Ứng dụng công nghệ du lịch thông minh trong phát triển du lịch tại tỉnh Bến Tre

[QC]

Mục lục

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ DU LỊCH THÔNG MINH TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI TỈNH BẾN TRE

ThS. Trương Anh Quốc

Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành,

Email: taquoc@ntt.edu.vn

Tóm tắt: Tác động của cuộc cách mạng kỹ thuật số và sự phát triển nhanh chóng với sự hỗ trợ của những tiến bộ về công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ chuỗi giá trị của ngành du lịch. Công nghệ đang làm thay đôi cách thức kinh doanh của các công ty du lịch, viêc ưng dung các công nghệ thông minh trong lĩnh vực du lịch được xem là một giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao hiệu suất của doanh nghiệp và gia tăng sự hài lòng khách hàng. Để đạt được mục tiêu này, tác giả đã lược khảo hơn 110 tài liệu và thực hiện phỏng vấn sâu 12 chuyên gia am hiểu về công nghệ trong ngành du lịch. Kết quả cho thấy, công nghệ thông minh có thể giúp thu hút khách du lịch để làm phong phú thêm trải nghiệm, quyết định mức độ hài lòng và làm gia tăng lượng khách, có tác động tích cực đến ý định quay lại của du khách.

Từ khóa: Công nghệ, Du lịch thông minh, Công nghệ du lịch thông minh, Tỉnh Bến Tre.

Abstract: The impact of the digital revolution and the rapid development supported by technological advances have had a dramatic impact on the entire value chain of the tourism industry. Technology is changing the way travel companies do business, the application of smart technologies in the field of tourism is considered an effective solution to improve business performance and increase customer satisfaction. customer satisfaction. To achieve this goal, the author reviewed more than 110 documents and conducted in-depth interviews with 12 tech-savvy experts in the tourism industry. The results show that smart technology can help attract tourists to enrich the experience, determine the level of satisfaction and increase the number of visitors, have an impact on the intention to return of tourists.

Keywords: Technologies, Smart tourism, Smart tourism technologies, Ben Tre Province.

1. GIỚI THIỆU

Ngành du lịch đã chứng kiến sự tăng trưởng ở cấp độ toàn cầu sau đại dịch COVID-19. Với tiềm năng du lịch tự nhiên phong phú và đa dạng, Bến Tre là một trong những nơi được khách du lịch trong nước và quốc tế lựa chọn là điểm đến của mình. Tuy nhiên, để phát triển ngành du lịch tại tỉnh Bến Tre một cách bền vững thì việc ứng dụng công nghệ thông minh trong lĩnh vực du lịch là cần thiết. Công nghệ thông minh giúp điểm đến du lịch nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên du lịch, thúc đẩy khai thác tối đa và phát triển bền vững tài nguyên du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân thường trú. Ngày càng có nhiều điểm thu hút du khách áp dụng các công nghệ thông minh, như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud computing), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), công nghệ thực tế ảo (VR), v.v, để làm phong phú thêm trải nghiệm du lịch cho du khách. Các điểm đến du lịch trở nên “thông minh” bằng cách triển khai công nghệ thông minh để tăng khả năng cạnh tranh. Khách du lịch sử dụng các công nghệ thông minh sẵn có để ra quyết định, chẳng hạn như sắp xếp kế hoạch du lịch trên điện thoại di động, tương tác với các khách du lịch khác và chia sẻ kinh nghiệm du lịch của họ. Công nghệ số và những cơ hội mà nó tạo ra sẽ giúp cho tỉnh Bến Tre trở thành điểm đến du lịch thông minh trong tương lai. Bài viết nhằm chỉ ra việc ứng dụng và phát triển công nghệ du lịch thông minh sẽ thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần đưa du lịch tỉnh Bến Tre phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.

2. CƠ SỞ LÝ LUẬN

2.1. Công nghệ du lịch thông minh

Công nghệ thông minh bao gồm các công nghệ và dịch vụ như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), liên lạc di động, thiết bị nhận dạng tần số vô tuyến (RFID), thiết bị thông minh, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), thanh toán di động, truyền thông di động, các trang mạng xã hội và các nền tảng liên quan đến du lịch. Công nghệ thông minh đã làm phong phú thêm trải nghiệm, sự hài lòng và ý định hành vi của khách du lịch (Li và cộng sự, 2021).

2.2. Du lịch thông minh

Theo Yalçınkaya và cộng sự, 2018: “Du lịch thông minh cần gắn với bảo vệ môi trường; hướng tới nâng cao nhận thức sử dụng các công nghệ tiên tiến, nhưng gắn với bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tái tạo”. “Du lịch thông minh là du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích và dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng” Lê Quang Đăng (2019).

2.3. Điểm đến du lịch thông minh

Điểm đến du lịch thông minh có thể được định nghĩa như sau: “một nền tảng đang triển khai các công nghệ thông tin và truyền thông như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây (Cloud computing) và Internet vạn vật (IoT), v.v. để cung cấp thông tin cá nhân hóa cho khách du lịch và các dịch vụ nâng cao được thiết lập bởi thiết bị di động của người dùng cuối” (Boes, 2015 ). Để làm cho một điểm đến du lịch trở nên thông minh, sự kết nối năng động của các bên liên quan thông qua các nền tảng công nghệ là yếu tố then chốt. Mục tiêu chính của các nền tảng này là tạo ra sự trao đổi thông tin nhanh chóng về tất cả các hoạt động liên quan đến du lịch.

Một điểm đến du lịch thông minh được xây dựng trên cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến nhất, đảm bảo sự phát triển bền vững của các khu du lịch, mọi người đều có thể tiếp cận và tạo điều kiện cho du khách hòa nhập với môi trường, nâng cao chất lượng trải nghiệm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của công nghệ đối với việc tích hợp chúng vào cơ sở hạ tầng vật chất của các điểm đến. Do đó, việc sử dụng công nghệ thông tin là yêu cầu tất yếu của các hình thức du lịch mới. Tác động của chuỗi khối đối với ngành du lịch sẽ mang lại sự tin cậy để đánh giá các sản phẩm du lịch thông qua việc sử dụng các hình thức đánh giá.

3. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu của Lê Quang Đăng (2019) cho rằng công nghệ thông tin tạo ra những giá trị, lợi ích và dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch và cộng đồng.

Với nội dung nghiên cứu về tác động của cuộc cách mạng kỹ thuật số trong lĩnh vực du lịch. Nghiên cứu của Nikmah (2019), mô tả tác động của công nghệ số trong lĩnh vực du lịch đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ chuỗi giá trị của ngành du lịch, nâng cao trải nghiệm của du khách, thay đổi quy trình tiếp thị, hỗ trợ quá trình cá nhân hóa sản phẩm và cải thiện dịch vụ du lịch. Công nghệ số tạo ra trải nghiệm cho du khách làm tăng sự hài lòng của khách du lịch.

Nghiên cứu của Natalia Natocheeva và cộng sự (2021) đề cập đến sự phát triển của số hóa trong lĩnh vực du lịch. Nhóm tác giả chỉ ra rằng công nghệ số trở thành nguồn lợi thế cạnh tranh của các tổ chức du lịch và các điểm đến du lịch.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và thực hiện phỏng vấn sâu 10 chuyên gia, trong đó có 5 chuyên gia đang giữ vị trí lãnh đạo trong các công ty du lịch am hiểu về công nghệ thông minh,3 chuyên gia đang giữ chức vụ quản lý của chính quyền địa phương và 2 chuyên gia về công nghệ thông tin.

4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Từ kết quả phỏng vấn, các chuyên gia cho rằng công nghệ thông minh giúp các điểm đến cũng như các công ty du lịch bắt kịp với nhu cầu thực tế thị trường đang thay đổi và điều chỉnh theo môi trường phát triển của công nghệ toàn cầu. Ứng dụng công nghệ du lịch thông minh trong hoạt động kinh doanh, nhằm cung cấp những trải nghiệm du lịch du khách. Sự phát triển du lịch thông minh sẽ thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần đưa du lịch tỉnh Bến Tre phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đọc thêm:  Tổng quan và ứng dụng thực tiễn công nghệ trong phát triển du lịch thông minh

5. ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ DU LỊCH THÔNG MINH VÀO ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH THÔNG MINH

5.1. Trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence)

Theo Lai và Hung (2018), trí tuệ nhân tạo (AI) được định nghĩa là một tập hợp các công nghệ có thể bắt chước trí thông minh của con người trong quá trình giải quyết vấn đề. AI cố gắng đạt được kết quả hoặc suy nghĩ tương tự như con người nhưng thông qua các cơ chế khác nhau. Trí tuệ nhân tạo là sự phát triển của các hệ thống máy tính có thể thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động đòi hỏi trí thông minh của con người (Russell và Norvig, 2016).

Ứng dụng AI trong ngành du lịch như chatbot và trợ lý giọng nói, ứng dụng thực tế ảo, robot, trí tuệ nhân tạo trong Google Maps, công cụ dự báo, ứng dụng dịch ngôn ngữ. AI đã trở nên quan trọng trong ngành công nghiệp du lịch vì nó được sử dụng để hỗ trợ và giao tiếp với khách hàng, đồng thời nâng cao chất lượng tương tác. Chatbots và trợ lý giọng nói cho phép khách hàng tham gia vào một cuộc trò chuyện thường liên quan đến tìm kiếm thông tin bằng cách sử dụng ngôn ngữ tự nhiên NLP (Natural Language Processing); nhận dạng giọng nói như Apple Siri, Google Assistant, Microsoft Cortana và dưới dạng chatbot văn bản trong các trang web.

Có các yếu tố khác ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch, lữ hành, các yếu tố bao gồm tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng chung, cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch điểm đến. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp con người và dễ dàng giải quyết các yêu cầu của khách hàng bằng cách cung cấp thông tin kịp thời về các yếu tố chính như tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng chung, cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch điểm đến, v.v.

Từ góc độ khách hàng, AI giúp du khách tìm thấy thông tin tốt hơn và phù hợp hơn, mang lại cho họ khả năng di chuyển cao hơn, cải thiện quá trình ra quyết định và cuối cùng là mang lại trải nghiệm du lịch tốt hơn (Tussyadiah và Miller 2019). Từ góc độ kinh doanh, AI có thể được sử dụng trong hầu hết mọi khía cạnh của quản lý (Buhalis và cộng sự 2019), đặc biệt là trong việc thúc đẩy và năng suất, trí tuệ nhân tạo cũng được kỳ vọng sẽ khuyến khích du lịch bền vững hơn bằng cách tác động đến khách hàng (Tussyadiah và Miller 2019).

5.2. Chuỗi khối (Blockchain)

Ra đời vào những năm 1990, công nghệ chuỗi khối cho phép các tổ chức tự động hóa quy trình cao hơn trong tổ chức. Đặc biệt, chuỗi khối tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra một cơ sở dữ liệu lớn bao gồm một tập hợp các ‘khối’ (mỗi khối có thể chứa một hoặc nhiều giao dịch) được kết nối với nhau và phân phối qua mạng ngang hàng: để thực hiện, mọi giao dịch phải được kiểm soát và phê duyệt theo một cách nào đó (Baggio và Fuchs, 2018).

Công nghệ chuỗi khối đã được áp dụng trong lĩnh vực du lịch và các ứng dụng của nó có thể giảm bớt các giao dịch giữa các bên đang được phát triển chủ yếu do tầm quan trọng của vai trò trung gian. Hơn nữa, việc áp dụng “hợp đồng thông minh”, một chuỗi khối có thể được sử dụng để quản lý các giao dịch làm giảm nhu cầu của các bên trung gian khác (Nam và cộng sự 2019). Bên cạnh sự thành công của các chuyển đổi kỹ thuật số khác, việc triển khai công nghệ chuỗi khối mang lại những lợi ích đáng kể như giảm chi phí cơ sở hạ tầng, truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch, tăng doanh thu, giảm rủi ro, tạo cơ hội kinh doanh mới và tập trung hơn vào khách hàng.

Du lịch là một trong những ngành công nghiệp được hưởng lợi nhiều từ sự đổi mới công nghệ (Hassi, 2019). Đến nay Blockchain đã có những ứng dụng thực tế trong một số lĩnh vực kinh tế, nhờ khả năng giải quyết một số vấn đề do sự phát triển nhanh chóng của quá trình số hóa đang diễn ra, trong lĩnh vực du lịch bị tụt hậu so với các lĩnh vực khác. Lợi ích của việc triển khai công nghệ chuỗi khối trong du lịch như: tiết kiệm thời gian thực hiện các thủ tục; giảm sự chậm trễ liên quan đến việc trao đổi thông tin; giảm chi phí quản lý, kiểm soát và bảo vệ dữ liệu; giảm lỗi và sự can thiệp của con người trong việc quản lý dữ liệu và thiết lập các động lực quan hệ mới. Công nghệ chuỗi khối có thể có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của điểm đến.

Ngày nay, Blockchain đang được quan tâm rộng rãi trong lĩnh vực du lịch. Công nghệ chuỗi khối cho phép nhiều ứng dụng đa ngành tiềm năng tác động đến chuỗi cung ứng, vận chuyển, hợp đồng và thanh toán. Do đó, khả năng ứng dụng của nó mang lại nhiều cơ hội đa dạng cho các bên liên quan về du lịch để tái tạo lại ngành du lịch. Blockchain sẽ nâng cao trải nghiệm của khách du lịch vì nền tảng này hỗ trợ học tập qua trung gian công nghệ, vốn là sự liên kết giữa các nhà khai thác du lịch và khách du lịch. Cá nhân hóa thông minh các giải pháp thông qua công nghệ chuỗi khối có thể nâng cao trải nghiệm của khách du lịch. Với sự phát triển của du lịch thông minh hay các điểm đến thông minh.

Trong một nghiên cứu của Treiblmaier (2020) cho thấy Blockchain là một nguồn tài nguyên quan trọng đối với nhiều tổ chức du lịch vì nó có khả năng thay đổi cấu trúc thị trường. Tuy nhiên, đây vẫn là một công nghệ phức tạp vì nó đòi hỏi sự đầu tư nhất định của các tổ chức. Do đó, công nghệ này là một nguồn tài nguyên mới (quan trọng) chỉ dành cho những tổ chức có khả năng khai thác nó vì lợi ích của chính họ, đặc biệt là trong lĩnh vực như du lịch. Công nghệ chuỗi khối đảm bảo thông tin an toàn, minh bạch và đảm bảo các thông tin đến được với tất cả các bên liên quan. Bằng cách này, các nhà điều hành tour du lịch có thể đồng thời cải thiện dịch vụ của họ và làm phong phú thêm dịch vụ của điểm đến du lịch (Baralla và cộng sự, 2019). Joo và cộng sự (2021) đã nghiên cứu công nghệ chuỗi khối và các hợp đồng thông minh liên quan trong lĩnh vực du lịch bền vững và xác định các cơ hội tốt nhất để đổi mới các công ty hiện có. Tính hữu ích của chuỗi khối để cải thiện tính minh bạch và an toàn của hoạt động du lịch, lòng tin của khách hàng và giảm chi phí giao dịch. Một số ứng dụng của chuỗi khối trong du lịch được triển khai để tăng thêm giá trị cho ngành như lòng trung thành của khách du lịch, đạt được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, tiếp cận khách hàng tiềm năng mới và cải thiện nhận thức về thương hiệu trong mắt họ, do đó củng cố mối liên kết giữa khách du lịch và điểm đến.

5.3. Dữ liệu lớn (Big Data)

Dữ liệu lớn là một thuật ngữ mô tả các bộ dữ liệu lớn, không có cấu trúc và phức tạp và yêu cầu công nghệ tiên tiến và độc đáo để lưu trữ, quản lý, phân tích và trực quan hóa dữ liệu (Gunther và cộng sự, 2017). Dữ liệu lớn có thể đưa ra những suy luận và có nhiều thông tin liên quan đến hành vi và hoạt động của con người nhằm mang lại những lợi ích cho ngành du lịch (Xu và Whitmarsh, 2020).

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc lưu trữ, xử lý và phân tích dữ liệu trong ngành du lịch ngày càng trở nên quan trọng. Big data đã thâm nhập vào lĩnh vực du lịch, thiết lập một nền tảng dữ liệu lớn cho cơ chế phản hồi và dự đoán du lịch khu vực bằng cách sử dụng điện toán đám mây và chức năng lưu trữ đám mây. Đặc điểm của dữ liệu lớn là khối lượng dữ liệu khổng lồ, tốc độ phát triển nhanh, nguồn rộng và đa dạng. Dữ liệu khổng lồ của chuỗi ngành du lịch được lưu trữ và phân tích để đưa ra các đề xuất cho các bên liên quan như doanh nghiệp liên quan đến du lịch, chính phủ, khách du lịch, v.v., rất hữu ích để chia sẻ thông tin du lịch, thúc đẩy phát triển nhanh ngành du lịch và điểm đến du lịch.

Dữ liệu lớn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ du lịch truyền thống sang du lịch thông minh. Do đó, chìa khóa để cải thiện trải nghiệm của khách du lịch là xử lý lượng thông tin khổng lồ của du khách thông qua công nghệ dữ liệu lớn như: hành vi của du khách, ghi lại thông tin về nhu cầu và sở thích của khách du lịch, nắm bắt thói quen tiêu dùng của khách du lịch, các thông tin liên quan đến không gian và thời gian của du khách được tổng hợp tự đặt phòng trực tuyến hoặc từ mạng xã hội. Việc nắm bắt về di chuyển của du khách tại điểm đến và các yếu tố ảnh hưởng đến họ cho phép các nhà quản lý du lịch giải quyết hoặc ngăn chặn tình trạng quá tải ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách và chất lượng cuộc sống của người dân.

Đọc thêm:  Du lịch thông minh trong bối cảnh công nghiệp 4.0

Ngoài ra, dữ liệu lớn có thể đo lường hoạt động của điểm đến, hành vi và trải nghiệm của du khách, như có thể ước tính số lượng khách đến và số lần lưu trú qua đêm, không phụ thuộc vào loại chỗ ở. Khả năng này cung cấp một số lượng chính xác hơn về lượng khách du lịch thực tế để thúc đẩy tính bền vững của du lịch cho phép hỗ trợ thống kê du lịch với những thông tin không thể thu thập được bằng các phương pháp truyền thống. Đây là trường hợp phân tích không gian rất hữu ích trong việc quản lý dòng khách du lịch để đảm bảo tính bền vững xã hội nhằm duy trì trải nghiệm du lịch chất lượng.

5.4. Internet vạn vật IoT (Internet of Thing)

Thuật ngữ “Internet vạn vật – IoT” được Kevin Ashton sử dụng lần đầu tiên vào năm 1999. IoT là mạng có thể kết nối với mọi thứ mọi lúc mọi nơi bằng các công nghệ RFID (nhận dạng tần số vô tuyến), WSN (mạng cảm biến không dây) và mạng truyền thông di động, theo một giao thức đã được thống nhất để xác định, định vị, theo dõi, giám sát và quản lý các đối tượng thông minh. Theo Sethi và Sarangi (2017), IoT được định nghĩa là một mô hình trong đó các đối tượng được trang bị cảm biến, bộ truyền động và bộ xử lý giao tiếp với nhau để phục vụ một mục đích có ý nghĩa.

Du lịch là một trong những lĩnh vực mà sự gia tăng của các ứng dụng IoT được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển. Một số ứng dụng IoT trong lĩnh vực du lịch như: công nghệ định vị địa lý: theo dõi vị trí và thông tin làm phong phú thêm trải nghiệm du lịch, từ lập kế hoạch tuyến đường đến sắp xếp chỗ ở và lập kế hoạch hành trình. Các thiết bị thông minh: giúp khách du lịch ghi lại thời gian, tốc độ, bước đi, khoảng cách, vị trí, độ cao và cho phép giao tiếp tức thì với những người tương tự trên đường đi hoặc những người đã đăng ký vào cùng một địa điểm. Với việc sử dụng IoT, việc khai thác dữ liệu du lịch sẽ cho phép các đại lý du lịch hoặc công ty lữ hành cùng tạo ra các gói du lịch, các điểm tham quan và trải nghiệm phù hợp hơn với du khách nhằm nâng cao lòng trung thành và thu hút du khách. Ví dụ, trong trường hợp có nhiều người nhập cảnh hoặc xuất cảnh khỏi một quốc gia, các thiết bị đầu cuối liên lạc tại sân bay có thể được liên kết bằng cách sử dụng IoT để xử lý, phân tích và cho phép hoặc từ chối nhập cảnh hoặc xuất cảnh cho nhiều cá nhân cùng một lúc. Nó giúp ngăn chặn hành vi trốn thoát do lỗi của con người và tự động chia sẻ thông tin để ra quyết định giữa hải quan và cơ quan xuất nhập cảnh. Đối với khách du lịch, điều này có nghĩa là quy trình xác minh được diễn ra suôn sẻ và nhanh hơn, dẫn đến ít trường hợp lỡ chuyến bay hơn và thời gian quá cảnh tại sân bay ngắn hơn.

Ngày càng có nhiều điểm đến du lịch sử dụng công nghệ và giải pháp mới để quảng bá sản phẩm và dịch vụ của họ. IoT là một cơ hội tuyệt vời cho ngành du lịch nhằm tăng sự hài lòng của du khách, phục vụ khách hàng tốt hơn, đồng thời giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động của điểm đến.

5.5. Hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System)

Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là tập hợp phần cứng máy tính, phần mềm, dữ liệu địa lý và người dùng được tổ chức hợp lý, được thiết kế để cho phép thu thập, lưu trữ, tổ chức, thao tác, phân tích và hiển thị không gian địa lý và tất cả các thông tin khác mà người dùng quan tâm một cách hiệu quả (Cvetkovic và Jovanović, 2016).

GIS có thể sử dụng khả năng tích hợp, lưu trữ và xử lý các loại dữ liệu khác nhau, định tính và định lượng, không gian và phi không gian, cũng như trực quan hóa như: đánh giá tác động của du khách, tạo hệ thống quản lý thông tin du lịch, thông tin về các di sản văn hóa, thông tin bản đồ cho khách du lịch vốn không thể tìm thấy trên các trang web. Sử dụng GIS để quản lý luồng khách trong quá trình lập kế hoạch tuyến đường, GIS được sử dụng trong phân tích và trực quan hóa các chuyến đi bao gồm việc đến các điểm đến khác nhau. Các chuyến thăm tới nhiều điểm đến bao gồm khía cạnh không gian (bản thân các điểm đến) và khía cạnh thời gian (thời lượng của chuyến thăm) và loại phương tiện giao thông giữa các điểm đến và đặc điểm của cung và cầu ở tất cả các điểm đến. Các yếu tố này có thể được phân tích hiệu quả bằng cách sử dụng GIS.

GIS ứng dụng trong lĩnh vực tiếp thị du lịch, với sự trợ giúp của phân tích không gian địa lý và GIS có thể xác định các khu vực để phân tích người tiêu dùng, có lợi thế là một khu vực như vậy được thiết lập theo người tiêu dùng, có thể đáp ứng mong đợi của một nhóm khách du lịch không đồng nhất. Những kết quả này có thể dẫn đến việc sử dụng GIS không chỉ trong quản lý và lập kế hoạch du lịch tại điểm đến mà còn bằng cách sử dụng các hoạt động tiếp thị hướng tới các khu vực đó, các sản phẩm phù hợp có thể được cung cấp cho khách du lịch tiềm năng tương ứng, điều này sẽ giúp giảm chi phí tiếp thị.

Sử dụng GIS trong giám sát và phân tích các chỉ tiêu phát triển du lịch bền vững, với cấu trúc phức tạp của hệ thống du lịch đòi hỏi phải có cách tiếp cận đa ngành trong quá trình lập kế hoạch phát triển du lịch bền vững. Vấn đề giám sát tác động của du lịch, quản lý sự di chuyển của khách du lịch, tiếp thị du lịch, lập kế hoạch có sự tham gia, quản lý tài nguyên văn hóa và phát triển các hệ thống hỗ trợ quá trình ra quyết định là những vấn đề khó khăn trong hoạch định chính sách triển du lịch. Nhà hoạch định tại điểm đến sử dụng GIS trong lập kế hoạch phát triển du lịch bền vững và trong quá trình thực hiện kế hoạch đòi hỏi phải xây dựng các chỉ số cụ thể đo lường mức độ phát triển du lịch bền vững tại điểm đến và GIS có thể giám sát và phân tích các chỉ tiêu phát triển du lịch bền vững một cách hiệu quả. Ngoài ra công nghệ GIS là một công cụ mạnh mẽ trong việc định vị, giải thích và bảo tồn các di tích lịch sử đồng thời phát hiện ra nhiều địa điểm du lịch mới mà chỉ có thể thực hiện được thông qua việc sử dụng hình ảnh radar, có thể phát hiện những thay đổi về địa hình, ngay cả ở những khu vực bị mây che phủ vĩnh viễn.

5.6. Công nghệ thực tế ảo VR (Vitural Reality) và thực tế tăng cường AR (Augmented Reality)

Công nghệ thực tế ảo (VR) là do máy tính tạo ra mang đến cho mọi người cảm giác rằng họ đang được chuyển từ một thế giới thực sang thế giới đến một thế giới của trí tưởng tượng. Công nghệ VR cung cấp môi trường mà con người có thể tương tác với các mô phỏng của thế giới thực, tạo môi trường nơi mọi người có thể trải nghiệm và tương tác với các mô phỏng sự kiện hoặc xây dựng các kịch bản hư cấu. Hobson và Williams (1995).

Thực tế tăng cường AR nổi lên như một lĩnh vực mới của công nghệ máy tính và thực tế ảo vào cuối những năm 90. Các quan điểm trực tiếp hoặc gián tiếp trong thế giới thực và vật chất, nơi các yếu tố do máy tính tạo ra được tăng cường bằng đầu vào cảm giác, được gọi là thực tế tăng cường (Edwards và cộng sự, 2016). Các ứng dụng thực tế tăng cường là một trải nghiệm rất mới và hấp dẫn người dùng, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời.

Đọc thêm:  Công nghệ số và một số gợi ý đối với mô hình kinh tế chia sẻ cho ngành du lịch tỉnh Bến Tre

Tussyadia và cộng sự (2018) đã thực hiện hai nghiên cứu để phân tích cảm giác hiện diện trong quá trình hướng dẫn trực tuyến về một điểm đến du lịch ảnh hưởng như thế nào đến thái độ của họ đối với một chuyến thăm trong tương lai. Kết quả cho rằng cảm giác ở trong môi trường ảo làm tăng sự thích thú với trải nghiệm VR, cảm giác được ở đó cao hơn dẫn đến sự yêu thích và ưa thích hơn đối với điểm đến, đồng thời thay đổi thái độ tích cực dẫn đến ý định tham quan ở mức độ cao hơn.

Khi cả công nghệ AR và VR đang trở nên hoàn thiện, có nhiều ứng dụng hơn cho ngành du lịch xuất hiện. Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) là bước đột phá công nghệ giúp kích thích nhận thức thực tế. VR mô phỏng các kịch bản thực trong khi AR tập trung vào việc nâng cao nhận thức thực tế dựa trên vật lý thông qua các kết quả cảm giác do máy tính tạo ra. Cả VR và AR đều đã được áp dụng trong một số bối cảnh du lịch riêng biệt để cải thiện trải nghiệm của khách du lịch. Công nghệ VR có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, khám phá trải nghiệm du lịch ảo của khách hàng từ góc độ thu thập thông tin du lịch, các danh lam thắng cảnh do các trang web du lịch ảo cung cấp cho du khách có thể tạo điều kiện cho khách du lịch đến thăm các danh lam thắng cảnh.

Trong ngành du lịch, AR mang đến nhiều cơ hội để gia tăng giá trị, cung cấp cho khách du lịch một cách mới và sáng tạo để khám phá những môi trường xung quanh chưa biết và việc sử dụng công nghệ đã được tích hợp vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Điều này đã có tác động đáng kể đến nhiều ngành du lịch, làm thay đổi hành vi du lịch, ra quyết định và tìm kiếm thông tin. Các đặc điểm độc đáo của công nghệ di động, ví dụ như tính phổ biến, tính linh hoạt, cá nhân hóa và phổ biến làm cho nó trở thành một công cụ hữu ích cho cả nhà cung cấp dịch vụ du lịch và người tiêu dùng. Do đó, số lượng các tổ chức du lịch khám phá tiềm năng ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm du lịch đã tăng lên.

6. KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP

Tác giải kiến nghị về việc ứng dụng một số công nghệ thông minh mới cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan trong ngành du lịch (Chính phủ, khách du lịch, doanh nghiệp và tổ chức điểm đến). Vấn đề quan trọng cần xem xét liên quan đến dữ liệu lớn (Big data) cho mục đích thống kê chính thức là nhu cầu hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và tư nhân. Đảm bảo quyền truy cập vào các nguồn dữ liệu lớn và tính liên tục của nó theo thời gian cũng là một trở ngại do các nhà khai thác mạng di động hoặc tổ chức nắm giữ không phải lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ chúng cho mục đích thống kê do sự không chắc chắn về pháp lý, không hài lòng của công chúng, v.v. cũng như việc thiếu xây dựng cơ sở hạ tầng cho công nghệ.

Là một trong những nơi thu hút du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với những tiềm năng du lịch hiện có, để Bến Tre trở thành một điểm đến du lịch thông minh, tác giả đưa ra một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông minh cũng như cơ sở hạ tầng cho du lịch bằng cách kêu gọi đầu tư cho phát triển du lịch bao gồm cả phần cứng và phần mềm.

Thứ hai, có chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ về công nghệ và năng lực quản lý để sử dụng các công nghệ thông minh trong việc khai thác và quản lý du lịch của tỉnh.

Thứ ba, tăng cường sự liên kết, hơp tác và phối hợp giữa các ngành cũng như vai trò của các doanh nghiệp du lịch trong phát triển du lịch thông minh.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông minh. Cần tuyên truyền, quảng bá cho người dân và du khách nhằm nâng cao nhận thức về gìn giữ môi trường du lịch, phát triển du lịch theo hướng thông minh, bền vững.

7. KẾT LUẬN

Nghiên cứu đã nêu rõ các ứng dụng của công nghệ thông minh trong lĩnh vực du lịch. Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để xác định các yếu tố công nghệ tác động như thế nào đối với sự phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Bến Tre. Nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp để triển khai công nghệ thông minh vào du lịch của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông minh vào lĩnh vực du lịch đã mang lại hiệu quả cao cho ngành như nghiên cứu đã nêu. Với tốc độ tăng trưởng du lịch khá ấn tượng hiện nay, việc ứng dụng công nghệ vào ngành du lịch góp phần đáng kể để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bến Tre.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt:

Lê Quang Đăng (2019). Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam. Truy cập tại: http://itdr.org.vn/nghien_cuu/cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-tien-trinh-phat-trien-du-lich-thong-minh-tai-viet-nam.

Tiếng Anh:

Baggio, R., & Fuchs, M. (2018). Network science and e-tourism. Information Technology & Tourism, 20(1-4), 97-102.
Baralla, G., Pinna, A., Tonelli, R., Marchesi, M., & Mannaro, K. (2019). A blockchain approach for the sustainability in tourism management in the Sulcis area. In Planning, nature and ecosystem services (pp. 904-919). FedOA Press (Federico II Open Access University Press).

Boes, K., Buhalis, D., & Inversini, A. (2015). Conceptualising smart tourism destination dimensions. In Information and Communication Technologies in Tourism 2015 (pp. 391-403). Springer International Publishing.

Buhalis, D., Harwood, T., Bogicevic, V., Viglia, G., Beldona, S., & Hofacker, C. (2019). Technological disruptions in services: lessons from tourism and hospitality. Journal of Service Management.

Cvetkovic, M., & Jovanovic, S. S. (2016). The application of GIS technology in tourism. Quaestus,

(8), 332.
Edwards-Stewart, A. & Hoyt, T. & Reger, G. (2016). Classifying Different Types of Augmented Reality Technology. Annual Review of Cyber Therapy and Telemedicine, 14, 199-202.

Nikmah Suryandari (2019). Digital Revolution and the Development of Tourism BusinessAdvances in Social Science, Education and Humanities Research, volume 423.

Gunther, W., Mehrizi, M. R., Huysman, M., & Feldberg, F. (2017). Debating big data: A literature review on realizing value from big data. Journal of Strategic Information, 26(3), 191-209. https:// doi.org/10.1016/j.jsis.2017.07.003.

Hassi, A. (2019). Empowering leadership and management innovation in the hospitality industry context: The mediating role of climate for creativity. International Journal of Contemporary Hospitality Management.

Hobson, J.S.P., and Williams, A.P. (1995), “Virtual reality: a new horizon for the tourism industry”,

Journal of Vacation Marketing, Vol.1 No.2,pp.124-135.

International Air Transport Association (IATA) (2018) Blockchain in Aviation – White Paper, Montréal International Data Corporation (2019) Worldwide Semiannual Blockchain Spending Guide. https:// www. idc.com/tracker/showproductinfo.jsp?prod_id=1842.

Joo, J., Park, J., & Han, Y. (2021). Applications of blockchain and smart contract for sustainable tourism ecosystems. In Evolutionary Computing and Mobile Sustainable Networks: Proceedings of ICECMSN 2020 (pp. 773-780). Springer Singapore.

Lai, W. C., & Hung, W. H. (2018). A framework of cloud and AI based intelligent hotel.

Li, X. J., Li, Z. R., Song, C. Y., Lu, W. L., & Zhang, Q. (2021). Research on the influence mechanism of Virtual Tourism Behavior Based on planned behavior theory. Tour. Trib, 36, 15-26.

Nam, K., Dutt, C. S., Chathoth, P., & Khan, M. S. (2019). Blockchain technology for smart city and smart tourism: latest trends and challenges. Asia Pac J Tour Res: 1-15.

Natalia Natocheeva và cộng sự (2021), Digital Technologies as a Driver for the Development of The Tourism Industry. The 1st International Conference on Business Technology for a Sustainable Environmental System (BTSES-2020).

Russell, S. and Norvig, P. (2016), Artificial Intelligence: A Modern Approach, Pearson, New York, NY.

Sethi, P. & Sarangi, S.R. (2017), “Internet of things: architectures, protocols, and applications”, Journal of Electrical and Computer Engineering, Vol. 2017, pp. 1-25. https://doi.org/10.1155/2017/9324035.
Tussyadiah, I., & Miller, G. (2019). Perceived impacts of artificial intelligence and responses to positive behaviour change intervention. In Information and Communication Technologies in Tourism 2019: Proceedings of the International Conference in Nicosia, Cyprus, January 30-February 1, 2019 (pp. 359-370). Springer International Publishing.

Treiblmaier H. (2020). “Blockchain and Tourism”. In: Xiang Z., Fuchs M., Gretzel U., Ho¨pken W.

(eds) Handbook of e-Tourism. Springer, Cham. DOI: https://doi.org/10.1007/978-3-030-05324-6 28-1.

Xu, F., & Whitmarsh, L. (2020). Big data or small data? A methodological review of sustainable tourism. Journal of Sustainable Tourism, 28(2), 144-163. https://doi.org/10.1080/09669582.2019.16 31318.

Yalçınkaya, P., Atay, L., & Korkmaz, H. (2018). An evaluation on smart tourism. China-USA Business Review, 17(6), 308-315.

Tìm kiếm thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên VNEconomics

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết mới nhất từ VNEconomics Academy

VNEconomics là một dự án với mục đích chia sẻ những tri thức hữu ích về Kinh tế – Nghiên cứu khoa học và Công nghệ, đặc biệt là những kiến thức về Blockchaintiền mã hóa (một lĩnh vực rất mới mẻ) tới đối tượng là các bạn sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và những cá nhân khác quan tâm tới những lĩnh vực này.

👉Tham gia cộng đồng của VNEconomics tại:
Website: https://vneconomics.com/
Facebook: https://www.facebook.com/vneconomics/
Telegram: https://t.me/BlockchainDEco
Linked In: https://www.linkedin.com/company/vneconomics/
Twitter: https://twitter.com/ThanhTung78

- Quảng cáo -

Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Đăng ký nhận bài viết và khóa học miễn phí​

Danh mục đầu tư của VNEs

Danh mục sản phẩm

Những nội dung hữu ích ngành Blockchain & Tiền mã hóa
Recent Posts