Tóm tắt cẩm nang: CHUYỂN ĐỔI SỐ – CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI
Định hướng của chính phủ về chuyển đổi số
Chuyển đổi số là cơ hội vô giá của Việt Nam để bứt tốc, là cơ hội cuối cùng của chúng ta trong vòng một vài thập kỷ tới. Chúng ta đứng yên hay đi chậm khi người khác nhanh chân là chúng ta đã tụt hậu. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, Việt Nam sẽ bị tụt lại sau các quốc gia khác xa hơn nữa do công nghệ hiện nay thay đổi rất nhanh, công nghệ mới sẽ xóa sổ công nghệ cũ trong thời gian rất ngắn. Thống kê từ năm 2000 đến nay, 52% trong số các doanh nghiệp Fortune đã bị mua lại, sáp nhập hoặc phá sản. Người ta ước tính rằng 40% các doanh nghiệp tồn tại ngày hôm nay sẽ đóng cửa trong 10 năm tới, nguyên chính là do chậm hoặc thất bại trong việc chuyển đổi số.
Định hướng của Chính phủ sắp tới đối với chuyển đổi số lấy người dân là trung tâm
Với giá điện thoại di động thông minh hiện nay giảm rất nhiều theo thời gian, thậm chí chỉ với dưới 1 triệu đồng là người dân đã có thể sắm cho mình một chiếc Smartphone với tính năng đầy đủ nhất. Vì thế Smartphone là sẽ phương tiện chính và người sử dụng Smartphone là trọng tâm trong thế giới số. Định hướng sắp tới là Chính phủ sẽ kết hợp với các nhà mạng, đơn vị phát triển ứng dụng và nhà sản xuất để giảm chi phí hơn nữa (chỉ khoảng 500,000 VND một chiếc) với mục đích phổ cập Smartphone. Mỗi người dân một điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình đều được trang bị Internet.
Bên cạnh đó, Y tế, Giáo dục, Tài chính – Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp là những lĩnh vực phải gấp rút chuyển đổi số vì nó có tác động xã hội lớn nhất, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí nhiều nhất cho cả xã hội.
Muốn làm được vậy thì cần phải xây dựng công dân số và văn hóa số
Một công dân số là người hội tụ 09 yếu tố cấu thành sau:
(1) khả năng truy cập các nguồn thông tin số,
(2) khả năng giao tiếp trong môi trường số,
(3) kỹ năng số cơ bản,
(4) mua bán hàng hóa trên mạng,
(5) chuẩn mực đạo đức trong môi trường số,
(6) bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số,
(7) quyền và trách nhiệm trong môi trường số,
(8) định danh và xác thực,
(9) dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số.
Khi đại đa số người dân sử dụng Smartphone, và truy cập Internet thì sẽ hình thành nên văn hóa số. Bên cạnh những giá trị vượt trội mà chuyển đổi số mang lại thì cũng tồn tại nhiều bất cập đến từ môi trường số như những chiêu trò lừa đảo online, những chiến dịch ăn hiếp, bắt nạt trên mạng xã hội, hay những trang của các nhóm hận thù và của khủng bố hoạt động mà không bị kiểm soát từ Chính phủ. Vì thế Chính phủ cần phải xây dựng được các quy định pháp lý, quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số.
Ngoài ra thì để tạo lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế trong cuộc đua số hóa thì chúng ta cần tạo nhiều sản phẩm số Make in Việt Nam
Make in Việt Nam là thiết kế tại Việt Nam, làm ra sản phẩm tại Việt Nam. Vì thế chúng ta phải tích cực kêu gọi chuyển đổi từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm bởi vì nếu không làm sản phẩm thì Việt Nam chúng ta không thể chiếm lấy phần cao nhất trong chuỗi giá trị để vươn lên tầm cao mới so với thế giới. Để thúc đẩy Make in Việt Nam, chúng ta phải động viên và đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để họ tham gia giải quyết những vẫn đề nhức nhối của xã hội hiện nay thông qua các sản phẩm công nghệ.
Điều quan trong tiếp theo là cần phải nghiêm túc đầu tư cho chuyển đổi số từ phía Chính phủ và các danh nghiệp
Để chuyển đổi số cần phải có đầu tư, phải có nguồn nhân lực, tài lực và vật lực cho công việc này. Đối với các cơ quan nhà nước cấp bộ, cấp tỉnh, tỷ lệ chi cho chuyển đổi số nên ở mức 1% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Mức trung bình của thế giới vào khoảng 2-3%. Ở một số nước như Singapore, tỷ lệ này có thể lên đến 4-5%. Mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần dành ít nhất 10% mức chi phí dùng cho chuyển đổi số để có thể tạo ra những giá trị vượt trội và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Lợi ích của chuyển đổi số
Chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam từ Chính phủ, nền kinh tế cho đến cả xã hội. Cụ thể là:
Người dân có được rất nhiều lợi ích khi chính phủ được số hóa
Chính phủ số nhờ dữ liệu số và công nghệ số thấu hiểu người dân hơn, vì vậy, cung cấp dịch vụ công tốt hơn, chăm sóc người dân tốt hơn. Một đứa trẻ khi sinh ra được cấp một mã định danh duy nhất, đến kỳ thì gia đình nhận được thông báo đi tiêm phòng từ chính quyền, đến tuổi đi học thì chính quyền dựa trên số liệu dân cư để quyết định phân bổ trường học hợp lý, tránh nơi bị thừa, nơi lại thiếu, đến tuổi trưởng thành thì tự động nhận được căn cước công dân. Khi dịch bệnh bùng phát thì kịp thời nhận được cảnh báo, chăm sóc y tế,…tất cả đều thông qua điện thoại thông minh, vô cùng thuận tiện.
Kinh tế số đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân
Kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có. Bạn hãy thử tượng tượng một người nông dân khi trồng ra các sản phẩm nông sản, họ tự chụp hình sản phẩm đăng lên các sàn Thương Mại Điện tử, khi có khách có nhu cầu đặt hàng thì có đơn vị vận chuyển đến nhận hàng hóa thông qua ứng dụng giao hàng và khách hàng sẽ thanh toán tiền hàng qua ví điện tử, và tất cả các hoạt động đó chỉ diễn ra hoàn toàn trên chiếc Smartphone và thông qua các “cú chạm tay” thay vì phải ký trực tiếp lên các giấy tờ, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí và nguồn nhân lực.
Xã hội số hóa khiến đời sống người dân tốt hơn
Chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Chúng ta có thể thấy được công nghệ số có vai trò quan trọng như thế nào đặc biệt khi đại dịch Covid đang hoành hành trên khắp thế giới, và con người cần phải dãn cách xã hội, tránh tiếp xúc trực tiếp với nhau. Làm sao các em học sinh có thể duy trì việc học? Làm sao các công ty có thể duy trì hoạt động? Làm sao người tiêu dùng có thể mua sắm để phục vụ đời sống? Nếu không có công nghệ để duy trì các hoạt động trên mà không cần phải tiếp xúc lẫn nhau thì có lẽ loài người chúng ta còn thê thảm hơn nữa so với tình cảnh hiện nay!
Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa chi phí
Năm 2011, Ecolab có giá trị vốn hóa thị trường 12 tỷ USD khi mua lại công ty công nghệ nước Nalco trong một thương vụ trị giá 8 tỷ USD. Hai công ty đã kết hợp với nhau và hiện là một trong những nhà cung cấp phần cứng, phần mềm và hóa chất hàng đầu thế giới giúp các nhà sản xuất và công ty dịch vụ chuyển đổi số để trở thành những người sử dụng nước hiệu quả hơn. Ecolab cho biết lượng nước được khách hàng sử dụng công nghệ của Ecolab tiết kiệm hàng năm ở mức hơn 710 tỷ lít, và mục tiêu đặt ra năm 2030 là tiết kiệm được 1,130 tỷ lít. Và bạn có thể nhận ra được biết bao tiền tiết kiệm được nhờ công nghệ này chứ?! Giá trị thị trường của Ecolab cũng vậy, đã vượt qua con số 55 tỷ đô la (so với 20 tỷ đô la từ khi sáp nhập) và nằm trong số 100 công ty có giá trị nhất của Mỹ.
Chuyển đổi số giúp tạo ra thêm doanh thu
Target là nhà bán lẻ lớn thứ hai ở Hoa Kỳ sau Wallmart. Việc bắt đầu các sáng kiến chuyển đổi số từ năm 2014 đã mang lại cho họ một số kết quả nổi bật. Kể từ đó, dữ liệu và phân tích đã trở thành những ưu tiên chính của công ty. Ứng dụng Target, với hơn 27 triệu người dùng, là một trong những công cụ chính để tận dụng khả năng cá nhân hóa và tăng lòng trung thành của khách hàng. Ứng dụng này cũng là nguồn cung cấp thông tin chi tiết về sở thích, xu hướng hành vi và thói quen mua sắm của người dùng. Các kỹ sư của họ hiện đang phát triển ứng dụng dựa trên giọng nói, AI (trí tuệ nhân tạo) và VR (công nghệ thực tế ảo) để cung cấp tiện ích cao hơn cho khách hàng và tích hợp trải nghiệm mua sắm phong phú hơn. Mục tiêu là xây dựng một chiến lược kỹ thuật số toàn diện cung cấp mức độ cá nhân hóa và tương tác sâu hơn trên mọi bộ phận tiếp xúc với khách trong hệ sinh thái của họ. Và kết quả là, chiến lược kỹ thuật số của Target đang mang lại kết quả doanh thu 5 tỷ đô la cho Target vào năm 2018.
Tương lai của chuyển đổi số là gì?
Cách mạng công nghiệp xảy ra khi có đột phá lớn về công nghệ dẫn đến các thay đổi sâu sắc trong sản xuất và xã hội. Ba cuộc cách mạng đã qua là cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa, là máy móc thay lao động chân tay. Cuộc cách mạng lần thứ tư là thông minh hóa, là máy móc thay lao động trí óc.
Tương lai của chuyển đổi số là áp dụng Trí tuệ nhân tạo
Có thể ví trí tuệ nhân tạo như là hệ thần kinh của con người. Trí tuệ nhân tạo là việc con người tạo ra công cụ để phục vụ cho việc tư duy của con người tốt hơn. Trong cuộc triển lãm công nghệ IFA 2018 diễn ra tại Berlin (Đức), các hãng sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Sony,… đã đầu tư và sáng tạo cho ra các sản phẩm tăng trải nghiệm người dùng với trí tuệ nhân tạo như loạt TV BRAVIA, Family Hub của Samsung; loạt thiết bị gia dụng cao cấp LG Signature của LG; chú chó robot AIBO của Sony và rất nhiều các thiết bị khác từ gia dụng, điện tử cho đến y học của các hãng điện tử trên thế giới đều chú trọng cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, đủ thấy là tương lai của chúng ta sẽ bị tác động rất lớn bởi Trí tuệ nhân tạo.
Tương lai của chuyển đổi số là áp dụng Internet vạn vật
Có thể ví Internet vạn vật như là các giác quan của con người. Internet là mạng lưới kết nối các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh … với nhau để trao đổi, chia sẻ dữ liệu. Internet vạn vật là mạng lưới kết nối vạn vật với nhau để làm việc tương tự. Vật dụng gia đình, như chiếc quạt điện, lò vi sóng, hay cành cây, ngọn cỏ, đều có thể kết nối, nói chuyện với nhau, nhờ vào những cảm biến có kích thước ngày càng nhỏ, chi phí ngày càng thấp, tiêu thụ năng lượng ngày càng ít và có năng lực tính toán ngày càng mạnh. Và Internet vạn vật sẽ khiến con người tiết kiệm rất nhiều thời gian để tập trung vào những hoạt động mang tính nghệ thuật hơn, giúp cho đời sống tâm hồn của con người phong phú hơn và chúng ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn!
Tương lai của chuyển đổi số là áp dụng Dữ liệu lớn
Có thể ví dữ liệu lớn như bộ não của con người. Dữ liệu lớn sinh ra từ hàng tỷ điện thoại thông minh, thiết bị và cảm biến kết nối vạn vật. Bạn nghĩ tại sao Google, Facebook, Youtube, Tiktok,…lại khiến chúng ta mê đắm như vậy, nếu không có dữ liệu lớn thì các công ty đó không thể hiểu được thực sự con người muốn cái gì thì không thể tạo ra những sản phẩm vô cũng tuyệt vời như vậy. Và hiện nay đa số các công ty đã bắt đầu tối ưu hóa nguồn dữ liệu của mình để đưa ra được những quyết định kinh doanh tối ưu nhất, tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng của mình.
Tương lai của chuyển đổi số là áp dụng Điện toán đám mây
Có thể ví điện toán đám mây như là cơ bắp của con người. Điện toán đám mây là công nghệ cho phép năng lực tính toán nằm ở các máy chủ ảo, gọi là đám mây, trên Internet của các nhà cung cấp thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng, trên mặt đất, để mọi người kết nối, sử dụng như là dịch vụ khi họ cần. Bạn có tin rằng trong tương lai chỉ cần một người có một chiếc Laptop có kết nối Internet tốc độ cao là có thể vận hành được một doanh nghiệp mà công cần thuê văn phòng hay mua máy tính để làm việc hay không? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nhờ điện toán đám mây, đặc biệt là trong điện toán đám mây có tích hợp thêm trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn nữa, công việc của bạn chỉ là mở máy tính, suy nghĩa ý tưởng và ra quyết định cho doanh nghiệp số của mình, còn lại thì mọi thứ đã được cài đặt một cách tự động hóa.
Tương lai của chuyển đổi số là áp dụng Chuỗi khối (Blockchain)
Chuỗi khối, như tên gọi, là một chuỗi dữ liệu phân tán trên mạng, gồm các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Vì mã hóa nên bảo mật. Vì phân tán nên không ai có thể kiểm soát toàn bộ. Vì liên kết nên bất cứ sự sửa đổi nào đều để lại dấu vết, chống chối bỏ. Vì tất cả yếu tố như vậy nên bảo đảm sự an toàn, tin cậy và minh bạch. Và chuỗi khối trong tương lai sẽ là một quả bom đối với hệ thống tài chính cồng kềnh và thiếu minh bạch hiện nay, nếu được áp dụng thành công Blockchain thì tương lai “mỗi người dân là một ngân hàng” là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Xem thêm: Tiền mã hóa là gì?
Tương lai của chuyển đổi số cũng phải đối mặt với rất nhiếu khó khăn và thách thức
Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Chúng ta đã quen với môi trường thực nhiều thế kỷ, vì thế thay đổi thói quen là việc khó, nhưng mà chúng ta buộc phải chọn lựa giữa “Thay đổi hay là chết” vì tác động ghê gớm của chuyển đối số như đã nêu ra ở trên. Và ở một tổ chức thì thay đổi thói quen phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của người đứng đầu. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của người lãnh đạo.
Chuyển đổi số bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, nhưng chuyển đổi số không phải chỉ là công nghệ số, mà quan trọng hơn, chuyển đổi số là chấp nhận cái mới, do đó, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và cuối cùng chuyển đổi số là chuyện không của riêng ai.
Bộ Thông tin và Truyền thông hoan nghênh các đóng góp của cộng đồng nhằm hoàn thiện Cẩm nang Chuyển đổi số và giúp tài liệu này phổ biến rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước.
Bạn có thể tham gia đóng góp cho Cẩm nang Chuyển đổi số theo một số hình thức sau:
1. Chia sẻ Cẩm nang Chuyển đổi số trên Mạng xã hội để lan toả giá trị
Hãy giúp Cẩm nang Chuyển đổi số được nhiều người biết tới hơn bằng cách ấn nút “Chia sẻ” phía dưới mỗi bài viết để chia sẻ Cẩm nang Chuyển đổi số lên Mạng xã hội Facebook và Twitter.
2. Tham gia thảo luận mở rộng vấn đề phía dưới mỗi bài viết
Cẩm nang Chuyển đổi số được xây dựng trên tinh thần ngắn gọn vì vậy nhiều vấn đề được giản lược tối đa. Hãy giúp những độc giả khác hiểu rõ vấn đề hơn bằng cách đóng góp các phân tích, diễn giải, ví dụ cụ thể thông qua tính năng bình luận phía dưới mỗi bài viết. Các bình luận sẽ được phê duyệt trước khi xuất hiện để bảo đảm các tiêu chí phục vụ cộng đồng.
3. Gửi bản thảo đã được cải tiến tới đội ngũ biên tập
Nếu bạn phát hiện thấy một bài viết/đoạn văn cần được diễn giải tốt hơn, hoặc có những câu hỏi mới muốn đóng góp vào Cẩm nang Chuyển đổi số, đừng ngần ngại gửi ý kiến của bạn tới Ban biên tập Cẩm nang Chuyển đổi số. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích việc bổ sung các hình ảnh, sơ đồ minh hoạ hoặc các ví dụ cụ thể của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức trong nước liên quan tới chuyển đổi số.
Các bạn có thể tải bản PDF tại đây: https://drive.google.com/file/d/1-Qj06bVkk6IcocFe6Y5pwIQjwbpE-g4E/view?usp=sharing
Keyword: Cẩm nang Chuyển đổi số
VNEconomics – Chúng tôi mong muốn đem tri thức khoa học, công nghệ, kinh tế đến với nhiều người Việt Nam. Đặc biệt là kiến thức về Blockchain & tiền mã hóa
——————————————————————————————-