ỨNG DỤNG DU LỊCH THÔNG MINH TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG
TS. Bùi Văn Thời
Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Email: bvthoi@ntt.edu.vn.
TS. Trần Đình An
Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Email: tdan@ntt.edu.vn
Tóm tắt: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trên thế giới hiện nay, các lĩnh vực, ngành nghề đã lĩnh hội được rất nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật của thời đại kỷ nguyên số. Trên nền tảng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Du lịch thông minh đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các nước phát triển. Trong thời kỳ chuyển đổi số tại Việt Nam, các cơ quản lý, doanh nghiệp du lịch, nguồn nhân lực trong du lịch, du khách đã tận hưởng nhiều thuận tiện, sự tiến bộ và hiện đại của nền công nghệ mới tuy vẫn tồn tại một số khó khăn. Bài viết đã tổng hợp, phân tích và trao đổi về du lịch thông minh trong giai đoạn chuyển đổi số của ngành du lịch trên thế giới và Việt Nam nhằm tham khảo trong việc phát triển kinh tế du lịch của các đại phương, đặc biệt là tỉnh Bến Tre – địa phương tiềm năng phát triển kinh tế du lịch rất lớn.
Từ khóa: Cách mạng Công nghiệp 4.0, Chuyển đổi số, Du khách, Du lịch, Du lịch thông minh.
Abstract: Along with the strong development of the Industrial Revolution 4.0 in the world today, the fields and professions have received a lot of scientific and technical achievements of the digital era. On the basis of the Industrial Revolution 4.0, Smart Tourism is developing strongly in many countries, especially in developed countries. In the period of digital transformation in Vietnam, management agencies, tourism businesses, human resources in tourism, tourists have enjoyed many conveniences, progress and modernity of new technology, although still exist. at some difficulty. The article has summarized, analyzed and discussed about smart tourism in the digital transformation period of the tourism industry in the world and in Vietnam for reference in developing the tourism economy of the localities, especially is Ben Tre province – a locality with great potential for tourism economic development.
Keywords: Industry 4.0, Digital transformation, Tourists, Tourism, Smart tourism.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu và một phần châu Á. Nó được nảy sinh từ sự kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Các yếu tố cốt lõi của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 này gồm các lĩnh vực chính như Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), Vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT), Dữ liệu lớn (Big data), Công nghệ in 3D, Xe tự hành, Vật liệu nano (Hưng, 2017). Lĩnh hội từ các thành tựu nền công nghệ số từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, sự chuyển đổi số cho du lịch thông minh bắt đầu phát triển nở rộ.
Giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã bắt đầu khởi sắc. Kể từ đầu năm 2022, lượng khách du lịch của quốc tế và trong nước đã phục hồi trở lại, sự tăng trưởng của du khách quốc tế có chiều hướng gia tăng rõ rệt. Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh hàng tháng, đạt 933 nghìn lượt khách trong 02/2023. Tổng 2 tháng đầu năm 2023, số lượng du khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt, cao gấp 36,6 lần so với cùng kỳ 2022 (Hình 1).

(Nguồn: TCDL(1), 2023)
Sự tăng trưởng của thị trường khách du lịch quốc tế đầy triển vọng. Tình hình khách du lịch quốc tế quý 1 năm 2023 của tốp 10 quốc gia có số lượt gửi du khách hàng đầu đến Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu số lượng khách du lịch đến Việt Nam lớn nhất với 811 nghìn lượt, Mỹ xếp thứ 2 (207 nghìn lượt), Thái Lan xếp thứ 3 (145 nghìn lượt), Trung Quốc đã vươn lên ở vị trí thứ 4 (140 nghìn lượt). Kế đến là Đài Loan (132 nghìn lượt), Nhật (117 nghìn lượt), Malaysia (115 nghìn lượt), Úc (97 nghìn lượt), Campuchia (96 nghìn lượt) và Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 10 (83 nghìn lượt) (Hình 2).

(Nguồn: TCDL(2), 2023)
Thị trường khách du lịch trong nước với số lượng nhiều đáng kể, tăng mạnh vào các dịp Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các đợt nghỉ lễ lớn như 30/04, 01/05, Giỗ tổ Hùng Vương,… Tổng 2 tháng đầu năm 2023, số lượt khách du lịch nội địa đạt 20 triệu lượt (Hình 3).

(Nguồn: TCDL(1), 2023)
Với tiềm năng tăng trưởng du lịch mạnh mẽ của ngành công nghiệp du lịch mũi nhọn này, ngành du lịch Việt Nam luôn chào đón và sẵn sàng mang lại cho du khách quốc tế và trong nước những sản phẩm và dịch vụ mới mẻ, hấp dẫn cùng với những ứng dụng thông minh được lĩnh hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
2. CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH
Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tác động lớn đến sự chuyển đổi số của hầu hết các lĩnh vực ngành nghề. Theo Microsoft định nghĩa: “Chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới”. Còn theo Gartner – Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”.
Chuyển đổi số trong ngành du lịch chính là việc tiến hành chuyển dịch từ mô hình kinh doanh và tiếp thị truyền thống sang mô hình kinh doanh hiện đại hơn nhằm tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách du lịch theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu. Vì thế, du khách được trải nghiệm những dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí thuận tiện, đẳng cấp và đáng nhớ (FSI, 2023).
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn được nhiều bộ ngành quan tâm đến sự phát triển đúng hướng như chỉ đạo từ Nghị quyết 08-NQ/TW (16/01/2017) của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên tinh thần đề cập đến các giải pháp đột phá, đặc biệt là cơ sở hạ tầng du lịch, xúc tiến và quảng bá du lịch, vệ sinh môi trường, huy động nguồn lực đầu tư để phát triển du lịch, các chính sách thị thực “visa”,… (TVPL(1), 2023). Nhiều chỉ thị từ Thủ tướng Chính phủ, bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch,… được ban hành để tiếp cận công nghệ số từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm phát triển kinh tế du lịch.
Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Chị thỉ đề cập sự ưu tiên phát triển du lịch thông minh là một giải pháp để chủ động nắm bắt cơ hội và giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam (Chinhphu.VN, 2017).
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”. Đề án nhấn mạnh rằng cần ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh ở Việt Nam (TVPL(1), 2018).
Ngày 21/12/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” tại Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL. Sự tiếp cận công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, tích hợp và ứng dụng các phân hệ chức năng cụ thể nhằm khai thác các thông tin từ hệ thống dữ liệu du lịch, đáp ứng mục đích của nhiều chủ thể sử dụng trong hệ sinh thái du lịch thông minh. Từ đó, phát triển các dịch vụ du lịch, hỗ trợ xây dựng chương trình du lịch, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến; tư vấn thông tin chỉ dẫn cho du khách, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch. Mục tiêu chính của đề án này: (i) Đến năm 2025, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong phát triển đô thị thông minh bền vững,… (ii) Định hướng đến năm 2030, phát triển du lịch thông minh đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (TTTTDL, 2022).
Ngày 02/03/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành quyết định Số 440/QĐ-BVHTTDL về “Phê duyệt chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030”. Quyết định đề cập về tổ chức chương trình truyền thông du lịch trên nền tảng số với nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, “Đổi mới phương thức, công cụ, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch. Xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch marketing kỹ thuật số cần có sự gắn kết với kết quả phân tích, đánh giá dữ liệu thực tế. Tập trung đầu tư marketing, xây dựng cơ chế phát triển, phân phối nội dung, các sản phẩm sáng tạo và cơ sở dữ liệu phục vụ các hoạt động marketing du lịch” (TVPL(2), 2023).
Năm 2022, bước vào giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, toàn dân và toàn diện với Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Chương trình thúc đẩy chiến lược nền tảng số quốc gia sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch (chinhphu.VN(2), 2022).
Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển” diễn ra vào ngày 15/3/2023. Hội nghị đã đánh giá việc quyết định mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trở lại từ 15/3/2022 là bước chuyển đúng đắn cùng những giải pháp ứng phó với dịch bệnh, thích ứng linh hoạt, an toàn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tròn một năm qua (Trang.K. 2023).
Sự tiếp cận ứng dụng nền tảng số được đặc biệt quan tâm từ các Chính phủ và các bộ ngành liên quan cho sự phát triển kinh tế du lịch của nước ta trong thời kỳ phát triển nổi bật của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhằm phát triển du lịch thông minh theo xu hướng của toàn cầu.
3. ỨNG DỤNG DU LỊCH THÔNG MINH
Từ giai đoạn hậu Covid-19, sự tăng trưởng du lịch một cách vượt bậc, đặc biệt là khách du lịch nội địa trong năm qua là điểm sáng, khẳng định sự phát triển chung của toàn ngành du lịch Việt Nam.
Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2022 phục vụ 65 triệu lượt khách, gồm 60 triệu lượt khách nội địa và 5 triệu lượt khách quốc tế. Thực tế, Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của khách nội địa 2022, đạt 101,3 triệu lượt, tăng 168,3% so với kế hoạch. Riêng khách quốc tế chỉ đạt 3,66 triệu lượt (đạt 73,2%) so với mục tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân như khách còn e ngại ảnh hưởng dịch Covid-19, sự mở cửa đón khách trễ,…
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, 102 triệu khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế. Trong 2 tháng đầu năm (tháng 01 và 02/2023), lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022; khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng. Với sự tăng trưởng này, ngành du lịch Việt Nam có thể sớm đạt được mục tiêu số lượt du khách năm 2023.
Với tiềm năng phát triển ngành du lịch thông minh trong thời kỳ kỷ nguyên số, Việt Nam đã và đang tiếp cận chuyển đổi số từng bước, ứng dụng công nghệ mới để phát triển du lịch thông minh theo chủ trương của chính phủ và các bộ ngành liên quan.
3.1. Triển khai du lịch thông minh ở Việt Nam
Theo chỉ đạo của Chính phủ và bộ ngành liên quan đến ngành kinh tế du lịch mũi nhọn của Việt Nam, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn đã và đang triển khai ứng dụng các thành tựu từ nền công nghiệp 4.0. Các cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch thực hiện chuyển đổi số để thích ứng cho du lịch thông minh trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay. Sự chuyển đổi số này liên quan đến nhiều yếu tố từ sự đồng bộ hệ thống dữ liệu số trong lĩnh vực du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế tiếp cận công nghệ mới để phát triển du lịch thông minh. Bên cạnh đó, sự tăng cường ứng dụng các công cụ truyền thông trong marking 4.0, các doanh nghiệp lữ hành và khách du khách có nhiều cơ hội để tiếp thị sản phẩm và dịch vụ, chọn sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp và trải nghiệm an toàn và hiệu quả sản phẩm du lịch (TTTTDL(2), 2022).
3.1.1. Phát triển hệ thống dữ liệu số trong lĩnh vực du lịch
Phát triển hệ thống dữ liệu số, cơ sở dữ liệu ngành du lịch trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) nhằm xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh, chuẩn hóa dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý, phục vụ khách du lịch, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Kết nối, chia sẻ hệ thống thông tin về du lịch từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch,… Nhờ đó, hệ thống dữ liệu hỗ trợ khách du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến thông minh và quản lý doanh nghiệp thông minh. Từ đây, thiết lập cổng thông tin du lịch online đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch và thông tin cần thiết khác; tích hợp các ứng dụng tiện ích hỗ trợ khách du lịch, các chủ thể liên quan đến du lịch. Số hóa là bước quan trọng đầu tiên, làm cơ sở cho việc chuyển đổi số trong du lịch trên toàn cầu hiện nay (baochinhphu.vn, 2022).
Hiện tại, các địa phương trên cả nước đã đồng loạt triển khai và áp dụng nhiều ứng dụng chuyển đổi số nhằm thích ứng xu thế phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động ngành du lịch (FSI, 2023).
Tại Hà Nội, cổng thông tin điện tử du lịch Hà Nội với nhiều ứng dụng du lịch thông minh, bản đồ du lịch số đã được vào ứng dụng trên thiết bị thông minh. Hệ thống dữ liệu của trên 300 điểm du lịch trên địa bàn đã được thống nhất và liên kết với nhau. Khách du lịch có thể tiếp cận thông tin thông minh đa phương tiện, họ có thể xem hình ảnh, xem clip và có thể vừa nghe đọc để khai thác trọn vẹn tiềm năng, thế mạnh của di sản văn hoá địa phương. Bên cạnh đó, trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360 độ (www.hoankiem360.vn) giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và trải nghiệm du lịch quận Hoàn Kiếm thông qua công nghệ ảnh 360 độ. Thêm vào đó, du lịch Thủ đô đã xây dựng bản đồ số về du lịch Hà Nội theo công nghệ GIS, phủ wifi miễn phí ở nhiều địa điểm công cộng như khu vực hồ Hoàn Kiếm, sân bay quốc tế Nội Bài,…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngành du lịch đã có những bước tiến lớn trong việc ứng dụng phần mềm du lịch thông minh trên hai nền tảng Android và IOS. Bên cạnh đó, công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch đã triển khai ứng dụng để tái hiện sinh động không gian thành phố nhìn từ trên cao, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị một cách trực quan, sinh động. Thành phố còn cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên trên nền tảng Google Earth và Google Map Traveloka.
thành phố Đà Nẵng cũng chuyển đổi số ngành du lịch với việc triển khai ứng dụng thực tế ảo VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng” vào cuối năm 2021. Du khách có thể trải nghiệm và khám phá các địa danh nổi tiếng tại Đà Nẵng thông qua ứng dụng với thuyết minh tự động hai ngôn ngữ Anh – Việt, hình ảnh 360 độ,… cùng với nhiều ứng dụng số khác nhằm nâng cao hoạt động phục vụ khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
3.1.2. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin
Phát triển hạ tầng công nghệ an toàn và kết nối internet tốc độ cao nhằm đáp ứng khả năng truyền tải và truy cập dữ liệu nhanh cho du khách. Đầu tư hệ thống hạ tầng thông tin đồng bộ, xây dựng và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại của các đơn vị đảm bảo cho việc triển khai phát triển du lịch thông minh, xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu số ngành du lịch giữa các cơ quan, đơn vị trong cả nước.
Tại Bắc Kạn, chuyển đổi số du lịch cũng đã và đang tiến hành, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số, triển khai thực hiện Đề án Du lịch thông minh. Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bắc Kạn có địa chỉ: http://dulichbackan.gov.vn va http://tourism.backan.-gov.vn với chức năng kết nối nhà quản lý, người dân, du khách và doanh nghiệp lữ hành. Ngành du lịch Thái Nguyên cũng đã số hóa và triển khai ảo hóa (VR) khu vực 16 điểm di tích và khu Trung tâm dịch vụ ATK Định Hóa lên bản đồ Map 4D (https://atk.vimap.vn).
3.1.3. Phát triển nguồn nhân lực
Vận hành công nghệ số cần xây dựng đội ngũ nhân lực có năng lực phù hợp cho việc triển khai phát triển du lịch thông minh. Nguồn nhân lực cần được nâng cao ky năng và bồi dưỡng kiến thức mới một cách toàn diện, trang bị những năng lực thích ứng với sự đổi mới sáng tạo, mang lại cơ hội bình đăng cho tất cả mọi người hưởng lợi từ ứng dụng công nghệ. Mỗi doanh nghiệp du lịch được xem là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, tạo làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào du lịch, phát triển các nền tảng số kết nối cung cầu du lịch. Đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo bậc đại học hoặc cao hơn trong ngành du lịch để phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch.
3.1.4. Hợp tác quốc tế
Cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế cho việc phát triển du lịch thông minh. Thêm vào đó, họ tham gia các diễn đàn quốc tế về phát triển du lịch thông minh để kịp thời nắm bắt các xu hướng mới của thế giới trong việc đánh giá, phát triển du lịch thông minh.
3.1.5. Truyền thông, quảng bá và marketing du lịch
Ứng dụng đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số như thiết lập các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu về phát triển du lịch thông minh. Tuyên truyền, thu hút sự tham gia tích cực của toàn ngành du lịch trong phát triển du lịch thông minh. Trước đây, các doanh nghiệp du lịch phải mất rất nhiều thời gian và phải trả một khoản kinh phí khá lớn cho quảng cáo trên truyền hình, báo, đài hoặc phát tờ rơi, bản đồ,… để quảng bá điểm đến. Ngày nay, thông qua ứng dụng các website thông minh, các nền tảng mạng xã hội, cộng đồng mạng và tổng đài ảo, giá thành chi phí quảng cáo, tiếp thị và thời gian dành cho nó đã giảm đi rất đáng kể. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số trong việc thu thập dữ liệu thông tin về khách hàng, ứng dụng “Truyền thông sở hữu” (Owned Media) chủ động tìm kiếm và thu hút khách du lịch, chi phí thấp, hiệu quả cao (An, 2022).
Ứng dụng internet kết nối vạn vật giúp người truy cập tìm hiểu các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới, kích thích nhu cầu đi du lịch của khách du lịch. Số hóa các cơ sở dữ liệu du lịch của mỗi địa phương, mỗi quốc gia đang được triển khai rộng rãi, mang lại tiện ích cho các nhà quản lý, nhà kinh doanh du lịch và du khách; Thêm vào đó, sử dụng hình ảnh, phim 3D, 4D tái dựng các sự kiện, di tích lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên và đưa lên internet, trình chiếu tại các điểm du lịch sẽ giúp cho tất cả du khách dễ dàng khám phá, tìm hiểu tài nguyên du lịch của mỗi địa phương, mỗi quốc gia.
3.1.6. Thương mại điện tử trong du lịch (E-tourism)
Xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch nhằm đẩy mạnh ứng dụng các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến để từng bước chuyển dần sang mô hình thương mại điện tử trong du lịch. Ứng dụng này đã làm giảm đáng kể nguồn lao động, rút ngắn thời gian làm việc, giảm giá thành các dịch vụ du lịch.
Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa nhiều tài nguyên du lịch lên trên nền tảng Google Earth và Google Map Traveloka bắt đầu ứng dụng đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee Tourism, Traveloka.
3.1.7. Trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho du khách
Cơ hội trải nghiệm của khách du kịch được thuận tiện và an toàn như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật,… Nhiều địa phương đã hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực,… tại các điểm du lịch. Bên cạnh đó, du khách có thể gửi phản ánh đến chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý trên hệ thống cải thiện dịch vụ du lịch.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai vận hành cổng thông tin 1022 nhằm cung cấp, hỗ trợ các thông tin về du lịch, cũng như giúp du khách tương tác với chính quyền để phản ánh chất lượng, an ninh du lịch tại Thành phố.
Hiện nay, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tiến hành xây dựng hệ thống các sản phẩm ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành du lịch. Trong đó, các ứng dụng du lịch Việt Nam – Vietnam Travel, ứng dụng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, trang vàng Du lịch Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam và the Du lịch thông minh được xem là những sản phẩm cốt lõi hỗ trợ thiết thực cho khách du lịch, hướng dân viên, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Ngoài ra, nhiều sản phẩm thông minh và tiện ích giúp đáp ứng tối ưu nhu cầu của người dùng, tiêu biểu như hệ thống quản lý phong tại các cơ sở lưu trú, hệ thống ve điện tử, hệ thống kiểm soát ra vào tự động, bãi đỗ xe thông minh, máy bán nước tự động,…
3.1.8. Chính sách visa
Cần triển khai xin thị thực “visa” online trên trang web chính thức của Chính phủ để tiện việc xin thị thực hay gia hạn visa. Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm thị thực “visa” trên web sẽ ghi nhận lại lịch sử hành trình. Hiện tại, số thời gian cho phép của visa quá ngắn cũng là rào cản du lịch.
Tóm lại, chuyển đổi số trong ngành du lịch với định hướng, chính sách từ Nhà nước, các cơ quan quản lý cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp làm du lịch, lữ hành, các cơ sở lưu trú;… đã góp phần nâng cao vị thế cũng như giá trị, hiệu quả ngành kinh tế này. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và du lịch không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho ngành du lịch cũng như du khách mà con tạo điều kiện cần thiết để hướng tới một ngành kinh tế thông minh và hiệu quả.
3.2. Du lịch thông minh của một số quốc gia
Hiện nay, sự cạnh tranh du lịch thông minh đang diễn ra nhộn nhịp trên quy mô toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai du lịch thông minh dưới nhiều hình thức khác nhau tạo nên những điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh du lịch. Sau đây là điển hình về du lịch thông minh của một số quốc gia.
Một trung tâm du lịch ở Trung Đông – thành phố Dubai lựa chọn công nghệ để quản lý du lịch, dịch vụ và tài nguyên. Dubai phát triển du lịch thông minh theo hướng tích hợp du lịch với mô hình thành phố thông minh nhằm kết nối du khách với hệ thống tài nguyên của thành phố thông minh cùng với hệ thống hạ tầng du lịch thông minh và công nghệ hóa triệt để các dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng, visa, hàng không,…
Trasmediterránea điều hành các chuyến phà chở khách và hàng hóa giữa lục địa Tây Ban Nha và Quần đảo Canary, Quần đảo Balearic và các lãnh thổ Tây Ban Nha ở phía bắc Châu Phi. Họ tập trung đặc biệt vào tính bền vững nhằm củng cố an ninh cho hành khách, đảm bảo kiểm soát danh tính và tăng cam kết về môi trường của công ty bằng cách sử dụng vé điện tử, loại bỏ nhu cầu in hơn 5 triệu vé giấy mỗi năm.
châu Á, nhiều điểm đến của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia đã đầu tư mạnh cho du lịch thông minh như áp dụng ví điện tử, mã QR (quick response code), dùng dấu vân tay để thanh toán dịch vụ, làm thủ tục sân bay, nhận phòng, trải nghiệm du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo,…
Singapore đã triển khai các giải pháp khuyến khích sự phát triển của các cộng đồng sáng tạo. Tại đây, khách du lịch có các ứng dụng thông báo về tỷ lệ tội phạm ở từng khu vực cụ thể và nhận thông báo về những người mất tích và các tổ chức khẩn cấp hoặc thông tin dựa trên vị trí địa lý của họ.
Tequila, ở bang Jalisco của Mexico cung cấp wifi miễn phí ở trung tâm lịch sử, có ứng dụng chứa thông tin về các sản phẩm và dịch vụ trong khu vực, đồng thời có hệ thống dữ liệu thông báo cho khách du lịch theo thời gian thực về các hoạt động giao thông và thương mại.
Thành phố Gothenburg của Thụy Điển đã thực hiện các biện pháp để đảm bảo an sinh cho các thế hệ tương lai, khuyến khích sự tham gia của người dân để trao đổi, chia sẻ hoặc thuê cư trú trong thành phố thông qua một bản đồ thông minh. Mặt khác, có một mô hình 3D để tham vấn cộng đồng, dự đoán tác động của sự phát triển trong tương lai và đưa ra quyết định cải thiện.
Ljubljana, thủ đô của Slovenia đã đặc biệt chú trọng đến tính bền vững tập trung vào việc chuyển đổi các địa điểm xuống cấp thành không gian công cộng. Nó cũng đã thúc đẩy việc mua các sản phẩm địa phương tại các khách sạn và nhà hàng. Thêm vào đó, họ tạo ra một trang web du lịch với nhiều nội dung và ứng dụng tập trung vào du lịch có trách nhiệm.
Copenhagen – thủ đô Đan Mạch đã đạt được những bước tiến lớn trong quá trình số hóa. Nó đã ra mắt dịch vụ du khách. Ở đó, khách du lịch có thể nhìn thấy mọi thứ mà thành phố cung cấp thông qua các biển quảng cáo di động, robot hoặc thực tế ảo.
4. MỘT SỐ KHÓ KHĂN CHÍNH CỦA DU LỊCH THÔNG MINH Ở VIỆT NAM
Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi năng lực cạnh tranh của các tổ chức du lịch rất cao. Để tăng cường sức cạnh tranh trong thời đại này, các doanh nghiệp phải thay đổi từ cách thức quản trị truyền thống sang cách thức quản trị thông minh. Ngoài việc mang lại những cơ hội rất lớn cho ngành du lịch Việt Nam từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, những thách thức không nhỏ trong thời kỳ chuyển đổi số như thách thức về hoạt động số hoá còn rời rạc, chưa đồng bộ, thiếu hụt nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực, thiếu hụt dữ liệu, sự an toàn và bảo mật thông tin,…
4.1. Hoạt động số hoá trong ngành du lịch còn diễn ra rời rạc
Những hoạt động số hoá trong ngành du lịch còn diễn ra rời rạc, chưa kết nối và xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ và đồng bộ. Do vậy, quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo cũng như thống kê dữ liệu trong ngành gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, hơn 5500 tổ chức, doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã sử dụng phần mềm ứng dụng hệ sinh thái chuyển đổi số của FSI cho ngành du lịch với lộ trình triển khai trọng tâm là dữ liệu, bao gồm 4 giai đoạn: Tạo lập dữ liệu số; Lưu trữ và xử lý dữ liệu; Khai thác dữ liệu; Áp dụng kết quả của dữ liệu vào vận hành tổ chức (FSI, 2023).
Một số tổ chức triển khai phần mềm FSI đa dạng gồm 30 nền tảng, giải pháp, sản phẩm và dịch vụ được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ lõi gồm, Big Data, Machine Learning, AI, RPA,… Các hệ thống phần mềm này có thể đáp ứng mọi tác vụ cần thiết trong hoạt động du lịch như số hoá quy trình vận hành, tạo lập kho lưu trữ tài liệu du lịch số thông minh, chuyển đổi giọng nói thành văn bản, dễ dàng trong việc quảng bá du lịch đa phương tiện, đa nền tảng,… Phần mềm VLAKE giúp doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoạt động trong ngành du lịch có thể xây dựng kho lưu trữ số dùng chung, kết nối đa nguồn dữ liệu được đồng bộ và bảo mật (Hình 4).

Nguồn: FSI, 2023
4.1.2. Thiếu nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực trong ngành du lịch phải đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, vừa số lượng lẫn chất lượng. Theo mục tiêu tổng quát của quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trở thành quốc gia có ngành Du lịch phát triển. Cần xác định chỉ tiêu cụ thể về việc làm cho ngành Du lịch năm 2025 là 3,5 triệu (kể cả 1,05 triệu lao động trực tiếp), năm 2030 là 4,7 triệu lao động du lịch (kể cả 1,4 triệu lao động trực tiếp) (chinhphu.VN(2), 2022).
Để chuyển đổi số ứng dụng du lich thông minh cần phải có nguồn nhân lực giỏi, đội ngũ chuyên gia có năng lực về công nghệ thông tin. Hệ thống đào tạo của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập trong việc bắt kịp xu hướng ươm tạo nhân tài và phát triển nguồn nhân lực du lịch số. Phần lớn, các đại lý lữ hành, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng du lịch, điểm du lịch trong nước chưa nhiều nhân sự có kinh nghiệm về du lịch số để phục vụ yêu cầu chuyển đổi số và nhu cầu của khách du lịch (Cường, 2023).
4.1.3. An toàn và bảo mật thông tin.
Công nghệ 4.0 đem lại cho ngành Du lịch Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển như vạn vật kết nối (IoT), điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo,… Tuy nhiên, mặt trái của thế giới kết nối này là nguy cơ mất an toàn thông tin. An toàn và bảo mật thông tin là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, trên hết là các quyền lợi của du khách (Trang, 2023).
4.1.4. Các yếu tố khác
Một số khó khan khác cũng ảnh hưởng không nhỏ trong việc chuyển đổi số trong việc phát triển du lịch thông minh như hạn chế về nguồn lực tài chánh, công nghệ, rào cản trong văn hoá doanh nghiệp, thiếu hụt về phân tích thông tin, tầm nhìn của người quản lý,…
5. KẾT LUẬN
Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn đặc biệt quan tâm của Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Trong bối cảnh chuyển đổi số để tiếp cận các thành tựu của nền công nghiệp 4.0, phát triển du lịch thông minh, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch của nước ta đã và đang chuyển mình với tốc độ phát triển mạnh mẽ.
Nhiều thực tế ứng dụng công nghệ du lịch của các địa phương, các doanh nghiệp du lịch thể hiện rõ nét qua các yếu tố như sự thiết lập hệ thống dữ liệu số trong lĩnh vực du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế tiếp cận công nghệ mới, ứng dụng thương mại điện tử trong du lịch (E-tousirm). Thêm vào đó, sự tăng cường ứng dụng các công cụ truyền thông trong marking 4.0, trải nghiệm thuận tiện của du khách về an toàn và bảo mật thông tin hay xin visa online. Ngoài ra, một số khó khăn chính trong tình hình chuyển đổi số Việt Nam hiện nay như sự đồng bộ về dữ liệu, sự thiếu hụt về nguồn lực, sự an toàn và bảo mật thông tin,… cũng ảnh hưởng đáng kể trong vận hành du lịch thông minh của nước ta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Sách, tạp chí
An, T.D. (2019). Marketing kỹ thuật số và bán hàng trực tuyến trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Kỷ yếu hội thảo khoa QTKD, Đại học Nguyễn Tất Thành.
An, T.D. (2022). Marketing 4.0 trong thời đại kỷ nguyên số. Kỷ yếu hội thảo khoa QTKD, Đại học Nguyễn Tất Thành.
Hưng, N.D. (2017). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề đặt ra với giáo dục Việt Nam. Nxb. Quân đội nhân dân.
P.K. Kannan & Hongshuang (2017). Digital marketing: A framework, review and research agenda. International Journal of Research in Marketing.
Tau, H.B. (2018). Internet Marketing. SuccessOcean.
Thọ, Lưu Đan (2015). Marketing hiện đại. Nxb. Tài chính.
Yakup D. & Ibrahim H.E. (2016). Travel from Traditional Marketing to Digital Marketing. Global Journal of Management and Business.
B. Internetchinhphu.VN(1). (2017). Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Truy cạp ngày 10/04/2023 tai: https://vanban. chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=189610chinhphu.VN(2). (2022). Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Truy cạp ngày 10/04/2022 tai: https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=205555
Cường, Vũ Mạnh (2023). Thách thức trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch 4.0. Truy cạp ngày 28/03/2023 tai: https://diendandoanhnghiep.vn/thach-thuc-trong-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-du-lich-4-0-239918.html
FSI. (2023). Chuyển đổi số ngành du lịch: Những điểm chính cần biết về xu thế tất yếu thúc đẩy du lịch Việt. Truy cạp ngày 28/03/2023 tai: https://fsivietnam.com.vn/giai-phap-chuyen-doi-so-nganh-du-lich/
Thư viện pháp luật (TVPL(1)). (2017). Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (08-NQ/TW). Truy cạp ngày 10/04/2023 tai: https://thuvienphapluat.vn/ van-ban/Thuong-mai/Nghi-quyet-so-08-NQ-TW-phat-trien-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-2017-338542.aspx
Thư viện pháp luật (TVPL(2)). (2018). Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 (1671/QĐ-TTg). Truy cạp ngày 10/04/2023 tai: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Quyet-dinh-1671-QD-TTg-2018-De-an-tong-the-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-linh-vuc-du-lich-401631.aspx
Tổng cụ Du lịch (TCDL(1). (2023). Ra mắt tài liệu Thông tin du lịch tháng 2/2023. Truy cạp ngày 02/03/2023 tai: https://vietnamtourism.gov.vn/post/48086
Tổng cụ Du lịch (TCDL(2). (2023). Ra mắt tài liệu Thông tin du lịch tháng 3/2023 – tháng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của ngành du lịch. Truy cạp ngày 30/03/2023 tai: https://vietnamtourism. gov.vn/post/48658
Trang, Huyền /VOV1. (2023). Nhìn lại du lịch Việt Nam năm 2022: Lấy lại cân bằng để bứt phá.
Truy cạp ngày 01/01/2023 tai: https://vov.vn/du-lich/nhin-lai-du-lich-viet-nam-nam-2022-lay-lai-can-bang-de-but-pha-post993973.vov
Trang, Khánh (2022). Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”. Truy cạp ngày 15/3/2023 tai: https://phutho.gov.vn/vi/hoi-nghi-toan-quoc-ve-du-lich-nam-2023-day-nhanh-phuc-hoi-tang-toc-phat-trien
Trung tâm thông tin du lịch (TTTTDL). (2022). Phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Truy cạp ngày 22/12/2022 tai: https://vietnamtourism.gov.vn/post/46652