kết cả thế giới lại với nhau thông qua việc tiếp cận thông tin một cách dễ dàng đã là điều kiện cơ bản để cho tỉnh Bến Tre sẽ triển khai thành công các mục tiêu trên.

1.2 Cơ sở lý thuyết

Du lịch thông minh mô tả một hình thức phát triển du lịch tận dụng các công nghệ tiên tiến (đặc biệt là cảm biến, mạng truyền thông không dây và phân tích dữ liệu lớn) để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Các đánh giá nghiên cứu gần đây về du lịch thông minh chủ yếu là phác họa lên tầm quan trọng của nó đối với ngành du lịch nhưng chưa đưa ra được một định nghĩa thống nhất (Ye và cộng sự, 2020; Johnson & Samakovlis, 2019; Mehraliyev và cộng sự, 2020; 2019), và chúng thể hiện sự thiếu tập trung và thống nhất vào các lý thuyết du lịch thông minh (Shafiee và cộng sự, 2019).

Buhalis (2020) nhấn mạnh rằng vì tiềm năng đột phá to lớn của du lịch thông minh nên cần phải có sự hành động quản lý đột phá. Nam và Pardo (2011) gợi ý rằng sự thông minh có ba khía cạnh, đó là khía cạnh công nghệ, con người và thể chế. Ngược lại, Lalicic và Önder (2018) áp dụng quan điểm đa bên và cho rằng du lịch thông minh bao gồm một loạt các bên liên quan du lịch với lợi ích đa dạng và liên quan đến lợi ích của khách du lịch và cư dân địa phương.

Từ góc độ thành phố thông minh, Yigitcanlar và cộng sự (2018) thiết lập tám lĩnh vực điểm đến thông minh cần phải hoàn thiện như sau: Quản trị công; Lập kế hoạch; Năng suất; Đổi mới; Khả năng sinh sống; An sinh; Tính bền vững và Khả năng tiếp cận. Các mục tiêu được xây dựng cho du lịch thông minh là tập trung vào công nghệ nhiều hơn, Seggitur (2018) liệt kê những điều sau đây được xem là rất quan trọng trong việc phát triển du lịch thông minh ở Tây Ban Nha là: Công nghệ; Tính bền vững; Đổi mới và, Khả năng tiếp cận.

Du lịch thông minh tạo thành một yêu cầu cấp thiết trong việc ứng dụng công nghệ mới cho các DMO và bởi vì nó cần những triết lý và cơ chế quản trị mới Femenia-Serra và Ivars-Baidal (2019) phát biểu rằng các DMO xem phát triển du lịch thông minh vừa là cơ hội vừa là một thách thức lớn và cần nhanh chóng nhận ra sự cần thiết của việc thay đổi phương pháp quản lý điểm đến.

Đã có một số nghiên cứu về phát triển du lịch tại Bến Tre, như: Nghiên cứu phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre (2009) của tác giả Phan Văn Thạch, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái miệt vườn tỉnh Bến Tre (2014) của tác giả Đỗ Thu Nga; Nghiên cứu “Phát triển du lịch sinh thái miệt vườn tại tỉnh Bến Tre” của Phạm Thị Thanh Hòa (2016); Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Bến Tre, Luận án tiến sĩ của Nguyễn Thành Long (2016); Luận án tiến sỹ “Marketing địa phương nhằm phát triển du lịch tỉnh Bến Tre” của Đặng Thanh Liêm (2018). Tuy vậy, các công trình khoa học về phát triển du lịch thông minh ở tỉnh Bến Tre vẫn còn hạn chế và cần phải tiếp tục bổ sung các góc độ nghiên cứu khác nhau.

Đọc thêm:  Kết hợp du lịch thành thị và du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số

1.3. Một số khái niệm liên quan

1.3.1. Quản lý tổ chức điểm đến

Tổ chức quản lý điểm đến được hiểu là tổ chức phối hợp nhiều yếu tố cấu thành của sản phẩm du lịch; cung cấp các dịch vụ du khách và cấu trúc thông tin cần thiết để tiếp thị điểm đến một cách dân chủ nhất để nâng cao phúc lợi của người dân.

Thuật ngữ quản lý điểm đến được hiểu là quản lí chiến lược và tiếp thị và xúc tiến các điểm đến du lịch. Trong ngữ cảnh này, điểm đến được xem như một đơn vị riêng biệt có cạnh tranh thị trường cũng như cạnh tranh với các điểm đến khác.

Thực chất, tổ chức quản lý điểm đến có thể được hiểu là quản lý điểm đến, có nghĩa là quản lý tiếp thị các điểm đến du lịch và các bạn có thể hiểu một cách đơn giản hơn là một đơn vị riêng biệt có khả năng cạnh tranh với các địa điểm đến khác. Tổ chức quản lý điểm đến hiện là một tổ chức phi lợi nhuận, không tính phí dịch vụ phần lớn là được tài trợ từ sự hợp tác từ thuế khách sạn với phí thành viên. Tổ chức quản lý điểm đến được hình thành dựa trên mục tiêu tiếp thị, quảng bá cho một điểm đến tại một khu vực nào đó.

Tổ chức quản lý điểm đến sẽ thực hiện công việc tiếp thị cũng như là quảng bá đến mọi người có nhu cầu cần đi du lịch. Đây được xem là một trong những công việc khá tốt với thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, tổ chức quản lí điểm đến còn thu hút được thêm các nhà đầu tư vì đã góp phần duy trì dịch vụ và cải thiện cuộc sống cho mọi người. Chính vì vậy, đây là một tổ chức vô cùng cần thiết và quan trọng và giúp phát triển kinh tế trong một quốc gia.

1.3.2. Du lịch thông minh

Du lịch thông minh đề cập đến những nỗ lực nhằm tích hợp các công nghệ hiện đại vào các hoạt động của điểm đến nhằm nâng cao năng lực đổi mới, tạo ra giá trị và giảm thiểu những tác động tiêu cực của du lịch đồng thời cung cấp cho khách du lịch những trải nghiệm vượt trội (Gretzel và cộng sự, 2015).

Rất nhiều điểm đến du lich trên khắp thế giới đã tích cực áp dụng khái niệm du lịch thông minh. Ở Trung Quốc sáng kiến điểm đến thông minh là một trong những nỗ lực đầu tiên để thực hiện chiến lược du lịch thông minh ở điểm đến để giải quyết các vấn đề phải đối mặt trước làn sóng du lịch đại chúng mới (Wang và cộng sự, 2013). Phía nam các điểm đến du lịch của Hàn Quốc đã nhanh chóng áp dụng khái niệm du lịch thông minh để tận dụng hiệu quả cao phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ của đất nước và thúc đẩy du lịch quốc tế (Koo và cộng sự 2013). Nhiều quốc gia khác đã ủng hộ xu hướng này, với Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức hợp tác với tập đoàn viễn thông quốc gia triển khai du lịch thông minh các dự án tại nhiều địa phương trên cả nước từ năm 2017. Một ví dụ khác là Thái Lan, nơi phát triển du lịch thông minh cho đến nay bao gồm việc trang bị cho các sân bay tiên tiến công nghệ và xây dựng nền tảng dữ liệu cho phép giám sát du khách tại các điểm đến như Phuket (Phocuswire, 2019).

2. KHÁI QUÁT VỀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH Ở VIỆT NAM NÓI CHUNG VÀ TỈNH BẾN TRE NÓI RIÊNG

2.1 Thực trạng phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam

Tại Việt Nam, thuật ngữ “du lịch thông minh” lần đầu được nhắc đến trong một văn bản pháp quy là Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với nội dung: “Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh”. Theo đó, nhiều địa phương đã xây dựng, đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ, sử dụng nhiều nền tảng xã hội cũng như các phần mềm, tiện ích thông minh để hỗ trợ phát triển du lịch, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh… Là thành phố du lịch lớn của cả nước, từ năm 2018, Đà Nẵng đưa vào sử dụng ứng dụng Chatbot “Da Nang Fantasticity” giúp du khách dễ dàng tra cứu mọi thông tin tiện ích khi du lịch tại đây.

Chatbot là một công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tương tác với con người qua hình thức tin nhắn (Textual) hoặc âm thanh (Audiotory). Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore). Ngoài Chatbot, Đà Nẵng cũng đã xây dựng các hệ thống phần mềm, tiện tích hỗ trợ tối ưu cho du khách, cụ thể như: “inDaNang”, “Da Nang Tourism”, “Go! Đà Nẵng”, “Da Nang Bus”; phát triển hoạt động truyền thông trên trang mạng xã hội Facebook, Instagram, YouTube, Twitter, Tiktok… và có trang dành riêng cho từng thị trường như tại các trang mạng Weibo (Trung Quốc), Naver (Hàn Quốc).

Việc phát triển du lịch thông minh đòi hỏi rất nhiều các biện pháp khác nhau, trong đó có cả sự hỗ trợ của các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và sơ sở hạ tầng. Điều này, đối với nước ta nói chung và tỉnh Bến Tre nói chung vẫn còn những hạn chế nhất định. Đối với việc quản lý nhà nước, mặc dù đã có những chủ trương, chính sách nhưng chưa có văn bản cụ thể nào quy định hay hướng dẫn triển khai phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam. Tuy vậy, gần đây cũng có một hướng dẫn của Tổng cục Du lịch trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động du lịch. Ngày 10/8/2022, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã ra mắt tài liệu hướng dẫn “Chuyển đổi số trong ngành du lịch: Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động”. Đây là lần đầu tiên trong ngành du lịch Việt Nam có một tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp thông tin tổng quan về thực trạng và các giải pháp tổng thể, các bước cần thực hiện trong quá trình chuyển đổi số giúp các bên liên quan dễ dàng định hướng triển khai. Đồng thời, góp phần tạo sự đồng bộ và thống nhất trong hành động của toàn ngành. Cốt lõi của tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số là Hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, giới thiệu về các phần mềm/ứng dụng dành cho các đối tượng khác nhau trong ngành như: khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên, cơ quan quản lý du lịch.

Trong thời gian qua, đã có nhiều chính sách, hoạt động triển khai các biện pháp phát triển du lịch thông minh. Tuy nhiên, các hoạt động này còn mang tính cục bộ, thiếu tính liên kết và đặc biệt là thiếu “mô hình du lịch thông minh” đảm bảo tính hiệu quả. Điều này dẫn đến đầu tư thiếu trọng điểm, thiếu tính đồng bộ, hiệu quả mang lại chưa cao.

2.2. Thực trạng phát triển du lịch thông minh ở tỉnh Bến Tre

Ngành du lịch tỉnh Bến Tre đã có sự phát triển trong giai đoạn gần đây. Số lượt du khách quốc tế đến với tỉnh tăng đều đặn qua các năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Số lượng du khách nội địa du lịch tỉnh Bến Tre cũng tăng mạnh ở giai đoạn trước năm 2020.

Đọc thêm:  Truyền thông sáng tạo trong phát triển du lịch biển

Ngày 29/1/2021, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030 (Đề án 02) nhằm mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Tiếp đó, ngày 1/7/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3706/KH-UBND về thực hiện Đề án số 02 về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre. Để thực hiện hiệu quả Đề án, tỉnh đã tập trung việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn và ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch…

Từ năm 2021, ngành du lịch Bến Tre đã chú trọng phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo phục vụ khách du lịch. Trong đó, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng tiếp tục tập trung phát triển ở 8 xã ven sông Tiền, 3 xã phía nam TP. Bến Tre. Các dự án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách; khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cồn Tân Mỹ và khu du lịch nghỉ dưỡng Cồn Quy đang được tiếp tục triển khai.

Đề án Làng dừa Mỏ Cày Nam đang xúc tiến hình thành, trong khi đó, Bến Tre kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái cồn Thành Long, xã Thành Thới A (Mỏ Cày Nam). Tỉnh Bến Tre có 57 làng nghề đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận, trong đó, có 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp.

Các công ty lữ hành thường tổ chức các chương trình du lịch cho du khách tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất từng loại sản phẩm tại các làng nghề truyền thống như: Làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng Chợ Lách; làng nghề sản xuất kẹo dừa, các cơ sở chế biến dừa; làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc; làng nghề đan đát, thắt hoa…

Ứng dụng du lịch thông minh Bến Tre “Ben Tre Tourism” do Sở VHTT&DL tỉnh quản lý, vận hành đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 4/2022 sau khi được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu. Ứng dụng “Ben Tre Tourism” (gồm 4 thứ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung) có thể được tải và cài đặt từ CHPlay cho nền tảng di động Android và từ App Store cho nền tảng IOS. “Ben Tre Tourism” cung cấp thông tin các hoạt động du lịch, các sự kiện nổi bật của tỉnh, cập nhật thông tin về chất lượng, giá cả các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh gồm lưu trú, lữ hành, vận tải, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, cửa hàng bán lẻ, máy giao dịch tự động và các dịch vụ khác dành cho khách du lịch.

Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh Bến Tre còn tích cực quảng bá du lịch tỉnh qua việc tham gia các sự kiện du lịch như: Ngày hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long lần II năm 2022; hợp tác xúc tiến phát triển du lịch giữa Bến Tre với Huế và TPHCM; quảng bá du lịch tại TPHCM; phối hợp thực hiện khảo sát để đưa vào phục vụ du khách tuyến du lịch liên kết gồm tuyến “Non nước hữu tình” và một số tuyến liên kết 6 tỉnh: Long An – Tiền Giang – Bến Tre – Vĩnh Long – Trà Vinh – Đồng Tháp…

Một số công ty du lịch và công nghệ đã liên kết với nhau nhằm thúc đẩy việc quảng bá du lịch tỉnh nhà. Ví dụ như Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bến Tre và Hiệp hội Du lịch Bến Tre hợp tác với Công ty Truyền thông và Du lịch C2T nhằm quảng bá sản phẩm, tăng cường liên kết với đối tác, du khách. Các công ty công nghệ đang triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm quảng cáo trực tuyến, đầu tư thiết kế các website nhằm tăng cường giới thiệu các điểm đến du lịch của Bến Tre trên không gian số. Các hoạt động trên là dấu hiệu tích cực cho việc chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch của tỉnh theo hướng hiện đại. Tuy vậy, hiệu quả của các hoạt động trên vẫn còn chưa rõ ràng, chính vì vậy tỉnh Bến Tre cần tiếp tục chú trọng nhiều hơn nữa vào việc khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào hoạt động du lịch.

2.3 Đánh giá thực trạng phát triển du lịch thông minh ở tỉnh Bến Tre

2.3.1 Thuận lợi

Theo thống kê của WeAreSocial (wearesocial.com) năm 2018, toàn thế giới có 4,02 tỷ người dùng Internet (chiếm 53%), gần 3,2 tỷ người dùng mạng xã hội, hơn 5,1 tỷ người dùng điện thoại di động (chiếm 68%) trong đó chủ yếu là điện thoại thông minh có kết nối và sử dụng Internet. Ở Việt Nam với gần 100 triệu dân thì có đến 64 triệu người sử dụng Internet (chiếm 67% dân số), 55 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 57%), hơn 70 triệu người dùng điện thoại di động (chiếm 73%). Điều này cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng Internet và thiết bị thông minh trên thế giới và Việt Nam là rất lớn. Đây là tiền đề lớn để Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre phát triển du lịch thông minh.

Với sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của ngành du lịch đóng góp cho nền kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển ngành du lịch tỉnh BếnTre. Đề án số 02-ĐA/TU về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030 là một nền tảng tốt cho các hoạt động phát triển du lịch thông minh của tỉnh Bến Tre

Nền kinh tế đất nước trong những năm gần đây đều tăng trưởng khá hàng năm, điều này giúp cho tỉnh có thêm nguồn lực để đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Từ đó tăng cường tính cạnh tranh và khả năng thu hút du khách của sản phẩm du lịch tỉnh.

Khi các thành tựu khoa học-công nghệ đang được ứng dụng mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của đời sống, phát triển du lịch thông minh đã trở thành một xu hướng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này cũng là sự thuận lợi cho việc phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng.

2.3.2 Khó khăn

Du lịch thông minh được phát triển trên nền tảng ứng dụng KH&CN, CNTT-TT, đây là điều kiện, tiền đề tiên quyết. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng về công nghệ để phát triển du lịch thông minh ở nước ta nói chung và tỉnh Bến Tre vẫn chưa cao.

Trong các lĩnh vực kinh doanh du lịch chính như: lữ hành, lưu trú, vận tải du lịch, ăn uống, giải trí, mua sắm… thì khả năng tiếp cận công nghệ, phát triển du lịch thông minh chủ yếu ở một số phân nhánh như lữ hành quốc tế, vận tải hàng không, cơ sở lưu trú cao cấp. Nguyên nhân chính do đặc điểm doanh nghiệp du lịch nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao; doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn 1-2 sao) chiếm số lượng lớn, đối tượng khách phục vụ chủ yếu là khách nội địa, nhu cầu khách sử dụng các dịch vụ thông minh, trực tuyến không lớn nên khả năng tiếp cận du lịch thông minh của các doanh nghiệp này còn thấp.

Bên cạnh các thách thức nêu trên, phát triển du lịch thông mình còn đối diện với thách thức từ sự gia tăng kỳ vọng của khách hàng, nâng cao chất lượng, yêu cầu phát triển du lịch theo tiêu chuẩn toàn cầu: Thái độ, cách thức phục vụ, nơi lưu trú, ẩm thực, tôn trọng những giá trị chung, thái độ với văn hóa và môi trường sinh thái hay đổi mới hình thức hợp tác và tổ chức du lịch…

Đọc thêm:  Triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch thông minh

3. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH TẠI TỈNH BẾN TRE

Việc phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng về căn bản đã được các cơ quan nhà nước nhận thức đầy đủ và có những chủ trương đúng đắn. Tuy vậy, phát triển du lịch thông minh là một yêu cầu cao, đòi hỏi rất nhiều biện pháp tiến bộ cần phải áp dụng. Dưới đây là một số đề xuất của đề tài trong việc tiếp tục phát triển chương trình du lịch thông minh tỉnh Bến Tre như sau:

Phát triển và hoàn thiện chính sách là một trong những nội dung căn bản, quan trong trong việc phát triển du lịch thông mình. Vì vậy cần tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách cho phát triển du lịch thông minh; chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là CNTT-TT theo hướng ứng dụng cho ngành Du lịch, tạo nền tảng công nghệ cho du lịch thông minh; có cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN cho ngành Du lịch

Xây dựng Cơ sở dữ liệu Du lịch ở tỉnh Bến Tre gồm các cơ sở dữ liệu thành phần về doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu-điểm du lịch, nhà hàng, điểm mua sắm đạt chuẩn, vui chơi giải trí…

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực du lịch với các nước phát triển để học hỏi kinh nghiệp, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng KH&CN với phát triển du lịch thông minh; hợp tác, chuyển giao công nghệ và hợp tác đầu tư phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sử dụng và vận hành công nghệ, sẵn sàng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh.

Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch của tỉnh Bến Tre trên các nền tảng số. Chủ động ứng dụng công nghệ, tăng cường triển khai các hoạt động quảng bá du lịch Bến Tre trên các website, mạng xã hội, ứng dụng thông minh như Youtube, Facebook, Zalo…

Tăng cường các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng mạng lưới và đẩy mạnh số hóa công tác quản lý ngành Du lịch, phát triển chính quyền điện tử hướng tới du lịch bền vững, trong đó lấy nhu cầu của khách du lịch, người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Xây dựng và phát triển hệ thống trải nghiệm du lịch thông minh thông qua đổi mới phương thức quản lý điểm đến kết hợp số hóa chia sẻ và làm giàu dữ liệu điểm đến nhằm phát huy nội hàm văn hóa, giá trị gia tăng về du lịch, cải thiện chất lượng môi trường và hạ tầng phục vụ du lịch.

Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch nhằm tập hợp trí tuệ sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch; lan tỏa tinh thần doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

KẾT LUẬN

Các phương thức kinh doanh truyền thống sẽ bắt buộc phải thay đổi qua những năm xảy ra đại dịch Covid-19. Du lịch cũng không phải là ngoại lệ đối với dòng chảy này. Các phương thức giao tiếp mới, phương thức phục vụ mới, phương thức kinh doanh mới sẽ chiếm ưu thế và ngày càng phổ biến hơn. Du lịch thông minh chính là tương lai của ngành du lịch. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại đặc biệt công nghệ số sẽ làm tăng trải nghiệm của khách hàng, giúp khách du lịch có nhiều thông tin hơn về điểm đến để lựa chọn. Điều này cũng giúp các đơn vị kinh doanh du lịch, các điểm đến du lịch thu hút nhiều khách hàng hơn, cải thiện được chất lượng dịch vụ. Đồng thời, các hoạt động đó cũng nâng cao được hình ảnh, vị thế của điểm đến du lịch.

Tỉnh Bến Tre có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đây cũng là điểm đến nổi bật của các du khách nước ngoài lựa chọn khi tiến hành tham quan vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc chú trọng phát triển dịch thông minh là một chính sách đúng đắn và hợp lý của tỉnh Bến Tre. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần có nhiều biện pháp để phát triển thành công mô hình du lịch thông minh. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm hỗ trợ chủ trương này, tăng cường khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong việc kinh doanh du lịch hay khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch thông minh là những điều cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ thông tin và truyền thông, Hội Tin học Việt Nam, 2018, Báo cáo tóm tắt Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TTViệt Nam năm 2018 (Vietnam ICT index 2018), Vĩnh Long.
Buhalis, D. (2020). Technology in tourism-from information communication technologies to eTourism and smart tourism towards ambient intelligence tourism: a perspective article. Tourism Review, 75(1), 267-272

Cục Thống kê tỉnh Bến Tre (2019), Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre.

Femenia-Serra, F. & Ivars-Baidal, J.A. (2019). DMOs: Surviving the Smart Tourism Ecosystem. In Travel and Tourism Research Association Conference, European Chapter. Bournemouth (United Kingdom), 8th-10th April.

Gretzel, U. (2022). The Smart DMO: A new step in the digital transformation of destination management organizations. European Journal of Tourism Research 30, 3002
Gretzel, U., Sigala, M., Xiang, Z., & Koo, C. (2015a). Smart tourism: foundations and developments. Electronic Markets, 25(3), 179-188.
Johnson, A. G., & Samakovlis, I. (2019). A bibliometric analysis of knowledge development in smart tourism research. Journal of Hospitality and Tourism Technology, 10(4), 600-623
Koo, C., Shin, S., Kim, K., Kim, C., & Chung, N. (2013). Smart Tourism of the Korea: A Case Study. In Lee, J.-N., Mao, J-Y., & Thong, J. (Eds.), Proceedings of the PACIS Conference
Lalicic, L. & Önder, I. (2018). Residents’ Involvement in Urban Tourism Planning: Opportunities from a Smart City Perspective. Sustainability, 10(6), 1852-1867
Lê Quang Đăng, 2019, Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam, Tạp chí du lịch.
Mehraliyev, F., Chan, I. C. C., Choi, Y., Köseoglu, M. A., & Law, R. (2020). A state-of-the-art review of smart tourism research. Journal of Travel & Tourism Marketing, 37(1), 78-91. Mehraliyev, F., Choi, Y., & Köseoglu, M. A. (2019). Progress on smart tourism research. Journal of Hospitality and Tourism Technology, 10(4), 522-538

Nam, T., & Pardo, T. A. (2011). Conceptualizing smart city with dimensions of technology, people, and institutions. In Proceedings of the 12th annual international digital government research conference on digital government innovation in challenging times – dg.o’11. College Park, MD, USA — June 12 – 15, 2011 (pp. 282-291). New York, NY: ACM

Phocuswire (2019). How smart tourism developments in Thailand can help attract visitors. Accessed online (September 15, 2020) at: https://www.phocuswire.com/amadeus-thailand-tourism
Phan Thị Ngàn (2020), Xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa ẩm thực trong du lịch tại tỉnh Bến Tre, đề tài nghiên cứu Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Tỉnh ủy Bến Tre (2021). Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2023

Wang, D., Li, X. R., & Li, Y. (2013). China’s “smart tourism destination” initiative: A taste of the servicedominant logic. Journal of Destination Marketing & Management, 2(2), 59-61.
Ye, B. H., Ye, H., & Law, R. (2020). Systematic Review of Smart Tourism Research. Sustainability, 12(8), 3401.
Yigitcanlar, T., Kamruzzaman, M., Buys, L., Ioppolo, G., Sabatini-Marques, J., da Costa, E. M., & Yun, J. J. (2018). Understanding ‘smart cities’: Intertwining development drivers with desired outcomes in a multidimensional framework. Cities, 81, 145-160.

Tìm kiếm thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên VNEconomics

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết mới nhất từ VNEconomics Academy

VNEconomics là một dự án với mục đích chia sẻ những tri thức hữu ích về Kinh tế – Nghiên cứu khoa học và Công nghệ, đặc biệt là những kiến thức về Blockchaintiền mã hóa (một lĩnh vực rất mới mẻ) tới đối tượng là các bạn sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và những cá nhân khác quan tâm tới những lĩnh vực này.

👉Tham gia cộng đồng của VNEconomics tại:
Website: https://vneconomics.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vneconomics/
Telegram: https://t.me/BlockchainDEco
Linked In: https://www.linkedin.com/company/vneconomics/
Twitter: https://twitter.com/ThanhTung78

- Quảng cáo -

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết và khóa học miễn phí​

Danh mục đầu tư của VNEs

Danh mục sản phẩm

Những nội dung hữu ích ngành Blockchain & Tiền mã hóa
Recent Posts