TỔNG QUAN VỀ GIÁO DỤC VÌ DU LỊCH BỀN VỮNG CHO SINH VIÊN
ThS. Đặng Như Thảo, ThS. Lại Thị Ngọc Hồ
Khoa Du lịch và Truyền thông sáng tạo, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Email: dnthao@ntt.edu.vn; ltnho@ntt. edu.vn
Tóm tắt: Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong số quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế du lịch nhanh trên thế giới. Cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh đó, áp lực về việc bảo vệ và phát huy tính bền vững trong du lịch càng ngày càng trở nên cấp thiết. Để chuẩn bị cho nguồn nhân lực làm du lịch bền vững trong tương lai, các trường đại học cũng cần có trách nhiệm đối với việc giáo dục vì du lịch bền vững cho sinh viên, đây là điều cần thiết để thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững và giảm thiểu các tác động tiêu cực của du lịch. Bài viết này cung cấp một cái nhìn tổng quan về giáo dục du lịch bền vững cho sinh viên, bao gồm các thực tiễn hiện tại, những thách thức và định hướng trong tương lai.
Từ khóa: Giáo dục, Du lịch bền vững, Sinh viên.
Abstract: In recent years, Vietnam has been evaluated as one of the countries with the fastest tourism economic growth in the world. Along with that growing development, the pressure to protect and promote sustainability in tourism is becoming more and more urgent. To prepare human resources for sustainable tourism in the future, universities also need to take responsibility for educating students about sustainable tourism, which is essential to promote tourism activities. sustainable tourism and minimize the negative impacts of tourism. This article provides an overview of sustainable tourism education for students, including current practices, challenges, and future directions.
Keywords: education, sustainable tourism, students.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
“Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà con người có thể sử dụng để thay đổi thế giới” (Nelson Mandela, 2003). Với áp lực ngày càng tăng đối với ngành du lịch trong việc bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời đảm bảo được việc khai thác hiệu quả kinh tế du lịch thì việc giáo dục sinh viên đại học đang ngày càng được quan tâm. Việc phát triển năng lực cho sinh viên để nhận thức một cách toàn diện về các vấn đề du lịch bền vững càng trở nên cấp thiết. Có vẻ như chỉ nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường, kinh tế và xã hội thôi là chưa đủ mà điều cần thiết là nuôi dưỡng một tư duy bền vững và khả năng suy nghĩ theo những cách đổi mới, có phán đoán, có hệ thống, toàn diện và liên ngành về du lịch bền vững (Gretzel và cs, 2014).
Theo UNESCO (2005), cho rằng điều quan trọng cần được ưu tiên hơn hết đó là các trường đại học phải chuẩn bị người học có khả năng điều hành các doanh nghiệp du lịch mang lại lợi nhuận kinh tế, có trách nhiệm với xã hội và các đáp ứng các nguyên tắc về bảo vệ môi trường sinh thái. Mặc dù Liên hợp quốc đã hỗ trợ giáo dục bền vững trong một thập kỷ (UNESCO, 2005) và có bằng chứng rõ ràng rằng một số các trường đại học đã đưa các vấn đề về bền vững vào môi trường học tập, tuy nhiên mức độ mà tính du lịch bền vững đã được lồng ghép vào chương trình giảng dạy và học các hoạt động vẫn còn hạn chế (Boyle, 2012; Ferreira và Tilbury, 2012). Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp tiếp tục thể hiện những lý tưởng yếu kém về du lịch bền vững và các nghiên cứu chỉ ra rằng họ có cái nhìn hạn hẹp về du lịch bền vững (Reid và cs, 2009). Cho đến nay, có rất ít bằng chứng về tính bền vững được lồng ghép rõ ràng trong giáo dục du lịch (Sanders & Le Clus, 2011).
Để chuẩn bị cho những người làm du lịch bền vững trong tương lai, các trường đại học cần thiết kế chương trình giảng dạy đảm bảo cung cấp đầy đủ nhận thức về phát triển bền vững và phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh mới; có hiểu biết về các lĩnh vực có liên quan đến du lịch như tài nguyên và môi trường, văn hóa, kinh tế, công nghệ, phát triển cộng đồng, …. Đồng thời, các trường đại học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục những người lao động du lịch tương lai bằng cách chuẩn bị và bồi dưỡng những sinh viên tốt nghiệp có thể giải quyết các vấn đề phức tạp, suy nghĩ một cách toàn diện, cam kết tham gia và quản lý các hoạt động du lịch bền vững có đạo đức, trách nhiệm.
2. TỔNG QUAN VỀ GIÁO DỤC VÌ DU LỊCH BỀN VỮNG
Du lịch bền vững được định nghĩa là “du lịch có tính đến các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, giải quyết nhu cầu của du khách, ngành công nghiệp, môi trường và cộng đồng sở tại” (UNWTO, 2013). Theo UNESCO (2005), du lịch bền vững đề cập đến ba lĩnh vực bền vững: môi trường, văn hóa – xã hội và kinh tế, những vẫn đề này cần được xem xét thận trọng trong các chiến lược giảng dạy. Trong mỗi lĩnh vực cần được hiểu đầy đủ và có hệ thống các vấn đề liên quan trong đó có cả vấn đề “cầu” của thị trường và mong muốn của cộng đồng.
Giáo dục trong du lịch bền vững được định nghĩa là giáo dục bao gồm bất kỳ cấp độ giáo dục hoặc đào tạo nào liên quan đến các vấn đề môi trường, văn hóa xã hội và kinh tế trong hoạt động của doanh nghiệp du lịch và phát triển du lịch (Canziani và cs, 2012).
Giáo dục vì sự bền vững (EfS). Thuật ngữ EfS là một thuật ngữ tương đối gần đây và xuất phát từ Úc, dựa trên khái niệm “giáo dục vì sự phát triển bền vững” được sử dụng nhiều hơn trên toàn cầu (Leihy & Salazar, 2011). EfS là giáo dục đòi hỏi sự thay đổi mô hình từ cách suy nghĩ, hành động truyền thống đối với các vấn đề môi trường sang cách tiếp cận mới là suy nghĩ và hành động định hướng tương lai, nó đại diện cho một bước chuyển từ giáo dục chưa chú trọng đến môi trường sang giáo dục vì môi trường (Tilbury & Cooke, 2005). Các mục tiêu của EfS trong giáo dục du lịch bền vững bao gồm: mục tiêu cụ thể là tạo ra các chuyên gia du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, đến mục tiêu rộng lớn hơn nhằm góp phần thúc đẩy nhận thức của công dân về môi trường, văn hóa và xã hội.
2.1. Vai trò của giáo dục vì du lịch bền vững
Giáo dục về du lịch bền vững cho sinh viên là cần thiết vì nhiều lý do. Đầu tiên, nó cung cấp cho sinh viên sự hiểu biết về các tác động môi trường, xã hội và kinh tế của du lịch và tầm quan trọng của các hoạt động du lịch bền vững. Kiến thức này rất quan trọng để phát triển các hoạt động du lịch có trách nhiệm và giảm thiểu các tác động tiêu cực của du lịch (Choy và cs, 2017).
Thứ hai, giáo dục về du lịch bền vững có thể giúp phát triển một thế hệ chuyên gia du lịch mới, những người có kiến thức và kỹ năng thực hành du lịch bền vững. Những chuyên gia này sẽ được trang bị những kỹ năng cần thiết để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu của cả hai bên và môi trường.
Thứ ba, giáo dục về du lịch bền vững có thể thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch và trao quyền cho họ tham gia vào quá trình ra quyết định ảnh hưởng đến sinh kế và môi trường của họ (Bohdanowicz, 2016).
Hơn nữa, giáo dục về du lịch bền vững cũng có thể nâng cao nhận thức của khách du lịch về tầm quan trọng của các hoạt động du lịch bền vững và khuyến khích họ đưa ra lựa chọn du lịch có trách nhiệm (Koens & Postma, 2018). Điều này có thể giúp giảm tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương đồng thời đóng góp cho nền kinh tế địa phương (Mowforth & Munt, 2015). Giáo dục về du lịch bền vững cũng có thể thúc đẩy bảo tồn văn hóa và di sản bằng cách khuyến khích khách du lịch tôn trọng và đánh giá cao các phong tục và truyền thống địa phương (Sharpley, 2014).
Giáo dục về du lịch bền vững còn trang bị những kiến thức, hiểu biết về những tác động từ bên ngoài đến phát triển du lịch để thúc đẩy phát triển du lịch thích ứng hơn với tác động từ bên ngoài như thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,.…qua đó hạn chế thấp nhất những rủi ro trong quá trình phát triển du lịch. Sự suy giảm nghiêm trọng của du lịch trước tác động của đại dịch Covid-19 đến du lịch thế giới và ở Việt Nam trong giai đoạn 2020-2022 là ví dụ điển hình.
2.2. Thực tiễn giáo dục vì du lịch bền vững cho sinh viên hiện nay
Giáo dục về du lịch bền vững cho sinh viên là một khái niệm tương đối mới và việc thực hiện nó có sự khác nhau giữa các khu vực và quốc gia. Điều kiện để phát triển du lịch phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, văn hóa xã hội, đo đó nếu gây ra tổn thất hoặc bị hủy hoại sẽ rất khó để khắc phục. Nhiều nghiên cứu cho thấy tốc độ và sự phát triển nhanh chóng của du lịch tác động nhiều đến môi trường, văn hóa xã hội, kinh tế và chính trị, cả ở cấp độ địa phương và toàn cầu (Connell & Rugendyke, 2008; Telfer & Sharpley, 2008). Điều cần thiết là tất cả các bên liên quan của ngành du lịch phải xem xét tác động của phát triển du lịch từ mọi khía cạnh – môi trường, văn hóa xã hội, kinh tế và chính trị, trong toàn bộ hoạt động du lịch và trải nghiệm của du khách để loại bỏ những gì không bền vững với các hoạt động mang tính bền vững. Sharpley (2000) tin rằng để có thể phát triển du lịch bền vững, quản lý du lịch không thể chỉ tập trung vào các nhánh kinh tế mà bỏ qua các ảnh hưởng và hậu quả về văn hóa-xã hội, môi trường và chính trị. Do đó, việc xem xét tính bền vững là cần thiết trong giáo dục du lịch không chỉ vì nó được coi là quan trọng nói chung đối với giáo dục đại học và mục tiêu của UNESD, mà bởi vì nó thậm chí còn quan trọng hơn trong lĩnh vực nghiên cứu này so với nhiều lĩnh vực khác.
Theo UNESCO (2005), cần có nhiều kỹ thuật sư phạm nếu sự bền vững (EfS) có hiệu quả trong việc phát triển các loại kỹ năng tư duy bậc cao cần thiết để chuyển đổi sang một xã hội bền vững. Lĩnh vực giáo dục vì tính bền vững cung cấp một loạt các phương pháp dạy và học thay thế, bao gồm học tập biến đổi, học tập xuyên ngành, học tập đón đầu, học tập hợp tác và học tập xã hội (Wals, 2011).
Theo Tribe (2002), nếu mục đích giáo dục là bản chất và lập trường phản ánh, các nhà giáo dục có thể phát triển những cá nhân có khả năng sáng tạo và phê bình các hành động quản lý du lịch. Mặc dù điều này hoạt động như một khuôn khổ cho việc thiết kế chương trình giảng dạy, công việc của Tribe (2002) dường như không bao gồm các chiến lược sư phạm cụ thể để phát triển sự hiểu biết của người học nhằm hình thành các nhà quản lý du lịch có khả năng thúc đẩy du lịch bền vững.
Sáng kiến Tương lai Giáo dục Du lịch (TEFI), được tạo ra vào năm 2007 bởi một nhóm các cung cấp một số công cụ để giải quyết những thách thức trong tương lai của ngành du lịch. Là một phần của sáng kiến, các nhà giáo dục đã nghĩ ra một khuôn khổ cho chương trình giảng dạy mới nhằm thúc đẩy quyền công dân toàn cầu. Khuôn khổ TEFI bao gồm 5 trụ cột đại diện cho các giá trị chính bao gồm: đạo đức, tính chuyên nghiệp, kiến thức và trách nhiệm quản lý và tính tương hỗ (Liburd & Edwards, 2010). Một trong những giá trị cốt lõi là ‘quản lý’, được củng cố bởi khả năng quản lý tính bền vững và các hệ thống thích ứng phức tạp bằng cách hành động một cách có trách nhiệm (Sheldon và cs, 2008).
McGrath và cs, (2020) trình bày chi tiết về thiết kế, phát triển, thử nghiệm và xác nhận mô phỏng trò chơi phát triển điểm đến được thiết kế để củng cố việc dạy và học các nguyên tắc du lịch bền vững. Nghiên cứu này thảo luận về hai giai đoạn phát triển mô hình, bao gồm trò chơi trước đó được phát triển bằng cách sử dụng động lực hệ thống và một phiên bản đã phát triển với các phần mở rộng mô hình hóa dựa trên mô phỏng thực tế. Canziani và cs, (2012) đề xuất cân nhắc về những nội dung sau trong việc giáo dục về du lịch bền vững: (1) xác định nội dung học tập phù hợp với giáo dục bền vững trong du lịch; (2) các mục tiêu học tập cần được ưu tiên trong chương trình đào tạo; (3) xem xét tổng thể nguồn lực thực tế, kỹ năng giảng viên hiện tại, động cơ cá nhân và nguồn tài liệu đối với giáo dục về du lịch bền vững.
Để chuẩn bị cho sinh viên tốt nghiệp bước vào một ngành có khả năng ảnh hưởng và thay đổi môi trường văn hóa và xã hội xung quanh cho thấy rằng các trường đại học nên chú trọng vào việc phát triển một chương trình giảng dạy giáo dục người học phát triển các kỹ năng tư duy phản biện và khả năng ảnh hưởng và tác động xã hội và thay đổi văn hóa (Dredge và cs, 2012). Innui và cs, (2006) đề xuất thêm rằng điều quan trọng không kém là giáo dục người học về nền tảng triết học và nghề nghiệp của du lịch để giúp người học giải quyết hiệu quả các khía cạnh xã hội của hiện tượng này. Tuy nhiên, nhiệm vụ tạo ra một chương trình giảng dạy nhằm phát triển các kỹ năng nghề nghiệp và triết lý cho sinh viên đại học đòi hỏi một chương trình giảng dạy nhằm giải quyết các kỹ năng nghề nghiệp đồng thời dạy người học trở thành những người có tư duy phản biện, những người có khả năng và sẵn sàng hành động một cách có đạo đức – trách nhiệm.
Hiện nay, nhiều trường đại học và trường dạy nghề đã đưa các khóa học về du lịch bền vững vào chương trình giảng dạy trực tiếp. Ngoài ra, còn có nhiều khóa đào tạo ngắn hạn và hội thảo về du lịch bền vững do các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam tổ chức.
Chính phủ cũng đã nhận ra tầm quan trọng của giáo dục du lịch bền vững và đã thực hiện các bước để hỗ trợ sự phát triển của nó. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh ngành du lịch nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, nâng cao năng lực nguồn nhân lực ngành du lịch. Kế hoạch bao gồm các sáng kiến như phát triển các sản phẩm du lịch xanh, cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch và đào tạo cho nhân viên du lịch về bảo vệ môi trường và thực hành du lịch bền vững.
Tuy nhiên, các hiện tại giáo dục vì du lịch bền vững mới cho sinh viên chỉ dừng lại ở việc đào tạo thông qua lý thuyết, chưa có trải nghiệm và hành động thực tế. Mặt khác, các chỉ đạo và chủ trương về du lịch bền vững hiện tại cũng chưa được các cấp, ban ngành và đặc biệt là các cơ sở giáo dục chưa quan tâm đúng mức. Điều đó dẫn đến việc triển khai và thực hiện các công tác giáo dục vì du lịch bền vững còn rất hạn chế.
2.3. Những thách thức trong giáo dục du lịch bền vững cho sinh viên
Mặc dù giáo dục về du lịch bền vững mang lại lợi ích cho sinh viên, nhưng vẫn có một số thách thức cần được giải quyết.
Thách thức từ nội tại hoạt động giáo dục về du lịch bền vững ở các cơ sở đào tạo
Một số nghiên cứu của Blincoe và cs, (2009); Shephard, (2008); Reid & Petocz, (2006) xác định những thách thức trong giáo dục về du lịch bền vững như sau: thiếu kiến thức chuyên môn, thời gian hạn chế, các chương trình giảng dạy chưa được kiểm soát theo đúng tiêu chí du lịch bền vững, sự nhầm lẫn về nội dung dạy, và phương pháp để đánh giá. Hơn nữa, Shephard (2010), Kelly và Alam (2009) đã quan sát thấy các vấn đề về thiếu nguồn lực, đặc biệt là liên quan đến phân bổ thời gian, và thái độ về tuân thủ nguyên tắc du lịch bền vững vẫn còn chưa được xem trọng. Có vẻ như lý tưởng về sự hợp tác liên ngành ảnh hưởng đến sự triển khai toàn diện EfS trong toàn tổ chức phụ thuộc vào các yếu tố thường nằm ngoài tầm kiểm soát của các chương trình giảng dạy và thiết kế đó. Cotton và cs (2009) thừa nhận thực tế của thời đại giáo dục đại học đại chúng và ngân sách eo hẹp khiến việc triển khai đào tạo hướng tới EfS gặp nhiều thách thức. Nếu sứ mệnh và tầm nhìn của trường đại học không nhất quán rõ ràng với tính bền vững, thì các cá nhân hoặc nhóm nhân viên phải giải thích lý do tại sao, ở đâu và làm thế nào các nguyên tắc bền vững được đưa vào.
Bên cạnh đó, sự thiếu nhận thức và hiểu biết về du lịch bền vững trong sinh viên và các bên liên quan đến du lịch là một thách thức lớn. Nhiều sinh viên và các bên liên quan đến du lịch vẫn coi du lịch bền vững là một khoản chi phí bổ sung hơn là một khoản đầu tư dài hạn. Do đó, cần nâng cao nhận thức và giáo dục về lợi ích của du lịch bền vững (Garcia-Sánchez và cộng sự, 2020).
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Trần Thị Hương & Đỗ Thị Thu Thảo, (2020) và các báo cáo từ Tạp chí Du lịch Việt Nam (Vietnam Tourism Review), (2019); Tạp chí Kinh tế Đô thị (Urban Economics Magazine), (2020); WWF & Học viện Nông nghiệp Việt Nam, (2019); Viện Du lịch Quốc gia, (2018) chỉ ra về du lịch bền vững ở các cơ sở đào tạo, bao gồm:
Thiếu tính ứng dụng và trải nghiệm thực tế: Nhiều chương trình giáo dục du lịch ở Việt Nam vẫn tập trung quá nhiều vào lý thuyết và việc đọc sách, không tạo ra những trải nghiệm thực tế và cơ hội áp dụng kiến thức cho sinh viên.
Thiếu nhân lực chuyên môn về du lịch bền vững: Thiếu nhân lực chuyên môn về du lịch bền vững là một vấn đề phổ biến trong nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch bền vững, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch và bảo vệ môi trường. Tình trạng thiếu nhân lực chuyên môn về du lịch bền vững đang đặt ra một thách thức lớn cho các quốc gia cần phải tìm kiếm các giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Thiếu tài liệu và tài nguyên giáo dục: Việc tìm kiếm tài liệu và tài nguyên giáo dục về du lịch bền vững vẫn còn khó khăn do số lượng tài liệu và tài nguyên này còn hạn chế và không được phổ biến rộng rãi. Ngoài ra, một số tài liệu và tài nguyên giáo dục về du lịch bền vững hiện nay cũng chưa được cập nhật đầy đủ và chính xác, gây khó khăn trong việc thực hiện các chương trình giáo dục và đào tạo cho ngành du lịch bền vững tại Việt Nam.
Thiếu sự quan tâm và hiểu biết từ phía sinh viên: Một số sinh viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của du lịch bền vững và có xu hướng quan tâm hơn đến các hoạt động du lịch truyền thống, không quan tâm đến việc giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường và cộng đồng.
Thách thức từ chính sách chung về giáo dục đào tạo
Thiếu sự hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan khác nhau là một thách thức khác trong giáo dục về du lịch bền vững cho sinh viên. Du lịch bền vững đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, nhà điều hành du lịch, cộng đồng địa phương và khách du lịch. Tuy nhiên, việc thiếu sự hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan này có thể cản trở việc phát triển và triển khai các hoạt động du lịch bền vững (Murphy & Bayley, 2021).
Hơn nữa, việc thiếu các nguồn lực, bao gồm kinh phí và cơ sở hạ tầng, là một thách thức khác trong giáo dục về du lịch bền vững cho sinh viên. Các hoạt động du lịch bền vững đòi hỏi đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục và các bên liên quan đến du lịch có thể thiếu các nguồn lực cần thiết để thực hiện các hoạt động du lịch bền vững (Gössling và cs, 2020).
Bên cạnh đó, việc thiếu các quy định, chính sách hỗ trợ du lịch bền vững cũng là một thách thức trong giáo dục du lịch bền vững cho sinh viên. Các quy định và chính sách đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn và hướng dẫn cho các bên liên quan về du lịch. Tuy nhiên, việc thiếu các quy định và chính sách có thể dẫn đến các hoạt động du lịch không bền vững và tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng địa phương (Fernández-Morales và cs, 2021).
Tại Việt Nam, một số thách thức chính từ chính sách chung về giáo dục đào tạo vì du lịch bền vững bao gồm:
Thiếu sự tập trung và đồng bộ trong việc thực hiện chính sách: Các chính sách đào tạo vì du lịch bền vững thường được đề xuất bởi nhiều cơ quan khác nhau, từ đó dẫn đến sự mơ hồ và không thống nhất trong việc thực hiện. Điều này gây khó khăn cho các trường đại học và cơ sở giáo dục khác khi triển khai các chương trình đào tạo vì du lịch bền vững.
Thiếu nguồn lực đầu tư: Chính sách giáo dục vì du lịch bền vững cần sự đầu tư đáng kể vào việc nghiên cứu và phát triển các chương trình đào tạo, cập nhật tài liệu, đào tạo giảng viên và xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, hiện nay, ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo vẫn còn hạn chế, điều này khiến cho việc đầu tư vào giáo dục vì du lịch bền vững trở nên khó khăn.
Thiếu sự tương tác giữa giáo dục và thực tiễn: Việc giáo dục vì du lịch bền vững không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức mà còn cần tạo ra các trải nghiệm thực tế cho học sinh và sinh viên. Tuy nhiên, việc tạo ra các trải nghiệm này đòi hỏi sự tương tác chặt chẽ giữa giáo dục và các doanh nghiệp trong ngành du lịch. Hiện nay, việc này vẫn còn chưa được thực hiện tốt ở Việt Nam.
Thiếu sự phổ biến và tuyên truyền: Giáo dục vì du lịch bền vững cần được phổ biến rộng rãi để mọi người đều có thể hiểu được về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và du lịch bền vững. Tuy nhiên, việc tuyên truyền và phổ biến này vẫn còn hạn chế ở Việt Nam.
Thiếu liên kết giữa các trường đại học: Các trường đại học cần phải hợp tác và liên kết để ây dựng chương trình giáo dục đồng bộ và hiệu quả hơn về du lịch bền vững. Tuy nhiên, hiện tại, việc liên kết giữa các trường đại học vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ đủ mạnh để khuyến khích các trường đại học cùng hợp tác trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch bền vững. Hơn nữa, sự đa dạng về chương trình đào tạo cũng gây ra khó khăn trong việc liên kết giữa các trường đại học.
Tóm lại, giáo dục về du lịch bền vững cho sinh viên phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm thiếu nhận thức và hiểu biết về du lịch bền vững, thiếu sự cộng tác và phối hợp giữa các bên liên quan, thiếu nguồn lực và thiếu các quy định và chính sách hỗ trợ du lịch bền vững. Giải quyết những thách thức này sẽ đòi hỏi sự tham gia của các bên liên quan khác nhau, bao gồm các tổ chức giáo dục, nhà điều hành du lịch, cơ quan chính phủ và cộng đồng địa phương, trong việc phát triển và thực hiện các hoạt động du lịch bền vững.
2.4 Định hướng tương lai trong giáo dục du lịch bền vững cho sinh viên
Để giải quyết những thách thức trong giáo dục về du lịch bền vững cho sinh viên, một số hướng đi trong tương lai có thể được xem xét:
Thứ nhất, cần có nhiều nghiên cứu hơn về du lịch bền vững và tác động của nó đối với môi trường, xã hội và nền kinh tế. Nghiên cứu có thể cung cấp nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các chính sách và hoạt động du lịch bền vững. Ngoài ra, nghiên cứu có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về thái độ và nhận thức của các bên liên quan khác nhau đối với du lịch bền vững.
Thứ hai, cần có sự phát triển của các công cụ và phương pháp tiếp cận giáo dục sáng tạo và tương tác có thể thu hút sinh viên và các bên liên quan đến du lịch trong các hoạt động du lịch bền vững. Những công cụ và cách tiếp cận này có thể bao gồm các nền tảng học tập trực tuyến, trò chơi hóa và kể chuyện. Những công cụ này có thể làm cho việc học về du lịch bền vững trở nên hấp dẫn và dễ tiếp cận hơn đối với sinh viên và các bên liên quan đến du lịch.
Thứ ba, giáo dục về du lịch không nên chỉ tập trung vào nhu cầu và mong đợi do kinh tế và yêu cầu việc làm. Do đó cần lồng ghép các nguyên tắc và thực hành du lịch bền vững vào các tiêu chuẩn và quy định của ngành du lịch, lồng ghép giáo dục du lịch bền vững vào chương trình giảng dạy là thông qua học tập trải nghiệm, chẳng hạn như các chuyến đi thực địa, thực tập và các chương trình học tập ở nước ngoài.
Thứ tư, cần có sự “cộng sinh” giữa hoạt động giáo dục và nghiên cứu về du lịch bền vững để đảm bảo sinh viên có được những hiểu biết/ kiến thức đầy đủ nhất về du lịch bền vững trong thực tiễn. Sự hợp tác giữa các tổ chức giáo dục, ngành du lịch và cộng đồng địa phương là rất quan trọng để thúc đẩy giáo dục du lịch bền vững. Các cơ sở giáo dục có thể làm việc với ngành du lịch để tạo ra các cơ hội thực tập và việc làm cho phép sinh viên có được kinh nghiệm thực tế về các hoạt động du lịch bền vững. Ngoài ra, quan hệ đối tác giữa các tổ chức giáo dục và cộng đồng địa phương có thể thúc đẩy du lịch dựa vào cộng đồng, điều này có thể giúp thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững và trao quyền cho cộng đồng địa phương.
Thứ năm, một trong những vấn đề khi xây dựng giáo trình phát triển du lịch bền vững là trải nghiệm thực tế về phát triển du lịch, cần tổ chức các hoạt động/sự kiện như một phần của chương trình giáo dục khuyến khích các ý tưởng sáng tạo của sinh viên về các mô hình quản lý bền vững điểm đến du lịch và kinh doanh du lịch bền vững trong bối cảnh mới. Mục đích là để giáo dục sinh viên xác định và hiểu các vấn đề tồn tại trong phát triển du lịch bền vững. Do đó, một trong những phương pháp học tập được phát triển để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thực tế thông qua trải nghiệp bằng những chuyến đi thực địa. Các nguyên tắc của tính bền vững là cần duy trì và thực hiện trong thời gian dài, đồng thời cần có lộ trình, vì thế các nhà giáo dục du lịch, các chương trình du lịch cần trang bị cho sinh viên khả năng thực hiện việc học tập và phát triển liên tục trong suốt cuộc đời.
Cuối cùng, kiến nghị về chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc đổi mới chương trình giáo dục du lịch có lồng ghép các kiến thức và hoạt động trải nghiệm thực tế về du lịch bền vững. chẳng hạn như: Tài trợ và hỗ trợ ngân sách cho các trường đại học và tổ chức giáo dục khác để phát triển các chương trình giáo dục về du lịch bền vững, đặc biệt là các chương trình có lồng ghép các hoạt động thực tế và trải nghiệm cho sinh viên; Xây dựng một hệ thống chuẩn mực đánh giá chất lượng giáo dục về du lịch bền vững, và cung cấp hỗ trợ tài chính cho các trường đại học và tổ chức giáo dục khác để đáp ứng các tiêu chuẩn này; Đưa ra các chương trình đào tạo và huấn luyện cho giảng viên và nhân viên giáo dục về du lịch bền vững, để cải thiện chất lượng giáo dục và nâng cao năng lực của các cán bộ giáo dục; Tạo ra các chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp du lịch tham gia vào việc tài trợ và hỗ trợ ngân sách cho các chương trình giáo dục về du lịch bền vững; Xây dựng các đối tác giáo dục công tư để đưa ra các chương trình giáo dục về du lịch bền vững, để đảm bảo rằng sinh viên có cơ hội tiếp cận với các hoạt động thực tế và trải nghiệm tại các địa điểm du lịch thực tế; Thực hiện các chương trình liên kết với các tổ chức quốc tế và các trường đại học khác trên thế giới để đổi mới chương trình giáo dục về du lịch bền vững, để nâng cao kiến thức và kỹ năng của sinh viên Việt Nam; Đưa ra các chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các sinh viên theo học các chương trình giáo dục về du lịch bền vững, như cấp học bổng và hỗ trợ về chi phí học tập và sinh hoạt.
3. KẾT LUẬN
Du lịch là một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng về mặt xã hội, văn hóa và môi trường, do đó tính bền vững có vai trò trung tâm, điều này dẫn đến nhiều thách thức đối với các nhà giáo dục du lịch là đáp ứng và đưa tính bền vững vào chương trình giảng dạy. Mục đích cuối cùng của giáo dục du lịch bền vững là trang bị cho các nhà lãnh đạo du lịch tương lai kiến thức và kỹ năng để hành động một cách có trách nhiệm với kinh tế, môi trường và xã hội.
Các thực tiễn hiện nay trong giáo dục về du lịch bền vững cho sinh viên bao gồm lồng ghép các nguyên tắc và thực hành du lịch bền vững vào chương trình giảng dạy, tổ chức các chuyến đi thực tế và tham quan học tập tại các điểm đến du lịch bền vững, đồng thời cung cấp các chương trình đào tạo và xây dựng năng lực cho các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, một số thách thức tồn tại, chẳng hạn như thiếu nhận thức và hiểu biết về du lịch bền vững và thiếu sự hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan khác nhau. Để giải quyết những thách thức này, các định hướng trong tương lai có thể bao gồm nhiều nghiên cứu hơn, các phương pháp và công cụ giáo dục đổi mới, tích hợp các nguyên tắc và thực hành du lịch bền vững vào các tiêu chuẩn ngành, đồng thời tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan. Không có cách tiếp cận nào phù hợp với tất cả các bối cảnh trong việc dạy và học về du lịch bền vững. Tuy nhiên, các xem xét những cách tiếp cận phù hợp, điều này mang lại cơ hội tốt hơn để định hình người học trở thành những cá nhân có khả năng làm việc, điều hành các doanh nghiệp tương lai mang lại lợi nhuận kinh tế đồng thời có trách nhiệm với xã hội và khả thi về mặt sinh thái.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu tiếng Việt
Tạp chí Du lịch Việt Nam (Vietnam Tourism Review), (2019). Giáo dục du lịch bền vững: Những thách thức và cơ hội, (11).
Tạp chí Kinh tế Đô thị (Urban Economics Magazine), (2020). Đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch bền vững tại Việt Nam, (6).
Trần Thị Hương & Đỗ Thị Thu Thảo, (2020). Đánh giá tình hình đào tạo chuyên ngành du lịch bền vững tại Việt Nam và một số giải pháp cải tiến. Đại học Kinh tế Quốc dân.
Viện Du lịch Quốc gia (National Institute of Tourism), (2018). Báo cáo: “Một số giải pháp đổi mới chương trình giáo dục đào tạo nhân lực cho ngành du lịch bền vững tại Việt Nam”.
WWF & Học viện Nông nghiệp Việt Nam, (2019). Báo cáo: “Đánh giá tình hình giáo dục về du lịch bền vững tại các trường đại học tại Việt Nam”.
Tài liệu Tiếng Anh
Blincoe, K., Fuad-Luke, A., Spangenberg, J. H., Thomson, M., Holmgren, D., Jaschke, K., . . .Tylka, K. (2009). DEEDS: a teaching and learning resource to help mainstream sustainability into everyday design teaching and professional practice. International Journal of Innovation and Sustainable Development, 4(1), 1-23
Boyle, A.R. (2012). Teaching sustainability: A pathway forward for tourism education. Proceedings of the 12th Annual Australasian Campuses Towards Sustainability Conference, Brisbane, Australia, accessed 10 February 2015 at www.acts.asn.au/wpcontent/uploads/2012/09/12th-ACTS-Conference-Proceedings-Boyle.pdf.
Bush-Gibson, B. and S.R. Rinfret (2010). Environmental adult learning and transformation in formal and nonformal settings. Journal of Transformative Education, 8 (2), 71-88.
Canziani, B.F., Sönmez, S., Hsieh, J. and E.T. Byrd (Feb 2012). A Learning Theory Framework for Sustainability Education in Tourism. Journal of Teaching in Travel and Tourism, 12(1):3-20
Choy, D. J., Gursoy, D., & Lu, L. (2017). Education for sustainable tourism: A review and critical synthesis. Journal of Hospitality, Leisure, Sport & Tourism Education, 20, 77-86.
Cotton, D., Bailey, I., Warren, M., & Bissell, S. (2009). Revolutions and second-best solutions: education for sustainable development in higher education. Studies in Higher Education, 34(7), 719-733. doi: 10.1080/03075070802641552
Dredge, D., & Jenkins, J. (2018). Tourism education futures: Seeking alternative futures for tourism education, training and research. Journal of Hospitality and Tourism Management, 35, 36-45.
Dredge, D., P. Benckendorff, M. Day, M. Gross and M. Walo (2012). The philosophic practitioner and the curriculum space. Annals of Tourism Research, 39 (4), 2154-76.
Ferreira, Jo-Anne and Daniella Tilbury (2012). Higher education and sustainability in Australia: Transforming
experiences. in Higher Education’s Commitment to Sustainability: From Understanding to Action, Higher
Education in the World 4. Barcelona: Global University Network for Innovation, Basingstoke: Palgrave MacMillan, pp. 96-9
Gretzel, U., E.B. Davis, G. Bowser, J. Jiang and M. Brown (2014). Creating global leaders with sustainability mindsets: Insights from the RMSSN Summer Academy. Journal of Teaching in Travel & Tourism, 14 (2), 164-83
Innui, Y., D. Wheeler and S. Lankford (2006). Rethinking tourism education: What should schools teach? Journal of Hospitality, Leisure, Sport and Tourism Education, 5 (2), 25-35.
Kelly, M., & Alam, M. (2009). Educating accounting students in the age of sustainability. Australasian Accounting Business and Finance Journal, 3(4), 30-44
Koens, K., & Postma, A. (2018). Education for sustainable tourism: A narrative review of existing literature. Journal of Sustainable Tourism, 26(10), 1747-1764.
Leihy, P., & Salazar, J. (2011). Education for sustainability in university curricula: Policies and practice
in Victoria (C. f. t. S. o. H. Education, Trans.). In P. f. S. Victoria (Ed.): University of Melbourne
Liburd, J. J. and Edwards, D. 2010. Understanding the sustainable development of tourism, Oxford, UK: Goodfellow Publishers Limited.
Mandela, N. (2003). Long Walk to Freedom: The Autobiography of Nelson Mandela. Little, Brown and Company.
McGrath, G. M., Lockstone-Binney, L., Ong, F., Wilson-Evered, E., Blaer, M., & Whitelaw, P. (2020). Teaching sustainability in tourism education: A teaching simulation. Journal of Sustainable Tourism, 29(5), 795-812.
Mowforth, M., & Munt, I. (2015). Tourism and sustainability: Development, globalisation and new tourism in the Third World. Routledge.
Reid, A., & Petocz, P. (2006). University lecturers’ understanding of sustainability. Higher Education, 51(1), 105-123
Reid, A., P. Petocz and P. Taylor (2009). Business students’ conceptions of sustainability. Sustainability, 1 (3), 662-73.
Sanders, D., & Le Clus, M. (2011). Sustainability in the university tourism curriculum Paper presented at the Tourism: Celebrating a brilliant blend, CAUTHE National Conference, Adelaide Sharpley, R. (2014). Tourism and sustainable development: New tourism in the Third World. Routledge.
Sheldon, P., D. Fesenmaier, K. Woeber, C. Cooper and M. Antonioli (2008), ‘Tourism education futures 2010-2030: Building the capacity to lead’, Journal of Teaching in Tourism and Travel, 7 (3), 61-8.
Shephard, K. (2008). Higher education for sustainability: Seeking affective learning outcomes. International Journal of Sustainability in Higher Education, 9(1), 87-98
Shephard, K. (2010). Higher education’s role in ‘education for sustainability’. Australian Universities’ Review, 52(1), 13-22
Tilbury, D., & Cooke, K. (2005). A national review of environmental education and its contribution to sustainability in Australia: Frameworks for sustainability. Canberra: Retrieved from www.aries. mq.edu.au
Tribe, J. (2002). The philosophic practitioner. Annals of Tourism Research, 29 (2), 338-57.
United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization (UNESCO) (2005). The UN Decade of Education for Sustainable Development (2005-2014): International Implementation Scheme. Paris: UNESCO, accessed 10 February 2015 at unesdoc.unesco.org/images/0014/001486/148654e.pdf.
United Nations World Tourism Organisation (UNWTO) (2013). Sustainable development of tourism: definitions. accessed 10 February 2015 at sdt.unwto.org/en/content/aboutus-5