VAI TRÒ CỦA DROP-SHIPPING VÀ TÁC ĐỘNG CỦA MÔ HÌNH NÀY ĐẾN HOẠT ĐỘNG LOGISTICS TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Dương Hoàng Nguyên Khánh
Khoa Quản trị kinh doanh,Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Email: dhnkhanh@ntt.edu.vn
Tóm tắt: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và các ứng dụng của nó trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đã dẫn đến sự xuất hiện của các thuật ngữ mới như cung ứng điện tử, quản trị điện tử, e-CRM (Customer Relationship Management).. v.v….và một trong số các mô hình logistics trong thương mại điện tử dựa trên việc thuê ngoài dịch vụ logistics, đó là dropshipping. Mô hình này bao gồm ba bên là nhà cung cấp, người bán hàng và người tiêu dùng. Trong mô hình này cửa hàng không dự trữ các sản phẩm trong kho và xử lý các đơn hàng trực tiếp, mà yêu cầu nhà cung cấp vận chuyển chúng trực tiếp đến khách hàng. Bài viết này nhằm mục đích giải thích, đánh giá và tóm tắt hệ thống giao dịch trong dropshipping bên cạnh đó cũng đưa ra những đánh giá về sự ảnh hưởng của mô hình này đến hoạt động Logictic trong thương mại điện tử.
Từ khóa: Logistics, thương mại điện tử, e-Commerce, Drop-shipping, bán hàng trực tuyến
1. Giới thiệu:
Thương mại điện tử là một khái niệm hiện đang rất phổ biến, mua sắm online đang thu hút số lượng khách hàng ngày càng tăng. Bán hàng online mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng: từ sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian và quan trọng nhất khách hàng có thể mua hàng ở bất cứ đâu mà khách hàng muốn. Bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cũng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vừa có thể giảm chi phí kinh doanh vừa tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Ngày nay, Internet đã trở thành một phương tiện truyền tải thông tin nhanh chóng. Ngày càng có nhiều công ty, ngoài việc bán hàng tại các cửa hàng, còn bán sản phẩm của mình thông qua thương mại điện tử. Bằng cách đăng các Sản Phẩm của họ lên Internet, họ có cơ hội tiếp cận được nhiều người quan tâm hơn. Sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh trên thị trường thúc đẩy doanh số bán hàng tăng lên nhanh chóng thông qua các kết nối trên Internet, góp phần làm cho thương mại điện tử trở nên phổ biến.
Theo M. Brzozowska-Woś (2014), “thuật ngữ thương mại điện tử (e-commerce)” xuất hiện vào năm 1997 và thường liên quan nhiều nhất đến thương mại điện tử. Tuy nhiên, nhìn chung khái niệm thương mại điện tử được thu hẹp lại trong việc mua bán thông qua Internet. Theo nghĩa rộng hơn, nên đề cập đến được thực hiện từ việc chuyển đơn đặt hàng và xác nhận cũng như xử lý các khoản thanh toán không dùng tiền mặt qua mạng Internet.
Nghiên cứu của Iwińska-Knop (2015) cho thấy yếu tố quan trọng nhất để mua hàng online thường xuyên hơn là chi phí giao hàng thấp hơn. Do đó có thể kết luận rằng mua sắm online có liên quan trực tiếp đến chuỗi cung ứng và dịch vụ giao nhận hàng hóa. Vì vậy, cũng trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ logistics cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Logistics ở đây có 3 yếu tố then chốt quan trọng góp phần vào sự thành công của thương mại điện tử, đó là: quản lý hàng hóa, lưu kho, vận chuyển đến tay khách hàng.
Logistics trong thương mại điện tử phải đảm bảo dữ liệu thông tin đầy đủ giữa khách hàng, người bán và giữa tất cả các liên kết trong chuỗi cung ứng. Khách hàng sử dụng các website thương mại điện tử có những yêu cầu giao dịch cụ thể với tần suất mua hàng nhiều hơn so với khách hàng truyền thống, họ quan tâm đến các yếu tố hậu mãi, chăm sóc khách hàng và đặc biệt là dịch vụ vận chuyển. Chất lượng dịch vụ logistics là chỉ số cơ bản đánh giá sự hài lòng của khách hàng vì vậy hoạt động Logistics có thể đáp ứng kịp thời và đầy đủ khi khách hàng yêu cầu chắc chắn sẽ là thách thức mới cho ngành thương mại điện tử. Do đó, phải đề xuất được các giải pháp và mô hình mới trong lĩnh vực thương mại điện tử để kịp thời đáp ứng được những thách thức mới mà khách hàng yêu cầu.
Để giải quyết những yêu cầu, thách thức trong công cuộc chuyển đổi số này thì Drop- shipping đã ra đời. Drop-shipping giúp hàng hóa được giao thương một cách nhanh chóng, tối giản hóa các hoạt động Logistics, hạn chế tối đa lượng hàng tồn kho, thu nhỏ quy mô của cửa hàng, nhưng lại có thể giúp kiểm soát triệt để nhu cầu từ thị trường của khách hàng, từ đó giúp gia tăng thu nhập, giảm thiểu tối đa rủi ro mà người bán phải chịu.
2. Dropshipping, Logistics và thương mại điện tử
a. Các hoạt động Logistics trong thương mại điện tử
Covid-19 xảy ra, đã thúc đẩy nhiều người tiếp cận hình thức mua sắm trực tuyến. Khách hàng chỉ cần một thiết bị di động hoặc thiết bị điện tử có kết nối với Internet, bằng một cú nhấp chuột hay một chạm họ đã có thể mua được hàng hóa và chờ để nhận hàng. Đông Nam Á là khu vực tăng trưởng của thương mại điện tử khá mạnh. Năm 2021, với quy mô khoảng 13 tỷ USD, doanh số của thương mại điện tử của Việt Nam vươn lên đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLBA), ngành Logistics của Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng 20-25% GDP tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ trong cả nước và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian sắp tới. McKinsey (một công ty tư vấn quản trị toàn cầu) đã đưa ra thống kê sơ bộ về dịch vụ logistics theo hợp đồng hiện tại chỉ chiếm khoảng 20% thị phần phân phân phối của tổng các đơn hàng tại thị trường bán lẻ và hàng tiêu dùng hiện tại. Thị phần còn lại đang được chi phối bởi 3 đối tượng chủ yếu: những công ty thương mại điện tử cá mập, các công ty khởi nghiệp mới thành lập và đối tượng còn lại dịch vụ Logistic nội bộ của các công ty, các tập đoàn lớn.
Theo Tạp chí Nghiên cứu Nâng cao quốc tế (IJAR), để đảm bảo thời gian giao hàng nhanh nhất, độ chính xác cao nhất trong từng đơn hàng, nhưng chi phí tiết kiệm một cách tốt nhất, một số doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình thương mại điện tử đã tự thành lập các công ty chuyên cung cấp dịch vụ Logistics cho chính họ và cho cả thị trường thương mại điện tử, Lazada là một trong số đó. Theo các chuyên gia, hoạt động đầu tư vào logistics là đang nhìn đến tương lai và đem lại trải nghiệm, chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người dùng. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ thì tốc độ giao hàng cũng là một yếu tố rất quan trọng giúp góp phần thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Người tiêu dùng hài lòng, đánh giá tốt về chất lượng sản phẩm cũng cho thấy việc kinh doanh trực tuyến đã thành công.
Theo thống kê từ những năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã dần chuyển từ việc mua trực tiếp từ siêu thị, chợ sang mua, đặt hàng trực tuyến trên các trang web, các sàn thương mại điện tử. Đó cũng là cơ hội giúp các sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee….. gia tăng số lượng giao dịch, tăng trưởng về thị phần và điều này đã góp phần một số công ty logistics có thể tồn tại trong khi đại dịch bùng phát mà không bị giảm doanh thu quá nhiều. Từ những yếu tố trên cho thấy, mọi doanh nghiệp quyết định mua bán trên nền tảng Internet đều phải đối mặt với các tình huống về việc lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp cho hoạt động kinh doanh của mình. Mô hình nào sẽ được sử dụng sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: khả năng tài chính, kiến thức và khả năng sử dụng công nghệ thông tin. Các mô hình giao dịch online khả thi mà các nhà quản lý doanh nghiệp có thể sử dụng là:
- Tạo được kho hàng riêng: để lưu kho khi bán hàng hóa. Hàng hóa được đặt trực tiếp từ nhà sản xuất, vận chuyển đến kho lưu trữ chuẩn bị sẵn sàng giao hàng đến khách hàng khi khách hàng đặt hàng. Việc có một hệ thống kho bãi đủ lớn sẽ giúp cho Doanh nghiệp xử lý đơn hàng một cách nhanh chóng, điều đó sẽ đem đến sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ mà người bán cung cấp. Tuy nhiên việc có hệ thống kho bãi đủ rộng sẽ đòi hỏi nhà quản lý Doanh nghiệp phải sử dụng một lượng chi phí không hề nhỏ để thuê, thậm chí là mua và xây dựng kho bãi.
- Vận chuyển kịp thời: mô hình này thường được sử dụng bởi các cửa hàng trực tuyến, kho của của hàng liên kết trực tiếp với kho của nhà cung cấp. Khi Doanh nghiệp kinh doanh online nhận được một đơn đặt hàng của khách hàng thì lập tức người quản lý Doanh nghiệp liên hệ với kho của nhà cung cấp để nhận hàng, sau đó tiến hành giao hàng gần như ngay lập tức đến khách hàng. Tuy nhiên đôi lúc nhà cung cấp cũng không có sẵn hàng trong kho khiến cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến các tình huống hủy đơn do chậm trễ giao hàng.
- Drop-shipping: mô hình này tương tự như mô hình vận chuyển kịp thời nhưng có một điểm khác biệt đặc trưng cụ thể là hàng hóa sẽ được gửi trực tiếp từ nhà cung cấp đến thẳng tay của khách hàng (vận chuyển kịp thời phải mất một bước chuyển từ nhà cung cấp đến tay Doanh nghiệp sau đó mới đến khách hàng). Điều này làm tăng tốc độ xử lý đơn hàng của doanh nghiệp rất đáng kể. Mô hình này cũng không cần phải có kho riêng, không cần phải có hàng hóa. Nhưng cũng giống mô hình vận chuyển kịp thời, mô hình này không chủ động được nguồn hàng và chất lượng dịch vụ khách hàng đối với Sản phẩm mà Doanh nghiệp bán
- Sự hoàn chỉnh trong kinh doanh: mô hình này là một Doanh nghiệp điều hành hoàn chỉnh các cửa hàng trực tuyến. Người điều hành doanh nghiệp phân phối tất cả các hoạt động từ kho bãi, đóng gói, vận chuyển, giao hàng đều do một công ty thứ 3 đảm nhiệm. Hàng hóa mua từ nhà cung cấp sẽ được lưu tại kho của công ty thứ 3, các hoạt động từ kế toán, đóng gói….đều do công ty thứ thực hiện, tất cả các nguồn lực đều thuê bên ngoài. Mô hình này phù hợp với các sản phẩm, hàng hóa kinh doanh theo mùa vì thời gian thuê công ty thứ 3 ngắn, không cần tốn thời gian để xử lý sắp đặt trong các hoạt động Logistic.
Trong các mô hình vận hành Doanh nghiệp online thì khả thi nhất là Dropshipping, mô hình này hạn chế tối đa về chi phí khi tham gia thị trường thương mại điện tử, phạm vi hoạt động của cửa hàng được thu hẹp chỉ việc nhận đơn hàng từ khách hàng, sau đó điều hướng đơn hàng đến nhà cung cấp và để nhà cung cấp xử lý mọi việc còn lại.
b. Khái niệm về Drop-shipping:
Dropshipping là một chiến lược trong đó người bán online giới thiệu và chào bán sản phẩm mà không cần phải lưu kho, để khi người mua mua hàng xác nhận đơn đặt hàng, đơn hàng sẽ được gửi và giao trực tiếp từ kho của của người bán (drop-shipper) thẳng đến tay của khách hàng một cách nhanh nhất (có thể trong vòng 24 giờ).
Đặc điểm quan trọng cần chú ý của phương thức này là sự kết nối giữa nhà cung cấp và khách hàng vì mức độ hài lòng của khách hàng với các nhà bán hàng online trong môi trường thương mại điện tử phụ thuộc vào việc hoàn thành đơn hàng do nhà cung cấp hàng hóa thực hiện (dịch vụ vận chuyển, giao hàng, trả hàng, khiếu nại, giải đáp thắc mắc khách hàng…)
Ngoài ra mô hình này còn có thể được coi là một mô hình kinh doanh, sáng kiến liên doanh giữa nhà cung cấp và người bán hàng mà đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất ít, không cần đội ngũ bán hàng, kho bãi, các khâu hậu cần, các hợp đồng phức tạp và hàng tá thứ khác khi ai đó muốn bắt đầu kinh doanh.
c. Quy trình hoạt động của drop-shipping:
Bước 1: Nhà bán lẻ cần quảng bá sản phẩm của nhà cung cấp, thỏa thuận các điều khoản cần hợp tác với nhà cung cấp. Trong thỏa thuận này sẽ thiết lập sự đảm bảo về quyền lợi cho cả hai bên về Sản phẩm – dịch vụ, quy trình bán hàng, phương thức giao hàng, điều kiện giao hàng, chính sách hóa đơn, trả hàng hoàn tiền…….
Bước 2: Nhà bán lẻ phát triển và quản lý cửa hàng trực tuyến của mình, mô tả sản phẩm, hình ảnh của sản phẩm cho khách hàng theo thông tin của nhà cung cấp cung cấp cho người bán. Nhà bán lẻ phải thường xuyên liên lạc với nhà cung cấp để cập nhật nhanh chóng về tình hình hàng hóa, chính sách khuyến mãi để cập nhật nhanh nhất thông tin đến khách hàng.
Bước 3: Khách hàng mua hàng hóa, thanh toán trực tiếp thông qua cửa hàng trực tuyến của nhà bán lẻ. Sau đó nhà bán lẻ sẽ chuyển đơn hàng cho nhà cung cấp. Bằng cách đó, nhà bán lẻ sẽ được hưởng phần trăm hoa hồng tương ứng trên mỗi đơn vị sản phẩm mà họ bán được.
Bước 4: Nhà cung cấp gửi hàng đã được khách hàng đặt dưới tên cửa hàng trực tuyến của nhà bán lẻ đến vị trí của khách hàng và đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong chuỗi cung ứng, đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng một cách an toàn và nhanh chóng nhất.
Nguồn: Miljenović, D., 2022
3. Kết luận
Tóm lại, giao dịch dựa trên mô hình dropshipping trong thương mại điện tử chắc chắn là một công việc có rủi ro thấp. Điều này là do mô hình không đòi hỏi các nhà bán lẻ phải có nguồn tài chính lớn để bắt đầu, tức là cần có tiền để nhập hàng hóa, có kho riêng, phải thuê người đóng gói và vận chuyển hàng hóa. Ưu điểm của loại hoạt động này là trong trường hợp nhà bán lẻ thất bại rất dễ rời khỏi thị trường. Tuy nhiên các nhà bán lẻ cũng nên chuẩn bị tốt để bắt đầu mô hình kinh doanh này, vì nếu không có các giải pháp, chiến lược phù hợp, các nhà bán lẻ có thể gặp các rủi ro không đáng có như các chi phí liên quan đến việc tiến hành kinh doanh bao gồm các phí cho máy chủ, tên miền, nền tảng internet, an sinh xã hội, v.v., cũng như tốn thời gian quý báu vào những sản phẩm kinh doanh không thuộc lĩnh vực, tầm hiểu biết của bản thân.
Khi triển khai loại hình kinh doanh này, bạn chắc chắn nên cần tập trung vào việc lựa chọn những nhà cung cấp có thương hiệu, uy tín nhất định đang hoạt động trong hệ thống Dropshipping để hợp tác, vì sự thành công của nhà bán lẻ phần lớn sẽ phụ thuộc vào các nhà cung cấp này. Khách hàng hiện nay ngày càng có hiểu biết và yêu cầu cao hơn trong dịch vụ lẫn sản phẩm. Nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực thương mại điện tử cho thấy yếu tố quyết định việc mua hàng trong cửa hàng trực tuyến hiện không phải là giá cả mà là thời gian giao hàng, khả năng trả lại hàng khi hàng hóa trục trặc và không hài lòng một cách tốt nhất, miễn phí… Bên cạnh việc phục vụ khách hàng, các hoạt động hậu cần này đều được giao cho kho của nhà cung cấp chứ không phải chủ cửa hàng bán lẻ.
Bên cạnh đó chủ của hàng bán lẻ cũng nên cân nhắc các hoạt động quảng cáo và các hoạt động liên quan đến SEO và SEM, phải sử dụng từ khóa một cách phù hợp, nhập URL của cửa hàng vào bên trong công cụ tìm kiếm, đăng ký cửa hàng trên Google Doanh nghiệp….. Cấu trúc xây dựng trang web cũng rất quan trọng, vì người tiêu dùng không thích “click” nhiều để tìm thấy sản phẩm mình đang tìm kiếm, cũng như việc lựa chọn nền tảng internet phù hợp, dễ tích hợp với nhà cung cấp.
Cuối cùng, mặc dù thực tế rằng dropshipping chỉ là một mô hình logistics đang phát triển năng động trong lĩnh vực thương mại điện tử và vẫn còn rất ít nhà bán buôn quyết định hoạt động trong một hệ thống như vậy, nhưng vẫn đáng để xem xét giao dịch dựa trên mô hình logistic này. Dropshipping có thể là một ý tưởng hay cho các công ty mới thành lập cũng như những công ty đã tồn tại và muốn huy động vốn từ các hoạt động bổ sung hoặc những người đã làm việc toàn thời gian ở đâu đó và muốn kiếm thêm tiền sau giờ làm. Một giải pháp tốt cho cửa hàng trực tuyến có thể là kết hợp một số mô hình hậu cần, ví dụ như dropshipping với mô hình dựa trên kho hàng của riêng bạn hoặc phương pháp vận chuyển kịp thời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
- Brzozowska-Woś, (2014). Kierunki rozwoju handlu elektronicznego. Przedsiębiorstwo we współczesnej gospodarce–teoria i praktyka, 9(1), 5-15.
- Iwińska-Knop, (2015). Logistyczna obsługa klienta jako determinanta zakupów w handlu elektronicznym. Ekonomiczne Problemy Usług, (117), 133- 142.
- Hayes, M., & Youderian, A. (2013). The ultimate guide to dropshipping. Lulu.
- Miljenović, D., & Beriša, B. (2022). Pandemics trends in E-commerce: drop shipping entrepreneurship during COVID-19 pandemic. Pomorstvo, 36(1), 31-
- “Pod, drop-shipping là gì” https://omisell.com/vi-vn/blog/pod-dropshipping- lagi/#:~:text=V%E1%BB%9Bi%20dropshipping%2C%20ng%C6%B0%E1%B B%9Di%20kinh%20doanh,ch%C4%83n%2C%20tranh%2C%2C..
- “Vai trò của Logistics với thương mại điện tử trong bối cảnh kinh tế số ở Việt Nam” https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/vai-tro-cua-logistics-voi-thuong-mai- dien-tu-trong-boi-canh-kinh-te-so-o-viet-nam-105212.htm