THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TĂNG MẠNH – CƠ HỘI THÚC ĐẨY LOGISTICS VIỆT NAM PHÁT TRIỂN
Ths. Tăng Thị Bích Hiền
Khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Nguyễn Tất Thành
Email: tbhien@ntt.edu.vn
Tóm tắt:
Thương mại điện tử đang tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Điều này không chỉ giúp cho việc mua sắm của người dân dễ dàng và thuận lợi hơn mà còn giúp cho ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh mạnh mẽ. Để đáp ứng nhu cầu của thương mại điện tử thì logistics cần đẩy mạnh hoạt động hiện đại hóa, hợp tác cả trong và ngoài nước nhằm gia tăng tính cạnh tranh.
Từ khóa: thương mại điện tử, logistics, mua sắm trực tuyến
I. Giới thiệu
Kinh tế Việt Nam từ năm 2015-2019 đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 6,8% (World Bank). Kinh tế phát triển làm cho đời sống của người dân được cải thiện cũng như các nhu cầu về hàng hóa phục vụ đời sống cũng ngày càng đa dạng. Bên cạnh đó, thương mại điện tử phát triển vượt bậc ảnh hưởng lên mọi mặt cuộc sống trong đô thị, đặc biệt đối với thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm. Thương mại điện tử đang “bùng nổ” không chỉ ở Việt Nam mà tại khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Mỹ và cả châu Âu. Số lượng người trẻ tuổi đông đảo và nhạy bén với công nghệ của Việt Nam hứa hẹn sẽ là yếu tố then chốt thúc đẩy thương mại điện tử.
Các tín hiệu gần đây cho thấy những cơ hội tăng trưởng tốt với thương mại điện tử Việt Nam. Trong Nghiên cứu toàn cầu Xu hướng mua hàng cao cấp Nielsen 2018, gần một nửa người tiêu dùng Việt Nam (48%) đang chuyển sang các nhà bán lẻ trực tuyến trong nước để mua các mặt hàng cao cấp giúp cho các nhà cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến. Theo Bộ Công thương, từ năm 2013 đến nay, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Việt Nam hiện nay có trên 59,4 triệu người dùng Internet, chiếm 66% dân số, vượt mức trung bình của thế giới là 60%. Đặc biệt, khoảng 44,8 triệu dân đã từng tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm. Thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 10,08 tỷ USD năm2020, đóng góp 4,9% doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Đồng thời, thương mại điện tử trong nước đang có hơn 46,5 triệu người dùng, tăng 15,1% so với năm 2019.
Trong thương mại điện tử, Logistics liên quan quy trình hoàn tất đơn hàng gồm các khâu đóng gói, vận chuyển, thu tiền và chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Do đó, công đoạn giao hàng từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng cuối cùng vẫn phải gắn chặt với dịch vụ logistics cho dù các khâu tìm kiếm sản phẩm, giao kết hợp đồng, thanh toán… có thể thực hiện trên môi trường trực tuyến. Logistics không những làm cho quá trình lưu thông, phân phối được thông suốt, chuẩn xác và an toàn mà còn giảm được chi phí vận tải giúp hàng hoá được đưa đến thị trường một cách nhanh chóng và kịp thời làm cho người tiêu dùng mua được sản phẩm một cách thuận tiện, linh hoạt, thỏa mãn nhu cầu của mình. Do vậy, logistics và thương mại điện tử sẽ hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của doanh nghiệp với mục tiêu cơ bản là giao đúng sản phẩm với đúng số lượng tại đúng địa điểm và thời gian tới đúng khách hàng, giúp đạt được mục đích cuối cùng là lợi thế cạnh tranh.
Trong những năm gần đây dịch vụ logistics đã được cải thiện rất nhiều để có thay đổi thứ bậc từ vị trí 53 năm 2007 đã vươn lên 39 vào năm 2018 (hình 1) chứng tỏ các doanh nghiệp trong ngành đã đáp ứng được nhu cầu và phát triển theo kịp xu hướng của thế giới.

Nguồn: Báo cáo Logistics Việt Nam 2019
Sự xuất hiện của nhiều công ty thương mại điện tử tiêu biểu như Sendo, Tiki, Lazada, Shopee… là một dấu hiệu cho thấy thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất trên thế giới. Điều này cũng tạo áp lực ngày lớn lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng, nhà kho.
Theo số liệu của Google và Temasek, doanh thu từ thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2018 đạt khoảng 2,8 tỉ đô la Mỹ, với mức tăng trưởng hơn 30% mỗi năm. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), quy mô thị trường logistics Việt Nam cũng không ngừng tăng cùng với tăng trưởng nhanh của kim ngạch xuất nhập khẩu trong nhiều năm qua, đạt khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Trong đó, thương mại điện tử đang và sẽ là nhân tố chính dẫn dắt sự phát triển của logistics (1).
Tại Việt Nam, logistics phục vụ cho thương mại điện tử đang nằm trong tay ba nhóm chính. Nhóm đầu gồm các công ty chuyên thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo. Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp lớn trong nước như VN Post, Viettel Post cũng như các doanh nghiệp logistics nước ngoài như DHL, FedEx, TNT. Nhóm thứ ba là các tên tuổi mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây như Scommerce, Ninja Van, Giaohangtietkiem. Thị trường giao hàng kiện ở Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu, với bình quân đầu người từ 1 – 2 gói hàng mỗi năm (theo đánh giá của McKinsey), thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 5 – 10 gói hàng/năm, ngưỡng được gọi là thị trường phát triển (3). Cơ hội phát triển lớn cùng sức nóng của thị trường thương mại điện tử khiến cho một số công ty khởi nghiệp nước ngoài gần đây cũng mở rộng hoạt động tại Việt Nam, bên cạnh các tên tuổi xuất hiện từ khi Việt Nam mới mở cửa như FedEx, UPS, DHL.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về “Tăng cường ngành vận tải hàng hóa đường bộ Việt Nam”, công bố tuần cuối tháng 3-2019 tại Hà Nội cho biết, dù dịch vụ logistic ở Việt Nam có những cải thiện đáng kể trong những năm gần đây nhưng chi phí vẫn chiếm xấp xỉ 21% tổng GDP (11). Một con số khá cao so với thế giới, do chi phí vận tải chiếm khoảng 60% tổng chi phí logistics ở Việt Nam. Điều này cũng là một trở ngại làm giảm tính cạnh tranh của ngành logistics.
Bài viết này sẽ phân tích những nguyên nhân khiến năng lực của các doanh nghiệp logistics không đồng đều, thiếu tính chuyên nghiệp dẫn đến hoạt động logistics còn phân tán và thiếu kết nối, chi phí dịch vụ còn chưa cạnh tranh tốt.
II. Thực trạng
Tính đến tháng 8/2019, Vận tải hàng hóa Việt Nam đạt 1.102,7 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bảng 1: Vận tải hàng hóa 8 tháng năm 2019
Ngành vận tải | Khối lượng (tấn) | Tỷ lệ |
Đường bộ | 847.100.000 | 76,8% |
Đường thủy nội địa | 198.400.000 | 18,0% |
Đường biển | 53.600.000 | 4,9% |
Đường sắt | 3.300.000 | 0,3% |
Đường hàng không | 285.700 | 0,03% |
Tổng cộng | 1.102.685.700 | 100,0% |
Nguồn: Báo cáo Logistics Việt Nam 2019
Bảng 1 cho thấy, vận tải hàng hóa lệch hẳn sang vận tải đường bộ với hơn 76% trong khi chi phí vận tải đường bộ không rẻ. Vận tải đường biển và thủy nội địa, hai phương thức phù hợp với lợi thế địa lý Việt Nam cách biệt rất lớn so với phương thức đầu tiên. Vận tải hàng không chiếm phần rất nhỏ. Tiếp theo bài viết sẽ đánh giá các yếu tố dẫn đến chi phí logistics cao như hiện nay.
Quy mô doanh nghiệp
Bảng 2: Số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics theo quy mô lao động
Quy mô (người) | Vận tải đường sắt, đường bộ, đường ống | Vận tải đường thủy | Vận tải hàng không | Kho bãi, hoạt động hỗ trợ cho vận tải | Bưu chính & chuyển phát | Tổng cộng |
< 5 | 7.400 | 463 | 1 | 5.923 | 397 | 14.184 |
5 – 9 | 6.451 | 423 | – | 2.509 | 214 | 9.597 |
10 – 49 | 5.886 | 675 | – | 2.109 | 141 | 8.811 |
50 -199 | 647 | 140 | – | 447 | 17 | 1.251 |
200 – 299 | 65 | 12 | 1 | 54 | 4 | 136 |
300 – 499 | 58 | 14 | – | 50 | 6 | 128 |
500-999 | 37 | 4 | 1 | 27 | 7 | 76 |
1000-4999 | 10 | 3 | 2 | 12 | 3 | 30 |
> 5000 | 3 | – | 1 | 3 | 2 | 9 |
Nguồn: Niên giám thống kê 2018
Dịch vụ logistics Việt Nam bắt đầu phát triển từ những năm 1990 trên cơ sởcủa dịch vụ giao nhận vận tải, kho vận. Các doanh nghiệp logistics nội địa Việt Nam chủ yếu cung cấp dịch vụ giao nhận vận tải, kho bãi, bốc dỡ, đại lý vận tải, đại lý giao nhận, dịch vụ logistic tập trung phần lớn tại tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Bảng 2 cho thấy trong số 34.222 doanh nghiệp đang hoạt động có 41,4% số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ với số lao động dưới 5 người; 53,7% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ dưới 50 lao động; 4,1% số doanh nghiệp có quy mô vừa, dưới 300 lao động. Số doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm 0,7%. Nhìn tổng thể các công ty logistics Việt Nam thì các doanh nghiệp nội địa của ngành chiếm đến 88% doanh nghiệp vận tải, logistics nhưng chỉ chiếm chiếm thị phần nhỏ trên thị trường trong khi doanh nghiệp liên doanh và nước ngoài chỉ chiếm 12% trong tổng số các công ty Vận tải và Logistics nhưng thị phần chiếm tới 70 -80%.
Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải đa phương thức
- Hạ tầng giao thông đường biển
Thống kê năm 2019 của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, cả nước có 281 bến cảng với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm (Báo cáo Logistics Việt Nam 2019). Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng như hệ thống cảng biển, kho bãi, kết nối… còn hạn chế. Tuy bờ biển trải dài nhưng hơn 92% lưu lượng container phía Nam tập trung ở cảng Cát Lái dẫn đến tình trạng quá tải, kẹt cảng… gây ra sự lãng phí rất lớn và phụ phí cao. Trong các cảng biển chỉ duy nhất Hải Phòng có kết nối đường sắt và không có kết nối cao tốc nên sẽ khó khăn cho vận tải đa phương thức.
- Hạ tầng giao thông đường bộ
Tổng chiều dài đường bộ của Việt Nam khoảng 180.000 km. Tại các vị trí cửa ngõ kết nối giao thương quốc tế đã và đang tích cực xây dựng mới, nâng cấp. Đáng chú ý gồm có Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn tại phía Bắc, Cao tốc Cam Lộ – La Sơn ở miền Trung, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ ở phía Nam. Các tuyến cáo tốc này sẽ góp phần nối liền mạng lưới giao thông của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.
- Hạ tầng giao thông đường sắt
Tính đến năm 2019, mạng lưới đường sắt từ Bắc tới Nam có tổng chiều dài 3.143 km, trong đó khổ đường 1.000 mm chiếm chủ yếu với 85%. Chất lượng kỹ thuật kết cấu hạ tầng đường sắt hầu hết là lạc hậu chắp vá, các tuyến đường sắt được xây dựng từ 50 đến trên 100 năm và hầu hết chưa được nâng cấp kỹ thuật.
- Hạ tầng giao thông thủy nội địa
Nhiều năm qua, ngành vận tải đường thủy nội địa Việt Nam phát triển rất chậm, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đầu tư. Phương tiện khai thác vận tải thủy phần lớn đã cũ và lạc hậu. Do phía Bắc không có cảng hàng container nội địa để xếp dỡ hàng hóa container tại các cảng sông nên hàng container chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ đến các khu công nghiệp và khu chế xuất. Chỉ có khoảng 15% lượng hàng hóa tại cảng Hải Phòng và khoảng 35% luồng hàng vận tải bằng container ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long được vận chuyển bằng đường thủy.
- Hạ tầng giao thông đường hàng không
Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm có thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhiều sân bay của Việt Nam đang trong tình trạng quá tải và hoạt động hết công suất dẫn đến cản trở phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, trong đó chú ý là ba sân bay quốc tế tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam. Số liệu 2018 cho thấy, sân bay Tân Sơn Nhất với công suất 28 triệu khách đang phải đón đến 38,31 triệu khách; Nội Bài công suất thiết kế 21 triệu khách đã đón 25,85 triệu khách.
Thiếu mạng lưới đối tác tại nước ngoài
Mạng lưới đối tác tại nước ngoài vẫn là một nhược điểm của các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Vì thiếu mạng lưới các đối tác tại nước ngoài mà các công ty logistics không thể thực hiện được các dịch vụ trọn gói từ khi hàng xuất đi đến khi hoàn tất các dịch vụ tại nước nhận hàng và chiều ngược lại. Ví dụ nhận hàng xuất đi tại kho hàng của nhà sản xuất, phân loại, đóng gói, tiến hành các thủ tục khai hải quan và chuyên chở đến cảng đi. Khi hàng đến điểm đến của nước nhập hàng, các thủ tực tương tự sẽ được thực hiện để giao hàng đến tay người nhận theo các yêu cầu của hợp đồng. Nhưng các công ty logistics Việt Nam với nguồn lực hạn chế, thiếu sự hợp tác của đối tác đầu nước ngoài không thể thực hiện được các yêu cầu từ phía nhà xuất khẩu. Việc này cũng lặp lại với hàng nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Khi xu hướng tích hợp vận tải và thực hiện trọn gói các dịch vụ về logistics, các nhà sản xuất sẽ ưu tiên chọn các công ty có khả năng thực hiện trọn gói dịch vụ logistics thì các công ty logistics Việt Nam sẽ càng khó cạnh tranh. Điều này phần nào lý giải cho thực trạng thị trường logistics của Việt Nam tương đương 21% GDP, nhưng khoảng 80% thị phần này rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics rất lớn, đặc biệt là vận tải quốc tế nhưng lại là thách thức với các doanh nghiệp nội địa Việt Nam khi cung cấp dịch vụ trọn gói yêu cầu sự phối hợp cả trong lẫn ngoài nước.
III. Một số ý kiến đề xuất và kết luận
Thương mại điện tử thúc đẩy logisics phát triển còn logistics đóng vai trò hỗ trợ cho thương mại điện tử hoạt động thông suốt và chuẩn xác và an toàn. Dựa trên các phân tích phía trên, một số đề xuất đối với các doanh nghiệp logistics như sau:
- Đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics thông qua tăng cường vận tải đường thủy nội địa và đường biển nhằm thực hiện vận tải đa phương thức thay vì lệch hẳn về đường bộ hiện Đồng bộ hạ tầng giao thông vận tải cũng như hạ tầng về công nghệ thông tin sẽ giúp cho dịch vụ vận tải đa phương thức thuận lợi và giảm chi phí logistics. Đẩy mạnh hơn nữa vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh với các nước chung biên giới và gần Việt Nam như Lào, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc.
- Đẩy mạnh hợp tác trong nước cũng như quốc tế trong lĩnh vực logistics để phát huy được các nguồn lực đồng thời tạo ra mạng lưới đối tác rộng khắp trên thế giới. Mạng lưới đối tác nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa Việt Nam thực hiện được các dịch vụ trọn gói theo yêu cầu của các nhà xuất –nhập khẩu. Để thực hiện được điều này, các công ty sẽ tiếp tục mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh. Thông qua hợp tác quốc tế sẽ hình thành các trung tâm logistics ở nước ngoài làm đầu cầu, tập kết và phân phối hàng hóa Việt Nam đến các thị trường quốc tế.
- Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hình thành đội ngũ cán bộ quản lý và lao động logistics có trình độ cao; nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại các doanh nghiệp để nâng cao. Điều này giúp doanh nghiệp logistics đủ năng lực đảm nhận được các dịch trọn gói thay vì các dịch vụ nhỏ như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn giúp cải thiện chất lương dịch vụ cũng như tăng lợi nhuận của công
Logistics Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội phát triển mà trong đó sự bùng nổ của thương mại điện tử đóng vai trò đòn bẩy. Cả hai đóng đang và sẽ hỗ trợ cùng nhau lớn mạnh. Để làm được điều này thì logistics cần thúc đẩy sự đồng bộ trong giao thông, công nghệ thông tin cũng như tăng cường hợp tác và tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ánh Tuyết, Logistics chưa theo kịp thương mại điện tử, truy cập từ https://vneconomy.vn/logistics-chua-theo-kip-thuong-mai-dien-tu- htm
- Báo cáo logistics Việt Nam 2019, truy cập từ https://vli.edu.vn/bao-cao- logistics-viet-nam-2019/
- Cường Nghiêm, Cơ hội cho người mới, truy cập từ https://forbesvietnam.com.vn/kinh-doanh/logistics-thuong-mai-dien-tu-co-hoi- cho-nguoi-moi-7097.html
- Doanh nghiệp Việt nên chú trọng thương mại điện tử để đón đầu xu hướng mua sắm trực tuyến, truy cập từ https://www.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/dn-viet-nen-chu-trong-tm%C4%91t-%C4%91e-%C4%91on-%C4%91au-xu-huong-mua-sam-truc-tuyen-6415-1001.html
- Hồng, Logistics Việt: 4 xu hướng, 5 thách thức và những lưu ý, truy cập từ http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/logistics-viet-4-xu-huong-5- thach-thuc-va-nhung-luu-y-317027.html
- Minh Hoàng, Thương mại điện tử – đòn bẩy tăng trưởng cho ngành logistics, truy cập từ https://thitruongtaichinhtiente.vn/thuong-mai-dien-tu-don-bay-tang- truong-cho-nganh-logistics-32414.html
- Như Chính, Giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống 15% GDP, truy cập từ https://baodautu.vn/giam-chi-phi-logistics-cua-viet-nam-xuong-15-gdp- d101845.html
- Phạm Trung Hải, Phát triển ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam, truy cập từ http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-nganh-dich-vu-logistics- tai- viet-nam-306129.html
- L, Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng kỷ lục, truy cập từ http://vlr.vn/logistics/mua-sam-truc-tuyen-tai-viet-nam-tang-ky-luc-6736.vlr
- Thị Hồng, Số hóa để giảm chi phí logistics, truy cập từ https://baodautu.vn/so- hoa-de-giam-chi-phi-logistics-d79732.html
- Vận tải đa phương thức: lối thoát giảm chi phí logistics ở Việt Nam, truy cập từ https://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/59930/van-tai-da-phuong-thuc–loi-thoat-giam-chi- phi-logistics-o-viet-nam.aspx
- Xu hướng mua hàng cao cấp trực tuyến tăng mạnh, truy cập từ https://www.nielsen.com/vn/vi/insights/article/2019/xu-huong-mua-hang-cao– cap-truc-tuyen-tang-manh/