Tổng quan và ứng dụng thực tiễn công nghệ trong phát triển du lịch thông minh

[QC]

Mục lục

TỔNG QUAN VÀ ỨNG DỤNG THỰC TIỄN CÔNG NGHỆ TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH

TS. Võ Thị Hồng Thắm

Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Email: vththam@ntt.edu.vn.

Tóm tắt: Du lịch thông minh đã trở thành một xu hướng mới giúp tăng cường trải nghiệm du lịch cho du khách, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho địa phương và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Du lịch thông minh có liên quan mật thiết đến công nghệ thông minh và việc sử dụng các công nghệ này có thể đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển của ngành du lịch. Bài viết giới thiệu các mô hình tiên tiến về ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch trên toàn cầu, các giải pháp sử dụng công nghệ hiện đại đã và đang được áp dụng tại các quốc gia phát triển và các công trình nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, bài viết phân tích một trường hợp cụ thể triển khai du lịch thông minh đô thị tại Bangkok, Thái Lan – tổng hợp các phản hồi, đóng góp ý kiến từ tổng cục du lịch và du khách. Bài viết cũng nhấn mạnh những vấn đề cần lưu ý, ưu điểm và thách thức trong việc phát triển du lịch thông minh.

Từ khóa: Công nghệ thông minh; Du lịch thông minh; Trí tuệ nhân tạo; Blockchain; Chatbot

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Du lịch thông minh là một xu hướng mới có ảnh hưởng lớn đến du khách cũng như sự phát triển du lịch. Các công nghệ tiên tiến đã đem lại sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho du khách, đồng thời giúp họ tìm hiểu và khám phá nhiều hơn về địa điểm du lịch mà họ muốn đến. Ye, B. H. và cộng sự (2020) đã thực hiện phân tích các bài báo nghiên cứu được công bố từ năm 2010 đến năm 2020 cho thấy rằng du lịch thông minh tập trung vào nhiều chủ đề, bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông, trải nghiệm du lịch, quản lý điểm du lịch, quản lý môi trường và bảo vệ môi trường, tiếp thị và quảng bá du lịch, các vấn đề liên quan đến cộng đồng địa phương và khách du lịch. Bhuiyan, K. H.và cộng sự (2022) giới thiệu khái niệm mới “hệ sinh thái du lịch thông minh”, nơi mà các đối tác liên quan đến ngành du lịch cùng hợp tác và tạo ra giá trị bền vững thông qua việc sử dụng các công nghệ thông minh. Bài báo này đề xuất một mô hình hệ sinh thái du lịch thông minh bao gồm ba phần chính: khách hàng, doanh nghiệp và các đối tác liên quan. Trong đó, khách hàng là trung tâm của mô hình, thông qua các công nghệ thông minh tạo ra trải nghiệm du lịch đa dạng và tốt hơn. Doanh nghiệp sẽ sử dụng các công nghệ để tăng cường trải nghiệm khách hàng, cải thiện chất lượng dịch vụ và tăng cường sự cạnh tranh. Các đối tác liên quan bao gồm chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội sẽ đóng vai trò hỗ trợ và đóng góp cho việc tạo ra giá trị bền vững. Bài báo này cũng nhấn mạnh rằng, hệ sinh thái du lịch thông minh là một phương pháp tiếp cận mới để tạo ra giá trị bền vững trong ngành du lịch, tăng cường trải nghiệm khách hàng và đáp ứng các thách thức xã hội và môi trường liên quan đến du lịch đồng thời đưa ra các khuyến nghị để xây dựng và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, bao gồm việc tăng cường hợp tác giữa các đối tác, đầu tư vào các công nghệ thông minh, đào tạo và phát triển nhân lực phù hợp. Có thể kết luận rằng công nghệ thông minh có sứ mệnh rất quan trọng cốt lõi, cần được quan tâm hàng đầu trong phát triển du lịch.

Stankov, U., & Gretzel, U. (2020) tìm hiểu vai trò của các công nghệ đối với ngành du lịch cùng ảnh hưởng của chúng đến trải nghiệm du lịch của khách hàng. Nghiên cứu đề cập đến khái niệm “Du lịch 4.0” để chỉ sự kết hợp giữa các công nghệ số và thực tế ảo để cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn và khẳng định rằng để đạt được hiệu quả tốt nhất từ các công nghệ mới trong ngành du lịch thì cần phải thiết kế các sản phẩm và dịch vụ dựa trên nhu cầu của khách hàng và đảm bảo tính tương tác giữa con người và công nghệ. Bài báo cũng đề cập đến một số ví dụ về các công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence -AI), thực tế ảo (Virtual Reality -VR), thực tế tăng cường (Augmented Reality – AR) và phương pháp áp dụng để nâng cao trải nghiệm du lịch. Thực tế ảo cho phép người dùng tương tác với một môi trường được tạo ra bởi máy tính bằng cách sử dụng các thiết bị đeo trên đầu hoặc các công cụ khác (Oculus Rift, HTC Vive, PlayStation VR, Samsung Gear VR, Google Cardboard…), tạo ra một môi trường ảo giống như thực tế, trong đó người dùng có thể tương tác và cảm nhận như đang ở trong thế giới ảo đó. Thực tế tăng cường thông qua các thiết bị (thiết bị di động, máy tính bảng hoặc kính đeo mắt thông minh như Microsoft HoloLens hay Magic Leap,…) kết hợp thế giới thực và thế giới ảo, cho phép người dùng thấy thêm các đối tượng, thông tin hoặc hình ảnh được tạo ra bởi máy tính trong thế giới thực một cách trực quan và thú vị. Có thể nói, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong ngành du lịch, hỗ trợ nâng sự hài lòng của du khách, giúp cho hoạt động quản lý du lịch hiệu quả hơn hướng đến phát triển du lịch bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Trước tiên, công nghệ giúp cải thiện trải nghiệm du lịch của khách hàng bằng cách cung cấp cho họ thông tin chi tiết về các điểm đến du lịch, đặt phòng khách sạn và vé tham quan trực tuyến, cung cấp các hình ảnh và video 360 độ về các điểm tham quan, cung cấp các trò chơi thực tế ảo và thực tế tăng cường để khách hàng có trải nghiệm đa dạng và thú vị hơn. Bên cạnh đó, công nghệ giúp quản lý du lịch hiệu quả thông qua việc cung cấp các công cụ phân tích dữ liệu để giúp các nhà quản lý du lịch bắt kịp các xu hướng cùng các nguy cơ ngành mới nhất. Ngoài ra, các hệ thống quản lý thông minh có thể hỗ trợ tiết kiệm thời gian và chi phí cho các hoạt động quản lý và điều hành du lịch. Hơn nữa, vấn đề quản lý và sử dụng nguồn lực, đồng thời giảm thiểu lượng rác thải, khí thải và tiêu thụ năng lượng tại các địa điểm du lịch cũng trở nên hiệu quả hơn nhờ áp dụng công nghệ. Nhìn chung, công nghệ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch phát triển bằng cách giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và dịch vụ, tối ưu công tác quản lý, giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Pai, C. K.và cộng sự (2020) nghiên cứu về tầm quan trọng của trải nghiệm công nghệ du lịch thông minh đối với sự hài lòng, hạnh phúc và ý định quay lại của du khách. Các tác giả sử dụng phương pháp khảo sát để thu thập dữ liệu từ khách du lịch tại một địa điểm du lịch nổi tiếng tại Đài Loan. Kết quả cho thấy, trải nghiệm công nghệ du lịch thông minh có mối liên hệ mật thiết với sự hài lòng, hạnh phúc và ý định quay lại của khách du lịch. Cho nên, các nhà quản lý du lịch cần quan tâm hàng đầu về cải thiện trải nghiệm công nghệ du lịch thông minh cho khách du lịch.

Đọc thêm:  Ứng dụng du lịch thông minh trong phát triển kinh tế du lịch địa phương

Sử dụng phương pháp tổng luận và phân tích tài liệu, phần tiếp theo sau của bài viết trình bài một số ứng dụng công nghệ quan trọng, mục 2. Mục 3 trình bày mối liên hệ giữa trí tuệ nhân tạo và phát triển du lịch thông minh. Sau đó, mục 4 giới thiệu một số giải pháp cụ thể ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch tại các nước phát triển. Kế đến, nội dung của mục 5 bàn về Du lịch thông minh – bài học từ du lịch thông minh đô thị: Bangkok, Thailand. Sau cùng, nội dung mục 6 bàn luận và kết luận.

2. MỘT SỐ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ QUAN TRỌNG

İştin, A. E. (2022) nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong ngành du lịch châu Á trong tương lai. Bài báo đưa ra ví dụ về các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet of Things (IoT) và blockchain sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cách thức quản lý khách sạn, vận hành đưa đón khách du lịch và quản lý đặt phòng. Ngoài ra, các công nghệ này còn có thể giúp các doanh nghiệp du lịch tăng cường mức độ hài lòng của du khách nhờ các ứng dụng di động, hệ thống đặt vé trực tuyến và trải nghiệm thực tế ảo.

Sau đây là một số ví dụ về ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch: Hệ thống định vị toàn cầu (Global Positioning System-GPS) và ứng dụng du lịch trên điện thoại thông minh có thể giúp du khách tìm kiếm thông tin về các địa điểm du lịch, hướng dẫn hành trình, đặt phòng khách sạn và vé tham quan; Các ứng dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường kết hợp cũng giúp du khách có trải nghiệm thú vị hơn khi tham quan các địa điểm du lịch; Các hệ thống quản lý du lịch thông minh hơn từ quản lý khách sạn và đặt phòng đến quản lý lượng khách du lịch giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho các hoạt động quản lý và điều hành du lịch; các hệ thống điều khiển thông minh giúp quản lý và kiểm soát nguồn nước, năng lượng và rác thải tại các địa điểm du lịch, giúp giảm thiểu lượng khí thải và tiêu thụ năng lượng tại các khách sạn và điểm tham quan. Hình 1 trình bày các hệ thống và ứng dụng tiêu biểu đã và đang được triển khai rộng rãi.

Hình 1: Một số hệ thống ứng dụng và công nghệ tiêu biểu trong phát triển du lịch

(Nguồn: Tác giả)

Để tối ưu hóa các hoạt động trong ngành du lịch như thanh toán, quản lý đặt phòng và chất lượng dịch vụ, có thể áp dụng công nghệ blockchain. Việc sử dụng blockchain có thể giúp quá trình thanh toán trở nên an toàn, nhanh chóng và giảm chi phí. Bên cạnh đó, điều này còn giúp giảm thiểu các khoản phí của các bên thứ ba và đảm bảo an toàn cho thông tin thanh toán. Đối với quản lý đặt phòng, blockchain giúp cải thiện quy trình đặt phòng và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến sự thay đổi thông tin đặt phòng hay gian lận. Hệ thống blockchain cũng có thể lưu trữ thông tin khách hàng và lịch sử đặt phòng, giúp các doanh nghiệp quản lý thông tin của khách hàng một cách chính xác và đáng tin cậy. Ngoài ra, blockchain cũng hỗ trợ quản lý chất lượng dịch vụ bằng cách cung cấp đánh giá và phản hồi từ khách hàng. Sử dụng blockchain đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật của thông tin đánh giá và phản hồi này, giúp các doanh nghiệp du lịch cải thiện chất lượng dịch vụ của mình và tăng sự hài lòng của khách hàng.

3. TRÍ TUỆ NHÂN TẠO & PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÔNG MINH

Gajdošík, T., và Marciš, M. (2019) đề cập đến việc sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát triển du lịch thông minh, nhấn mạnh vai trò của AI trong việc tối ưu hóa các hoạt động quản lý, tăng cường trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành du lịch. Bài báo cũng đưa ra nhiều ví dụ về cách sử dụng AI trong ngành du lịch, bao gồm việc tạo ra các hệ thống dự đoán nhu cầu du lịch, tối ưu hóa hoạt động vận hành và xây dựng chatbot hỗ trợ khách hàng. Cụ thể:

  • Hệ thống dự đoán nhu cầu du lịch: Sử dụng dữ liệu lịch sử và các yếu tố khác để phân tích và dự đoán nhu cầu du lịch trong tương lai. Hệ thống này có thể giúp các doanh nghiệp du lịch lập kế hoạch và chuẩn bị nguồn lực một cách tối ưu hơn.
  • Hỗ trợ khách hàng bằng chatbot: Sử dụng các chatbot AI để hỗ trợ khách hàng trong việc đặt phòng, đưa ra các lời khuyên về điểm đến du lịch và giải đáp các câu hỏi thường gặp của khách hàng.
  • Tối ưu hóa hoạt động vận hành: Sử dụng AI để phân tích và tối ưu hoạt động vận hành của các doanh nghiệp du lịch, từ quản lý lịch trình và vận chuyển đến quản lý kho và lưu trữ.
  • Tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng: Sử dụng AI để phân tích dữ liệu khách hàng và đưa ra các gợi ý và lời khuyên cá nhân hóa, từ đề xuất các điểm đến đến các hoạt động và trải nghiệm phù hợp với sở thích của du khách.
  • Cải thiện quản lý khách sạn: Sử dụng AI để tự động hóa các hoạt động quản lý khách sạn, từ đặt phòng và check-in đến quản lý các dịch vụ và thanh toán.

Bulchand-Gidumal, J. (2022) giới thiệu thêm về việc sử dụng công nghệ nhận diện hình ảnh để tăng cường trải nghiệm tham quan, sử dụng dữ liệu và phân tích để dự đoán và quản lý nhu cầu du lịch, và sử dụng các công cụ dự đoán để tối ưu hóa các hoạt động quản lý.

Tổng quan, trí tuệ nhân tạo đang có một tác động rất lớn đến ngành du lịch và lưu trú, với tiềm năng cao, đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CỤ THỂ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VÀO PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI CÁC NƯỚC PHÁT TRIỂN

Công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngành du lịch. Bảng 1 dưới đây trình bày một số giải pháp phổ biến về ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch tại các nước phát triển cùng lợi ích mang lại.

Bảng 1: Các giải pháp công nghệ và hiệu quả

Giải pháp công nghệHiệu quả
Trí tuệ nhân tạo (AI)Cải thiện trải nghiệm du khách
BlockchainTăng tính minh bạch và an ninh cho các giao dịch
IoT (Internet of Things)Thu thập dữ liệu và quản lý tài sản, giúp quản lý nguồn lực hiệu quả hơn
Chatbot và các ứng dụng trò chuyện tự độngHỗ trợ khách hàng trong quá trình tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ
Trang web và ứng dụng di độngCung cấp thông tin về địa điểm du lịch, đặt vé và đặt dịch vụ liên quan
Công nghệ VR (Virtual Reality) và AR (Augmented Reality)Giới thiệu địa điểm du lịch và cải thiện trải nghiệm du khách
Big DataPhân tích dữ liệu và đưa ra các quyết định hợp lý trong quản lý nguồn lực
Hệ thống đặt phòng và thanh toán trực tuyếnThuận tiện cho khách hàng trong quá trình đặt dịch vụ
Mạng xã hội và marketing sốQuảng bá địa điểm du lịch và tăng khả năng tiếp cận với khách hàng tiềm năng
Điện toán đám mâyLưu trữ và chia sẻ thông tin liên quan đến du lịch giữa các đơn vị quản lý du lịch
Đọc thêm:  Truyền thông sáng tạo trong phát triển du lịch biển

(Nguồn: Tác giả)

Từ nền tảng công nghệ như được mô tả ở Bảng 1, nhiều hệ thống thông minh phục vụ du lịch thông minh cũng đã được xây dựng và triển khai như được tóm tắt ở Bảng 2.

Bảng 2: Một số hệ thống dành cho du lịch thông minh

Hệ thốngMục tiêuNăm
iTourThu hút người dân tham gia vào quá trình phát triển du lịch2018
MuseFyỨng dụng di động điều chỉnh giao diện người dùng của nó và cung cấp hỗ trợ được cá nhân hóa cho người dùng2017
CURUMIMHệ thống giới thiệu lịch sử dụng dữ liệu có sẵn trên mạng xã hội Facebook, để đưa ra khuyến nghị được cá nhân hóa cho người dùng

Ứng dụng di động sử dụng cảm biến được đặt ở lối vào của điểm tham quan nổi bật để hỗ trợ du khách có ít thời gian tham quan thành phố

2017
TreSightHệ thống khuyến nghị theo ngữ cảnh tích hợp IoT và phân tích dữ liệu lớn cho du lịch thông minh và di sản văn hóa bền vững ở thành phố Trento, Ý2016
Find Tourist ProfilePhát hiện sở thích của người dùng, dựa trên vị trí địa lý của ảnh trên mạng xã hội2017
UtravelỨng dụng dành cho thiết bị di động sử dụng hồ sơ người dùng kết hợp với dữ liệu dựa trên ngữ cảnh để hướng dẫn họ đến vị trí quan tâm dựa trên vị trí hiện tại cũng như các bình luận trước đó của họ2017
HotCityNền tảng cung cấp dịch vụ đám đông theo bối cảnh xã hội khai thác dữ liệu được gắn thẻ địa lý xã hội của người dùng như lượt thích và lượt đăng ký cũng như vị trí của họ để làm nổi bật các “khu vực” phổ biến và sở thích của người dân địa phương2017
ARTSHệ thống Du lịch AR dựa trên điện thoại thông minh triển khai quét 3D để đạt được sự tương tác giữa kết cấu đô thị, du lịch di sản văn hóa và giáo dục.2019
Novel Pre-Tourist Experience moduleĐược sử dụng trong nền tảng tìm chuyến đi để ngầm thu hút sự ưa thích của khách du lịch thông qua các bức ảnh trên mạng xã hội và đề xuất các điểm tham quan2018
Madrid LiveHệ thống tính đến sở thích của người dùng kết hợp với một số yếu tố khác như vị trí và thời tiết đểgợi ý các hoạt động du lịch và giải trí ở Madrid

Hệ thống khuyến nghị du lịch thông minh dự đoán bối cảnh thời gian thực của khách du lịch và cung cấp các dịch vụ được cá nhân hóa

2017
Space-Based TouristHệ thống đưa ra các đề xuất dựa trên những người dùng có cùng sở thích2014
Recommendation SystemThuật toán đề xuất vị trí quan tâm thông minh xem xét sở thích của khách du lịch cũng như vị trí khi đề xuất các địa điểm mới để ghé thăm 
2017
HGRM – Happy Guest Relationship Management systemNền tảng độc đáo cung cấp trải nghiệm cá nhân được hình thành tự động giữa khách và nhân viên2015
ToARistỨng dụng AR du lịch dựa trên thiết kế lấy người dùng làm trung tâm Cơ chế dịch vụ Du lịch thông minh cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa2017
South Tyrol SuggestsHệ thống đề xuất tạo ra các đề xuất theo ngữ cảnh từ bộ dữ liệu gồm 27.000 điểm tham quan nổi bật2017
BloHosTCho phép tương tác an toàn giữa khách du lịch và các bên liên quan thông qua mã định danh ví được kết nối với máy chủ tiền điện tử để bắt đầu thanh toán

Ứng dụng truyền cả dữ liệu khảo sát và vị trí theo thời gian thực nhằm mục đích nắm bắt trải nghiệm, sở thích của người dùng, …

2019
SHCityỨng dụng di động tích hợp dữ liệu thời gian thực và thuật toán định tuyến để làm phong phú thêm trải nghiệm du lịch

Hệ thống IoT quản lý Du lịch thông minh

2018
AudioNearLàm phong phú thêm trải nghiệm của người dùng khi đến thăm các môi trường đô thị mở bằng cách cung cấp hỗ trợ dựa trên lời nói về môi trường xung quanh của họ2018

5. DU LỊCH THÔNG MINH: BÀI HỌC TỪ DU LỊCH THÔNG MINH ĐÔ THỊ BANGKOK, THAILAND

Soikum, W. (2022) nghiên cứu về sự phát triển du lịch thông minh tại Bangkok, Thái Lan. Tác giả bàn về các ứng dụng công nghệ trong việc quản lý du lịch, cung cấp thông tin cho khách du lịch và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Nghiên cứu cho thấy rằng việc triển khai du lịch thông minh có thể cải thiện hiệu quả quản lý du lịch, giảm thiểu ùn tắc giao thông và tăng cường an ninh. Các giải pháp công nghệ như ứng dụng di động và chatbot cũng giúp cho việc tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ trở nên đơn giản hơn. Ngoài ra, các giải pháp thanh toán thông minh cũng giúp giảm thiểu rủi ro lây nhiễm qua giao tiếp đồng thời gia tăng sự hài lòng của khách du lịch. Bài báo cũng đưa ra một số thách thức và hạn chế của việc triển khai du lịch thông minh tại Bangkok, như khả năng tiếp cận công nghệ của một số đối tượng khách hàng và khả năng đảm bảo an ninh thông tin. Kết quả nghiên cứu có thể tóm tắt như sau:

Quan sát mức độ Tổng cục du lịch Thái Lan (Tourism Authority of Thailand -TAT) và khách du lịch biết về thành phố thông minh và du lịch thông minh: TAT cho rằng lợi ích của du lịch đô thị thông minh bao gồm nâng cao hiệu quả của các dịch vụ và quản lý thành phố, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân và khách du lịch, tự tin đi lại, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Phát triển du lịch đô thị thông minh ở Thái Lan có thể giúp thu hút khách du lịch bằng cách phát triển các ứng dụng dịch vụ công hữu ích, nhanh chóng và dễ dàng để thu hút nhiều khách du lịch hơn. Khách du lịch cho rằng lợi ích của du lịch đô thị thông minh là làm cho cuộc sống và du lịch thuận tiện hơn, thu hút nhiều khách du lịch hơn, làm phong phú thêm trải nghiệm du lịch, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, khả năng tiếp cận du lịch tốt hơn, phát triển du lịch đô thị ở Thái Lan có thể giúp thu hút khách du lịch bằng cách phát triển các dịch vụ công cộng, công nghệ du lịch, cung cấp sự tiện lợi và an toàn cho cuộc sống, đổi mới công nghệ.

Tìm hiểu các dự án du lịch thông minh của TAT nhằm mang đến sự thuận tiện cho du khách: TAT có bản đồ thông minh Ploen Thai dành cho dự án du lịch thông minh, đây là một công cụ thuận tiện do bản đồ thông minh Ploen Thai sẽ hiển thị nhiều thông tin khác nhau, bao gồm chi tiết về các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng và cửa hàng, thông tin tuyến đường du lịch và thông tin về nhiều các biện pháp giữ gìn vệ sinh. Sự bùng phát dịch Covid-19 là nguồn cảm hứng để TAT khởi xướng dự án này tại Bangkok do khách du lịch quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vệ sinh và an toàn. Tác động của việc sử dụng nền tảng Ploen Thai là tạo ra một hình ảnh và góc nhìn mới về du lịch, tự tin để đi du lịch. Tác động tiêu cực của việc sử dụng nền tảng này là khai thác quá nhiều thông tin, mất đi tính đối thoại giữa người với nhau, mất trải nghiệm về lối sống địa phương.

Tìm hiểu công nghệ thông tin và truyền thông của du lịch thông minh để nâng cao trải nghiệm du lịch tại Bangkok, Thái Lan: Quan điểm của khách du lịch cho rằng du lịch thông minh là về công nghệ mới hoặc công nghệ cao, là thành phố du lịch kỹ thuật số để giúp họ dễ dàng đi lại và truy cập thông tin. Bản đồ Google, Agoda, TripAdvisor, Booking.com, mã QR, Facebook, Instagram, Twitter là các ứng dụng du lịch mà khách du lịch sử dụng nhiều khi đi du lịch ở Bangkok. Khách du lịch sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội và điện thoại thông minh để chia sẻ ảnh, đặt chỗ du lịch trực tuyến, tìm kiếm thông tin, GPS và thư giãn. Họ cảm thấy cần sử dụng CNTT khi đi du lịch, liên lạc, tìm kiếm thông tin, làm việc.

Khảo sát mức độ hài lòng của khách du lịch trong nước và quốc tế về du lịch đô thị thông minh tại khu vực Bangkok: Facebook, Instagram, Tiktok, Twitter là những mạng xã hội được khách du lịch sử dụng nhiều hơn khi đi du lịch. Các công cụ công nghệ hiệu quả nhất để đặt chỗ

là Agoda, Booking.com, Trip.Com, Traveloka. Ngoài ra, họ còn dành thời gian trên YouTube để đánh giá các video. Bên cạnh đó, họ dùng Shopee, Lazada để mua sắm. Họ sử dụng điện thoại thông minh, iPad hoặc máy tính xách tay để thực hiện mọi hoạt động. Rất ít khách du lịch có kinh nghiệm sử dụng VR và AI khi đi du lịch ở Bangkok, nhưng một số cảm thấy thích thú khi sử dụng.

Hầu hết khách du lịch hài lòng với lợi ích sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ bởi vì ngày nay mọi người đều sở hữu và dựa vào điện thoại thông minh cùng Internet.

Thiết nghĩ, kết quả nghiên cứu ở đây có thể được áp dụng một cách phù hợp cho nhiều trường hợp tương tự tại các địa phương hay quốc gia khác.

6. BÀN LUẬN VÀ KẾT LUẬN

Từ các vấn đề được thảo luận, việc phát triển du lịch thông minh cần từng bước áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, blockchain, thực tế ảo và thực tế tăng cường vào nhiều hoạt động. Chẳng hạn như để cải thiện trải nghiệm khách hàng, có thể sử dụng công nghệ như chatbot, chat trực tiếp và ứng dụng di động để tương tác và hỗ trợ khách hàng, sử dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường để cung cấp trải nghiệm độc đáo cho khách hàng khi tham quan địa điểm du lịch. Để quản lý tài nguyên hiệu quả, có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán nhu cầu du lịch và tối ưu hoá hoạt động quản lý, sử dụng IoT để theo dõi lưu lượng khách du lịch và quản lý tài nguyên như điện nước, rác thải và năng lượng. Để phát triển sản phẩm, có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu về các địa điểm du lịch và nhu cầu của khách hàng nhằm phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Để tăng cường quản lý, có thể sử dụng blockchain nhằm cải thiện tính an toàn và bảo mật trong thanh toán và giao dịch, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu và dự đoán cũng như phát hiện các vấn đề ẩn như sự cố về môi trường hoặc sự cố về an ninh.

Trong bối cảnh đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” vừa được phê duyệt với mục tiêu tăng cường sự phát triển của ngành du lịch thông minh bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến của công nghiệp 4.0 bao gồm nhiều hoạt động trong đó có xây dựng hệ thống thông tin du lịch, triển khai các giải pháp kỹ thuật số trong quản lý và tiếp thị du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch thông minh… nhằm đưa ngành du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, bài viết đã nêu bật tầm quan trọng của công nghệ trong phát triển du lịch, đề cập đến các công nghệ tiên tiến, quan trọng đã và đang được áp dụng. Bài viết cũng nghiên cứu một số mô hình ứng dụng công nghệ trên thế giới, một số giải pháp ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch tại các nước phát triển, vai trò của trí tuệ nhân tạo và phát triển du lịch thông minh, các hệ thống trí tuệ nhân tạo hiện thời. Bên cạnh đó, bài viết đã trình bày một trường hợp triển khai du lịch thông minh đô thị: Bangkok, Thailand cùng các phản hồi, góp ý từ tổng cục du lịch Thái Lan và du khách. Sau cùng, bài viết cũng nêu bật các vấn đề cần quan tâm khi phát triển du lịch dựa vào công nghệ.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các doanh nghiệp trong ngành du lịch cần chú ý đến sự tương tác giữa con người và công nghệ và đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nếu thực hiện đúng, du lịch 4.0 có thể cung cấp cho khách hàng trải nghiệm du lịch tuyệt vời hơn và giúp ngành du lịch phát triển một cách bền vững, tạo ra sự khác biệt trong trải nghiệm du lịch và cải thiện hiệu suất kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, nhiều thách thức liên quan đến việc áp dụng công nghệ trong ngành du lịch, bao gồm vấn đề bảo mật thông tin cá nhân và sự riêng tư của khách hàng, cũng như khả năng đào tạo nhân lực để sử dụng công nghệ mới là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm. Bên cạnh tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển du lịch thông minh, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành du lịch cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng và bảo mật cao để đảm bảo sự tin tưởng của khách hàng. Nhìn chung, du lịch thông minh là xu hướng phát triển của ngành du lịch và tương lai của du lịch thông minh sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của các công nghệ liên quan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bhuiyan, K. H., Jahan, I., Zayed, N. M., Islam, K. M. A., Suyaiya, S., Tkachenko, O., & Nitsenko, V. (2022), “Smart Tourism Ecosystem: A New Dimension toward Sustainable Value Co-Creation”, Sustainability, Vol. 14, No. 22, 15043.

Bulchand-Gidumal, J. (2022), “Impact of artificial intelligence in travel, tourism, and hospitality”, In Handbook of e-Tourism, pp. 1943-1962. Cham: Springer International Publishing.

Gajdošík, T., & Marciš, M. (2019), “Artificial intelligence tools for smart tourism development”, In Artificial Intelligence Methods in Intelligent Algorithms: Proceedings of 8th Computer Science On-line Conference 2019, Vol. 2, pp. 392-402. Springer International Publishing.

İştin, A. E., Eryılmaz, G., & Üzülmez, M. (2022), “Technology applications in the Asian tourism industry in future”, In Technology Application in Tourism in Asia: Innovations, Theories and Practices, pp. 441-469, Singapore: Springer Nature Singapore.

Kontogianni, A., & Alepis, E. (2020), “Smart tourism: State of the art and literature review for the last six years”, Array, 6, 100020.

Pai, C. K., Liu, Y., Kang, S., & Dai, A. (2020), “The role of perceived smart tourism technology experience for tourist satisfaction, happiness and revisit intention”, Sustainability, Vol. 12, No. 16, 6592.

Soikum, W. (2022), “Smart urban tourism: a case of Bangkok, Thailand”, AU-HIU International Multidisciplinary Journal, Vol. 2, pp. 1-7.
Stankov, U., & Gretzel, U. (2020), “Tourism 4.0 technologies and tourist experiences: a human-centered design perspective”, Information Technology & Tourism, Vol. 22, No. 3, pp. 477-488.

Ye, B. H., Ye, H., & Law, R. (2020), “Systematic review of smart tourism research”, Sustainability, Vol. 12, No. 8, 3401.

Tìm kiếm thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên VNEconomics

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết mới nhất từ VNEconomics Academy

VNEconomics là một dự án với mục đích chia sẻ những tri thức hữu ích về Kinh tế – Nghiên cứu khoa học và Công nghệ, đặc biệt là những kiến thức về Blockchaintiền mã hóa (một lĩnh vực rất mới mẻ) tới đối tượng là các bạn sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và những cá nhân khác quan tâm tới những lĩnh vực này.

👉Tham gia cộng đồng của VNEconomics tại:
Website: https://vneconomics.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vneconomics/
Telegram: https://t.me/BlockchainDEco
Linked In: https://www.linkedin.com/company/vneconomics/
Twitter: https://twitter.com/ThanhTung78

- Quảng cáo -

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết và khóa học miễn phí​

Danh mục đầu tư của VNEs

Danh mục sản phẩm

Những nội dung hữu ích ngành Blockchain & Tiền mã hóa
Recent Posts