SỰ THĂNG TRẦM CỦA MARKETING QUA CÁC THỜI KỲ VÀ XU HƯỚNG MARKETING TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ SỐ
Đoàn Thị Ngọc
Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Email:dtngoc@ntt.edu.vn
Tóm tắt: Lĩnh vực marketing đã ngày càng phát triển với tốc độ nhanh chóng trong thời đại công nghệ tiên tiến như hiện nay. Các doanh nghiệp cũng dần thay đổi phương thức tiếp thị, quảng cáo sao cho phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường mục tiêu. Ngành Marketing cũng là ngành thay da đổi thịt mạnh mẽ nhất qua các thời kỳ công nghệ, để phù hợp nhất với cách thức hoạt động, vận hàng quảng cáo tiếp thị bắt kịp xu hướng mới. Nhờ có công nghệ, các doanh nghiệp đã thay đổi nhiều hình thức marketing từ khâu thiết kế, phân phối, quảng bá hình ảnh. Từ đó đã giải quyết tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tăng doanh số bán hàng và sự trung thành với thương hiệu của doanh nghiệp mình.
Từ khóa: xu hướng marketing 4.0, digital marketing, marketing tương tác
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghệ 4.0. Mạng Internet đã làm thay đổi các hoạt động của con người trong mọi lĩnh vực. Nhờ vào các công cụ số mà hoạt động marketing của các doanh nghiệp đã có những bước đột phá đáng kể. Ngày nay, các thông tin quảng cáo có nhiều hình thức, nội dung thu hút, bắt mắt hơn trước. Qua các thời kỳ, nhờ vào cuộc cách mạng công nghệ, ngành marketing cũng dần thay da đổi thịt và phát triển mạnh mẽ. Trong bài viết này, đề cập đến sự thăng trầm của ngành marketing qua các thời kỳ cách mạng công nghiệp và xu hướng marketing mới trong thời đại công nghệ số.
2. SỰ THĂNG TRẦM CỦA NGÀNH MARKETING QUA CÁC CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ
Sự bùng nổ của các cuộc cách mạng công nghệ đã làm thay đổi mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có lĩnh vực marketing. Nhân loại đã trải qua cuộc cách mạng công nghệ 1.0 với sự ra đời của động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 2.0 với sự ra đời của động cơ điện. Cuộc cách mạng công nghệ 3.0 là một bước tiến rất lớn cho nhân loại với sự ra đời của internet. Và hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 với công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano. Qua đó, thuật ngữ Marketing 1.0, Marketing 2.0, Marketing 3.0 và Marketing 4.0 dần được hình thành với các hình thức khác nhau, để mô tả sự phát triển của marketing trong từng thời kỳ.
Marketing 1.0
Marketing 1.0 xuất hiện từ cuộc CMCN 1.0 bùng nổ. Cuộc cách mạng lần thứ nhất bắt đầu ở Anh vào cuối thế kỷ 18 với sự ra đời của máy hơi nước. Vào thời kỳ đó, sự thay đổi quá lớn của công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất dần thay thế cho phương thức sản xuất thủ công. Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng gia tăng, khiến cầu vượt cung. Để theo đuổi doanh thu bán hàng, các doanh nghiệp trong thời kỳ này chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm của mình và không quan tâm đến tìm hiểu thị trường và phục vụ các phân khúc khách hàng khác nhau. Có thể nói, marketing trong thời kỳ này chính là giai đoạn lấy sản phẩm làm trung tâm, tìm cách để giảm bớt chi phí sản xuất, tăng năng suất và đem đến giá cả hợp lý với người tiêu dùng đại trà.
Hoạt động tiếp thị trong giai đoạn này còn nhiều hạn chế, các quảng cáo chỉ tập trung đưa thông tin cơ bản về tiện ích, tính năng và hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Chủ yếu xuất hiện trên các kênh truyền thống như đài phát thanh, tạp chí, truyền hình,….Thời kỳ này không chú trọng đến phản hồi của người tiêu dùng đến sản phẩm, nên hạn chế trong việc đo lường hiệu quả của chiến dịch truyền thông mang lại.
Marketing 2.0
Marketing 2.0 diễn ra khi cuộc CMCN 2.0 – một cuộc cách mạng về khoa học và kỹ thuật bùng nổ. Việc ra đời của năng lượng điện và hàng loạt của các dây chuyên sản xuất quy mô lớn. Thời kỳ này, công nghệ kỹ thuật đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, đài phát thanh…ra đời đã làm thay đổi hoàn toàn văn hóa xã hội ở giai đoạn hiện tại. Khách hàng giờ đây có thể tiếp cận thông tin về sản phẩm, dịch vụ một cách dễ dàng hơn . Họ trở nên khó tính hơn trong việc tìm hiểu, so sánh và đánh giá về mặt tính năng, hình thức giữa các sản phẩm cùng loại rồi mới ra quyết định mua hàng của mình. Từ đó, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bắt đầu xuất hiện và ngày càng gia tăng. Vì vậy, để có thể đương đầu với sức ép cạnh tranh và hoạt động ổn định. Mục tiêu của doanh nghiệp trong giai đoạn này là định vị thương hiệu, tạo ra giá trị khác biệt cho sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu và khắc sâu vào tâm trí khách hàng về thương hiệu của doanh nghiệp.
Marketing 3.0
Marketing 3.0 được phát triển khi CMCN 3.0 được bắt đầu với sự ra đời của internet và phát triển của công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa sản xuất. Cuộc cách mạng này còn được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay là cuộc cách mạng số. Máy tính và smartphone ngày càng phổ biến, cho phép người dùng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và có thể kết nối, tương tác với nhau ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Điều đó đã khiến cho khách hàng ngày càng có nhiều thông tin về sản phẩm và hành vi mua hàng có nhiều thay đổi. Đây là giai đoạn khách hàng được thể hiện sở thích, nguyện vọng, tâm tư của mình và có thể dùng tiếng nói cá nhân ảnh hưởng đến hành vi của người khác. Marketing giai đoạn này tập trung lấy khách hàng làm trung tâm phục vụ tất cả các mong muốn của khách hàng, lấy sứ mệnh và giá trị thương hiệu đem lại để cống hiến và phục vụ cộng đồng. Marketing giai đoạn này không chỉ gói gọn trong việc phục vụ nhóm khách hàng mục tiêu, mà đòi hỏi doanh nghiệp đóng góp các giá trị thặng dư xã hội ngoài lợi nhuận kinh doanh.
Marketing 4.0
Marketing 4.0 là phương pháp tiếp cận Marketing kết hợp giữa các tương tác trực tuyến và trực tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng của mình. Gắn liền với cuộc CMCN 4.0 với sự phát triển của internet, của vạn vật kết nối, của “thế giới phẳng” đã đem đến nhiều sự thay đổi. Khách hàng hiện nay ngày càng khó tính hơn, nhu cầu cá nhân hóa ngày càng cao, nhiều yếu tố chi phối quyết định của họ hơn, đòi hỏi người làm marketing cũng cần có những chiến lược phù hợp hơn trong cách tiếp cận.. Marketing 4.0 lấy con người làm trung tâm và sử dụng internet để tạo nên sự kết nối. Theo Philip Kotler và cộng sự, Marketing 4.0 đã làm thay đổi marketing truyền thống 4P ( Product, Price, Place và Promotion) sang marketing 4C (Co-creation, Currency, Community và Conversation).
- Co-creation (Đồng sáng tạo): Sản phẩm không chỉ do cá nhân doanh nghiệp tạo ra nữa mà còn dựa vào trải nghiệm, kiến thức và nhu cầu của cộng đồng. Ngày nay, khách hàng có thể góp ý, phản hồi về những mong muốn cá nhân về sản phẩm và dịch vụ, giúp doanh nghiệp lên ý tưởng sản phẩm phù hợp nhất với thị trường mục tiêu. Hình thức Co-creation có thể nhận thấy rõ nhất ở các công ty công nghệ.
- Currency (Định giá linh hoạt): dựa trên nhu cầu thị trường, giá cả có thể linh hoạt thay đổi dựa vào nhu cầu của người dùng, khả năng cung ứng của doanh nghiệp, cân bằng giữa cung và cầu để đưa ra những phương án tối ưu nhất cho cả khách hàng và doanh nghiệp. Một số hãng taxi công nghệ như: Grap, GoViet…sẽ định giá linh hoạt theo nhu cầu của thị trường hơn là các hãng truyền thống. Vào giờ cao điểm sẽ có giá cước cao hơn so với thời điểm giao thông thông thoáng.
- Community (Cộng đồng): Trước đây muốn bán được hàng, doanh nghiệp phải có các kênh phân phối cho mình. Thì giờ đây, thông qua mạng internet doanh nghiệp có thể thiết thập kênh phân phối bằng cách kích hoạt cộng đồng. Vì sản phẩm mới được tạo ra dựa trên nhu cầu của khách hàng, nên sản phẩm mới chắc chắn sẽ được đón nhận dễ dàng hơn. Chính từ những người dùng đầu tiên trong cộng đồng này sẽ lan tỏa, truyền bá thông tin sản phẩm qua các cộng đồng khác nữa và tiếp tục được đánh giá và cải tiến. Thứ một sản phẩm cần trong thời đại công nghệ 4.0 là gì? không còn là Place nữa mà là Communal Activation – biến cộng đồng trở thành kênh phân phối của doanh nghiệp.
- Conversation (Thảo luận): khách hàng có thể thảo luận với nhau, chia sẻ trải nghiệm của bản thân. Mỗi một khách hàng sẽ là một kênh quảng bá hiệu quả cho doanh nghiệp. Nếu tận dụng được điều đó, để khách hàng nói về sản phẩm sẽ khiến sản phẩm, thương hiệu nhanh chóng trở nên gần gũi đáng tin cậy hơn với công chúng.
3. XU HƯỚNG MARKETING TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHIỆP 4.0
3.1 Digital marketing
Với sự phát triển của internet và công nghệ số đã tạo ra bước tiến rất lớn trong ngành marketing. Các nền tảng quảng cáo online dựa trên các ứng dụng công nghệ đã mang lại hiệu quả như Google, Youtube, Facebook, Gmail, Zalo, Instagram… Việc tiếp cận khách hàng thông qua nhiều hình thức online được tận dụng triệt để và đã mang đến thành công vượt trội cho các doanh nghiệp.
Digital Marketing là một chiến lược kinh doanh thông qua sự hỗ trợ của internet, các nền tảng công nghệ làm phương tiện cho các việc quảng bá sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Đặc điểm của digital marketing là sử dụng các phương tiện kỹ thuật số, tiếp cận và tương tác khách hàng trong môi trường kỹ thuật số.
Digital Marketing là việc doanh nghiệp, tổ chức sử dụng các công cụ kỹ thuật số để tiến hành phân tích hành vi, giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút khách hàng. Theo định nghĩa của Wikipedia về Digital Marketing: “Tiếp thị kỹ thuật số là tiếp thị các sản phẩm hoặc dịch vụ sử dụng công nghệ số, chủ yếu là trên Internet, nó còn bao gồm cả điện thoại di động, quảng cáo hiển thị vào bất kỳ phương tiện kỹ thuật số khác”. Theo Asia Digital Marketing Association (2021) định nghĩa: “Digital Marketing là chiến lược sử dụng công cụ Internet để làm phương tiện cho hoạt động marketing và thực hiện trao đổi thông tin. Bằng tất cả các kênh phương tiện kỹ thuật số hiện có, các doanh nghiệp sẽ thực hiện Digital Marketing để xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu, sản phẩm trực tuyến”
Một số công cụ nổi bật của Digital Marketing là:
- Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO – search engine optimization):
Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) là quá trình tối ưu hóa nội dung trực tuyến để nó được hiển thị với vị trí nổi bật hơn mà không phải trả tiền trên công cụ tìm kiếm cho các tìm kiếm của một dữ liệu đầu vào nhất định.
SEO có những lợi ích tuyệt vời đối với doanh nghiệp. Đầu tiên, SEO có thể giúp tối ưu hóa lợi tức đầu tư nhờ đo lường được hiệu quả qua các chỉ số chủ chốt như: lưu lượng truy cập Website, tỷ lệ chuyển đổi thành doanh số,… từ đó nắm được các xu hướng tìm kiếm của khách hàng và từ đó cải thiện website một cách hiệu quả hơn. Thứ hai, SEO giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, tiết kiệm thời gian khi chủ động tiếp cận được khách hàng tìm năng thông qua hành vi trực tuyến của họ.Thứ ba, qua phân tích lưu lượng truy cập Website mà doanh nghiệp có thể nắm bắt được đặc điểm và hành vi của khách hàng tiềm năng, từ đó đưa ra các chiến dịch marketing hiệu quả. Thứ năm, SEO giúp tăng độ tin cậy của website trên danh sách của công cụ tìm kiếm, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu, thu hút khách hàng tiềm năng và tăng doanh số hiệu quả.
Một số công cụ hỗ trợ SEO thông dụng như: Google Webmaster Tools, Google Analytics, KeywordTools, Screaming Frog SEO…
- Quảng cáo trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột (PPC – Pay per click):
PPC là viết tắt của cụm từ “Pay-per-click”, nghĩa là quảng cáo tính phí cho mỗi lần nhấp chuột của khách hàng vào trang web khi tìm kiếm. Thay vì các doanh nghiệp phải khó khăn trong việc tìm kiếm những lượt truy cập tự nhiên, thì PPC sẽ mang tới cho doanh nghiệp nhiều lượt truy cập của người dùng một cách nhanh chóng hơn. Các nền tảng quảng cáo PPC phổ nhất cho phép nhà quảng cáo đưa quảng cáo của mình lên top đầu mỗi khi người dùng tìm kiếm, có thể kể đến là: Google Ads, Facebook Ads, chrome… Quảng cáo PPC giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian so với SEO hay đăng bài blog và giảm thiểu chi phí đáng kể so với các hình thức quảng cáo truyền thống khác như truyền hình hay báo in…
- Tiếp thị trang web (Website Marketing):
Website Marketing là quá trình sử dụng trang website để tiếp thị cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, bao gồm tất cả các hoạt động giới thiệu, thu hút khách hàng truy cập vào website và thực hiện hành động trên website ( như mua hàng, tìm hiểu thông tin…). Thông qua website, thông tin về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được giới thiệu một cách chi tiết và rõ ràng sẽ thu hút và giữ chân khách hàng ở lại website lâu hơn. Thông qua các công cụ phân tích được cài đặt sẽ cho phép doanh nghiệp nắm bắt được hành vi khách hàng, và sử dụng dữ liệu này cho việc tối ưu hiệu quả của website marketing.
- Tiếp thị nội dung (Content marketing):
Tiếp thị nội dung là hoạt động marketing của một doanh nghiệp tập trung vào việc tạo ra và các nội dung có giá trị, liên quan đến sản phẩm/dịch vụ. Theo James O’Brien của Contently “Ý tưởng trung tâm của tiếp thị nội dung là một thương hiệu phải mang lại thứ gì đó có giá trị để nhận lại thứ gì đó có giá trị. Thay vì quảng cáo, hãy là chương trình. Thay vì quảng cáo banner, hãy là câu chuyện tính năng”. Lợi ích của tiếp thị nội dung là giúp doanh nghiệp tạo ra khách hàng tiềm năng, cải thiện sự hài lòng của khách hàng, tăng độ nhận diện thương hiệu và từ đó bùng nổ doanh số bán hàng. Các hình thức được các nhà marketing áp dụng phổ biến là: Blogs, Ebook, Videos, Infographic, Email, Social media.
- Tiếp thị truyền thông xã hội (SMM- social media marketing):
Công nghệ phát triển, đại đa số người dùng hiện nay đều sử dụng mạng xã hội. Nó được xem là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp khi tiến hành các chiến lược quảng cáo. Tiếp thị truyền thông xã hội hay còn gọi là truyền thông marketing là một hình thức tiếp thị sử dụng nền tảng truyền thông xã hội để thúc đẩy sự tương tác của khách hàng nhằm xây dựng thương hiệu, tăng doanh số bán hàng qua các hoạt động như đăng nội dung bằng văn bản và hình ảnh, video và các nội dung khác. Các nền tảng mạng xã hội chính hiện nay có thể kể đến là: Facebook, Instagram, Twitter, LinkedIn, Pinterest, YouTube và Snapchat.
- Tiếp thị liên kết (Affiliate marketing):
Tiếp thị liên kết (affiliate marketing) là một hình thức đã phổ biến ở nước ngoài và xâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam trong những năm gần đây. Đây là một cách để các doanh nghiệp tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ của mình dựa trên nền tảng Internet. Trong đó, một công ty liên kết sẽ quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ cho nhiều doanh nghiệp có hàng hóa và dịch vụ và được hưởng hoa hồng từ phương thức quảng bá này thông qua lượng truy cập, doanh số bán hàng hoặc mức độ thành công của đơn hàng. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã kéo theo sự mở rộng của thị trường liên kết tại Việt Nam. Một số trang tiếp thị liên kết có uy tín trên thị trường hiện nay là: Accesstrade, Masoffer, Adflex, Lazada, shopee affiliate.
3.2 Marketing tương tác
Với việc tận dụng các công cụ công nghệ, hoạt động marketing tương tác là việc gắn hoạt động marketing với công nghệ số. Marketing tương tác là phương pháp tiếp thị 1-1 tập trung vào từng đối tượng khách hàng tiềm năng. Nó bao gồm khả năng tương tác với khách hàng thông qua các kênh giao tiếp hai chiều như: Web, Email, Mạng xã hội, các thiết bị thông minh như điện thoại và máy tính bảng và các ứng dụng di động. Khách hàng kết nối trực tiếp với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định được nhu cầu của khách hàng một cách chính xác hơn. Từ đó có thể đưa ra các điều chỉnh phù hợp cho sản phẩm của mình.
Theo Marketing School (2020) thì các yếu tố về văn hóa, nhân khẩu học, tâm lý đều ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi trực tuyến cảu khách hàng. Từ các hoạt động trực tuyến, doanh nghiệp có thể thu thập được lượng thông tin khổng lồ về khách hàng. Điều đó cho phép các doanh nghiệp theo dõi và lưu trữ dữ liệu này để sử dụng trong các thiết kế chiến lược marketing và kinh doanh tổng thể trong tương lai. Marketing tương tác tăng mức độ tương tác người dùng, gia tăng nhận thức về thương hiệu, sự tin cậy của khách hàng. Từ đó tạo ra thị trường khách hàng mục tiêu tiềm năng, từ đó giúp tăng doanh số cho doanh nghiệp.
Một số chiến lược marketing tương tác:
- Thiết kế các cuộc thi:
Tạo ra các cuộc thi với thể lệ và giải thưởng hấp dẫn qua những hình thức như hình ảnh video, văn bản,… tùy thuộc vào loại sản phẩm. Thúc đẩy mọi người tham gia tích cực và nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc thi. Thông qua các cuộc thi giúp công ty đạt được nhiều mục đích như gia tăng nhận biết thương hiệu, lòng trung thành với thương hiệu, tăng doanh số bán hàng, thúc đẩy chuyển đổi,…Nhằm quảng bá sản phẩm tour du lịch, doanh nghiệp có thể tặng vé máy bay miễn phí cho các chuyến du lịch trải nghiệm cho khách hàng.
- Thăm dò và khảo sát tương tác:
Thông qua trực tuyến, doanh nghiệp có thể đưa ra cuộc thăm dò ý kiến và khảo sát tương tác đối với khách hàng của mình. Qua đó, doanh nghiệp có được thông tin về suy nghĩ và sở thích của khách hàng về một sản phẩm, dịch vụ nào đó. Một trong những câu hỏi thường được sử dụng như thương hiệu yêu thích, địa điểm yêu thích, hoặc dạng câu hỏi mang tính lựa chọn,….
- Video tương tác:
Video tương tác là video kỹ thuật số hỗ trợ tương tác với người dùng thông qua cử chỉ, giọng nói, cảm ứng, và nhấp chuột. Video tương tác cho phép người dùng trở thành những nhân vật trong câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp, những người đưa ra quyết định về cách diễn biến của cốt truyện. Hoặc có thể trả lời các câu hỏi trực tiếp trong video bằng việc nhấp chuột vào câu trả lời. Hình thức video tương tác tạo ra trải nghiệm giống như trò chơi thu hút sự chú ý và hấp dẫn đối với người dùng. Từ đó làm gia tăng khả năng ghi nhớ của khách hàng đến thương hiệu của doanh nghiệp.
Có rất nhiều công ty cung cấp công nghệ sản xuất video tương tác, có thể kể đến: HapYak, SnapApp, Interlude and Wirewax – những đơn vị đang thực hiện đơn giản hóa sản xuất, xuất bản, đo lường và tối ưu hóa các nội dung tương tác thông qua các công nghệ nền tảng của họ.
3.3 Viral marketing
Phương tiện truyền thông xã hội bùng nổ đã góp phần khiến người dùng dành nhiều thời gian để tham gia vào các diễn đàn hay lướt mạng xã hội hơn. Các kênh Social Media như youtube, facebook, blog… là những kênh truyền thông chính góp phần đưa nội dung của các doanh nghiệp đến với nhiều khách hàng hơn. Có thể nói, sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội và xu hướng bán hàng online càng ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ đã góp phần khiến chiến lược Viral Marketing được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Bằng cách thức này, doanh nghiệp sẽ có thể mang lại lượng lớn tương tác và khách hàng tiềm năng. Viral Marketing hay tiếp thị lan truyền là một chiến lược Marketing có khả năng tác động đến hành vi chia sẻ, lan truyền nội dung, thông điệp từ người này đến người khác một cách nhanh chóng. Theo Helm (2000) thì tiếp thị lan truyền là một loại hình quảng cáo gần giống như một phiên bản trực tuyến của quảng cáo truyền miệng.
Hashtag được xem là một công cụ giúp nội dung lan truyền rộng rãi hơn trên các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, Twitter, Youtube, và mới nhất là TikTok. Trong một chiến dịch Viral Marketing, phần thiết kế nội dung được coi là phần quan trọng nhất. Nếu nội dung có thể đánh trúng tâm lý khách hàng thì dù được doanh nghiệp thể hiện ở bất kỳ hình thức nào cũng sẽ dễ dàng trở nên viral. Từ đó, khách hàng sẽ chủ động tương tác với doanh nghiệp, làm tăng các chỉ số như lượt xem, lượt thích, lượt chia sẻ,….
4. KẾT LUẬN
Marketing trong thời đại kỹ thuật số như tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), tiếp thị công cụ tìm kiếm (SEM), tiếp thị nội dung, tiếp thị có ảnh hưởng, tự động hóa nội dung, tiếp thị thương mại điện tử, tiếp thị chiến dịch và truyền thông xã hội tiếp thị, tối ưu hóa phương tiện truyền thông xã hội, tiếp thị trực tiếp qua e-mail, quảng cáo hiển thị hình ảnh, sách điện tử, đĩa quang và trò chơi ngày càng trở nên phổ biến. Điều đó chứng tỏ rằng tất cả chúng ta đều được kết nối thông qua mạng internet và việc sử dụng ngày càng nhiều phương tiện truyền thông xã hội đang tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp thu hút ngày càng nhiều khách hàng thông qua nền tảng kỹ thuật số. Nhận thức về động cơ của người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng, vì nó giúp hiểu sâu hơn về những gì ảnh hưởng đến hành vi người dùng để tạo ra nội dung tiếp thị cụ thể. Tiếp thị kỹ thuật số có hiệu quả về chi phí và có tác động thương mại lớn đến doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Asia Digital Marketing Association. (2021). Digital Marketing & Data Base Selling https://www.asiadigitalmarketingassociation.com.
- Barwise, P., Farley, J. U. (2005). The state of interactive marketing in seven countries: interactive marketing comes of age, Journal of interactive marketing, 19(3), 67-80.
- Blattberg, R.C., Deighton, J. (1991). Interactive Marketing: Exploiting the Age of Addressability, Sloan Management Review, 33(1), 5-14
- Burke, R. R., Rangaswamy, A., Gupta, S. (2001). Rethinking Marketing Research in the Digital World,In J. Wind & V. Mahajan (Eds.), Digital Marketing, New York: John Wiley & Sons
- Brewer, B. (2001). Refer a friend: Best practices for referral marketing with email. The DMA Insider, Summer, 30-34.
- David Stone, M., David Woodcock, N. (2014). Interactive, direct and digital marketing: A future that depends on better use of business intelligence, Journal of Research in Interactive Marketing, 8(1), 4-17
- Deighton, J., Barwise, P. (2001). Digital Market Communication, In J. Wind & V. Mahajan (Eds.), Digital Marketing, New York: John Wiley & Sons
- Helm, S. (2000). Viral marketing – Establishing customer relationships by word-of-mouse. Electronic Commerce and Marketing, 10(3), 158- 161.
- Philip Kotler (2017), Tiếp thị 4.0 dịch chuyển từ truyền thống sang công nghệ số, NXB Trẻ.
- Murphy, D. (2002, January 18-20). The friendly virus. Sales Promotion, 18- 20.
- Nguyễn Văn Kỳ (2019). Đẩy mạnh ứng dụng marketing tương tác trong các doanh nghiệp Việt Nam, truy cậptừ http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/day-manh-ung-dung-marketing-tuong-tac-trong-cac-doanh-nghiep-viet-nam-310723.html