THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN HẬU COVID
Ths. Nguyễn Thị Bích Liên
Khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Nguyễn Tất Thành Email: ntblien@ntt.edu.vn
Tóm Tắt
Đầu năm 2020, thế giới đã phải đối mặt với cú sốc chưa từng có mang tên Covid-19. Đại dịch trên phạm vi toàn cầu này đã gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã mở ra những cơ hội mới trong kinh doanh đối với một số ngành nghề chẳng hạn như thương mại điện tử xuyên biên giới.
Từ khóa: Thương mại điện tử, Thương mại điện tử xuyên biên giới, Covid 19
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thương mại điện tử xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử (TMĐT) trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Mặc dù, mới xuất hiện từ những năm 2000 nhưng Thương mại điện tử xuyên biên giới đã phát triển nhanh chóng tại các nước Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ và lan rộng sang châu Á – Thái Bình Dương và các nước trên thế giới. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển Thương mại điện tử xuyên biên giới nhanh nhất trong khu vực [8]. Tỷ trọng trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu 27,4%/năm trong giai đoạn 2014-2020 [7]. Dự kiến, quy mô thị trường này sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ ba ở Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan [3]. Việc các doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp xu hướng, từng bước kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu là rất đáng ghi nhận. Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện có khoảng 11% doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sàn thương mại điện tử, 35% doanh nghiệp thiết lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến [2]. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá nhỏ so với hơn
700.000 doanh nghiệp đang hoạt động [2]. Vì vậy để hàng hóa Việt Nam kết nối hiệu quả với thị trường toàn cầu bài viết này sẽ tập trung phân tích những cơ hội và thách thức trong phát triển Thương mại điện tử xuyên biên giới cũng như những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt trong giai đoạn hậu Covid 19 để gợi mở những chính sách then chốt liên quan đến công tác hải quan, thuế, logistic và đào tạo nguồn nhân lực.
2. THÁCH THỨC TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN HẬU COVID 19
a. Cơ sở lí luận về Thương mại điện tử xuyên biên giới
Thương mại điện tử xuyên biên giới là một hình thức thương mại mới và có nhiều điểm khác biệt với thương mại điện tử truyền thống. Thương mại điện tử xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử (TMĐT) trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Hiểu cách đơn giản, Thương mại điện tử xuyên biên giới là vượt khỏi phạm vi một quốc gia, mang tính liên kết toàn cầu. Theo đó, người tiêu dùng có thể đặt hàng từ khắp mọi nơi trên thế giới và thực hiện hoàn toàn trên nền tảng Internet, từ hoạt động tìm hiểu thông tin sản phẩm, đặt hàng, thanh toán). [5]
Như vậy, đối tượng của Thương mại điện tử xuyên biên giới là hàng hóa hữu hình được mua bán dưới hình thức xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới quốc gia. Trên thực tế, với cú sốc Covid-19 đã đem đến cho Thương mại điện tử xuyên biên giới những cơ hội mới từ phía cầu (thay đổi thói quen hành vi mua của người tiêu dùng hướng đến thị trường TMĐT, gắn với các mô hình giao dịch TMĐT đối với hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu, gồm: Mô hình kinh doanh B2C (Doanh nghiệp bán hàng cho người tiêu dùng thông qua các sàn giao dịch TMĐT lớn như Amazon, Alibaba, EBay hoặc thông qua các Website mua bán trực tuyến của doanh nghiệp xây dựng); Mô hình kinh doanh B2B (Doanh nghiệp bán hàng hóa cho một hay nhiều doanh nghiệp khác hoặc nhiều doanh nghiệp cung cấp hàng cho một doanh nghiệp hoặc nhiều doanh nghiệp mua, nhiều doanh nghiệp bán thông qua các sàn giao dịch TMĐT, các trung tâm giao dịch TMĐT); Mô hình kinh doanh B2G (Doanh nghiệp bán hàng cho Chính phủ hoặc chính phủ mua hàng của các doanh nghiệp nước ngoài thông qua các sàn giao dịch TMĐT, các trang Website, các Trung tâm giao dịch TMĐT ) và mô hình kinh doanh C2C (Hai bên người mua và người bán là các cá nhân ở hai quốc gia sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google Plus, Linkedin, MySpace… và họ sử dụng gửi hàng theo dạng bưu phẩm hoặc hàng quà biếu, quà tặng…).
b. Lợi ích của Thương mại điện tử xuyên biên giới
Lợi ích vượt trội củaThương mại điện tử xuyên biên giới đã được kiểm chứng trong giai đoạn ban đầu tại các thị trường EU, Bắc Mỹ nơi có đầy đủ các điều kiện đảm bảo cho việc mở rộng từ TMĐT nội địa sang Thương mại điện tử xuyên biên giới như: (1) Bảo mật trong thanh toán, (2) Thủ tục thông quan hải quan nhanh chóng, (3) Dịch vụ logistics chất lượng, bên mua, bên bán uy tín.
Sau đó, sự kiểm chứng gắn với sự phát triển mạnh Thương mại điện tử xuyên biên giới tại châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông thông qua sự phát triển thị trường quốc tế của Alibaba, Amazon có kết nối với các sàn giao dịch TMĐT của các quốc gia. Lợi ích vượt trội của Thương mại điện tử xuyên biên giới so với thương mại quốc tế truyền thống như: (1) Phá vỡ không gian và thời gian mua và bán hàng (và mua hàng bất cứ nơi nào có internet), (2) Giảm chi phí thời gian và tài chính, thanh toán thuận tiện, (3) Mở rộng cung và cầu thị trường, (4) Giao hàng nhanh, đúng người, đúng địa điểm và (5) Có khả năng hoàn trả hàng và đổi hàng nhanh chóng nếu không đảm bảo chất lượng như cam kết.
Đại dịch Covid-19 đem đến cơ hội mới từ phía cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống
sang mua hàng qua TMĐT. Các chuyên gia đánh giá, đây là một tác động tích cực và tác động vàng đến TMĐT nói chung và Thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng. Bởi vì, nếu để tiến triển theo thị trường thì sẽ phải mất rất lâu mới làm thay đổi suy nghĩ, hành vi và thói quen tham gia vào TMĐT của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ [1]. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát với chính sách giãn cách xã hội diễn gia trên phạm vi ở hầu hết các quốc gia và trong thời gian dài đã buộc các bên cung và cầu tiếp cận nhanh chóng đến TMĐT và phát hiện, khai thác các lợi ích ưu việt của nó.
c. Khó khăn trong việc phát triển Thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid 19
- Tác động tiêu cực của Covid-19 đã làm đứt gẫy chuỗi cung ứng xuyên biên giới (đặc biệt vận tải đường hàng không là phương thức vận chuyển chính đã bị tê liệt và các phương thức vận tải khác như đường bộ, đường sắt và đường biển cũng bị sụt giảm mạnh), sự suy giảm năng lực cung cấp dịch vụ của các công ty logistics (nguồn nhân lực, thái độ, tính chuyên nghiệp, tâm lý, tài chính) tham gia hỗ trợ và cung cấp dịch vụ giao hàng trong Thương mại điện tử xuyên biên giới.
- Sự suy giảm của các đại lý làm thủ tục hải quan có cung cấp dịch vụ mua bán ủy thác liên quan Thương mại điện tử xuyên biên giới, do tác động của Covid-19. Nguyên nhân chính là sự đứt gẫy của các chuỗi cung ứng liên quan làm cho sự tạm ngừng hoạt động của các đại lý làm thủ tục hải quan cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh doanh của các đại lý.
- Sự triển khai các chương trình kết nối giữa các sàn giao dịch điện tử trong nước, các DN cung ứng hàng xuất nhập khẩu trong nước với các sàn giao dịch TMĐT lớn trên thế giới như: Alibaba, Amazon bị chậm lại so với kế hoạch đặt ra như công tác đào tạo, phổ biến kiến thức, kỹ năng, cơ sở hạ tầng, phần mềm kết nối cho cộng đồng DN tham gia vào khai thác các sàn TMĐT.
- Đối với mô hình kinh doanh B2B, mặc dù sự nhận thức về lợi ích giao dịch qua sàn TMĐT của doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng thực trạng việc ứng dụng hệ thống phần mềm liên quan đến mua hàng điện tử tại các tập đoàn, công ty vận tải còn nhiều hạn chế, chủ yếu vẫn áp dụng hoạt động mua hàng theo hình thức thương mại truyền thống.
- Chính sách hỗ trợ của chính phủ về thuế, bảo hiểm xã hội và chính sách khuyến khích chuyển đổi số tại các doanh nghiệp tham gia Thương mại điện tử xuyên biên giới thời hậu COVID-19 còn triển khai chậm.
3. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN HẬU COVID 19
Dựa trên đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới của Tổng cục Hải quan đã nêu năm 2019 và Quyết định số 431/2020/QĐ-TTg về phê duyệt đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Quyết định số 645/2020/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ 2020, tác giả đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển Thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam giai đoạn hậu Covid 19 như sau:
Nhóm chính sách hỗ trợ thông quan hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong Thương mại điện tử xuyên biên giới
- Xây dựng quy trình thủ tục hải quan, cách xác định trị giá hải quan, xác định mã hàng hóa đối với hàng hóa mua bán qua Thương mại điện tử xuyên biên giới .
- Xây dựng quy chế về vận hành Hệ thống dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua phương thức TMĐT và quy định trách nhiệm, nghĩa vụ các bên phải cung cấp thông tin trước về hàng hóa cho cơ quan hải quan
- Triển khai có hiệu quả phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra trong thông quan trên cơ sở khai thác hiệu quả Hệ thống dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua phương thức TMĐT.
- Áp dụng hiệu quả biện pháp quản lý tuân thủ đối với các công ty tham gia xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua các sàn TMĐT, đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện dịch vụ ủy thác trong làm thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua các sàn TMĐT.
- Tăng cường ký kết hợp tác giữa cơ quan hải quan và các sàn giao dịch TMĐT quốc tế lớn như Alibaba, Amazon liên quan đến quản lý các nội dung như: Thống nhất danh mục HS của hàng hóa, trị giá hải quan, xuất xứ, chính sách kiểm tra chất lượng, cung cấp thông tin liên
- Đẩy nhanh thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN liên quan đến hàng hóa mua bán qua Thương mại điện tử xuyên biên giới như: Cấp giấy phép xuất nhập khẩu, khai báo điện tử, thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng trong Thương mại điện tử xuyên biên giới .
Phát triển doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng trong thực hiện các giao dịch Thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm đảm bảo giao hàng đúng thời gian, đúng khách hàng, đúng địa điểm, giá cả cạnh tranh; ứng dụng công nghệ Just in time, công nghệ truy xuất hàng. Chính phủ nên khuyến khích các doanh nghiệp triển khai nhanh chương trình chuyển đổi số, áp dụng logistics điện tử trong các khâu như: vận tải, trong quản lý kho hàng; trong phát triển dịch vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa, trong xử lý logistics ngược đối với hàng bị trả lại.
Nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa thông qua Thương mại điện tử xuyên biên giới .
Thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua Thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những hướng đi có hiệu quả trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Công Thương cần nhân rộng mô hình hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp TMĐT lớn trên thế giới như Alibaba, Amazon, Ebay thông qua các chương trình: Xuất khẩu thông qua TMĐT, Phát triển thương hiệu Việt Nam trên sàn TMĐT, Đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam về TMĐT, Gian hàng chung, khai thác hiệu quả website của sàn TMĐT.
Nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia mua hàng thông qua Thương mại điện tử xuyên biên giới
Nhóm chính sách phát triển mua hàng hóa trong các mô hình kinh doanh B2B và B2C: Chính phủ nên có đưa ra đề án quy định mua sắm công điện tử thông qua sàn TMĐT nhằm minh bạch hóa quy trình mua sắm công và tiết kiệm được thời gian, tài chính trong mua sắm công. Bên cạnh đó, triển khai tập huấn các nghiệp vụ về mua sắm công điện tử đối với đối tác nước ngoài trong thí điểm một số lĩnh vực. Các doanh nghiệp cần triển khai chuyển đổi số trong hoạt động đầu vào, khuyến khích mở rộng giao dịch mua hàng với nhà cung ứng ở nước ngoài thông qua nghiệp vụ mua sắm điện tử trên các sàn TMĐT.
Nhóm chính sách phát triển mua hàng theo loại hình B2C: Thực tế giao dịch TMĐT theo mô hình B2C diễn ra phổ biến và chiếm doanh thu lớn nhất. Tuy nhiên, kiến thức của người tiêu dùng khi tham gia các sàn Thương mại điện tử xuyên biên giới và trên Website bán hàng nước ngoài còn nhiều hạn chế, do vậy gặp nhiều rủi ro. Chính vì vậy, cần tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho người tiêu dùng nắm vững, đầy đủ kiến thức trước khi tham gia mua hàng để tránh được những rủi ro; khuyến khích phát triển dịch vụ mua ủy thác thông qua các công ty TMĐT uy tín trong nước như: Tiki, Lazada, Sendo, Shopee…
Nhóm chính sách về đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT và Thương mại điện tử xuyên biên giới .
Đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT và Thương mại điện tử xuyên biên giới vừa là giải pháp cấp bách, vừa là lâu dài. Theo đó, cần phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, Đơn vị giáo dục, các Hiệp hội các doanh nghiệp TMĐT lớn đang hoạt động ở Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo tập huấn ngắn và đào tạo dài hạn về TMĐT và Thương mại điện tử xuyên biên giới .
4. KẾT LUẬN
Bài viết khái quát, phân tích và đề xuất liên quan về Thương mại điện tử xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam hiện nay. Dù loại hình này đã có những bước tiến vượt bậc nhưng vẫn tồn tại không ít những thách thức, rào cản, dẫn đến Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi Nhà nước và doanh nghiệp cần đưa ra các biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong Thương mại điện tử xuyên biên giới cũng như hỗ trợ các nhóm đối tượng chính tham gia quá trình vận hành Thương mại điện tử xuyên biên giới : (1) Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chuỗi cung ứng trong Thương mại điện tử xuyên biên giới ; (2) Các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa thông qua Thương mại điện tử xuyên biên giới ; (3) Các doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia mua hàng thông qua Thương mại điện tử xuyên biên giới . Bên cạnh đó Nhà nước, Doanh nghiệp và Đơn vị giáo dục cần phối hợp chặt chẽ để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho TMĐT, Thương mại điện tử xuyên biên giới .
Tài liệu tham khảo
- Cafebiz (2020), Amazon và bài học chuyển đổi online mùa dịch Covid-19, https://cafebiz.vn/amazon-va-bai-hoc-chuyen-doi-online-mua-dichcovid-19- chn;.
- Hà Thư (2020), Thương mại điện tử xuyên biên giới: Mở lối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/978652/thuong-mai-dien- tu-xuyen-bien-gioi-mo-loi-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau#
- Thông tấn xã Việt Nam (2020), Mở ra con đường mới cho thương mại điện tử xuyên biên giới, http://tapchithongtindoingoai.vn/hoi-nhap-quoc-te/mo-ra-con-duong- moi-cho-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-41527
- Tổng cục Hải quan (2019), Xây dựng Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
- Trịnh Hoàng – Lê Dung (2019), Quản lý thươngmạiđiện tử xuyên biên giới: Hãyhọckinh nghiệm từ quốc tế, https://www.brandsvietnam.com/19238-Quan-ly-thuong-mai-dien-tu-xuyen– bien-gioi-Hay-hoc-kinh-nghiem-tu-quoc-te
- Trung tâm WTO (2020), Hậu Covid-19 và cơ hội xuất khẩu quan thương mại điện tử, http://trungtamwto.vn/chuyen-de/15304-hau-covid-19-va-cohoi-cho-xuat-khau- qua-thuong-mai-dien-tu;
- UNTAC (2016), Cross border B2C e-commerce market 2020: report highlights and methodology sharing
- VECOM (2019), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm